Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền tin: Chúa nhật Lời Chúa, Chúa nhật thứ 3 Mùa Thường niên

‘Chúa Giê-su công bố trọng tâm giáo huấn của Người: Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần’

26 tháng Một, 2020 12:23

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Hiện diện hôm nay cũng có các thanh thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma kết thúc tháng Một cùng với “Đoàn Lữ hành Hòa bình,” theo truyền thống dành riêng cho chủ đề hòa bình. Cuối giờ đọc Kinh Truyền tin hai thiếu niên thuộc hai giáo xứ của Roma được mời lên phòng của giáo hoàng, đọc một thông điệp đại diện cho Công giáo Tiến hành Roma.


* * *

Trước Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin mừng hôm nay (x. Mt 4:12-23) trình bày cho chúng ta thấy khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Việc này diễn ra tại Ga-li-lê, vùng đất ngoại vi của Giê-ru-sa-lem, và bị nghi ngờ vì có sự pha trộn với dân ngoại. Chẳng ai mong chờ tin tức hoặc điều gì tốt lành từ miền đất đó; nhưng cũng chính tại đó Chúa Giê-su, người đã lớn lên trong làng Na-da-rét thuộc Ga-li-lê, bắt đầu việc rao giảng của mình. Ngài công bố trọng tâm giáo huấn của Ngài: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (c. 17). Lời công bố này giống như một tia sáng mạnh mẽ đâm thủng bóng đêm và sương mù, và nhắc lại lời tiên báo của tiên tri I-sai-a được đọc trong đêm Vọng Giáng sinh: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi (9:2). Với sự giáng trần của Chúa Giê-su, ánh sáng của thế gian, Thiên Chúa Cha đã cho nhân loại thấy sự gần gũi và tình bạn của Người. Họ được trao ban một cách nhưng không vượt quá công trạng của mình. Sự gần gũi và tình bạn của Thiên Chúa không phải là một sự tưởng thưởng cho chúng ta; đó là một món quà nhưng không của Thiên Chúa; chúng ta phải trân quý món quà này.

Lời kêu gọi sám hối mà Chúa Giê-su gửi tới tất cả những người thiện chí, được hiểu trọn vẹn dưới ánh sáng của biến cố tỏ mình của Con Thiên Chúa, mà chúng ta đã suy ngẫm trong những Chúa nhật vừa qua. Thông thường rất khó để thay đổi cuộc sống, để từ bỏ con đường của chủ nghĩa vị kỷ, của sự ác, để từ bỏ con đường của tội lỗi, vì cam kết hoán cải chỉ tập trung vào bản thân và sức mạnh của riêng con người, chứ không đặt vào Đức Ki-tô và Thần Khí của Ngài. Tuy nhiên, sự gắn kết chúng ta với Thiên Chúa không thể hạn hẹp trong nỗ lực cá nhân, không. Tin vào điều này cũng là một tội kiêu ngạo. Sự gắn kết của chúng ta với Thiên Chúa không thể hạn hẹp trong nỗ lực cá nhân; nhưng nó phải được thể hiện trong sự vững tin mở rộng tâm hồn và tâm trí để đón nhận Tin vui của Chúa Giê-su. Chính điều này — Lời của Chúa Giê-su, Tin vui của Chúa Giê-su, Tin mừng – thay đổi thế giới và biến đổi tâm hồn! Vì thế, chúng ta được kêu gọi hãy tin tưởng vào lời của Đức Ki-tô, để mở lòng mình ra cho lòng thương xót của Chúa Cha và cho phép bản thân được biến đổi bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần … Chính từ đây con đường sám hối đích thực được bắt đầu, cũng như việc xảy ra với các môn đệ đầu tiên: sự gặp gỡ với Chúa, với ánh mắt nhìn của Người, với lời của Người, đã cho họ một sự thúc bách để bước đi theo Người, để thay đổi cuộc sống của họ, dấn thân phục vụ một cách cụ thể cho Nước Chúa.

Sự gặp gỡ đầy ngạc nhiên và mang tính quyết định với Chúa Giê-su bắt đầu hành trình của các môn đệ, biến đổi họ trở thành những sứ giả và chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa cho dân Người. Để noi gương những sứ giả và người loan báo đầu tiên Lời Chúa, ước mong rằng mỗi người chúng ta có thể cất bước noi theo những bước chân của Đấng Cứu thế, để trao tặng hy vọng cho những người đang khát khao nó.

