Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Ma-rốc, Đức Thánh Cha căn dặn các tu sĩ không nản chí vì là nhóm thiểu số, nhưng là ‘những ngọn đèn’ không để mất ‘ánh sáng’

Ma-rốc, Đức Thánh Cha căn dặn các tu sĩ không nản chí vì là nhóm thiểu số, nhưng là ‘những ngọn đèn’ không để mất ‘ánh sáng’
Copyright: Vatican Media

Ma-rốc, Đức Thánh Cha căn dặn các tu sĩ không nản chí vì là nhóm thiểu số, nhưng là ‘những ngọn đèn’ không để mất ‘ánh sáng’

‘Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta là một nhóm nhỏ về con số, nhưng ở chỗ chúng ta trở nên tầm thường, là muối đã bị mất hương vị Tin mừng, hoặc là những ngọn đèn không còn chiếu sáng’

31 tháng Ba, 2019 14:04

Đức Thánh Cha đã có huấn từ với hàng giáo sĩ, nam nữ tu sĩ, các thành viên của Hội đồng Đại kết các Giáo hội, trong Vương cung Thánh đường Rabat, trong ngày thứ hai của ngài ở Ma-rốc. Đức Thánh Cha thỉnh thoảng nói ra ngoài văn bản, đôi lúc nói ứng khẩu không theo văn bản, nhưng dưới đây chúng tôi đăng tải văn bản của Vatican cung cấp bài huấn từ soạn trước của Đức Thánh Cha, và sẽ gửi văn bản trọn vẹn cuối cùng khi nào hoàn tất.


***

Anh chị em thân mến,

Cha rất hạnh phúc vì có cơ hội này được đến với anh chị em. Đặc biệt cha cảm ơn Cha Germain và Sơ Mary về những chứng ngôn. Tôi cũng xin gửi lời chào đến quý vị thành viên của Hội đồng Đại kết các Giáo hội, một dấu chỉ rõ ràng về sự hiệp thông được thể hiện trong đất nước Ma-rốc này giữa người Ki-tô hữu thuộc nhiều giáo phái khác nhau trên con đường hiệp nhất. Ki-tô hữu là một nhóm thiểu số nhỏ trong đất nước này. Tuy nhiên đối với cha, đây không phải là một vấn đề, cho dù cha biết có những lúc có thể rất khó khăn cho một số anh chị em. Hoàn cảnh của anh chị em nhắc cha nhớ đến câu hỏi của Chúa Giê-su: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? … Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." (Lc 13:18.21). Diễn giải theo lời của Chúa, chúng ta có thể tự hỏi mình: Người Ki-tô hữu giống cái gì đây, trong những miền đất này? Chúng tôi phải ví họ với cái gì? Họ giống như một nắm men nhỏ mà Mẹ Giáo hội muốn hòa trộn vào một lượng bột thật lớn cho đến khi tất cả dậy men. Vì Chúa Giê-su không chọn và sai chúng ta lên đường để trở nên con số đông đảo! Người kêu gọi chúng ta thi hành một sứ mạng. Người đặt chúng ta vào giữa xã hội giống như một nắm men: đó là men của các Mối Phúc và sự yêu thương huynh đệ, mà tất cả người Ki-tô hữu chúng ta đều có thể cùng góp phần để làm cho vương quốc của Người trở nên hiện hữu.

Các bạn thân mến, điều này có nghĩa là sứ mạng của chúng ta là những người được rửa tội, những linh mục và những người nam nữ sống đời thánh hiến, không thật sự được quyết định bởi con số hay diện tích của những không gian chúng ta sở hữu, nhưng bởi khả năng tạo ra sự thay đổi và đánh thức những sự kỳ diệu và lòng trắc ẩn. Chúng ta làm điều này qua cách sống là những người môn đệ của Chúa Giê-su, giữa những người chúng ta cùng chia sẻ cuộc sống hàng ngày, chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn phiền, chia sẻ sự đau khổ và những hy vọng (x. Hiến chế Gaudium et Spes, 1). Nói một cách khác, những con đường của việc truyền giáo không phải là con đường chiêu dụ tín đồ, vì điều đó luôn dẫn đến một ngõ cụt, nhưng là cách thức chúng ta với Chúa Giê-su và với người khác. Vấn đề không phải ở chỗ chúng ta là một nhóm nhỏ về con số, nhưng ở chỗ chúng ta trở nên tầm thường, là muối đã bị mất hương vị Tin mừng, hoặc là những ngọn đèn không còn chiếu sáng (x. Mt 5:13-15).

