Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Tiếp Kiến Chung thứ Tư của Đức Thánh Cha

Tiếp Kiến Chung thứ Tư của Đức Thánh Cha

Phản ánh về chuyến tông du gần đây đến Miến điện và Bangladesh
6 tháng Mười Hai, 2017
Tiếp Kiến Chung thứ Tư của Đức Thánh Cha
© L'Osservatore Romano
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:15 trong Đại sảnh Phao-lô VI, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp thế giới.
Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha phản ánh về chuyến đi gần đây của ngài đến Miến điện và Bangladesh.
Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát KInh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Hôm nay tôi muốn nói về chuyến Tông du đến Miến điện và Bangladesh mà tôi đã thực hiện trong những ngày qua. Đó là một món quà lớn của Chúa, và tôi cảm tạ Người về mọi điều, đặc biệt là những cuộc gặp gỡ mà tôi đã có. Tôi một lần nữa bày tỏ lòng tri ân với các Giới chức chính phủ của hai quốc gia và các Đức Giám mục, vì tất các những công việc chuẩn bị và sự chào đón dành cho tôi và những người cộng tác của tôi. Tôi xin gửi lời “cảm ơn” chân thành đến người dân Miến điện và người dân Bangladesh vì đã thể hiện cho tôi thấy niềm tin vững mạnh và dành cho tôi rất nhiều tình cảm: cảm ơn anh chị em!
Đây là lần đầu tiên một người Kế Nhiệm Thánh Phê-rô đến thăm Miến điện, và việc này diễn ra ngay sau khi những mối quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa quốc gia đó và Tòa Thánh.
Nhân dịp này, tôi mong muốn bày tỏ sự gần gũi của Đức Ki-tô và của Giáo hội với một dân tộc đã chịu đau khổ vì những xung đột và đàn áp, và dân tộc đó bây giờ đang từ từ bước sang một chương mới của tự do và hòa bình. Một dân tộc trong đó Phật giáo có nguồn cội rất lớn với những nguyên tắc về tinh thần và luân lý, và là nơi người Ki-tô hữu hiện diện chỉ là một đoàn chiên nhỏ và lớp men bột nhỏ của Nước Trời. Tôi đã có được niềm vui xác tín trong đức tin và sự hiệp nhất với Giáo hội này, sống động và nhiệt thành, trong các lần gặp gỡ với các Giám mục của đất nước và trong hai Thánh Lễ. Thánh Lễ đầu tiên trong khu sân thể thao lớn ở trung tâm Yangon, và Tin mừng hôm đó kể lại những sự bắt bớ vì đức tin vào Chúa Giê-su là bình thường đối với các môn đệ của Người, như là một cách để làm chứng tá, nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (x. Lc 21:12-19). Thánh Lễ thứ hai, hoạt động cuối cùng của chuyến đi đến Miến điện, dành riêng cho giới trẻ: một tín hiệu của hy vọng và một món quà đặc biệt của Mẹ Maria, trong Nhà thờ Chính tòa mang tên Mẹ. Trên khuôn mặt của những bạn trẻ đó, ngập tràn niềm vui, tôi nhìn thấy tương lai của Châu Á: một tương lai không phải của những kẻ xây dựng vũ khí, nhưng là của những người gieo tình huynh đệ. Và như là dấu hiệu của hy vọng, tôi đã làm phép những viên đá của 16 nhà thờ, của Chủng viện và của Tòa Khâm sứ: mười tám tất cả.
Ngoài cộng đoàn Công giáo, tôi đã gặp các Giới chức Chính phủ của Miến điện, động viên những nỗ lực làm ổn định đất nước và hy vọng tất cả mọi thành phần khác nhau của dân tộc, không loại trừ một ai, sẽ có thể chung sức trong tiến trình tôn trọng lẫn nhau này. Trong tinh thần đó, tôi mong muốn được gặp gỡ đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau trong nước. Đặc biệt, tôi đã được đứng trước Hội đồng Cao tăng Phật giáo, sự kính trọng của Giáo hội đối với truyền thống tu hành cổ xưa của họ, và sự vững tin rằng người Ki-tô hữu và Phật tử sẽ có thể cùng nhau giúp cho dân tộc biết yêu mến Thiên Chúa và anh em, từ bỏ mọi bạo lực và chống lại cái ác bằng sự tốt lành.
