Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Đức Thánh Cha rửa tội 27 em bé trong Nhà nguyện Sistine (Toàn văn bài giảng)

Đức Thánh Cha rửa tội 27 em bé trong Nhà nguyện Sistine (Toàn văn bài giảng)
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha rửa tội 27 em bé trong Nhà nguyện Sistine (Toàn văn bài giảng)

Lễ Chúa Chịu Phép Rửa, nhắc nhở bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc truyền đạt đức tin, nhắc các người mẹ có thể cho các bé đang đói ăn

13 tháng Một, 2019 10:47

Lễ Chúa chịu Phép Rửa, Đức Thánh Cha Phanxico đã làm phép rửa cho 27 em bé (12 bé trai và 15 bé gái) trong Thánh Lễ ngài dâng sáng nay trong Nhà nguyện Sistine. Trong bài giảng, ngài nhắc nhở bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc truyền đạt lại đức tin cho con cái và trách nhiệm rất lớn mà nó đòi hỏi. Ngài cũng nghe thấy những tiếng khóc vang trong nhà nguyện, và hiểu rằng một số bé có thể đang đói, ngài nhắc các người mẹ có thể cứ tự nhiên cho con ăn như bình thường họ vẫn làm.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) do Phóng viên Vatican của ZENIT, Deborah Castellano Lubov, dịch bài giảng ứng khẩu ngắn của Đức Thánh Cha:


***


Khi bắt đầu nghi thức, tất cả anh chị em đều được hỏi: anh/chị xin gì cho con cái? Và tất cả đều thưa: Thưa xin đức tin. Anh chị em xin Giáo hội đức tin cho con cái của mình. Và hôm nay, các bé sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, món quà của đức tin trong tâm hồn, trong con tim của các bé. Và đức tin này phải lớn lên. Nó phải được phát triển. Chắc có người sẽ nói: vâng, vâng, các cháu cần phải học. Đúng, khi các bé đi học giáo lý, các bé sẽ học hỏi về đức tin. Các bé sẽ học về đức tin. Nhưng trước khi học hỏi về đức tin, thì đức tin đó phải được truyền đạt, và đây là trách vụ thuộc về anh chị. Đây là trách nhiệm của anh chị: truyền đạt lại đức tin. Và anh chị em làm việc này ở nhà, vì đức tin luôn phải được truyền đạt qua những cách nói, những cách nói của gia đình, những cách nói ở nhà … Đây là trách nhiệm của anh chị, hãy truyền đạt lại đức tin bằng gương mẫu, bằng lời nói, dạy các con cách làm Dấu Thánh Giá. Điều này rất quan trọng. Anh chị biết có những thiếu nhi không biết cách làm Dấu Thánh Giá. Các bé làm kiểu như thế này [và Đức Thánh Cha bắt chước cách làm của những người không biết làm Dấu như thế nào], và anh chị em chẳng hiểu đó là gì nữa.

Điều quan trọng là phải truyền đạt lại đức tin bằng đời sống đức tin, tức là con cái nhìn thấy được tình yêu của cha mẹ, sự bình an của gia đình, để chúng thấy Chúa Giê-su hiện diện ở đó. Nếu anh chị cho phép cha có lời khuyên, thì cha khuyên như vầy: Đừng bao giờ cãi nhau trước mặt con cái. Xin đừng bao giờ. Chuyện vợ chồng gây lộn là bình thường, điều đó rất bình thường. Nếu điều đó không bao giờ xảy ra mới là lạ. Nhưng hãy làm khi con cái không nghe thấy, khi chúng không nhìn thấy. Tất cả anh chị em không hiểu được sự đau khổ mà một đứa con cảm nhận khi chúng nghe thấy cha mẹ cãi nhau đâu. Cha xin phép cho anh chị lời khuyên này để giúp anh chị truyền đạt lại đức tin. Gây lộn là xấu, nhưng cũng không phải luôn luôn như vậy. Nó là điều bình thường, nhưng hãy thể hiện thái độ khi các con không nghe hoặc không nhìn thấy, để chúng không cảm thấy đau khổ.

