Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha tiếp tục phân tích về ‘Kinh Lạy Cha’

10 tháng Tư, 2019 15:20

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt bài giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” trong huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về “Xin tha tội chúng con” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Thư thứ Nhất của Thánh Tông đồ Gioan 1:8-9).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào (buổi sáng) anh chị em!

Hôm nay trời không đẹp lắm, nhưng dẫu sao chúng ta cũng cứ chào buổi sáng tốt lành!

Sau khi xin Chúa ban cho lương thực hàng ngày, “Kinh Lạy Cha” bước vào lĩnh vực những mối quan hệ của chúng ta với tha nhân. Và Chúa Giê-su dạy chúng ta xin với Chúa Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Cũng giống như nhu cầu chúng ta cần lương thực, chúng ta cần có sự tha thứ, và đây là vấn đề của hàng ngày.

Trước hết, người Ki-tô hữu cầu xin Chúa tha thứ cho lỗi phạm của mình, cụ thể đó là tội của mình, những điều xấu xa đã làm. Đây là sự thật đầu tiên của mỗi lời kinh: cho dù chúng ta có là những con người hoàn hảo, cho dù chúng ta có là những vị thánh trong như pha lê là những người không bao giờ đi lệch khỏi con đường thiện hảo, thì chúng ta vẫn luôn luôn là những đứa con mang nợ tất cả mọi điều với Chúa Cha.

Thái độ nào là nguy hiểm nhất đối với đời sống của mọi người Ki-tô hữu? Đó là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của một người đặt mình trước mặt Thiên Chúa và cho rằng anh ta luôn luôn có những báo cáo rất thứ tự lớp lang với Người. Người kiêu ngạo tin rằng anh ta luôn sắp xếp mọi việc đâu ra đó. Giống như người Pha-ri-sêu trong dụ ngôn là người nghĩ đến việc cầu nguyện trong Đền thờ nhưng thật ra là ca tụng mình trước mặt Chúa: “Xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác.” Và những người cho rằng mình là người hoàn hảo, những người chỉ trích người khác là những con người kiêu ngạo. Không một ai trong chúng ta là người hoàn hảo, không một ai. Ngược lại, người thu thuế, anh ta đứng ở phía sau, trong Đền thờ, là một kẻ tội lỗi trước mắt tất cả mọi người, dừng lại trên ngưỡng cửa Đền thờ và không cảm thấy mình xứng đáng được bước vào, và phó thác bản thân cho lòng thương xót của Chúa. Và Chúa Giê-su nói: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi” (Lc 18:14), tức là được tha thứ, được cứu thoát. Tại sao? — vì anh ta không kiêu căng; vì anh ta biết chân nhận những giới hạn và tội của mình.

Có những tội nhìn thấy được và có những tội không nhìn thấy được. Có những tội rõ ràng rất dễ nhận thấy, nhưng cũng có những tội rất khó phát hiện, chúng làm tổ trong tâm hồn mà thậm chí chúng ta không nhận biết. Nặng nề nhất đó là sự kiêu ngạo, nó thậm chí có thể lây nhiễm cả những người sống trong đời sống tu trì khép kín. Có một lần trong một nữ tu viện, trong khoảng những năm 1600-1700, rất nổi tiếng, vào thời đại của thuyết Giăng-xen (Jansenism): các nữ tu là những người rất hoàn hảo và người ta nói rằng các Sơ trong trắng như thiên thần nhưng lại kiêu ngạo như quỷ sứ. Đó là một điều kinh khủng. Tội làm chia rẽ tình huynh đệ; tội làm cho chúng ta coi mình là tốt hơn người khác; tội làm cho chúng ta tin rằng chúng ta cũng ngang bằng với Thiên Chúa. Nhưng, trước mặt Chúa, tất cả chúng ta đều là những tội nhân và chúng ta có lý do để đấm ngực, — tất cả chúng ta! Như người thu thuế đó trong Đền thờ. Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gioan viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Ga 1:8). Nếu bạn muốn lừa gạt bản thân, hãy nói rằng bạn không có tội: và như vậy là bạn đã lừa dối mình rồi.

