Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

Năm 2021 tại Vatican — theo các con số

Năm 2021 tại Vatican — theo các con số

Năm 2021 tại Vatican — theo các con số

VINCENZO PINTO/AFP/East News

I.Media for Aleteia

30/12/21


Năm 2021 sắp kết thúc. Chúng ta cùng điểm lại chín con số sau đây về những thông tin quan trọng nhất của Vatican và Đức Giáo hoàng Phanxicô.


0 tân Hồng y

Năm đầu tiên kể từ năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô không triệu tập một Công nghị. Tuy nhiên, cử tri đoàn đã đạt đến giới hạn tượng trưng là 120 vị hồng y kể từ sinh nhật lần thứ 80 – là ngày một hồng y không còn được tham gia cơ mật viện – của Đức Hồng y Angelo Scola của Ý vào ngày 7 tháng Mười Một. Được Đức Phaolô VI đặt giới hạn tối đa cho cử tri hồng y đoàn vào năm 1975, ngưỡng này cuối cùng đã trở thành mức tối thiểu trong hai mươi năm qua.

Do đó, nhiều khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập một công nghị vào đầu năm 2022 để tăng số lượng hồng y cử tri. Việc này có thể diễn ra trước Mùa Chay năm nay bắt đầu vào ngày 2 tháng Ba. Nếu không có công nghị, cử tri đoàn sẽ tự động giảm xuống còn 110 hồng y vào cuối năm 2022, với mười hồng y sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 trong năm nay.


1 vị được phong thánh

Các trường hợp phong thánh và phong chân phước đã chậm lại đáng kể kể từ khi bắt đầu đại dịch và chưa tăng lên vào năm 2021. Năm 2020 là năm đầu tiên sau 27 năm không có lễ tuyên phong thánh: năm nay, chỉ có trường hợp Chân phước Margherita di Città di Castello ( 1287-1320) có thể được công bố là một vị thánh theo cách “hữu hiệu tương đương” (equipollent). Một thuật ngữ chuyên môn có nghĩa là trong một số trường hợp – thường vì những nguyên nhân từ xa xưa – đức giáo hoàng công nhận sự sùng kính đã có từ trước đối với một vị thánh, và do đó công bố mà không cử hành lễ.

Tuy nhiên, hàng dài “các vị thánh đang chờ đợi” dự kiến sẽ thu hẹp lại vào năm 2022. Thật vậy, bảy Chân phước sẽ chính thức được phong thánh vào ngày 15 tháng Năm. Đây là trường hợp của các vị người Pháp là Chân phước Caesar de Bus và Charles de Foucauld. Các vị thánh tương lai khác là một người Ấn Độ và bốn người Ý.

v

-/AFP/East News

3 chuyến đi quốc tế của Đức Thánh Cha

Sau khi ở trong Vatican suốt năm 2020 do đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi ra khỏi lãnh thổ Ý ba lần trong năm 2021, tông du đến 5 quốc gia: Iraq, Hungary, Slovakia, Síp và Hy Lạp.

Bay đến Iraq vào ngày 5 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên vùng đất của quốc gia đó. Chuyến đi 4 ngày của ngài được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ với một trong những nhà lãnh đạo Hồi giáo Shiite nổi tiếng nhất, Đức Ayatollah Ali al-Sistani. Sáu tháng sau, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo đến Budapest vào ngày 12 tháng Chín để bế mạc Đại hội Thánh Thể và sau đó đến Slovakia, từ đó ngài trở về Roma ngày 15 tháng Chín. Ngài thực hiện chuyến đi cuối cùng của năm đến Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng Mười Hai. Chuyến đi tập trung vào vấn đề di cư và các mối quan hệ với Chính thống giáo.


6 phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng

Năm 2021 là năm dồi dào nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô về việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí cao ở Vatican. Đầu tiên, ngài bổ nhiệm Nữ tu Nathalie Becquart làm Phó Tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục, trao cho một phụ nữ cơ hội bỏ phiếu lần đầu tiên trong Thượng hội đồng. Cũng có sự bổ nhiệm lịch sử đối với nữ Tổng thư ký đầu tiên của một Bộ trong giáo triều Roma đó là Sơ Alessandra Smerilli – tuy nhiên là vị trí tạm thời – trong Bộ Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện.

Vào tháng 11, việc bổ nhiệm Sơ Raffaella Petrini làm Tổng thư ký của Phủ Thống đốc Thành Vatican vào tháng Mười Một năm 2021 đã đưa Sơ trở thành người phụ nữ “đứng thứ hai” đầu tiên trong cơ quan quản trị nhà nước, một vị trí thường do một giám mục đảm nhiệm. Các bổ nhiệm quan trọng khác bao gồm Sơ Catia Summaria làm Biện lý của Tòa phúc thẩm Thành phố Vatican, Sơ Nuria Calduch-Benages làm Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, và Sơ Charlotte Kreuter-Kirchhof làm Phó Điều phối viên của Hội đồng Kinh tế.


