Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Khoa học đồng ý với Chúa Giê-su rằng những yếu tố này sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc

Khoa học đồng ý với Chúa Giê-su rằng đây là những yếu tố sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc

Khoa học đồng ý với Chúa Giê-su rằng những yếu tố này sẽ dẫn đến một đời sống hạnh phúc
BABAROGA|Shutterstock

14 tháng Một, 2020

Nghiên cứu của Harvard đã theo dõi các nhóm người trong suốt 80 năm và những phát hiện đang được tiết lộ!

Bạn đã bao giờ đọc những nghiên cứu của Harvard đã và đang thực hiện trong suốt 80 năm, đo lường sức khỏe và sự hạnh phúc của đời sống con người? Nghiên cứu đã bắt đầu trong thập niên 1930 và vẫn tiếp tục đến ngày nay bằng cách thu thập dữ liệu về con cái của những người tham gia ban đầu. Cho đến nay, dữ liệu đã tiết lộ một số khuynh hướng chắc chắn cho thấy những gì tạo nên một đời sống hạnh phúc. Một quan sát thú vị là những phát hiện này chứng minh cho các điều Chúa Giê-su và Tân Ước dạy. Dưới đây là năm cách để vun đắp hạnh phúc từ các phát hiện của cuộc nghiên cứu, có tương quan với những lời trực tiếp trong Kinh Thánh … 

Chất lượng cuộc sống của bạn tùy thuộc vào những mối quan hệ của bạn, đặc biệt khi về tuổi già.

Một phát hiện lớn của nghiên cứu là những người có mối quan hệ tốt, ổn định và có các hệ thống hỗ trợ ở tuổi 50 thường có sức khỏe tốt hơn khi đến tuổi 80 so với những người thiếu những mối quan hệ tốt.

Chúa Giê-su cũng bênh vực các mối quan hệ và cộng đồng ổn định. Người gửi các ông cứ từng hai người một (Lc 10:1). Người đã thành lập một cộng đồng gồm 12 người (các tông đồ của Ngài) là những người cùng đi với Ngài, dạy bảo và trải nghiệm cuộc sống. Và Ngài nói rằng hành động vĩ đại nhất của tình yêu là hy sinh mạng sống cho bạn bè (Ga 15:13), cùng với điều răn là hãy yêu người lân cận như chính mình (Mc 12:31). 

Hôn nhân ổn định và sự hài lòng trong hôn nhân làm cho con người hạnh phúc hơn.

Nghiên cứu nói rằng khi con người sống trong hôn nhân hạnh phúc, họ có được tâm trạng tốt trong những ngày họ phải trải qua nhiều nỗi đau thể xác hơn bình thường. Trái lại, những người sống trong các cuộc hôn nhân không hạnh phúc cho thấy tâm trạng xấu hơn và đau đớn về thể xác nhiều hơn mỗi ngày. Sự cô đơn cũng làm cho người ta chết sớm hơn, các nhà nghiên cứu nói rằng nó cũng nguy hiểm cho sức khỏe của bạn giống như việc lạm dụng thuốc lá hoặc rượu.

Chúa Giê-su đòi buộc sự cam kết với người phối ngẫu của bạn bằng những tuyên bố của Ngài chống lại ly dị (Mt 19). Sau này, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phaolo khuyên răn vợ chồng hay yêu thương nhau — nói về những mối quan hệ yêu thương và tốt đẹp cho cả hai vợ chồng.

Nói về thời gian lâu dài, hạnh phúc là khả năng biết ăn uống điều độ và không lệ thuộc vào rượu hay thuốc lá.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy những người có cuộc sống nói chung cân bằng và hạnh phúc có thể thay đổi 180 độ nếu họ đã bắt đầu bị lệ thuộc vào rượu ở tuổi trung niên. Sự thay đổi đó cho thấy đúng — những người “tàn tạ” do lạm dụng rượu có thể làm lại cuộc đời giữa chừng và tìm thấy hạnh phúc và sự cân bằng.

Chúa Giê-su đồng tình rằng tiết độ là điểm chính, vì Người giảng về việc thoát ly khỏi thế gian và thay vào đó là gắn kết với Thiên Chúa. Người hỏi rằng sẽ ích gì khi được cả thế giới nhưng lại thiệt mất mạng sống? (Mt 16:26). Ngài nhiều lần nói rằng bạn sẽ không thể lên thiên đàng nếu bạn quá gắn bó với những thứ thuộc thế gian này (thật khó để một người giàu có lên thiên đàng, vì ông ta tích trữ kho báu trên thế gian trong những kho lẫm lớn hơn và lớn hơn nữa, và với người thanh niên buồn bã quay đi vì không muốn chia tay với tài sản của mình).

Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh là hữu ích cho hạnh phúc lâu dài.

Điều này đòi hỏi việc duy trì hoạt động trong suốt cuộc đời của bạn. Mặc dù Chúa Giê-su không nói đến việc ăn uống đúng cách hay giữ dáng vóc, nhưng Thánh Phaolo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc cơ thể chúng ta vì chúng là đền thờ của Chúa Thánh Thần (1 Cr 6:19). Ngài cũng nhắc nhở chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng ta.

Khả năng đối phó với những thăng trầm trong cuộc sống một cách lành mạnh là điều cần thiết cho hạnh phúc.

Đó là những gì nghiên cứu cho biết. Và Ki-tô giáo giúp đưa con tàu lượn siêu của cuộc đời chạy đúng hướng: Chúa Giê-su nói rằng chúng ta không thuộc về thế gian này (Ga 17:16), và Người chia sẻ rằng sự đau khổ của chúng ta trong thế giới này giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống mai sau (Mt 5:3). Vì vậy, làm sao để chúng ta được hạnh phúc? Nếu cả Chúa Giê-su và nghiên cứu khoa học theo thời gian đều đồng ý rằng chế độ ăn uống điều độ, giữ vững hy vọng và kiên nhẫn với cuộc sống, và ưu tiên cho các mối quan hệ của chúng ta (đặc biệt là hôn nhân nếu chúng ta được chúc phúc với người phối ngẫu) là vô cùng quan trọng để có sự hạnh phúc trọn đời, vậy chúng ta hãy thực hiện!



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2020]


Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại giao đoàn

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại giao đoàn
© Vatican Media

Toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxico trước Ngoại giao đoàn

‘Trận hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà ở Paris cho thấy ngay cả những điều có vẻ là vô cùng vững chắc cũng có thể trở nên mong manh và dễ dàng bị phá hủy’

09 tháng Một, 2020 12:58

Ngày 9 tháng Một năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxico đọc diễn từ trước các nhà ngoại giao được Tòa Thánh chính thức công nhận. Dưới đây là văn bản diễn từ do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh).

