Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô, 29.12.2021

 Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô, 29.12.2021

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô, 29.12.2021


Buổi Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:00 trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse, người di cư can đảm và bị bắt bớ” (Bài đọc Kinh Thánh: Mt 2:13-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

*****

Bài Giáo lý về Thánh Giuse - 5. Thánh Giuse, người di cư can đảm và bị bắt

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, cha muốn trình bày Thánh Giuse với anh chị em như một người di cư can đảm và bị bắt bớ. Đây là cách mà Thánh sử Matthêu mô tả về ngài. Biến cố đặc biệt này trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng bao gồm cả Thánh Giuse và Mẹ Maria, theo truyền thống được gọi là “cuộc chạy trốn sang Ai Cập” (x. Mt 2:13-23). Gia đình Nadarét đã phải gánh chịu nỗi nhục như vậy và trực tiếp nếm trải những bấp bênh, sợ hãi và đau đớn khi phải rời bỏ quê hương. Ngày nay, rất nhiều anh chị em của chúng ta vẫn đang bị buộc phải trải qua những bất công và đau khổ tương tự. Nguyên nhân hầu như luôn luôn là sự kiêu ngạo và tính bạo lực của kẻ có quyền thế. Đây cũng là trường hợp của Chúa Giêsu.

Từ các Đạo sĩ vua Hêrôđê biết được về sự ra đời của “Vua dân Do Thái”, và tin này làm ông ta chấn động. Ông ta cảm thấy bất an, ông ta cảm thấy quyền lực của mình đang bị đe dọa. Vì thế, ông ta tập hợp tất cả những người đứng đầu của Giêrusalem lại để tìm hiểu về nơi sinh ra của Chúa, và xin các Đạo sĩ thông báo cho ông ta những chi tiết chính xác, để - ông ta giả cách nói rằng - ông ta cũng muốn đến và thờ phượng Người. Nhưng khi nhận ra rằng các vị Đạo sĩ đã trở về theo một hướng khác, ông ta đã lên một kế hoạch độc ác: giết tất cả những trẻ em dưới hai tuổi ở Bêlem, là khoảng thời gian Chúa Giêsu được sinh ra, theo tính toán của các vị Đạo sĩ.

Trong khi đó, một thiên thần ra lệnh cho Thánh Giuse: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13). Hãy nghĩ đến nhiều người ngày nay cảm thấy tiếng thúc giục trong lòng: “Hãy chạy trốn, hãy bỏ trốn, bởi vì ở đây quá nguy hiểm”. Kế hoạch của Hêrôđê gợi nhớ lại âm mưu của vua Pharaô là ném tất cả những bé trai của dân Israel xuống sông Nile (x. Xh 1:22). Cuộc chạy trốn vào Ai Cập gợi lại toàn bộ lịch sử của dân Israel bắt đầu từ tổ phụ Abraham cũng đã phải tạm cư ở đó (xem St 12:10); đến Giuse, con của ông Giacóp, bị những người anh em của mình bán đi (xem St 37:36) trước khi trở thành “người cai quản toàn cõi Ai Cập” (xem St 41:37-57); và đến Môsê, người giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của người Ai Cập (x. Xh 1:18).

Cuộc chạy trốn của Gia đình Thánh vào đất Ai Cập đã cứu được Chúa Giêsu, nhưng thật đáng buồn nó đã không ngăn cản được Hêrôđê thực hiện vụ tàn sát của ông ta. Từ đó, chúng ta đứng trước hai tính cách đối lập: một bên là Hêrôđê tàn bạo, một bên là Thánh Giuse với sự chăm nom và can đảm của ngài. Hêrôđê muốn bảo vệ quyền lực của mình, bảo vệ da thịt của ông ta, bằng hành động tàn ác nhẫn tâm, được chứng thực qua việc hành quyết một trong những người vợ, một số người con của ông ta và hàng trăm đối thủ. Ông ta là một con người độc ác: để giải quyết vấn đề, ông ta chỉ có một câu trả lời duy nhất: giết. Ông ta là biểu tượng của nhiều bạo chúa trước đây và ngày nay.

Và đối với những bạo chúa này, con người không phải là điều đáng quan tâm; quyền lực mới là quan trọng, và nếu họ cần không gian cho quyền lực, họ sẽ loại bỏ con người. Và điều này xảy ra ngày nay: chúng ta không cần phải nhìn lại lịch sử cổ xưa, nó xảy ra ngày nay. Kẻ đó là người trở thành “con sói” đối với những người khác. Lịch sử đầy rẫy những người sống phó mặc cho những nỗi sợ hãi định đoạt, cố gắng chinh phục chúng bằng cách thực thi quyền lực cách chuyên chế và thực hiện các hành động bạo lực vô nhân. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ sống theo cách của Hêrôđê nếu chúng ta trở thành những bạo chúa, không; thật ra, chính những thái độ mà tất cả chúng ta đều có thể trở thành con mồi, mỗi khi chúng ta cố gắng xua tan nỗi sợ hãi bằng sự kiêu ngạo, dù chỉ bằng lời nói, hoặc kết hợp những cách hành xử tàn tệ nhỏ bé nhằm hành hạ những người thân cận của chúng ta. Chúng ta cũng có thể trở thành những Hêrôđê nhỏ ở trong lòng.

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô, 29.12.2021

Thánh Giuse thì ngược lại với Hêrôđê: trước hết, ngài là một “người công chính” (Mt 1:19), còn Hêrôđê là một kẻ độc tài. Ngoài ra, ngài thể hiện sự can đảm làm theo mệnh lệnh của Thiên thần. Chúng ta có thể hình dung ra những thăng trầm mà ngài đã phải đối mặt trong cuộc hành trình dài và nguy hiểm, cùng với những khó khăn liên quan đến việc ở lại một đất nước xa lạ, với một ngôn ngữ khác: rất nhiều khó khăn. Lòng can đảm của ngài cũng bộc lộ ngay lúc ngài trở về, khi được Thiên thần trấn an, ngài vượt qua nỗi sợ hãi và đến ở tại Nadarét cùng với Đức Maria và Chúa Giêsu (x. Mt 2:19-23). Hêrôđê và thánh Giuse là hai nhân vật đối lập, phản ánh hai khuôn mặt luôn hiện hữu của nhân loại.

Một quan niệm sai lầm phổ biến khi coi lòng dũng cảm là đức tính riêng của người anh hùng. Trên thực tế, cuộc sống hàng ngày của mỗi người cần phải có lòng dũng cảm. Cách sống của chúng ta – của bạn, của tôi, của mọi người: một người không thể sống mà không có lòng can đảm, sự can đảm để đối mặt với những khó khăn mỗi ngày. Trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa chúng ta đều tìm thấy những con người nam và nữ dũng cảm, kiên định với niềm tin của họ, đã vượt qua mọi khó khăn, chịu đựng sự bất công, kết án và thậm chí cả cái chết. Lòng can đảm đồng nghĩa với sự kiên cường, cùng với tính công bằng, khôn ngoan và tiết độ là một phần trong nhóm các nhân đức được gọi là “các bản đức trụ”.

Bài học mà thánh Giuse để lại cho chúng ta hôm nay là: cuộc sống luôn có những nghịch cảnh dành cho chúng ta, điều này đúng, chúng ta cũng có thể cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi khi đối mặt với chúng. Nhưng chúng ta không thể vượt qua được những khoảnh khắc như vậy bằng cách bộc lộ những sự xấu xa nhất của bản thân như Hêrôđê, nhưng bằng cách hành động như Thánh Giuse, phản ứng trước sự sợ hãi với lòng can đảm phó thác cho sự Quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay cha nghĩ rằng chúng ta cần một lời cầu nguyện cho tất cả những người di cư; những người di cư và tất cả những người bị đàn áp, và tất cả những ai là nạn nhân của các nghịch cảnh: bất kể đó là nghịch cảnh thuộc chính trị, lịch sử hoặc cá nhân. Nhưng, chúng ta hãy nghĩ đến rất nhiều người là nạn nhân của các cuộc chiến tranh muốn trốn thoát khỏi quê hương của họ nhưng không thể; chúng ta hãy nghĩ đến những người di cư đã cất bước lên đường để được tự do, nhưng rất nhiều người trong số họ đã kết thúc trên đường hoặc trên biển; Chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu trong vòng tay của Thánh Giuse và Mẹ Maria, đang chạy trốn, và chúng ta hãy nhìn thấy trong Ngài từng người di cư của ngày hôm nay. Di cư ngày nay là một thực tại mà chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ. Đó là một sự ô nhục về mặt xã hội của nhân loại.

Lạy Thánh Giuse,

Ngài đã trải qua sự đau khổ của những người phải trốn chạy

Ngài là người đã bị buộc phải chạy trốn

để cứu mạng sống những người thân yêu nhất của ngài,

xin hãy bảo vệ tất cả những người phải trốn chạy vì chiến tranh,

thù hận, đói khổ.

Xin nâng đỡ họ trong những khốn khó,

Xin củng cố niềm hy vọng trong họ, và cho họ tìm được sự chào đón và tình liên đới.

Xin dẫn dắt những bước đi của họ và mở rộng tấm lòng của những người có thể trợ giúp họ. Amen.

