Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

Toàn văn Đức Thánh Cha giờ Kinh Truyền tin: Dụ ngôn những yến bạc áp dụng cho tất cả mọi người

Toàn văn Đức Thánh Cha giờ Kinh Truyền tin: Dụ ngôn những yến bạc áp dụng cho tất cả mọi người
Thánh Lễ Ngày Người nghèo Thế giới © Vatican Media

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Dụ ngôn những yến bạc áp dụng cho tất cả mọi người

Huấn từ Kinh Truyền tin nhân Ngày Người nghèo Thế giới

15 tháng Mười Một, 2020 13:45

ZENIT STAFF


Đức Thánh Cha Phanxicô thúc giục các tín hữu tập trung để đọc Kinh Truyền tin trưa hôm nay trong Quảng trường Thánh Phêrô hãy ghi nhớ trích đoạn phúc âm trong ngày – dụ ngôn về những yến bạc trích Tin mừng theo Thánh Mátthêu.

Đức Thánh Cha nói: “Dụ ngôn này áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng luôn lươn áp dụng cho các Kitô hữu nói riêng. “Hôm nay cũng vậy, nó rất hợp bối cảnh: hôm nay là Ngày của Người Nghèo, trong đó Giáo hội nói với người Kitô hữu chúng ta: ‘Hãy rộng tay giúp người nghèo khổ. Hãy giang rộng tay giúp đỡ người nghèo. Bạn không đơn độc trong cuộc sống: có những người cần bạn’.”

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chào anh chị em! 

Vào Chúa nhật áp Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Tin Mừng trình bày cho chúng ta Dụ ngôn nổi tiếng về những yến bạc (x. Mt 25, 14-30). Đây là một phần bài giảng của Chúa Giêsu về thời kỳ sau hết, diễn ra ngay trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Dụ ngôn mô tả một người giàu có phải trẩy đi xa, nhìn thấy trước thời gian dài vắng mặt, ông giao tài sản của mình cho ba người hầu: người thứ nhất được giao năm nén; người thứ hai được giao hai nén; người thứ ba giao một nén. Chúa Giêsu cho biết rõ rằng việc giao phó được thực hiện “tùy khả năng riêng mỗi người” (câu 15). Chúa làm như vậy với tất cả chúng ta: Ngài biết rõ chúng ta; Ngài biết tất cả chúng ta không ngang tài ngang sức và không muốn ưu ái bất cứ ai mà gây thiệt hại cho người khác, và trao cho mỗi người một khoản tùy theo khả năng của mình.

Trong thời gian ông chủ đi xa, hai người hầu đầu tiên vô cùng bận rộn, đến mức đã làm sinh lãi gấp đôi số tiền được giao phó. Với người đầy tớ thứ ba thì không như vậy, anh ta chôn giấu yến bạc trong một cái hố: để tránh rủi ro, anh ta để nó ở đó, an toàn tránh kẻ trộm, nhưng không làm gì để nó sinh lợi. Đến lúc chủ trở về, ông cho gọi những người hầu đến để thanh toán số tiền. Hai người đầu trình bày những thành quả tốt đẹp từ nỗ lực của họ; họ đã làm việc và ông chủ khen ngợi họ, đền bù cho họ, và mời họ dự tiệc trong niềm vui của mình. Tuy nhiên, người thứ ba nhận thấy mình có lỗi, ngay lập tức bắt đầu biện minh cho bản thân rằng: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy” (cc. 24-25). Anh ta bảo vệ sự lười biếng của mình bằng cách cáo buộc ông chủ của mình là “người hà khắc”. Đây là một thái độ mà chúng ta cũng có: rất nhiều lần chúng ta bảo vệ mình bằng cách buộc tội người khác. Nhưng họ không có lỗi: lỗi là của chúng ta; thiếu sót ở nơi chúng ta. Và người đầy tớ này buộc tội người khác, anh ta buộc tội ông chủ để biện minh cho bản thân. Nhiều lần chúng ta cũng làm như vậy. Vì vậy, chủ quở trách anh ta: ông gọi người đầy tớ là “tồi tệ và biếng nhác” (c. 26); anh ta bị lấy mất yến bạc và bị quăng ra khỏi nhà.

Dụ ngôn này áp dụng cho tất cả mọi người, nhưng luôn luôn áp dụng cho người Kitô hữu nói riêng. Hôm nay cũng vậy, nó rất hợp bối cảnh: hôm nay là Ngày của Người Nghèo, trong đó Giáo hội nói với người Kitô hữu chúng ta: “Hãy rộng tay giúp người nghèo khổ. Hãy giang rộng tay giúp đỡ người nghèo. Bạn không đơn độc trong cuộc sống: có những người cần bạn. Đừng ích kỷ; hãy giang rộng tay giúp đỡ người nghèo. Tất cả chúng ta đều đã nhận được từ Thiên Chúa một “gia tài” làm người, một sự giàu có của con người, bất kể đó là gì. Và là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng được đón nhận đức tin, Tin Mừng, Chúa Thánh Thần, các Bí tích, và nhiều điều khác nữa. Những ân tứ này phải được sử dụng để làm điều thiện, để làm việc thiện trong cuộc sống này, để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Và hôm nay Giáo hội nói với bạn, Giáo hội nói với chúng ta: “Hãy sử dụng những gì Chúa đã ban cho bạn và hãy nhìn đến người nghèo. Hãy nhìn: có quá nhiều người nghèo; ngay cả trong các thành phố của chúng ta, ở trung tâm thành phố của chúng ta, có rất nhiều. Hãy làm việc tốt!”

