Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 15 tháng 10, 2023: “Thiên Chúa là Tình yêu, mời gọi chúng ta nhưng không ép buộc chúng ta”


“Thiên Chúa là Tình yêu, mời gọi chúng ta nhưng không ép buộc chúng ta”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô ngày 15 tháng 10, 2023: “Thiên Chúa là Tình yêu, mời gọi chúng ta nhưng không ép buộc chúng ta”

*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay (15/10/2023), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin cùng các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong huấn từ trước giờ Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa. Thời gian này không phải là lãng phí, nhưng giúp chúng ta kết nối với Ngài và với tha nhân và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Thời gian đó có thể dành cho việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và làm việc bác ái.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________________

Trước giờ Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về một vị vua chuẩn bị tiệc cưới cho con trai mình (x. Mt 22:1-14). Nhà vua là một người quyền lực, nhưng trên hết ông là người cha quảng đại, mời gọi người khác đến chia sẻ niềm vui của mình. Đặc biệt, ông thể hiện tấm lòng nhân hậu ở chỗ ông không ép buộc bất kỳ ai mà mời gọi tất cả mọi người, mặc dù cách làm này khiến ông có thể bị từ chối. Hãy lưu ý: ông chuẩn bị một bữa tiệc, sẵn sàng tạo cơ hội gặp gỡ, cơ hội dự yến tiệc. Đây là điều Thiên Chúa chuẩn bị cho chúng ta: một bữa tiệc, để hiệp thông với Người và với nhau. Và như vậy, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi. Nhưng tiệc cưới đòi hỏi thời gian và sự dấn thân từ phía chúng ta: nó đòi hỏi tiếng “xin vâng”: lên đường, lên đường theo tiếng mời gọi của Chúa. Chúa mời gọi, nhưng Người để chúng ta tự do.

Đây là mối tương quan mà Chúa Cha ban cho chúng ta: Người kêu gọi chúng ta ở lại với Người, trao cho chúng ta khả năng chấp nhận hoặc không chấp nhận lời mời. Ngài không đề nghị với chúng ta một mối quan hệ phục tùng, nhưng đúng hơn là mối tương quan phụ tử, điều này nhất thiết phải được đặt cơ sở trên sự đồng ý tự do của chúng ta. Thiên Chúa tôn trọng tự do; rất tôn trọng. Thánh Augustinô dùng một cách diễn đạt rất hay về vấn đề này, ngài nói: “Đấng đã tạo dựng nên chúng ta mà không cần sự trợ giúp của chúng ta sẽ không giải thoát chúng ta nếu không có sự đồng ý của chúng ta” (Bài giảng CLXIX, 13). Và chắc chắn không phải vì Chúa không có khả năng làm điều đó – Thiên Chúa là Đấng toàn năng! – nhưng bởi vì, Người là tình yêu, Người hoàn toàn tôn trọng sự tự do của chúng ta. Thiên Chúa đề nghị: Người không áp đặt, không bao giờ.

Bây giờ chúng ta trở lại với dụ ngôn: đức vua – bản văn nói – “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến” (c.3). Đây là bi kịch của câu chuyện: nói “không” với Thiên Chúa. Nhưng tại sao con người từ chối lời mời của Chúa? Có thể đó là một lời mời khó chịu chăng? Không, tuy nhiên – Tin Mừng nói – “nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn” (câu 5). Họ không quan tâm, vì họ đang nghĩ đến những công việc riêng của họ. Và vị vua đó, là một người cha, là Chúa, Người làm gì? Người không bỏ cuộc, Người tiếp tục mời gọi; thật ra, Chúa mở rộng lời mời cho đến khi tìm được những người nhận lời mời, trong số những người nghèo. Trong số những người biết mình chẳng có gì nhiều, nhiều người đến cho đến khi chật kín hội trường (x. câu 8-10).

Thưa anh chị em, đã bao nhiêu lần chúng ta không chú ý đến lời mời gọi của Chúa, vì chúng ta chỉ quan tâm đến công việc của bản thân! Thông thường, chúng ta cố gắng có thời gian rảnh rỗi, nhưng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tìm thời gian giải thoát: thời gian dành cho Thiên Chúa, thời gian soi sáng và chữa lành tâm hồn chúng ta, tăng thêm sự bình an, niềm tin và niềm vui trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, sự cô đơn và đánh mất ý nghĩa. Nó rất giá trị, vì được ở với Chúa, dành không gian cho Người là điều tốt lành. Ở đâu? Trong Thánh Lễ, trong việc lắng nghe Lời Chúa, trong cầu nguyện và trong việc bác ái, bởi vì qua việc giúp đỡ những người yếu đuối và nghèo khổ, bằng việc đồng hành với những người cô đơn, bằng cách lắng nghe những người đang xin sự chú ý, bằng cách an ủi những người đau khổ, chúng ta ở với Chúa, Đấng hiện diện nơi những người đang cần giúp đỡ. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những việc này là “phí thời gian”, nên họ nhốt mình trong thế giới riêng của họ; và điều đó thật buồn. Và điều này tạo ra nỗi buồn. Không biết bao nhiêu tâm hồn buồn bã! Vì lý do này: bởi vì họ đã đóng cửa lòng.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa như thế nào? Tôi dành cho Ngài không gian như thế nào trong ngày của tôi? Chất lượng cuộc sống của tôi phụ thuộc vào công việc và thời gian rảnh rỗi của tôi, hay phụ thuộc vào lòng yêu mến Thiên Chúa và tình yêu thương anh em, đặc biệt là những người đang cần giúp đỡ nhất? Chúng ta hãy tự hỏi mình điều này.