Nguyện xin Mẹ Maria Đồng trinh, là Đấng chúng ta hướng về trong Kinh Truyền tin, gìn giữ chúng ta trong những quyết tâm nhờ sự can thiệp đầy tình mẫu tử của Mẹ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền tin:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật Lời Chúa đầu tiên, được thiết lập để cử hành và đón nhận tốt hơn món quà mà Chúa đã trao ban và thi hành hàng ngày Lời Người cho Dân Người. Cha cảm ơn các Giáo phận và cha cảm ơn các cộng đoàn đã thúc đẩy những sáng kiến để nhắc lại trung tâm điểm của Kinh Thánh trong đời sống của Giáo hội.

Ngày mai kỷ niệm 75 năm giải phóng trại Tử thần Auschwitz-Birkenau. Không thể chấp nhận thái độ thờ ơ và ghi nhớ phải là một nghĩa vụ trước thảm kịch kinh hoàng này, trước sự tàn bạo này. Ngày mai tất cả chúng ta được mời gọi tham gia trong một giây phút cầu nguyện và hồi tưởng, mỗi người hãy thầm thĩ trong lòng mình: không bao giờ nữa, không bao giờ nữa!

Hôm nay là Ngày Thế giới Bệnh nhân mắc bệnh Hansen. Chúng ta thể hiện sự gần gũi với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh đó, và với tất cả những người chăm sóc họ bằng cách này cách khác. Cha cũng xin thể hiện sự gần gũi và lời cầu nguyện cho những người bị nhiễm virus đã và đang lan tràn ở Trung Quốc. Xin Chúa đón nhận những người đã chết trong sự bình an của Người, an ủi các gia đình và duy trì cam kết mạnh mẽ của cộng đồng Trung Quốc đã được thực hiện để chống lại dịch bệnh.

Cha xin chào tất cả anh chị em từ nước Ý và nhiều quốc gia khác, đặc biệt là anh chị em hành hương từ Valencia, Salamanca, Burgos, Santander và Valladolid; các sinh viên vào nhà giáo của Murcia, Cuenca, Badajoz và Panama.

Cha chào các tín hữu Tursi và nhóm UNITALSI của Lazio, là nhóm tạo điều kiện cho những người khuyết tật được tham dự các Buổi Tiếp Kiến chung và Kinh Truyền tin, và hôm nay đang phân phát Sách lễ với phần Lời Chúa mỗi ngày.

Bây giờ các đại diện đã đến [hai thiếu niên Công giáo Tiến hành bên cạnh Giáo hoàng]. Cha xin chào các thiếu niên nam nữ của Công giáo Tiến hành, của các giáo xứ và các trường Công giáo thuộc Giáo phận Roma! — năm nay cũng được đồng hành bởi Đức Giám mục Phụ tá là Đức ông Selvadagi, bởi các cha mẹ và nhà giáo và các linh mục phụ tá, nhiều bạn trong các con đến từ buổi kết thúc “đoàn Lữ hành Hòa bình”. Cha cảm ơn chúng con vì sáng kiến này. Và bây giờ chúng ta cùng nhau lắng nghe thông điệp của các bạn của chúng con, ở đây bên cạnh cha, họ sẽ đọc thông điệp.

[Đọc thông điệp sau đó thả bóng bay]


Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2020]


Nhiều hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến thăm Indonesia năm nay

Nhiều hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến thăm Indonesia năm nay

Đức Thánh Cha nói với vị lãnh đạo Hồi giáo rằng ngài dự định đến thăm Timor-Leste và Papua New Guinea vào tháng Chín

Nhiều hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxico sẽ đến thăm Indonesia năm nay
Đức Thánh Cha Phanxico vẫy chào các tín hữu từ trên cửa sổ điện tông tòa nhìn xuống Quảng trường Thánh Phê-rô giờ đọc Kinh Truyền tin hàng tuần ngày 19 tháng Một (Photo: Alberto Pizzoli/AFP)
21 tháng Một, 2020

Chuyến viếng thăm có thể diễn ra của Đức Thánh Cha Phanxico đến Indonesia trong năm nay đã lóe lên tia hy vọng cho cả người Công giáo và Hồi giáo trong đất nước với tỷ lệ người Hồi giáo đông nhất thế giới.

Ông Yahya Cholil Staquf, tổng thư ký của Nahdlatul Ulama, tổ chức Hồi giáo lớn nhất trong nước, trình bày với Catholic News Agency sau cuộc hội kiến với Đức Thánh Cha Phanxico rằng ngài cho biết dự định sẽ đến thăm Indonesia và các nước láng giềng Đông Timor-Leste và Papua New Guinea vào tháng Chín.