Cha tin rằng chúng ta phải thấy lo lắng bất cứ khi nào người Ki-tô hữu chúng ta bận rộn với suy nghĩ rằng chúng ta chỉ trở nên đặc biệt khi chúng ta là lớp bột, khi chúng ta nắm giữ được nhiều không gian. Anh chị em biết rất rõ rằng đời sống của chúng ta được ngụ ý là “lớp men,” ở bất kỳ nơi nào và với bất kỳ người nào chúng ta gặp, ngay cả khi điều này cho thấy chẳng mang đến những ích lợi hữu hình và ngay lập tức (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 210). Vì là một Ki-tô hữu không có nghĩa là bó khung với một giáo lý, hay một đền thờ hoặc một nhóm sắc tộc. Là Ki-tô hữu tức là một sự gặp gỡ. Chúng ta là người Ki-tô hữu vì chúng ta đã được yêu thương và gặp gỡ, chứ không phải vì kết quả của sự chiêu dụ tín đồ. Là Ki-tô hữu tức là biết rằng chúng ta đã được tha thứ và được yêu cầu phải đối xử với tha nhân theo cùng một cách Thiên Chúa đã đối xử với chúng ta. Vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Anh chị em thân mến, khi suy nghĩ về nền tảng mà chúng ta được kêu gọi để sống ơn gọi rửa tội, thừa tác vụ và sự thánh hiến của anh chị em, cha xin nhắc lại lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Ecclesiam Suam: “Giáo hội phải bước vào cuộc đối thoại với thế giới tại nơi Giáo hội hiện diện. Giáo hội phải có điều gì đó để nói, một thông điệp để đưa ra, một sự liên lạc để thực hiện” (số 65). Nói rằng Giáo hội phải bước vào một cuộc đối thoại không phải là đi theo một mốt thời trang, và càng không phải là một sách lược để gia tăng con số thành viên. Giáo hội bước vào cuộc đối thoại vì lòng trung thành với Đấng là Chúa và là Thầy của Giáo hội, là Đấng từ nguyên thủy, vì yêu thương đã mong muốn bước vào cuộc đối thoại như một người bạn và kêu gọi chúng ta đi vào tình bạn hữu với Người (x. Hiến chế Dei Verbum, 2). Là những môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, ngay từ ngày đầu lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta đã được kêu gọi trở nên một phần trong cuộc đối thoại về ơn cứu độ và tình bạn này, và nhờ đó chúng ta là người đầu tiên được hưởng lợi ích.

Tại đây trên những miền đất này, người Ki-tô hữu học cách trở nên một bí tích sống động của cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn khởi xướng với mỗi người nam và nữ, bất kỳ họ ở nơi nào. Một cuộc đối thoại mà chúng ta được kêu gọi bước vào theo gương của chính Chúa Giê-su, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11:29), với tình yêu nồng cháy và vô vụ lợi, không có những tính toán và những giới hạn, và tôn trọng sự tự do của người khác. Trong tinh thần này, chúng ta có thể thấy những anh chị em lớn tuổi chỉ cho chúng ta con đường, vì với cuộc sống của mình họ đã làm chứng rằng cuộc đối thoại này là có thể; họ chỉ ra một “tiêu chuẩn cao” thách đố chúng ta và thúc giục chúng ta. Làm sao chúng ta không nghĩ đến Thánh Phanxico Assisi, là người ngay giữa đỉnh điểm của những cuộc Thập tự chinh đã đến gặp gỡ Quốc vương Sultan al-Malik al-Kamil? Hoặc Chân phước Charles de Foucault, quá xúc động trước đời sống khiêm nhường và ẩn dật của Chúa Giê-su ở Na-da-rét, Đấng mà ngài tôn thờ, đến mức ngài mong muốn trở thành một “người anh em của tất cả?” Hoặc một lần nữa, những người anh em Ki-tô hữu của chúng ta là những người chọn cách sống đoàn kết với những người khác, thậm chí tới mức độ cho đi cuộc sống của họ? Khi Giáo hội, lòng trung thành với sứ mạng mình đón nhận từ Chúa, bước vào cuộc đối thoại với thế giới và đưa ra thông điệp của mình, Giáo hội dự phần vào biến cố của tình huynh đệ đó với nguồn mạch sâu thẳm nhất không phải ở nơi chúng ta nhưng ở tình phụ tử của Thiên Chúa.

