Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2019

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (TOÀN VĂN)

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (TOÀN VĂN)
WIKIMEDIA COMMONS - 9wEPrPiHa60TbQ At Google Cultural Institute

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (TOÀN VĂN)

“Xin Đức Nữ Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc, Cánh Cửa Thiên Đàng, giúp chúng ta mỗi ngày hướng về Thiên Đàng với lòng tín thác và niềm vui, là nơi quê nhà thật của chúng ta, là nơi Mẹ đang chờ đợi chúng ta như một người mẹ”

15 tháng Tám, 2019 13:08

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin buổi trưa với các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô trong ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời:


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong ngày Lễ trọng Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay, Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh cầu nguyện: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa; thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1:46-47). Chúng ta hãy xét đến các động từ trong lời cầu nguyện này: ngợi khen, hớn hở vui mừng. Hai động từ: “ngợi khen” và “vui mừng.” Con người hớn hở vui mừng khi một điều gì đó quá đẹp xảy đến và nếu chỉ mừng vui trong tâm hồn thì chưa đủ, nhưng muốn bày tỏ niềm hạnh phúc đó bằng tất cả con người: và chúng ta hớn hở vui mừng. Mẹ Maria mừng vui vì Thiên Chúa. Có ai biết được rằng liệu điều đó cũng đã xảy đến cho chúng ta, liệu chúng ta có hớn hở mừng vui. Chúng ta hớn hở vì một kết quả đạt được, vì một tin vui, nhưng hôm nay Mẹ Maria dạy chúng ta biết mừng vui trong Chúa, Tại sao? Vì Người – Thiên Chúa – làm “những điều trọng đại” (c. 49).

Những điều trọng đại được đề cập đến bằng một động từ khác: ngợi khen. “Linh hồn tôi ngợi khen.” Ngợi khen. Quả thật, ngợi khen có nghĩa là tán tụng thực tại vì sự vĩ đại của nó, vì nét đẹp của nó … Mẹ Maria tán tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa, ca khen Người, nói rằng Người thật sự vĩ đại. Trong cuộc sống, điều quan trọng là hãy tìm kiếm những điều lớn lao, bằng không thì anh chị em sẽ lạc lõng, theo đuổi quá nhiều những điều nhỏ nhặt. Mẹ Maria cho chúng ta thấy rằng nếu chúng ta muốn cuộc sống của mình được hạnh phúc thì Thiên Chúa phải được đặt ở vị trí đầu tiên, vì chỉ mình Người là sự vĩ đại. Thay vì vậy, không biết bao nhiêu lần chúng ta sống theo đuổi những điều chẳng quan trọng: những định kiến, oán giận, ganh đua, ghen tị, ảo tưởng, của cải vật chất thừa thãi … Cuộc sống thật đẹp! Chúng ta biết đây là vấn đề. Hôm nay Mẹ Maria mời gọi chúng ta hãy nhìn đến “những điều trọng đại” mà Thiên Chúa đã làm trong cuộc đời của Mẹ. Trong cuộc đời của chúng ta nữa, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, Thiên Chúa làm rất nhiều điều trọng đại. Chúng ta phải nhận ra và hớn hở mừng vui, ngợi khen Thiên Chúa, vì những điều trọng đại này.

Đây là “những điều trọng đại” mà chúng ta cử hành hôm nay. Mẹ Maria được rước lên Trời: nhỏ bé và khiêm hạ, Mẹ trước hết nhận được vinh quang cao nhất. Mẹ, là một con người, là một người trong chúng ta, đã tiến đến được đời sống vĩnh hằng cả linh hồn và thân xác. Và Mẹ chờ đợi chúng ta ở đó, như một người mẹ chờ đợi những đứa con của bà trở về nhà. Thật vậy dân Chúa xem Mẹ như một “cánh cổng vào Thiên Đàng.” Chúng ta đang trên hành trình, là những người lữ khách tiến về nhà trên nước trời. Hôm nay, chúng ta nhìn đến Mẹ Maria và chúng ta nhìn thấy mục tiêu. Chúng ta thấy một thụ tạo được mang lấy vinh quang của Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh, và thụ tạo đó chỉ có thể là Mẹ, Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chúng ta thấy điều đó trong Nước Trời, cùng với Đức Ki-tô, là A-đam mới, cũng có Mẹ Maria, E-va mới. Điều này cho chúng ta sự an ủi và niềm hy vọng trong cuộc lữ hành của chúng ta dưới thế này.

