Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-25/12/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-25/12/2019



Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 21-26/12/2019


21 tháng Mười Hai: Chúa Giêsu là nụ cười của Thiên Chúa. Ngài đến để mạc khải cho chúng ta tình yêu và sự tốt lành của Chúa Cha trên Trời. chúng ta cũng cần nụ cười của Chúa để trút bỏ khỏi chúng ta sự an toàn giả tạo và đưa chúng ta trở lại với hương vị của sự đơn giản và tính nhưng không.

21 tháng Mười Hai: Chúng ta luôn cần phải cho phép mình được canh tân bởi nụ cười của Chúa Hài đồng Giê-su. Hãy để cho sự tốt lành trẻ thơ của Ngài thanh tẩy chúng ta khỏi những lãng phí thường xuyên phủ bọc lấy tâm hồn chúng ta.

22 tháng Mười Hai: Tin mừng trong ngày (Mt 1, 18-24) dẫn dắt chúng ta hướng đến Giáng sinh qua kinh nghiệm của Thánh Giu-se. Mẫu gương của ngài giúp chúng ta lắng nghe Chúa Giê-su đến, Đấng yêu cầu chúng ta đưa Ngài vào trong những chương trình và những lựa chọn của chúng ta. #GospelOfToday
22 tháng Mười Hai: Chỉ còn ba ngày nữa là đến #Giáng sinh và suy nghĩ của cha đặc biệt hướng về các gia đình, những người được đoàn tụ trong những ngày lễ này. Ước mong Giáng sinh Thánh trở thành một thời gian huynh đệ cho mọi người, là thời gian để phát triển đức tin và những hành động đoàn kết hướng đến những người thiếu thốn.

23 tháng Mười Hai: Cảnh hang đá Giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không là vô hình trên trời, nhưng đã xuống trần gian và trở thành người phàm. Dựng cảnh máng cỏ là mừng vui trước sự gần gũi của Thiên Chúa, để tái khám phá ra rằng Thiên Chúa là thật, là cụ thể; Người là Tình yêu khiêm nhường xuống thế cùng chúng ta. #Nativityscene

24 tháng Mười Hai: Hang đá Giáng sinh giống như một Tin mừng sống động: nó đưa Tin Mừng vào trong nhà, trong trường học, nơi làm việc, nơi hội họp, trong các nhà thương và nhà dưỡng lão, trong những nhà tù và quảng trường. #Nativityscene

24 tháng Mười Hai: Cha hy vọng rằng đặt máng cỏ trong nhà là một cơ hội để anh chị em mời Chúa Giê-su đi vào cuộc sống của mình. Vì nếu Ngài cư ngụ trong cuộc sống chúng ta, thì sự sống của chúng ta được tái sinh. Và đó mới thật sự là Giáng sinh. #Nativityscene

24 tháng Mười Hai: Đêm nay tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ cho chúng ta: đó là Chúa Giê-su. Trong Chúa Giê-su, Đấng Tối Cao đã hạ mình trở thành một hài nhi bé nhỏ, để chúng ta có thể yêu mến Ngài. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã trở thành một Hài nhi, để chúng ta có thể ôm ẵm Ngài.

24 tháng Mười Hai: Đêm nay, trong vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cũng khám phá ra vẻ đẹp của chính mình, vì chúng ta là những con cái được Chúa yêu. Chúng ta đều xinh đẹp trong mắt Người: không phải vì những gì chúng ta làm mà vì chính con người chúng ta.

24 tháng Mười Hai: Anh chị em thân yêu, nếu đôi bàn tay anh chị em dường như trống trơn, nếu anh chị em nghĩ rằng tâm hồn mình nghèo nàn trong tình yêu, thì đêm nay là dành cho anh chị em em. Ân sủng của Thiên Chúa đã được tỏ lộ, để tỏa sáng trong cuộc sống của anh chị em. Hãy chấp nhận ân sủng đó và ánh sáng Giáng sinh sẽ tỏa rạng trong anh chị em.

25 tháng Mười Hai: Hôm nay là ngày thích hợp để tiến đến gần nhà tạm, đến gần hang đá, máng cỏ, và dâng lời tạ ơn. Chúng ta hãy đón nhận món quà đó là Chúa Giê-su, để sau đó trở thành một món quà như chính Chúa Giê-su. Trở thành món quà tức là trao tặng ý nghĩa cho cuộc sống. http://w2.vatican.va/content/france

25 tháng Mười Hai: Nguyện xin Đấng E-ma-nu-en đem ánh sáng đến cho tất cả các thành viên đang chịu đựng đau khổ của gia đình nhân loại. Xin Người làm mềm lại những con tim chai đá và xem mình là trung tâm, và biến chúng thành những kênh yêu thương của Người. Trong ngày hân hoan này, xin Người đem sự dịu dàng của Người đến cho tất cả mọi người và làm bừng sáng những bóng tối của thế gian. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/urbi/documents/papa-francesco_20191225_urbi-et-orbi-natale.html …




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 26/12/2019]


TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh gia thất Na-da-rét

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh gia thất Na-da-rét
© Vatican Media

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh gia thất Na-da-rét

“Thuật ngữ ‘Thánh’ có nghĩa là ‘hoàn toàn mở rộng lòng trước thánh ý của Chúa’”

29 tháng Mười Hai, 2019 13:50

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trong trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

Đức Thánh Cha chúc mọi người một Năm Mới bình an, “Cha chúc anh chị em điều này: chúng ta hãy kết thúc một năm trong bình an, bình an của tâm hồn. Và trong gia đình, hãy giao tiếp với nhau.”

* * *


Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Và quả thật, hôm nay là một ngày đẹp … Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Thánh Gia thất của làng Na-da-rét. Thuật ngữ “thánh” đặt vào trong gia đình trong phạm vị của sự nên thánh, đó là một ơn của Thiên Chúa, nhưng cũng đồng thời là sự trung thành một cách tự do và đầy trách nhiệm với chương trình của Chúa. Và gia đình Na-da-rét đã làm như vậy, gia đình hoàn toàn mở rộng lòng trước Thánh ý của Chúa. Làm sao chúng ta lại không kinh ngạc trước sự vâng phục của Maria với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng yêu cầu Mẹ trở thành Mẹ của Đấng Mê-xi-a? — vì như mọi cô gái trong thời đại của Mẹ, Maria chuẩn bị thực hiện chương trình cuộc sống của Mẹ, tức là kết hôn với Giu-se.

