Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico kể về chuyến đi đến Panama trong buổi Tiếp Kiến Chung (toàn văn)

Đức Thánh Cha Phanxico kể về chuyến đi đến Panama trong buổi Tiếp Kiến Chung (toàn văn)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha Phanxico kể về chuyến đi đến Panama trong buổi Tiếp Kiến Chung (toàn văn)

‘Cha mời gọi anh chị em cùng với cha dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì những ơn Người đã ban cho Giáo hội và dân tộc của đất nước thân yêu đó.’

30 tháng Một, 2019 14:54

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 30 tháng Một năm 2019 được tổ chức lúc 9:30 trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến Panama trong Ngày Giới trẻ Thế giới (WYD) lần thứ 34 vừa kết thúc (Trình thuật Kinh Thánh trích Tin mừng theo Thánh Lu-ca 1:38-39).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay cha kể lại cho anh chị em biết về chuyến Tông du của Cha trong những ngày qua đến Panama. Cha mời gọi anh chị em cùng với cha dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì những ơn Người đã ban cho Giáo hội và dân tộc của đất nước thân yêu đó. Tôi xin cảm ơn ngài Tổng thống Panama và các nhà chức trách, các Giám mục và cha cảm ơn tất cả những người thiện nguyện — với con số rất đông — về sự đón tiếp nồng ấm và thân tình, và chúng tôi nhận được cùng một cách chào đón như vậy từ người dân ở khắp nơi, họ tuốn đến đến để chào mừng chúng tôi với lòng tin và nhiệt huyết mạnh mẽ. Một điều làm cha vô cùng xúc động: người ta hai tay nâng những trẻ em lên cao dường như muốn nói rằng: “Đây là niềm tự hào của tôi, đây là tương lai của tôi!” Và họ tìm cách cho chúng tôi nhìn thấy những đứa trẻ, nhưng có nhiều quá! Và những người bố và người mẹ rất tự hào về đứa con đó. Cha nghĩ: có không biết bao nhiêu phẩm giá được ngụ ý trong hành động này, và thật là một hình ảnh hùng hồn đối với mùa đông nhân khẩu mà chúng ta đang trải qua ở Châu Âu! Con cái là niềm tự hào của gia đình. Trẻ em là sự an toàn cho tương lai. Không có trẻ em, mùa đông nhân khẩu vô cùng khắc nghiệt!

Lý do để thực hiện chuyến đi này là Ngày Giới trẻ Thế giới; tuy nhiên, các buổi gặp gỡ với giới trẻ được đan xen với những buổi gặp gỡ với các thực thể khác của đất nước: các nhà chức trách, các giám mục, các tù nhân trẻ tuổi, những người sống đời thánh hiến và một gia đình. Mọi sự dường như bị “nhiễm” và được “hòa trộn” bởi sự hiện diện hân hoan của những người trẻ: một niềm vui cho giới trẻ và một niềm vui cho Panama, và cũng là cho toàn bộ Trung Mỹ, in đậm dấu với nhiều tấn kịch và đang cần sự hy vọng và hòa bình, và công bằng.

Cuộc gặp gỡ với người trẻ bản địa thuộc các dân tộc Châu Mỹ gốc Phi Châu diễn ra trước Ngày Giới trẻ Thế giới. Một hành động rất đẹp: người trẻ dân bản địa và người trẻ hậu duệ của người Châu Phi có năm ngày gặp gỡ nhau. Có rất nhiều trong vùng đó. Họ mở ra cánh cửa của Ngày Thế Giới. Và đây là một sáng kiến quan trọng, nó thể hiện khuôn mặt đa dạng của Giáo hội trong vùng Mỹ Latinh một cách tốt hơn: Châu Mỹ Lantinh là mestiza [dòng máu hòa trộn]. Với sự xuất hiện của các nhóm người đến từ khắp nơi trên thế giới, một bản giao hưởng vĩ đại gồm những khuôn mặt và ngôn ngữ đã được viết lên, là đặc trưng của biến cố này. Được chứng kiến tất cả các quốc kỳ cùng diễu hành, phấp phới trong tay của các bạn trẻ, hân hoan gặp gỡ nhau là một dấu chỉ ngôn sứ, một dấu chỉ lội ngược dòng đối lại với khuynh hướng đáng buồn của những chủ nghĩa dân tộc mâu thuẫn là chủ nghĩa dựng lên những bức tường ngăn cách và khóa chặt cửa trước tính phổ quát, trước những cuộc gặp gỡ của các dân tộc. Nó là một dấu chỉ cho thấy người trẻ Ki-tô giáo là men hòa bình trên thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxico kể về chuyến đi đến Panama trong buổi Tiếp Kiến Chung (toàn văn)