Rời Miến điện, tôi đến Bangladesh, tại đây, việc đầu tiên, tôi tỏ sự trọng kính đối với những người hy sinh cho cuộc chiến Độc lập và với “Người Cha của Dân tộc.” Bangladesh là một dân tộc với đại đa số là Hồi giáo, và vì vậy, chuyến đi của tôi là theo bước chân của Chân phước Phao-lô VI và Thánh Gio-an Phao-lô II – đánh dấu bước tiến xa hơn vì ích lợi của sự tôn trong và đối thoại giữa Ki-tô giáo và Hồi giáo.
Tôi nhắc lại trước các Giới chức Chính phủ rằng, ngay từ ban đầu Tòa Thánh đã ủng hộ ý chí của người dân Bangladesh muốn đứng lên là một dân tộc độc lập, và nhắc về nhu cầu của sự tự do tôn giáo phải luôn được bảo vệ. Đặc biệt, tôi đã bày tỏ sự đoàn kết với Bangladesh trong cam kết của họ giúp những người tị nạn Rohingya, là những người đã ồ ạt đi vào lãnh thổ của họ, nơi mà mật độ dân số đã nằm ở mức cao nhất trên thế giới.
Thánh Lễ dâng trong công viên lịch sử Dhaka rất long trọng với Bí tích truyền chức cho  mười sáu linh mục, và đây là một trong những sự kiện vui nhất và đặc biệt nhất của chuyến đi. Quả thật, dù ở Bangladesh hay Miến điện hay những quốc gia khác trong Đông Nam Á, tạ ơn Chúa, ơn gọi không thiếu, một dấu hiệu của những cộng đoàn sống động, nơi tiếng gọi của Chúa vang lên, Người gọi các môn đệ theo bước chân Người. Tôi chia sẻ niềm vui này với các Giám mục Bangladesh, và tôi khuyến khích các ngài hoạt động quảng đại cho gia đình, cho người nghèo, cho giáo dục, cho đối thoại và hòa bình xã hội. Và tôi chia sẻ niềm vui này với rất nhiều linh mục, người sống đời tận hiến trong đất nước này, cũng như các chủng sinh và nam nữ tập sinh, nơi họ tôi nhìn thấy những hạt giống của Giáo hội trong vùng đất đó.
Tại Dhaka, chúng tôi đã sống những giây phút đầy cảm xúc của đối thoại liên tôn và đại kết, nó tạo điều kiện cho tôi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự mở lòng ra như là nền móng của văn hóa gặp gỡ, của sự hòa hợp và của hòa bình. Ngoài ra, tôi đã đến thăm “Nhà của Mẹ Teresa,” nơi thánh nhân lưu lại khi ngài ở thành phố đó, và là nhà đón nhận rất nhiều trẻ mồ côi và những người khuyết tật. Ở đó, theo đặc sủng, hàng ngày các chị Nữ tu sống cầu nguyện Tôn thờ và phục vụ Đức Ki-tô. Và một nụ cười không bao giờ thiếu trên môi của các chị. Các chị cầu nguyện rất nhiều, luôn phục vụ người đau khổ bằng nụ cười. Đó là một chứng tá đẹp. Tôi cảm ơn các chị Nữ tu này rất nhiều.
Sự kiện cuối cùng là với giới trẻ Bangladesh, rất phong phú về chứng ngôn, các bài hát, và các điệu múa. Và họ múa đẹp thật, những con người Bangladesh này! Họ biết cách múa rất đẹp! Một sự thể hiện niềm vui của Tin mừng được đón nhận bởi nền văn hóa đó; một niềm vui được làm cho màu mỡ bởi những sự hy sinh của quá nhiều các nhà thừa sai, quá nhiều giáo lý viên, và cha mẹ Ki-tô hữu. Cũng có mặt tại buổi gặp gỡ là các bạn trẻ Hồi giáo và các bạn trẻ của các tôn giáo của họ: một dấu hiệu của hy vọng cho Bangladesh, cho Châu Á và cho cả thế giới.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Tiếng Ý
Xin gửi lời chào nồng hậu đến anh chị em hành hương nói tiếng Ý.