Tuy nhiên, khi Mẹ nhận ra rằng Thiên Chúa kêu gọi Mẹ theo một sứ mạng đặc biệt. Mẹ không chần chừ xưng mình là “nữ tỳ” của Người (x. Lc 1:38). Chúa Giê-su đề cao sự lớn lao của Mẹ không quá nhiều ở vai trò làm mẹ của Mẹ, nhưng là sự vâng phục của Mẹ với Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa!” (Lc 11:28), đó là những gì Mẹ Maria đã làm. Và khi Mẹ không hiểu hết những biến cố mà có phần tham dự của Mẹ trong đó, Mẹ suy ngẫm, suy tư và tôn sùng sáng kiến của Thiên Chúa trong thầm lặng. Sự có mặt của Mẹ dưới chân thập giá thánh hóa tính hoàn toàn sẵn sàng này.

Còn về Thánh Giu-se, Tin mừng không kể cho chúng ta một lời nào: ngài không nói nhưng hành động vâng phục. Ngài là con người của thinh lặng, con người vâng lời. Trang Tin mừng hôm nay (x. Mt 2:13.19-23) tường thuật lại ba lần vâng lời của Thánh Giu-se, liên quan đến việc chạy trốn sang Ai-cập và sau đó trở lại miền đất Israel. Dưới sự hướng dẫn của Chúa qua đại diện là Thiên thần, Giu-se đã đưa gia đình ngài thoát khỏi sự đe dọa của Hê-rô-đê và cứu thoát gia đình. Như vậy Gia đình Thánh cùng chia sẻ hoàn cảnh với tất cả những gia đình trên toàn thế giới bị buộc phải lưu đày; Gia đình Thánh chia sẻ hoàn cảnh với tất cả những người bị buộc phải rời bỏ quê hương của họ vì áp bức, bạo lực và chiến tranh.

Cuối cùng Chúa Giê-su là người thứ ba trong Gia đình Thánh. Người là Thánh ý của Chúa Cha: như Thánh Phaolo nói, nơi Người không cùng tồn tại hai tiếng “vâng” và “không”, nhưng chỉ có một tiếng “xin vâng” duy nhất (x. 2 Cr 1:19). Và điều này được tỏ lộ trong nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống trần gian của Người. Chẳng hạn, chương nói về Đền thờ, khi cha mẹ của Người đang lo lắng đi tìm Người, Người trả lời: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49); Người liên tục lặp đi lặp lại: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4:34); Lời cầu nguyện của Người trong Vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Tất cả những biến cố này là để thực hiện trọn vẹn những lời của Đức Ki-tô nói: “Chúa không ưa hy lễ và hiến tế [...] Bấy giờ con mới thưa, ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’” (Dt 10:5-7; Tv 40:7-9).

Mẹ Maria, Thánh Giu-se và Chúa Giê-su: Gia đình Thánh của Na-da-rét đại diện cho sự đồng lòng vâng nghe Thánh ý của Chúa Cha: ba thành phần trong gia đình này giúp nhau để khám phá và nhận biết chương trình của Chúa. Các ngài cầu nguyện, lao động và trao đổi. Và cha tự hỏi: trong gia đình của anh chị em, anh chị em có khả năng trao đổi hay không, hay anh chị em giống như những đứa trẻ kia ngồi tại bàn, mỗi đứa với chiếc điện thoại của mình và tán gẫu trên điện thoại? Sự im lặng tại bàn đó giống như chúng đang tham dự Thánh Lễ … Nhưng chúng không giao tiếp với nhau. Chúng ta phải phục hồi lại sự đối thoại trong gia đình: những người cha, cha mẹ, con cái, ông bà và anh chị em phải giao tiếp với nhau … Đây là trách nhiệm phải thực hiện ngày nay, chính trong ngày Lễ Thánh Gia thất hôm nay. Ước mong Gia đình Thánh trở thành mẫu gương của các gia đình, để cha mẹ và con cái hỗ trợ lẫn nhau trung thành với Tin mừng, là nền tảng cho sự nên thánh của gia đình.

Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, “Nữ vương của các gia đình,” tất cả những gia đình trên thế giới, đặc biệt những gia đình bị thử thách bởi sự đau khổ và khó khăn, và chúng ta khẩn xin sự bảo vệ theo tình mẫu tử của Mẹ trên họ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố kinh hoàng hôm qua ở Mogadishu, tại Somalia, nơi một trái bom cài trên xe nổ, hơn 70 người đã bị giết. Cha xin thể hiện sự gần gũi với tất cả thân nhân của họ và tất cả những người khóc thương cái chết của họ. Chúng ta cùng đọc kinh: Kính mừng Maria … 

Cha chào tất cả anh chị em người Roma, người hành hương, các nhóm giáo xứ, các Hội đoàn và giới trẻ. Xin gửi lời chào đặc biệt đến tất cả các gia đình hiện diện hôm nay ở đây và tất cả những ai đang tham dự qua truyền hình và radio tại nhà. Gia đình là một gia tài quý báu: cần phải luôn luôn hỗ trợ và bảo vệ nó: hãy tiến bước!

Cha xin chào các sinh viên của Forli, thiếu niên ứng sinh Thêm sức của Adrara San Martino, của Calcinate và nhóm thiếu niên của Giáo xứ San Giuliano ở Albino, Bergamo.

Cha chào tất cả anh chị em và chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc và một Năm Mới bình an. Cha chúc anh chị em điều này: chúng ta hãy kết thúc một năm trong bình an, bình an của tâm hồn. Và trong gia đình, hãy giao tiếp với nhau.

Một lần nữa cha cảm ơn tất cả những lời chúc tốt đẹp và lời cầu nguyện của anh chị em. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2019]


Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô
© Vatican Media

TOÀN VĂN HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN: Lễ Thánh Stê-pha-nô

“Thật vậy, trong sự tử đạo của Thánh Stê-pha-nô, tình yêu đã chiến thắng bạo lực, sự sống đã chiến thắng cái chết”

27 tháng Mười Hai, 2019 15:42

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.

* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Hôm nay là Lễ Thánh Stê-pha-nô, là vị tử đạo tiên khởi. Sách Tông đồ Công vụ kể cho chúng ta biết về ngài (x. Chương 6-7), và trang phụng vụ hôm nay trình bày ngài trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi ngài bị bắt và bị ném đá (x. 6:12; 7:54-60). Trong không khí hân hoan của Giáng sinh, sự kính nhớ người Ki-tô hữu đầu tiên bị giết vì đức tin có vẻ như đi lạc đề. Tuy nhiên, chính trong cái nhìn của đức tin, việc cử hành hôm nay đi sát với ý nghĩa thật sự của Giáng sinh. Thật vậy, trong sự tử đạo của Thánh Stê-pha-nô, tình yêu đã chiến thắng bạo lực, sự sống đã chiến thắng cái chết: trong giờ làm chứng lên đến cực điểm, ngài nhìn thấy các tầng Trời mở ra và ngài tha thứ cho những kẻ hành hình ngài (x. c. 60).

Người tôi tớ trẻ tuổi này của Tin mừng, tràn đầy Thánh Thần, đã có thể nói về Chúa Giê-su bằng lời nói và đặc biệt là bằng cuộc sống của mình. Nhìn đến ngài, chúng ta nhìn thấy lời hứa của Chúa Giê-su với các môn đệ của Người trở thành hiện thực: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (x. Mt 10:19-20). Trong trường học của Thánh Stê-pha-nô, là người đã trở nên giống như Thầy của mình, bất kể trong cuộc sống hay trong cái chết, chúng ta cũng hãy hướng ánh mắt nhìn chăm chú vào Chúa Giê-su, chứng nhân trung thành của Chúa Cha. Chúng ta biết được rằng vinh quang của Nước Trời, vinh quang trong cuộc sống trường tồn, không được tạo dựng bằng của cải và quyền lực, nhưng bằng tình yêu và món quà chính mình.

Chúng ta cần phải hướng ánh mắt về Chúa Giê-su, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12:2) để có thể đưa ra lý do cho niềm hy vọng đã được trao tặng cho chúng ta (x. 1 Pr 3:15), qua những thách đố và thử thách mà chúng ta phải đương đầu mỗi ngày. Với người Ki-tô hữu chúng ta, Thiên Đàng không còn xa cách, không tách rời khỏi trần thế: trong Chúa Giê-su, Thiên Đàng đã đi vào trần gian. Và nhờ Người, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể mang lấy tất cả những gì của con người và hướng về Thiên Đàng. Để chứng tá đầu tiên của chúng ta chính là con người của chúng ta, và cách sống noi gương theo Chúa Giê-su: hiền lành và can đảm, khiêm nhường và cao thượng, phi bạo lực.

Stê-pha-nô và một Phó tế, một trong bảy vị Phó tế đầu tiên của Giáo hội (x. Cv 6:1-6). Ngài dạy chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô qua những hành động huynh đệ của mình và bác ái rao giảng. Ước mong rằng chứng tá của ngài, chứng tá lên đến cực điểm trong phúc tử đạo, trở thành nguồn mạch truyền cảm hứng cho sự canh tân của các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta; họ được kêu gọi để thể hiện tính thừa sai nhiều hơn bao giờ hết, tất cả đều hướng vào việc rao giảng phúc âm, quyết tâm tiến đến với những người ở các vùng ngoại vi của cuộc sống cũng như ngoại vi thuộc địa lý, là những nơi có sự khát khao hy vọng và ơn cứu độ. Những cộng đoàn không chạy theo luận lý trần tục, không đặt mình vào trung tâm — tức là hình ảnh của riêng họ –, nhưng chỉ chọn vinh quang của Chúa và ích lợi của tha nhân, đặc biệt những người hèn mọn và nghèo khó.

Lễ kính Thánh Stê-pha-nô, vị tử đạo tiên khởi, kêu gọi chúng ta hãy nhớ đến tất cả những vị tử đạo của qua và hôm nay — ngày nay có rất nhiều! — để cảm nhận sự hiệp thông với các ngài, và xin các ngài cầu bầu ban ơn sống và chết vì danh Chúa Giê-su trong tâm hồn và trên môi miệng chúng ta. Nguyện xin Mẹ Maria, thân mẫu của Đấng Cứu thế, giúp chúng ta sống mùa Giáng sinh này với ánh mắt hướng về Chúa Giê-su, để mỗi ngày trở nên giống Ngài hơn.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến,

Cha chia sẻ sự đau buồn rơi xuống trên dân tộc Philippines thân yêu do cơn bão nhiệt đới Pantone gây ra. Cha dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, cho những người bị thương và gia đình của họ. Cha mời tất cả anh chị em đọc kinh Kính mừng cùng với cha cho những người mà cha rất yêu mến này.

Kính mừng Maria … 

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em, những người hành hương từ nước Ý và các quốc gia khác. Ước mong rằng niềm vui Giáng sinh vẫn tràn ngập tâm hồn chúng ta hôm nay, gợi nên niềm khát khao muốn chiêm ngắm Chúa Giê-su trong máng cỏ của hang chiên lừa, để rồi phục vụ và yêu mến Người nơi những anh em của chúng ta, đặc biệt là người thiếu thốn nhất.

Trong những ngày này cha nhận được rất nhiều lời chúc tốt lành từ Roma và nhiều nơi trên thế giới. Cha không thể hồi âm từng lời chúc nhưng cha cầu nguyện cho tất cả mọi người. Vì vậy, hôm nay cha xin gửi tới anh chị em lời cảm ơn chân thành, đặc biệt là món quà cầu nguyện mà rất nhiều anh chị em hứa thực hiện. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Chúc mừng ngày lễ Thánh Stê-pha-nô hạnh phúc. Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/12/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/12/2019


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/12/2019


16 tháng Mười Hai: Có hai thái độ tiêu biểu của những Ki-tô hữu hờ hững: đặt Thiên Chúa vào một góc - hoặc là Chúa phải làm điều này cho tôi hoặc là tôi không đến với Giáo hội nữa - và rửa tay trước những người thiếu thốn. Chúng ta hãy loại bỏ những thái độ này để nhường không gian cho Chúa đến. #HomilySantaMarta

17 tháng Mười Hai: Mọi sự hoán cải đều đến từ một kinh nghiệm trước đây về lòng thương xót, từ lòng nhân từ của Thiên Chúa chiếm lấy tâm hồn.