WYD lần này mang dấu ấn mạnh mẽ của Mẹ Maria vì chủ đề được lấy từ lời của Đức Đồng Trinh thưa với Thiên Thần: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Cảm xúc thật mãnh liệt khi nghe những lời này được xướng lên bởi đại diện của những người trẻ từ khắp năm Châu lục, và đặc biệt được nhìn thấy nó thể hiện trên nét mặt của họ. Chỉ cần có những thế hệ trẻ dám nói lên “này con đây” là sẽ có một tương lai cho thế giới.

Trong các sự kiện của WYD, luôn luôn có Via Crucis (Chặng đàng Thánh giá). Cùng đồng hành với Mẹ Maria sau Chúa Giê-su vác thập giá là cả một trường học cho đời sống người Ki-tô hữu: ở đó chúng ta học được sự yêu thương nhẫn nại, âm thầm và cụ thể. Cha chia sẻ với anh chị em một niềm tin vững: cha rất thích đi Via Crucis vì đó chính là cùng bước đồng hành với Mẹ Maria theo bước chân của Chúa Giê-su. Và cha luôn luôn mang theo mình một bộ Via Crucis bỏ túi, mà cha được một người hoạt động tông đồ nhiệt thành ở Buenos Aires tặng, để thực hiện chặng đàng bất kỳ lúc nào. Và khi nào cha có thời gian, cha liền lấy ra và làm Via Crucis. Anh chị em cũng hãy thực hiện Via Crucis, vì đó là cách cùng với Mẹ Maria theo chân Chúa Giê-su trên con đường thập giá, nơi Ngài hy sinh mạng sống vì chúng ta, vì ơn Cứu độ cho chúng ta. Khi làm Via Crucis, chúng ta học được sự yêu thương nhẫn nại, âm thầm và cụ thể. Tại Panama, cùng với Chúa Giê-su và Mẹ Maria, người trẻ mang lấy gánh nặng hoàn cảnh của nhiều anh chị em đau khổ ở Trung Mỹ và trên khắp thế giới. Trong số này có không biết bao bạn trẻ là nạn nhân của nhiều hình thức nô lệ và nghèo khổ khác nhau. Và trong đó có những thời khắc vô cùng quan trọng: Nghi thức Sám hối cha thực hiện trong một Nhà cải huấn trẻ vị thành niên và đến thăm Nhà “Người Sa-ma-ri Tốt lành”, là nhà chăm sóc những người bị nhiễm HIV/AIDS.

Đỉnh điểm của WYD và chuyến đi là đêm Canh thức và Thánh lễ cho giới trẻ. Trong đêm Canh thức — trong cánh đồng đông nghẹt các bạn trẻ tham dự đêm Canh thức, họ ngủ ở đó và lúc 8 giờ sáng hôm sau họ tham dự Thánh Lễ — được đổi mới trong đêm Canh thức là cuộc đối thoại sôi nổi với tất cả các chàng trai và cô gái, rất nhiệt tình nhưng cũng đủ kiên nhẫn thinh lặng lắng nghe. Họ chuyển từ sự nhiệt tình sang lắng nghe lời cầu nguyện thầm lặng. Cha giới thiệu Mẹ Maria cho họ vì Mẹ, trong sự nhỏ bé của mình, “đã tác động” đến lịch sử của thế giới mạnh mẽ hơn bất kỳ ai: chúng ta gọi Mẹ là “người có thần thế của Chúa.” Được phản ánh trong bài ca “fiat” của Mẹ là những chứng ngôn rất đẹp và mạnh mẽ của một số người trẻ. Sáng Chúa nhật, trong đại Lễ bế mạc, Đức Ki-tô Phục sinh, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, một lần nữa nói với giới trẻ của thế giới, kêu gọi họ sống Tin mừng hôm nay, vì giới trẻ không phải chỉ là “ngày mai”; không, họ là “hôm nay” cho “ngày mai.” Họ không phải chỉ là “lúc này,” nhưng họ là hôm nay, là hiện tại của Giáo hội và của thế giới. Và cha kêu gọi trách nhiệm của người lớn đừng để các thế hệ trẻ bị thiếu học vấn, việc làm, cộng đồng, và gia đình. Và tại thời điểm này nó là chìa khóa cho thế giới vì những lĩnh vực này đang rất thiếu — sự hướng dẫn, tức là giáo dục; việc làm: không biết bao nhiêu người trẻ không có việc làm; cộng đồng: để họ cảm thấy được chào đón trong gia đình, trong xã hội.