Tôi xin chào các nhóm giáo xứ, các trường học chuyên về đào tạo chính thức của Tổng giáo phận Capua, và các Hội đoàn, đặc biệt: hội các Bạn của Raoul Follereau-Italy; Hội Doanh nhân Công giáo Ý; cha mẹ của các em bị bệnh bạch cầu hoặc u bướu, và các thành viên của Hội Bảo vệ Công dân Cerveteri. Nguyện xin chuyến viếng thăm đến Kinh thành Muôn thuở giúp mỗi người sống Mùa Vọng sâu đậm hơn trong sự chuẩn bị đón Chúa Giê-su giáng sinh. Tôi xin chào các tín hữu đến từ Episcopia, và tôi rất hạnh phúc được ban phép lành cho vương miện vàng đặt trên hình nổi Đức Bà là Đấng được sùng kính trong Đền thờ địa  phương.
Tôi xin chào và vui mừng tiếp đón nhóm anh chị em tị nạn Syro-Iraqi đang cư ngụ ở Ý, cũng như các linh mục, nữ tu và giáo dân từ Miến điện và Bangladesh, những anh chị em đến đây để đáp lại chuyến viếng thăm gần đây của tôi đến đến đất nước của anh chị em.
Cha gửi lời chào đặc biệt đến các bạn trẻ, anh chị em bệnh nhân và những đôi uyên ương mới. Hôm nay kính nhớ Thánh Nicholas of Bari. Các bạn trẻ thân mến, hãy đưa việc tìm kiếm Thiên Chúa và tình yêu của Người lên trên hết mọi sự; anh chị em bệnh nhân thân yêu, nguyện xin mẫu gương của các Thánh trợ giúp và an ủi anh chị em trong những giây phút thiếu thốn nhất, và chào các con những đôi uyên ương mới, với ân sủng của Thiên Chúa, mỗi ngày hãy trở nên hiệp nhất bền chặt hơn và sâu sắc hơn.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha
Tôi hướng về Giê-ru-sa-lem. Liên quan đến Giê-ru-sa-lem, tôi không thể giữ im lặng với những lo lắng của tôi về tình hình đã tăng lên trong những ngày vừa qua, đồng thời, tôi mong muốn đưa ra lời kêu gọi chân thành tới mọi người hãy cam kết tôn trọng nguyên trạng của thành phố, phù hợp với những Nghị quyết của Liên Hợp quốc.
Giê-ru-sa-lem là một thành phố duy nhất, là nơi thánh của người Do thái, của Ki-tô giáo, và của Hồi giáo, nơi Đất Thánh cho các tôn giáo tôn thờ, và nó có một ơn gọi đặc biệt cho hòa bình.
Tôi cầu xin Thiên Chúa để giá trị đó được bảo tồn và được làm vững mạnh vì lợi ích của Đất Thánh, Trung đông và toàn thế giới, và sự khôn ngoan và cẩn trọng đó thắng thế, để tránh gây thêm những căng thẳng trong một thế giới vốn đã bị bất ổn và sợ hãi bởi nhiều cuộc xung đột tàn ác.
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican
JF
[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/12/2017]



Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay trở về từ Bangladesh (Phần 2)

Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay trở về từ Bangladesh



Toàn văn họp báo của Đức Thánh Cha Phanxico trên chuyến bay trở về từ Bangladesh

Đức Thánh Cha trả lời họp báo trên chuyến bay giáo hoàng, 2 tháng 12, 2017. Credit: Ed Pentin, CNA/EWTN News
Thành Vatican, 2 tháng Mười Hai, 2017 / 06:15 chiều (CNA/EWTN News). - Trong cuộc nói chuyện dài 58 phút với các nhà báo trên chuyến bay về Roma từ Bangladesh hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về người Rohingya của Miến điện, việc rao giảng phúc âm, vũ khí nguyên tử, và những chương trình tông du trong tương lai, và nhiều đề tài khác.
Dưới đây là văn bản ghi chép đầy đủ của CNA về cuộc họp báo trên phi cơ của Đức Thánh Cha:
PHẦN 2
******************************************
Greg Burke: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ mọi người cho con tín hiệu là các câu hỏi của chúng con quay trở lại với chuyến đi. Vậy, không biết cha có muốn nói thêm về chuyến đi …
ĐTC Phanxico: Tôi muốn nói thêm về chuyến đi, vì (nếu không) thì nó dường như không phải là một chuyến đi thú vị.