8 Tự sắc

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành 8 Tự sắc về nhiều chủ đề, từ tài chính đến tâm linh. Theo dữ liệu từ I.MEDIA, Đức giáo hoàng người Argentina đã ban hành trung bình khoảng 5 Tự sắc mỗi năm kể từ khi ngài được bầu vào ngôi giáo hoàng từ năm 2013, khiến ngài trở thành vị giáo hoàng có nhiều tự sắc nhất kể từ đầu thế kỷ 20.

Một trong những Tự sắc quan trọng nhất được đức giáo hoàng ban hành trong năm nay là Tự sắc Traditionis Custodes, được ban hành vào ngày 16 tháng Bảy. Để bảo đảm sự thống nhất của Giáo hội, đức giáo hoàng giới hạn khả năng cử hành theo Hình thức Ngoại thường của Nghi thức Rôma – hình thức tiền công đồng. Một Tự sắc quan trọng khác vào ngày 30 tháng Tư, cho phép hệ thống tư pháp giáo dân của Vatican xét xử các hồng y và giám mục, mở đầu cho phiên tòa xét xử Hồng y Angelo Becciu, người có liên quan đến phiên tòa tòa nhà London bắt đầu vào tháng Bảy. Cuối cùng, Quyển IV của Giáo luật – đề cập đến các hình phạt – đã được viết lại và bây giờ xét đến các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên.

Năm 2021 tại Vatican — theo các con số

VATICAN MEDIA / AFP

10 ngày nằm viện

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ở 10 ngày trong Phòng khám Đa khoa Gemelli tại Roma để thực hiện một cuộc phẫu thuật đại tràng. Được mổ vào ngày 4 tháng Bảy, 2021 vì có triệu chứng hẹp túi thừa đại tràng, ngài xuất viện ngày 14 tháng Bảy, sau 10 ngày dưỡng bệnh. Ca phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê toàn thân, và như Đức Giáo Hoàng đã tâm sự trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Tây Ban Nha, bao gồm việc cắt bỏ “33 cm ruột”.

Mặc dù đã trở thành vị giáo hoàng lớn tuổi thứ mười hai trong lịch sử trong năm nay, nhưng Đức Giáo hoàng người Argentina đã thực hiện hai chuyến Tông du nước ngoài kể từ sau cuộc phẫu thuật. Vị bác sĩ và nhà báo người Argentina, Nelson Castro, đã viết một cuốn sách về sức khỏe của các giáo hoàng, bảo đảm rằng người đồng hương của ông có thể chất rất tốt khi họ gặp nhau vào tháng Mười năm ngoái.


10 người bị cáo buộc

Sau bốn năm điều tra, Tòa án Thành Vatican đã mở phiên tòa xét xử lớn vào tháng Bảy về vụ án tòa nhà ở London, một vụ án liên quan đến các khoản đầu tư tài chính bất thường do Phủ Quốc vụ khanh thực hiện. Tổng cộng, mười người đã bị tòa án triệu tập vì bị cáo buộc dính líu đến vụ việc, bao gồm cả Hồng y Angelo Becciu, cánh tay phải trước đây của Đức Giáo hoàng tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Đây là lần đầu tiên một hồng y bị hệ thống tư pháp dân sự của Vatican xét xử.

Những bị cáo khác là các thành viên của Phủ Quốc vụ khanh, các chủ ngân hàng, và các thành viên của Cơ quan Thông tin Tài chính, cũng như một phụ nữ là cô Cecilia Marogna. Cho đến nay đã có 5 phiên xét xử nhưng phiên tòa vẫn đang ở trong giai đoạn tố tụng. Trên thực tế, bốn trong số mười bị cáo đã được loại khỏi vòng tố tụng bị chất vấn bởi Chưởng lý. Họ có thể bị truy tố lại trong phiên tòa năm 2022.


13 Hồng y nhiễm Covid-19

Covid-19 đã tấn công nhiều giáo sĩ cấp cao của Giáo hội trong năm 2021. Ít nhất 13 vị đã bị nhiễm Covid-19, nâng số hồng y bị nhiễm coronavirus lên con số 22 vị kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong số 13 vị đó, 11 vị là hồng y cử tri. Ba vị đã chết vì căn bệnh này, trong đó có một vị cử tri. Đó là Đức Hồng y người Brazil Eusebio Oscar Scheid, Hồng y người Venezuela Jorge Urosa Savino và Hồng y người Brazil José Freire Falcao. Trong suốt năm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần ủng hộ và khuyến khích việc tiêm vaccines Covid-19, thậm chí còn tuyên bố rằng việc tiêm vaccine là một “hành động của tình yêu”.