Cuộc gặp gỡ với tất cả các Giám mục của Trung Mỹ đối với cha là thời khắc an ủi rất lớn. Chúng tôi cùng nhau cho phép mình được dạy bảo bởi chứng tá của Thánh Giám mục Oscar Romero, để học cách “cùng đồng cảm với Giáo hội” tốt hơn — đó là khẩu hiệu giám mục của ngài –, trong sự gần gũi với người trẻ, với người nghèo, với các linh mục, với Dân Thánh trung thành của Chúa.

Việc thánh hiến bàn thờ của Nhà thờ Chính tòa Santa Maria La Antigua được trùng tu ở Panama có một giá trị tượng trưng rất lớn. Nó đã được trùng tu trong suốt bảy năm — một dấu hiệu của vẻ đẹp được tái khám phá, cho vinh quang của Chúa và cho niềm tin và sự mừng vui của Dân Người. Đặc sủng thánh hiến bàn thờ cũng giống như việc xức dầu người được rửa tội, người lãnh Bí tích Thêm sức, các linh mục, và Giám mục. Ước mong rằng gia đình Giáo hội của Panama, và toàn thế giới, có thể kín múc sự phong phú tươi mới từ Thần Khí để cuộc hành hương của các môn đệ trẻ của Đức Giê-su Ki-tô tiếp tục và tỏa rộng trên khắp trái đất.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/1/2019]


Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha cho các tù nhân trẻ tuổi trong Nghi thức Sám hối ở Panama

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha cho các tù nhân trẻ tuổi trong Nghi thức Sám hối ở Panama
© Vatican Media

Toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha cho các tù nhân trẻ trong Nghi thức Sám hối ở Panama

‘Hãy tìm kiếm và lắng nghe những tiếng nói khuyến khích bạn hướng trông về phía trước, không lắng nghe những tiếng nói kéo lùi bạn trở lại.’

25 tháng Một, 2019 16:41

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) do Vatican cung cấp huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trong Nghi thức Sám hối với các tù nhân trẻ tuổi trong Trung tâm Centro de Cumplimiento de Menores Las Garzas de Pacora ở Panama, trong ngày thứ hai trong chuyến Tông du của ngài đến quốc gia này để mừng Ngày Giới trẻ Thế giới 2019:


***


“Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Chúng ta vừa nghe câu này trong phần khởi đầu của bài đọc Tin mừng (Lc 15:2). Đó là lời xì xầm của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư vô cùng khó chịu và chướng mắt trước những hành động của Chúa Giê-su.

Bằng những lời đó, họ cố gắng làm mất thể diện và gạt bỏ Chúa Giê-su trong con mắt của mọi người. Nhưng tất cả những gì họ tìm cách làm lại là cách cho thấy một trong những con đường bình thường nhất nhưng đặc biệt nhất của Ngài khi tiếp xúc với người khác: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.

Chúa Giê-su không sợ đến với những con người, mà vì vô vàn lý do họ trở thành đối tượng cho lòng căm ghét của xã hội, chẳng hạn những người thu thuế – chúng ta biết rằng những người thu thuế trở nên giàu có bằng cách bóc lột người dân của họ và họ tạo ra sự phẫn uất rất lớn – hoặc như những người được gọi là tội nhân với gánh nặng của những lỗi lầm, những sai phạm, và tội của họ. Người làm điều này vì Người biết rằng trên nước trời niềm vui sẽ lớn hơn khi một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là chín mươi chín người công chính không cần ăn năn (Lc 15:7).

Trong khi những người Pha-ri-sêu chỉ hài lòng với việc cằn nhằn hoặc than phiền, giới hạn hoặc ngăn cản bất kỳ một hình thức thay đổi, hoán cải và bao gồm, thì Chúa Giê-su tiến đến và can dự vào, thậm chí đặt uy tín của Người vào sự nguy hiểm. Người đòi hỏi chúng ta, như Người vẫn thường làm, phải hướng mắt trông về một chân trời có thể canh tân đời sống và lịch sử của chúng ta. Hai cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt và trái ngược nhau. Một cách tiếp cận cằn cỗi, không mang lại kết quả – đó là thái độ lầm bầm và nói hành nói xấu – và một thái độ khác, thái độ mời gọi sự thay đổi và hoán cải, là cách tiếp cận của Chúa.


