Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Na Uy: Một Giáo hội nghèo trong một quốc gia giàu có

Na Uy: Một Giáo hội nghèo trong một quốc gia giàu có

Na Uy: Một Giáo hội nghèo trong một quốc gia giàu có

Tổ chức Bác ái Aid to the Church in Need (Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn) trao đổi với Cha Gunther Jäger

14 tháng Mười Hai, 2020 01:43

ZENIT STAFF


Không chỉ có thời tiết khắc nghiệt và lạnh giá ở phía bắc Vòng Bắc Cực, mà không khí tôn giáo cũng có những lúc rất dễ chịu đối với một số ít người Công giáo sống ở thành phố Harstad của Na Uy trên đảo Hinnøya. Hội bác ái Aid to the Church in Need (ACN) đã giúp giáo xứ xây dựng lại nơi ở của linh mục và nhà xứ bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 2015. Đây là dự án ở đỉnh cực bắc của tổ chức bác ái mục vụ Công giáo quốc tế.

Cha Gunther Jäger lớn lên ở tỉnh Hạ Bavaria, đặc điểm đó được thể hiện khá rõ qua giọng nói của cha, cho dù thực tế cha đã trải qua hơn nửa cuộc đời ở Na Uy. Khi còn trẻ, cha gia nhập một tu viện Dòng Kinh sĩ Thánh Augustine ở thành phố Molde của Na Uy và sau đó hoàn tất chương trình đào tạo linh mục ở Scotland. Tuy nhiên, sau khi được thụ phong linh mục, cha không trở lại tu viện mà thích hoạt động như một linh mục xứ. Năm năm trước, cha được bài sai đến giáo xứ Thánh Sunniva ở Harstad, nằm cách Vòng Bắc Cực khoảng 250 km về phía bắc, khiến nơi đây trở thành một trong những giáo xứ nằm ở đỉnh cực bắc trên Trái đất.

Cha Jäger nói: “Chúng tôi đang sống trong một cộng đồng người đa sắc,” nhưng không vương một chút u uất trong giọng nói của cha. Tuy nhiên, cha thừa nhận rằng hoàn cảnh không hề dễ dàng. Harstad có khoảng 25.000 người dân; trong số này có khoảng 250 người, hoặc khoảng 1%, là thuộc về đức tin Công giáo. Số người Công giáo thậm chí còn ít hơn Hồi giáo. Trong khi tòa nhà dành cho nhà xứ và khu sinh hoạt của cha xứ đang được xây dựng lại, Cha Jäger chuyển sang một căn hộ trong ngôi nhà bên cạnh nhà thờ. Quả thật có một nhà thờ Hồi giáo nằm ở tầng trệt của tòa nhà này. Khoảng 75 phần trăm cư dân của đất nước thuộc về Hội thánh Tin lành Luther của Na Uy, mặc dù hầu hết họ chỉ là thành viên trên giấy tờ. Tỷ lệ tham dự các buổi lễ của nhà thờ Tin lành dưới 1 phần trăm.

Giáo xứ rất đa dạng. Chỉ có khoảng 10 phần trăm tín hữu là người Na Uy bản địa, các thành viên còn lại đến từ 51 quốc gia khác và tất cả các lục địa, ngoại trừ Úc. Những người này bao gồm nhiều người nhập cư đến Na Uy để làm việc, chẳng hạn như từ Đông Âu, nhưng cũng có những người tị nạn từ Châu Phi và Cận Đông. “Bạn có thể tưởng tượng những người này phải có một sự điều chỉnh to lớn như thế nào khi sống ở phía bắc Vòng Bắc Cực,” Cha Jäger giải thích, và đưa ra ví dụ về đêm của vùng cực, bắt đầu vào giữa tháng Mười Một và kéo dài trong hai tháng – khoảng thời gian mặt trời không bao giờ mọc. Nhiều ngôn ngữ khác nhau lại là một vấn đề khác. Giáo xứ tổ chức các khóa học ngôn ngữ riêng bằng tiếng Na Uy và một thánh lễ buổi tối mỗi tháng được tổ chức bằng tiếng Ba Lan, một thánh lễ khác bằng tiếng Anh. Các bài đọc Kinh Thánh Chúa Nhật dùng trong Thánh Lễ được soạn cho giáo dân bằng một số ngôn ngữ.

Na Uy có thể là một trong những quốc gia giàu có nhất trên Trái đất, nhưng sự giàu có này hầu như không có được nơi cộng đoàn ít ỏi người Công giáo. “Chúng tôi thậm chí không có những thứ thiết yếu như các yếu tố cho phụng vụ hoặc sách. Chúng tôi là một Giáo hội nghèo trong một đất nước giàu có ”. Và tình hình đó dĩ nhiên trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại. “Chúng tôi vô cùng cảm kích vì ACN đã cung cấp các tài liệu giáo lý bằng những ngôn ngữ khác nhau, ngay cả bằng tiếng Farsi. Chúng tôi cũng rất biết ơn sự hỗ trợ tài chính của họ khi chúng tôi xây dựng lại giáo xứ của mình”.