___________________________________

Lời chào đặc biệt

Tôi gửi lời chào đến anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh. Xin cho mỗi người trong anh chị em và gia đình biết trân quý niềm vui của mùa Giáng Sinh này trong sự bình an của Chúa Giêsu Kitô, và đến gần với Đấng Cứu Thế đã đến cư ngụ giữa chúng ta trong lời cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2021]


Công việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 đang được tiến hành tại Vatican

Công việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 đang được tiến hành tại Vatican

Công việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 đang được tiến hành tại Vatican

Antoine Mekary | Aleteia

I.Media for Aleteia

27/12/21


Chỉ còn 3 năm nữa là đến Năm Thánh ‘thông thường’ tiếp theo sau Đại Năm Thánh 2000.

Văn phòng báo chí Vatican đưa tin ngày 26 tháng Mười Hai rằng những công việc chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 đã được bắt đầu ở Vatican: Đức Thánh Cha Phanxicô giao nhiệm vụ điều phối cho Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc âm hóa.

Bản tin nêu rõ rằng Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch của Bộ đã họp với những vị đứng đầu Phủ Quốc vụ khanh, Cơ quan Quản lý Tài sản Tông Tòa (APSA) và Quốc vụ viện Kinh tế.

Gần đây Năm Thánh đã được ông Roberto Gualtieri, tân thị trưởng của thành phố Roma, đề cập khi ông đến thăm Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 18 tháng Mười Một. Vào cuối buổi tiếp kiến, vị quan chức người Ý tuyên bố rằng ông mong muốn được cộng tác với Tòa Thánh trong việc tổ chức sự kiện này.

Năm Thánh 2025 sẽ là một điểm nhấn cho Kinh Thành Muôn Thuở, với số lượng rất đông người Công giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ về thành phố trong suốt năm. Trong Năm Thánh, người hành hương đến viếng mộ các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và đi qua Cửa Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Roma, để lãnh nhận ơn đại xá đặc biệt.

Ban đầu được tổ chức 50 năm một lần, các Năm thánh thông thường hiện nay được đánh dấu 25 năm một lần. Ngoài ra, còn có những Năm Thánh Ngoại thường, gần đây nhất là Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, do Đức Giáo Hoàng người Argentina khai mạc để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/12/2021]


Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG TRONG NĂM “GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA”, 2021-2022



THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG TRONG NĂM “GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA”, 2021-2022

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI CÁC ĐÔI VỢ CHỒNG TRONG NĂM “GIA ĐÌNH AMORIS LAETITIA”, 2021-2022

*****

Thân mến gửi các đôi vợ chồng trên toàn thế giới!

Trong Năm “Gia đình Amoris Laetitia”, cha viết lá thư này để bày tỏ tình cảm trìu mến và sự gần gũi với các con vào thời điểm rất đặc biệt hiện tại. Gia đình luôn ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của cha, nhưng theo cách đặc biệt trong thời gian đại dịch vốn đã đặt ra những thử thách nặng nề đối với tất cả mọi người, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Hoàn cảnh hiện tại khiến cha muốn cùng đồng hành trong sự khiêm nhường, tình cảm và sự rộng mở với từng cá nhân, với các đôi vợ chồng và gia đình trong tất cả những hoàn cảnh hiện tại của các con.

Chúng ta được kêu gọi hãy áp dụng cho bản thân mình tiếng gọi mà tổ phụ Abraham đã nhận được từ Đức Chúa để lên đường từ miền quê cha đất tổ để đến một vùng đất xa lạ mà Đức Chúa sẽ chỉ cho ông (xem St 12:1). Chúng ta cũng đã trải qua sự bấp bênh, cô đơn, mất những người thân yêu; chúng ta cũng bị buộc phải bỏ lại đằng sau những sự chắc chắn của mình, “những vùng an toàn”, cách làm việc quen thuộc và những tham vọng của chúng ta, và làm việc vì sự ấm no hạnh phúc của gia đình và của toàn xã hội, nó cũng phụ thuộc vào chúng ta và hành động của chúng ta.

Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa định hình cho chúng ta, đồng hành với chúng ta và truyền cho chúng ta ra đi với tư cách những cá nhân, và cuối cùng giúp chúng ta “lên đường từ miền đất của mình”, mặc dù trong nhiều trường hợp vẫn có những lo lắng nhất định và thậm chí là hoảng sợ khi đối mặt với những điều chưa biết. Tuy nhiên, đức tin Kitô giáo giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta không đơn độc, vì Chúa cư ngụ trong chúng ta, cùng với chúng ta và ở giữa chúng ta: trong gia đình của chúng ta, trong khu xóm của chúng ta, tại nơi làm việc và trường học, trong các thành phố nơi chúng ta sinh sống.

Như tổ phụ Abraham, tất cả những người chồng và người vợ “lên đường” từ miền đất riêng của họ để đáp lại tiếng gọi tình yêu hôn nhân, họ quyết định trao hiến cho nhau mà không e ngại. Đính hôn có nghĩa là lên đường rời khỏi vùng đất của mình, vì nó kêu gọi các con cùng nhau đi trên con đường tiến đến hôn nhân. Những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, thời gian trôi qua, sự xuất hiện của con cái, công việc và bệnh tật, tất cả đều thách đố các đôi vợ chồng chấp nhận cam kết của họ với nhau một lần nữa, bỏ đi những thói quen cố hữu, sự chắc chắn và an toàn, và lên đường tiến về vùng đất mà Thiên Chúa hứa ban: là hai người trong Đức Kitô, hai trong một. Cuộc sống của hai người trở nên một; các con trở thành “chúng ta” trong sự hiệp thông yêu thương với Đức Giêsu, sống động và hiện diện trong mọi phút giây của cuộc sống. Chúa luôn ở bên các con; Người yêu thương các con vô điều kiện. Các con không cô đơn!

Các đôi vợ chồng thân yêu, biết rằng con cái của các con – đặc biệt là những trẻ nhỏ – chăm chú quan sát các con ; chúng tìm kiếm những dấu hiệu của một tình yêu bền chặt và đáng tin cậy nơi các con. “Thật vô cùng quan trọng đối với những người trẻ khi được tận mắt nhìn thấy tình yêu của Đức Kitô sống động và hiện hữu trong tình yêu của vợ chồng, họ làm chứng bằng thực tế cuộc sống của họ rằng tình yêu mãi mãi là điều có thể!” [1] Trẻ em luôn là một món quà; chúng thay đổi lịch sử của mọi gia đình. Chúng khao khát yêu thương, lòng biết ơn, sự quý trọng và tin tưởng. Là cha mẹ, các con được kêu gọi truyền cho con cái mình niềm vui khi nhận biết rằng chúng là con cái của Thiên Chúa, là con của một người Cha luôn yêu thương chúng cách dịu dàng và là người nắm lấy bàn tay của chúng mỗi ngày. Khi biết được điều này, con cái của các con sẽ trưởng thành trong đức tin và sự tin cậy nơi Chúa.

Chắc chắn việc nuôi dạy con cái không phải là công việc dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng chúng cũng “nâng” chúng ta lên. Gia đình luôn là môi trường chính, nơi sự giáo dục diễn ra thông qua những cử chỉ nhỏ bé nhưng hùng hồn hơn cả lời nói. Giáo dục trên hết là đồng hành với tiến trình trưởng thành, hiện diện với con cái theo nhiều cách khác nhau, giúp chúng nhận ra rằng chúng luôn có thể trông cậy vào cha mẹ. Nhà giáo dục là người “sinh ra” người khác về mặt tinh thần, và trên hết tham gia vào tiến trình trưởng thành của họ. Đối với cha mẹ, điều quan trọng là trao cho con cái một quyền hạn mỗi ngày mỗi lớn lên. Trẻ em cần cảm giác an toàn để có thể giúp chúng đặt niềm tin vững vào các con và vào vẻ đẹp của cuộc sống, và tin chắc rằng chúng sẽ không bao giờ cô đơn, dù bất cứ điều gì có thể xảy ra.

Như cha đã lưu ý, chúng ta đang ngày càng nhận thức được căn tính và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo hội và trong xã hội. Các con có sứ mệnh biến đổi xã hội bằng sự hiện diện của các con tại nơi làm việc và bảo đảm rằng các nhu cầu của gia đình được quan tâm đúng mức. Các đôi vợ chồng cũng nên đi đầu (vai trò đầu tàu) [2] trong cộng đoàn giáo xứ và giáo phận qua các sáng kiến và sự sáng tạo của họ, như một cách thể hiện cho sự bổ sung của các đặc sủng và ơn gọi trong việc phục vụ hiệp thông Giáo hội. Điều này đặc biệt đúng đối với những đôi vợ chồng cùng với các mục tử của Giáo hội “song hành với các gia đình khác để giúp đỡ những người yếu hơn, để công bố rằng ngay cả trong những khó khăn, Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện với họ”. [3]

Vì thế, các đôi vợ chồng thân yêu, cha động viên các con hãy tích cực trong Giáo Hội, đặc biệt trong việc chăm sóc mục vụ gia đình. “Trách nhiệm chung cho sứ mệnh của Giáo hội đòi hỏi các đôi vợ chồng và các thừa tác viên chức thánh, đặc biệt là các giám mục, hợp tác cách hiệu quả trong việc chăm nom và coi sóc các Giáo hội địa phương.” [4] Đừng bao giờ quên rằng gia đình là “tế bào căn bản của xã hội” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 66). Hôn nhân là một phần quan trọng của dự án xây dựng “văn hóa gặp gỡ” (Tông huấn Fratelli Tutti, 216). Do đó, gia đình được kêu gọi để kết nối các thế hệ trong việc truyền lại những giá trị rèn giũa nhân tính. Giữa những thách đố ngày nay, cần có sự sáng tạo mới để thể hiện các giá trị cấu thành nên chúng ta là một dân tộc, cả trong xã hội của chúng ta và trong Giáo hội, là Dân tộc của Chúa.