Cách tiếp cận bằng những tiếng lầm bầm và nói hành nói xấu

Nhiều người không tha thứ cho thái độ này của Chúa Giê-su; họ không thích điều đó. Ban đầu là lẩm bẩm kêu ca rồi sau đó là lớn tiếng, họ muốn mọi người thấy sự bực mình của họ, tìm cách hạ uy tín cách hành động của Ngài và của tất cả những người thuộc về Ngài. Họ không chấp nhận và từ chối con đường đến gần với người khác và trao tặng cho họ một cơ hội khác. Nơi đâu đời sống con người có vấn đề, thì dường như khá dễ dàng để người ta gắn những bảng hiệu và nhãn để đóng dấu và bêu riếu không những quá khứ nhưng cả hiện tại và tương lai của họ. Những bảng hiệu cuối cùng chỉ phục vụ cho sự chia rẽ: những người này là tốt và những người kia là xấu; những người này là công chính và những người kia là tội nhân.

Thái độ này phá hỏng tất cả mọi thứ vì nó dựng lên một bức tường vô hình làm cho người ta nghĩ rằng, nếu chúng ta gạt ra ngoài, chia cách và cô lập người khác thì mọi vấn đề của chúng ta sẽ được giải quyết một cách kỳ diệu. Khi một xã hội hay cộng đồng cho phép điều này xảy ra và không làm gì khác ngoài kêu ca và phỉ báng sau lưng là nó đi vào một vòng xoáy chia rẽ, đổ lỗi, và kết án nghiệt ngã. Nó dẫn đến bước tiếp cận xã hội bằng sự gạt ra bên lề, loại bỏ, và đối đầu, làm cho xã hội nói một cách vô trách nhiệm như Cai-pha: “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11:50). Thường thường sợi chỉ bị cắt tại điểm mảnh nhất; đó là những người dễ bị xúc phạm nhất và mong manh nhất.

Thật đau đớn khi thấy một xã hội dồn sức vào việc kêu ca và phỉ báng hơn là kiên trì chiến đấu để tạo ra những cơ hội và sự thay đổi.


Bước tiếp cận hoán cải

Ngược lại, Tin mừng sử dụng một cách tiếp cận hoàn toàn khác, trong đó tất cả không có gì vượt hơn chính trái tim của Thiên Chúa. Chúa mừng vui khi nhìn thấy những đứa con của mình trở về nhà (Lc 15:11-31). Chúa Giê-su làm chứng cho điều này bằng cách thể hiện tận cùng tình yêu thương xót của Chúa Cha. Một tình yêu không có thời gian để phàn nàn, nhưng tìm cách phá vỡ vòng xoáy của những chỉ trích vô ích, không cần thiết, lạnh lùng và chia rẽ, và đối mặt với tính phức tạp của cuộc sống và mọi hoàn cảnh.

Một tình yêu khởi đầu cho tiến trình đủ khả năng xây dựng nên những con đường và phương cách để hội nhập và biến đổi, chữa lành và tha thứ: một con đường cứu rỗi. Qua việc ăn uống với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu đã phá tan tâm tính muốn chia rẽ, loại trừ, cô lập và cách phân chia sai lầm giữa “những người tốt và người xấu.” Người không làm điều này bằng nghị định, hoặc đơn giản với những mục đích tốt lành, hoặc với những khẩu hiệu hoặc cảm tính.

Người thực hiện điều đó bằng cách tạo ra những mối quan hệ có khả năng khởi động những tiến trình mới; đầu tư và mừng vui với mọi bước tiến có thể. Bằng cách này, Người cũng phá vỡ một hình thức kêu ca khác, một hình thức thậm chí khó phát hiện hơn, một hình thức “dập tắt những ước mơ vì nó cứ liên tục thì thầm: “bạn không thể làm được đâu, bạn không thể làm được đâu.” Lời thì thầm đó ám ảnh những người biết ăn năn hối lỗi và thừa nhận những lỗi lầm của mình, nhưng lại không nghĩ rằng họ có thể thay đổi. Nó khiến họ nghĩ rằng những người sinh ra là người thu thuế thì cũng sẽ chết đi là người thu thuế, và điều đó không đúng.

