Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Đức Hồng y Parolin tái khánh thành Thánh đường Carpi trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha

Đức Hồng y Parolin tái khánh thành Thánh đường Carpi trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha

Đức Hồng y Parolin tái khánh thành Thánh đường Carpi trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha
Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican - ANSA
27/03/2017 13:24
(Vatican Radio)  Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, đã tái khánh thành Thánh đường Carpi bị động đất tàn phá ở Ý.
Lịch trình chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxico đến thị trấn miền Bắc Ý ngày 2 tháng Tư, tại đó ngài sẽ gặp gỡ những cộng đoàn bị tấn công bởi trận động đất năm 2012 và đến thăm ngôi Thánh đường được tái khánh thành.
Đức Hồng y Parolin cùng đồng tế Thánh Lễ hôm thứ Bảy tại Thánh đường với Đức Hồng y Angelo Bagnasco, Tổng Giám mục giáo phận Genova và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý.
Trong bài giảng, Đức Hồng y Parolin nói, “Một trận động đất có thể tấn công và gây thương tổn, nhưng nó không thể đánh bại và hủy diệt. Nó có thể tàn phá và làm cho mặt đất rung chuyển, nhưng nó không thể chia cách và làm tan rã một cộng đoàn cam kết tái sinh.”
Trận động đất mạnh 5,8 độ tấn công vào vùng Emilia Romagna năm 2012 giết chết 20 người và tàn phá nặng nề hàng chục các nông trại, gia súc và các nhà thờ.
“Một trận động đất cũng giống những thảm kịch khác trong xã hội, với sự đau thương và tàn phá,” Đức Hồng y Parolin tiếp tục, “không phải là lời nói cuối cùng. Qua sự trợ giúp của Thiên Chúa cùng với sự bền chí trong công việc cực nhọc và sự can đảm, sự sống lại được tái sinh, những vết thương được chữa lành, và con người lại cùng nhau trở lại trên hành trình, để hy vọng, và để tái thiết và xây dựng.”
Trong phần kết luận, Đức Hồng y Parolin nói, “Việc tái khánh thành lại ngôi đền thờ bằng đá sẽ còn quan trọng hơn nhiều nếu chúng ta mở con tim và trí óc ra với Đức Ki-tô và với thông điệp hòa bình, cứu độ, mừng vui, và giải phóng thực sự.”
Khi đến thăm thị trấn với khoảng 70.000 cư dân ngày 2 tháng Tư tới, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ dâng Thánh Lễ, đọc Kinh Truyền Tin, làm phép ba toàn nhà mới của giáo phận, và nói chuyện với các linh mục và những người sống đời tận hiến.
Xin đọc lịch trình trọn vẹn chuyến thăm mục vụ của Đức Thánh Cha ở dưới:
(Devin Sean Watkins)

Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ những cộng đoàn bị động đất tấn công ở Carpi