Hôn nhân, là một ơn gọi, kêu gọi các con chèo lái con thuyền nhỏ bé – bị sóng chao đảo nhưng vững chãi nhờ vào thực tại của bí tích – vượt qua một vùng biển có khi đầy giông bão. Các con muốn nói rằng, hoặc tốt hơn là kêu lên như các tông đồ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nhờ bí tích hôn phối, Chúa Giêsu đã hiện diện trên con thuyền đó; Ngài quan tâm đến các con và Ngài vẫn luôn ở bên các con trong lúc khó khăn nhất. Trong một trích đoạn Tin Mừng khác, khi chèo thuyền khó khăn, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu đến gặp họ trên mặt nước và đón Ngài vào thuyền của họ. Bất cứ khi nào các con bị sóng gió và bão tố vùi dập, hãy làm điều tương tự: hãy đón Chúa Giêsu vào con thuyền của các con, vì khi Ngài “lên thuyền với các ông, và gió lặng” (Mc 6:51). Điều quan trọng là, các con luôn cùng nhau hướng mắt nhìn vào Chúa Giêsu. Chỉ bằng cách này, các con mới tìm thấy sự bình an, vượt qua những mâu thuẫn và khám phá ra những giải pháp cho nhiều vấn đề của mình. Tất nhiên, những vấn đề đó sẽ không biến mất, nhưng các con sẽ có khả năng nhìn chúng từ một góc độ khác.

Chỉ bằng cách phó thác trong tay Chúa, các con mới có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể. Nhận ra sự yếu đuối và bất lực của mình khi đối mặt với quá nhiều tình huống xung quanh các con, nhưng đồng thời chắc chắn rằng sức mạnh của Đức Kitô sẽ được biểu lộ trong sự yếu đuối của các con (x. 2 Cr 12:9). Chính giữa cơn giông bão, các tông đồ đã biết được vương quyền và thần tính của Chúa Giêsu, và học cách tin cậy nơi Ngài.

Với những trích đoạn Kinh thánh này trong tâm trí, bây giờ cha suy ngẫm về một số những khó khăn và cơ hội mà các gia đình đã trải qua trong đại dịch hiện nay. Chẳng hạn, việc phong tỏa có nghĩa là có nhiều thời gian hơn để ở bên nhau, và điều này cho thấy một cơ hội duy nhất để củng cố sự giao tiếp trong các gia đình. Đương nhiên, điều này đòi hỏi việc thực hành lòng kiên nhẫn cách đặc biệt. Ở bên nhau cả ngày là điều không dễ dàng, khi mọi người đều phải làm việc, học tập, giải trí và nghỉ ngơi trong cùng một ngôi nhà. Đừng để sự mệt mỏi lấy mất đi phần tốt hơn của các con: ước mong sức mạnh của tình yêu có thể giúp các con biết quan tâm đến người khác – vợ/chồng, con cái của các con – nhiều hơn những nhu cầu và mối quan tâm của bản thân. Cho phép cha nhắc lại cho các con những gì cha đã nói trong Tông huấn Amoris Laetitia (xem số 90-119), lấy cảm hứng từ bài ca về đức ái của Thánh Phaolô (xem 1 Cr 13:1-3). Hãy khẩn xin món quà tình yêu từ Gia đình Thánh và đọc lại bản tụng ca đức ái của Thánh Phaolô, để nó có thể truyền cảm hứng cho những quyết định và hành động của các con (x. Rm 8:15; Gl 4:6).

Bằng cách này, thời gian các con dành cho nhau không còn là một sự đền tội, nó sẽ trở thành nơi trú ẩn giữa những cơn bão tố. Ước mong mọi gia đình là nơi đón nhận và thấu hiểu. Hãy nghĩ về lời khuyên mà cha đã gửi đến cho các con về tầm quan trọng của ba từ ngữ nhỏ bé: “làm ơn, cảm ơn, xin lỗi”. [5] Sau mỗi cuộc tranh cãi, “đừng để một ngày kết thúc mà không làm hòa”. [6] Đừng xấu hổ khi cùng nhau quỳ gối trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để tìm được những giây phút bình an và nhìn nhau với sự dịu dàng và nhân hậu. Hoặc khi một trong hai người hơi tức giận, hãy nắm tay anh ấy hoặc cô ấy và cố nở một nụ cười hòa hoãn. Các con cũng có thể cùng nhau đọc một kinh ngắn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, với Chúa Giêsu ở bên các con .

Đối với một số đôi vợ chồng, điều kiện sống bó buộc trong thời gian cách ly là vô cùng khó khăn. Những vấn đề đã tồn tại từ trước trở nên trầm trọng hơn, tạo ra những mâu thuẫn mà trong một số trường hợp gần như không thể chịu đựng nổi. Nhiều đôi thậm chí đã trải qua sự tan vỡ trong mối quan hệ khi đối mặt với cuộc khủng hoảng mà họ cảm thấy rất khó hoặc không thể kiểm soát được. Cha cũng muốn họ cảm nhận được sự gần gũi và tình cảm của cha.

Hôn nhân tan vỡ gây ra rất nhiều đau khổ, vì nhiều hy vọng bị tan biến, và sự hiểu lầm có thể dẫn đến những cãi vã và tổn thương không dễ hàn gắn. Con cái cuối cùng phải gánh chịu nỗi đau khi nhìn thấy cha mẹ không còn ở bên nhau. Vì vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp để các con có thể vượt qua những mâu thuẫn và ngăn chặn tổn thương nhiều hơn cho chính các con và con cái của các con. Chúa Giêsu với lòng thương xót vô bờ sẽ soi dẫn để các con tiếp tục giữa muôn vàn khó khăn và buồn phiền. Hãy tiếp tục cầu xin sự trợ giúp của Ngài, và tìm kiếm trong Ngài một nơi nương tựa và ánh sáng cho hành trình. Đồng thời cũng hãy khám phá trong cộng đoàn của các con một “ngôi nhà của Cha, nơi có chỗ cho tất cả mọi người, với tất cả các vấn đề của họ” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 47).

Cũng hãy nhớ rằng sự tha thứ sẽ chữa lành mọi vết thương. Sự tha thứ cho nhau là hoa trái của một quyết tâm trong lòng xuất phát từ sự trưởng thành trong cầu nguyện, trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một món quà được sinh ra bởi ân sủng do Đức Kitô tuôn đổ trên các đôi vợ chồng bất cứ khi nào họ hướng về Ngài và cho phép Ngài hành động. Đức Kitô “cư ngụ” trong đời sống hôn nhân của các con và Ngài luôn chờ đợi các con mở rộng lòng đón nhận Ngài, để Ngài có thể nâng đỡ các con, giống như Ngài làm cho các môn đệ trên thuyền, bằng sức mạnh tình yêu của Ngài. Tình yêu của con người chúng ta rất yếu đuối; nó cần sức mạnh của tình yêu trung tín của Chúa Giêsu. Với Người, các con thực sự có thể xây “nhà trên đá” (Mt 7:24).

Bây giờ cha có một lời nhắn gửi đến các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn. Ngay cả trước đại dịch cũng chẳng dễ dàng cho các đôi đính hôn lên kế hoạch cho tương lai của mình, do khó tìm được việc làm ổn định. Bây giờ thị trường lao động thậm chí còn bấp bênh hơn, cha động viên các đôi bạn trẻ đã đính hôn đừng nản chí, nhưng hãy có “sự can đảm sáng tạo” theo gương mẫu Thánh Giuse, đấng mà cha muốn kỷ niệm tôn vinh trong Năm dành riêng cho ngài. Trong hành trình tiến tới hôn nhân của các con, hãy luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, dù điều kiện của các con có hạn chế, vì “đôi khi, những khó khăn có thể làm lộ ra những nguồn tài lực mà chúng ta thậm chí không nghĩ rằng mình có” (Tông huấn Patris Corde, 5). Đừng do dự nhờ cậy gia đình và bạn bè của các con, cộng đoàn giáo hội, giáo xứ của các con, để giúp các con chuẩn bị cho cuộc sống hôn nhân và gia đình bằng cách học hỏi từ những người đã đi trước trên con đường mà các con hiện đang bắt đầu.

Trước khi kết luận, tôi muốn gửi lời chào đến những người ông người bà trong thời gian phong tỏa đã không thể gặp mặt hoặc dành thời gian cho các cháu của họ, và tất cả những người già cảm thấy bị cô lập và cô đơn trong suốt những tháng đó. Gia đình rất cần có ông bà, vì họ là ký ức sống động của nhân loại, một ký ức “có thể giúp xây dựng thế giới nhân văn hơn và chào đón hơn”. [7]

Xin Thánh Giuse khơi dậy trong tất cả các gia đình một sự can đảm sáng tạo, vô cùng cần thiết cho những thời kỳ thay đổi mang tính lịch sử này. Xin Đức Mẹ giúp các con nuôi dưỡng trong đời sống hôn nhân của mình một văn hóa gặp gỡ mà chúng ta rất cần để đối mặt với những khó khăn và vấn đề của ngày nay. Không có khó khăn nào có thể làm mất đi niềm vui của những người biết rằng họ đang tiến bước có Chúa luôn ở bên cạnh họ. Hãy sống ơn gọi của các con với lòng nhiệt thành. Đừng bao giờ cho phép khuôn mặt của các con trở nên buồn bã hoặc ảm đạm; người chồng hoặc người vợ cần nụ cười của các con. Con cái của các con cần những cái nhìn động viên của các con. Các linh mục và các gia đình khác cần sự hiện diện và niềm vui của các con: niềm vui đến từ Thiên Chúa!

