Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Vatican có tiếng nói trong thế giới AI

Vatican có tiếng nói trong thế giới AI

Vatican có tiếng nói trong thế giới AI

Mike MacKenzie-(CC BY 2.0)

Hugues Lefèvre

05/02/24


Đức Thánh Cha Phanxicô vừa công bố hai văn bản quan trọng về sự phát triển trí tuệ nhân tạo và những hậu quả của nó, nhấn mạnh đến nguy cơ mất nhân tính.

Đức Giáo Hoàng chắc không thể tìm ra một ví dụ nào tốt hơn để minh họa cho rủi ro mà AI có thể gây ra. Trong vài ngày qua, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội về Đức Hồng y Aguiar người Mexico ca ngợi những ưu điểm của một giải pháp thần kỳ chống lại bệnh tiểu đường.

Đứng trong văn phòng trong y phục hồng y, vị tổng giám mục Mexico quảng cáo một loại thuốc được cho là có thể giúp ngài đánh bại căn bệnh này. Nhưng trên thực tế, tất cả chỉ là lừa gạt: đoạn Video về Đức Hồng y chẳng qua là một sản phẩm của “deep fake”, một trò bịp bợm được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Công ty kia đơn giản chiếm đoạt video chúc Giáng sinh của Đức Hồng y.

Trí tuệ nhân tạo và hòa bình

Vụ việc không phải là đơn giản. Và Tòa Thánh hoàn toàn nhận thức được điều đó. Trong thời gian ba tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố hai văn bản chính về những thách thức mà trí tuệ nhân tạo đặt ra cho nhân loại. Một tài liệu được xuất bản nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm nay vào ngày 1 tháng Một, trong một thông điệp truyền thống thể hiện những mối quan tâm sâu sắc nhất của quốc gia nhỏ nhất thế giới.

Đối với vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, sự phát triển công nghệ chóng mặt này làm dấy lên những lo ngại về hàng loạt tội ác đối với nhân loại. Các mối đe dọa như “chiến dịch thông tin đánh lạc hướng”, “phân biệt đối xử, can thiệp vào các cuộc bầu cử, sự trỗi dậy của một xã hội giám sát theo dõi, sự loại trừ kỹ thuật số và gia tăng của chủ nghĩa cá nhân ngày càng xa rời xã hội”.

Đi sâu hơn nữa vào cuộc sống cụ thể của hàng triệu công dân, Đức Thánh Cha lo ngại rằng AI giờ đây có thể xác định “độ tin cậy của người nộp đơn xin thế chấp tài sản, sự phù hợp của một cá nhân đối với công việc, khả năng tái phạm của một người bị kết án, hoặc quyền được tị nạn chính trị hoặc trợ giúp xã hội.”
Việc lạm dụng AI để tấn công và kiểm soát
Đức Hồng y Czerny cho biết trong buổi trình bày sứ điệp của Đức Thánh Cha tại Rome: “Điểm khiến chúng tôi lo sợ nhất là trí tuệ nhân tạo phục vụ mục đích chiến tranh”.

Đức Hồng Y Czerny kêu gọi cộng đồng quốc tế “bảo đảm việc giám sát trọn vẹn, có ý nghĩa và chặt chẽ của con người đối với các hệ thống vũ khí sát thương tự động”, những thứ “không bao giờ có thể là chủ thể chịu trách nhiệm về mặt đạo đức”. Nói rộng hơn, ngài kêu gọi thông qua “một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc” để điều chỉnh việc phát triển và sử dụng AI.

Trong thế giới truyền thông

Lưu ý thứ hai về vấn đề này của Đức Thánh Cha được đưa ra vào ngày 24 tháng Một, lễ Thánh Phanxicô de Sales – thánh bổn mạng của các nhà báo và nhà truyền thông – là Ngày Truyền thông Thế giới.

Trong một bài suy ngẫm dài về trí tuệ nhân tạo và những tác động của nó đối với truyền thông và xã hội, ngài tố cáo “bóng ma của một hình thức nô lệ mới” và cảnh báo về “khả năng một số ít người được chọn có thể điều khiển suy nghĩ của những người khác”.

Ngài kết luận: “Chúng ta có quyền quyết định việc chúng ta sẽ trở thành thức ăn cho các thuật toán hoặc sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta bằng sự tự do mà nếu không có nó thì chúng ta không thể phát triển sự khôn ngoan”.