Là những người được thánh hiến, chúng ta được mời gọi để trải nghiệm cuộc đối thoại ơn cứu độ này trên hết như là một sự can thiệp cho những người được trao phó cho chúng ta. Cha nhớ có lần nói chuyện với một linh mục, cũng giống như anh chị em đây, sống trong một miền đất mà người Ki-tô hữu cũng chỉ là thiểu số. Ngài nói với cha rằng “Kinh Lạy Cha” đã mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt cho ngài, vì khi cầu nguyện giữa những người thuộc các tôn giáo khác, ngài cảm nhận được sức mạnh của lời kinh, “Xin cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày.” Lời cầu thay nguyện giúp của ngài là một nhà thừa sai, mở rộng ra cho dân tộc đó mà một cách nào đó được trao phó cho ngài, không phải để cai trị nhưng để yêu thương, và điều này khiến ngài đọc lời kinh với cảm xúc đặc biệt. Những người thánh hiến và các linh mục mang đến bàn thờ và trong lời cầu nguyện của họ đời sống của tất cả những người ở chung quanh họ; họ giữ thật sống động sức mạnh trao ban sự sống của Chúa Thánh Thần, giống như đi qua một cửa sổ nhỏ. Thật đẹp biết bao khi biết rằng, ở nhiều nơi khác nhau trong miền đất này, qua những tiếng nói của anh chị em, toàn thể tạo vật có thể liên tục thưa lên: “Lạy Cha.”

Như vậy, sự đối thoại trở thành lời cầu nguyện. Chúng ta có thể thực hiện nó hàng ngày nhân danh “tình huynh đệ của con người ôm ấp lấy toàn thể nhân loại, hiệp nhất họ và trả lại cho họ sự bình đẳng. Nhân danh tình huynh đệ này, đã bị xé tan bởi những chính sách cực đoan và chia rẽ, thao túng những hành động và tương lai của những người nam và nữ (Tài liệu về tình Huynh đệ con người, Abu Dhabi, 4 tháng Hai 2019). Một lời kinh không phân biệt, không chia tách hay gạt ra bên ngoài, nhưng ôm lấy đời sống của tha nhân. Một lời cầu thay nguyện giúp thưa lên với Chúa Cha, “Nguyện nước Cha trị đến.” Không bởi bạo lực, không bởi sự căm hờn, không bởi sắc tộc, tôn giáo hay uy thế kinh tế, nhưng bởi sức mạnh của lòng trắc ẩn tuôn đổ từ thập giá xuống cho toàn thể nhân loại. Đây là kinh nghiệm của phần lớn anh chị em.

Cha tạ ơn Chúa về tất cả những gì anh chị em đang làm như là những môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô ở đây trên đất nước Ma-rốc này, mỗi ngày khám phá ra cách để gieo trồng một tương lai hy vọng qua sự đối thoại, hợp tác và tình bạn. Bằng cách này, anh chị em lật mặt nạ và bóc trần mọi mưu toan lợi dụng những sự khác biệt và sự thiếu hiểu biết để gieo rắc sự sợ hãi, lòng căm ghét và xung khắc. Vì chúng ta biết rằng sự sợ hãi và căm ghét, khi được nuôi dưỡng và thao túng, làm mất ổn định những cộng đoàn của chúng ta và làm mất đi khả năng bảo vệ tinh thần.

