Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

‘Buổi nói chuyện’ của Đức Thánh Cha với TED (toàn văn)

‘Buổi nói chuyện’ của Đức Thánh Cha với TED (toàn văn)

Trong buổi nói chuyện đầu tiên của một Giáo hoàng với TED, Đức Phanxico nhắc ‘Có một câu nói ở Argentina: ‘Quyền lực giống như uống rượu gin khi bụng đói”
26 tháng Tư, 2017
‘Buổi nói chuyện’ của Đức Thánh Cha với TED (toàn văn)
Caritas Internationalis -YouTube
Tối nay (3:30 sáng giờ Roma) Đức Thánh Cha Phanxico đã tham gia chương trình TED 2017, đang diễn ra ở Vancouver, Canada, với một buổi “Nói Chuyện của TED’ (TED Talk) kéo dài 18 phút.
Việc này đánh dấu buổi nói chuyện đầu tiên của một giáo hoàng với chương trình TED Talk.
Một tổ chức phi lợi nhuận, TED cống hiến cho việc lan truyền những ý tưởng dưới hình thức của những bài nói chuyện ngắn. Nó được bắt đầu năm 1984 như là một hội nghị chuyên đề về các lĩnh vực Công nghệ, Giải trí và Thiết kế (Ghi chú của người dịch: TED = Technology (công nghệ), Entertainment (giải trí), Design (thiết kế), và ngày nay đưa ra nhiều cuộc nói chuyện của rất nhiều diễn giả khác nhau.
Các nguồn tin tường thuật rằng những ai theo dõi Hội nghị thường niên của TED được hứa một sự ngạc nhiên lớn của một “nhân vật quốc tế” sẽ gửi đến thông điệp dài 18 phút theo chủ đề của hội nghị “The Future You,” (tạm dịch: Bạn trong tương lai) cùng với những nhà vô địch quần vợt và cờ vua, trong đó có Serena Williams, và các doanh nhân.
Tuy nhiên, không ai mong chờ đó là Đức Giáo hoàng tối cao.
Dưới đây là bản dịch tiếng Anh của Vatican cung cấp bài nói chuyện của Đức Thánh Cha:
***
Đức Thánh Cha Phanxico với TED Talk
Ghi hình trong Thành Vatican
Buổi công chiếu đầu tiên tại TED2017, Vancouver, Canada, 25 tháng Tư, 2017
Bản dịch tiếng Anh
Video được đăng tại www.ted.com
***
Xin chào buổi tối – hay, buổi sáng, tôi không chắc bây giờ là mấy giờ ở đó.
Bất kể là giờ nào, tôi vẫn rất hồi hộp được tham dự trong hội nghị của các bạn. Tôi vô cùng thích thú với tiêu đề – “The Future You” – vì khi nhìn về tương lai, nó mời gọi chúng ta mở ra một cuộc đối thoại hôm nay, để nhìn về tương lai qua “you” (bạn).
“The Future You:” tương lai được xây dựng bởi các bạn, nó được xây dựng bởi những sự gặp gỡ, vì cuộc sống chảy qua những mối quan hệ với người khác. Sau nhiều năm của cuộc sống đã làm vững mạnh niềm tin của tôi rằng cuộc sống của mỗi người và của mọi người gắn chặt với cuộc sống của người khác: cuộc sống không chỉ là quãng thời gian trôi qua đơn thuần, cuộc sống là gồm những sự tương giao.
Khi tôi gặp gỡ, hoặc lắng nghe những người đau bệnh, những người di cư phải đối mặt với những cực khổ kinh khủng trong khi đi tìm một tương lai tươi sáng hơn, những tù nhân bị giam giữ đang mang trong lòng một địa ngục đau đớn, và nhiều người, trong đó có nhiều người còn trẻ, không thể tìm được một việc làm, tôi thường tự hỏi mình:
“Tại sao là họ mà không phải là tôi?” Tôi, chính tôi, sinh ra trong một gia đình di dân; thân phụ của tôi, ông bà của tôi, cũng như nhiều người Ý khác, đã tìm đến Argentina và gặp nhiều phận đời của những người bị bỏ rơi với đôi tay trắng. Tôi cũng đã có thể có kết cục nằm trong số những con người “bị bỏ rơi” của ngày hôm nay.
Và đó là lý do tại sao tôi luôn luôn tự hỏi mình, chân thành trong tim: “Tại sao là họ mà không phải là tôi?” Trước hết và trên tất cả, tôi yêu vô cùng nếu cuộc họp này có thể giúp nhắc chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta đều cần nhau, không ai trong chúng ta là một ốc đảo, một “cái Tôi” riêng biệt và độc lập, tách biệt ra khỏi mọi người khác. Và chúng ta chỉ có thể xây dựng một tương lai bằng cách cùng đứng chung với nhau, gồm tất cả mọi người.