******


Thưa quý ngài,

Một năm mới đang mở ra trước mắt chúng ta; giống như tiếng khóc của một trẻ thơ mới sinh, nó lấp đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui và hy vọng. Tôi muốn chữ “Hy vọng” đó, là một nhân đức quan trọng của người Ki-tô hữu, truyền cảm hứng cho cách thức chúng ta tiếp cận với những thời gian đang chờ đợi ở phía trước.

Chắc chắn, hy vọng phải thực tế. Nó đòi hỏi phải thừa nhận nhiều vấn đề phức tạp mà thế giới chúng ta đang đối mặt và những thách thức đang rình rập ở chân trời. Nó đòi hỏi các vấn đề phải được gọi đích danh của chúng và phải tìm được can đảm để giải quyết chúng. Nó thúc giục chúng ta nhớ rằng gia đình nhân loại của chúng ta đang mang trên mình những vết sẹo và thương tổn bởi một chuỗi liên tiếp các cuộc chiến ngày càng tàn phá nhiều hơn, đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo và người dễ bị tổn thương nhất. [1] Thật đáng buồn, năm mới dường như không được đánh dấu bằng các dấu hiệu đáng khích lệ, vì quá nhiều những căng thẳng và hành động bạo lực đang tăng cao.

Chính trong tình huống này, chúng ta không thể từ bỏ hy vọng. Và hy vọng đòi hỏi sự can đảm. Nó có nghĩa phải thừa nhận rằng sự ác, đau khổ và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng, và ngay cả những câu hỏi phức tạp nhất vẫn có thể và buộc phải đối mặt và giải quyết. Vì hy vọng là “nhân đức truyền cảm hứng cho chúng ta và giúp chúng ta tiến bước, ngay cả khi những trở ngại dường như không thể vượt qua.”.[2]

Thưa các ngài Đại sứ thân mến, trong tinh thần này, hôm nay tôi xin chào đón quý vị và gửi đến quý vị những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới. Tôi đặc biệt xin cảm ơn ngài George Poulides, Trưởng Ngoại giao đoàn, là Đại sứ Cộng hòa Síp, vì lời chào thân ái của ngài thay mặt quý vị. Tôi xin tri ân tất cả quý vị vì sự hiện diện rất trân trọng của quý vị, cùng với những nỗ lực hàng ngày của quý vị để củng cố các mối quan hệ hiện có giữa Tòa Thánh và các quốc gia và tổ chức quốc tế vì sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc.

Thật vậy, hòa bình và sự phát triển toàn diện của con người là mục tiêu chính của Tòa Thánh trong việc tham gia vào lĩnh vực ngoại giao. Đây cũng là mục đích của công việc được thực hiện bởi Phủ Quốc vụ khanh và các Bộ trong Giáo triều Roma, và của các Đại diện Giáo hoàng, là những người mà tôi cảm ơn vì sự cống hiến khi họ thực hiện sứ mạng hai mặt của họ là đại diện cho Giáo hoàng tại các Giáo hội địa phương và các chính phủ quốc gia của quý vị.

Về vấn đề này, chúng tôi có thể kể đến các Hiệp định có tính chất chung được ký kết và phê chuẩn trong năm qua với Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi, Burkina Faso và Angola, cũng như Thỏa thuận giữa Tòa thánh và nước Cộng hòa Ý về việc áp dụng Công ước Lisbon liên quan đến sự công nhận bằng cấp thuộc giáo dục bậc cao ở khu vực Châu Âu.

Cũng vậy, đối với các chuyến Tông du vừa là một cách thức riêng để Người kế vị Phê-rô củng cố đức tin cho anh chị em của mình, nó còn là một cơ hội để thúc đẩy đối thoại ở các cấp chính trị và tôn giáo. Năm 2019, tôi đã có cơ hội thực hiện một số chuyến thăm quan trọng. Tôi muốn cùng quý vị điểm lại chúng và dùng nó như một cơ hội để có cái nhìn sâu sắc hơn về một số vấn đề quan trọng của thời điểm hiện tại.

Đầu năm ngoái, trong Ngày Giới trẻ Thế giới XXXIV ở Panama, tôi đã gặp gỡ giới trẻ đến từ năm châu lục, với tràn đầy ước mơ và hy vọng, họ cùng nhau cầu nguyện và nâng niu những khao khát được tham gia xây dựng một thế giới nhân văn hơn.[3] Gặp gỡ giới trẻ luôn luôn là một niềm vui và một cơ hội tuyệt vời. Họ là tương lai và là niềm hy vọng cho các xã hội của chúng ta.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, như chúng ta biết, không ít người lớn, kể cả một số các thành viên của trong giới giáo sĩ, phải chịu trách nhiệm về những tội ác xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của thanh niên, trẻ em và thiếu niên, vi phạm sự trong trắng và riêng tư của các em. Đây là những tội ác xúc phạm đến Thiên Chúa, gây ra những tàn phá về thể chất, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân, và làm hỏng đời sống của toàn cộng đồng.[4]

Theo sau cuộc họp của tôi tại Vatican với các đại diện của hàng giám mục thế giới vào tháng Hai năm ngoái, Tòa Thánh đổi mới cam kết của mình để đưa ra ánh sáng các vụ lạm dụng đã vi phạm và đảm bảo sự bảo vệ đối với trẻ vị thành niên thông qua một loạt những quy tắc nhằm xử lý các trường hợp như vậy hợp theo giáo luật cũng như hợp tác với chính quyền dân sự ở cấp địa phương và quốc tế.

Do mức độ nghiêm trọng của sự tàn phá gây ra, điều trở nên cấp bách hơn bao giờ hết là người lớn không được từ bỏ trách nhiệm giáo dục của mình, mà phải thực hiện những trách nhiệm đó một cách hăng hái hơn, để hướng dẫn những lớp người trẻ tiến đến sự trưởng thành về tinh thần, con người và xã hội.

Vì lý do này, tôi đã lên chương trình cho một sự kiện toàn cầu sẽ diễn ra ngày 14 tháng Năm sắp tới với chủ đề: Tái Xây dựng Khế ước Toàn cầu về Giáo dục. Cuộc họp nhằm mục đích “khơi dậy sự cam kết của chúng ta dành cho và cùng với người trẻ, làm mới lại niềm say mê của chúng ta về một nền giáo dục mở rộng và toàn diện hơn, bao gồm sự lắng nghe kiên nhẫn, đối thoại mang tính xây dựng và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn.