Greg Burke: (Tiếp tục, tiếp tục) Chúng con có một câu hỏi khác về chuyến đi. Mời chị lại đây, Delia Gallagher của CNN.
Delia Gallagher (CNN): Thưa Đức Thánh Cha, con không biết cha muốn trả lời nhiều hay ít, nhưng con rất tò mò về cuộc gặp gỡ của cha với Tướng Haling vì con biết rất nhiều về tình hình này ở đây và con hiểu rằng, ngoài bà Aung San Suu Kyi, còn có nhân vật quân sự này rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng và cha đã gặp trực tiếp ông. Buổi gặp gỡ này là như thế nào? Cha tìm cách nói chuyện với ông ta như thế nào? Xin cảm ơn cha.
ĐTC Phanxico: Câu hỏi rất khéo léo … à … hay, hay. Nhưng tôi muốn phân biệt ra hai kiểu gặp gỡ, hai hình thức gặp mặt. Những cuộc gặp gỡ trong đó tôi đến để gặp người khác và những cuộc gặp trong đó tôi đón nhận người khác. Vị tướng này yêu cầu tôi nói. Và tôi đón nhận ông. Tôi không bao giờ đóng cửa. Chị yêu cầu nói và rồi đi vào. Nói chuyện và chị chẳng bao giờ mất thứ gì cả, chị luôn chiến thắng. Đó là một cuộc đàm thoại tốt đẹp. Tôi không thể nói gì vì nó là chuyện riêng tư, nhưng tôi không bao giờ thỏa hiệp sự thật. Nhưng tôi thực hiện nó theo một cách mà ông ta hiểu rằng con đường như đã xảy ra trong những thời gian kinh hoàng được nhắc lại hôm nay không thể tồn tại được. Đó là buổi gặp gỡ tốt đẹp, văn minh và ở đó thông điệp cũng đã đến.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Con nghĩ đến câu hỏi của Gerard O’Connell.
Gerard O’Connell (America Magazine): Câu hỏi của con là phần mở rộng của những câu hỏi của Delia. Cha đã gặp bà Aung San Suu Kyi, tổng thống, quân sự, vị tăng sĩ người đã tạo ra một chút khó khăn và rồi ở Bangladesh cha đã gặp thủ tướng, tổng thống, các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở đó và các nhà lãnh đạo Phật giáo ở Miến điện. Câu hỏi của con là: Cha rút ra được điều gì từ những lần gặp gỡ đó? Có triển vọng nào cho tương lai phát triển tốt hơn ở hai quốc gia này, kể cả tình hình của người Rohingya?
ĐTC Phanxico: Không hề dễ dàng tiến ngay tới bước phát triển xây dựng và cũng chẳng dễ dàng cho người nào muốn quay trở lại. Chúng ta đã đến một điểm nơi mà người ta phải học lấy mọi điều. Có người - tôi không biết có đúng không - đã nói rằng tiểu bang Rakhine là một tiểu bang giàu nhất về các loại đá quý và có thể có những lợi ích, là một vùng đất hơi ít người làm việc … nhưng tôi không biết điều đó có đúng không. Đây chỉ là những giả thuyết được đặt ra, về Châu Phi người ta cũng nói nhiều chuyện như vậy … nhưng tôi tin rằng chúng ta đã đến một điểm không hề dễ dàng tiến tới theo ý nghĩa tích cực, nhưng cũng không hề dễ dàng quay trở lại, vì ý thức về nhân đạo ngày nay … Vấn đề quay lại với người Rohingya, Liên Hợp quốc nói rằng người Rohingya là nhóm sắc tộc tôn giáo và thiểu số bị bách hại lớn nhất trên thế giới hiện nay. Đây nó là một điểm mà bất cứ ai muốn quay trở lại phải làm thật nhanh. Chúng ta đã bước tới một điểm … đối thoại … bắt đầu một bước, thêm một bước khác, có thể là một nửa bước lùi và hai bước tới, nhưng là con người nên phải làm mọi việc với sự tử tế, với đối thoại, không bao giờ bằng sự vi phạm, không bao giờ bằng chiến tranh. Nó không hề dễ, nhưng là một bước ngoặt. Bước ngoặt này có được thực hiện vì thiện ích hay không? Hay bước ngoặt này là một sự quay trở lại? Nhưng, vâng, tôi không mất hy vọng. Tại sao? Thật sự, nếu Chúa cho phép điều này điều mà chúng ta đã chứng kiến ngày hôm qua, điều mà chúng ta trải nghiệm theo một cách rất kín đáo, ngoại trừ hai bài diễn văn … Chúa hứa ban điều này để lại hứa ban điều khác. Tôi có niềm hy vọng của người Ki-tô hữu. Và điều đó là rõ ràng …
Greg Burke: Còn ai có điều gì về chuyến đi không? Valentina.