Bây giờ chúng ta tiếp tục nghi thức Bí tích Rửa tội. Anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: trách nhiệm của anh chị là truyền đạt lại đức tin cho con cái, truyền đạt nó ở nhà, vì chính ở đó anh chị đã học đức tin, rồi sau đó anh chị mới học nó trong lớp giáo lý.

Nhưng trước khi tiếp tục, cha muốn nói thêm một điều: các bé hôm nay thấy mình đang ở trong môi trường rất lạ lẫm … có thể các bé thấy hơi nóng, bị quấn hơi nhiều tã lót. Có thể các bé biết là máy điều hòa bị tắt rồi. Các bé khóc vì những lý do đó.

Các bé cũng có thể khóc vì đói. Chúng đang đói. Lý do khóc thứ ba thì có thể ‘chặn lại được.’ Điều đó chẳng có gì lạ. Các bé chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra đâu. [Chắc thế nào cũng có bé bắt đầu nghĩ] ‘Tớ sẽ cất tiếng khóc đầu tiên.’ Rồi chuyện dẫn đến là như những gì đang xảy ra đấy. Rồi chúng ta sẽ thấy. Đó là một hành động tự vệ. Quan trọng là làm sao cho các bé thấy thoải mái. Chú ý đừng mặc quần áo quá nhiều cho các bé [nóng lắm].

Nếu các bé khóc vì đói, hãy cho chúng ăn. Với các mẹ, cha nói rằng: đừng ngại cho các bé ăn. Chúa muốn điều đó, vì các bé khi có điều gì đó khó chịu, liền cất tiếng hợp xướng. Một bé bắt đầu khóc, liền sau đó là bé khác, rồi bé tiếp theo, rồi bé nữa. Rồi sẽ là một bản hợp xướng tiếng khóc.

Chúng ta tiếp tục nghi thức, trong sự cầm trí, với ý thức về trách nhiệm của mình: truyền đạt lại đức tin.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/1/2019]


Bị chia cách sau khi chào đời, chị em sinh đôi cuối cùng gặp nhau trong cùng một dòng tu!

Bị chia cách sau khi chào đời, chị em sinh đôi cuối cùng gặp nhau trong cùng một dòng tu!

Bị chia cách sau khi chào đời, chị em sinh đôi cuối cùng gặp nhau trong cùng một dòng tu!
Dominika Cicha | ALETEIA


12 tháng Một, 2019


Elizabeth và Gabriela cuối cùng gặp nhau trong dòng Nữ tu Thánh Elizabeth: "Chúng tôi nghĩ rằng mẹ của chúng tôi từ trên trời cầu nguyện cho ơn gọi của chúng tôi.”

Ngày 23 tháng Hai năm 1962, chị Cecilia sinh đôi hai bé gái. Nhưng chị không có cơ hội được nhìn các con; chị qua đời khi sinh, do tính phức tạp liên quan đến ca mổ bắt con. Trước hoàn cảnh vô cùng thương tâm này, gia đình không có lựa chọn khác ngoài quyết định phải chia cách hai bé. Một bé do cha đẻ nuôi, và bé kia do người dì em của người mẹ đã qua đời nuôi dưỡng.

Do hoàn cảnh đặc thù mà hai chị em phải đăng ký chính thức là chị em họ. Elizabeth và Gabriela sống trong hai thành phố lân cận, nên cả hai em đi học cùng trường. Hai em thường ngồi cạnh nhau ở hàng ghế đầu, do vấn đề về thị giác cả hai em cùng bị. Hai em rất hiểu nhau, và cả hai thích chơi với nhau, và hai em thường chọn chơi chung các hoạt động. Những đặc điểm chung tương đồng đến cả cách mặc: hai em thường chọn cùng loại giày và áo đầm.


“Hai đứa là chị em họ, nhưng chúng lại giống chị em sinh đôi hơn!”