Lễ Mẹ Lên Trời là một lời kêu gọi cho tất cả chúng ta, đặc biệt đối với những người đang còn hoài nghi và buồn bã, và sống cuộc đời với đôi mắt nhìn xuống và không thể ngước lên. Chúng ta hãy ngước lên, bầu trời rộng mở; nó chẳng gây ra nỗi sợ hãi, nó không còn xa cách, vì ngay ở tại ngưỡng cửa của Thiên Đàng có một người Mẹ đang chờ đợi chúng ta và đó chính là Mẹ của chúng ta. Mẹ yêu thương chúng ta, mỉm cười và giúp chúng ta với sự quan tâm âu yếm. Cũng như mọi người mẹ đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình, Mẹ nói với chúng ta: “Các con là vô cùng quý giá trước mắt Thiên Chúa; các con không được tạo dựng nên cho sự kiện toàn nhỏ bé của thế giới, nhưng cho những niềm vui lớn lao của Thiên Đàng.” Đúng vậy, vì Chúa là niềm vui, không phải sự buồn bã! Thiên Chúa là niềm vui! Chúng ta hãy cho phép mình được dẫn dắt tay bởi Mẹ Maria. Mỗi khi chúng ta cầm cỗ tràng hạt trong tay và cầu nguyện là chúng ta thực hiện một bước đi mới hướng đến mục tiêu cao cả của cuộc sống.

Chúng ta hãy để mình bị cuốn hút bởi sự tuyệt mỹ thật, chúng ta đừng để mình bị chìm đắm trong sự nhỏ bé của cuộc sống, nhưng hãy chọn sự cao cả của Thiên Đàng.

Xin Đức Nữ Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc, Cánh Cửa Thiên Đàng, giúp chúng ta mỗi ngày hướng về Thiên Đàng với lòng tín thác và niềm vui, là nơi quê nhà thật của chúng ta, là nơi Mẹ đang chờ đợi chúng ta như một người mẹ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của phóng viên cao cấp Vatican Deborah Castellano Lubov của ZENIT]


[Nguồn: zenit]


* * *

HUẤN TỪ KINH TRUYỀN TIN CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (TOÀN VĂN)

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha xin bày tỏ sự gần gũi với với những người dân của một số quốc gia Nam Á, bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa lũ. Cha cầu nguyện cho các nạn nhân và những người di tản, cho các gia đình vô gia cư. Xin Chúa ban sức mạnh cho họ và cho những người trợ giúp họ.

Hôm nay tại Czestochowa, Ba Lan, nhiều người hành hương tập trung đến để mừng ngày được Lên Trời của Đức Nữ Đồng Trinh và kỷ niệm một trăm năm khôi phục lại những quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Ba Lan. Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em đang tập trung dưới chân Mẹ Madonna Đen và cha thúc giục anh chị em cầu nguyện cho toàn thể Giáo hội. Cha cũng gửi lời chào đến tất cả anh chị em người Ba Lan đang hiện diện tại đây!

Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em hành hương người Ý và từ nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha xin chào Gia đình Truyền giáo Donum Dei , the Union Seglar de San Antonio Maria Claret, nhóm “Festeros de San Vicente” của Venezuela, là những anh chị em đến đây bằng xe đạp từ Valencia, và các bạn trẻ thuộc nhóm cắm trại của trường ở Novoli.

Và giờ đây cha mời anh chị em cùng với cha hiệp thông trong lời cầu nguyện: cha sẽ làm phép một số lượng lớn những cỗ tràng hạt cho anh chị em của chúng ta ở Syria. Theo sáng kiến của hiệp hội giáo hoàng “Aid to the Church in Need,” khoảng 6000 cỗ tràng hạt đã được chế tác, bởi các Nữ tu Carmelite ở Bê-lem. Hôm nay, trong ngày lễ lớn này của Mẹ Maria, cha làm phép những cỗ tràng hạt này, và sau đó sẽ được phân phát cho các cộng đoàn Công giáo ở Syria như là một dấu chỉ của sự gần gũi của cha, đặc biệt đối với các gia đình đã bị mất người thân vì cuộc chiến. Lời cầu nguyện được thực hiện cùng với đức tin sẽ có sức mạnh rất lớn! Chúng ta hãy tiếp tục đọc Kinh Mân Côi cầu cho hòa bình ở Trung Đông và trên toàn thế giới.

