Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Đức Thánh Cha Phanxico thúc đẩy những nỗ lực chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

Đức Thánh Cha Phanxico thúc đẩy những nỗ lực chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta
Wikipedia

Đức Thánh Cha Phanxico thúc đẩy những nỗ lực chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico nhân dịp khởi động Khối Liên minh Giáo dục

12 tháng Chín, 2019 15:23

Ngày 12 tháng Chín năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một sứ điệp ủng hộ Khối Liên minh Giáo dục Toàn cầu, một sáng kiến tập hợp con người trên khắp thế giới lại với nhau để thúc đẩy việc chăm sóc cho trái đất.

Vatican sẽ tổ chức một cuộc họp ngày 14 tháng Năm 2020 trong Khán phòng Phaolo VI để phản ánh về chủ đề “Làm mới lại Khối Liên minh Giáo dục Toàn cầu.”

Đức Thánh Cha nhắc lại, “Trong Tông huấn Laudato Si’, tôi mời gọi mọi người cùng cộng tác trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cùng đối phó với những thách đố mà chúng ta đang đối mặt. Sau vài năm, hôm nay tôi làm mới lại lời mời gọi của tôi để đối thoại về cách chúng ta định hình cho tương lai của hành tinh và sự cần thiết phải nhờ đến tài năng của tất cả mọi người vì mọi sự thay đổi đều đòi hỏi một tiến trình giáo dục nhắm mục tiêu phát triển tình đoàn kết toàn cầu mới và một xã hội biết chào đón nhiều hơn.”

Khi ký chấp thuận dự án, Đức Thánh Cha nói rằng nhu cầu cần phải có là một khối liên minh rộng lớn để tập hợp con người từ mọi bước đi của cuộc sống biết chăm sóc cho “ngôi nhà chung” của chúng ta. Ngài nói bước đi quan trọng đầu tiên là huấn luyện con người để họ có thể phục vụ cộng đồng.

Để đạt mục tiêu đó, ngài nhắc đến câu cách ngôn của Châu Phi “phải cần cả một làng để dạy bảo một đứa trẻ.”

Đức Thánh Cha nói, “Chúng ta phải tạo ra một ngôi làng như vậy trước khi chúng ta có thể giáo dục. Trước hết, môi trường phải được tẩy sạch khỏi sự phân biệt đối xử và tình huynh đệ phải được cho phép để phát triển … Trong một ngôi làng như vậy, nó sẽ dễ dàng hơn để tìm được sự đồng thuận toàn cầu về một nền giáo dục hội nhập và tôn trọng mọi khía cạnh của con người, hiệp nhất các ngành học và cuộc sống hàng ngày, các nhà giáo, học sinh sinh viên, và gia đình, và xã hội dân sự trong những chiều kích thuộc khoa học, nghệ thuật, thể thao, chính trị, kinh doanh và bác ái.”


Dưới đây là toàn văn sứ điệp của Đức Thánh Cha


Anh chị em thân mến,

Trong Tông huấn Laudato Si’, tôi mời gọi mọi người cùng cộng tác trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cùng đối phó với những thách đố mà chúng ta đang đối mặt. Sau vài năm, hôm nay tôi làm mới lại lời mời gọi của tôi để đối thoại về cách chúng ta định hình cho tương lai của hành tinh chúng ta và sự cần thiết phải nhờ đến tài năng của tất cả mọi người vì mọi sự thay đổi đều đòi hỏi một tiến trình giáo dục nhắm mục tiêu phát triển tình đoàn kết toàn cầu mới và một xã hội biết chào đón nhiều hơn.

Để đạt mục tiêu này, tôi chấp thuận một sự kiện toàn cầu, sẽ diễn ra ngày 14 tháng Năm 2020 về chủ đề Làm mới lại Khối Liên minh Giáo dục Toàn cầu. Cuộc họp này sẽ một lần nữa làm bừng lên sự cống hiến dành cho và với người trẻ, làm mới lại lòng mê say của chúng ta về một nền giáo dục mở và bao gồm hơn, trong đó bao gồm sự kiên nhẫn lắng nghe, đối thoại xây dựng, và hiểu biết nhau nhiều hơn. Chưa bao giờ cần phải có sự hiệp nhất của chúng ta trong các nỗ lực của một khối liên minh giáo dục rộng lớn như vậy, để đào tạo cho các cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua được sự chia rẽ và đối kháng, và để phục hồi lại kết cấu của những mối quan hệ vì lợi ích của một nhân loại với tình huynh đệ nhiều hơn.