Năm 2021 tại Vatican — theo các con số

ALBERTO PIZZOLI/AFP/East News

41 bài giáo lý Thứ Tư

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc 41 bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư của ngài. Những buổi Tiếp kiến chung này có một số bất ngờ: ví dụ, vào tháng Sáu năm 2021 người Nhện đến gặp Đức giáo hoàng; hoặc vào tháng Mười năm 2021 một cậu bé khuyết tật lên khán đài để lấy chiếc mũ sọ – chiếc mũ màu trắng – mà đức giáo hoàng đội trên đầu.

Các bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô, được giảng trước hàng nghìn người hành hương tại Vatican hoặc trực tuyến, tập trung vào một số chủ đề: về cầu nguyện, một loạt bài suy ngẫm bắt đầu từ tháng Mười năm 2020 và tiếp tục cho đến tháng Sáu năm 2021; sau đó là những bài giáo lý về Thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín đồ Galát và kết thúc vào tháng Mười Một năm 2021. Sau đó, Đức Giáo hoàng bắt đầu một loạt bài giáo lý về Thánh Giuse, hiện vẫn đang tiếp tục.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/1/2022]

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 1, 2022

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA - Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 1 tháng 1, 2022

LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA
Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 1 tháng Một, 2022

_________________________


Anh chị em thân mến, buongiorno! Chúc Năm mới Hạnh phúc!

Chúng ta hãy bắt đầu năm mới phó thác cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay nói về Đức Mẹ, một lần nữa đưa chúng ta trở lại với sự ngạc nhiên của máng cỏ. Những mục đồng hối hả tiến về phía chuồng chiên bò và họ tìm thấy gì? Văn bản cho biết họ tìm thấy, “bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Chúng ta cùng dừng lại ở cảnh này và hãy tưởng tượng Đức Maria là một người mẹ dịu hiền và chăm sóc, vừa đặt Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ. Chúng ta có thể thấy một món quà được ban tặng cho chúng ta trong hành động đặt Người xuống: Mẹ không giữ Con của Mẹ cho riêng mình, nhưng giới thiệu Người cho chúng ta. Mẹ không chỉ ôm Người trong vòng tay của Mẹ, mà đặt Người xuống để mời gọi chúng ta đến chiêm ngắm Người, chào đón Người, tôn thờ Người. Hãy chú ý đến tình mẫu tử của Đức Maria: Mẹ hiến dâng Chúa Con vừa chào đời cho tất cả chúng ta. Luôn luôn trao tặng Con của Mẹ, giới thiệu Con của Mẹ, không bao giờ xem Con của Mẹ như một cái gì đó của riêng mình, không. Và cũng như vậy trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu.

Và qua việc đặt Người nằm trước mắt chúng ta, không nói một lời, Mẹ mang đến cho chúng ta một thông điệp tuyệt diệu: Thiên Chúa ở gần, trong tầm tay của chúng ta. Người không đến với sức mạnh của một người muốn được sợ hãi, nhưng với sự yếu đuối của một người xin được yêu thương. Người không xét xử từ ngai vàng của Người trên cao, nhưng nhìn đến chúng ta từ bên dưới, như một người anh em, đúng hơn như một người con. Người sinh ra nhỏ bé và thiếu thốn để không ai có thể phải xấu hổ một lần nữa. Chính khi chúng ta cảm nhận được sự yếu đuối và mỏng giòn của mình thì chúng ta có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang ở gần hơn, bởi vì Người ngự đến với chúng ta theo cách này – yếu đuối và mong manh. Con Thiên Chúa được sinh ra để không loại trừ ai. Người thực hiện điều này để làm cho tất cả chúng ta trở thành anh chị em của nhau.

Và như vậy, năm mới bắt đầu với Thiên Chúa, trong vòng tay của Mẹ Người và nằm trong máng cỏ, ban tặng cho chúng ta lòng can đảm bằng sự dịu dàng. Chúng ta cần sự động viên này. Chúng ta vẫn đang sống trong thời gian bất an và khó khăn do đại dịch. Nhiều người sợ hãi về tương lai và bị đè nặng bởi các vấn đề xã hội, các vấn đề cá nhân, những mối nguy hiểm bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng sinh thái, những bất công, và sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu. Nhìn Mẹ Maria với Con của Mẹ trong vòng tay, tôi nghĩ đến những người mẹ trẻ và con của họ phải chạy trốn chiến tranh và nạn đói, hoặc chờ đợi trong các trại tị nạn. Có rất nhiều người như vậy! Và chiêm ngưỡng Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ để Ngài sẵn sàng cho mọi người. Chúng ta hãy nhớ rằng thế giới có thể thay đổi và cuộc sống của mọi người chỉ có thể được cải thiện nếu chúng ta sẵn sàng cho người khác mà không mong chờ họ bắt đầu làm như vậy. Nếu chúng ta trở thành những nghệ nhân của tình huynh đệ, chúng ta sẽ có thể hàn gắn những sợi dây của một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh và bạo lực.