Cha sẽ ban phép lành, nhưng trước hết chúng ta đọc kinh Kính Mừng.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Deborah Castellano Lubov của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2019]


Chủ tịch Caritas Châu Phi nói sự nghèo đói và các vấn đề của Châu Phi là bởi cách lựa chọn

Chủ tịch Caritas Châu Phi nói sự nghèo đói và các vấn đề của Châu Phi là bởi cách lựa chọn

Chủ tịch Caritas Châu Phi nói sự nghèo đói và các vấn đề của Châu Phi là bởi cách lựa chọn

AMECEA phỏng vấn của Cha Andrew Kaufa, smm

12 tháng Tám, 2019 08:04

Chủ tịch Caritas Châu Phi, Đức Hồng y Gilbert Justice Yaw Anokye, Tổng Giám mục Kumasi, gần đây đến thăm ban Thư ký của AMECEA trong chuyến thăm chính thức của ngài đến văn phòng miền Caritas Châu Phi của Kenya. Chuyến viếng thăm này theo sau Phiên họp Khoáng đại lần thứ 18 của SECAM (Symposium of Episcopal Conferences of Africa and Madagascar) gần đây ở Uganda từ 21 đến 28 tháng Bảy, và có ngài tham dự. Caritas Châu Phi có hai văn phòng miền ở Châu Phi – một ở Lome, Togo, và một ở Nairobi, Kenya. Văn phòng Nairobi phụ trách những công việc của Caritas tại một số Hội đồng Giám mục Thành viên trong những quốc gia Đông Phi cũng trực thuộc AMECEA. Tổ chức có một thỏa thuận làm việc rất đặc biệt với chính quyền Kenya từ năm 1988. AMECEA Online News có vinh dự được thực hiện cuộc phỏng vấn với ngài trong đó ngài chia sẻ suy nghĩ về sự Phát triển Con người Toàn diện, tình đoàn kết, và bản ngã trong Giáo hội ở Châu Phi. Trong thông điệp đặc biệt của ngài gửi đến các giám mục trong châu lục, ngài có quan điểm cho rằng Châu Phi chỉ có thể vươn lên khi cấn đề về vai trò lãnh đạo được giải quyết, từ đó kêu gọi họ giúp Châu Phi vươn lên. Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn.


Có những thời gian, Caritas Châu Phi dấn thân vào việc xoa dịu sự đau khổ của những người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán trong vùng AMECEA. Ngoài ra tổ chức còn làm gì để làm dịu bớt những thách thức đang ảnh hưởng đến khu vực?

Cũng có những vấn đề chẳng hạn như sự bất ổn chính trị và nội chiến trong các quốc gia như Nam Sudan và Eritrea. Chúng tôi có chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Somalia; Boko Haram ở Nigeria; Al Qaeda ở Mauritania; sự bất ổn ở Burkina Faso và Bờ Biển Ngà; và sự di cư của người dân. Chắc chắn có những yếu tố cần phải giải quyết cho tất cả những vấn đề này. Tuy nhiên, trong tất cả những hoàn cảnh này thì con người cần phải được ăn, được giúp đỡ, được mặc và được cung cấp chỗ ở. Quyền của họ phải được tôn trọng vì họ là con người: những người tị nạn là con người, bất kể họ còn sống trong châu lục hoặc di cư sang phương Tây.

Những yếu tố này thuộc tự nhiên và con người. Các bạn biết là những cơn bão lốc và cuồng phong bắt đầu và phá hủy tài sản. Những nguyên nhân tự nhiên này đôi khi không thể dự đoán trước được dù rằng một số thì có thể. Các phòng khí tượng có thể cho chúng ta biết trong hai hay ba ngày tới một trận bão lốc sẽ đến nhưng một số trận động đất và sóng thần thì ập đến bất ngờ. Rồi chúng tôi cũng có những nguyên nhân thuộc con người: con người chúng ta chặt đốn cây cối nhưng lại không tái trồng rừng; chúng ta đào hầm tìm vàng và kim cương và đồng nhưng lại không lấp những cái hầm hố đó; chúng ta làm nông nhưng không có trách nhiệm chăm sóc cho đất đai. Tất cả những yếu tố này đều thuộc con người và phải ngăn chặn. Caritas chúng tôi đến khi những yếu tố đó gây ra trường hợp khẩn cấp nào đó. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể chặn chuyện đó xảy ra thì đối với tôi là cách tốt nhất. Chúng ta nói rằng chăm sóc sức khỏe có ba chiều kích: phòng ngừa, điều trị và phục hồi. Caritas cũng áp dụng như vậy.