Chưa bao giờ có một nhu cầu cấp thiết như vậy để hiệp nhất những nỗ lực của chúng ta vào một liên minh giáo dục rộng lớn, để đào tạo những cá nhân trưởng thành có khả năng vượt qua sự chia rẽ và đối kháng, và khôi phục lại kết cấu của những mối quan hệ vì ích lợi của nhân loại đầy tình huynh đệ hơn”.[5]

Tất cả sự thay đổi, giống như sự thay đổi của kỷ nguyên mà chúng ta đang trải qua, kêu gọi một tiến trình giáo dục và xây dựng ngôi làng giáo dục có khả năng hình thành mạng lưới các mối quan hệ mở rộng và thuộc con người.[6] Ngôi làng đó phải đặt nhân vị vào trung tâm, đầu tư một cách sáng tạo và có trách nhiệm vào những dự án dài hạn để đào tạo các cá nhân sẵn sàng phục vụ cho cộng đồng.

Và điều cần thiết tiếp theo đó là tầm nhìn giáo dục có thể bao gồm một không gian rộng lớn những kinh nghiệm sống và quá trình học tập, để giúp cho người trẻ phát triển tính cách của họ theo góc độ cá nhân và tập thể. Giáo dục không giới hạn trong các lớp học và đại học; yếu tố chính để bảo đảm bằng cách tăng cường và củng cố quyền giáo dục ban đầu của gia đình, và quyền của các Giáo hội và cộng đồng xã hội để hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình trong việc nuôi dạy con cái họ.

Giáo dục đòi hỏi phải tham gia vào cuộc đối thoại chân thành và đích thực với người trẻ. Trước hết họ là những người làm cho chúng ta nhận thức được nhu cầu cấp thiết đối với tình đoàn kết liên thế hệ, nhưng đáng buồn là nó thiếu vắng trong những năm gần đây. Trên thực tế ở nhiều nơi trên thế giới có xu hướng chỉ quan tâm đến bản thân, bảo vệ những đặc quyền và đặc lợi có được, và nhìn thế giới trong một chân trời hạn hẹp, đối xử với người già bằng thái độ thờ ơ và không còn chào đón mầm sống mới. Sự lão hóa chung của dân số thế giới, đặc biệt là ở phương Tây, là một ví dụ đáng buồn và điển hình cho điều này.

Chúng ta không quên rằng người trẻ nhìn vào lời nói và tấm gương của người lớn, và chúng ta cũng phải nhận thức rõ rằng bản thân họ có nhiều điều để đóng góp, nhờ vào sự hăng hái và cam kết của họ, chưa nói đến khao khát sự thật của họ, là điều liên tục nhắc chúng ta nhớ đến sự thật rằng niềm hy vọng không phải là điều không tưởng và hòa bình luôn là thiện ích có thể đạt được.

Chúng ta đã nhìn thấy điều này qua cách thức nhiều người trẻ trở nên tích cực trong việc kêu gọi sự chú ý của các nhà lãnh đạo chính trị đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta phải là mối quan tâm của mọi người chứ không phải là mục tiêu của sự xung đột ý thức hệ giữa các quan điểm khác nhau về thực tại, hoặc ở mức độ ít hơn là giữa các thế hệ. Theo lời của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, “khi tiếp xúc với thiên nhiên, con người tái khám phá được chiều kích thích hợp của họ; họ nhận ra rằng họ là tạo vật nhưng đồng thời là duy nhất, ‘mở lòng với Thiên Chúa’ vì trong sâu thẳm tâm hồn họ mở lòng ra với Đấng Vô biên”.[7] Sự bảo vệ cho ngôi nhà mà Đấng Tạo Hóa trao tặng cho chúng ta không thể bị sao lãng hoặc chỉ là mối quan tâm mang tính kẻ cả. Người trẻ đang nói với chúng ta rằng điều này không thể xảy ra, vì ở mọi cấp độ, chúng ta đều bị thúc bách khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và để “đưa toàn gia đình nhân loại chung sức tìm kiếm một sự phát triển bền vững và toàn diện”.[8] Họ nhắc nhở chúng ta về tính cấp thiết đối với sự hoán cải sinh thái, là điều “phải hiểu theo cách toàn diện, là một sự thay đổi về mối quan hệ của chúng ta với anh chị em chúng ta, với những sinh vật khác, với tạo vật trong tất cả sự đa dạng phong phú của nó và với Đấng Tạo hóa là nguồn mạch và nguồn gốc của mọi sự sống”.[9]

Thật đáng buồn, tính cấp bách của sự hoán cải sinh thái này dường như chưa được giới chính trị quốc tế nắm bắt, phản ứng của họ đối với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu vẫn còn rất yếu và đó là một mối quan ngại rất lớn. Hội nghị XXV của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP25), được tổ chức tại Madrid vào tháng Mười Hai năm ngoái, làm dấy lên mối lo ngại rất lớn về ý chí của cộng đồng quốc tế để đối đầu với hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng sự khôn ngoan và tính hiệu quả, đòi hỏi phải có phản ứng chung có khả năng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.

Những mối quan tâm này hướng sự chú ý của chúng ta trở lại Châu Mỹ La-tinh, và đặc biệt là Đại hội Đặc biệt của Thượng hội đồng Giám mục về Vùng Amazon, được tổ chức tại Vatican vào tháng Mười năm ngoái. Thượng hội đồng là một sự kiện quan trọng của giáo hội, được thúc đẩy bởi mong muốn lắng nghe những hy vọng và thách đố của Giáo hội tại vùng Amazon và mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng cho Dân Chúa, đặc biệt là cho các dân tộc bản địa. Tuy nhiên, đại hội thượng hội đồng cũng không thể không thảo luận về các vấn đề khác, bắt đầu từ hệ sinh thái toàn diện. Những vấn đề đó ảnh hưởng đến đời sống của khu vực, quá rộng lớn và quan trọng đối với toàn thế giới, vì “rừng nhiệt đới Amazon là một ‘trái tim sinh học’ đối với trái đất đang bị đe dọa ngày càng nhiều hơn”.[10]

Ngoài tình hình của vùng Amazon, một nguyên nhân khác đáng lo ngại là sự gia tăng những cuộc khủng hoảng chính trị ở một số quốc gia trong Châu Mỹ, kèm theo những căng thẳng và các hình thức bạo lực bất thường làm trầm trọng thêm những xung đột xã hội và gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế xã hội và nhân đạo. Tình trạng phân cực lớn hơn không giúp giải quyết các vấn đề thực tế và cấp bách của người dân, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, cũng không thể giải quyết được bạo lực, và không có lý do nào có thể sử dụng bạo lực như một biện pháp để xử lý các vấn đề chính trị và xã hội. Ở đây, trong bối cảnh này, tôi muốn đề cập cách riêng đến Venezuela, để những nỗ lực tìm kiếm giải pháp sẽ được tiếp tục.