Valentina Alazraki (Televisa): Về chuyến đi, một câu hỏi mà chúng con muốn hỏi trước nhưng rồi không được. Chúng con muốn biết: một Đức Giáo hoàng mà mỗi ngày đều nói về người tìm nơi ẩn náu, người tị nạn, người di cư … cha có muốn tới một trại tị nạn của người Rohingya không? Và tại sao cha lại không đi?
ĐTC Phanxico: Tôi đã muốn làm điều đó, nhưng rồi không thể được. Các vấn đề được nghiên cứu và không thể thực hiện vì nhiều yếu tố khác nhau, cũng là vì thời gian và khoảng cách … nhưng còn nhiều yếu tố khác. Trại tị nạn đến với một đoàn đại diện. Nhưng tôi thực sự muốn, đó là sự thật. Nhưng không thể.
Greg Burke: Enzo?
Enzo Romeo (TG2) : Xin  cảm ơn Đức Thánh Cha. Con muốn hỏi nhanh cha hai câu. Một câu về toàn cầu hóa: chúng ta đã thấy đặc biệt ở Bangladesh, và nó là một lý do cho câu hỏi liên quan đến chuyến đi. Đất nước này đang cố gắng thoát ra khỏi tình trạng nghèo nhưng với những hệ thống mà đối với chúng ta dường như khá cứng rắn. Chúng ta nhìn thấy Quảng trường Rana, nơi mà tòa nhà đã được sử dụng cho ngành công nghiệp dệt sợi đã thất bại. 1100 người chết. 5000 người bị thương. Với 60 euro cho một ngày làm việc của họ và trong nhà hàng của chúng ta ăn một phần mì pasta và một miếng pizza mất 50 euro. Không, điều này dường như không thể tin được, phải không cha? Theo ý cha, từ những gì cha đã nhìn thấy và những gì cha đã nghe thấy, có thể nào thoát ra khỏi cơ cấu này không? Và rồi một điều khác là vấn đề này mà tất cả chúng ta đều nghĩ tới: vấn đề người Rohingya, dường như cũng có ý định can thiệp vào của các nhóm chiến binh (Al Qaida, ISIS), họ ngay lập tức, đã có dấu hiệu, trở thành những người chỉ dẫn cho dân tộc này, chỉ dẫn sự tự do cho dân tộc này. Điều thú vị là người đứng đầu của thế giới Ki-tô giáo đã thể hiện bản thân theo một cách nào đó là một người bạn tốt hơn những nhóm cực đoan này. Cảm giác này có đúng không thưa cha?
ĐTC Phanxico: Tôi đi từ câu thứ hai. Có các nhóm khủng bố ở đó tìm cách lợi dụng tình hình của người dân Rohingya, họ là một dân tộc hòa bình. Điều này cũng giống như tất cả các nhóm sắc tộc, trong tất cả các tôn giáo đều luôn có một nhóm theo trào lưu chính thống. Người Công giáo chúng tôi cũng có những người như vậy. Quân đội thanh minh cho sự can thiệp của họ vì những nhóm này. Tôi cố gắng không nói chuyện với những người này. Tôi chỉ cố gắng nói chuyện với các nạn nhân, vì các nạn nhân là dân tộc Rohingya mà về một mặt họ chịu đau khổ vì sự phân biệt đối xử và về mặt khác bị xúc phạm bởi các nhóm khủng bố - và chính phủ Bangladesh có một chiến dịch rất mạnh, đây là điều tôi được nghe các bộ trưởng nói, là không khoan nhượng đối với chủ nghĩa khủng bố không chỉ trong vì vấn đề này, nhưng còn để tránh những vấn đề khác. Nhưng những người đã ghi danh theo ISIS không phải là người Rohingya, nhưng là nhóm người theo trào lưu chính thống, nhóm cực đoan, nhóm nhỏ. Nhưng những người này đã buộc các bộ trưởng phải biện minh cho hành động can thiệp đã tàn phá cả người tốt lẫn người xấu.
