Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

“Cùng hiệp chung với các Giám mục và tín hữu trên toàn thế giới, tôi khao khát dâng tất cả những gì chúng ta hiện đang trải qua cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria cách trọng thể.”

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ trọng Lễ Truyền tin trong Đền thánh Phêrô ngày 25 tháng Ba, 2022. (photo: Courtney Mares/screenshot / CNA/EWTN)

Vatican 25 tháng Ba, 2022


Ghi chú BTV: Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Lễ Trọng Lễ Truyền tin ngày 25 tháng Ba, 2022 trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô. Dưới đây là toàn văn bài giảng của ngài.

*****

Trong bài Tin mừng Lễ trọng hôm nay, thiên thần Gabriel ba lần nói với Đức Trinh nữ Maria.

Lần thứ nhất là khi Thiên sứ chào Mẹ và nói, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Lý do để mừng vui, lý do để hân hoan, được tỏ lộ trong một vài từ: Đức Chúa ở cùng bà. Thưa anh chị em, hôm nay anh chị em có thể nghe thấy những lời đó nói với anh chị em. Anh chị em có thể lấy những lời đó làm của riêng mình mỗi lần anh chị em tiếp cận với sự tha thứ của Chúa, vì ở đó Chúa nói với anh chị em, “Ta ở cùng con.”

Thường thường, chúng ta nghĩ rằng Xưng tội là đến với Chúa với dáng vẻ chán nản. Tuy nhiên, không còn là vấn đề chúng ta đến với Chúa, nhưng là Chúa đến với chúng ta, đổ đầy ân sủng của Người cho chúng ta, đổ đầy niềm vui cho chúng ta. Sự xưng thú tội của chúng ta là cho Chúa Cha niềm vui nâng chúng ta lên một lần nữa. Nó không còn thiên về tội của chúng ta cho bằng về sự tha thứ của Người.

Hãy suy nghĩ về điều đó: nếu tội của chúng ta là trung tâm của bí tích thì hầu như tất cả mọi sự đều lệ thuộc vào chúng ta, vào sự ăn năn của chúng ta, nỗ lực và quyết tâm của chúng ta. Trái lại, bí tích là về Thiên Chúa, Đấng giải thoát chúng ta và vực chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình.

Một lần nữa chúng ta nhận ra tính ưu việt của ân sủng và xin ơn để nhận ra rằng Hòa giải trước hết không phải là chúng ta đến gần với Chúa, nhưng là vòng tay của Người bao bọc, làm chúng ta kinh ngạc và choáng ngợp. Thiên Chúa đi vào nhà của chúng ta, như Người đã làm với Mẹ Maria tại làng Nadarét, và mang đến cho chúng ta sự kinh ngạc và niềm vui không ngờ.

Trước hết chúng ta hãy nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa: rồi chúng ta sẽ khám phá lại được lòng yêu mến việc Xưng tội. Chúng ta cần việc này, vì mọi sự tái sinh bên trong, mọi sự canh tân tâm hồn, đều bắt đầu từ đó, từ sự tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta không thờ ơ với Bí tích Hòa giải, nhưng tái khám phá được đó là bí tích của niềm vui. Vâng, của niềm vui, bởi vì sự xấu hổ vì tội của chúng ta trở thành cơ hội để cảm nghiệm vòng tay ấm áp của Chúa Cha, sức mạnh dịu dàng của Chúa Giêsu chữa lành chúng ta, và “sự dịu dàng của tình mẫu tử” của Chúa Thánh Thần. Đó là trung tâm của việc Xưng tội.