Tuy nhiên, trên thực tế, linh mục không thật sự dành nhiều thời gian của mình ở nhà thờ. Phạm vi địa lý của giáo xứ vượt xa những giới hạn của thành phố Harstad. Giáo xứ Thánh Sunniva chỉ có dưới 1.000 tín hữu. Khoảng cách địa lý giữa các thành viên trong giáo xứ thường là rất lớn. “Có khi tôi đi phà hơn ba tiếng đồng hồ để thăm giáo dân. Ở hầu hết các nơi, chúng tôi không có nhà thờ riêng. Chúng tôi thường phải thuê chỗ trong hội trường của các nhà thờ Tin lành hoặc các cơ sở khác để tổ chức những buổi cử hành Thánh Lễ của mình,” cha giải thích. Tuy nhiên, Cha Jäger công nhận rằng những hoàn cảnh khác thường trong giáo xứ của mình cũng có những điểm lợi. “Khoảng cách địa lý đối với các thành viên trong giáo xứ của tôi có thể lớn, nhưng điều này khiến tôi cảm thấy gần gũi với họ hơn ở mức độ cá nhân. Tôi hầu như không có những công việc quản trị hay hội đồng mà tham gia trực tiếp vào đời sống của người dân. Quy mô nhỏ của giáo xứ chúng tôi cho phép tôi có nhiều thời gian để chăm sóc cho các nhu cầu cá nhân và chăm sóc mục vụ.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/12/2020]


Thông điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh Trực tuyến Cấp cao về Khí hậu

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh Trực tuyến Cấp cao về Khí hậu

Vatican Media Screenshot

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh Trực tuyến Cấp cao về Khí hậu

Giảm phát khí thải và thúc đẩy giáo dục

12 tháng Mười Hai, 2020 20:41

JIM FAIR


Tòa Thánh cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu thông qua việc giảm phát khí thải và giáo dục về sinh thái học toàn diện, Đức Thánh Cha Phanxicô cam kết ngày 12 tháng Mười Hai năm 2020.

Đức Thánh Cha đã nêu ý kiến của ngài trong một thông điệp video gửi tới hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Đức Thánh Cha nói, “Đại dịch và sự biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ liên quan đến môi trường mà còn liên quan đến đạo đức, xã hội, kinh tế và chính trị, trên hết ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo nhất và mong manh nhất. Do đó, họ kêu gọi trách nhiệm của chúng ta trong việc thúc đẩy một nền văn hóa chăm sóc, trong đó đặt nhân phẩm và ích chung vào trung tâm, thông qua cam kết chung và phối hợp.”

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, Tòa Thánh đang thực hiện hai hành động cụ thể để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước hết, Nhà nước Vatican cam kết giảm lượng khí phát thải ròng xuống 0 trước năm 2050.

Thứ hai, Vatican đang thúc đẩy giáo dục về sinh thái học toàn diện.

Đức Phanxicô kết luận: “Đã đến lúc phải thay đổi hướng đi. Chúng ta đừng cướp mất niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của các thế hệ mới.”


Dưới đây là toàn văn video, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh).

Đại dịch và sự biến đổi khí hậu hiện nay, không chỉ liên quan đến môi trường mà còn liên quan đến đạo đức, xã hội, kinh tế và chính trị, trên hết ảnh hưởng đến cuộc sống của những người nghèo nhất và mong manh nhất. Do đó, họ kêu gọi trách nhiệm của chúng ta trong việc thúc đẩy một nền văn hóa chăm sóc, trong đó đặt nhân phẩm và ích chung vào trung tâm, thông qua cam kết chung và phối hợp.

Bên cạnh việc áp dụng ngay lập tức các biện pháp khác nhau, cần có chiến lược để giảm lượng khí phát thải ròng xuống 0 (phát thải ròng bằng không).

Tòa Thánh tham gia vào mục tiêu này, hoạt động theo hai mức độ:

1. Một mặt, Nhà nước Vatican cam kết giảm lượng khí phát thải ròng xuống 0 trước năm 2050, tăng cường các nỗ lực quản lý môi trường hiện đã được thực hiện trong một vài năm qua, và giúp sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước và năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, di chuyển bền vững, tái trồng rừng, và nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải.

2. Mặt khác, Tòa thánh cam kết thúc đẩy giáo dục về sinh thái toàn diện. Các biện pháp chính trị và kỹ thuật phải được hợp nhất với một tiến trình giáo dục ưu tiên cho mô hình văn hóa phát triển và bền vững đặt nền tảng trên tình huynh đệ và khối liên minh giữa con người và môi trường. Từ quan điểm này, tôi đã khởi động Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu để đồng hành với các trường học và đại học Công giáo, với hơn 70 triệu sinh viên ở khắp các châu lục theo học, và tôi ủng hộ “Nền kinh tế của Thánh Phanxicô”, qua đó các nhà kinh tế trẻ, doanh nhân và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và thế giới việc làm thúc đẩy những con đường mới để khắc phục tình trạng nghèo đói năng lượng, trong đó đặt ích chung vào trung tâm của hoạt động chính trị cấp quốc gia và quốc tế, và ưu tiên việc sản xuất bền vững kể cả ở các nước có thu nhập thấp, chia sẻ công nghệ tiên tiến phù hợp.

Đã đến lúc phải thay đổi hướng đi. Chúng ta đừng cướp mất niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn của các thế hệ mới. Cảm ơn quý vị.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/12/2020]