Chúng ta không thường nghĩ về nó, nhưng mọi việc đều được liên kết, và chúng ta cần phục hồi lại những mối liên kết của chúng ta về một tình trạng khỏe mạnh. Ngay cả sự xét đoán cay nghiệt mà tôi giữ trong lòng chống lại người anh em chị em của tôi, vết thương mở chưa bao giờ được chữa lành, sự xúc phạm chưa bao giờ được tha thứ, sự oán giận sẽ chỉ làm tổn thương tôi, là tất cả những ví dụ của một cuộc chiến đấu tôi mang trong mình tôi, một ngọn lửa sâu thẳm trong tim tôi phải bị dập tắt trước khi nó bùng cháy ra ngoài, chỉ để lại những tro tàn phía sau.
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta dường như tin rằng một tương lai hạnh phúc là điều không thể đạt được. Trong khi những lo lắng như vậy phải được suy xét nghiêm túc, chúng sẽ bị đánh bại. Chúng ta có thể vượt qua chúng khi chúng ta không khóa cửa lòng của chúng ta với thế giới bên ngoài.
Chỉ có thể khám phá sự hạnh phúc như là một món quà của sự hài hòa giữa toàn thể và mỗi thành phần riêng biệt. Mỗi ngành khoa học – và các bạn hiểu điều này rõ hơn tôi – đưa đến một sự hiểu biết thực tại như là một nơi mà mọi thành phần liên kết và tương tác với mọi thứ khác.
Và điều này đem tôi đến thông điệp thứ hai của tôi. Thật tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của những đổi mới khoa học và kỹ thuật cùng đi với sự bình đẳng và bao dung xã hội hơn. Thật tuyệt vời biết bao, trong khi chúng ta khám phá ra những hành tinh xa xôi, nếu tái khám phá lại những nhu cầu của anh chị em trong quỹ đạo xoay quang chúng ta.
Thật tuyệt vời biết bao nếu sự đoàn kết, cụm từ tuyệt đẹp này, và có những lúc gây phiền phức, không đơn thuần bị biến thành công việc xã hội, và vì vậy, trở thành thái độ mặc định trong những lựa chọn chính trị, kinh tế và khoa học, cũng như trong những mối quan hệ giữa các cá nhân, các dân tộc và các quốc gia.
Chỉ bằng cách giáo dục con người đến với sự đoàn kết thật sự thì chúng ta mới có thể vượt qua được “văn hóa lãng phí,” nó không chỉ liên quan đến lương thực và hàng hóa, nhưng trước tiên và trên hết, những người bị quăng ra ngoài bởi những hệ thống kinh tế kỹ thuật, một hệ thống, thậm chí không nhận thức được, đang đặt sản phẩm vào trọng tâm của nó, thay vì con người.
Đoàn kết là một thuật ngữ mà nhiều người muốn xóa khỏi từ điển. Tuy nhiên, đoàn kết không phải là một cơ cấu tự động. Không thể lập trình hay khống chế nó. Nó là một câu trả lời tự do sinh ra từ con tim của mỗi người và mọi người. Vâng, một câu trả lời tự do!
Khi người ta nhận ra rằng cuộc sống là một quà tặng, thậm chí trong rất nhiều những mâu thuẫn, rằng tình yêu là nguồn gốc và ý nghĩa của sự sống, làm sao họ có thể từ chối sự hối thúc làm điều tốt lành cho đồng loại của họ?
Để có thể làm việc tốt, chúng ta cần ký ức, chúng ta cần lòng can đảm và chúng ta cần sự sáng tạo. Và tôi biết rằng TED tập họp được nhiều bộ óc sáng tạo. Vâng, tình yêu thực sự đòi hỏi một thái độ sáng tạo, cụ thể và khéo léo. Những ý định tốt lành và những công thức theo quy ước, rất thường được sử dụng để an ủi lương tâm của chúng ta, là không đủ. Chúng ta hãy cùng giúp đỡ nhau, tất cả chung tay, để ghi nhớ rằng tha nhân không phải là một con số hay sự thống kê. Tha nhân có một khuôn mặt. “Bạn” (you) luôn là một sự hiện hữu thực, một con người để quan tâm.
Có một dụ ngôn Chúa Giê-su kể giúp cho chúng ta hiểu rõ được sự khác biệt giữa những người không muốn bị làm phiền và những người quan tâm chăm sóc cho tha nhân. Tôi chắc chắn các bạn đã nghe chuyện này. Đó là Dụ ngôn người Sa-ma-ri Nhân hậu.