Xin Mẹ Maria, Đấng với tiếng “xin vâng” của Mẹ đã nhường chỗ cho Thiên Chúa, giúp chúng ta không bỏ qua những lời mời gọi của Chúa.

_______________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Tôi vô cùng đau buồn tiếp tục theo dõi những diễn biến đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi tiếp tục nghĩ đến nhiều người… đặc biệt là trẻ em và người già. Tôi lặp lại lời kêu gọi thả các con tin và tôi mạnh mẽ yêu cầu rằng trẻ em, người bệnh, người già, phụ nữ và tất cả thường dân không trở thành nạn nhân của cuộc xung đột. Luật nhân đạo phải được tôn trọng, đặc biệt là ở Gaza, nơi vô cùng cần thiết và cấp bách bảo đảm các hành lang nhân đạo và trợ giúp toàn thể người dân. Thưa anh chị em, đã có nhiều người chết rồi. Xin làm ơn, đừng làm đổ máu người vô tội nữa, ở Thánh địa cũng như ở Ukraine, cũng như ở bất kỳ nơi nào khác! Đủ rồi! Chiến tranh luôn luôn là sự thất bại!

Cầu nguyện là sức mạnh hiền lành và thánh thiện để chống lại sức mạnh độc ác của hận thù, khủng bố và chiến tranh. Tôi mời gọi tất cả các tín hữu hiệp nhất với Giáo hội tại Thánh Địa và dành ngày Thứ Ba tới, ngày 17 tháng Mười, để cầu nguyện và ăn chay. Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ. [Kính mừng Maria].

Mối quan ngại của tôi đối với cuộc khủng hoảng ở Nagorno-Karabakh vẫn chưa suy giảm. Ngoài tình hình nhân đạo của những người phải di tản – vốn rất nghiêm trọng – tôi đưa ra lời kêu gọi đặc biệt để bảo vệ các tu viện và nơi thờ phượng trong khu vực. Tôi hy vọng rằng những nơi đó được tôn trọng và bảo vệ như một phần của văn hóa địa phương, bắt đầu từ Chính quyền và tất cả người dân, là cách thể hiện đức tin và là dấu chỉ của tình huynh đệ giúp chúng ta có thể chung sống với nhau gạt bỏ những khác biệt.

Hôm nay Tông huấn về Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu và Thánh Nhan được công bố, có tựa đề “C’est la confiance”: quả thực, như vị Đại Thánh và là Tiến sĩ Giáo hội này đã làm chứng, tín thác vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa là con đường dẫn đưa chúng ta đến với trái tim của Chúa và Tin Mừng của Người.

Cha bày tỏ sự gần gũi với cộng đồng Do Thái ở Roma, nơi kỷ niệm 80 năm những cuộc trục xuất của Đức Quốc xã vào ngày mai.

Cha xin chào tất cả anh chị em, người dân Roma và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Huynh đệ đoàn Gonfalone Subiaco và Câu lạc bộ “Fiat 500” của Roma.

Cha gửi lời chào hơn 400 nhà truyền giáo trẻ của New Horizons cũng như các hiệp hội và cộng đoàn khác, từ hôm qua đến Chúa nhật tuần tới tham gia vào “Sứ mệnh đường phố” ở Rome này, đi đến những nơi mà giới trẻ tụ tập, trong trường học, bệnh viện, nhà tù và xuống đường để loan báo niềm vui của Tin Mừng. Họ rất giỏi! Chúng ta hãy hỗ trợ họ bằng lời cầu nguyện khi họ dấn thân lắng nghe tiếng kêu của nhiều người trẻ và nhiều người đang cần tình yêu thương.

Cha đang nhìn những lá cờ Ukraine: chúng ta đừng quên Ukraine đang bị hành hạ.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2023]


Đức Thánh Cha hai lần gọi điện cho linh mục quản xứ Gaza

Đức Thánh Cha hai lần gọi điện cho linh mục quản xứ Gaza

Đức Thánh Cha hai lần gọi điện cho linh mục quản xứ Gaza

Anna Kurian

14/10/23

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã khiến Đức Thượng phụ Latinh của Giêrusalem phải trở về với đoàn chiên của ngài, trong khi Vatican và những tham dự viên Thượng hội đồng cầu nguyện cho hòa bình.