Cha thân ái chào tất cả các con, và cha động viên các con thi hành sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó cho chúng ta, kiên trì trong cầu nguyện và trong việc “bẻ bánh” (Cv 2:42).

Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha, như cha mỗi ngày cầu nguyện cho các con.


Phanxicô


Roma, Đền thánh Gioan Lateran, 26 tháng Mười Hai, 2021, Lễ Thánh Gia thất 

____________________________________________


[2] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii gaudium, 24.


[4 Ibid.






[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2021]


5 câu trích dẫn trong bức thư Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình

5 câu trích dẫn trong bức thư Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình

5 câu trích dẫn trong bức thư Giáng sinh của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các gia đình

©ServizioFotograficoOR / CPP

27 tháng Chín, 2015 : Đức Thánh Cha Phanxicô chụp ảnh với 1 gia đình, Catire Walker, trái, Noel Zemboiran, thứ hai từ bên phải, và các con của họ, từ bên trái: Cala, Dimas, Mia và Carmin trong một cuộc gặp gỡ tại Chủng viện Thánh Charles Borromeo ở Philadelphia.

I.Media for Aleteia

26/12/21


Vào ngày Lễ Thánh Gia thất, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một bức thư gửi các gia đình trên thế giới, gọi đây là “món quà Giáng sinh” của ngài dành cho các đôi vợ chồng, đồng thời là dấu chỉ của “sự động viên” và “sự gần gũi” của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “ Gia đình luôn ở trong những suy nghĩ và lời cầu nguyện của cha, nhưng theo cách đặc biệt trong đại dịch vốn đã thử thách nặng nề đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục: “Hoàn cảnh hiện tại khiến cha muốn cùng đồng hành trong sự khiêm nhường, tình cảm và sự rộng mở với mỗi cá nhân, các đôi vợ chồng và gia đình trong tất cả những hoàn cảnh hiện tại của các con.”

Ngài hy vọng lá thư của Giáo hoàng sẽ là một dấu chỉ thể hiện sự gần gũi của ngài với các gia đình và trao cho họ sự động viên. Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư: “Điều quan trọng là cảm nghiệm được sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa, là Đấng với bàn tay hiền phụ của Ngài đã hướng dẫn bước chân của vợ chồng trên con đường thiện hảo.”

Dưới đây là năm câu trích dẫn chính trong bức thư để các bạn suy ngẫm.


1. TỔ PHỤ ABRAHAM

“Chúng ta được kêu gọi hãy áp dụng cho bản thân mình tiếng gọi mà tổ phụ Abraham đã nhận được từ Đức Chúa để lên đường từ miền đất quê cha đất tổ để đến một vùng đất xa lạ mà Đức Chúa sẽ chỉ cho ông (xem St 12:1). Chúng ta cũng đã trải qua sự bấp bênh, cô đơn, mất những người thân yêu; chúng ta cũng đã bị buộc phải bỏ lại đằng sau những điều chắc chắn của mình, ‘những vùng an toàn’, cách làm việc quen thuộc và những tham vọng của chúng ta, và làm việc vì sự ấm no hạnh phúc của gia đình và của toàn xã hội, nó cũng phụ thuộc vào chúng ta và hành động của chúng ta.”


2. ƠN GỌI CỦA HÔN NHÂN

“Hôn nhân, là một ơn gọi, kêu gọi các con chèo lái con thuyền nhỏ bé – bị sóng chao đảo nhưng vững chãi nhờ vào thực tại của bí tích – vượt qua một vùng biển có những lúc giông bão. Các con thường muốn nói, hay tốt hơn là kêu lên như các tông đồ: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4:38). Tuy nhiên, chúng ta đừng bao giờ quên rằng nhờ bí tích hôn phối, Chúa Giêsu đã hiện diện trên con thuyền đó; Ngài quan tâm đến các con và Ngài vẫn luôn ở bên các con trong lúc khó khăn nhất.”


3. PHÓ THÁC CHO SỰ QUAN PHÒNG CỦA CHÚA

“Chỉ bằng cách phó thác trong tay Chúa, các con mới có thể làm được điều tưởng chừng như không thể. Nhận ra sự yếu đuối và bất lực của mình khi đối mặt với quá nhiều tình huống xung quanh các con, nhưng đồng thời chắc chắn rằng sức mạnh của Đức Kitô sẽ được biểu lộ trong sự yếu đuối của các con (x. 2 Cr 12:9).”


4. THA THỨ CHỮA LÀNH MỌI VẾT THƯƠNG

“Cũng hãy nhớ rằng sự tha thứ sẽ chữa lành mọi vết thương. Sự tha thứ cho nhau là hoa trái của sự quyết tâm trong lòng có được từ sự trưởng thành trong lời cầu nguyện, trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Đó là một món quà được sinh ra bởi ân sủng do Đức Kitô tuôn đổ trên các đôi vợ chồng bất cứ khi nào họ hướng về Ngài và cho phép Ngài hành động.”


5. NIỀM VUI

“Không có khó khăn nào có thể làm mất đi niềm vui của những người biết rằng họ đang tiến bước có Chúa luôn ở bên cạnh họ. Hãy sống ơn gọi của các con với lòng nhiệt thành. Đừng bao giờ cho phép khuôn mặt của các con trở nên buồn bã hoặc ảm đạm; người chồng hoặc người vợ cần nụ cười của các con. Con cái của các con cần những cái nhìn động viên của các con. Các linh mục và các gia đình khác cần sự hiện diện và niềm vui của các con: niềm vui đến từ Thiên Chúa!”

Độc giả đọc toàn văn bức thư ở đây, bản dịch Việt ngữ của TRI KHOAN ở đây.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/12/2021]


Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT: Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô 26 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT:  Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô 26 tháng 12, 2021

LỄ THÁNH GIA THẤT NADARÉT
Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 26 tháng Mười Hai, 2021

_____________________________

 

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay chúng ta mừng Lễ Thánh Gia thất Nadarét. Thiên Chúa đã chọn một gia đình khiêm nhường và đơn sơ để đến ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm vẻ đẹp của mầu nhiệm này với sự kinh ngạc, nhấn mạnh đến hai khía cạnh cụ thể cho gia đình chúng ta.

Thứ nhất: gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Mỗi người trong chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình. Không ai trong chúng ta được sinh ra cách thần thông bằng một cây đũa thần. Tất cả chúng ta đều có câu chuyện của riêng mình và gia đình là câu chuyện mà chúng ta bắt nguồn từ đó. Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả Chúa Giêsu cũng là người con của câu chuyện gia đình. Chúng ta thấy Ngài đi đến Giêrusalem với Mẹ Maria và Thánh Giuse để dự Lễ Vượt Qua; sau đó làm cho mẹ và cha của Ngài phải lo lắng khi không tìm thấy Ngài; khi tìm lại được, Ngài trở về nhà với cha mẹ (x. Lc 2:41-51).

Thật đẹp khi nhìn thấy Chúa Giêsu đi vào chiều kích tình cảm gia đình được sinh ra và lớn lên trong sự âu yếm và quan tâm chăm sóc của cha mẹ Ngài. Điều này cũng quan trọng đối với chúng ta: chúng ta đến từ một câu chuyện của những mối ràng buộc của tình yêu, và con người chúng ta hôm nay được sinh ra không phải từ của cải vật chất mà chúng ta sử dụng, nhưng là từ tình yêu mà chúng ta đã đón nhận, từ sự yêu thương trong giữa gia đình. Có thể chúng ta không được sinh ra trong một gia đình nổi bật, một gia đình không có các vấn đề, nhưng đây là câu chuyện của chúng ta – ai cũng phải nghĩ rằng: đây là câu chuyện của tôi – đây là cội nguồn của chúng ta: nếu chúng ta cắt đứt chúng, cuộc sống sẽ khô héo! Chúa không bắt chúng ta trở thành những người kiểm lâm đơn độc, nhưng cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy cảm tạ Ngài và dâng lên Ngài lời cầu nguyện cho gia đình của chúng ta. Chúa nghĩ về chúng ta và muốn chúng ta ở bên nhau: biết ơn, hiệp nhất, có khả năng giữ gìn cội nguồn của chúng ta. Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều này, về câu chuyện của chính mình.

Khía cạnh thứ hai: mỗi ngày chúng ta cần học cách trở thành một gia đình. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngay cả trong Gia đình Thánh, mọi việc cũng không luôn diễn ra suôn sẻ: có những rắc rối bất ngờ, lo lắng, đau khổ. Gia đình Thánh trên những tấm thẻ thánh không tồn tại. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã lạc mất Chúa Giêsu và lo lắng tìm kiếm Ngài, và ba ngày sau mới tìm được. Và khi ngồi giữa các thầy dạy trong Đền thờ, Ngài trả lời rằng Ngài có bổn phận với công việc của Chúa Cha, cha mẹ Ngài không hiểu. Họ cần thời gian tìm hiểu để biết về con của mình. Với chúng ta cũng vậy: mỗi ngày, một gia đình cần học cách lắng nghe nhau để hiểu nhau, cùng nhau bước đi, đối mặt với những mâu thuẫn và khó khăn. Đó là một thử thách hàng ngày và phải vượt qua nó bằng thái độ đúng đắn, qua những hành động đơn sơ, quan tâm đến những chi tiết trong các mối tương quan của chúng ta. Và điều này cũng giúp chúng ta rất nhiều khi nói chuyện trong gia đình, nói chuyện tại bàn ăn, đối thoại giữa cha mẹ và con cái, đối thoại giữa anh chị em. Nó giúp chúng ta có kinh nghiệm về nguồn gốc gia đình đến từ ông bà của chúng ta. Đối thoại với ông bà!