Greg Burke: Sự toàn cầu hóa, câu hỏi thứ nhất …
Enzo Romeo: Bangladesh đang cố gắng thoát ra từ sự toàn cầu hóa, nhưng với một cái giá rất cao là người dân bị bóc lột chỉ được trả đồng lương rẻ mạt.
ĐTC Phanxico: Đó là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất. Tôi nói về vấn đề này trong những buổi gặp gỡ riêng. Họ đều biết rõ vấn đề. Họ cũng biết rõ rằng sự độc lập cho đến một thời điểm nào đó sẽ bị đặt điều kiện, không chỉ bởi nhóm quân sự, nhưng cả với những tập đoàn quốc tế lớn và họ đã đặt sự tập trung vào giáo dục và tôi tin đó là một lựa chọn thông minh. Và có những chương trình cho giáo dục. Họ cho tôi thấy những mức độ phần trăm của nạn mù chữ đã được giảm xuống trong những năm qua. Cũng kha khá, và đây là lựa chọn của họ, và tôi hy vọng nó thành công. Niềm tin rằng với giáo dục đất nước sẽ tiến lên.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Jean Marie Guenois từ Le Figaro.
Jean Marie Guenois (Le Figaro): Vậy là, hôm nay cha đến Miến điện … trước đây cha đã đến Hàn quốc, Philippines, Sri Lanka. Nó cho cảm giác là cha đi vòng quanh Trung quốc. Vậy thì, con có hai câu hỏi về Trung quốc: một chuyến đi đến Trung quốc đã được chuẩn bị chưa? Và, câu hỏi thứ hai, cha đã học được điều gì từ trạng thái tâm lý của người Châu Á qua chuyến đi này và cũng trong ý tưởng của dự định đến Trung quốc? Bài học của Châu Á cho cha là gì?
ĐTC Phanxico: Hôm nay, bà Cố vấn nhà nước của Miến điện đã sang Bắc kinh. Có thể thấy rằng họ có cuộc đối thoại ở đó. Bắc kinh có một sức ảnh hưởng lớn trong vùng, đó là điều tự nhiên. Tôi không biết có bao nhiêu cây số biên giới giữa Miến điện và Trung quốc … cả các Thánh Lễ ở đó cũng có người Trung quốc đến và tôi tin rằng những quốc gia này bao quanh Trung quốc, cả Lào, Campuchia, cần phải có mối quan hệ tốt. Họ thân nhau và tôi thấy đó là sự khôn ngoan, mang tính xây dựng về chính trị, nó có thể tiến tới. Sự thật là ngày nay Trung quốc đã trở thành một nước quyền lực trên thế giới. Nếu chúng ta nhìn nó từ khía cạnh này thì nó có thể thay đổi bức tranh, nhưng để những chuyên gia về chính trị giải thích nó. Tôi không thể giải thích và tôi cũng chẳng biết. Có vẻ như là họ có những mối quan hệ tốt.