The Cathedral of Mirandola damaged by the earthqake on 29 May 2012 - ANSA
Thánh đường Mirandola bị tàn phá bởi động đất ngày 29 tháng Năm 2012 - ANSA
16/03/2017 13:39
(Vatican Radio) Chuyến thăm của Đức Thánh Cha đến thị trấn Carpi miền Bắc nước Ý được lên lịch ngày 2 tháng Tư sẽ gồm một buổi gặp gỡ các cộng đoàn bị trận động đất năm 2012 tấn công và chuyến viếng thăm Thánh đường Mirandola bị tàn phá nặng nề.
Một thông cáo báo chí được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chi tiết chuyến đi 1-ngày của Đức Thánh Cha đến Carpi, một thị trấn có 70.000 cư dân trong khu Modenathuộc vùng Emilia Romagna.
Hơn 20 người bị chết và hàng chục nông trại, gia súc, nhà thờ và những tòa nhà khác bị phá hủy bởi trận động đất 5,8 độ tấn công vùng này tháng Năm 2012.
Theo lịch Đức Thánh Cha sẽ dâng Thánh Lễ, đọc Kinh Truyền Tin, làm phép bao tòa nhà giáo phận, nói chuyện với các linh mục và tu sĩ, và đi thăm các khu bị động đất như Duomo di Mirandola.
Đức Thánh Cha sẽ đi bằng máy bay trực thăng, khởi hành từ Vatican lúc 8.15 và đến Carpi lúc 9.45 sáng tại sân bóng bầu dục “Dorando Pietri”.
Đức Giám mục của Carpi, Francesco Cavina, sẽ đón Đức Thánh Cha, người sẽ bắt đầu ngày bằng một Thánh Lễ dâng trong trung tâm Piazza Martiri của Carpi. Cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha sẽ làm phép những viên đá đầu tiên của ba tòa nhà của giáo phận: Giáo xứ Thánh Agatha ở Carpi, nhà tĩnh tâm Thánh An-tôn ở Novi, và “thành trì bác ái” ở Carpi.
Đức Thánh Cha sẽ dùng bữa trưa tại Chủng viện Giáo phận với các đức giám mục và các linh mục cao tuổi đang ở đó. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục giáo phận, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh trong nhà nguyện chủng viện. Sau khi rời nhà nguyện Đức Thánh Cha Phanxico sẽ dừng chân ngắn tại thánh đường đến vùng ‘Duomo di Mirandola’ vẫn còn đóng cửa kể từ trận động đất năm 2012.
Trước cổng vào ‘Duomo’, khoảng 4.30 chiều, ngài sẽ gặp gỡ và nói chuyện với những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất và viếng thăm đài tưởng niệm bằng hoa gần sát với nhà thờ để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa.
Lúc 5.30 chiều Đức Thánh Cha sẽ rời Carpi từ sân thể thao gần nhà thờ San Giacomo Roncole, và sẽ về đến Vatican lúc 7.00 tối.


[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 29/03/2017]


Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực trước sự biến đổi khí hậu

Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực trước sự biến đổi khí hậu

Tòa Thánh kêu gọi ‘sự thống nhất liên thế hệ’ trong những nỗ lực biến đổi khí hậu
Một con tàu trôi vào vùng tảo xanh rộng lớn trong Vịnh Oman. Các nhà khoa học nghiên cứu tảo nói rằng những tiểu sinh vật đang phát triển trong những điều kiện mới do sự biến đổi khí hậu đem lại, và sự di chuyển loài động vật phù du, đang đe dọa toàn bộ hệ sinh thái biển. - AP
25/03/2017 10:20
(Vatican Radio)  Tòa Thánh đã kêu gọi Liên Hợp quốc thúc đẩy “tính trách nhiệm cho những thế hệ đến sau chúng ta”, trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu và công bằng cho người nghèo.
Diễn văn của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza trong một thảo luận cấp cao tại LHQ về chủ đề “Biến đổi Khí hậu và Chương trình Hành động Phát triển Bền vững.”
Đức Khâm sứ và Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ trích dẫn Tông huấn Laudato Si’ (Chúc tụng Chúa) của Đức Thánh Cha Phanxico: “phải quan tâm đến những mối ràng buộc không thể tách rời giữa thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, cam kết với xã hội, và sự bình an nội tâm của chúng ta.”
Ngài cũng lặp lại lời huấn dụ của Đức Thánh Cha không chia tách sự tồn tại của con người khỏi tự nhiên.
“Vì vậy Đức Giáo hoàng thúc giục chúng ta phải suy xét thật kỹ rằng không thể xem thiên nhiên như một điều tách rời khỏi bản thân chúng ta hay chỉ là một sự bố trí đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, bao gồm trong nó và vì thế liên tục tương tác với nó.”
Đức Tổng Giám mục Auza kết luận bằng một lời kêu gọi “sự thống nhất liên thế hệ”:
“Phái đoàn của tôi thúc giục lòng quảng đại, sự thống nhất và lòng vị tha khi chúng ta áp dụng Chương trình Hành Động 2030 và Hiệp định Paris, để chúng ta không bắt các thế hệ tương lai phải trả giá rất đắt cho sự hủy hoại môi trường.”