Cả hai chị em thích những lớp giáo lý và đi tĩnh tâm hơn là theo các chuyến đi về miền quê với bạn bè. Vào ngày Lễ cầu cho các Linh hồn, hai em cùng thể hiện sự yêu quý truyền thống đi viếng các nghĩa trang. Và hàng năm, từng em được đi cùng gia đình đến cầu nguyện tại mộ của một người “Bác Cecilia” nào đó, mà không hề hay biết rằng đó chính là người mẹ đã qua đời của mình.

Suốt thời thơ ấu, Elizabeth và Gabriela thường nghe mọi người nói rằng, “Cả hai đứa là chị em họ, nhưng chúng lại giống chị em sinh đôi hơn!” Một ngày kia khi lên 10 tuổi, Gabriela tình cờ nghe được câu chuyện đối thoại gia đình và khám phá ra bí mật của chính mình. Một thời gian ngắn sau, Elizabeth biết được tin, vào đúng ngày rước lễ lần đầu của em. Hai em mô tả những gì xảy ra:

“Cuộc sống ở thôn quê rất đẹp, ngoại trừ một điều rằng người ta nói chuyện có vẻ khá thoải mái … Chắc chắn đó là một cú sốc cho cả hai chúng tôi, cho dù chúng tôi hiểu rằng ý định của cha mẹ tôi là tốt, và biết rằng họ rất yêu chúng tôi.”


Tiếng gọi

Khi đến tuổi thiếu niên, cả hai chị em cùng thường xuyên tham gia các nhóm cầu nguyện của các nữ tu dòng Nữ tu Bệnh viện Thánh Elizabeth. Cả hai đều cảm nhận được tiếng gọi đến với đời sống tu trì. Hai chị em thảo luận rất nhiều với nhau. Bị cuốn hút bởi linh đạo của dòng, cuối cùng hai chị em quyết định gia nhập dòng Nữ tu Thánh Elizabeth. Ngày giờ đã được định; việc duy nhất còn lại là thời khắc tế nhị để thông báo tin đó cho cha mẹ của hai chị em.

Với Elizabeth, mọi việc diễn ra trôi chảy. Cha của em (người cha đẻ của cả hai chị em) chúc lành cho em. Với Gabriela, chuyện lại xảy ra ngược lại: cha của em cáu gắt và đem giấu thẻ chứng minh (ID) của em và cấm em không được ra khỏi nhà. Một năm rưỡi sau, Gabriela cũng thực hiện được kế hoạch đoàn tụ với người chị em sinh đôi của mình trong dòng. Lấy cớ đi thăm Elizabeth nhân ngày sinh nhật của chị, em chuẩn bị mọi thứ để mãi mãi rời khỏi nơi đó … trước sự vui mừng khôn xiết của Elizabeth, nhưng với cái giá là bị mất hết mọi quan hệ với cha mẹ của em trong một vài năm.


Đoàn tụ

Và bắt đầu thời gian ơn sủng cho cả hai chị em. Đó chính là lúc cả hai chị em có thể cùng nhau sánh bước bên nhau đến với Đức Ki-tô . Năm năm sau, cả hai sẵn sàng khấn trọn. Cha mẹ của Gabriela đến tham dự và cùng đi có linh mục xứ: cuối cùng họ cũng chấp nhận quyết định của em và chúc phúc cho em.

Với Elizabeth và Gabriela, không thể có con đường nào khác:

“Khi mẹ tôi mất, một trong các chị nữ tu trong cộng đoàn của tôi đã cầm lấy tay của mẹ. Chúng tôi nghĩ rằng mẹ của chúng tôi từ trên trời cầu nguyện cho ơn gọi của chúng tôi. Với cách được đoàn tụ như thế này, tức là được đi chung con đường vào nhà tập và thỉnh sinh, là món quà đẹp nhất của mẹ, một món quà được gửi đến từ thiên đàng.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/1/2019]