Trước hết, chúng ta là những người mắc nợ, vì chúng ta đã lãnh nhận quá nhiều trong cuộc sống này: sự sống, một người cha và một người mẹ, tình bạn, những sự kỳ diệu của Tạo vật … Dẫu cho chuyện có xảy đến với tất cả mọi người phải đi qua những ngày khó khăn, thì chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng cuộc sống là một ân ban, nó là một phép lạ mà Thiên Chúa chẳng lấy đi bất cứ điều gì.

Thứ hai, chúng ta là những người mắc nợ, dù cho chúng ta có thành công trong sự yêu thương thì không một người nào trong chúng ta có thể làm được điều đó bằng sức mạnh của riêng mình. Tình yêu đích thực xảy ra khi chúng ta có thể yêu thương, nhưng với ơn sủng của Thiên Chúa. Chẳng ai trong chúng ta tỏa sáng bằng ánh sáng của riêng mình. Có một cách nói mà các nhà thần học xưa kia gọi là “mysterium lunae” không những với bản sắc của Giáo hội nhưng với lịch sử của từng người chúng ta. “Mysterium lunae” nghĩa là gì? Nó giống như mặt trăng, tự nó không có ánh sáng: nó chỉ phản chiếu lại sáng sáng của mặt trời. Chúng ta cũng không có ánh sáng của riêng mình: ánh sáng chúng ta có được là sự phản chiếu của ơn sủng của Chúa, của ánh sáng của Thiên Chúa. Nếu bạn biết yêu thương, đó là vì một ai đó, bên ngoài bạn, đã mỉm cười với bạn khi bạn còn nhỏ, dạy cho bạn biết đáp lại bằng một nụ cười. Nếu bạn biết yêu thương, đó là vì một ai đó bên cạnh bạn đã thức tỉnh bạn biết yêu thương, làm cho bạn hiểu rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm trong điều đó.

Chúng ta hãy cố lắng nghe câu chuyện của một người đã phạm sai lầm: một tù nhân, một người bị kết án, một người nghiện ngập … chúng ta biết rất nhiều người đã phạm sai lầm trong cuộc sống. Bỏ qua thành kiến về trách nhiệm là điều luôn luôn riêng tư, đôi lúc anh chị em thắc mắc rằng ai là người phải bị khiển trách về những lỗi lầm của người kia, có phải đó là lương tâm của người đó hay là một lịch sử của lòng thù hận và bị loại bỏ mà một người luôn mang theo trong mình.

Và đây là bí mật của mặt trăng: chúng ta yêu thương vì trên hết chúng ta đã được yêu; chúng ta tha thứ vì chúng ta đã được tha thứ. Và nếu ánh sáng mặt trời không chiếu tỏa trên một người, người đó trở nên đóng băng lạnh lẽo như mặt đất mùa đông.

Trong chuỗi mắt xích của tình yêu trước chúng ta, làm sao chúng ta lại không nhận ra được sự hiện hữu của tình yêu của Thiên Chúa quan phòng? Chẳng ai trong chúng ta yêu mến Thiên Chúa như Người đã yêu thương chúng ta. Chỉ cần đứng trước một thập giá thì chúng ta có thể hiểu được sự mất cân xứng đó. Người mãi mãi yêu thương chúng ta và luôn yêu thương chúng ta trước.

Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, ngay cả một người thánh thiện nhất ở giữa chúng con thì vẫn mãi mãi là người mắc nợ Chúa. Ôi, lạy Cha, xin rủ lòng thương xót tất cả chúng con!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2019]


Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 14 (138-143)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài đăng 14 (Số 138 - 143):


**************

PHẦN III

Chương II (tiếp theo)