Dưới đây là toàn văn diễn thuyết của Đức Tổng Giám mục:

Sự kiện Cấp cao: Biến đổi Khí hậu và Chương trình Hành động Phát triển Bền vững New York, 23 tháng Ba 2017
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh xin cảm ơn ông vì đã triệu tập nhiều bên liên quan khác nhau để tìm ra những mối liên hệ giữa sự biến đổi khí hậu và Chương trình Hành động 2030 cho Sự Phát triển Bền vững, trên quan điểm tiếp sức mạnh cho đà tiến và ý chí để thúc đẩy và áp dụng những giải pháp cụ thể cho ích lợi của tất cả mọi người trên thế giới và “ngôi nhà chung” mà chúng ta cùng chia sẻ. Đức Giáo hoàng Phanxico nhắc chúng ta nhớ rằng “thách đố cấp bách để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta phải có sự quan tâm đem toàn gia đình nhân loại lại với nhau để tìm ra một sự phát triển bền vững và toàn diện.” [1] Cũng trên tinh thần như vậy, các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Chương trình Hành động 2030 thể hiện chương trình hành động phát triển toàn diện đầy tham vọng nhất từ trước đến nay. Hiệp ước Paris về Biến đổi Khí hậu cũng đầy tham vọng như vậy. Chúng phản ánh thực tại rằng sự đồng lòng toàn cầu là vô cùng cần thiết để đương đầu với những vấn đề hóc búa hơn, không thể giải quyết bằng những hành động đơn phương trên phạm vi của từng quốc gia riêng lẻ. Vì cuộc họp này tìm kiếm sự theo đuổi hai chương trình đầy tham vọng, chúng ta phải nhớ rằng nếu không có một sự cam kết cho những bước tiến tới rõ ràng, được phối hợp tốt, có thể xác định con số cụ thể và đầy ý nghĩa, những chương trình này sẽ thất bại không thể đạt đến được tiềm năng của nó và vẫn chỉ đơn thuần là văn bản khoa trương. Khi những giải pháp cụ thể đã được tìm ra, chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng “phải quan tâm tới những mối ràng buộc không thể tách rời giữa thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, cam kết với xã hội, và sự bình an nội tâm của chúng ta.” [2] Sự quan tâm của chúng ta nhằm chăm sóc cho thiên nhiên phải khơi dậy trong chúng ta một sự cảm thông với những người bị bỏ rơi lại phía sau, những người bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm môi trường, và những người bị loại trừ khỏi những quy trình kinh tế và chính trị. Đức Giáo hoàng Phanxico cảnh báo rằng “chỉ tìm kiếm một biện pháp khắc phục thuần kỹ thuật cho mỗi vấn đề về môi trường xảy ra là chia cách những gì trong thực tại được liên kết và là cách che giấu những vấn đề thật sự và sâu xa nhất của hệ thống toàn cầu.” [3]
Vì vậy Đức Giáo hoàng thúc giục chúng ta phải suy xét thật kỹ rằng không thể xem thiên nhiên như một điều tách rời khỏi bản thân chúng ta hay chỉ là một sự bố trí đơn thuần trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, bao gồm trong nó và vì thế liên tục tương tác với nó. Sự cộng sinh này hàm ý rằng một sự khủng hoảng về môi trường chắc chắn là một sự khủng hoảng cho chúng ta. Chúng ta không đối mặt với hai sự khủng hoảng tách biệt, một về môi trường và một về xã hội, nhưng là một sự khủng hoảng phức tạp bao gồm vừa xã hội vừa môi trường. Vì thế, “những sách lược cho một giải pháp đòi hỏi một bước tiếp cận chung nhằm chống lại sự nghèo đói, phục hồi lại phẩm giá cho những người bị loại bỏ và bảo vệ thiên nhiên.” [4] Cùng một nguyên tắc của tính liên kết ràng buộc ba tiến trình lớn nhất của Liên Hợp quốc trong năm 2015, cụ thể là Chương trình Hành động Addis Ababa về tài chính và phát triển, Chương trình Nghị sự 2030 cho sự Phát triển Bền vững, và Hiệp ước Paris về Biến đổi Khí hậu. Không phải có ba thách đố riêng biệt về nhu cầu phát triển tài chính, sự đồng thuận về những mục tiêu phát triển mới và giải quyết sự biến đổi khí hậu, nhưng là một thách đố tổng thể để định hướng cho chính trị, kinh tế, kỹ thuật, kinh doanh và thái độ cá nhân — quả thật, tất cả mọi nỗ lực của chúng ta — hướng đến một sự phát triển bền vững, toàn diện và đích thực trong sự hòa hợp với thiên nhiên. “Không thể nào nhấn mạnh đủ về mối tương quan lẫn nhau của mọi vật.” [5]
Thưa ông Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi chào đón cách thức Chương trình Hành động 2030 và Hiệp ước Paris thừa nhận trọng tâm quan trọng của nhân vị. Chương trình Hành động 2030 bắt đầu bằng lưu ý hoàn toàn đúng rằng “phẩm giá của nhân vị là nền tảng.” Theo cùng mạch cảm hứng đó, Đức Thánh Cha Phanxico đã nhấn mạnh rằng mọi sáng kiến về môi trường và phát triển phải tập trung vào phẩm giá tự có mà tất cả chúng ta cùng có một cách bình đẳng. Phẩm giá này phải nằm ở trọng tâm của những buổi thảo luận của chúng ta. Đặc biệt, đối với những người yếu đuối và bị gạt ra bên lề, những người nghèo và đau bệnh, thai nhi và người già, người tị nạn và nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, và những người bị ảnh hưởng bởi sự tham lam và thờ ơ phải có một vị trí đặc biệt trong các sáng kiến mà chúng ta theo đuổi. Những đau khổ và những lo lắng, sự sợ hãi và hy vọng của họ phải làm gióng lên âm vang trong con tim của chúng ta. “Sự xác quyết chấm dứt nghèo khổ và đói … và bảo đảm rằng mọi con người được sống đúng phẩm giá và trong một môi trường bình đẳng” [6] của Chương trình Hành động 2030 phải nằm ở trung tâm của mọi nỗ lực của chúng ta.
Phái đoàn của chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của chúng ta đối với những người đến sau chúng ta. Như Đức Giáo hoàng Phanxico khẳng định, “Sự thống nhất liên thế hệ không phải là một tùy chọn, nhưng là một vấn đề căn bản của công bằng, vì thế giới chúng ta đã đón nhận cũng thuộc về những người sẽ theo sau chúng ta.” [7] Chúng ta không thể nói đến sự phát triển bền vững nếu gạt sự thống nhất liên thế hệ ra ngoài. Phái đoàn của tôi thúc giục lòng quảng đại, sự thống nhất và lòng vị tha khi chúng ta áp dụng Chương trình Hành Động 2030 và Hiệp định Paris, để chúng ta không bắt các thế hệ tương lai phải trả giá rất đắt cho sự hủy hoại môi trường.
Thưa ông Chủ tịch, việc áp dụng Chương trình Hành động 2030 và Hiệp ước Paris một cách riêng lẻ và trong sự hòa hợp với nhau bao gồm những khía cạnh đa ngành về kỹ thuật, kinh tế, xã hội, chính trị, và luật pháp. Những mục tiêu và đích đến sẽ được đánh giá kỹ lưỡng qua những chỉ số và tất cả những biện pháp để đo sự thành công hay thất bại. Cuối cùng, ảnh hưởng tích cực của chúng trên nhân vị, đặc biệt đối với những người bị bỏ lại đàng sau, sẽ là thước đo thực sự cho sự thành công của chúng ta.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