Và điều này được thực hiện như thế nào? Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria trong Tin Mừng hôm nay nói với Chúa Giêsu: “Cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (câu 48). Cha của con và Mẹ; Mẹ Maria không nói, Mẹ và Cha của con. Đứng trước “tôi” là “bạn”! Chúng ta hãy học lấy điều này: trước chữ “tôi” là chữ “bạn”. Trong ngôn ngữ quê hương của tôi, có một tính từ dành cho những người đặt chữ “tôi” trước chữ “bạn”: “Tôi, bản thân tôi và tôi, vì bản thân và vì lợi ích của tôi”. Những người như thế – trước hết là “tôi” và sau đó là “bạn”. Không, trong Gia đình Thánh, trước tiên là “bạn” rồi mới đến “tôi”. Để bảo vệ sự hòa thuận trong gia đình, cần phải chống lại sự độc tài của cái “tôi” – khi cái “tôi” phình lên.

Thật nguy hiểm khi chúng ta lại đổ tội cho nhau về những sai lỗi thay vì lắng nghe nhau; thay vì thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, chúng ta lại tập trung vào những nhu cầu của riêng mình; thay vì đối thoại, chúng ta lại tự cô lập mình với chiếc điện thoại di động – thật buồn khi trong bữa ăn tối của gia đình, mọi người với chiếc điện thoại của riêng mình và không nói chuyện với nhau, tất cả mọi người chuyện trò trên điện thoại của họ; khi chúng ta buộc tội lẫn nhau thì luôn lặp lại những cụm từ giống nhau, diễn lại một cảnh cũ trong đó mỗi người đều giành phần đúng về mình và nó luôn kết thúc trong sự im lặng lạnh lùng, sự im lặng đó bạn có thể cắt bằng một con dao, lạnh lùng, sau cuộc thảo luận gia đình.

Điều này thật kinh khủng, thực sự kinh khủng! Cha nhắc lại một lời khuyên: buổi tối, hãy luôn làm hòa khi mọi chuyện đã kết thúc. Đừng bao giờ đi ngủ mà không làm hòa, nếu không sẽ xảy ra cuộc “chiến tranh lạnh” vào ngày hôm sau! Và điều này thật nguy hiểm vì nó tạo ra một loạt những sự nhiếc mắng, một loạt những lời oán giận. Thật đáng buồn, đã bao nhiêu lần xung đột phát xuất và phát triển bên trong các bức tường gia đình do thời gian im lặng kéo dài, và từ sự ích kỷ không được kiểm soát! Đôi khi nó thậm chí kết thúc bằng bạo lực thể xác và đạo đức. Điều này xé nát sự hòa hợp và giết chết gia đình.

Chúng ta hãy chuyển từ “tôi” thành “bạn”. Điều phải trở nên quan trọng hơn trong một gia đình là chữ “bạn”. Và mỗi ngày, xin chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện một chút – nếu anh chị em có thể cố gắng – để xin Chúa ban cho món quà bình an. Và tất cả chúng ta hãy cam kết bản thân – cha mẹ, con cái, Giáo hội, xã hội – để duy trì, nâng đỡ và bảo vệ gia đình là kho báu của chúng ta!

Xin Đức Maria Đồng Trinh, hiền thê của Thánh Giuse, là Mẹ của Chúa Giêsu, bảo vệ gia đình chúng ta.

______________________________


Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Giờ đây cha hướng đến những đôi vợ chồng trên khắp thế giới. Hôm nay, nhân ngày Lễ Thánh Gia thất, một bức thư cha viết về các con đang được công bố. Đây là món quà Giáng sinh của cha gửi tới các con là những người vợ người chồng – một sự động viên, một dấu chỉ cho sự gần gũi của cha, và cũng là một cơ hội để suy niệm. Điều quan trọng là phải suy tư và cảm nghiệm sự tốt lành và dịu dàng của Thiên Chúa, là Đấng với bàn tay hiền phụ của Ngài đã hướng dẫn bước chân của vợ chồng trên con đường thiện hảo. Xin Chúa ban cho các đôi vợ chồng sức mạnh để tiếp tục cuộc hành trình đã thực hiện.

Hôm nay cha cũng muốn nhắc lại rằng chúng ta đang tiến gần đến Đại hội Gia đình Thế giới. Cha mời gọi tất cả anh chị em hãy chuẩn bị tinh thần cho biến cố này, đặc biệt là qua lời cầu nguyện và sống trong giáo phận của anh chị em cùng với các gia đình khác.

Và nói về gia đình, tôi có một sự lo lắng, một lo lắng thực sự, ít nhất là ở đây tại nước Ý: đó là mùa đông nhân khẩu. Có vẻ như nhiều đôi vợ chồng không muốn có con hoặc chỉ có một con. Hãy suy nghĩ về điều này. Đó là một bi kịch. Cách đây ít phút, tôi đọc trên tạp chí Sua Immagine cách họ nói về vấn đề nghiêm trọng này, mùa đông nhân khẩu. Chúng ta hãy làm mọi cách có thể để phục hồi nhận thức nhằm vượt qua mùa đông nhân khẩu này, vì nó đi ngược lại gia đình chúng ta, ngược lại đất nước của chúng ta, thậm chí chống lại tương lai của chúng ta.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và các quốc gia khác. Cha nhìn thấy những người Ba Lan ở đằng kia, người Brazil, và cha thấy người Colombia ở đó… các gia đình, các nhóm giáo xứ, các hội đoàn. Cha hy vọng rằng việc chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, là trái tim và là trung tâm của các lễ hội Giáng sinh, có thể khơi dậy những thái độ huynh đệ và sự chia sẻ trong các gia đình và cộng đồng. Và để có một chút mừng Giáng sinh, sẽ rất tốt nếu anh chị em đến thăm viếng 100 Cảnh Chúa giáng sinh phía dưới hàng cột. Điều này cũng sẽ hữu ích cho chúng ta.

Trong những ngày vừa qua, tôi đã nhận được lời chúc Giáng sinh từ Roma và các nơi khác trên thế giới. Rất tiếc, tôi không thể trả lời cho tất cả anh chị em, nhưng tôi cầu nguyện cho tất cả mọi người và đặc biệt biết ơn những lời cầu nguyện mà nhiều anh chị em đã hứa. Xin cầu nguyện cho tôi! Đừng quên điều này! Chân thành cảm ơn anh chị em và chúc anh chị em Lễ Thánh Gia hạnh phúc! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2021]


Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

Chiếc nhẫn 1.700 năm tuổi mang hình ảnh Người Mục tử Nhân lành được tìm thấy dưới đáy biển

© AHMAD GHARABLI / AFP

Caroline Becker

26/12/21


Hàng trăm cổ vật khảo cổ được phát hiện trong những tháng gần đây trong cuộc khai quật dưới biển ở Địa Trung Hải đã được Israel công bố trong tuần này. Trong đó, một chiếc nhẫn vàng 1.700 năm tuổi được khắc hình Người Mục tử Nhân lành, một câu chuyện dụ ngôn về Chúa Giêsu Kitô.

Các nhà khảo cổ học Israel đã tìm được được một phát hiện hiếm có và rất đặc biệt trong những tháng gần đây! Trong khi khai quật ngoài khơi Caesarea, nằm giữa Tel Aviv và Haifa, nơi hai con tàu bị chìm cách đây khoảng 1.700 năm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vô số đồ cổ vật khác nhau, bao gồm một chiếc nhẫn vàng hình bát giác được trang trí bằng đá quý màu xanh lá cây. Nhưng phần đáng kinh ngạc nhất của chiếc nhẫn này là hình ảnh được khắc trên mặt đá: một người chăn chiên trẻ trong chiếc áo thụng vác một con cừu hoặc một con chiên trên vai. Hình ảnh miêu tả của chiếc nhẫn rõ ràng cho thấy danh tính của chủ thể: đó là hình ảnh mô tả Chúa Giêsu Kitô là Người Mục tử Nhân lành!

Chị Helena Sokolov, người phụ trách các tác phẩm tại Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), xác nhận rằng đó quả thật là hình ảnh của Đấng Chăn chiên Nhân lành. Hình ảnh này là rất hiếm cho một chiếc nhẫn, nhưng mặt khác lại phổ biến rộng rãi trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Những hang toại đạo Priscilla ở Roma chứng minh việc sử dụng rộng rãi hình ảnh (chúng lưu giữ một trong những hình ảnh lâu đời nhất về Chúa Kitô được miêu tả là Người Mục tử Nhân lành). Vì kích thước nhỏ bé nên viên ngọc chắc chắn thuộc về một người phụ nữ. Việc phát hiện chiếc nhẫn ngoài khơi bờ biển Caesarea không có gì đáng ngạc nhiên, vì thành phố này từng là thủ phủ địa phương của Đế chế La Mã vào thế kỷ thứ ba. Đây là thời kỳ Kitô giáo đang mở rộng rất nhiều, “đặc biệt là trong các thành pha trộn như Caesarea,” người phụ trách cho biết.