Nói chung, những xung đột của khu vực Mỹ châu, mặc dù có nguồn gốc khác nhau, đều có liên quan đến các hình thức bất bình đẳng sâu sắc, bất công và tham nhũng đặc hữu, cũng như các hình thức nghèo khổ xúc phạm phẩm giá con người. Do đó, cần có các nhà lãnh đạo chính trị làm việc cần mẫn để tái thiết lại văn hóa đối thoại vì ích chung, củng cố các thể chế dân chủ và thúc đẩy sự tôn trọng pháp quyền, như một biện pháp chống lại những khuynh hướng phi dân chủ, dân túy và cực đoan.

Trong chuyến đi thứ hai trong năm 2019, tôi đã đến Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất, là chuyến thăm đầu tiên của Người kế vị Phê-rô đến Bán đảo Ả-rập. Tại Abu Dhabi, tôi cùng với Đức Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của Đại học Al-Azhar, ký kết Văn kiện về tình Huynh đệ của Con người vì nền Hòa bình Thế giới và sự Chung sống. Đây là một văn bản quan trọng, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa người Ki-tô hữu và người Hồi giáo, và cùng chung sống hòa bình trong các xã hội ngày càng trở nên đa sắc tộc và đa văn hóa. Khi lên án mạnh mẽ việc “dùng danh của Chúa để biện minh cho các hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và áp bức”,[11] tài liệu nhắc lại tầm quan trọng của khái niệm về quyền công dân, “dựa trên sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, theo đó tất cả mọi người được hưởng công lý”.[12] Điều này đòi hỏi phải tôn trọng tự do tôn giáo và quyết tâm từ chối việc sử dụng thuật ngữ mang tính phân biệt đối xử là “các nhóm thiểu số”, nó gây ra những cảm giác bị cô lập và mặc cảm, và mở đường cho sự thù địch và bất hòa, phân biệt đối xử giữa các công dân trên cơ sở nền tảng tôn giáo của họ.[13]

Cuối cùng, điều vô cùng quan trọng là phải đào tạo các thế hệ tương lai sự đối thoại liên tôn, con đường chính để hiểu biết nhiều hơn, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên của các tôn giáo khác nhau.

Hòa bình và hy vọng cũng là trọng tâm chuyến viếng thăm Ma-rốc của tôi, tại đây, cùng với Đức vua Muhammed VI, tôi đã ký một thỉnh cầu chung về Giê-ru-sa-lem, công nhận “đặc tính duy nhất và thiêng liêng của Giê-ru-sa-lem/Al-Quds Acharif, và mối quan tâm sâu sắc đến ý nghĩa tinh thần và ơn gọi đặc biệt của nó như là một thành phố hòa bình”.[14] Và từ Giê-ru-sa-lem, một thành phố thân thương với tín đồ của ba tôn giáo độc thần, một thành phố được kêu gọi để trở thành nơi mang tính biểu tượng của sự gặp gỡ và chung sống hòa bình, nơi sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại được gieo trồng, [15] Tôi không thể không hướng về toàn Thánh địa và nhắc lại nhu cầu cấp bách cho toàn thể cộng đồng quốc tế nhằm tái khẳng định cam kết hỗ trợ tiến trình hòa bình của Israel-Palestine, với lòng can đảm và sự chân thành, và sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Một sự tham gia kiên định và hiệu quả hơn về phía cộng đồng quốc tế hiện trở nên cấp bách nhất cho các khu vực khác thuộc vùng Địa Trung Hải và Trung Đông. Tôi đặc biệt nghĩ đến đám mây đen của sự im lặng có nguy cơ che phủ cuộc chiến đã tàn phá Syria trong suốt thập kỷ qua. Điều vô cùng cấp bách là phải đưa ra các giải pháp phù hợp và có tầm nhìn xa, có khả năng làm cho người dân Syria thân yêu, đã kiệt sức vì chiến tranh, lấy lại được hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước.

Tòa Thánh ủng hộ mọi sáng kiến nhằm mục tiêu đặt nền móng cho việc giải quyết cuộc xung đột, và một lần nữa bày tỏ lòng tri ân với nước Jordan và Li-băng vì đã chào đón và chịu trách nhiệm với hàng triệu người tị nạn Syria, dù phải hy sinh rất nhiều. Thật đáng buồn, ngoài những khó khăn do sự chào đón này gây ra, các yếu tố bất ổn kinh tế và chính trị, ở Li-băng và các quốc gia khác, đang tạo nên những căng thẳng trong dân chúng, gây nguy hiểm thêm cho sự ổn định mong manh của Trung Đông.

Đặc biệt đáng lo ngại là các tín hiệu đến từ toàn bộ khu vực sau khi căng thẳng gia tăng giữa Iran và Hoa Kỳ, có nguy cơ trên hết làm ảnh hưởng đến quá trình tái thiết từng bước ở Iraq, cũng như đặt cơ sở cho một cuộc xung đột lớn hơn mà tất cả chúng ta đều muốn tránh. Do đó, tôi xin lặp lại lời thỉnh cầu rằng tất cả các bên liên quan hãy tránh sự leo thang xung đột và “giữ gìn ngọn lửa đối thoại luôn rực sáng và tự kiềm chế,”[16] tuyệt đối tôn trọng luật pháp quốc tế.

Suy nghĩ của tôi cũng hướng về Yemen, là nơi đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây trong sự thờ ơ chung của cộng đồng quốc tế, và hướng về Libya, mà trong nhiều năm qua đã trải qua sự xung đột và bị đẩy lên mức độ trầm trọng hơn do sự tấn công của các nhóm cực đoan qua hành động tăng cường bạo lực nhiều hơn trong những ngày gần đây. Tình hình đó cung cấp mảnh đất màu mỡ cho tai họa là sự bóc lột và buôn bán người, do những kẻ vô nhân thực hiện để khai thác sự nghèo đói và đau khổ của những hoàn cảnh phải chạy trốn xung đột hoặc nghèo đói cùng cực. Trong số những nhóm người đó, nhiều người đã trở thành con mồi cho các tổ chức tội phạm giam cầm họ trong các điều kiện vô nhân đạo và nhục nhã, và biến họ thành đối tượng bị tra tấn, bạo lực tình dục và các hình thức bóp nặn.