Do vậy, cha khuyến khích anh chị em hãy đặt niềm khao khát duy nhất vào việc làm cho sự hiện hữu và tình yêu của Đức Ki-tô trở nên hữu hình, Đấng vì chúng ta đã tự ý trở nên nghèo khó để làm cho anh em trở nên giàu có (x. 2 Cr 8:9): tiếp tục là người anh em của những người thường bị bỏ rơi lại đằng sau, những người bé nhỏ và người nghèo, tù nhân và người di cư. Ước mong rằng đức ái của anh em sẽ trở nên sống động hơn bao giờ hết và từ đó trở thành con đường hiệp thông giữa các Ki-tô hữu thuộc mọi giáo phái hiện diện trong Ma-rốc: tính đại kết của đức ái. Ước mong rằng nó cũng sẽ là một con đường đối thoại và hợp tác với những anh chị em Hồi giáo của chúng ta, và với tất cả mọi người nam và nữ thiện chí. Đức ái, đặc biệt khi hướng đến những người dễ bị xúc phạm nhất, là cơ hội tốt nhất để chúng ta luôn tiếp tục xây dựng một văn hóa gặp gỡ. Ước mong rằng nó cũng sẽ trở thành một con đường cho những người trải qua sự đau khổ, những sự đấu tranh và bị loại trừ nhận thấy rằng họ là những thành viên của một gia đình nhân loại, dưới biểu ngữ của tình huynh đệ. Là những môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô, ước mong anh chị em luôn quan tâm đến phục vụ cho sự tiến bộ của công bằng và hòa bình, giáo dục trẻ em và người trẻ, bảo vệ và đồng hành với người già, người dễ bị xúc phạm, người khuyết tật và người bị áp bức, trong cùng tinh thần đối thoại và hợp tác.

Một lần nữa, cha cảm ơn tất cả anh chị em, về sự hiện diện và sứ mạng của anh chị em ở Ma-rốc này. Cảm ơn về sự phục vụ khiêm nhường và cẩn trọng của anh chị em, noi theo tấm gương của tiền nhân chúng ta trong đời sống thánh hiến, trong đó cha muốn gửi lời chào tới một người, đó là Sơ Ersilia. Sơ kính mến, thông qua Sơ, cha xin gửi lời chào thân ái đến các nữ và nam tu sĩ cao tuổi, là những người vì lý do sức khỏe, không thể hiện diện ở đây hôm nay, nhưng hiệp nhất với chúng ta trong lời cầu nguyện.

Tất cả anh chị em là những chứng nhân của một lịch sử vinh quang. Một lịch sử của những hy sinh, những hy vọng, những chiến đấu mỗi ngày, sống để phục vụ, kiên trì và chăm chỉ, vì tất cả mọi việc đều khó khăn, được thực hiện “nhờ những giọt mồ hôi đầm đìa trên trán.” Nhưng cho phép cha nói rằng “anh chị em có một lịch sử vinh quang để ghi nhớ và hồi tưởng, nhưng cũng là một lịch sử vĩ đại để hoàn tất! Hãy nhìn về tương lai, nhìn về nơi Chúa Thánh Thần sẽ sai anh chị em tới” (Vita Consecrata, 110). Bằng cách này, anh chị em sẽ tiếp tục sống những dấu chỉ của tình huynh đệ đó và Chúa Cha đã kêu gọi chúng ta, không khoan nhượng hay thụ động, nhưng như là những người tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta và mở ra những không gian hy vọng ở bất kỳ nơi nào có điều gì đó hay một ai đó trở nên vô vọng.

Xin Chúa chúc lành cho từng người trong anh chị em, và qua anh chị em gửi đến những thành viên của tất cả các cộng đoàn của anh chị em. Nguyện xin Thần Khí của Người giúp anh chị em đơm hoa kết trái: hoa trái của sự đối thoại, công bằng, hòa bình, sự thật, và yêu thương, để tại đây trong miền đất này được Chúa yêu thương thì tình huynh đệ có thể lớn mạnh hơn bao giờ hết. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Cảm ơn anh chị em!

Và bây giờ, chúng ta hãy đặt mình dưới sự chở che của Mẹ Maria Đồng trinh và đọc Kinh Truyền Tin.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Văn bản (tiếng Anh) của Vatican]


Xin lưu ý rằng Đức Thánh Cha có nhiều lúc nói ngoài văn bản soạn trước, và vì thế ZENIT sẽ cung cấp văn bản nói đầy đủ trong thời gian sớm nhất.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/4/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 12 (119-127)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 12 (Số 119 - 127):