Người Mục tử Nhân lành, một hình ảnh của Đức Kitô

Danh hiệu được trao cho Đức Kitô — “Mục tử Nhân lành” — nói đến những lời của Đức Kitô trong Tin Mừng theo Thánh Gioan (Ga 10:11): “Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Nó cũng nhắc lại Thánh vịnh 23: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.” Trong thời kỳ khi người Kitô hữu vẫn bị bắt bớ gắt gao, những câu chuyện dụ ngôn này đã cho phép các tông đồ của Đức Kitô nhận biết mình và làm chứng cho đức tin của họ trong khi vẫn thận trọng. Thật vậy, người Roma đã sử dụng hình ảnh người mục tử nhân lành này trong các nghi thức tang lễ của họ bằng cách trang trí lăng mộ với hình một người chăn chiên trẻ tuổi giữa bầy chiên của anh ta. Hình ảnh đồng quê tượng trưng cho một thế giới bên kia ngập tràn sự an bình.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/12/2021]


Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2021

SỨ ĐIỆP "URBI ET ORBI" CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GIÁNG SINH 2021



SỨ ĐIỆP "URBI ET ORBI" CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GIÁNG SINH 2021

SỨ ĐIỆP "URBI ET ORBI"
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GIÁNG SINH 2021

Thứ Bảy, 25 tháng Mười Hai, 2021

_____________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Giáng sinh Hạnh phúc!

Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng thế giới và là Đấng trao tặng ý nghĩa cho lịch sử và cuộc hành trình của nhân loại, đã trở thành người phàm và đến cư ngụ giữa chúng ta. Người đến như một lời thì thầm, như tiếng rì rào của một cơn gió nhẹ, để đổ đầy sự kinh ngạc trong tâm hồn của mỗi con người đang mở lòng đón nhận mầu nhiệm này.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm để đối thoại với chúng ta. Thiên Chúa không muốn thực hiện một cuộc độc thoại, nhưng là một cuộc đối thoại. Với chính Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là sự đối thoại, là sự hiệp thông đời đời và vô cùng của tình yêu và sự sống.

Khi Chúa Giêsu, Ngôi Lời hóa thành xác phàm, đi vào thế giới của chúng ta, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường gặp gỡ và đối thoại. Thật vậy, Người thể hiện con đường đó nơi chính bản thân Người để chúng ta có thể biết và thực thi con đường đó trong sự tin tưởng và hy vọng.

Thưa anh chị em, “thế giới của chúng ta sẽ ra sao nếu không có sự đối thoại kiên trì của nhiều con người quảng đại giữ cho gia đình và cộng đồng gắn kết với nhau?” (Tông huấn Fratelli Tutti, 198). Trong thời gian đại đại dịch này, chúng ta ngày càng nhận ra điều này nhiều hơn. Khả lực của chúng ta trong các mối tương quan xã hội bị thử thách rất nhiều; ngày càng có xu hướng rút lui, tự mình làm tất cả, ngừng cố gắng gặp gỡ người khác và làm mọi việc cùng nhau. Trên bình diện quốc tế cũng vậy, đang có nguy cơ né tránh đối thoại, và nguy cơ rằng cuộc khủng hoảng phức tạp này sẽ dẫn đến việc chọn những con đường tắt thay vì bước đi trên con đường đối thoại dài hơn. Tuy nhiên, chỉ những con đường đó mới có thể dẫn đến giải pháp cho những xung đột và mang lại ích lợi lâu dài cho tất cả mọi người.

Thật vậy, ngay cả khi thông điệp về sự giáng sinh của Đấng Cứu chuộc, nguồn cội của nền hòa bình đích thực, vang lên trong lòng chúng ta và trên toàn thế giới, chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến rất nhiều cuộc xung đột, khủng hoảng và bất đồng. Những điều này dường như không bao giờ kết thúc; hiện nay chúng ta thậm chí hầu như không để ý đến chúng. Chúng ta đã quá quen với chúng đến nỗi những thảm kịch hiện giờ đang trôi qua trong im lặng; chúng ta có nguy cơ không nghe thấy tiếng kêu đau đớn và khốn cùng của rất nhiều anh chị em của chúng ta.

Chúng ta hãy nghĩ đến người dân Syria trong hơn một thập kỷ qua đã trải qua một cuộc chiến dẫn đến nhiều nạn nhân và không biết bao nhiêu người phải di tản. Chúng ta hãy nhìn đến Iraq, một quốc gia vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau cuộc xung đột kéo dài. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng khóc của trẻ em vang lên từ Yemen, nơi một thảm kịch khổng lồ âm thầm diễn ra trong nhiều năm gây ra nhiều cái chết mỗi ngày, nhưng chẳng ai chú ý.

Chúng ta cũng hãy nhớ đến những căng thẳng tiếp diễn giữa người Israel và người Palestine kéo dai dẳng mà không có giải pháp, với những hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn về chính trị và xã hội. Chúng ta cũng không quên Bêlem, nơi sinh của Chúa Giêsu, nơi đang trải qua nhiều khó khăn do những hậu quả kinh tế của đại dịch, ngăn cản người hành hương đến viếng Đất Thánh và ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân. Chúng ta hãy nghĩ đến Li Băng, đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có, kèm theo những điều kiện phức tạp về kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên, giữa màn đêm, hãy ngước trông! Dấu hiệu của hy vọng! Ngày nay, như thi sĩ Dante nói, “Tình yêu làm chuyển động mặt trời và các vì sao” (Paradiso, XXXIII, 145) đã trở thành người phàm. Người đến trong hình hài con người, Người chia sẻ hoàn cảnh khốn khó của chúng ta và Người đã phá đổ bức tường thờ ơ của chúng ta. Trong cái lạnh của màn đêm, Người dang rộng vòng tay nhỏ bé của mình về phía chúng ta: Người đang thiếu mọi thứ, nhưng Người đến để cho chúng ta tất cả. Chúng ta hãy xin Người ban sức mạnh để mở lòng đối thoại. Trong ngày lễ này, chúng ta hãy khẩn cầu Người khơi dậy trong lòng mọi người niềm khao khát hòa giải và tình huynh đệ. Giờ đây chúng ta hướng về Người trong lời cầu nguyện.

Lạy Hài Nhi Giêsu, xin ban hòa bình và hòa thuận cho Trung Đông và toàn thế giới. Xin nâng đỡ tất cả những ai đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị buộc phải tháo chạy khỏi quê hương của họ; xin an ủi người dân Afghanistan đã bị thử thách nặng nề bởi các cuộc xung đột trong hơn bốn mươi năm qua khiến nhiều người phải rời bỏ đất nước.

Xin Đức Vua của tất cả các dân tộc giúp những nhà chức trách chính trị mang lại hòa bình cho các xã hội bị xáo trộn bởi căng thẳng và xung đột. Xin nâng đỡ dân tộc Miến Điện, nơi sự bất khoan dung và bạo lực thường xuyên nhắm vào cộng đồng Kitô giáo và những nơi thờ phượng của họ, làm u ám khuôn mặt hòa bình của dân tộc đó.

Xin Người là nguồn ánh sáng và đỡ nâng tất cả những ai tin tưởng và cố gắng để tiến tới gặp gỡ và đối thoại, bất chấp mọi trở ngại. Ở Ukraine, xin hãy ngăn chặn những đợt bùng phát mới của cuộc xung đột kéo dài.

Xin Hoàng tử của Hòa bình giúp Ethiopia một lần nữa tìm thấy con đường hòa giải và hòa bình thông qua một cuộc gặp gỡ thẳng thắn đặt nhu cầu của người dân lên trên tất cả. Xin lắng nghe lời khẩn cầu của những người sống ở vùng Sahel đang trải qua sự bạo tàn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Xin Người hướng nhìn về các dân tộc của các quốc gia ở Bắc Phi, bị thống khổ bởi những chia rẽ, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế. Xin xoa dịu nỗi đau đớn của nhiều anh chị em của chúng con đang phải hứng chịu các cuộc xung đột nội bộ ở Sudan và Nam Sudan.

Xin Người ban ơn, thông qua đối thoại, để biết tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và giá trị văn hóa của mỗi con người, các giá trị của tình liên đới, hòa giải và chung sống hòa bình có thể chiến thắng trong trái tim các dân tộc Châu Mỹ.

Lạy Con Thiên Chúa, xin hãy an ủi các phụ nữ nạn nhân của bạo lực, đã và đang gia tăng trong thời gian đại dịch này. Xin mang đến hy vọng cho thiếu nhi và thanh thiếu niên bị bắt nạt và lạm dụng. Xin tỏ niềm an ủi và ấm áp đối với người già, đặc biệt là những người cô đơn nhất. Xin mang đến sự bình an và hiệp nhất cho các gia đình, là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái họ và là nền tảng của cấu trúc xã hội.

Lạy Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta, xin ban sức khỏe cho những người đau yếu và truyền cảm hứng cho tất cả những người thiện chí tìm kiếm được những cách tốt nhất có thể để vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và những ảnh hưởng của nó. Xin rộng mở những tấm lòng để bảo đảm rằng sự chăm sóc y tế cần thiết – và đặc biệt là vaccine – được cung cấp cho những dân tộc đang cần nhất. Xin ban ơn cho những người đã quảng đại cống hiến để chăm sóc các thành viên trong gia đình, người bệnh và những người dễ bị tổn thương nhất ở giữa chúng ta.

Xin Hài nhi của Bêlem ban ơn để nhiều tù nhân quân sự và dân sự của những cuộc chiến tranh và xung đột gần đây, và tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị, có thể sớm được trở về nhà. Xin đừng để chúng con thờ ơ trước tình cảnh bi thảm của người di cư, người di tản và tị nạn. Đôi mắt của họ cầu xin chúng con không nhìn theo hướng khác, quên đi lòng nhân ái của chúng con, mà thay vào đó biến câu chuyện của họ thành của riêng chúng con và lưu tâm đến hoàn cảnh khốn khó của họ. [1]

Xin Ngôi Lời bất tử trở thành người phàm làm cho chúng con biết chú ý đến ngôi nhà chung đang chịu đựng cách đối xử vô tâm của chúng con đối với nó. Xin truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo chính trị đạt được các thỏa thuận hiệu quả, để những thế hệ tương lai có thể sống trong một môi trường tôn trọng sự sống.