Khi Chúa Giê-su hỏi: “Ai là anh em của ngươi?” – cụ thể là, “Tôi nên quan tâm chăm sóc cho ai?” – Ngài kể câu chuyện của một người bị tấn công, bị cướp, bị đánh đập và bị bỏ rơi trên con đường bụi bẩn. Khi nhìn thấy ông ta, một tư tế và một thầy Lê-vi, hai người rất có ảnh hưởng vào thời đó, bước qua người kia và không dừng lại để giúp đỡ. Sau một lát, một người Sa-ma-ri, một sắc tộc bị khinh miệt vào lúc đó, đi đến. Nhìn thấy người đàn ông bị thương nằm trên mặt đất, ông ta không bỏ qua người kia như vẻ ông ta không nhìn thấy chuyện gì. Nhưng, ông ta động lòng thương người kia, nó buộc ông ta phải đưa ra một hành động cụ thể. Ông ta đổ dầu và rượu trên vết thương của người kia, đem người đó vào một nhà trọ và trả tiền từ túi của ông ta để người kia được chăm sóc.
Câu chuyện của người Sa-ma-ri Nhân hậu là câu chuyện của tình nhân ái hôm nay. Những con đường của con người đầy những bí ẩn của đau khổ, vì mọi thứ chỉ tập trung vào đồng tiền, và vật chất, trong khi đáng lẽ là con người. Và thường thường có thói quen này, nơi những người tự gọi họ là “đáng kính”, không quan tâm chăm sóc đến anh em, từ đó để rơi lại đàng sau hàng ngàn con người, hoặc cả một dân tộc, ở bên lề đường.
Thật may mắn, vẫn có những người đang tạo ra một thế giới mới qua cách quan tâm chăm sóc cho người khác, thậm chí từ chính túi tiền của mình. Mẹ Teresa nói: “Người ta không thể yêu thương, nếu không chịu hy sinh.”
Chúng ta có quá nhiều điều phải làm, và chúng ta phải cùng nhau làm. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm việc đó với tất cả những cái ác mà chúng ta phải hít thở mỗi ngày?
Nhờ ơn Chúa, không một hệ thống nào có thể dập tắt khát khao của chúng ta mở lòng ra với sự tốt lành, với lòng trắc ẩn và với khả năng của chúng ta để hành động chống lại cái ác, tất cả những điều đó phát xuất từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
Bây giờ các bạn có thể nói với tôi, “Chắc chắn rồi, đây là những lời nói rất đẹp, nhưng tôi không phải là người Sa-ma-ri nhân lành, tôi cũng chẳng phải Mẹ Teresa Calcutta.” Ngược lại: chúng ta rất quý giá, mỗi người cũng như tất cả chúng ta. Mỗi người và tất cả chúng ta đều là duy nhất trước mặt Thiên Chúa. Qua bóng tối của những xung đột hôm nay, mỗi người và tất cả chúng ta có thể trở thành một cây nến sáng, một sự nhắc nhở rằng ánh sáng sẽ vượt qua bóng tối, và không có con đường nào khác.
Với người Ki-tô hữu, tương lai có một tên gọi, và tên gọi đó là Sự Hy vọng. Cảm thấy hy vọng không có nghĩa là trở nên lạc quan ngây thơ và lờ đi thảm kịch mà nhân loại đang đối mặt. Hy vọng là một nhân đức của tâm hồn không khóa mình vào trong bóng tối, không cư ngụ mãi trong quá khứ, không đơn giản chỉ biết hiện tại, nhưng có thể nhìn thấy tương lai.
Hy vọng là cánh cửa mở ra cho tương lai. Hy vọng là một hạt giống khiêm nhường, ẩn giấu của sự sống mà, cùng với thời gian, nó sẽ lớn lên thành một cây to. Nó cũng giống như chất men vô hình làm nở toàn bộ các lớp bột, đem đến hương vị cho mọi khía cạnh của cuộc sống.
Và nó có thể làm được rất nhiều, vì một ánh lửa nhỏ lung linh soi rọi cho niềm hy vọng cũng đủ để làm vỡ tan màn đêm. Một cá nhân riêng lẻ cũng đủ để làm cho sự hy vọng tồn tại.
Và cá nhân đó có thể là bạn. Và rồi sẽ có một “bạn” khác, và rồi một “bạn” khác, và nó sẽ biến thành “chúng ta.” Như vậy, có phải sự hy vọng bắt đầu khi chúng ta có [cụm từ] “chúng ta?” Không. Sự hy vọng bắt đầu với từ “bạn.” Khi có “chúng ta,” là bắt đầu có cuộc cách mạng.