Hiển nhiên là đôi khi chúng ta không thể ngăn chặn được những thảm họa chẳng hạn như những gì đã xảy ra năm nay ở Mozambique, Zimbabwe, và Malawi. Đó chính là lúc chúng tôi có thể huy động các nguồn vốn và hướng sự tập trung của chúng tôi vào việc làm dịu bớt, huy động các nguồn lực và cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật. Trong trường hợp sau, Caritas cũng đến. Chẳng hạn, Caritas Unganda đã và đang làm việc để phục hồi lại đời sống cho quá nhiều người tị nạn từ Sudan. Ở nhiều quốc gia, Caritas đang giúp người tị nạn khởi đầu cuộc sống mới theo chương trình tạo sinh kế của Caritas. Chúng tôi không bỏ qua việc cung cấp cho họ lương thực, thuốc, và chăn mền, nhưng chúng tôi cũng làm việc để phục hồi họ. Đó là phần sứ mạng của chúng tôi.


Ngoài những gì Cha vừa nói, có một ranh giới rõ ràng nào giữa các phòng này không – Công lý và Hòa bình, Phát triển Công giáo và Caritas?

Không hề, có có ranh giới phân chia nào cả. Trong nhiều quốc gia, các phòng này đều được ghi là Caritas – Phát triển Xã hội. Trong Tổng Giáo phận Kumasi của tôi, cũng cùng một văn phòng với bảng hiệu Caritas – Phát triển Xã hội – Đầu tư. Thật ra, đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxico đã gộp bốn phòng này thành một. Trong quá khứ, Công lý và Hòa bình có văn phòng riêng của mình với một Đức Hồng y Tổng trưởng và nhóm của ngài; Sức khỏe cũng có một văn phòng hoàn toàn độc lập; rồi phòng Di cư; Caritas; Advocacy hoặc phát triển. Đức Thánh Cha nói KHÔNG: hãy gộp tất cả các phòng lại với nhau vì một con người cần có sự phát triển toàn diện. Chúng ta phải có một sự tiếp cận toàn diện đối với một con người là người tị nạn hoặc di cư; một bà góa hay một đứa con mồ côi. Vì vậy chúng ta phải có một văn phòng giúp con người một cách toàn diện.

Thật không may là điều này vẫn chưa được áp dụng hoàn toàn trong nhiều quốc gia. Các bạn vẫn thấy rằng trong một số Hội nghị thì phòng Công lý và Hòa bình vẫn đang hoạt động độc lập khỏi Caritas và Phát triển Công giáo. Tuy nhiên hầu hết các vấn đề họ đang giải quyết đều giống nhau. Việc thành lập Bộ Phát triển Con người Toàn diện là để Giáo hội nhìn vào những vấn đề này theo một cách thức mới và ngừng cách hoạt động tách biệt. Đức Thánh Cha Phanxico nói, ‘Chúng ta hãy mang đến tất cả những gì chúng ta đang cùng nhau hoạt động và chia sẻ cách thức, sự cộng tác, cũng như những nguồn lực.’ Sẽ không bao giờ là quá trễ.

Tại sao một số giáo phận và Hội nghị không gộp các văn phòng lại với nhau? Có thể, lý do là cách sắp xếp lại nhân sự. Khi bạn gộp lại, một số người phải ra đi. Ngay cả tại Roma, khi xây dựng Bộ vào năm 2016, họ phải bỏ một số người. Họ phải trả tiền bồi thường (payoff) cho một số người và tái định hướng một số người sang những công việc mới. Có một ví dụ mà tôi luôn đưa ra khi nói về tầm quan trọng của tính chuyên môn: khi tôi bị nhức đầu, bị đau răng, đau bụng; tôi phải làm gì? Đúng, tôi là một con người nhưng tôi cần một chuyên gia cho mỗi vấn đề. Vì vậy đó là lý do thật tốt tại sao cần phải có mỗi phòng. Trong mô hình mới này, chẳng hạn, tôi phải có một văn phòng Phát triển Con người Toàn diện nơi tôi tìm được tất cả những chuyên gia này: những người bảo vệ cho công lý và hòa bình; cho giáo dục, phát triển, và sức khỏe; cho việc huy động các nguồn vốn cho các hoạt động bác ái.