Đôi lúc, chúng ta nghĩ rằng là người Kitô hữu có nghĩa là không làm điều hại. Và không làm điều hại là tốt. Nhưng không làm điều tốt thì không tốt. Chúng ta phải làm điều tốt, thoát ra khỏi chính mình và trông xem, nhìn đến những người túng thiếu hơn. Có rất nhiều sự đói khát, ngay tại trung tâm các thành phố của chúng ta; và nhiều lần chúng ta đi vào luận lý của sự thờ ơ: người nghèo ở kia, và chúng ta nhìn theo hướng khác. Hãy giang rộng tay ra cho người nghèo: đó là Chúa Kitô. Một số người nói: “Nhưng có các linh mục, các giám mục nói về người nghèo, người nghèo…. Chúng tôi muốn họ nói với chúng tôi về sự sống đời đời”. Thưa anh chị em, hãy nhìn xem, người nghèo là trung tâm của Tin Mừng; chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta nói với người nghèo; chính Chúa Giêsu đã đến vì người nghèo. Hãy giang rộng tay giúp đỡ người nghèo. Anh chị em đã đón nhận được nhiều thứ, và anh chị em lại để cho người anh em, người chị em của chúng ta phải chết vì đói sao?

Anh chị em thân mến, ước mong mỗi người nói lên trong lòng mình những điều Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay; hãy lặp lại trong lòng mình: “Hãy giang rộng tay ra cho người nghèo”. Và Chúa Giêsu nói thêm với chúng ta điều khác: “Các bạn biết đấy, tôi là người nghèo khó. Tôi thì nghèo khó”.

Đức Trinh Nữ Maria được đón nhận một món quà tuyệt vời là chính Chúa Giêsu, nhưng Mẹ không giữ Ngài cho riêng mình; Mẹ đã trao Ngài cho thế giới, cho dân tộc của Ngài. Chúng ta hãy học nơi Mẹ để giang rộng tay giúp đỡ người nghèo.

______________________________________________

Sau giờ đọc Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục

Anh chị em thân mến! Cha dâng lời cầu nguyện cho người dân Philippines, những người đang đau khổ vì sự tàn phá và trên hết là lũ lụt do một cơn bão lớn gây ra. Cha xin bày tỏ tình liên đới với những gia đình nghèo khó nhất đã phải gánh chịu các tai ương này và sự ủng hộ của cha với những người đang nỗ lực giúp đỡ họ.

Suy nghĩ của cha cũng hướng về Bờ Biển Ngà, nơi đang kỷ niệm Ngày Hòa bình Quốc gia hôm nay, trong bối cảnh những căng thẳng xã hội và chính trị và đáng buồn là đã gây ra nhiều nạn nhân. Cha hiệp ý cầu nguyện xin Chúa ban ơn hòa hợp dân tộc, và tôi kêu gọi tất cả những người con của đất nước thân yêu đó hãy hợp tác một cách có trách nhiệm để hòa giải và chung sống hòa bình. Tôi đặc biệt động viên các chủ thể chính trị hãy tái xây dựng bầu không khí đối thoại và tin tưởng lẫn nhau, nhằm tìm kiếm các giải pháp công bằng để bảo vệ và thúc đẩy ích chung.

Hôm qua, tại một nhà thương ở Romania, nơi có nhiều bệnh nhân bị nhiễm coronavirus được nhập viện, một đám cháy bùng phát đã cướp đi sinh mạng của một số nạn nhân. Cha xin bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện cho họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Cha xin chào tất cả anh chị em, những tín hữu của Roma và khách hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hôm nay, anh chị đừng quên tiếng nói của Giáo hội lại vang lên trong trái tim chúng ta: “Hãy giang rộng tay ra cho người nghèo. Bởi vì, bạn biết đấy, người nghèo chính là Đức Kitô”. Đặc biệt, cha rất vui vì sự hiện diện của ca đoàn thiếu nhi Hösel (Đức). Cảm ơn các con vì những bài hát của các con!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng? Arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/11/2020]


Thông điệp Caritas Ngày Người nghèo Thế giới 2020

Thông điệp Caritas Ngày Người nghèo Thế giới 2020
Caritas Syria giúp các gia đình ở Al-Jazmati và Jabal Badro. Photo By Caritas Syria

Thông điệp Caritas Ngày Người nghèo Thế giới 2020

Đức ông Pierre Cibambo, cố vấn Caritas Internationalis

13 tháng Mười Một, 2020 17:02

ZENIT STAFF


Vào ngày 15 tháng Mười Một năm 2020, tất cả chúng ta được mời gọi kỷ niệm Ngày Người nghèo Thế giới với Đức Thánh Cha Phanxicô

Thông điệp năm nay là: “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (Hc 7:32).” Đây là một lời kêu gọi rất thích đáng cho tất cả chúng ta trong một năm khi nhiều người trong chúng ta đã khép mình lại với thế giới bên ngoài để tự bảo vệ mình khỏi đại dịch coronavirus.