**************

PHẦN III

Chương I

Tính Công đồng Thừa sai của Giáo hội


Một động lực căn bản

Người trẻ yêu cầu chúng tôi cùng song hành

119. Toàn thể Giáo hội, khi chọn cách quan tâm đến giới trẻ qua Thượng hội đồng này, đã đưa ra một lựa chọn rất rõ ràng: Giáo hội coi sứ mạng này là một ưu tiên mục vụ mang ý nghĩa xây dựng nên kỷ nguyên, trong đó cần phải đầu tư thời gian, năng lượng và những nguồn tài nguyên. Ngay từ khi bắt đầu hành trình chuẩn bị, các bạn trẻ đã bày tỏ khát khao được tham gia và được trân trọng, và cảm thấy mình cùng chung vai chính trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Trong Thượng hội đồng này, chúng tôi đã có kinh nghiệm về cách sống tinh thần đồng trách nhiệm của các Ki-tô hữu trẻ như là nguồn mạch của niềm vui sâu thẳm cho các giám mục. Chúng tôi nhận ra trong kinh nghiệm này hoa trái của Thánh Thần liên tục canh tân Giáo hội và kêu gọi Giáo hội thi hành công đồng tính như bản chất và hoạt động, thúc đẩy sự tham gia của tất cả những người được rửa tội và những người có thiện chí, mỗi người tùy theo tuổi tác, tình trạng của cuộc sống và ơn gọi. Trong Thượng hội đồng này, chúng tôi đã có kinh nghiệm về sự hiệp nhất của các giám mục qua sự bình quyền cum Petro et sub Petro để với mong muốn cho Dân Chúa được kêu gọi thể hiện chính mình và làm phong phú chính mình thông qua việc thực hiện công đồng tính ở mọi cấp độ.

Tiến trình Thượng Hội đồng tiếp tục

120. Sự bế mạc của Hội nghị Thượng Hội đồng và tài liệu tổng hợp những kết quả của nó không khép lại tiến trình thượng hội đồng, nhưng là một giai đoạn của tiến trình. Do hoàn cảnh cụ thể, những cơ hội thực sự và nhu cầu cấp thiết của giới trẻ rất khác nhau trong các quốc gia và châu lục, ngay cả trong cùng một đức tin, chúng tôi mời gọi các Hội đồng Giám mục và các Giáo hội tiếp tục hành trình này, cam kết tiến hành sự phân định chung, kể cả trong các cuộc thảo luận có những người không phải là giám mục, như Thượng Hội đồng này đã làm. Phương thức của các tiến trình hội thánh này cần phải bao gồm sự lắng nghe mang tính huynh đệ và sự đối thoại liên thế hệ, nhằm xây dựng các chương trình mục vụ hướng sự chú ý đặc biệt đến những người trẻ bị thiệt thòi và những người có rất ít hoặc không có sự liên hệ với các cộng đoàn hội thánh. Chúng ta hy vọng rằng các gia đình, các viện tôn giáo, các hiệp hội, phong trào và chính những người trẻ sẽ tham gia vào những tiến trình này, để “ngọn lửa” của những gì chúng ta đã trải qua trong những ngày này có thể lan rộng.

Thể thức Thượng Hội đồng của Giáo hội

121. Kinh nghiệm mọi người chia sẻ đã khiến những tham dự viên Thượng Hội đồng nhận thức được tầm quan trọng của thể thức Thượng Hội đồng của Giáo hội đối với việc rao giảng và truyền đạt đức tin. Sự tham gia của giới trẻ đã giúp “đánh thức” công đồng tính, đó là một “yếu tố cấu thành nên Giáo hội như Thánh Gioan Chrysostom nói, 'Giáo hội và Thượng Hội đồng là đồng nghĩa’, (19) tới mức độ Giáo hội không là gì khác ngoài việc 'cùng đồng hành' với đoàn chiên của Chúa trên những con đường lịch sử hướng đến cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô” (Phanxico, Huấn từ nhân Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17 Tháng Mười 2015). Công đồng tính là đặc trưng cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội, đó chính là Dân Chúa được tạo thành gồm những người trẻ và già, nam và nữ thuộc mọi nền văn hóa và chân trời, và Thân thể Chúa Ki-tô, trong đó chúng ta là những chi thể của nhau, bắt đầu từ những người bị đẩy ra ngoài lề và bị chà đạp lên. Trong thời gian dành cho việc trao đổi và những chứng ngôn, Thượng Hội đồng đã đưa ra những đặc điểm nền tảng của phong cách thượng hội đồng: đây là mục tiêu của sự hoán cải mà chúng ta được kêu gọi.