Thông điệp thứ ba tôi muốn chia sẻ hôm nay, quả thật là cuộc cách mạng: cuộc cách mạng của lòng nhân hậu.
Lòng nhân hậu là gì? Nó là sự yêu thương làm chúng ta đến gần và trở nên thật sự. Nó là một hành động phát xuất từ con tim của chúng ta và truyền đến đôi mắt, đôi tai và đôi tay. Lòng nhân hậu có nghĩa là sử dụng đôi mắt của chúng ta để nhìn thấy tha nhân, đôi tai của chúng ta để nghe thấy tha nhân, để lắng nghe trẻ em, người nghèo, những người sợ hãi tương lai. Để cũng biết lắng nghe đến tiếng kêu thầm lặng của ngôi nhà chung của chúng ta, của trái đất đang bị ốm và ô nhiễm. Lòng nhân hậu có nghĩa là sử dụng đôi tay của chúng ta để an ủi tha nhân, để chăm sóc những người thiếu thốn.
Lòng nhân hậu là ngôn ngữ của trẻ thơ, của những người đang cần đến người khác. Tình yêu của một đứa trẻ cho cha mẹ lớn lên qua những cái đụng chạm, cái nhìn, giọng nói, và sự dịu dàng của họ. Tôi rất thích khi nghe thấy những cha mẹ nói chuyện với con thơ của họ, hòa mình với đứa con của họ, chia sẻ sự giao tiếp theo mức độ ngang với chúng. Đây là lòng nhân hậu: hãy đặt mình ngang hàng với người khác.
Thiên Chúa đã hạ mình trong Đức Giê-su để ngang bằng với chúng ta. Đây cũng là con đường giống như con đường người Sa-ma-ri nhân lành đã đi. Đây là con đường mà chính Chúa Giê-su đã đi. Ngài tự hạ mình, Ngài đã sống trọn vẹn cuộc đời của con người thực hành ngôn ngữ thật sự và cụ thể của tình yêu.
Vâng, lòng nhân hậu là con đường lựa chọn cho những người mạnh mẽ nhất, can đảm nhất. Lòng nhân hậu không phải yếu đuối, nó là sự dũng cảm. Nó là con đường của sự đoàn kết, con đường của lòng khiêm nhường.
Xin các bạn, cho phép tôi nói to và thật rõ điều này: bạn càng có quyền lực, thì những hành động của bạn càng có ảnh hưởng đến người khác, bạn càng phải có bổn phận hành động một cách khiêm nhường. Nếu không như vậy, quyền lực của bạn sẽ làm hư bạn, và bạn sẽ làm hư người khác.
Có một câu nói ở Argentina: “Quyền lực giống như uống rượu gin khi bụng đói.” Bạn thấy choáng váng, bạn bị say, bạn mất thăng bằng, và kết cục bạn sẽ tự mình làm đau mình và những người xung quanh, nếu bạn không kết nối quyền lực của bạn với lòng khiêm tốn và lòng nhân hậu.
Về mặt khác, qua sự khiêm nhường và tình yêu thương cụ thể, quyền lực – một quyền lực cao nhất và mạnh nhất – trở thành một sự phục vụ, một sức mạnh cho những điều tốt lành.
Tương lai của nhân loại không độc quyền nằm trong tay các nhà chính trị, những nhà lãnh đạo vĩ đại, những công ty khổng lồ. Đúng, họ chắc chắn giữ một trách nhiệm lớn. Nhưng tương lai, hầu hết ở trong tay của những người biết nhận ra tha nhân là một “bạn” (you) và chính họ là một phần của “chúng ta.”
Tất cả chúng ta đều cần nhau.
Và vì vậy, xin các bạn, cũng hãy nghĩ đến tôi với lòng nhân hậu, để tôi có thể hoàn thành trách nhiệm tôi đã được trao phó vì lợi ích của tha nhân, của mỗi người và của mọi người, của tất cả các bạn, của tất cả chúng ta.
Cảm ơn các bạn.
[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]
***
Trên NET:

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 27/04/2017]



Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu được kêu gọi để trở nên những chứng nhân của sự vâng lời

Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu được kêu gọi để trở nên những chứng nhân của sự vâng lời

Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu được kêu gọi để trở nên những chứng nhân của sự vâng lời
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta
27/04/2017 13:37
(Vatican Radio) Hôm thứ Năm Đức Thánh Cha Phanxico suy tư về việc người Ki-tô hữu không phải là một tình trạng xã hội. Trình bày trong bài giảng Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta Đức Thánh Cha nói rằng người Ki-tô hữu phải trở thành chứng nhân của sự vâng lời với Thiên Chúa, như Chúa Giê-su.