18 tháng Mười Hai: Thái độ phản ứng của chúng ta trước những thách đố do tình trạng di cư hiện tại có thể được tóm tắt trong bốn động từ: chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập. Nếu chúng ta đem chúng ra thực hành, chúng ta sẽ giúp xây dựng thành trì của Chúa và con người. #InternationalMigrantsDay http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/migration/documents/papa-francesco_20190527_world-migrants-day-2019.html …

18 tháng Mười Hai: Cha cảm ơn tất cả anh chị em ở khắp nơi đã gửi đến cha những lời chúc mừng và cầu chúc nhân kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục và sinh nhật. Cha đặc biệt cảm ơn món quà là lời cầu nguyện của anh chị em.
19 tháng Mười Hai: Trong những ngày trước #Giáng sinh chúng ta hãy ngợi khen Thiên Chúa vì tính nhưng không của ơn cứu độ, vì tính nhưng không của sự sống, vì tất cả mọi điều Người ban cho chúng ta hoàn toàn nhưng không. Mọi sự đều là ân sủng. #HomilySantaMarta

20 tháng Mười Hai: Cha quyết định trưng bày áo phao này, “bị đóng đinh,” để nhắc nhở mọi người về cam kết vô cùng quan trọng phải cứu mạng sống mọi người, vì sự sống của con người là vô cùng quý giá trước mắt Thiên Chúa. Chúa sẽ chất vấn chúng ta về điều này trong giờ phút phán xét. https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2019-12/pope-francis-it-s-injustice-that-causes-migrants-to-die-at-sea.html …

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/12/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 16-20/12/2019

20 tháng Mười Hai: Chúng ta hãy dâng lời tạ ơn vì tất cả những sự tốt lành có trên thế giới, vì những người đã dành cả cuộc đời phục vụ, để xây dựng một xã hội nhân văn và công bằng hơn. Chúng ta biết rằng: chúng ta không thể tự mình cứu mình. @antonioguterres

20 tháng Mười Hai: Lòng tin tưởng vào sự đối thoại giữa các cá nhân và giữa các quốc gia, tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương, vào vai trò của các tổ chức quốc tế, và chính sách ngoại giao như một khí cụ để trân trọng và hiểu biết, là không thể thiếu được để xây dựng một thế giới hòa bình. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/pont-messages/2019/documents/papa-francesco_20191220_videomessaggio-guterres.html …




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/12/2019]


Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha (Toàn văn)

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha (Toàn văn)
© PHOTO.VA - Osservatore Romano

Phép lành ‘Urbi et Orbi’ của Đức Thánh Cha (Toàn văn)

‘Chúa Con đã hạ sinh, như một ánh sáng lung linh trong giá lạnh và bóng đen của màn đêm’

25 tháng Mười Hai, 2019 12:20

Trưa hôm nay từ ban công chính diện Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đọc sứ điệp Giáng sinh sau đây trước các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.



“Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9:1)

Anh chị em thân mến, Chúc mừng Giáng sinh!

Từ cung lòng Mẹ Giáo hội, Con Thiên Chúa nhập thể lại hạ sinh trong đêm nay. Tên Người là Giê-su, có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ.” Thiên Chúa Cha, Tình yêu muôn đời và vô biên, đã sai Ngài đi vào thế gian không phải để lên án nhưng để cứu độ thế gian (x. Ga 3:17). Chúa Cha đã ban Ngài cho chúng ta với lòng thương xót vô bờ. Người đã tặng ban Ngài cho mọi người. Người ban tặng Ngài mãi mãi. Chúa Con đã hạ sinh, như một ánh sáng lung linh trong giá lạnh và bóng đen của màn đêm.

Hài nhi đó, được sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, là Ngôi Lời của Thiên Chúa trở thành nhục thể. Ngôi Lời đã hướng dẫn tâm hồn A-bra-ham cùng những bước đi tiến về đất hứa, và Ngài tiếp tục cuốn hút về với Ngài tất cả những ai tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa. Ngôi Lời đã dẫn đưa người Do Thái trên hành trình từ nô lệ sang tự do, và Người tiếp tục kêu gọi những người bị xiềng xích nô lệ trong mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta, hãy tiến bước ra khỏi ngục tù của họ. Người là Ngôi Lời sáng chói hơn cả vầng dương, đã nhập thể trong một hài nhi nhỏ bé: Giê-su là ánh sáng của thế gian.

Đây là lý do tại sao vị ngôn sứ kêu lên: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (Is 9:1). Có bóng tối trong tâm hồn con người, nhưng ánh sáng của Đức Ki-tô thì mạnh mẽ hơn. Có bóng tối trong mỗi cá nhân, gia đình và những mối quan hệ xã hội, nhưng ánh sáng của Đức Ki-tô thì mạnh mẽ hơn. Có bóng tối trong những xung đột về kinh tế, địa chính trị và môi trường sinh thái, nhưng ánh sáng của Đức Ki-tô mạnh mẽ hơn.

Nguyện xin Chúa Ki-tô đem ánh sáng của Người đến với nhiều người con cái đang chịu đau khổ vì chiến tranh và những xung đột trong vùng Trung Đông và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nguyện xin Người mang sự ủi an đến cho dân tộc Syria thân yêu vẫn chưa nhìn thấy dấu chấm hết cho những thù hận đã xé tan đất nước trong thập niên vừa qua. Nguyện xin Người khuấy động lương tâm của những người nam và nữ thiện chí. Xin Người soi sáng cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế để tìm ra những giải pháp cho phép các dân tộc của vùng đất đó chung sống trong hòa bình và an ninh, và đặt dấu chấm hết cho những nỗi đau khổ của họ. Nguyện xin Người gìn giữ dân tộc Li-băng và giúp họ có thể vượt qua được cơn khủng hoảng hiện tại và tái khám phá ơn gọi của họ để trở thành một thông điệp của tự do và chung sống hòa hợp cho tất cả mọi người.

Nguyện xin Chúa Giê-su đem ánh sáng tới Đất Thánh, nơi Người đã hạ sinh là Đấng Cứu thế của nhân loại, và là nơi quá nhiều người – đang tranh đấu không nản chí – vẫn đang chờ đợi thời gian của hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Xin Người mang đến sự an ủi cho Iraq giữa những căng thẳng xã hội hiện tại của đất nước, và đem an ủi đến cho Yemen, đang gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Nguyện xin Hài nhi bé nhỏ của Bê-lem mang đến niềm hy vọng cho toàn Mỹ Châu, nơi một số lớn các quốc gia đang trải qua thời kỳ của những biến động lớn về xã hội và chính trị. Xin Người động viên cho dân tộc Venezuela thân yêu, đã chịu thử thách quá lâu bởi những căng thẳng chính trị và xã hội, và bảo đảm rằng họ nhận được sự trợ giúp mà họ đang cần. Nguyện xin Người chúc phúc cho nỗ lực của những người không quản ngại mọi cố gắng để thúc đẩy công bằng và hòa giải và để vượt qua những khủng hoảng khác nhau cùng với nhiều hình thức nghèo khổ xúc phạm đến phẩm giá của mỗi người.