122. Chính qua các mối quan hệ – với Đức Ki-tô, với tha nhân, trong cộng đoàn – mà đức tin được truyền lại. Vì ích lợi của việc truyền giáo, Giáo hội được kêu gọi phải mang lấy một khuôn mặt thân quen chú ý vào sự lắng nghe, chào đón, đối thoại và phân định chung trong tiến trình làm thay đổi đời sống của những người dự phần. “Giáo hội Công đồng là một Giáo hội lắng nghe, nhận biết rằng lắng nghe ‘không chỉ đơn giản là nghe thấy’. Đó là một sự lắng nghe lẫn nhau trong đó mọi người đều có một điều gì đó để học hỏi. Dân tộc trung thành, giám mục đoàn, Giám mục của Roma: tất cả lắng nghe nhau, và tất cả lắng nghe Chúa Thánh Thần, là 'Thần Khí sự thật' (Ga 14:17), để biết được những gì Người ‘nói với các Giáo hội' (Kh 2:7)” (Phanxico, Huấn từ nhân Kỷ niệm 50 năm Thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, 17 Tháng Mười 2015). Bằng cách này, Giáo hội thể hiện mình như là “nhà tạm để gặp gỡ”, trong đó lưu giữ Hòm Giao ước (x. Xh 25): một Giáo hội năng động, luôn chuyển động, đồng hành trên hành trình, được làm vững mạnh bởi rất nhiều đặc sủng và thừa tác vụ. Theo cách đó Thiên Chúa cho thấy Người hiện hữu trên trần gian.

Một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm

123. Một điểm đặc trưng trong phong cách của Giáo hội là trân quý các đặc sủng mà Thần Khí thông ban tùy theo ơn gọi và vai trò của mỗi thành viên của Giáo hội, thông qua chiều kích đồng trách nhiệm. Để kích hoạt điều đó, sự hoán cải tâm hồn trở nên cần thiết, cũng như việc sẵn sàng lắng nghe lẫn nhau, giúp xây dựng một suy nghĩ và cảm giác chung hiệu quả. Được cổ vũ trên tinh thần này, chúng ta có thể tiến tới một Giáo hội có sự tham gia và đồng trách nhiệm, có khả năng biết trân quý gia tài của sự đa dạng mà Giáo hội được hợp thành bởi nó, đón nhận với tâm tình tri ân sự đóng góp của các giáo dân, gồm cả các thanh niên nam và nữ, nam nữ sống đời tận hiến cũng như các nhóm, các hội đoàn và phong trào. Không ai bị gạt sang một bên hoặc tự đặt mình sang một bên. Đây là con đường để tránh chủ nghĩa giáo quyền, là chủ nghĩa loại trừ nhiều người ra khỏi các tiến trình đưa ra quyết định, và chủ nghĩa giáo quyền của giáo dân giam cầm họ thay vì dẫn đưa họ đến với cam kết rao giảng trên thế giới.

Thượng Hội đồng yêu cầu rằng sự tham gia tích cực của người trẻ phải trở nên hiệu quả và trở thành bình thường ở những vị trí đồng trách nhiệm trong các Giáo hội địa phương và trong những cơ quan của các Hội đồng Giám mục và Giáo hội hoàn vũ. Thượng Hội đồng cũng yêu cầu rằng hoạt động của Văn phòng giới trẻ ở Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống phải được củng cố, nhất là qua việc thành lập một cơ quan để đại diện cho giới trẻ ở cấp độ quốc tế.

Những tiến trình phân định liên kết

124. Kinh nghiệm về việc “đồng hành” với tư cách là Dân Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn và sâu sắc hơn ý thức về thẩm quyền qua việc phục vụ. Các mục tử cần có khả năng nâng cao sự cộng tác trong việc làm chứng và thừa sai, và đồng hành với các tiến trình phân định liên kết để giải thích các dấu chỉ của thời đại dưới ánh sáng đức tin và dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, với tất cả các thành viên của cộng đoàn cùng đóng góp, bắt đầu từ những người ở bên lề. Các nhà lãnh đạo Giáo hội với những khả năng như vậy cần một sự đào tạo đặc biệt về công đồng tính. Về vấn đề này, có thể sẽ thỏa đáng hơn nếu đưa ra các khóa đào tạo liên kết cho giới trẻ giáo dân, cho các tu sĩ và chủng sinh trẻ, đặc biệt ở những nơi có các vấn đề như việc thi hành thẩm quyền hoặc thừa tác vụ cộng tác được quan tâm.