Bất chấp những thách thức to lớn trên toàn cầu vào năm 2020, Caritas đã cho thấy rằng tình yêu thương không bị phong tỏa và khóa cửa trước những người nghèo và người dễ bị tổn thương vào lúc họ cần. Sứ mệnh lắng nghe và đồng hành của Caritas được hỗ trợ bởi nhiều người thiện nguyện và nhân viên của chúng tôi, những người đã hy sinh một cách vị tha để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Các đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng tôi rằng “Caritas là trái tim của Giáo hội” và Ngày Người nghèo Thế giới là thời điểm để ghi nhớ và củng cố mạnh mẽ sự cống hiến của chúng ta trong việc đặt người nghèo vào trung tâm, nâng họ lên, và bảo đảm rằng tiếng nói của họ được nghe thấy.

Sứ mệnh của chúng tôi là “bảo đảm rằng những người sống trong cảnh túng thiếu là người tham gia tích cực vào việc xây dựng một xã hội bao gồm và bình đẳng, một Caritas đổi mới và một Giáo hội chào đón”.

Nhưng điều này mang ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng tôi là một thành viên của gia đình Caritas? Câu trả lời không luôn luôn dễ dàng, nhưng đòi hỏi một thái độ thể hiện sự khiêm tốn lắng nghe và sự liên đới.

Chúng ta đừng quên rằng ngày đặc biệt này để vinh danh những anh chị em đang gặp khó khăn của chúng ta được gọi là “Ngày thế giới CỦA người nghèo” chứ không phải là “Ngày thế giới VÌ người nghèo”.

Thông điệp Caritas Ngày Người nghèo Thế giới 2020

Chúng ta không chỉ chia sẻ một phần của cải của mình với người nghèo, nhưng chúng ta cũng đón nhận được điều gì đó từ họ. Trong một cộng đoàn Kitô giáo đích thực, không có những thành viên chỉ là người cho đi, và những người khác chỉ đón nhận. Chỉ có những người lân cận chia sẻ vì trong Đức Kitô, tất cả chúng ta là một.

Bàn tay chúng ta dang rộng với người nghèo không chỉ là bàn tay phân phát mà còn là bàn tay đang gặp khó khăn. Chúng ta cần người nghèo cũng như họ cần chúng ta. Họ thách thức chúng ta mỗi ngày trở thành những chứng nhân đích thực hơn cho Đức Kitô. Khi chúng ta gặp người nghèo, lắng nghe họ và đồng hành với họ, thì chính họ là người rao giảng cho chúng ta. Người nghèo mời gọi chúng ta mở rộng tấm lòng và biến đổi cái nhìn hẹp hòi theo thế gian của mình để nhìn thấy Chúa Kitô hiện diện nơi họ trên thế gian này.

“Chúng ta được kêu gọi để tìm kiếm Đức Kitô trong họ, để lên tiếng nói cho họ, nhưng cũng là trở thành bạn bè của họ, lắng nghe họ, nói thay cho họ, và nắm lấy sự khôn ngoan diệu kỳ mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta qua họ.” (Tông huấn Evangelii Gaudium).

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Caritas Internationalis, nói: “Bài học lớn trong cuộc đời làm mục tử của tôi là tiến đến với người nghèo, không phải bằng lời nói, nhưng với tấm lòng sẵn sàng lắng nghe và học từ họ. Trước khi nói dù chỉ một lời, điều quan trọng là phải thấu hiểu người trước mặt bạn. Bằng cách tôn trọng lắng nghe người nghèo, bạn đã khẳng định phẩm giá của họ”.

Khi Ngày Người nghèo Thế giới đang đến gần, bất cứ khi nào có thể và thích hợp, chúng tôi mời gọi tất cả các bạn cùng hành động để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày này.

Chúng tôi động viên các bạn là những người bạn trên khắp thế giới, hãy phản ánh về những gì chúng ta đã học được từ người nghèo trên mức độ cá nhân và cộng đoàn và bảo đảm rằng họ là trung tâm trong những suy nghĩ và hành động của chúng ta vào ngày đó.

Một bàn tay giang rộng là một tín hiệu; một tín hiệu ngay lập tức nói lên sự gần gũi, tình liên đới, và yêu thương. Nhân Ngày Người nghèo Thế giới, chúng ta sẽ cùng nhau giang rộng tay như một gia đình nhân loại trong tình liên đới toàn cầu để xây dựng các xã hội bao gồm và bình đẳng cũng như một Giáo hội đổi mới và chào đón.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2020]