Và thưa các anh em linh mục, anh em là những thừa tác viên cho sự tha thứ của Thiên Chúa, hãy trao cho những người đến với anh em niềm vui của lời loan báo này: Mừng vui lên, Thiên Chúa ở cùng anh em. Hãy gạt bỏ sự cứng nhắc, những trở ngại và sự gay gắt; ước mong anh em trở thành những cánh cửa rộng mở dẫn đến lòng thương xót! Đặc biệt trong tòa Giải tội, chúng ta được kêu gọi thực hiện vai trò của người Mục tử Nhân Lành bồng ẵm con chiên trong vòng tay và nâng niu chúng. Chúng ta được kêu gọi trở thành những kênh ân sủng tuôn đổ nguồn nước hằng sống của lòng thương xót của Chúa Cha cho những trái tim cằn cỗi.

Toàn văn: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Lễ trọng Lễ Truyền tin

Đức Thánh Cha thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria. (Photo: Screenshots)

Lần thứ hai thiên sứ nói với Mẹ Maria. Mẹ bối rối trước lời chào của sứ thần, và vì vậy sứ thần nói với Mẹ, “Xin đừng sợ” (c. 30). Trong Kinh thánh, bất cứ khi nào Chúa hiện ra với những ai đón nhận Người, Người rất thích bật lên lời đó: Đừng sợ! Chúa nói lời đó với tổ phụ Abraham (x. St 15:1), lặp lại với Isaac (x. St 26:24), với Giacóp (x. St 46:3) v.v.., cho đến Thánh Giuse (x. Mt 1:20) và Mẹ Maria. Bằng cách này, Người gửi đến chúng ta một thông điệp rõ ràng và an ủi: khi cuộc sống chúng ta rộng mở cho Thiên Chúa thì nỗi sợ hãi không còn cầm giữ chúng ta trong vòng cương tỏa.

Anh chị em thân mến, nếu tội làm anh chị em sợ hãi, nếu quá khứ khiến anh chị em lo lắng, nếu những vết thương của anh chị em không lành, nếu những thất bại liên tục làm anh chị em nản chí và anh chị em dường như đã mất hy vọng, đừng sợ. Thiên Chúa thấu biết những yếu đuối của anh chị em và Người lớn lao hơn những lỗi lầm của anh chị em. Người chỉ yêu cầu anh chị em một điều duy nhất: rằng anh chị em đừng ôm giữ lấy những yếu đuối và đau khổ trong lòng mình. Hãy đưa chúng đến với Người, đặt chúng trước mặt Người, và từ chỗ là lý do để tuyệt vọng thì chúng sẽ trở thành cơ hội để phục sinh. Đừng sợ!

Đức Trinh nữ Maria đồng hành với chúng ta: Mẹ đã dâng những lo lắng phiền muộn của Mẹ lên Thiên Chúa. Lời loan báo của thiên thần là một lý do chính đáng để Mẹ sợ hãi. Thiên sứ đề nghị với Mẹ một điều không tưởng và vượt quá khả năng của Mẹ, một điều mà Mẹ không thể giải quyết một mình: sẽ có quá nhiều những khó khăn, những rắc rối với luật Môsê, với Thánh Giuse, với những người trong làng và dân tộc của Mẹ. Tuy nhiên, Mẹ Maria không phản đối. Đừng sợ – những lời đó là đủ đối với Mẹ; sự trấn an của Chúa là đủ đối với Mẹ. Mẹ bám lấy Chúa, như chúng ta muốn làm đêm nay.

Tuy nhiên, chúng ta thường làm hoàn toàn ngược lại. Chúng ta bắt đầu từ những sự chắc chắn của riêng mình, và khi chúng ta mất chúng thì chúng ta mới chạy đến với Chúa. Ngược lại, Mẹ dạy chúng ta hãy bắt đầu từ Chúa, tin tưởng rằng theo cách này thì mọi sự khác sẽ được ban tặng cho chúng ta (x. Mt 6:33). Mẹ mời gọi chúng ta đi về cội nguồn, về với Thiên Chúa là phương thuốc cuối cùng chống lại sự sợ hãi và trống rỗng trong cuộc sống. Có một cụm từ dễ thương được viết phía trên tòa giải tội ở trong Vatican này nhắc nhở chúng ta về điều đó. Cụm từ thưa với Chúa bằng những lời này, “Quay lưng lại với Người là té ngã, trở lại với Người là trỗi dậy, ở trong Người là có sự sống” (x. Thánh Augustine, Soliloquies I, 3).