Chuyến đi Trung quốc vẫn chưa được chuẩn bị. Cứ từ từ. Hiện tại, nó chưa được lên kế hoạch. Nhưng quay trở lại với Hàn quốc, khi người ta nói với tôi rằng chúng tôi đang bay ngang địa hạt Trung quốc, tôi muốn nói một điều gì đó: tôi rất muốn đến thăm Trung quốc. Tôi rất muốn. Đó không phải là điều gì cần giấu giếm. Những thương thuyết với Trung quốc đang ở tầm mức cao, thuộc văn hóa. Thời gian này chẳng hạn, trong những ngày này đang diễn ra một cuộc triển lãm của các Bảo tàng Vatican ở đó. Rồi, sẽ có hoặc đã có một, tôi cũng không rõ, một trong các bảo tảng của Trung quốc ở Vatican. Có những quan hệ về văn hóa, khoa học, các giáo sư, các linh mục dạy học trong các trường đại học của nhà nước Trung quốc. Rồi, có sự đối thoại chủ yếu là chính trị cho Giáo hội Trung quốc, với vấn đề Giáo hội yêu nước, giáo hội bí mật, đó là những điều phải đi từng bước từng bước một cách tế nhị, như đang diễn ra, chậm chậm … Tôi tin rằng trong những ngày này, hôm nay, ngày mai, một buổi ngồi lại với nhau sẽ bắt đầu ở Bắc kinh của ủy ban hỗn hợp. Kiên nhẫn là cần thiết. Nhưng những cánh cửa tâm hồn đang mở. Và tôi tin rằng một chuyến đi đến Trung quốc sẽ diễn ra. Tôi muốn làm như vậy.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Bây giờ là một câu hỏi liên quan ít nhiều đến chuyến đi, nếu chúng ta vẫn giữ theo chủ đề về chuyến đi. ABC News.
James Longman (ABC): Cho con xin lỗi, con không nói được tiếng Ý. Cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều đã cho con theo. Con chỉ muốn hỏi không biết cha có nhìn thấy nhiều sự chỉ trích nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, và không biết cha có cho rằng bà không nói đủ về người Rohingya là phải lẽ không.
ĐTC Phanxico: Tôi có nghe tất cả, tôi có nghe các chỉ trích, tôi cũng nghe sự chỉ trích về việc không được đem đến tỉnh Rakhine, rồi anh đi là phải nửa ngày, hơn hay kém gì đó. Nhưng ở Miến điện rất khó đánh giá một sự chỉ trích mà không hỏi. Liệu có thể làm điều này được không? Hoặc sẽ có thể làm việc này theo cách nào? Tôi không muốn nói rằng đi hay không đi là một sai lầm. Nhưng ở Miến điện tình hình chính trị … là một quốc gia đang phát triển, chính trị đang phát triển, và một quốc gia đang chuyển mình, được xây dựng bởi quá nhiều văn hóa khác nhau, trong lịch sử, nhưng nền chính trị đang chuyển mình và vì lý do này mà những vấn đề cần phải được đánh giá cũng từ cái nhìn này. Trong giai đoạn chuyển mình này, có thể hay không có thể làm việc này hay việc kia? Và xét xem đó có phải là một sai lầm hay không? Không chỉ là với bà Cố vấn, nhưng cả tổng thống, các nghị sĩ, quốc hội. Ở Miến điện, anh luôn luôn phải có tính xây dựng đất nước nằm trước mặt anh, và từ đó, như tôi đã nói, anh đi hai bước tới, một bước lùi, hai bước tới, hai bước lùi … Lịch sử dạy chúng ta điều này. Tôi không biết phải trả lời như thế nào theo lối khác, đây là một chút kiến thức tôi có được về nơi này và tôi không muốn rơi vào những gì mà một triết gia người Argentina đã làm, ông được mời đến các hội nghị ở Châu Á trong suốt một tuần và khi ông trở về ông viết một quyển sách về thực tại của đất nước đó. Việc này quá táo bạo.
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Về chuyến đi Pullella.
Phil Pullella (Reuters): Vâng, con muốn quay lại với chuyến đi nếu được phép. Buổi gặp gỡ với vị tướng ban đầu được dự định vào buổi sáng thứ Năm. Nhưng thay vì vậy trước tiên cha phải gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi. Khi vị tướng kia yêu cầu được gặp cha trước, trong cái ngày cha đến, nó là một cách nói rằng: tôi là người có trách nhiệm ở đây, ngài phải đến gặp tôi trước … trong lúc đó, cha có cảm giác là ông ấy hay họ muốn điều khiển cha không?
ĐTC Phanxico: Yêu cầu như vậy vì ông ta phải đi Trung quốc. Nếu các vấn đề này diễn ra , nếu tôi có thể chuyển một cuộc hẹn thì tôi làm … tôi không biết các ngụ ý bên trong, nhưng tôi rất thích buổi đối thoại. Một cuộc đối thoại mà họ yêu cầu và họ đã đến, nó không được lên lịch trong chuyến đi của tôi. Và tôi cho rằng điều quan trọng nhất là … rõ ràng là sự nghi ngờ đúng là giống như anh nói: chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây, chúng tôi là đứng đầu.