Trong Phiên họp Khoáng đại thứ 18 của SECAM 18, con hiểu ý của ngài Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện là Đức Hồng y Phê-rô Turkson thách đố các giám mục Châu phi “hãy đọc những dòng chữ viết trên tường” và cam kết sự tự ổn định về tài chính trong các thừa tác vụ Giáo hội trong châu lục. Cha nhìn về tương lai sứ mạng của Caritas Châu Phi như thế nào?

Chúng tôi là người trông coi anh em chúng tôi ngay ngay từ chữ ‘ra đi.’ Chúng tôi phải chăm sóc cho những người anh em thiếu thốn của chúng tôi, bất kể chúng tôi có là anh chị em quan hệ huyết thống hay không. Tôi có thể cho một ví dụ từ Tin mừng khi các môn đệ hỏi Chúa Giê-su, ‘Làm sao chúng con có thể cho tất cả những người này ăn khi chúng ta chỉ có 200 đồng kẽm?’ Thiên Chúa cần những tâm hồn và bàn tay của chúng ta để cho những đứa trẻ em. Chúng tôi vẫn cần phải có những đối tác. Tôi chắc chắn rằng các đối tác của chúng tôi ở các châu lục khác sẽ tiếp tục giúp chúng tôi – Caritas Ý, Caritas Úc – nhưng họ phải đến để tăng cường thêm cho nhừng gì chúng tôi cần có ở Châu Phi. Người ta có thể hỏi, ‘Chúng tôi cần có những gì?’ Hãy để những người mạnh khỏe giúp những người yếu đuối, Thánh Phaolo đã viết khi gửi cho giáo đoàn Roma có nghĩa là những hội Caritas mạnh hơn cần phải giúp cho những hội Caritas yếu hơn.

Người ta luôn luôn nghĩ về tiền, nhưng đó chưa phải là tất cả: còn thời gian của chúng tôi; khả năng của chúng tôi; nguồn nhân lực. Khi một thảm họa xảy đến, điều mà người ta cần nhất đó là sự hiện diện của chúng tôi – ở đó với họ. Tiền là một giải pháp kỹ thuật nếu không muốn nói là giải pháp thứ nhì nhưng hiện diện với những người trong hoàn cảnh khó khăn là việc quan trọng nhất. Caritas không thể tiếp tục chi trả cho tất cả những sự hỗ trợ về kỹ thuật, vật chất. Chúng tôi không thể tiếp tục. Vì thể chúng tôi buộc phải tìm đến những tự chủ và lâu dài.

Các ví dụ có thể cho thấy. Hôm qua tôi nhìn thấy ở đây tại Nairobi này Ngân hàng Caritas; Cardinal Otunga Plazza là nơi họ có những văn phòng cho thuê; bãi đậu xe họ đang xây dựng gần Vương cung Thánh đường Thánh Gia thất có thể chứa 500 xe. Tất cả những nơi này đều mang đến tiền. Hãy nghĩ đến những người Trung quốc, những người Nam Phi. Tại sao bạn lại không kinh doanh giống như vậy được? Đức Hồng y Turkson, khi ngài còn là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ghana mang đến ý tưởng giới thiệu một công ty bảo hiểm – QIC, Quality Insurance Company (Công ty Bảo hiểm Chất lượng). Như chúng ta đang nói ở đây, nó là một trong những công ty tốt nhất ở Ghana chi trả nhiều nhất ở Ghana so với hầu hết các công ty bảo hiểm khác trong nước.

Hãy đọc Gio-sua chương 2: ngay khi người Israel vượt qua sông Gio-đan thì bánh Man-na không còn từ trời rơi xuống. Sau 50 năm của SECAM, chúng tôi phải tự nuôi lấy mình. Chúng tôi vẫn chưa sử dụng đến 50 phần trăm những tiềm năng của mình. Đúng, chúng tôi phải kêu gọi hỗ trợ từ những đối tác của chúng tôi nhưng chúng tôi cũng phải nói với họ rằng về phía chúng tôi đã nuôi nấng quá nhiều và chúng tôi cần rất nhiều trợ giúp. Bằng không, chúng tôi có thể tính toán rằng 20 năm nữa tính từ bây giờ thì chiếc bánh sẽ hết.