1 Đức Giáo hoàng Phanxico, tông huấn Laudato Si’: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, n.13 [các chữ viết tắt về sau “LS”].
2 LS, n.10.
3 LS, n.111.
4 LS, n.139.
5 LS, n.138.
6 Chương trình Nghị sự 2030 cho Sự Phát triển Bền vững, Lời nói đầu.
7 LS, n.159

(Devin Sean Watkins)

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/03/2017]



TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng

‘Khi Thiên Chúa đã hứa, Người sẽ thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người. Người không bao giờ quên Lời của Người’
29 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9.30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm người hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài vào chủ đề: “Sự cậy trông nghịch lại những hy vọng” (x. Rm 4:16-25).
Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện. Sau đó, sau lời chào phái đoàn giám sát Iraq gồm đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau có mặt trong Buổi Tiếp Kiến Chung, ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho sự hòa giải của Iraq.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Trích đoạn Thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Roma mà chúng ta vừa nghe, cho chúng ta một món quà rất lớn, chúng ta biết thừa nhận A-bra-ham như là Tổ phụ của đức tin của chúng ta. Hôm nay Thánh Tông đồ cho chúng ta hiểu rằng A-bra-ham đối với chúng ta cũng là Tổ phụ của sự cậy trông; không chỉ là Tổ phụ của đức tin nhưng còn là Tổ phụ của sự cậy trong. Vì trong câu chuyện của ông chúng ta đã nhận được một sự loan báo về sự Sống lại, của một đời sống mới vượt qua được tội lỗi và chính cái chết.
Văn bản trình bày rằng ông A-bra-ham tin tưởng Thiên Chúa “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có” (Rm 4:17), và sau đó mô tả rõ: “Ông đã gần một trăm tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Xa-ra đều đã chết” (Rm 4:19). Như vậy đó, đây là kinh nghiệm mà chúng ta cũng được kêu gọi để sống theo. Thiên Chúa Đấng tỏ mình ra cho ông A-bra-ham là Thiên Chúa cứu thoát, là Thiên Chúa đưa chúng ta ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết, là Thiên Chúa trao ban sự sống. Trong câu chuyện của ông A-bra-ham, mọi sự trở nên một bài ca tán dương Thiên Chúa Đấng giải thoát và tái sinh, mọi sự trở nên dự ngôn. Và mọi việc cũng trở nên như vậy cho chúng ta, cho chúng ta bây giờ nhận ra và mừng vui sự trọn vẹn của tất cả những điều này trong mầu nhiệm Phục Sinh. Quả thật, Thiên Chúa “đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ cõi chết” (Rm 4:24), để trong Người, bây giờ chúng ta cũng có thể đi từ cái chết sang sự sống. Và quả thật bây giờ ông A-bra-ham có thể nói về chính ông “là Cha của nhiều dân tộc,” như Người đã nói cho ông qua công bố về một dân tộc mới – chúng ta! –, được cứu thoát khỏi tội lỗi và cái chết bởi Đức Ki-tô và một lần nữa và cho tất cả mọi người được đưa vào vòng tay ôm ấp của tình yêu của Thiên Chúa.
Đến đây, Thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu rõ mối ràng buộc rất gần giữa đức tin và cậy trông. Quả thật, ngài khẳng định rằng ông A-bra-ham đã “cậy trông chống lại những hy vọng” (Rm 4:18). Sự cậy trông của chúng ta không bị điều khiển bởi những lý lẽ, những mong đợi và những sự tái bảo đảm; nó được biểu lộ ở những nơi không còn gì hy vọng, những nơi chẳng còn một tí gì để hy vọng, đúng như chuyện xảy ra với ông A-bra-ham, trước cái chết đang dần tới và sự vô sinh của vợ ông là bà Sa-ra. Kết cục đang đến với họ, họ không thể có đứa con nào, và trong tình huống đó, ông A-bra-ham đã tin và có lòng cậy trông nghịch lại với những hy vọng. Và điều này thật vĩ đại! Lòng cậy trông vững mạnh được bắt nguồn từ niềm tin, và quả thật là nó có thể vượt ra ngoài tất cả những hy vọng. Đúng, vì nó không được thiết lập dựa trên lý lẽ của chúng ta, nhưng dựa trên Lời của Thiên Chúa. Vì vậy, cũng trong ý thức này, chúng ta được kêu gọi để noi gương A-bra-ham, ông mặc dù đứng trước sự thật dường như tuyên bố công khai cái chết, vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa, “điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4:21). Tôi muốn đặt cho anh chị em một câu hỏi: chúng ta, tất cả chúng ta, có tin điều này không? Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta không, và tin rằng Người sẽ thực hiện trọn vẹn tất cả những gì Người đã hứa với chúng ta không? Nhưng thưa cha, điều này phải trả giá mất bao nhiêu? Chỉ có một cái giá duy nhất: “hãy mở lòng mình ra.” Hãy mở lòng mình ra và sức mạnh của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa anh chị em tiến bước, Người sẽ làm những điều kỳ diệu và dạy cho anh chị em biết sự cậy trông là gì. Đây là cái giá duy nhất: hãy mở lòng mình ra cho đức tin và Người sẽ làm tất cả mọi việc còn lại.
Đây là một sự đối nghịch, và đồng thời, là yếu tố mạnh mẽ nhất và cao cả nhất của sự cậy trông của chúng ta! Một sự cậy trông được thiết lập dựa trên một lới hứa, mà theo quan điểm của con người dường như không chắc chắn và không thể đoán trước, nhưng nó vẫn không từ bỏ thậm chí trước cả cái chết, khi mà Đấng đã hứa là Thiên Chúa của sự Sống lại và của sự sống. Điều này không được hứa bởi bất kỳ một ai! Chính Đấng hứa ban là Thiên Chúa của sự Phục Sinh và của sự sống.
Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin Thiên Chúa ban cho ơn sủng không cậy dựa quá nhiều và những sự an toàn của chúng ta, vào những khả năng của chúng ta, nhưng cậy dựa vào niềm cậy trông vào lời hứa của Thiên Chúa, như là những đứa con thật sự của tổ phụ A-bra-ham. Khi Thiên Chúa đã hứa, Người sẽ thực hiện trọn vẹn lời hứa của Người. Người không bao giờ quên Lời của Người. Và rồi đời sống của chúng ta sẽ mang lấy một ánh sáng mới, trong sự ý thức rằng Người là Đấng đã cho Con của Người sống lại cũng sẽ cho chúng ta sống lại và lấy lại cho chúng ta thực sự là người con của Người, cùng với tất cả những anh em trong đức tin của chúng ta. Tất cả chúng ta đều tin. Hôm nay chúng ta ở trong quảng trường, chúng ta ca khen Thiên Chúa, chúng ta sẽ hát bài Kinh Lạy Cha, và chúng ta sẽ nhận Phép Lành … nhưng rồi cũng qua đi. Nhưng đây cũng là một sự cậy trông. Nếu hôm nay tâm hồn chúng ta rộng mở, tôi chắc chắn với anh chị em rằng tất cả chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Quảng trường Thiên đàng, nơi sẽ không bao giờ qua đi. Đây là lời hứa của Thiên Chúa và đây là sự cậy trông của chúng ta, nếu chúng ta mở tâm hồn mình ra. Cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến những anh chị em hành hương nói tiếng Ý. Tôi xin chào các linh mục thuộc Phong trào Focolare, Hiệp hội “Provida Italia”. Tôi xin chào các tín hữu của Cassino, anh chị em đang kỷ niệm 70 năm thánh hiến nhà thời Thánh An-tôn thành Padua; Nhóm “Unasca Italia” và đội Basket for Ever của Gaeta. Nguyện xin cho Kinh Thành Muôn Thuở gia tăng sự hiệp nhất của mỗi người với Giáo hội hoàn vũ và Đấng Kế nhiệm Thánh Phê-rô.
Cuối cùng, cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Các bạn trẻ thân yêu, Mùa Chay là thời điểm quý giá để tái khám phá tầm quan trọng của đức tin trong đời sống hàng ngày; anh chị em bệnh nhân thân mến, hãy kết hiệp sự đau khổ của anh chị em với thập giá của Đức Ki-tô để xây dựng nền văn minh tình thương; và các con, những đôi uyên ương thân yêu, hãy giữ lấy sự hiện diện của Chúa trong gia đình mới của chúng con.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