Đức Giáo Hoàng không phải là “người sợ công nghệ”

Tuy nhiên, những cảnh báo mạnh mẽ này về các mối đe dọa có thể có của AI đối với nhân loại không có nghĩa là Giáo hội trở thành một tổ chức bác bỏ tiến bộ kỹ thuật. Trên thực tế, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta đừng “loại bỏ ‘cái mới’”, nhưng thay vào đó hãy “hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp”, tin rằng thời đại của chúng ta chắc chắn “giàu công nghệ” nhưng “nghèo nhân bản”.

Ông Mathieu Guillermin là giảng viên người Pháp tại Đại học Công giáo Lyon đã đến Rome để trình bày thông điệp của Giáo hoàng về hòa bình. Ông cũng không nhìn thấy bất kỳ “sự chối bỏ công nghệ” nào nơi Đức Giáo hoàng, ngài là người thể hiện sự vui mừng trước “những tiến bộ phi thường” đã làm giảm bớt “không biết bao nhiêu bệnh tật”.

Vatican cũng không ngây thơ về tương lai của Trí tuệ nhân tạo, điều chắc chắn sẽ tiếp tục mang đến “những thay đổi sâu sắc trong đời sống con người”, đã ký Lời Kêu gọi từ Rome về đạo đức AI vào năm 2020, một tuyên ngôn được soạn thảo dưới sự thúc đẩy của Viện Giáo hoàng về Sự sống.

Đức Tổng Giám mục Paglia ở Ấn Độ nói về AI

Các bên ký kết tài liệu ủng hộ việc phát triển các công nghệ minh bạch, toàn diện, có lợi cho xã hội và có trách nhiệm hơn, bao gồm Microsoft, IBM và Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp Quốc (FAO). Khoảng 200 trường đại học, công ty và ngành công nghiệp trong lĩnh vực này cũng tán thành nó.

Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, chủ tịch học viện, đang tích cực thúc đẩy các nguyên tắc của tuyên ngôn này để hướng dẫn “sự đổi mới tốt đẹp”. Ngài đến Ấn Độ hôm Chúa nhật, ngày 28 tháng Một và trong một tuần đã tổ chức một loạt cuộc họp. Ngài trình bày Lời kêu gọi từ Rome và gợi mở sự suy tư ở một đất nước có gần 700 triệu người sử dụng Internet.

Tại Vatican, các tổ chức khác đang tham gia vào động lực suy tư về AI, bao gồm Bộ Văn hóa và Giáo dục và phòng ban của bộ chuyên về văn hóa kỹ thuật số, Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diệnHàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, là viện với những nỗ lực được dẫn đầu bởi nữ tu Helen Alford người Dominica, một chuyên gia về đạo đức kinh doanh được đào tạo tại Cambridge.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/2/2024]


Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

Lidia Magni | Lidia Magni

Anna Kurian

01/02/24


Vatican mời nghệ sĩ đường phố người Ý, Maupal, người nổi tiếng với những bức vẽ sáng tạo miêu tả Đức Giáo hoàng Phanxicô, minh họa sứ điệp của Đức Phanxicô bằng các áp phích hàng tuần.

Năm nay, vào mỗi Thứ Hai trong Mùa Chay, Bộ Thúc đẩy sự Phát triển con người Toàn diện sẽ xuất bản một bức hình minh họa do họa sĩ Maupal — hay còn gọi là Mauro Pallotta — vẽ minh họa một đoạn trong Sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha. Họa sĩ Maupal được người Rome (và thế giới) biết đến qua những bức ảnh chân dung Đức Phanxicô vẽ trên đường phố của Thành phố vĩnh cửu.


Mắt nhìn của một nghệ sĩ

Chị Muriel Fleury, người đứng đầu phòng truyền thông của bộ giải thích rằng qua việc ủy quyền cho nghệ sĩ đóng góp, mục đích là để “thoát khỏi cách trình bày cổ điển” và mời gọi các Kitô hữu mở rộng tầm nhìn của họ.

Chị cho biết thêm, con mắt của một nghệ sĩ cho phép chúng ta “nhìn thấy những điều mà lẽ ra chúng ta có thể không thấy”.

Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

Lidia Magni | Lidia Magni

Áp phích đầu tiên, được thiết kế xoay quanh chủ đề chung của sứ điệp – “Vượt qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do” – mô tả Đức Phanxicô đẩy một chiếc xe rùa chở một chiếc bao có dán nhãn “đức tin”, đi theo một đường mòn xuyên qua sa mạc rải đầy đinh. Nghệ sĩ Maupal giải thích trong một cuộc họp báo rằng những chiếc đinh này đại diện cho “các ngẫu tượng cũ và mới của chúng ta, tất cả các ngục tù của chúng ta”.

Anh nói thêm: “Khi chúng ta theo chân Đức Thánh Cha Phanxicô, là người mở đường bằng sức mạnh đức tin, những chiếc đinh đó biến mất: con đường trở nên thông thoáng đi được cho tất cả mọi người”.


Vị Giáo hoàng thích hợp vào đúng thời điểm

Đây là điều anh Maupal tin tưởng kể từ khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài Jorge Mario Bergoglio.

Anh nói với Aleteia, “Ngay khi ngài được bầu chọn, tôi thấy nét mặt của ngài rất giống với người ông quá cố của tôi. Tôi bắt đầu chú ý theo dõi ngài nhiều hơn. Tôi rất cảm kích về sự đồng cảm, việc bảo vệ những người yếu đuối nhất của ngài và nó tác động đến cách sống của tôi”.

Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

ROME – 29 THÁNG MỘT, 2014: nghệ sĩ đường phố người Ý Maupal tạo dáng bên bức tranh tường của anh mô tả Đức Giáo hoàng Phanxicô như một siêu nhân, bay trong không trung với chiếc áo choàng trắng của giáo hoàng phấp phới phía sau và cầm một chiếc túi có chữ “Những giá trị”, ở trung tâm thành phố Rome gần Vatican vào ngày 29 tháng 1, 2014.

Photo by Tiziana FABI / AFP

Vì vậy, người nghệ sĩ đường phố bắt đầu vẽ chân dung Đức Phanxicô trên đường phố, làm nổi bật “những điều ngài nói hoặc tìm cách thúc đẩy”. Trên suốt chặng đường, con người tự nhận mình “không phải là một người Công giáo gương mẫu” đã trở nên gần gũi Giáo hội hơn cùng với vị Giáo hoàng thứ 266.

Anh nói: “Đức Thánh Cha Phanxicô thu hút rất nhiều người xa cách Giáo hội, và tôi nghĩ ngài là vị giáo hoàng thích hợp vào đúng thời điểm”.

Nghệ sĩ vẽ tranh đường phố (graffiti) được chọn để minh họa thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha

ROME – NGÀY 19 THÁNG 10 NĂM 2016: Một giám mục đi ngang qua một bức tranh ghép nghệ thuật đường phố của nghệ sĩ người Ý Maupal, miêu tả Đức Thánh Cha Phanxicô đang chơi ca-rô và vẽ những dấu hiệu hòa bình trong khi một hiến binh Thụy Sĩ canh gác trên đường phố gần Vatican.

AFP PHOTO / TIZIANA FABI

Làm cho sứ điệp dễ hiểu

Với bảy bức vẽ của mình, sẽ “tóm tắt bằng đồ họa thông điệp của Đức Giáo hoàng”, họa sĩ Maupal dự định đưa ra “bảy bước để làm cho sứ điệp dễ đọc, ngay cả với một trẻ nhỏ bốn tuổi, theo một phong cách đơn giản, dễ hiểu, tuy nhiên không phải là ‘hời hợt hoặc sáo rỗng.’” Bằng cách truyền tải các giá trị Kitô giáo thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật, anh hy vọng có thể “phá bỏ các rào cản và đồng hành cùng mọi người”.

Đối với tác phẩm mà anh đã cống hiến cả tháng trời này, Maupal cũng sử dụng kinh nghiệm làm việc trong vai trò là họa sĩ với các tù nhân.

“Tôi được gặp những người đã trải qua địa ngục […]. Tôi gặp những người đã vượt qua sa mạc, và nghịch lý thay, họ đã đạt được sự tự do nội tâm, sự tự do mà Thiên Chúa ban tặng,” anh nói với báo chí.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/2/2024]