Thế giới ngày nay liên tục thay đổi và đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Chúng ta đang trải qua một kỷ nguyên của sự thay đổi: sự thay đổi không chỉ về văn hóa nhưng cả về nhân học, tạo ra một ngữ nghĩa học mới trong khi hủy bỏ một cách bừa bãi những mô hình truyền thống. Những mâu thuẫn về giáo dục với những điều được gọi là một tiến trình “rapidification” (tạm dịch: rút ngắn thời gian) đưa cuộc sống chúng ta vào trong một cơn lốc của công nghệ tốc độ cao và điện toán hóa, liên tục làm thay đổi những điểm tham chiếu của chúng ta. Do đó, bản sắc riêng của chúng ta bị mất tính chất vững chắc và cấu trúc tâm lý của chúng ta hòa tan vào dòng thay đổi liên tục “đối nghịch lại với tốc độ tiệm tiến tự nhiên của quá trình phát triển sinh học” (Tông huấn Laudato Si’, 18).

Mọi sự thay đổi đòi phải có một tiến trình giáo dục bao gồm tất cả mọi người. Từ đó dẫn đến nhu cầu cần thiết là phải tạo ra một “ngôi làng giáo dục,” trong đó tất cả mọi người, tùy theo vai trò riêng biệt, cùng chia sẻ trách nhiệm thành lập một mạng lưới các mối quan hệ con người rộng mở. Theo câu ngạn ngữ của Châu Phi, “phải cần cả một làng để dạy bảo một đứa trẻ.” Chúng ta phải tạo ra một ngôi làng như vậy trước khi chúng ta có thể giáo dục. Trước hết, môi trường phải được tẩy sạch khỏi sự phân biệt đối xử và tình huynh đệ phải được cho phép để phát triển, như tôi đã trình bày trong Văn kiện tôi đã ký với Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar ngày 4 tháng Hai năm nay tại Abu Dhabi.

Trong một ngôi làng như vậy, nó sẽ dễ dàng hơn để tìm được sự đồng thuận toàn cầu về một nền giáo dục hội nhập và tôn trọng mọi khía cạnh của con người, hiệp nhất các ngành học và cuộc sống hàng ngày, các nhà giáo, học sinh sinh viên, và gia đình, và xã hội dân sự trong những chiều kích thuộc khoa học, nghệ thuật, thể thao, chính trị, kinh doanh và bác ái. Nói một cách khác, một khối liên minh giữa những cư dân của trái đất và “ngôi nhà chung” của chúng ta, là ngôi nhà chúng phải có trách nhiệm chăm sóc và tôn trọng. Một khối liên minh tạo ra nền hòa bình, sự công bằng, lòng hiếu khác giữa mọi dân tộc của gia đình nhân loại, cũng như cuộc đối thoại giữa các tôn giáo.

Để đạt được những mục tiêu toàn cầu này, hành trình “ngôi làng giáo dục” chung của chúng ta phải thực hiện những bước tiến quan trọng. Trước hết, chúng ta phải có can đảm đặt nhân vị vào trung tâm. Để làm được điều đó, chúng ta phải đồng ý thúc đẩy những tiến trình giáo dục chính quy và không chính quy trong đó không được bỏ qua sự thật rằng toàn thế giới có sự tương quan rất chặt chẽ, và rằng chúng ta cần phải tìm ra những con đường khác để vạch ra ngành kinh tế, chính trị, phát triển và tiến bộ, đặt nền tảng trên nhân học sâu sắc. Trong sự phát triển sinh thái toàn diện, vị trí trung tâm phải được trao cho giá trị phù hợp với mỗi loài thụ tạo trong mối quan hệ với con người và thực tại chung quanh nó, cũng như một lối sống biết từ bỏ văn hóa loại trừ.

Một bước đi khác là phải tìm được lòng can đảm để đầu tư vốn vào những nguồn năng lượng tốt nhất, một cách sáng tạo và có trách nhiệm. Trở nên chủ động giải quyết khó khăn và vững bước trong việc mở ra nền giáo dục hướng đến tầm nhìn lâu dài không bị cản trở bởi hiện trạng. Việc này sẽ dẫn đến kết quả là những con người cởi mở, có trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và phản ánh với nhau, và có khả năng đan dệt những mối quan hệ với gia đình, giữa các thế hệ, và với xã hội dân sự, và từ đó tạo ra một chủ nghĩa nhân văn mới.