Trong những ngày này, các bản tin thời sự và những cảnh chết chóc vẫn tiếp tục tràn vào nhà chúng ta, thậm chí khi bom đạn phá hủy nhà cửa của nhiều anh chị em người Ukraine không có khả năng tự vệ của chúng ta. Cuộc chiến tàn bạo đã cướp đi sinh mạng nhiều người, và gây ra đau khổ cho tất cả mọi người, đã khiến cho từng người chúng ta sợ hãi và lo âu. Chúng ta cảm nhận được sự bất lực và kém cỏi của mình. Chúng ta cần được nghe câu, “Đừng sợ.”

Tuy nhiên, sự bảo đảm của con người là không đủ. Chúng ta cần sự gần gũi của Thiên Chúa và được bảo đảm về sự tha thứ của Người, đó là điều duy nhất loại bỏ cái ác, dẹp tan oán hận và khôi phục sự bình an cho tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy trở về với Chúa và sự tha thứ của Người.

Lần thứ ba thiên thần nói với Mẹ Maria rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà” (Lc 1:35). Đó là cách Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử: bằng cách ban chính Thần Khí của Người. Bởi vì đối với những điều quan trọng, sức riêng của chúng ta là không đủ. Tự sức mình, chúng ta không thể giải quyết thành công những mâu thuẫn của lịch sử hoặc thậm chí những mâu thuẫn trong lòng chúng ta. Chúng ta cần sự khôn ngoan và sức mạnh dịu dàng của Thiên Chúa đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta cần Thần Khí tình yêu là Đấng xua tan hận thù, xoa dịu sự cay đắng, dập tắt lòng tham, làm chúng ta thức tỉnh thoát khỏi sự thờ ơ. Chúng ta cần tình yêu của Thiên Chúa, vì tình yêu của chúng ta là mong manh và không đủ. Chúng ta xin Chúa nhiều điều, nhưng chúng ta lại thường xuyên quên xin Người điều quan trọng nhất, và điều Người khao khát ban tặng cho chúng ta nhất: Chúa Thánh Thần, sức mạnh tình yêu.

Thật vậy, nếu không có yêu thương, chúng ta có thể trao tặng cho thế giới điều gì? Người ta nói rằng một người Kitô hữu mà không có sự yêu thương cũng giống như một cây kim không khâu lại: nó châm chích, nó gây vết thương, và nếu nó không khâu lại, đan kết hoặc vá lại, nó trở nên vô dụng. Đây là lý do tại sao chúng ta cần tìm kiếm sức mạnh yêu thương trong sự tha thứ của Chúa: cùng một Thần Khí đã ngự xuống trên Mẹ Maria.

Nếu chúng ta muốn thay đổi thế giới, trước hết tâm hồn chúng ta phải thay đổi. Để điều này xảy ra được, chúng ta hãy cho phép Đức Mẹ nắm lấy tay của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm Trái tim Vô nhiễm nguyên tội của Mẹ nơi Thiên Chúa cư ngụ. Mẹ Maria “đầy ân sủng” (c. 28), và do đó không vương tội. Trong Mẹ, không có dấu vết của sự dữ, và do đó Thiên Chúa đã có thể bắt đầu câu chuyện mới về ơn cứu độ và hòa bình với Mẹ. Trong Mẹ, lịch sử chuyển sang trang. Thiên Chúa thay đổi lịch sử bằng cách gõ cửa trái tim Mẹ Maria.