Thưa các bạn, mỗi người chúng ta còn có nhiều hơn những cái nhãn dán của mình. Đó là những điều Chúa Giê-su dạy chúng ta và yêu cầu chúng ta phải tin. Bước tiếp cận của Người thách đố chúng ta dám yêu cầu và tìm kiếm sự trợ giúp khi đặt bước chân trên con đường đổi mới. Có những lúc sự kêu ca dường như nắm ưu thế nhưng đừng tin nó, đừng lắng nghe nó. Hãy tìm kiếm và lắng nghe những tiếng nói khuyến khích bạn hướng trông về phía trước, không lắng nghe những tiếng nói kéo lùi bạn trở lại.

Niềm vui và hy vọng của mỗi người Ki-tô hữu – của tất cả chúng ta, và cả giáo hoàng nữa – cũng xuất phát từ việc trải nghiệm được sự tiếp cận này của Chúa, Đấng nhìn đến chúng ta và nói, “Con là một phần trong gia đình của Cha và Cha không thể để con ở bên ngoài trời lạnh; Cha không thể để mất con trên đường; Cha ở đây bên cạnh con.” Ở đây? Đúng, ở đây! Đó chính là cảm xúc mà Luis, con đã miêu tả những khi dường như tất cả đã chấm dứt, tuy nhiên lại có điều gì đó lên tiếng nói: “Không! Không phải tất cả đã chấm dứt, vì con có một mục tiêu cao cả hơn mà nó cho phép con nhìn thấy rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta luôn ở bên chúng ta. Người ban cho chúng ta những người cùng chung bước với chúng ta, những người giúp chúng ta đạt được những mục tiêu mới.

Vì vậy Chúa Giê-su biến sự phàn nàn thành sự mừng vui, và nói với chúng ta: “Hãy mừng vui lên với Cha!”

Anh chị em thân mến: anh chị em là một phần của gia đình; anh chị em có nhiều điều để chia sẻ với người khác. Hãy giúp chúng tôi phân định được đâu là cách tốt nhất để sống và đồng hành cùng nhau trên con đường thay đổi mà tất cả chúng ta, là một gia đình, đều rất cần.

Một xã hội sẽ trở nên ốm yếu khi nó không còn khả năng mừng vui với những thay đổi của những đứa con của nó. Một cộng đồng sẽ trở nên ốm yếu khi nó sống với những sự phàn nàn gay gắt, tiêu cực và nhẫn tâm. Nhưng một xã hội sẽ phát triển khi nó có khả năng xây dựng những tiến trình bao gồm và hội nhập, tiến trình chăm sóc và cố gắng tạo ra những cơ hội và những giải pháp thay thế để đưa ra được những cơ hội mới cho người trẻ, để xây dựng một tương lai thông qua cộng đồng, nền giáo dục, và việc làm. Cho dù nó có thể cảm thấy thất vọng vì không biết cách thực hiện như thế nào, nhưng nó vẫn không bỏ cuộc, nó vẫn cố gắng. Là một cộng đồng, tất cả chúng ta đều phải giúp đỡ nhau học tập để tìm ra những con đường này. Đó chính là một giao ước chúng ta phải khuyến khích nhau giữ gìn: chúng con, những người trẻ tuổi, những người chịu trách nhiệm giám hộ chúng con và các nhà chức trách của Trung tâm và Thừa tác vụ, và gia đình của chúng con, cũng như những trợ tá mục vụ của chúng con. Tất cả chúng con, hãy tiếp tục chiến đấu để đi tìm và tìm ra được những con đường hòa nhập và biến đổi. Chúa sẽ chúc phúc, sẽ nâng đỡ và đồng hành với chúng con.

Ngay sau đây chúng ta sẽ tiếp tục với nghi thức sám hối, trong đó chúng ta sẽ có thể cảm nghiệm được sự tiếp cận của Chúa, ánh mắt nhìn của Người, đó là ánh mắt không nhìn đến những nhãn mác và hạn tù, nhưng là ánh mắt nhìn đến những đứa con của Người. Đó là sự tiếp cận của Chúa, cách nhìn mọi việc của Người, nó gạt bỏ sự loại trừ và trao cho chúng ta sức mạnh để xây dựng những giao ước cần thiết để giúp tất cả chúng ta biết từ bỏ sự phàn nàn: những giao ước huynh đệ làm cho đời sống của chúng ta trở thành một lời mời gọi liên tục đến với niềm vui của ơn cứu độ.

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Văn bản (tiếng Anh) bài nói soạn trước của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]

© Libreria Editrice Vaticana


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/1/2019]