Một bước đi nữa là lòng can đảm huấn luyện những cá nhân sẵn sàng cống hiến bản thân để phục vụ cộng đồng. Phục vụ là trụ cột của văn hóa gặp gỡ: “Nó có nghĩa là cúi mình xuống trước những người túng thiếu và vươn bàn tay ra với họ, không toan tính, không e ngại, nhưng với lòng nhân và sự thấu hiểu, cũng như Chúa Giê-su quỳ xuống rửa chân cho các Tông đồ. Phục vụ có nghĩa là làm việc bên cạnh những người thiếu thốn nhất, trước hết và trên hết thiết lập những mối quan hệ gần gũi của con người và những mối dây ràng buộc của tình đoàn kết”.[1] Qua việc phục vụ người khác, chúng ta có cảm nghiệm rằng có nhiều niềm vui trong việc cho đi hơn là đón nhận (x. Cv 20:35). Liên quan đến vấn đề này, tất cả mọi tổ chức phải mở rộng trong việc duyệt xét những mục tiêu và phương pháp quyết định cho cách thức họ thực hiện sứ mạng giáo dục.

Vì lý do này, tôi đang mong chờ được gặp gỡ tại Roma những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu theo nhiều cách thức khác nhau và trên mọi cấp độ. Tôi khuyến khích anh chị em hãy cùng nhau làm việc để thúc đẩy những sáng kiến hướng về tương lai qua một khối liên minh giáo dục chung, để có thể định hướng đi cho lịch sử và thay đổi nó trở nên tốt hơn. Tôi cùng chung tay với anh chị em qua việc kêu gọi những người có thẩm quyền trên thế giới quan tâm lo lắng cho tương lai của những người trẻ, và tôi tin rằng họ sẽ đáp lại lời mời gọi của tôi. Các bạn trẻ thân mến, cha cũng kêu gọi chúng con hãy tham gia vào buổi họp này và cảm nhận trách nhiệm thật sự của chúng con để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Cuộc họp của chúng ta sẽ diễn ra ngày 14 tháng Năm 2020 trong Khán phòng Phaolo tại Vatican. Sẽ có một số cuộc hội thảo về các chủ đề liên quan tại các địa điểm khác giúp chúng ta chuẩn bị cho sự kiện này.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm ra những giải pháp, thực hiện quyết liệt những tiến trình thay đổi và nhìn về tương lai với niềm hy vọng. Tôi mời gọi mọi người hãy hoạt động và cam kết cho liên minh này, trên phương diện cá nhân và trong các cộng đồng, để nuôi dưỡng ước mơ về một tính nhân văn xuất phát từ tình đoàn kết và đáp lại những khát vọng của nhân loại và chương trình của Thiên Chúa.

Tôi đang trông mong được gặp gỡ anh chị em. Trong thời gian chờ đợi, tôi xin gửi những lời chào và phép lành đến anh chị em.

Từ Vatican, 12 tháng Chín 2019.

Francis

__________________________________________________________


© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2019]


Tin chính thức: Đức Phanxico sẽ đến thăm Nhật Bản và Thái Lan

Tin chính thức: Đức Phanxico sẽ đến thăm Nhật Bản và Thái Lan
Copyright: Vatican Media

Tin chính thức: Đức Phanxico sẽ đến thăm Nhật Bản và Thái Lan

Chuyến Tông du này sẽ đánh dấu chuyến thăm mục vụ thứ 32 của ngài bên ngoài nước Ý

13 tháng Chín, 2019 11:40

Tin chính thức: Đức Phanxico sẽ đến Nhật và Thái Lan.

Theo thông báo từ Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, ông Matteo Bruni, hôm Thứ Sáu ngày 13 tháng Chín năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến tông du, đánh dấu chuyến tông du thứ 32 của ngài ra ngoài nước Ý, vào cuối tháng Mười Một.

Chuyến tông du của Đức Phanxico đến vương quốc Thái Lan và Nhật Bản sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 26 tháng Mười Một 2019.

Thông cáo bắt đầu, “Theo lời mời của chính phủ vương quốc Thái Lan và các giám mục trong nước, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến tông du đến vương quốc Thái Lan từ ngày 20 đến 23 tháng Mười Một năm 2019.”

Thông cáo tiếp tục, “Nhận lời mời của chính phủ và các giám mục của nước Nhật, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ thực hiện chuyến tông du đến đất nước này từ 23 đến 26 tháng Mười Một năm 2019, tại đây ngài sẽ đến thăm các thành phố Tokyo, Nagasaki và Hiroshima.”

Thông cáo kết luận, “Chương trình của chuyến đi sẽ được thông báo trong thời gian sắp tới.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/9/2019]