Anh chị em thân mến, giữa tất cả những vấn đề của thời đại chúng ta, niềm hy vọng sẽ chiến thắng, “vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta” (Is 9:5). Người là lời của Thiên Chúa đã trở thành một trẻ sơ sinh chỉ có khả năng cất tiếng khóc và cần được giúp đỡ mọi thứ. Người muốn học cách nói, giống như mọi đứa trẻ khác, để chúng ta có thể học cách lắng nghe Thiên Chúa là Cha của chúng ta, lắng nghe và đối thoại như anh chị em với nhau.

Lạy Chúa Kitô, Người chào đời vì lợi ích của chúng con, xin dạy chúng con bước đi bên cạnh Chúa trên con đường hòa bình.

Chúc tất cả anh chị em Giáng sinh Hạnh phúc!

____________________________________



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2021]


Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cứu Lễ Giáng sinh ở Cuba như thế nào

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cứu Lễ Giáng sinh ở Cuba như thế nào

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cứu Lễ Giáng sinh ở Cuba như thế nào

POOL | AFP

J-P Mauro

24/12/21


Chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của Giáo hoàng tới Cuba là động lực thúc đẩy việc chấm dứt lệnh cấm Lễ Giáng sinh của quốc gia cộng sản.

Từ bộ phim How the Grinch Stole Christmas đến Miracle on 34th Street, không thiếu những bộ phim và truyền thông nói về việc “cứu” Giáng sinh. Nó mang một khuôn mẫu khá tiêu chuẩn; một điều gì đó xảy ra về mặt xã hội hoặc môi trường có nguy cơ đe dọa cho các ngày lễ, và các nhân vật cần tìm cách khôi phục kỳ nghỉ trước khi quá muộn. Có một câu chuyện thú vị hơn – một câu chuyện có thật về việc cứu Lễ Giáng sinh – và người hùng khi đó là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.


Lễ Giáng sinh bị cấm

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1959, khi ông Fidel Castro lên nắm quyền Thủ tướng Cuba, đánh dấu sự trỗi dậy của chủ nghĩa cộng sản ở quốc đảo này. ChurchPop giải thích rằng chế độ cộng sản đã dành cả thập kỷ sau đó để vươn những chiếc tua của nó đến mọi khía cạnh của xã hội, bao gồm cả chủ nghĩa vô thần do nhà nước ra lệnh. Đến năm 1965, đất nước hoàn toàn được quản lý bởi đảng cộng sản, và đến năm 1969, lễ Giáng sinh bị cấm.

Lệnh cấm này không bùng lên cách chớp nhoáng như chúng ta đã trải qua trong đại dịch năm 2020, mà là một chính sách chính trị lâu dài. Những thế hệ trẻ em lớn lên không một chút ý niệm về ý nghĩa mùa Giáng sinh là gì, chứ đừng nói đến chuyến viếng thăm của Ba Vua, vì lệnh cấm Giáng sinh đã được duy trì trong thời gian gần 30 năm.

Ông Castro thậm chí không nghĩ đến việc khôi phục kỳ nghỉ cho đến năm 1998, khi Đức Gioan Phaolô II chuẩn bị thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Giáo hoàng tới Cuba. Vatican Insider phỏng vấn ông Joaquín Navarro-Valls, phát ngôn nhân của Đức Gioan Phaolô II, ông nhớ lại các cuộc trò chuyện của ông với ông Castro khi chuyến thăm của đức giáo hoàng cận kề. Ông mô tả một cuộc điện thoại kéo dài sáu giờ, trong đó ông Castro bày tỏ sự cuốn hút đối với giáo hoàng qua những câu hỏi liên tục về con người của đức Karol Wojtyla.

“Tôi cảm thấy ông ta muốn tìm hiểu sâu hơn.” Ông Navarro-Valls nhớ lại, “Tôi nói với ông ấy: ‘Thưa ngài Chủ tịch, tôi ghen tị với ngài.” “Tại sao?” “Vì giáo hoàng cầu nguyện cho ngài mỗi ngày, Giáo hoàng cầu nguyện rằng một người với học vấn như ngài có thể một lần nữa tìm thấy con đường của Chúa.”


Đàm phán

Khi cả hai đã tạo được mối quan hệ tốt, ông Navarro-Valls dần dần mở rộng chủ đề bằng cách gợi ý rằng Cuba cần có một cách để gây bất ngờ cho thế giới. Khi Castro đồng ý thì ông Navarro-Valls liền bắn phát súng quyết định, đặt vấn đề rằng liệu Lễ Giáng sinh có thể được tổ chức như một ngày lễ nghỉ quốc gia của Cuba lần đầu tiên kể từ khi cuộc cách mạng bắt đầu hay không. Ông Castro ban đầu do dự:

“Ông ta nói sẽ rất khó khăn vì Giáng sinh rơi vào đúng giữa mùa thu hoạch mía. Tôi liền trả lời: “Nhưng Đức Thánh Cha mong muốn có thể công khai cảm ơn ngài về cử chỉ này khi giáo hoàng hạ cánh xuống Havana.”

Đây là một đề nghị khá hấp dẫn. Sự công nhận của công chúng đối với một trong những vị lãnh đạo thế giới có trách nhiệm lớn nhất trong việc phá đổ Bức tường Berlin, một biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, không hề có chút đùa cợt. Sau cuộc thảo luận dài khác với ông Navarro-Valls, Castro cuối cùng đã đồng ý và gỡ bỏ lệnh cấm Lễ Giáng sinh.

Tuy nhiên, ông Castro cảnh báo người phát ngôn của Vatican rằng lệnh cấm có thể được ban hành lại vào năm sau. Ông Navarro-Valls mừng run lên vì đã đem Giáng sinh trở lại Cuba sau gần ba thập kỷ, đã không cường điệu:

“Tất cả những gì tôi nói là: ‘Tuyệt vời, giáo hoàng sẽ biết ơn ngài vì điều này. Và đối với năm tới, chúng ta sẽ thấy.’ Như chúng ta đã biết, cho đến nay Giáng sinh vẫn được tổ chức như một ngày lễ ở Cuba.”


Chuyến thăm của Giáo hoàng

Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến Cuba tiếp tục là một thành công lớn, đã thu hút hàng ngàn người đến nghe giáo hoàng phát biểu. Ông Castro cũng có một cuộc gặp gỡ với vị thánh giáo hoàng sau những cánh cửa đóng kín. Trong khi chúng tôi không được biết về bí mật cuộc trò chuyện, cả hai vị được cho là đã nở nụ cười khi rời đi. Khi Đức Gioan Phaolô II chuẩn bị rời đi, ông Castro bày tỏ sự xúc động về chuyến thăm, ông nói:

“Cảm ơn ngài vì tất cả những gì ngài đã nói, ngay cả với những lời mà tôi có thể đã không thích,” ông Castro nói với Thánh Gioan Phaolô II.

Quý vị đọc toàn văn phỏng vấn tại Vatican Insider.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2021]


Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021



ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021

THÁNH LỄ ĐÊM
ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Vương cung Thánh đường Vatican

Thứ Sáu, 24 tháng Mười Hai 2021

_____________________________________


Trong bóng tối, một ánh sáng chiếu tỏa. Một thiên thần xuất hiện, vinh quang của Thiên Chúa bao trùm các mục đồng và cuối cùng lời loan báo được mong chờ nhiều thế kỷ vang lên: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:11). Thiên thần tiếp tục loan báo tin đầy ngạc nhiên. Thiên thần chỉ cho các mục đồng cách tìm thấy Thiên Chúa đã đến thế gian: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (câu 12). Đây là dấu hiệu: một trẻ sơ sinh, một trẻ thơ nằm trong máng cỏ thô sơ nghèo nàn. Không còn ánh sáng rực rỡ hoặc ca đoàn các thiên thần. Chỉ một trẻ thơ. Không có gì khác, như ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta” (Is 9:5).

Tin Mừng nhấn mạnh về sự tương phản này. Tin mừng kể về sự ra đời của Chúa Giêsu bắt đầu với Xêda Augustô, người ra lệnh thực hiện cuộc điều tra dân số trên toàn cõi thiên hạ: cho thấy vị hoàng đế đầu tiên với tất cả sự vĩ đại của ông ta. Nhưng ngay sau đó, Tin mừng đưa chúng ta đến Bêlem, nơi chẳng có gì to lớn: chỉ là một trẻ thơ nghèo được bọc trong tã, với những người mục đồng đứng vây quanh. Và đó là nơi Thiên Chúa cư ngụ, trong sự nhỏ bé. Đây là thông điệp: Thiên Chúa không thể hiện sự vĩ đại, nhưng hạ mình trở nên bé nhỏ. Sự nhỏ bé là cách Người chọn để đến gần với chúng ta, chạm vào tâm hồn chúng ta, cứu chúng ta và đưa chúng ta trở lại những điều thực sự quan trọng.