Ông gặp gỡ với Đức Thánh Cha ngày 15 tháng Một khi đến Roma tham dự hội nghị Sáng kiến Những Niềm tin của Tổ phụ Abraham (Abrahamic Faiths Initiative), trong đó có các nhà lãnh đạo Ki-tô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo thảo luận việc thúc đẩy hòa bình và tình huynh đệ.

Ông Teuku Faizasyah, một phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói với truyền thông rằng vẫn chưa có khẳng định nào về chuyến viếng thăm từ phía Vatican.

Ông nói, là một phần trong tiến trình cho một chuyến viếng thăm như vậy, Tổng thống Joko Widodo gần đây đã gửi một thư mời chính thức đến Đức Giáo hoàng.

Hiện tại, Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo của Jakarta, chủ tịch Hội đồng Giám mục Indonesia, bình luận về chuyến viếng thăm có thể diễn ra của Đức Thánh Cha.

“Chúng ta hãy chờ đợi cho đến khi có khẳng định từ cả phía chính quyền Indonesia và Vatican. Tôi chỉ có thể đưa ra thêm những bình luận sau khi có thông báo chính thức,” ngài nói với ucanews ngày 20 tháng Một.

Tin tức về chuyến viếng thăm có thể diễn ra của Đức Thánh Cha đến Indonesia đã làm lóe lên tia hy vọng cho cả người Công giáo và Hồi giáo trong nước.

“Tôi thật sự mong rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ thật sự diễn ra. Người Công giáo ở Indonesia cần phải sẵn sàng để đón chào ngài,” Yulius Setiarto, thư ký của Diễn đàn Công giáo Indonesia trụ sở tại Jakarta nói với ucanews.

“Tôi hy vọng Đức Thánh Cha Phanxico cũng sẽ mang đến thông điệp hòa bình như đã nêu lên trong văn kiện Abu Dhabi và làm cho Indonesia trở thành một trong những nơi giới thiệu rộng rãi văn kiện này.”

“Văn kiện về Tình Huynh đệ Con người cho nền Hòa bình Thế giới và sự Chung Sống” được ký ngày 4 tháng Hai năm ngoái bởi Đức Thánh Cha Phanxico và Đức Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Sheikh Ahmed el-Tayeb, tại Abu Dhabi trong Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất.

Một phần trong văn kiện nói rằng “tính đa nguyên và đa dạng của các tôn giáo, sắc dân, giới tính, sắc tộc, và ngôn ngữ được Thiên Chúa sắp đặt theo sự khôn ngoan của Người, qua đó Người tạo dựng nên con người.”

Dewi Kartika Maharani Praswida, một phụ nữ Hồi giáo đã được gặp Đức Thánh Cha Phanxico năm ngoái tại Vatican, nói rằng bà đã chờ đợi Đức Giáo hoàng đến thăm Indonesia trong nhiều năm.

“Đối với tôi, Đức Giáo hoàng Phanxico không chỉ là một nhà lãnh đạo của người Công giáo, nhưng cũng là một người đầy ơn phúc không bao giờ mệt mỏi trong việc ‘thúc giục’ con người yêu hòa bình và trở thành những sứ giả của hòa bình,” bà nói với ucanews.

Bà xem Đức Giáo hoàng là “một mẫu gương” xây dựng đời sống với tình yêu. Bà nói, “Tôi thật sự mong chờ chuyến thăm của ngài đến Indonesia.”

229 triệu người Hồi giáo của Indonesia chiếm hơn 12 phần trăm số người Hồi giáo toàn cầu.

Indonesia có 24 triệu người Ki-tô hữu trong đó có bảy triệu người Công giáo. Thánh Giáo hoàng Phaolo VI đã đến thăm quốc gia năm 1970, và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đến đó năm 1989.

Timor-Leste, giành được độc lập từ Indonesia năm 1999, là một quốc gia nhỏ bé với 1 triệu dân, 98 phần trăm là người Công giáo.

Gần như tất cả trong số chín triệu dân Papua New Guinea là người Ki-tô hữu và 26 phần trăm là người Công giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã đến thăm Papua New Guinea năm 1984.

Đức Thánh Cha Phanxico từ lâu mong muốn đến thăm Indonesia và cũng rất muốn thăm Iraq trong năm nay. Gần đây ngài đã thực hiện chuyến đi thành công đến Thái Lan và Nhật Bản.



[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/1/2020]