Nhắc lại bài đọc trong ngày Đức Thánh Cha Phanxico trích dẫn lời của Thánh Phê-rô trước Thượng hội đồng khi ngài nói “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”
Phê-rô và các Tông đồ đã được thoát khỏi tù bởi Thiên Thần, và bị cấm giảng dạy nhân danh Đức Giê-su.
Tuy nhiên vị thượng tế nói “Các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi.”
Để có thể hiểu rõ biến cố này Đức Thánh Cha nói về những tháng đầu tiên của giáo hội trong Sách Công vụ Tông đồ trong đó miêu tả một cộng đoàn Ki-tô hữu đang phát triển và có rất nhiều phép lạ.
Có đức tin của mọi người, ngài nói, nhưng cũng có những người “xảo trá” cố gắng lợi dụng tình hình và “muốn tạo sự nghiệp cho bản thân họ” như Kha-na-ni-a và Xa-phi-ra.
Cùng những động lực như vậy đã diễn ra hôm nay, Đức Thánh Cha nói, và có những người khinh miệt “dân trung thành của Chúa.”
Trở lại với bài đọc trong ngày, Đức Thánh Cha nói rằng Phê-rô, người đã quá sợ hãi đến mức phản bội lại Chúa Giê-su hôm Thứ Năm Tuần Thánh, lần này can đảm trả lời với vị thượng tế rằng “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm.”
Ngài nói, câu trả lời này cho thấy rõ ràng rằng “một Ki-tô hữu là một chứng nhân của sự vâng lời” như Chúa Giê-su, khi trong vườn Cây Dầu, Ngài dâng những lời này lên Chúa Cha: “đừng theo ý con nhưng để ý cha được thực hiện.”
“Ki-tô hữu là một chứng nhân của đức vâng lời; nếu chúng ta không đi trên con đường này và phát triển chứng tá của chúng ta thì chúng ta không phải là người Ki-tô hữu. Ít nhất chúng ta phải bước theo con đường này,” ngài nói.
Đức Thánh Cha trình bày rằng “Chúa Giê-su không phải là chứng tá của một lý tưởng, của một triết thuyết, của một công ty, của một ngân hàng hay của một quyền lực: Người là chứng tá của sự vâng lời.”
Tuy nhiên, Đức Phanxico giải thích, để trở thành một “chứng nhân của sự vâng lời” chúng ta cần “ơn sủng của Chúa Thánh Thần.”
“Chỉ có Thánh Thần có thể làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của sự vâng lời. Lắng nghe những hướng dẫn tu đức hay đọc sách là chưa đủ … tất cả những việc đó là tốt nhưng chỉ có Thần Khí có thể thay đổi tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta trở thành những chứng nhân của đức vâng lời,” ngài nói.
Đức Thánh Cha nói đó là một ơn sủng chúng ta phải cầu xin: “Lạy Cha, Chúa Giê-su, xin gửi cho con Thần Khí của Người để con có thể trở nên chứng nhân của sự vâng lời, tức là một Ki-tô hữu.”
Đức Phanxico cũng nói rằng để làm những chứng nhân của sự vâng lời hàm chứa những hậu quả, như được kể trong Bài đọc Một: quả thật, sau khi nghe trả lời của Phê-rô, những vị thượng tế đã muốn giết ông:
“Bách hại là hậu quả của chứng tá của đức vâng lời. Khi Chúa Giê-su kể ra những Mối Phúc Người kết thúc bằng câu ‘Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại,” ngài nói.
Và cho thấy rằng thập giá không thể bị lấy mất khỏi đời sống của một Ki-tô hữu, Đức thánh Cha nói “là một Ki-tô hữu không phải là một tình trạng xã hội, đó không phải là một lối sống làm cho người ta cảm thấy thoải mái; là một Ki-tô hữu có nghĩa là trở thành một chứng nhân cho sự vâng phục và đời sống của một Ki-tô hữu đầy những lăng nhục và bắt bớ.”
Đức Thánh Cha đúc kết bài giảng bằng lời nói rằng để trở thành những chứng nhân của sự vâng lời như Chúa Giê-su, cần thiết phải cầu nguyện, nhận ra chúng ta là những tội nhân với rất nhiều “tính trần gian” trong tâm hồn của chúng ta và xin Chúa ơn sủng để trở thành những chứng nhân của đức vâng lời,” và không bị sợ hãi khi chúng ta bị lăng nhục và bị bắt bớ “vì như Chúa đã nói: Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/04/2017]