Nguyện xin Đấng Cứu thế của thế giới mang đến ánh sáng cho nước Ukraine thân yêu đang khát khao những giải pháp cụ thể cho một nền hòa bình dài lâu.

Nguyện xin Đức Chúa mới hạ sinh mang ánh sáng đến cho người Châu Phi, nơi mà tình hình xã hội và chính trị dai dẳng thường buộc người dân phải di cư, cướp mất nhà cửa và gia đình của họ. Nguyện xin Người mang hòa bình đến cho những người sống trong vùng phía đông của nước Cộng hòa Congo, bị xé nát bởi những cuộc xung đột liên tục. Nguyện xin Người mang sự ủi an đến cho tất cả những ai đau khổ vì bạo lực, vì thảm họa thiên nhiên hoặc những cơn bùng phát của dịch bệnh. Và xin Người đem sự an ủi đến cho những ai bị bắt bớ vì đức tin của họ, đặc biệt là các nhà thừa sai và thành viên của các tín hữu đã bị bắt cóc, và cho nạn nhân của các vụ tấn công bởi các nhóm cực đoan, đặc biệt ở Burkina Faso, Mali, Niger và Nigeria.

Nguyện xin Con Thiên Chúa, từ trời sinh xuống trần gian, bảo vệ và giữ gìn tất cả những người bị buộc phải di cư với hy vọng tìm được một cuộc sống an toàn, vì những bất công này hoặc bất công khác. Chính sự bất công đã bắt họ phải vượt qua những sa mạc và biển khơi là nơi trở thành những nghĩa trang. Chính bất công đã buộc họ phải gánh chịu những hình thức lạm dụng ghê tởm, bị làm nô lệ dưới mọi hình thức và chịu tra tấn trong những trại giam vô nhân. Chính sự bất công đã đẩy họ ra khỏi những nơi họ có hy vọng về một đời sống đúng phẩm giá, nhưng thay vì vậy lại tìm thấy mình đứng trước những bức tường thờ ơ.

Nguyện xin Đấng E-ma-nu-en đem ánh sáng đến cho tất cả các thành viên đang chịu đựng đau khổ của gia đình nhân loại. Xin Người làm mềm lại những con tim chai đá và xem mình là trung tâm, và biến chúng thành những kênh yêu thương của Người. Xin Người mang nụ cười của Người đến với tất cả mọi trẻ em trên thế giới, qua những khuôn mặt nghèo khó của chúng ta: đến với tất cả những trẻ bị chối bỏ và những trẻ chịu đau khổ vì bạo lực. Qua những bàn tay mỏng giòn của chúng ta, xin Người mặc quần áo cho những người không có gì để mặc, trao tặng lương thực cho người đói và chữa lành người bệnh. Qua tình bạn của chúng ta, xin Người kéo lại gần với người già và người cô đơn, với người di cư và người bị gạt ra bên lề. Trong ngày Giáng sinh hân hoan này, xin Người đem sự dịu dàng của Người đến cho tất cả mọi người và làm bừng sáng những bóng tối của thế gian này.

[Văn bản chính: tiếng Ý]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/12/2019

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/12/2019


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 11-15/12/2019


11 tháng Mười Hai: Trong thời gian Mùa Vọng này, chúng ta hãy xin Chúa làm hồi sinh trong chúng ta niềm tin vào Đức Ki-tô là Đấng đến để giải thoát chúng ta, để giúp chúng ta luôn trung thành với ơn gọi là những môn đệ truyền giáo. #GeneralAudience

11 tháng Mười Hai: Trên thế giới ngày nay nhiều Ki-tô hữu bị bắt bớ và dâng mạng sống của họ vì đức tin. Phúc tử đạo là hơi thở sự sống của một người Ki-tô hữu, của một cộng đoàn Ki-tô hữu. Sẽ luôn luôn có những người tử đạo ở giữa chúng ta: đây là dấu chỉ cho thấy chúng ta đang đi theo con đường của Chúa Giê-su. #GeneralAudience

12 tháng Mười Hai: Khi chúng ta học cách sống trong sự tha thứ, chúng ta sẽ phát triển năng lực để trở thành những con người #hòa bình. http://w2.vatican.va/content/francesco/en/messages/peace/documents/papa-francesco_20191208_messaggio-53giornatamondiale-pace2020.html …

13 tháng Mười Hai: Thời gian trước Giáng sinh kêu gọi chúng ta hãy tự hỏi mình: Khát khao lớn lao trong tâm hồn tôi là gì? Chính Thiên Chúa là Đấng đặt “cơn khát” này trong tâm hồn chúng ta. Và Người đến để gặp gỡ chúng ta bằng con đường này, bất cứ nơi nào có sự đói và khát hòa bình, đói và khát công bằng, tự do và yêu thương.

13 tháng Mười Hai: Cảm ơn anh chị em đã đồng hành với cha trong dịp kỷ niệm này. Cha tiếp tục xin sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện của anh chị em.

14 tháng Mười Hai: Đức tin cho chúng ta khả năng nhìn đến những biến cố của cuộc sống với niềm hy vọng, và giúp chúng ta chấp nhận ngay cả những thất bại và đau khổ, vì biết rằng sự ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng.

15 tháng Mười Hai: Nguyện xin Mẹ Maria Đồng Trinh giúp chúng ta, để chúng ta tiến đến #Giáng sinh, chúng ta đừng để bản thân bị sao lãng bởi những thứ thuộc hình thức bên ngoài, nhưng dành chỗ trong tâm hồn cho Đấng đã đến và muốn tiếp tục đến để chữa lành những căn bệnh của chúng ta và tặng ban cho chúng ta niềm vui của Người.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/12/2019]


Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Những thách đố của một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân

Những thách đố của một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân

Những thách đốcủa một linh mục ở Ethiopia: Nơi bạn phải lo lắng về báo và linh cẩu trên đường đến gặp giáo dân
Aid to the Church in Need

02 tháng Mười Hai, 2019

Ấn tượng đầu tiên của tôi về khu vực này là nó thật sự rất xa xôi … Đối với tôi là một linh mục, đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất!