Hôm nay Ngày Thế giới Hòa bình được tổ chức. Hòa bình “vừa là một món quà từ trên cao vừa là hoa trái của sự cam kết chung” (Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 55, 1). Món quà từ trên cao: chúng ta cần khẩn xin món quà đó nơi Chúa Giêsu vì chúng ta không có khả năng giữ gìn nó. Chúng ta có thể thực sự xây dựng hòa bình chỉ khi chúng ta có hòa bình trong tâm hồn mình, chỉ khi chúng ta nhận được nó từ vị Hoàng tử Hòa bình. Nhưng hòa bình cũng là cam kết của chúng ta: nó yêu cầu chúng ta thực hiện bước đi đầu tiên, nó đòi hỏi những hành động cụ thể. Nó được xây dựng bằng cách quan tâm đến những người bé mọn nhất, bằng cách thúc đẩy công bằng, bằng lòng can đảm để tha thứ, từ đó dập tắt ngọn lửa hận thù. Và nó cũng cần một cái nhìn tích cực, một cái nhìn luôn luôn trông thấy không phải sự ác chia rẽ chúng ta mà là sự thiện gắn kết chúng ta, trong Giáo hội cũng như trong xã hội! Chán nản hoặc phàn nàn là vô ích. Chúng ta cần phải xắn tay áo để xây dựng hòa bình. Khởi đầu năm nay, xin Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Hòa Bình, ban sự hòa hợp trong tâm hồn chúng ta và trên toàn thế giới.

____________________________________

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục

Anh chị em thân mến,

Đầu năm mới, cha cầu chúc mọi người được bình an, đó là bản tóm tắt của mọi điều tốt lành. Bình an! Tôi chân thành cảm ơn lời chào của ông Sergio Mattarella, Tổng thống nước Cộng hòa Ý, và tôi luôn nhớ dâng lời cầu nguyện cho ông và cho người dân Ý.

Hôm nay là Ngày Thế giới Hòa bình, được Thánh Phaolô VI bắt đầu năm 1968. Trong Sứ điệp năm nay, tôi nhấn mạnh rằng hòa bình được xây dựng thông qua đối thoại giữa các thế hệ, thông qua giáo dục và việc làm. Nếu không có ba yếu tố này, các nền tảng bị thiếu.

Tôi cảm ơn tất cả các sáng kiến được thúc đẩy trên khắp thế giới nhân Ngày này, phù hợp với tình hình đại dịch; và đặc biệt đối với Đêm Canh thức được tổ chức tối hôm qua tại Nhà thờ Chính tòa Savona như một cách thể hiện của Giáo hội Ý.

Tôi gửi lời chào đến tất cả anh chị em tham gia cuộc diễu hành “Hòa bình trên mọi miền đất”, do Cộng đoàn Sant’Egidio tổ chức tại Roma và ở nhiều nơi trên thế giới – những người trong cộng đoàn Sant’Egidio này giỏi, họ rất giỏi! – với sự cộng tác của các giáo phận và các giáo xứ. Cảm ơn sự hiện diện và sự cam kết của anh chị em!

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em người dân Roma thân yêu và anh chị em hành hương! Cha chào các bạn trẻ trẻ của Curtatone, các gia đình từ vùng đô thị Forlimpopoli, các tín hữu từ thành phố Padua và Comun Nuovo, gần Sotto il Monte – quê hương của Thánh Gioan XXIII, Đức Giáo hoàng của Sứ điệp Pacem in terris, phù hợp hơn bao giờ hết.

Chúng ta về nhà và hãy luôn nghĩ đến: hòa bình, hòa bình, hòa bình! Chúng ta cần hòa bình. Tôi đã xem những hình ảnh trên chương trình truyền hình “A sua immagine” hôm nay, về chiến tranh, về những người phải di tản, về sự đói nghèo… nhưng điều này đang xảy ra trên thế giới ngày nay. Chúng ta muốn hòa bình!

Cha gửi những lời chúc tốt đẹp đến tất cả anh chị em, đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc mừng Năm mới! Chúc anh chị em bữa ăn ngon miệng, và arrivederci, cho đến ngày mai.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/1/2022]