Nói tổng quát hơn, cần lưu ý rằng nhiều ngàn người trên thế giới của chúng ta đã nộp đơn xin tị nạn hợp pháp, và có nhu cầu nhân đạo xác thực và cần được bảo vệ, nhưng lại không được công nhận. Nhiều người đang mạo hiểm mạng sống của họ trong những chuyến đi đầy nguy hiểm bằng đường bộ và nhiều nhất là bằng đường biển. Thật đau đớn khi phải nói rằng Biển Địa Trung Hải vẫn tiếp tục là một nghĩa trang mênh mông.[17] Do đó, nhận lấy trách nhiệm tìm kiếm các giải pháp lâu dài là điều ngày càng trở nên cấp bách cho tất cả các quốc gia.

Về phần mình, Tòa Thánh rất hy vọng vào những nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm chia sẻ gánh nặng trong việc tái định cư cho người tị nạn, đặc biệt là những trường hợp nhân đạo khẩn cấp, và cung cấp cho họ một nơi an toàn để sinh sống, học tập và cơ hội tìm được việc làm và đoàn tụ với gia đình của họ.

Thưa quý ngài đại sứ,

Trong những chuyến đi năm vừa qua của tôi, tôi cũng có cơ hội đến thăm ba quốc gia Đông Âu, trước hết là Bulgaria và Bắc Macedonia, và sau đó là Romania. Ba quốc gia này đều khác biệt nhau, nhưng được liên kết bởi thực tế rằng trong suốt nhiều thế kỷ họ là những cầu nối giữa Đông và Tây, và một điểm giao nhau của các nền văn hóa, các sắc tộc và những nền văn minh. Khi đến thăm những quốc gia đó, một lần nữa tôi có kinh nghiệm về tầm quan trọng của đối thoại và văn hóa gặp gỡ để xây dựng những xã hội hòa bình, trong đó mỗi cá nhân có thể tự do bày tỏ bản sắc dân tộc và tôn giáo của mình.

Vẫn trong bối cảnh Châu Âu, tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng cho sự ủng hộ việc đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế như là một biện pháp để giải quyết “những xung đột đóng băng” tồn tại trên châu lục, một số trong đó đã kéo dài nhiều hàng thập kỷ và đòi phải có giải pháp, bắt đầu với các tình hình thuộc Tây Balkan và Nam Caucasus, bao gồm Georgia. Trong bối cảnh này, tôi xin gửi đến sự khuyến khích của Tòa Thánh đối với các cuộc đàm phán thống nhất đảo Síp, và việc này sẽ làm tăng sự hợp tác khu vực và thúc đẩy sự ổn định của toàn bộ khu vực Địa Trung Hải. Tôi cũng đánh giá rất cao những nỗ lực đã được thực hiện để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và chấm dứt đau khổ của người dân.

Đối thoại – chứ không phải vũ khí – là con đường cần thiết để giải quyết những tranh chấp. Về vấn đề này, tôi đánh giá cao sự đóng góp đã được thực hiện trong bối cảnh này, chẳng hạn, của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Ukraine, đặc biệt trong năm nay đánh dấu kỷ niệm bốn mươi lăm năm Hiệp ước Helsinki. Đạo luật đó đã kết thúc Hội nghị về An ninh và Hợp tác Châu Âu (CSCE), được khởi xướng năm 1973 để thúc đẩy sự lắng dịu trong quan hệ và hợp tác giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, tại thời điểm lục địa vẫn bị chia cắt bởi Bức màn Sắt. Hiệp ước là một bước đi quan trọng trong tiến trình được bắt đầu trong hậu quả của Đệ nhị Thế Chiến, một hiệp ước xem sự đồng thuận và đối thoại là những công cụ chính để giải quyết xung đột.

Các nền tảng của tiến trình hội nhập Châu Âu đã được đặt ra ở Tây Âu năm 1949 với sự thành lập Hội đồng châu Âu và tiếp theo là việc thông qua Công ước Châu Âu về Nhân quyền, được nêu lên trong Tuyên ngôn ngày 9 tháng Năm năm 1950 của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Robert Schuman, một trụ cột quan trọng. Ông Schuman tuyên bố rằng “không thể bảo đảm được hòa bình nếu không có những nỗ lực sáng tạo tương xứng với những sự nguy hiểm đe dọa nó”. Những nhà sáng lập châu Âu hiện đại nhận ra rằng chỉ bằng cách thông qua một tiến trình từng bước chia sẻ lý tưởng và tài nguyên thì châu lục mới có thể phục hồi sau sự tàn phá của chiến tranh và những chia rẽ mới nảy sinh sau đó.

Tòa Thánh đã theo dõi dự án Châu Âu với sự quan tâm rất lớn từ những năm đầu tiên; năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm sự hiện diện của Tòa Thánh với cương vị là một Quan sát viên của Hội đồng Châu Âu và thiết lập những mối quan hệ ngoại giao với Cộng đồng Châu Âu khi đó. Tòa Thánh đã tìm cách nhấn mạnh lý tưởng của một tiến trình phát triển bao gồm lấy cảm hứng từ tinh thần tham gia và đoàn kết, có khả năng biến Châu Âu thành một mô hình chào đón và bình đẳng xã hội được dẫn dắt bởi các giá trị nền tảng chung. Dự án Châu Âu tiếp tục là sự bảo đảm phát triển căn bản cho những người từ lâu chia sẻ trong nó và là cơ hội cho hòa bình sau hậu quả của những xung đột bất ổn và tổn thương cho các quốc gia mong muốn được tham gia vào nó.

Do đó, Châu Âu đừng đánh mất sự khôn ngoan của tình đoàn kết đã tạo ra sự khác biệt trong nhiều thế kỷ, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất lịch sử của mình. Ước mong Châu lục không đánh mất tinh thần đó, là tinh thần tìm thấy cội nguồn của nó, cùng với những điều khác, trong sự trung thành của La Mã (nguyên văn tiếng Anh: Roman pietas) và đức ái Ki-tô giáo (nguyên văn tiếng Anh: Christian caritas) đã định hình tinh thần của các dân tộc châu Âu. Trận hỏa hoạn tại nhà thờ Đức Bà ở Paris cho thấy ngay cả những điều có vẻ là vô cùng vững chắc cũng có thể trở nên mong manh và dễ dàng bị phá hủy. Sự thiệt hại của một tòa kiến trúc không chỉ quý giá đối với người Công giáo mà còn quan trọng đối với tất cả nước Pháp và toàn nhân loại, đã làm sống lại câu hỏi về những giá trị lịch sử và văn hóa của Châu Âu, và cội nguồn sâu xa hơn. Trong các tình huống thiếu những khung giá trị thì việc xác định các yếu tố chia rẽ trở nên dễ dàng hơn so với các những tố gắn kết.