Thỉnh cầu của Đức Thánh Cha
Tôi rất hân hạnh được đón tiếp phái đoàn quan sát Iraq, gồm đại diện các nhóm tôn giáo khác nhau, cùng đi có Đức Hồng Y Tauran, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn. Sự phong phú của dân tộc Iraq thân yêu quả thật nằm trong trong bức tranh ghép thể hiện sự thống nhất của tính đa dạng, sức mạnh trong sự hiệp nhất, thịnh vượng trong sự hòa hợp. Anh em thân mến, tôi khuyến khích anh em tiếp tục trên hành trình này và tôi mời gọi anh em cầu nguyện để đất nước Iraq có thể tìm được hòa bình, thống nhất và thịnh vượng trong sự hòa giải và hòa hợp giữa các thành phần đa sắc tộc và đa văn hóa của nó. Tôi suy nghĩ về những người dân bị kẹt ở những quận miền Tây của Mosul và phải di tản vì chiến tranh, tôi cảm thấy hiệp nhất với họ trong lời cầu nguyện và sự gần gũi tinh thần. Bày tỏ nỗi đau thống khổ cho những nạn nhân của cuộc xung đột đẫm máu, tôi nhắc lại với tất lời thỉnh cầu cam kết bằng tất cả sức mạnh để bảo vệ những người dân như là một mệnh lệnh và một nghĩa vụ cấp bách.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/03/2017]