Hôm nay, được đổi mới nhờ ơn tha thứ của Chúa, ước mong chúng ta cũng hãy gõ cửa Trái tim Vẹn sạch của Mẹ. Cùng hiệp chung với các Giám mục và tín hữu trên toàn thế giới, tôi khao khát dâng tất cả những gì chúng ta hiện đang trải qua cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Mẹ Maria cách trọng thể. Tôi mong muốn lặp lại việc thánh hiến Giáo hội và toàn thể nhân loại cho Mẹ, và thánh hiến cho Mẹ cách đặc biệt dân tộc Ukraine và dân tộc Nga, những dân tộc với lòng thảo hiếu, tôn kính Mẹ là Mẹ.

Đây không phải là công thức pháp thuật nhưng là một hành động thiêng liêng. Đó là một hành động hoàn toàn tin tưởng của những người con hướng về Mẹ của chúng, giữa cảnh khốn khổ của cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa đe dọa thế giới chúng ta, đặt tất cả những nỗi hãi sợ và đau đớn của chúng trong trái tim Mẹ và phó thác cho Mẹ. Nó có nghĩa là đặt vào trong trái tim tinh tuyền và không vết nhơ đó, nơi Thiên Chúa được phản chiếu, gia tài vô giá của tình huynh đệ và hòa bình, tất cả những gì chúng ta có và con người chúng ta để Mẹ, người Mẹ mà Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta, có thể bảo vệ chúng ta và trông nom chúng ta.

Rồi Mẹ Maria thốt lên những lời đẹp nhất mà thiên sứ mang về cho Thiên Chúa: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (c. 38). Lời của Mẹ không phải là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, nhưng là khao khát sống vâng nghe Thiên Chúa, Đấng đã “làm kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương” (Gr 29:11). Lời của Mẹ là sự chia sẻ mật thiết nhất trong chương trình hòa bình của Chúa cho thế giới.

Chúng ta dâng mình cho Mẹ Maria để tham gia vào chương trình này, để dâng mình hoàn toàn theo chương trình của Chúa. Sau khi thốt lên lời “Fiat”, Mẹ Thiên Chúa bắt đầu hành trình dài về miền núi để thăm viếng một người chị họ đang mang thai một hài nhi (x. Lc 1:39). Giờ đây xin Mẹ đón nhận hành trình của chúng ta vào trong tay Mẹ: xin Mẹ hướng dẫn những bước đi của chúng ta qua những con đường gập ghềnh và gian nan của tình huynh đệ và đối thoại, trên con đường hòa bình.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/3/2022]


Đức Thánh Cha thương tiếc các nạn nhân vụ rơi máy bay ở Trung Hoa

Đức Thánh Cha thương tiếc các nạn nhân vụ rơi máy bay ở Trung Hoa

Đức Thánh Cha thương tiếc các nạn nhân vụ rơi máy bay ở Trung Hoa

Antoine Mekary | ALETEIA | I.Media

I.Media for Aleteia

23/03/22


Dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và những thân nhân thương khóc họ.

Một ngày sau vụ rơi máy bay Boeing 737 ở Trung Quốc chở 132 người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng bào của ông vào ngày 22 tháng Ba năm 2022.

Trong một bức điện do Đức Hồng y Pietro Parolin Quốc vụ khanh ký, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cho biết ngài dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và an ủi những người đang đau buồn. “Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả mọi người,” điện tín tiếp tục.

Chiếc máy bay của hãng hàng không China Eastern Airlines đã bị rơi ở miền tây nam Trung Quốc vào ngày 21 tháng Ba và không có hành khách nào được tìm thấy còn sống. Nguyên nhân của thảm họa hàng không vẫn chưa được biết. Có vẻ như tất cả hành khách đều là người Trung Quốc.

Đức Giáo hoàng Phanxicô thường viết thư cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc thảm kịch của con người qua các bức điện do ngài Quốc vụ khanh của ngài ký. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm ngoái, Đức Giáo hoàng đã gửi lời chia buồn tới Tổng thống Vladimir Putin và người dân Nga sau cái chết của 51 người trong một vụ nổ hầm mỏ.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/3/2022]