Phiên họp Khoáng đại SECAM gần đây diễn ra tại Kampala, Uganda, vang lên tiếng gọi tình đoàn kết, thúc giục các giám mục chia sẻ giáo sĩ và thậm chí cả tu sĩ với các quốc gia khác đang thiếu tinh thần thừa sai ad gentes. Ch có nghĩ điều này cũng có thể khả thi đối với công cuộc bác ái?

Chúng ta cần sự đoàn kết. Không phải chính Mẹ Teresa đã nói rằng thế giới này không có đủ để đáp ứng cho lòng tham của mọi người; nhưng có đủ để đáp ứng cho nhu cầu của mọi người. Có quá nhiều lương thực bị vứt bỏ – anh không hề biết mỗi ngày có bao nhiêu thực phẩm bị lãng phí đâu. Nhưng lại có người đang chết đói ở Châu Phi. Tình đoàn kết không phải là một tùy chọn; nó là một mệnh lệnh rõ ràng.

Cũng giống như việc chia sẻ linh mục truyền giáo, đúng là vậy. Với Caritas, chúng tôi nói rằng những hội ‘Caritas’ mạnh cần phải đi và đào tạo nền tảng năng lực cho các hội ‘Caritas’ yếu hơn, nói theo cách nói về tiêu chuẩn quản lý và những kỹ năng chuyên môn. Đây là việc tặng tiền bằng hình thức khác chứ không phải tặng tiền mặt.

AMECEA chắc chắn phải giúp các quốc gia khác; một số giáo phận có thể giúp trong những vùng Hồi giáo. Tôi phải nói là hoan hô những người hiện đã và đang hoạt động đó và tôi động viên những người chưa làm. Những tổng giáo phận lớn và các giáo phận như Nairobi, Johannesburg Pretoria, và Kumasi có thể hỗ trợ một hoặc hai giáo phận ở Châu Phi này, trả lương cho các nhân viên và học phí cho các chủng sinh. Tôi có 23 linh mục cộng tác ở một giáo phận bên Hoa Kỳ, Ý, ở Anh và Đức là nơi họ không có linh mục. Và chúng tôi không chỉ nói về tình đoàn kết ở cấp độ AMECEA hoặc SECAM; nhưng hơn thế chúng ta phải thực hiện nó.


Đức Cha có thông điệp đặc biệt nào muốn chia sẻ với vùng AMECEA qua cuộc phỏng vấn này không?

Tôi chỉ có một thông điệp có lẽ là gửi đến tất cả anh em giám mục ở Châu Phi. Theo nghiên cứu cho thấy rằng sự nghèo đói của Châu Phi là do cách lựa chọn; các vấn đề của Châu Phi cũng là do cách lựa chọn. Nó là do cách chọn các nhà lãnh đạo không tốt. Chúng tôi có những nhà lãnh đạo hủ hóa lên nắm quyền vì các bộ lạc; vì sự sợ hãi hoặc ưu ái. Chúng tôi đã chọn những nhà lãnh đạo đã chẳng giúp ích gì được Châu Phi cho đến nay kể từ khi độc lập. Chúng tôi đã có những nhà lãnh đạo tốt bị lật đổ vì những cuộc đảo chính, được hỗ trợ bởi một số người hoặc những quốc gia có nguồn lợi của họ. Vì vậy các vấn đề của Châu Phi nguyên nhân là bởi sự lãnh đạo yếu kém.

Những quốc gia như Malaysia và Singapore đã thoát ra khỏi sự nghèo đói vì họ chọn được các nhà lãnh đạo giỏi. Châu Phi cũng có thể vươn dậy. Chúng tôi đã ngủ mê một thời gian dài. Chúng tôi phải thức dậy ngay lập tức. Điều này sẽ được thực hiện qua cách phải bảo đảm rằng chúng ta chọn những nhà lãnh đạo giỏi cho nền dân chủ của chúng ta, các nhà lãnh đạo với những chính sách tốt không phải cho túi riêng hoặc cái bụng của họ, hoặc cho gia đình hay các nhóm sắc tộc của họ – kỷ nguyên đó đã qua và không nên cho phép nó diễn ra ở Châu Phi nữa. Các nhà lãnh đạo giỏi trong chính phủ cũng như trong các tổ chức Giáo hội.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/8/2019]