Cha Kenneth Iwunna luôn muốn trở thành linh mục. Khi còn là một thiếu nhi, cha tham dự thánh lễ mỗi buổi sáng. Thậm chí có những ngày cha đi học muộn vì điều đó. Cha bị phạt, nhưng việc đó không ngăn cha đi tham dự Thánh lễ. Cha muốn trở thành một thầy dòng và linh mục là hình ảnh quan trọng nhất đối với cha. Cha giải thích với một nụ cười: “Tôi thích mọi điều linh mục làm.”

Ước mơ của cha đã thành hiện thực khi người thanh niên Nigeria, ngày nay đã 45 tuổi, gia nhập Dòng Spiritans và được truyền chức linh mục. Hiện nay cha là một nhà truyền giáo đang hoạt động ở Ethiopia. Đây cũng là một giấc mơ trở thành sự thật của cha. “Khi tôi vẫn còn trong thời gian đào tạo, một linh mục từ Ethiopia về. Ngài là một người rất giỏi và khiêm nhường và tôi nhận ra rằng tôi cũng muốn đến Ethiopia. Tôi không biết gì về đất nước này, nhưng tôi vẫn muốn đến đó. Trước khi thụ phong linh mục, chúng tôi được phép chọn ba địa điểm trên thế giới là nơi chúng tôi muốn đến phục vụ. Tôi viết Ethiopia là lựa chọn thứ 1 và thứ 2 của tôi và Nigeria là lựa chọn thứ ba,” vị linh mục nhớ lại.

Trong bảy năm nay, Cha Kenneth Iwunna là một nhà truyền giáo trong bộ lạc Borana ở miền nam Ethiopia. Borana theo truyền thống là một dân tộc du mục, mặc dù nhiều gia đình giờ đã ít di chuyển hơn. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn di chuyển trong khu vực với đàn gia súc của họ.

Cha Kenneth nhớ lại, “Ấn tượng đầu tiên của tôi về vùng này là nó thực sự rất xa xôi. Nhưng làm việc ở những vùng xa xôi nơi Giáo hội đang gặp khó khăn là một phần đặc sủng của dòng chúng tôi.”

Ngày nay, cha là linh mục chánh xứ của Giáo xứ Thánh Giá, có trụ sở tại Dhadim. Khoảng 5.000 trong số 9.000 cư dân trong vùng là người Công giáo – và số lượng của họ đang tăng lên. Một số lượng lớn người muốn được rửa tội.

Một trong những điểm thu hút chính của Ki-tô giáo đối với người Borana là mỗi người đều được yêu thương

Cha Kenneth nói: “Một trong những điểm thu hút chính của Ki-tô giáo đối với người Borana là mỗi người đều được yêu thương. Hơn nữa, họ rất có ấn tượng bởi tính phổ quát của Giáo hội và muốn thuộc về Giáo hội. Chúng tôi cử hành Thánh Lễ ở đây cũng giống như cách thức Thánh Lễ được cử hành ở Roma hoặc những nơi khác.”

Giáo xứ khá sôi động. Các lớp học Giáo lý và Kinh Thánh được tổ chức và Cha Kenneth đã bắt đầu thừa tác vụ ơn gọi, và nó đã sinh hoa trái: hai thiếu nữ từ bộ lạc Borana muốn trở thành nữ tu, và năm thiếu niên đã bày tỏ sự quan tâm đến chức tư tế.

Giới trẻ đặc biệt tích cực: 250 thanh niên thường xuyên tham gia vào các hoạt động của giáo xứ.

Nhờ sự trợ giúp của tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, mỗi năm có 65 đến 100 bạn trẻ được tham gia một chương trình mục vụ kéo dài ba ngày được tổ chức tại một giáo phận khác.

“Hầu hết trong số họ chưa bao giờ đi bất cứ nơi nào ngoài ngôi làng của họ. Đối với họ việc đến với những người trẻ từ các bộ lạc khác và trao đổi về những gì họ biết là một kinh nghiệm quan trọng. Có thể họ không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng chúng tôi đảm bảo luôn có một người ở đó để thông dịch. Người trẻ phát triển trong đức tin và trải nghiệm Giáo hội theo một cách mới. Tuy nhiên, có một ưu điểm là sau đó họ tìm thấy động lực để học một ngôn ngữ khác như tiếng Anh và đến trường. Những ngày này không chỉ mang lại lợi ích cho họ mà cho cả cộng đồng. Vì khi những bạn trẻ này trở về, họ nói về những trải nghiệm của họ trong Giáo hội. Và những người lớn tuổi cũng rất thích thú với điều này.”

Nhờ có sự hỗ trợ của ACN, họ khởi động một chương trình dành cho các cặp vợ chồng đón nhận đức tin Ki-tô giáo. Cha Kenneth giải thích, “Những người trưởng thành mới được rửa tội đứng trước vấn đề là họ không kết hôn trong Giáo hội. Điều này có nghĩa là họ không thể Rước Lễ. Tuy nhiên, nhiều người không có tiền mua nhẫn cưới, trang phục theo nghi thức và lễ mừng mà họ phải tổ chức. Và vì vậy, chúng tôi tổ chức lễ hôn phối cho một số đôi vợ chồng cùng một lúc và mua tất cả mọi thứ họ cần cho lễ mừng. Thật là một sự nhẹ nhàng tuyệt vời cho các cặp vợ chồng khi cuối cùng họ được kết hôn trong Giáo hội và có thể Rước Lễ.”

Chúng tôi cũng động viên các thiếu nữ đi học. Điều này đã dẫn đến một sự giảm mạnh đối với những cuộc hôn nhân sớm

Tình hình của phụ nữ cũng được cải thiện. “Theo truyền thống, phụ nữ Borana rất nhút nhát. Truyền thống cấm họ làm bất cứ điều gì bên ngoài nhà. Giáo hội đang cố gắng giúp họ ra khỏi nhà nhiều hơn. Chúng tôi tạo cho họ cơ hội để trở thành giáo lý viên và dạy học. Người dân đã chấp nhận điều này và bây giờ thấy nó tốt. Chúng tôi cũng khuyến khích thanh thiếu nữ đi học. Điều này đã dẫn đến một sự giảm sụt mạnh đối với những cuộc hôn nhân sớm. Chúng tôi tin vào việc truyền giáo thông qua giáo dục.”