Thừa tác vụ mục vụ từ góc nhìn ơn gọi

Giáo hội, ngôi nhà cho người trẻ

138. Chỉ qua con đường tiếp cận mục vụ đủ khả năng canh tân đặt nền tảng trong việc chăm sóc các mối quan hệ và chất lượng của cộng đoàn Ki-tô giáo mới có ý nghĩa và hấp dẫn đối với giới trẻ. Từ đó, Giáo hội sẽ có thể giới thiệu mình như một ngôi nhà chào đón họ, nổi bật với bầu không khí gia đình được xây dựng trên niềm tin và sự tự tin. Khát khao tình huynh đệ, đây là điều xuất hiện rất nhiều lần khi Thượng Hội đồng lắng nghe người trẻ, yêu cầu Giáo hội phải trở thành “một ngôi nhà cho nhiều dân tộc, một người mẹ cho tất cả các dân tộc” (Phanxico, Tông huấn Evangelii Gaudium, 288): thừa tác vụ mục vụ có trách nhiệm làm cho tình mẫu tử phổ quát của Giáo Hội trở nên hiện thực trong lịch sử, thông qua những hành động cụ thể và mang tính ngôn sứ về sự chào đón hân hoan và mọi ngày, là điều làm cho Giáo hội trở thành một ngôi nhà cho giới trẻ.

Lòng nhiệt thành ơn gọi của thừa tác vụ mục vụ

139. Ơn gọi là bản lề mà xoay quanh nó tất cả các chiều kích của con người được hợp nhất. Nguyên tắc này không chỉ liên quan đến cá nhân tín hữu, mà kể cả thừa tác vụ mục vụ nói chung. Vì vậy, điều vô cùng quan trọng phải làm sáng tỏ rằng chỉ trong chiều kích ơn gọi thì tất cả các thừa tác vụ mục vụ mới tìm thấy một nguyên tắc thống nhất, vì ở đây nó tìm thấy nguồn cội và sự trọn vẹn của nó. Do đó, liên quan đến các hành trình thay đổi mục vụ đang được tiến hành, không ai yêu cầu tăng cường thừa tác vụ ơn gọi như một khu vực riêng biệt và độc lập, mà để tạo sinh khí cho cách tiếp cận mục vụ toàn diện của Giáo hội, trình bày một cách hiệu quả sự đa dạng rất lớn của ơn gọi. Mục tiêu của thừa tác vụ mục vụ là giúp mọi người, thông qua một hành trình phân định, để đạt “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Eph 4:13).

Thừa tác vụ ơn gọi mục vụ cho người trẻ

140. Ngay từ khởi đầu của tiến trình thượng hội đồng đã cho thấy rất rõ ràng rằng thừa tác vụ giới trẻ cần một định hướng ơn gọi. Theo cách này, hai đặc điểm trọng yếu cho cách tiếp cận mục vụ đối với các thế hệ trẻ nổi lên: đó chính để “dành cho giới trẻ”, vì nó nhắm đến những người đang ở trong giai đoạn duy nhất và không thể lặp lại trong cuộc sống đó là tuổi trẻ; nó “thuộc về ơn gọi”, vì tuổi trẻ là thời gian đặc ân cho các lựa chọn cuộc sống và để đáp lại lời kêu gọi của Chúa. “Tính ơn gọi” của thừa tác vụ giới trẻ không nên hiểu theo nghĩa độc quyền, mà là ý nghĩa chuyên sâu. Thiên Chúa kêu gọi mọi độ tuổi trong cuộc sống – từ trong lòng người mẹ đến khi về già – nhưng tuổi trẻ là khoảng thời gian đặc ân để lắng nghe, sẵn sàng và đón nhận ý Chúa.

Thượng hội đồng đưa ra đề nghị rằng ở cấp Hội đồng Giám mục Quốc gia, phải chuẩn bị một “sổ tay Hướng dẫn Thừa tác vụ Giới trẻ” theo quan điểm về ơn gọi, để giúp các vị lãnh đạo cấp giáo phận và thừa tác viên địa phương cung cấp sự đào tạo và hoạt động tốt với và cho giới trẻ.