Pullella: Con có thể hỏi liệu - cha nói rằng cha không thể kể lại những gì đã được nói trong những lần gặp gỡ riêng, nhưng không biết con có thể hỏi liệu trong suốt buổi gặp gỡ đó cha có sử dụng từ Rohingya, với vị tướng đó không?
Pope Francis: Tôi sử dụng các từ ngữ để chuyển tải thông điệp và khi tôi thấy rằng thông điệp đã được chấp thuận, tôi dám nói mọi điều tôi muốn nói. ‘Intelligenti pauca’ (Ghi chú của biên tập viên: cụm từ này nói đến cụm từ La-tinh có nghĩa “một vài từ là đủ cho người hiểu biết”).
Greg Burke: Cảm ơn Đức Thánh Cha.
ĐTC Phanxico: Chị gì đó hỏi tôi đầu tiên. Bây giờ lại là cuối cùng.
Alicia Romay (Gestiona Radio): Chào buổi tối Đức Thánh Cha! Về phần con con có một câu hỏi vì hôm qua khi chúng con ở với những linh mục được truyền chức, con suy nghĩ không biết họ có sợ trở thành linh mục Công giáo vào thời điểm này hay không vì đời sống người Công giáo trong đất nước này, và không biết họ có hỏi cha hay không, thưa Đức Thánh Cha, họ có thể làm gì khi nỗi sợ hãi đến và họ không biết phải làm gì?
ĐTC Phanxico: Đây là chuyến đi đầu tiên của chị, à, chị là bạn của Valentina. Tôi luôn có thói quen dành 5 phút trước khi truyền chức, tôi nói chuyện riêng với họ. Và với tôi họ có vẻ rất bình an, bình tĩnh, rất ý thức. Họ ý thức được sứ mạng của họ. Bình thường, bình thường. Tôi hỏi họ một câu: con có chơi bóng đá không? Tất cả đều trả lời Có. Điều đó rất quan trọng. Một câu hỏi thần học. Nhưng tôi không nhận thấy sự sợ hãi đó. Họ biết rằng họ phải gần gũi, gần gũi với người giáo dân, và đúng, họ cảm thấy rất gắn bó với người giáo dân và tôi thích điều này. Sau đó tôi nói chuyện với các nhà giáo huấn luyện họ. Một vài giám mục nói với tôi, trước khi vào chủng viện, họ ở với các cha xứ để họ học được nhiều điều, và họ học tiếng Anh thành thạo, đó là những điều thiết thực. Họ biết tiếng Anh và họ bắt đầu chủng viện. Tôi mới biết rằng việc truyền chức không phải lúc 23-24 tuổi, nhưng lúc 28-29 … họ giống như thiếu nhi, vì tất cả các cha đều trông rất trẻ, tất cả, ngay cả người lớn tuổi nhất … nhưng tôi nhìn thấy họ rất bình an. Điều họ có … đó là gần gũi với mọi người. Và họ rất để ý. Vì mỗi người đến từ một sắc tộc khác nhau và điều này …
Tôi cảm ơn, vì họ nói với tôi rằng đó là thời gian quá khứ. Tôi cảm ơn anh chị em vì đã có những câu hỏi và tất cả những gì anh chị em đã làm. Và giáo hoàng nghĩ gì về chuyến đi: với tôi, chuyến đi làm tôi rất thoải mái khi tôi có thể gặp gỡ mọi người trong đất nước, Dân Chúa, là khi tôi có thể được nói, gặp gỡ họ và chào hỏi họ, những lần gặp gỡ mọi người. Chúng ta đã nói về những sự gặp gỡ với các chính trị gia. Vâng, đúng vậy, điều đó buộc phải làm, với các linh mục, các giám mục … nhưng cả với mọi người, với dân tộc, dân tộc mới thật sự là nền tảng của một đất nước. Khi tôi tìm ra điều này, và tôi có thể tìm ra được tôi cảm thấy vui. Tôi cảm ơn anh chị em về sự giúp đỡ. Tôi cũng cảm ơn về những câu hỏi và những điều tôi đã học được từ những câu hỏi của anh chị em.
Cảm ơn, và chúc anh chị em bữa tối ngon miệng.


[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/12/2017]