Lễ kỷ niệm năm thứ ba mươi ngày Bức tường Berlin sụp đổ nhắc nhở chúng ta về một trong những biểu tượng đau đớn nhất của Lịch sử châu lục gần đây và một lần nữa khiến chúng ta nhận ra rằng thật quá dễ dàng để dựng lên các rào cản. Bức tường Berlin vẫn là biểu tượng của một nền văn hóa chia rẽ khiến mọi người xa lánh nhau và mở đường cho chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Chúng ta thấy điều này ngày càng nhiều trong những lời nói thù hận lan rộng trên internet và trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta cần những cầu nối hòa giải và đoàn kết thay cho những bức tường thù hận; chúng ta cần những gì kéo mọi người lại gần nhau hơn thay cho những gì làm chúng ta xa cách. Vì như đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo hoàng Benedict XV đã viết cách đây một trăm năm, chúng ta biết rằng, “không thể có hòa bình ổn định … nếu không có sự hòa giải đặt nền tảng trên đức ái với nhau như một phương tiện để dập tắt sự oán thù và xua tan thù hằn.”.[18]

Thưa quý ngài Đại sứ,

Tôi đã có thể nhìn thấy những dấu hiệu của nền hòa bình và sự hòa giải trong chuyến thăm Châu Phi của tôi, với niềm vui thể hiện rõ ràng nơi những người mang cảm thức là một phần của một dân tộc và cùng nhau đương đầu với những thách thức của cuộc sống mỗi ngày trong tinh thần chia sẻ. Tôi đã trải nghiệm được niềm hy vọng cụ thể trong nhiều sự kiện đáng khích lệ, bắt đầu với những tiến bộ xa hơn đạt được ở Mozambique qua việc ký kết Thỏa thuận Chấm dứt Hoàn toàn những hận thù ngày 1 tháng Tám năm 2019.

Ở Madagascar, tôi đã nhìn thấy cách thức xây dựng nền an ninh ở nơi trước đây có sự bất ổn, để nhìn thấy niềm hy vọng có nền tảng chắc chắn, để thấy các tín hiệu của sự sống ở một nơi mà nhiều người tuyên bố cái chết và sự hủy diệt.[19] Điều cần thiết trong vấn đề này là các gia đình và ý thức cộng đồng có thể cho phép sự phát triển tin tưởng nền tảng đó là gốc rễ của mọi mối quan hệ con người. Ở Mauritius, tôi được chứng kiến “các tôn giáo khác nhau cùng chung tay đóng góp cho sự hòa hợp xã hội và nâng đỡ giá trị siêu việt của sự sống chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa giản lược, trong khi vẫn tôn trọng bản sắc riêng của mình”.[20] Tôi tin rằng sự nhiệt tình, điều được thể hiện rõ ràng tại mọi thời điểm trong hành trình của tôi, sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những hành động chấp nhận và các dự án có khả năng thúc đẩy công bằng xã hội và tránh những thái độ loại trừ.

Mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến các khu vực khác của lục địa, thật đau đớn khi chứng kiến những bạo lực liên tục tấn công người vô tội, trong đó có nhiều Ki-tô hữu bị đàn áp và giết chết vì trung thành với Tin Mừng, đặc biệt là ở Burkina Faso, Mali, Nigeria và Nigeria. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những nỗ lực của các quốc gia này nhằm loại bỏ tai họa của chủ nghĩa khủng bố đang làm đổ máu ngày càng nhiều ở khắp các vùng của Châu Phi, cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Trước những sự việc này, chúng ta cần thực hiện các chiến lược thiết thực không chỉ nhằm tăng cường an ninh, mà còn phải giảm bớt nghèo khổ, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, ưu tiên phát triển và hỗ trợ nhân đạo, và làm tốt công việc quản trị và thúc đẩy quyền công dân. Đây là những rường cột của sự phát triển xã hội đích thực.

Tương tự như vậy, cần phải khuyến khích các sáng kiến thúc đẩy tình huynh đệ giữa tất cả các nhóm văn hóa, sắc tộc và tôn giáo địa phương, đặc biệt trong vùng Sừng Châu Phi, ở Cameroon và Cộng hòa Dân chủ Congo, là những nơi bạo lực vẫn tiếp diễn, đặc biệt là ở phía đông đất nước. Tình hình xung đột và những khủng hoảng nhân đạo, trở nên trầm trọng hơn do sự biến đổi khí hậu, đang làm tăng nhanh số lượng người phải di tản và ảnh hưởng đến những người đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Nhiều quốc gia đang trải qua tình hình này bị thiếu những cơ cấu phù hợp để đáp ứng các nhu cầu của người di tản.

Thật đáng buồn, về vấn đề này, tôi xin nói rằng vẫn chưa có một phản ứng quốc tế kiên định để giúp giải quyết hiện tượng di tản trong nước. Điều này phần lớn là do thiếu một quy định thống nhất của quốc tế, vì hiện tượng đó diễn ra trong nội biên quốc gia. Hậu quả dẫn đến là những người di tản trong nước không nhận được sự bảo vệ mà họ xứng đáng được hưởng, và phải lệ thuộc vào các chính sách và khả năng đáp ứng của các quốc gia nơi họ đang sống.

Gần đây, Hội đồng Cấp cao của Liên hợp quốc về Di tản Trong nước đã bắt đầu hoạt động, và tôi hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý và sự hỗ trợ trên toàn thế giới cho những người di tản, đồng thời đưa ra các kế hoạch và dự án cụ thể.

Về vấn đề này, tôi cũng nghĩ đến Sudan, với niềm hy vọng tha thiết rằng công dân của họ sẽ có thể sống trong hòa bình và thịnh vượng, và hợp tác trong sự phát triển kinh tế và dân chủ của đất nước. Tôi cũng nghĩ về Cộng hòa Trung Phi, tại đây một thỏa thuận toàn cầu đã được ký kết vào tháng Hai năm ngoái để chấm dứt hơn 5 năm nội chiến. Tôi cũng nghĩ đến Nam Sudan, nơi tôi hy vọng có thể đến thăm trong năm nay. Tháng Tư vừa qua, tôi đã dành một ngày tĩnh tâm cho đất nước đó, với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo đất nước cùng với sự đóng góp vô cùng quý giá của Đức Justin Welby, Tổng Giám mục Canterbury, và Đức cha John Chalmers, cựu Điều phối viên của Giáo hội Trưởng lão Scotland. Tôi tin rằng, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, tất cả những người mang trọng trách chính trị sẽ theo đuổi việc đối thoại để thực hiện các thỏa thuận đạt được.