Từ sự phân mảnh đến sự hợp thành một hệ thống

141. Mặc dù hiểu rằng việc lập kế hoạch cho các hoạt động mục vụ là cần thiết, để tránh sự tùy tiện, trong nhiều trường hợp các Nghị Phụ đã bày tỏ sự băn khoăn lo lắng của họ trước sự phân mảnh ít nhiều đối với cách tiếp cận mục vụ của Giáo hội. Cụ thể, các ngài nói đến rất nhiều cách tiếp cận mục vụ đối với giới trẻ: thừa tác vụ giới trẻ, thừa tác vụ gia đình và ơn gọi, tuyên úy trường học và đại học, các hoạt động xã hội, văn hóa, bác ái, thời gian rảnh, v.v. Việc thành lập nhiều văn phòng có tính chuyên môn cao, nhưng đôi khi hoạt động tách biệt với nhau, không làm cho thông điệp Ki-tô giáo trở nên dễ tiếp cận hơn. Trong một thế giới bị phân mảnh, người trẻ cần được giúp đỡ để hợp nhất cuộc sống, diễn giải những trải nghiệm hàng ngày của họ và phân định sâu sắc. Nếu đây là sự ưu tiên thì cần phát triển sự phối hợp và hợp nhất cao hơn giữa các lĩnh vực khác nhau, chuyển từ một công việc cho “các văn phòng” thành một công việc cho “các dự án”.

Mối quan hệ đầy hoa trái giữa các sự kiện và cuộc sống hàng ngày

142. Trong Thượng Hội đồng, thường có sự đề cập về Ngày Giới trẻ Thế giới và nhiều sự kiện liên quan diễn ra ở cấp độ lục địa, quốc gia và giáo phận, cùng với những sự kiện được tổ chức bởi các hiệp hội, phong trào, hội đoàn tôn giáo và các thực thể giáo hội khác. Những khoảng thời gian gặp gỡ và chia sẻ này được đánh giá cao, vì chúng mang đến cơ hội cùng chia sẻ hành trình giống như một cuộc hành hương, trải nghiệm tình huynh đệ với tất cả mọi người, hân hoan chia sẻ niềm tin và ngày càng gần gũi hơn với Giáo hội. Đối với nhiều người trẻ, những khoảng thời gian này là một kinh nghiệm về sự biến đổi, trong đó họ đã trải nghiệm được vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa và đưa ra những lựa chọn quan trọng trong cuộc sống. Những hoa trái tốt nhất của sự trải nghiệm này được tích lũy trong cuộc sống mỗi ngày. Do đó, điều quan trọng là phải lập kế hoạch và trải nghiệm những sự tích lũy này như là các bước đi quan trọng của một tiến trình đạo đức rộng lớn hơn.

Những trung tâm giới trẻ

143. Những địa điểm cụ thể dành riêng cho giới trẻ của cộng đoàn Ki-tô giáo, chẳng hạn như các nhà nguyện, các trung tâm giới trẻ và những cấu trúc tương tự khác, thể hiện nhiệt huyết đối với giáo dục của Giáo hội. Chúng có thể mang nhiều hình thức, nhưng chúng vẫn là những không gian ưu tiên, trong đó Giáo hội trở thành ngôi nhà chào đón dành cho thanh thiếu niên, những người khám phá được tài năng của họ và dấn thân phục vụ. Chúng truyền tải một gia tài giáo dục rất phong phú, được chia sẻ trên phạm vi rộng lớn, để hỗ trợ các gia đình và chính xã hội dân sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của một Giáo hội hướng ra bên ngoài, cần phải có sự đổi mới mang tính sáng tạo và linh hoạt cho những thực tại này, bỏ đi ý tưởng trở thành các trung tâm tĩnh lặng mà giới trẻ có thể đến, hướng tới ý tưởng về các chủ đề mục vụ cùng chuyển động và hướng tới giới trẻ, tức là có khả năng gặp gỡ họ ở những nơi bình thường của cuộc sống – trường học và môi trường kỹ thuật số, những vùng ngoại vi, thế giới nông thôn, thế giới công việc, xu hướng âm nhạc và nghệ thuật, v.v.. – tạo ra một phong cách tông đồ mới năng động và tích cực hơn.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/4/2019]