Nhìn chung, nhiều vấn đề đã được cải thiện. Trong quá khứ, những thù hằn thường nổ ra giữa các bộ lạc sống trong vùng. Bây giờ, cũng nhờ sự hiện diện của Giáo hội Công giáo, tình hình trở nên tốt hơn. “Chỉ trong những lúc hạn hán thì đôi khi xảy ra xung đột giữa những người nông dân và người chăn gia súc đang tìm kiếm đồng cỏ,” vị linh mục thuật lại. “Để cải thiện tình hình hơn nữa, chúng tôi muốn sớm cung cấp các khóa học về hòa bình, hòa giải và đối thoại liên tôn tại nhà thờ.”

Tuy nhiên, vẫn còn đủ những thách thức phải đối mặt. “Những con đường ở trong tình trạng rất xấu và hầu hết các địa điểm chỉ có thể đến bằng cách đi bộ, xe gắn máy hoặc xe đạp. Thỉnh thoảng tôi phải đi từ 25 đến 30 km (15 đến 18 dặm). Khi tôi đi một mình và phải đi xuyên rừng, đôi khi rất sợ. Có báo, rắn khổng lồ và đầy linh cẩu. Khi tôi được gọi đi trong trường hợp khẩn cấp, tôi thường phải tự đi vào ban đêm.”

Tuy nhiên, Cha Kenneth nói rằng cha muốn sống trọn đời ở Ethiopia. Cha hạnh phúc trong vai trò truyền giáo của mình giữa người Borana. “Với tôi là một linh mục, đây là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Đức tin của tôi đã phát triển thậm chí mạnh mẽ hơn ở đây. Tôi có thể giúp đỡ những người không thể tự xoay sở. Tôi có thể giúp họ biết Chúa nhiều hơn và thông qua việc đó, tôi trao cho họ sự sống. Đây là điều tốt nhất xảy đến với tôi.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/12/2019]


Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ
Pope At An Audience With New Ambassadors - Copyright: Vatican Media

Thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền & nhân phẩm, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tân đại sứ

Bảo đảm sự sẵn sàng của Giáo hội giúp họ hoàn thành trách nhiệm

19 tháng Mười Hai, 2019 10:27

“Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc.”

Đức Thánh Cha Phanxico đã nhắc nhở điều này với các tân đại sứ hôm nay, ngày 19 tháng Mười Hai năm 2019, trong Khán phòng Clementine nhân dịp trình ủy nhiệm thư của các tân đại sứ đến Tòa Thánh từ Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria.

Trong phát biểu của mình, Đức Phanxico nói với họ về hy vọng của ngài rằng sứ mạng của họ “sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.”

Đức Thánh Cha kết luận rằng ngài sẽ cầu nguyện cho họ và công việc quan trọng của họ, bảo đảm “sự luôn luôn sẵn sàng” của ngài và của Giáo triều Roma để giúp họ hoàn thành trách nhiệm của mình và ban phép lành Tòa Thánh cho họ.

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp phát biểu của Đức Thánh Cha:

***

Thưa quý vị,

Tôi rất hân hạnh được đón tiếp quý vị nhân dịp trình Ủy nhiệm Thư mà quý vị được bổ nhiệm là những Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của đất nước mình tại Tòa thánh: Seychelles, Mali, Andorra, Kenya, Latvia và Nigeria. Tôi xin quý vị vui lòng truyền đạt lại những tình cảm quý trọng của tôi tới các vị Nguyên thủ quốc gia của quý vị, cùng với những lời cầu nguyện của tôi cho họ và cho đồng bào của quý vị.

Cuộc gặp gỡ của chúng ta diễn ra hôm nay khi người Ki-tô hữu trên khắp thế giới chuẩn bị kỷ niệm sự chào đời của một Người mà chúng tôi gọi là Thái tử Hòa bình. Thật vậy, hòa bình là khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại. Nó là một hành trình của hy vọng, trong đó gồm có đối thoại, hòa giải và hoán cải sinh thái (x. Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2020). Trong một thế giới mang dấu ấn đáng buồn bởi những cuộc xung đột dân sự, khu vực và quốc tế, những chia rẽ và bất bình đẳng xã hội, điều vô cùng quan trọng là phải thực hiện một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và sáng tạo đặt nền tảng trên lòng trung thực và sự thật, với mục đích thúc đẩy sự đoàn kết huynh đệ mạnh mẽ hơn giữa các cá nhân và trong cộng đồng toàn cầu. Về phần mình, Giáo hội Công giáo cam kết hợp tác với mọi đối tác có trách nhiệm trong việc thúc đẩy lợi ích của mỗi người và của mọi dân tộc. Tôi hy vọng rằng sứ mạng của quý vị sẽ không chỉ góp phần củng cố những mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia của quý vị và Tòa Thánh, mà còn để xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn trong đó sự sống của con người, nhân phẩm và các quyền con người được tôn trọng và nâng cao.

Con đường dẫn đến hòa bình bắt đầu từ sự mở lòng để hòa giải, “nó đòi hỏi phải khước từ mong muốn thống trị người khác của chúng ta và học cách nhìn nhau là những con người, là con cái của Thiên Chúa, là anh chị em” (nt., 3). Chỉ khi chúng ta gạt bỏ sự thờ ơ và sợ hãi thì bầu khí tôn trọng lẫn nhau mới có thể phát triển và được nuôi dưỡng. Từ đó dẫn đến sự phát triển một nền văn hóa bao gồm, một hệ thống kinh tế công bằng hơn và nhiều cơ hội cho sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống chính trị và xã hội. Sự hiện diện của quý vị ở đây là một tín hiệu cho thấy quyết tâm của các quốc gia mà quý vị là đại diện và của cộng đồng quốc tế nói chung để giải quyết những hoàn cảnh bất công, phân biệt đối xử, nghèo đói và bất bình đẳng ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta và đe dọa những hy vọng và khát vọng của các thế hệ tương lai.