Chuyến đi cuối cùng vừa kết thúc của tôi trong năm qua là đến Đông Á. Ở Thái Lan, tôi chứng kiến sự hòa hợp là nét đặc trưng của nhiều nhóm sắc tộc trong nước với những triết lý, văn hóa và tôn giáo đa dạng của họ. Điều này thể hiện một thách thức đáng kể trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nơi mà những khác biệt có xu hướng bị xóa nhòa và được đánh giá chủ yếu về mặt kinh tế và tài chính, với nguy cơ xóa bỏ các đặc điểm riêng biệt của các dân tộc khác nhau.

Cuối cùng, ở Nhật Bản, tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi đau và sự kinh hoàng mà con người chúng ta có khả năng gây ra cho nhau.[21] Khi nghe những chứng ngôn của một số người Hibakusha là những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki, tôi thấy rõ rằng không thể xây dựng nền hòa bình thật sự dựa trên mối đe dọa hủy diệt toàn bộ loài người bằng vũ khí hạt nhân. Những người Hibakusha “giữ ngọn lửa của lương tâm tập thể luôn sống động, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về sự kinh hoàng của những gì đã xảy ra vào tháng Tám năm 1945 và những đau khổ không thể tả bằng lời vẫn còn tiếp tục cho đến thời điểm hiện tại. Chứng ngôn của họ làm thức tỉnh và lưu giữ ký ức của các nạn nhân, để lương tâm nhân loại có thể trỗi dậy khi đứng trước mọi khát khao thống trị và hủy diệt”,[22] đặc biệt là khao khát được thôi thúc bởi việc sở hữu các thiết bị có khả năng hủy diệt như vũ khí hạt nhân. Những vũ khí này không chỉ nuôi dưỡng bầu khí sợ hãi, nghi ngờ và thù địch; chúng còn phá hủy niềm hy vọng. Việc sử dụng chúng là vô đạo đức, là “một tội ác không những chống lại phẩm giá của con người mà còn chống lại mọi tương lai hứa hẹn cho ngôi nhà chung của chúng ta.” [23]

Một thế giới “không có vũ khí nguyên tử là có thể và cần thiết.”[24] Đã đến lúc các nhà lãnh đạo chính trị nhận ra rằng một thế giới an toàn hơn có được không phải bởi việc sở hữu các phương tiện hủy diệt hàng loạt mạnh mẽ mang tính răn đe, mà bằng các nỗ lực kiên trì của những con người thiện chí cống hiến cụ thể trong từng lĩnh vực riêng của mỗi người, để xây dựng một thế giới hòa bình, đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau.

Năm 2020 đặt ra một cơ hội quan trọng cho vấn đề này, khi Hội nghị Đánh giá lần thứ mười về Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân sẽ được tổ chức tại New York ngày 27 tháng Tư đến 22 tháng Năm tới. Tôi tha thiết hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ tìm cách đạt được sự đồng thuận cuối cùng và chủ động về những cách thức thực hiện công cụ pháp lý quốc tế này, là điều cho thấy vô cùng quan trọng trong thời đại của chúng ta.

Khi tôi kết thúc phần đánh giá về những nơi tôi đã đến thăm trong năm qua, suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến một quốc gia mà tôi chưa có dịp đến thăm, đó là nước Úc, bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây bởi các đám cháy dai dẳng cũng gây ảnh hưởng đến các khu vực khác ở Châu Đại dương. Tôi xin bảo đảm với người dân Úc, đặc biệt là các nạn nhân và tất cả những người trong các khu vực bị tàn phá bởi hỏa hoạn, về sự gần gũi và những lời cầu nguyện của tôi.

Thưa quý vị,

Năm nay, cộng đồng quốc tế kỷ niệm bảy mươi lăm năm ngày thành lập Liên Hợp quốc. Sau những thảm kịch đã trải qua của hai cuộc đại chiến thế giới, vào ngày 26 tháng Tư năm 1945, bốn mươi sáu quốc gia đã ký Hiến chương Liên hợp quốc và thiết lập một hình thức hợp tác đa phương mới. Bốn mục tiêu của Tổ chức, được quy định tại Điều 1 của Hiến chương, vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Chúng ta có thể nói rằng những nỗ lực của Liên Hợp quốc trong bảy mươi lăm năm qua phần lớn đã thành công, đặc biệt là ngăn chặn một cuộc thế chiến khác. Những nguyên tắc nền tảng của Tổ chức – khao khát hòa bình, theo đuổi công bằng, tôn trọng phẩm giá của nhân vị, hợp tác và hỗ trợ nhân đạo – thể hiện những khát vọng chính đáng của tinh thần con người và xây dựng những lý tưởng làm nền tảng cho các mối quan hệ quốc tế.

Trong năm kỷ niệm này, chúng ta ước mong tái khẳng định quyết tâm của toàn gia đình nhân loại làm việc vì ích chung như một tiêu chí cho hành động đạo đức và là mục tiêu truyền cảm hứng cho mỗi quốc gia cùng hợp tác để bảo đảm sự sống và an ninh hòa bình cho tất cả các quốc gia khác, trong tinh thần phẩm giá bình đẳng và sự đoàn kết hiệu quả, và trong một hệ thống pháp lý đặt nền tảng trên công bằng và theo đuổi những thỏa hiệp bình đẳng [25].

Điều này sẽ trở nên hiệu quả hơn khi những nỗ lực đó được thực hiện để vượt qua cách tiếp cận gián tiếp thể hiện trong ngôn ngữ và hành động của các cơ quan quốc tế, là sự tiếp cận tìm cách liên kết những quyền cơ bản với các tình huống bất ngờ. Cách tiếp cận như vậy quên đi rằng những quyền này thực chất là có cơ sở từ trong bản chất con người. Bất cứ khi nào ngôn ngữ của các tổ chức quốc tế mất đi mục tiêu rõ ràng, người ta sẽ mạo hiểm thúc đẩy sự xa rời hơn là nối lại tình hữu nghị giữa các thành viên của cộng đồng quốc tế, với sự khủng hoảng của hệ thống đa phương, là điều đang hiện lên rất rõ ràng đối với tất cả mọi người. Trong bối cảnh này, rõ ràng cần phải tiến tới việc cải cách tổng thể hệ thống đa phương, bắt đầu từ hệ thống LHQ để làm cho nó trở nên hiệu quả hơn, xét trong bối cảnh địa chính trị hiện nay.