Phong cách truyền giáo

Sự hiệp thông truyền giáo

125. Đời sống thượng hội đồng của Giáo hội hướng đặc biệt đến việc truyền giáo: nó là “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất cho toàn thể mọi người”, (Hiến chế Lumen Gentium, 1), cho đến ngày Thiên Chúa sẽ có toàn quyền “trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Người trẻ, mở lòng ra với Thần Khí, có thể giúp Giáo hội thực hiện bước chuyển đổi vượt qua đi “từ ‘cái tôi’ được hiểu theo nghĩa cho mình là trung tâm chuyển thành 'chúng ta' thuộc hội thánh, nơi mọi 'cái tôi', mặc lấy Đức Ki-tô (x. Gl 3:27), sống và đi vào hành trình cùng với anh chị em của mình như một tác nhân đầy trách nhiệm và tích cực của một sứ mạng duy nhất của Dân Chúa” (Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính công đồng trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, 2 tháng Ba 2018, 107). Dưới sự thúc đẩy của Thần Khí và sự hướng dẫn của các giám mục, một sự chuyển đổi tương tự phải diễn ra đối với cộng đoàn Ki-tô giáo, được kêu gọi tránh xa việc hướng vào 'cái tôi' của tính tự bảo vệ mình để hướng đến sự phục vụ cho việc xây dựng 'chúng ta’ bao gồm toàn bộ gia đình nhân loại và toàn thể tạo vật.

Một sứ mạng đối thoại

126. Động lực nền tảng này có những kết quả rất phù hợp cho cách thức thực hiện sứ mạng chung với những người trẻ, nó đòi hỏi chúng ta phải gắn kết, thẳng thắn và không thỏa hiệp, trong sự đối thoại với tất cả mọi người nam và nữ thiện chí. Như Thánh Phaolô VI đã nói: “Giáo hội … phải có điều gì đó để nói, một thông điệp để đưa ra, một sự liên lạc để thực hiện” (Thông điệp Ecclesiam Suam, 65). Trong một thế giới được đánh dấu bởi sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa, “sự đồng hành” trở thành nền tảng nếu các sáng kiến về tình đoàn kết, hội nhập và sự thúc đẩy công bằng là xác thực và hiệu quả, và nó cho thấy ý nghĩa của một văn hóa gặp gỡ và tính nhưng không.

Chính những người trẻ sống hàng ngày tiếp xúc với các bạn đồng niên của họ thuộc những giáo phái Ki-tô khác, các tôn giáo, những niềm tin và văn hóa khác, họ đã khơi gợi cho toàn thể cộng đồng Ki-tô giáo thực hành tính đại kết và đối thoại liên tôn. Điều này đòi hỏi sự can đảm trong parresia (sự mạnh dạn trình bày quan điểm) và sự can đảm biết khiêm nhường trong việc lắng nghe, đón nhận sự khổ hạnh – và đôi khi cả sự tử đạo – như hàm ý trong điều này.

Hướng về những vùng ngoại vi của thế giới

127. Việc thực hành đối thoại và tìm kiếm các giải pháp chung thể hiện sự ưu tiên rõ ràng trong thời điểm khi những hệ thống dân chủ bị thách đố bởi mức độ tham gia thấp, và do sự ảnh hưởng bất cân xứng của các nhóm lợi ích nhỏ không nhận được sự hỗ trợ rộng rãi trong dân chúng, với nguy cơ dẫn đến những hậu quả giản hóa, kỹ trị và độc đoán. Sự trung thành với Tin Mừng sẽ hướng cuộc đối thoại này tới việc tìm ra cách trả lời cho tiếng kêu của người nghèo và của trái đất (x. Phanxico, Tông huấn Laudato si', 49), là điều mà giới trẻ thể hiện sự nhạy cảm đặc biệt, đảm bảo rằng các tiến trình xã hội được truyền cảm hứng từ những nguyên tắc giáo huấn xã hội: phẩm giá của con người, đích đến chung của sản phẩm, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo, ưu tiên đoàn kết, chú ý đến tính phân quyền, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Không một ơn gọi nào trong Giáo hội có thể đặt mình bên ngoài chiều kích cộng đồng tính này đó là ra khơi và đối thoại; do đó, mọi nỗ lực của việc đồng hành đều được kêu gọi phải đánh giá chính mình theo chân trời này, dành sự quan tâm đặc biệt cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/4/2019]