Thưa anh chị em, dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điểm trung tâm, vượt ra ngoài những ánh đèn và đồ trang trí đẹp đẽ. Chúng ta chiêm ngắm Hài Nhi. Thiên Chúa hiện diện trong sự nhỏ bé của Hài Nhi. Chúng ta hãy chân nhận Người: “Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, Người là Chúa, là Thiên Chúa trở thành một Hài Nhi”. Chúng ta hãy cho phép bản thân kinh ngạc trước sự thật đầy tai tiếng này. Đấng ôm lấy toàn thể vũ trụ lại cần được bồng ẵm trên tay một con người. Đấng đã tạo dựng vầng thái dương cần được sưởi ấm. Đấng hóa thân dịu dàng cần được nâng niu. Tình yêu vô tận có trái tim bé nhỏ đập êm đềm. Ngôi Lời hằng hữu là một “trẻ sơ sinh”, một trẻ thơ chưa nói được. Bánh sự sống cần được dưỡng nuôi. Đấng sáng tạo thế giới không có được một ngôi nhà. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Thiên Chúa đến thế gian trong sự nhỏ bé. Sự vĩ đại của Người xuất hiện trong sự nhỏ bé.

Chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta có thể chấp nhận cách thực hiện mọi việc của Thiên Chúa không? Đây là thách đố của lễ Giáng sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng con người không hiểu được. Người biến mình trở nên nhỏ bé trong con mắt thế gian, trong khi chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại trong mắt thế gian, thậm chí có thể nhân danh Người. Chúa hạ mình còn chúng ta cố gắng trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao đi tìm những người mục đồng, những người vô hình ở giữa chúng ta, còn chúng ta tìm kiếm sự thể hiện. Chúa Giêsu sinh ra để phục vụ, và chúng ta dành cả cuộc đời để theo đuổi thành công. Thiên Chúa không tìm kiếm quyền lực và sức mạnh; Người yêu cầu tình yêu dịu dàng và sự nhỏ bé trong lòng.

Đây là điều chúng ta phải xin Chúa Giêsu trong Lễ Giáng sinh: xin ơn nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng sự nhỏ bé là con đường dẫn đến sự vĩ đại đích thực”. Chấp nhận trở nên nhỏ bé cách cụ thể có nghĩa là gì? Trước hết, đó là tin rằng Thiên Chúa muốn đi vào những điều nhỏ bé trong cuộc đời chúng ta; Người muốn cư ngụ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những việc chúng ta làm hàng ngày ở nhà, trong gia đình, ở trường học và ở nơi làm việc. Giữa trải nghiệm cuộc sống bình thường của chúng ta, Người muốn thực hiện những điều phi thường. Đó là một thông điệp hy vọng lớn lao. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta tái khám phá và trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Người hiện diện ở đó, chúng ta cần gì nữa? Chúng ta hãy ngừng khát khao sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy gác lại những lời kêu ca phàn nàn và khuôn mặt u ám của mình, và lòng tham không bao giờ thỏa mãn!

Tuy nhiên, còn nhiều hơn thế. Chúa Giêsu không chỉ muốn đến trong những điều nhỏ bé của cuộc sống chúng ta, mà còn trong sự bé nhỏ của chính chúng ta: trong kinh nghiệm của chúng ta về cảm nhận yếu đuối, mong manh, bất xứng, thậm chí có thể là “rối tung lên”. Anh chị em thân mến, nếu như ở Bêlem, bóng tối của màn đêm bao trùm lấy anh chị em, nếu anh chị em cảm thấy bị phủ vậy bởi sự thờ ơ lạnh lẽo, nếu nỗi đau mà anh chị em mang trong lòng kêu lên rằng: “Ngươi quá nhỏ bé; ngươi chẳng có chút giá trị; ngươi sẽ không bao giờ được yêu thương theo cách ngươi muốn”, thì đêm nay Thiên Chúa sẽ trả lời. Đêm nay Người nói với anh chị em: “Ta yêu thương con với chính con người của con. Sự nhỏ bé của con không làm Ta kinh sợ, những thất bại của con không làm phiền Ta. Ta trở nên nhỏ bé vì lợi ích của con. Để trở thành Chúa của con, Ta đã trở thành người anh em của con. Đừng e sợ Ta, người anh em thân yêu, người chị em yêu quý. Hãy tìm trong Ta thước đo cho sự vĩ đại của con. Ta gần gũi với con, và Ta yêu cầu duy nhất một điều: hãy tin tưởng Ta và mở rộng tâm hồn với Ta”.

ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH: Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô Thánh Lễ Đêm 24.12.2021

Chấp nhận sự nhỏ bé cũng có một nghĩa khác. Đó là ôm lấy Chúa Giêsu trong những con người bé mọn của ngày hôm nay. Yêu mến Người tức là trong những người bé mọn nhất trong anh chị em của chúng ta. Phục vụ Người trong những người nghèo khó, họ là những người giống Chúa Giêsu nhất, là Đấng đã sinh ra trong cảnh nghèo. Người muốn được tôn vinh chính trong họ. Trong đêm tình yêu này, ước mong chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi: đó là xúc phạm tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương Người bởi sự khinh thường những người nghèo bằng thái độ thờ ơ của chúng ta. Chúa Giêsu yêu thương họ tha thiết, và một ngày nào đó họ sẽ chào đón chúng ta về trời. Một thi sĩ đã từng viết: “Người nào đã tìm thấy thiên đàng – ở dưới đất – sẽ thất bại ở trên trời” (E. DICKINSON, Poems, P96-17). Chúng ta đừng đánh mất thiên đàng; bây giờ chúng ta hãy chăm sóc Chúa Giêsu, âu yếm Người trong những người khốn khó, bởi vì trong họ Người tỏ mình ra.

Một lần nữa chúng ta ngắm nhìn máng cỏ, và chúng ta thấy rằng khi sinh ra, Chúa Giêsu được bao quanh bởi chính những người bé mọn, người nghèo khó. Họ là ai? Là những người chăn cừu. Họ là những người đơn sơ nhất, và gần gũi nhất với Chúa. Họ tìm thấy Người vì họ sống ngoài đồng, “thức đêm canh giữ đàn vật” (Lc 2:8). Họ ở đó để làm việc bởi vì họ nghèo. Họ không có thời gian biểu trong cuộc sống; mọi thứ phụ thuộc vào bầy chiên. Họ không thể sống ở nơi và theo cách họ muốn, nhưng tùy theo nhu cầu của đàn chiên mà họ chăm sóc. Đó là nơi Chúa Giêsu sinh ra: gần với họ, gần gũi với những người bị quên lãng ở vùng ngoại vi. Người đến tại nơi mà phẩm giá con người bị thử thách. Người đến để nâng những người bị loại trừ lên và Người tỏ mình ra cho họ trước tiên: không phải cho những người có học thức và quan trọng, mà cho những người lao động nghèo. Đêm nay Chúa đến để lấp đầy phẩm giá cho sự gian khổ của lao động. Người nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc trao phẩm giá cho con người thông qua lao động, và cũng trao phẩm giá cho chính sự lao động của con người, vì con người là chủ nhân của lao động chứ không phải nô lệ. Nhân Ngày Sự sống, chúng ta hãy nhắc lại: không còn những cái chết ở nơi làm việc! Và chúng ta hãy cam kết để bảo đảm điều này.

Khi nhìn vào máng cỏ lần cuối cùng, chúng ta thoáng nhìn thấy các Đạo sĩ ở phía xa, đang trên hành trình đến tôn thờ Chúa. Khi quan sát gần hơn, chúng ta thấy rằng tất cả mọi thứ xung quanh Chúa Giêsu đều kết hiệp lại với nhau: chúng ta không chỉ nhìn thấy người nghèo, các mục đồng, mà còn cả những người thông thái và giàu có là những đạo sĩ. Tại Bêlem, người giàu và người nghèo tụ họp lại với nhau, những người đến tôn thờ như các Đạo sĩ, và những người làm việc như các mục đồng. Mọi thứ đều được hiệp nhất khi Chúa Giêsu ở trung tâm: không phải những ý tưởng của chúng ta về Chúa Giêsu, những là chính Chúa Giêsu, Đấng hằng sống.

Vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy trở về Bêlem, chúng ta hãy trở về cội nguồn: về với những điều trọng yếu của đức tin, về với tình yêu đầu tiên của chúng ta, với sự tôn thờ và lòng bác ái. Chúng ta hãy nhìn các Đạo sĩ lên đường hành hương, và là một Giáo hội Thượng hội đồng, một Giáo hội hiệp hành, chúng ta hãy đến Bêlem, nơi Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Ở đó, Thiên Chúa ở vị trí thứ nhất và được tôn thờ; ở đó người nghèo được ở nơi gần nhất với Người; ở đó các mục đồng và Đạo sĩ được kết hiệp trong một tình huynh đệ vượt ra khỏi mọi nhãn mác và phân loại. Xin Chúa làm cho chúng ta trở thành một Giáo hội thờ phượng, nghèo khó và huynh đệ. Đó là điều trọng yếu. Chúng ta hãy trở lại Bêlem.

Thật tốt cho chúng ta khi đến đó, tuân theo Tin Mừng Giáng Sinh chỉ cho chúng ta thấy Thánh Gia, các mục đồng, các đạo sĩ: tất cả mọi người trên một cuộc hành trình. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lên đường, vì cuộc sống là một cuộc hành hương. Chúng ta hãy tự đánh thức mình, vì đêm nay ánh sáng đã được thắp lên, một ánh sáng nhân hậu, nhắc nhở chúng ta rằng, trong sự nhỏ bé của chúng ta, chúng ta là những người con yêu dấu, những đứa con của ánh sáng (xem 1 Tx 5:5). Chúng ta hãy cùng nhau hân hoan, vì không ai có thể dập tắt được ánh sáng này, ánh sáng của Chúa Giêsu, Đấng đêm nay chiếu sáng rực rỡ trong thế giới của chúng ta.



[Nguồn: romereports]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/12/2021]