Thưa quý vị Đại sứ,

Khi kết thúc những phản ánh này, tôi muốn đề cập đến hai ngày kỷ niệm khác cùng diễn ra trong năm nay, những kỷ niệm này dường như ít liên quan đến cuộc họp ngày hôm nay. Thứ nhất là kỷ niệm năm trăm năm ngày mất của Raphael [Raffaello Sanzio], người họa sĩ vĩ đại sinh quán ở Urbino, tạ thế tại Roma ngày 6 tháng Tư năm 1520. Raphael để lại cho chúng ta một di sản nghệ thuật vô giá vô cùng to lớn. Cũng giống như tài năng của người nghệ sĩ có thể pha trộn các chất liệu thô và những màu sắc và âm thanh khác nhau để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, cũng như vậy, nghệ thuật ngoại giao được kêu gọi phải làm hài hòa những đặc điểm khác biệt của các dân tộc và quốc gia khác nhau để xây dựng một thế giới công bằng và hòa bình. Thật vậy đây là một kiệt tác tuyệt mỹ mà tất cả chúng ta muốn được chiêm ngưỡng.

Raphael là một nhân vật quan trọng của thời Phục hưng, một kỷ nguyên làm phong phú toàn nhân loại. Đó là một kỷ nguyên cũng có những vấn đề riêng của nó, nhưng vẫn tràn đầy niềm tin và hy vọng. Để tưởng nhớ người nghệ sĩ kiệt xuất này, tôi xin gửi lời chào thân ái đến người dân Ý, với niềm hy vọng nguyện cầu rằng họ sẽ tái khám phá tinh thần cởi mở đó cho một tương lai khắc họa lại thời kỳ Phục hưng và làm cho bán đảo này trở nên đẹp đẽ và phong phú về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa.

Một trong những chủ đề hội họa yêu thích của Raphael là Đức Trinh Nữ Maria. Ông đã vẽ nhiều tác phẩm về Mẹ để ngày nay chúng ta được chiêm ngưỡng trong các bảo tàng trên khắp thế giới. Đối với Giáo hội Công giáo, năm nay đánh dấu kỷ niệm năm thứ bảy mươi ngày công bố Tín điều Mẹ Maria Đồng trinh Hồn xác lên trời. Nhìn đến Mẹ Maria, tôi có đôi lời đặc biệt xin gửi đến tất cả chị em phụ nữ, hai mươi lăm năm sau Hội nghị Phụ nữ Thế giới Lần thứ Tư của Liên hợp quốc, tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995. Tôi hy vọng rằng vai trò vô giá của phụ nữ trong xã hội ngày càng được công nhận trên toàn thế giới và tất cả các hình thức bất công, phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ sẽ chấm dứt. “Mọi hình thức bạo lực gây ra cho một người phụ nữ là sự báng bổ chống lại Thiên Chúa”.[26] Những hành vi bạo lực và bóc lột nhắm vào phụ nữ không chỉ đơn thuần là sai trái; chúng là tội ác phá hủy sự hài hòa, tính thơ và vẻ đẹp mà Thiên Chúa ban tặng cho thế giới.[27]

Đức Maria Hồn xác Lên trời cũng mời chúng ta nhìn đến sự hoàn thành hành trình trần thế của chúng ta, đến thời điểm khi công lý và hòa bình sẽ được tái thiết trọn vẹn. Vì thế, ước mong rằng chúng ta có thể cảm nhận động lực để làm việc một cách miệt mài, thông qua chính sách ngoại giao là sự đóng góp tuy không hoàn hảo nhưng luôn có giá trị của chúng ta, để thúc đẩy việc thực hiện khát khao hòa bình này, với niềm tin có thể đạt được mục tiêu. Thưa các vị Đại sứ và quý khách, tái khẳng định cam kết này, tôi xin gửi đến tất cả quý vị, và quốc gia của quý vị, những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một năm mới tràn đầy hy vọng và muôn ơn lành. 

Cảm ơn quý vị!

__________________________

[1] Cf. Message for the 2020 World Day of Peace, 8 December 2019, 1.

[2] Ibid.

[3] Address at the Meeting with Authorities, the Diplomatic Corps and Representatives of Society, Panama, 24 January 2019.

[4] Cf. Motu Proprio Vox Estis Lux Mundi, 7 May 2019.

[5] Message for the Launch of the Global Compact on Education, 12 September 2019.

[6] Cf. ibid.

[7] Angelus, Les Combes, 17 July 2005.

[8] Encyclical Letter Laudato Si’, 24 May 2015, 13.

[9] Message for the 2020 World Day of Peace, 8 December 2019, 4.

[10] Final Document of the Synod of Bishops for the Amazon Region, “The Amazon: New Paths for the Church and for an Integral Ecology”, 2.

[11] Document on Human Fraternity for World Peace and Living Together, Abu Dhabi, 4 February 2019.

[12] Ibid.

[13] Cf. ibid.

[14] Appeal of His Majesty King Mohammed VI and His Holiness Pope Francis on Jerusalem/Al Quds, the Holy City and a place of encounter, Rabat, 30 March 2019.

[15] Cf. ibid.

[16] Angelus, 5 January 2020.

[17] Cf. Address to the European Parliament, Strasbourg, 25 November 2014.

[18] BENEDICT XV, Encyclical Letter Pacem, Dei Munus Pulcherrimum, 23 May 1920.

[19] Cf. Greeting in the Akamasoa City of Friendship, Antananarivo, 8 September 2019.

[20] Address to the Authorities, Representatives of Civil Society and the Diplomatic Corps, Port Louis, 9 September 2019.

[21] Cf. Address on Nuclear Weapons, Nagasaki, 24 November 2019.

[22] Message for the 2020 World Day of Peace, 8 December 2019, 2.

[23] Address at the Meeting for Peace, Hiroshima, 24 November 2019.

[24] Address on Nuclear Weapons, Nagasaki, 24 November 2019.

[25] Cf. JOHN XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris, 11 April 1963, 98 [ed. Carlen].

[26] Homily for the Solemnity of Mary, Mother of God and for the 2020 World Day of Peace, 1 January 2020.

[27] Cf. La donna è l’armonia del mondo. Meditation at morning Mass in the chapel of the Domus Sanctae Marthae, 9 February 2017.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/1/2020]