Tuần này nhuốm màu tang tóc tại Vatican. Cuộc tấn công của Hamas vào Israel khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, và sự trả thù của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza, là tâm điểm mối quan tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và các nghị phụ thượng hội đồng họp tại Rome.


Đức tân Hồng y của Thánh Địa trở về Giêrusalem

Đức Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, đã đến Rome để lãnh nhận chức hồng y vào ngày 30 tháng Chín và tham dự khai mạc Thượng hội đồng vào ngày 4 tháng Mười. Hiện tại, ngài phải cấp bách trở về với đoàn chiên của ngài vì cuộc xung đột ở Thánh địa đang nổ ra cách tàn bạo với những cuộc bắn phá quy mô lớn.

Đức Hồng y giải thích với Vatican News: “Tôi chỉ có thể trở về [vào thứ Hai] với sự giúp đỡ của các cơ quan dân sự và quân sự của Israel và Jordan, vì tôi đi qua Jordan”. Đức Thượng phụ Latinh, vừa được tấn phong hồng y, nhận thấy “một đất nước sợ hãi” và “quá nhiều tức giận và quá nhiều mong chờ để nhận được một lời hướng dẫn, an ủi cũng như sự rõ ràng về những gì đang diễn ra”.

Đức Hồng Y Pizzaballa gần đây đã nhiều lần cảnh báo về ngọn lửa âm ỉ bên dưới đống than, đề cập đến tình hình đáng lo ngại của người Palestine. Ngài nói với Vatican News rằng ngài rất buồn vì đã trở thành “một nhà tiên tri dễ dàng”.

Ngài nói: “Mọi người đều có thể thấy sự leo thang của cuộc xung đột. Nhưng không ai có thể lường trước được sự bùng nổ bạo lực, tầm mức và tính hung tàn như vậy”.
Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Hôm Chúa nhật, một ngày sau cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel, nổ ra vào thời gian cao điểm của lễ hội Simchat Torah của người Do Thái, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi từ cửa sổ của Điện Tông tòa trong giờ Kinh Truyền tin mà ngài chủ trì tại Quảng trường Thánh Phêrô. “Chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh không dẫn đến bất kỳ giải pháp nào”, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cảnh báo, đồng thời bày tỏ sự đau buồn trước những biến cố này. “Xin hãy chấm dứt các cuộc tấn công và vũ khí!” Vị Giám mục Roma nói và cầu xin “hòa bình ở Israel và Palestine”.
Các thành viên Thượng Hội đồng cầu nguyện cho hòa bình

Các thành viên Thượng Hội đồng hưởng ứng lời cầu nguyện này, dành riêng buổi cầu nguyện sáng thứ Năm cho hòa bình thế giới. Được chủ trì bởi Đức Hồng y Raphaël Sako người Iraq, các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã đặc biệt đề cập đến Thánh Địa, Lebanon, Ukraine và Iraq. Mối quan tâm chung này đã được lặp lại trong một số bài phát biểu trong suốt những ngày qua.


Những lời kêu gọi mới của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khi các cuộc oanh tạc tiếp tục diễn ra, Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi mới tại buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư. Bị tác động mạnh bởi cuộc chiến này, ngài kêu gọi thả các con tin bị Hamas bắt giữ ở Dải Gaza. Thừa nhận quyền tự vệ của Israel, tuy nhiên, ngài cho biết ngài “rất quan ngại về cuộc bao vây toàn diện” áp đặt lên Dải Gaza, nơi sinh sống của 2,3 triệu người Palestine. “Trung Đông không cần chiến tranh, nhưng cần hòa bình, một nền hòa bình được xây dựng trên đối thoại và sự can đảm của tình huynh đệ”, Đức Giáo hoàng thứ 266 nhấn mạnh.

Vị Giáo hoàng người Argentina cũng đã hai lần gọi điện cho Cha Gabriel Romanelli, linh mục giáo xứ Gaza, bày tỏ “sự gần gũi và những lời cầu nguyện” của ngài và tìm hiểu “mọi người đang như thế nào”.

Giáo xứ Gaza hiện đang đón nhận 150 người mất nhà cửa hoặc đang tìm nơi ẩn náu tránh các vụ đánh bom.

Dù có những lời kêu gọi khẩn cấp từ Vatican, gồm cả các bài phát biểu của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Đức Hồng Y Pizzaballa bày tỏ lo ngại “rằng đây sẽ là một cuộc chiến rất dài”.

Ngài cảnh báo: “Có khả năng phản ứng của Israel không chỉ giới hạn ở việc ném bom, mà sẽ có một hoạt động trên bộ”, đồng thời mong đợi “một giai đoạn mới trong đời sống của đất nước này cũng như trong các mối quan hệ giữa Israel và Palestine”.

Ngài nói thêm: “Nếu chúng ta có thể nói về các mối quan hệ.”



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/10/2023]