Càng ngày chúng ta càng thấy rằng con đường đi đến hòa bình cũng bị ngăn chặn bởi sự thiếu tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và đặc biệt là việc bóc lột những tài nguyên thiên nhiên được coi là một nguồn lợi nhuận trước mắt, mà không tính toán đến cái giá phải trả của những cộng đồng địa phương hoặc của chính thiên nhiên. Thế giới của chúng ta đang đối mặt với một loạt những thách thức phức tạp cho sự bền vững của môi trường, không những cho hiện tại mà còn cho tương lai cận kề. Thượng hội đồng gần đây về Vùng Pan-Amazon kêu gọi sự chân nhận mới về mối quan hệ giữa các cộng đồng và vùng đất, giữa hiện tại và quá khứ, và giữa kinh nghiệm và niềm hy vọng. Một đòi hỏi cấp bách về cam kết cho việc quản lý có trách nhiệm đối với trái đất và các nguồn tài nguyên của nó ở mọi cấp độ, từ sự giáo dục trong gia đình, đến đời sống xã hội và công dân, và việc đưa ra những quyết định về chính trị và kinh tế. Lợi ích chung và lợi ích của ngôi nhà nơi chúng ta cư ngụ đòi hỏi những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy việc nuôi dưỡng sự sống và sự phát triển toàn diện của mỗi thành viên trong gia đình nhân loại.

Thưa quý vị Đại sứ, giờ đây khi quý vị bắt đầu sứ mạng của mình tại Tòa Thánh, tôi xin gửi đến quý vị những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất và tôi xin bảo đảm với quý vị về sự luôn luôn sẵn sàng của các văn phòng khác nhau thuộc Giáo triều Roma để hỗ trợ quý vị thi hành trách nhiệm của mình. Tôi thân ái khẩn xin phúc lành niềm vui và bình an của Chúa đổ xuống trên quý vị và gia đình, đồng nghiệp và toàn thể đồng bào của quý vị.

[Văn bản tiếng Anh bài phát biểu của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]


Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

Tổng Thư ký LHQ ca ngợi tiếng nói mạnh mẽ của Đức Giáo hoàng về các vấn đề thế giới

18 tháng Mười Hai, 2019

Ông António Guterres sẽ thảo luận với Đức Giáo hoàng về sự biến đổi khí hậu, người tị nạn, giải trừ hạt nhân và tự do tôn giáo.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, dự kiến sẽ tới Roma và gặp Đức Giáo hoàng Phanxico, là người mà vị đại diện của Liên Hợp Quốc đã ca ngợi trong một cuộc phỏng vấn gần đây “là một tiếng nói mạnh mẽ về sự khủng hoảng khí hậu, về sự nghèo đói và bất bình đẳng, về chủ nghĩa đa phương, về việc bảo vệ người tị nạn và di cư, về sự giải trừ quân bị và nhiều vấn đề quan trọng khác.”

Những vấn đề này sẽ là chủ đề của cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo thế giới khi họ hợp tác để “xây dựng những cầu nối.”

Trong một phỏng vấn với Vatican News, ông Guterres sơ lược một số điểm quan tâm của LHQ — trong đó vấn đề khá quan trọng là sự biến đổi khí hậu, chủ đề của hội nghị COP25, tại Madrid. Ông Guterres bày tỏ sự thất vọng của mình rằng hội nghị kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về vấn đề này giữa các cường quốc của thế giới. Tổng thư ký nhắc lại cam kết của ông đối với carbon trung tính, ông nói:

“Vào năm 2030 tất cả các quốc gia phải cam kết cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính theo các mức độ của năm 2010, và để đạt mức phát thải CO2 bằng không vào năm 2050. Ở đây, tôi hoan nghênh cam kết của Liên minh Châu Âu nhằm đạt được mức carbon trung tính vào năm 2050 và tôi thúc giục các quốc gia trên toàn thế giới bắt chước tấm gương này về hành động đối với khí hậu.”

Vì Đức Giáo hoàng Phanxico là một người ủng hộ dứt khoát đối với carbon trung tính, nên dự kiến ngài sẽ đánh giá về vấn đề này với ông Guterres. Đức Phanxico cũng là một trong những tiếng nói thường xuyên nhất kêu gọi bảo vệ người tị nạn, một chủ đề khác mà hai vị sẽ thảo luận.

Ông Guterres cho rằng cần phải có sự cải tổ trong tất cả các khía cạnh về đời sống người tị nạn, từ di cư đến tái định cư. Ông viện dẫn rằng di cư là một con đường nguy hiểm, nó thường buộc người tị nạn đặt sự sống của họ trong tay những người không đáng tin cậy:

“Và chúng ta phải hợp tác để chống lại những kẻ buôn lậu và tội phạm làm giàu trên lưng những người không được bảo vệ. Những vụ đắm tàu chết người không thể trở thành một điều bình thường mới. Cần có các giải pháp để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến những hành trình nguy hiểm này.”

Mặt khác, những người tị nạn chạm tới đích đến của họ thường phải sống trong những chỗ ở vô cùng thiếu thốn và các dịch vụ vô tổ chức. Ông Guterres kêu gọi “một cam kết thật sự để chia sẻ trách nhiệm”, và yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên thể hiện tình đoàn kết với những quốc gia đang ở trên “tiền tuyến.”

Vào tháng Mười Một, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ tại một hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí và phát triển, ngài nói rằng, “Những loại vũ khí có thể dẫn đến sự hủy diệt loài người là vô nghĩa ngay cả đặt trên quan điểm chiến thuật.” Ông Guterres đồng thuận với Đức Giáo hoàng Phanxico và dự kiến sẽ thảo luận về việc giải trừ hạt nhân trên toàn thế giới với giáo hoàng. Trong phỏng vấn của Vatican News, ông bình luận:

“Điều vô cùng quan trọng là phải đưa sự giải trừ hạt nhân trở lại trung tâm của chương trình nghị sự quốc tế. Cũng cần thiết phải đảm bảo rằng hiệp ước không phổ biến hạt nhân, hoặc NPT, duy trì vị thế là một trụ cột nền tảng của trật tự toàn cầu.”

Tổng thư ký cũng nêu ra những cuộc tấn công mạng, điều mà ông lo ngại có thể gây ra các sự cố quốc tế bằng cách “làm xói mòn niềm tin và khuyến khích các Chính phủ thông qua các thái độ tấn công đối với việc sử dụng có hại trên không gian mạng.” Không rõ liệu ông có tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giáo hoàng về chủ đề này không, nhưng ông đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy Liên Hợp Quốc giải quyết mối quan tâm này.

Một chủ đề khác mà ông Guterres dự kiến sẽ mang đến cho Đức Giáo hoàng Phanxico là sự gia tăng ngược đãi tôn giáo trên toàn thế giới, dẫn đến những cuộc tấn công vào người Ki-tô hữu, Hồi giáo và cả người Do Thái. Ông gọi tuyên ngôn gần đây của Đức Giáo hoàng Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học al-Azhar là “một đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự chung sống hòa bình, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau trên thế giới.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/12/2019]