Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Philippines: Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám mục Công giáo lên án vụ tấn công vào Nhà thờ Chính tòa ở Thành phố Miền nam

Philippines: Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám mục Công giáo lên án vụ tấn công vào Nhà thờ Chính tòa ở Thành phố Miền nam

Ít nhất 20 người chết và hàng chục người bị thương

27 tháng Một, 2019 20:44
Philippines: Đức Thánh Cha Phanxico, các Giám mục Công giáo lên án vụ tấn công vào Nhà thờ Chính tòa ở Thành phố Miền nam


Theo bản tin của CBCP News, các giám mục Công giáo lên án vụ đánh bom kép rung chuyển một nhà thờ chính tòa ở thành phố miền Nam của Philippine hôm Chúa nhật cướp đi sinh mạng nhiều người.

Ít nhất 20 người đã chết và hàng chục người bị thương trong vụ việc mà Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines mô tả như là một “hành động khủng bố.”

Bày tỏ “sự lên án mạnh mẽ nhất” về vụ tấn công khủng bố được thực hiện tại Nhà thờ Chính tòa Jolo ở Philippines khi Thánh Lễ đang diễn ra, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa “hoán cải tâm hồn của những kẻ gây ra bạo lực và ban cho người dân của vùng đó một sự chung sống hòa bình,” Vatican News cho biết.

Đức Thánh Cha lên tiếng trong ngày cuối cùng của Ngày Giới trẻ Thế giới 2019 tại Panama rằng ngài phó dâng 20 nạn nhân của vụ khủng bố cho Chúa Ki-tô và Mẹ Đồng Trinh, và ngài nói rằng nó đem đến “sự tang tóc mới cho cộng đồng Ki-tô hữu.”

Các đức Giám mục đang trong ngày thứ hai của hội nghị khoáng đại thông thường ở Manila và các ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ và xin Chúa chấm dứt bạo lực.

“Chúng tôi xin chia buồn với các gia đình của nhiều quân nhân và dân thường đã bị sát hại bởi những vụ nổ bom,” Đức Tổng Giám mục Romulo Valles nói, ngài là Chủ tịch CBCP.

Một trái bom phát nổ bên trong Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Núi Carmel ở thành phố Jolo thuộc tỉnh Sulu lúc 8:30 sáng khi các tín hữu đang tham dự thánh lễ.

Một vài giây đồng hồ sau, một vụ nổ khác làm rung chuyển bãi đậu xe của nhà thờ chính tòa.

Những vụ tấn công xảy ra vài ngày sau khi các cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý đã ủng hộ việc thành lập một khu tự trị Hồi giáo đã được Ủy ban Bầu cử thông qua.

Cơ quan thăm dò cho biết 1,5 triệu người đã bỏ phiếu ủng hộ Khu tự trị Bangsamoro thuộc khu Tự trị Hồi giáo Mindanao.

Tuy nhiên, phần đông người dân ở Sulu đã bỏ phiếu chống lại luật Bangsamoro.

Trong lúc khu vực bắt đầu một giai đoạn mới trong tiến trình hòa bình, các giám mục đã kêu gọi người Kitô hữu phải “chung tay với tất cả các cộng đồng Hồi giáo và người bản địa yêu chuộng hòa bình trong cuộc vận động chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực.”

Các ngài nói, “Ước mong tất cả các tôn giáo yêu chuộng hòa bình của chúng ta hướng dẫn chúng ta trong cuộc tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn cho các dân tộc Mindanao.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/1/2019]


Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nhà thờ Chính tòa Santa Maria La Antigua ở Panama (Toàn văn)

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nhà thờ Chính tòa Santa Maria La Antigua ở Panama (Toàn văn)
ZENIT Photo

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Nhà thờ Chính tòa Santa Maria La Antigua ở Panama (Toàn văn)

‘Chúa biết rõ sự mệt mỏi là như thế nào, và chính trong sự mệt mỏi của Người mà nhiều cuộc chiến đấu của các quốc gia và dân tộc, các cộng đồng của chúng ta và tất cả những ai đang rã rời và mang những gánh nặng đều có thể tìm được một chỗ’

26 tháng Một, 2019 16:52

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ ngài dâng trong Nhà thờ Chính tòa Santa Maria La Antigua ở Panama, trong ngày thứ ba của chuyến Tông du đến quốc gia này nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới 2019:


***


“Giếng của Gia-cóp ở đó, và Chúa Giê-su sau cuộc hành trình mệt mỏi của Ngài, đã ngồi xuống bên cạnh giếng. Lúc đó khoảng giờ thứ sáu. Rồi một phụ nữ người Samari đến lấy nước. Chúa Giê-su nói với chị, ‘Chị cho tôi xin chút nước uống’” (Ga 4:6-7).

Tin mừng chúng ta vừa nghe không ngần ngại cho chúng ta thấy Chúa Giê-su mệt mỏi rã rời sau cuộc hành trình. Lúc giữa trưa khi mặt trời thể hiện toàn bộ sức mạnh và sức nóng của mình, chúng ta nhìn thấy Ngài ngồi bên cạnh bờ giếng. Ngài cần được nghỉ ngơi và làm dịu cơn khát, để làm mạnh mẽ lại những bước chân, để tái khám phá sức mạnh và tiếp tục sứ mạng của Ngài.

Riêng các môn đệ đã có kinh nghiệm về mức độ cam kết và sự sẵn sàng của Chúa mang Tin mừng đến cho những người nghèo hèn, băng bó những tâm hồn tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm và phóng thích cho những tù nhân, yên ủi mọi kẻ khóc than và công bố một năm hồng ân của Đức Chúa cho tất cả mọi người (cf. Is 61:1-3). Đây là tất cả những hoàn cảnh làm hao mòn cuộc sống và năng lượng; tuy nhiên chúng cho chúng ta thấy những giây phút quan trọng trong cuộc đời của Chúa, những giây phút trong đó bản tính con người của chúng ta có thể tìm được lời của Sự Sống.

Với cuộc sống bắt buộc chúng ta phải bận rộn, chúng ta khá dễ dàng hình dung và đặt mình vào hoạt động của Chúa. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết cách chiêm ngưỡng và cùng đồng hành với “sự mệt mỏi” của Ngài; vì dường như nó là điều gì đó không thích hợp đối với Thiên Chúa. Chúa biết rõ sự mệt mỏi là như thế nào, và chính trong sự mệt mỏi của Người mà nhiều cuộc chiến đấu của các quốc gia và dân tộc, các cộng đồng của chúng ta và tất cả những ai đang rã rời và mang những gánh nặng (x. Mt 11:28) đều có thể tìm được một chỗ.

Có nhiều lý do cho sự mệt mỏi trên bước đường của chúng ta là những linh mục, những người nam nữ sống đời tận hiến, và các thành viên của những phong trào giáo dân: từ những giờ làm việc quá dài đến mức không có nhiều thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi và ở bên gia đình, đến những điều kiện làm việc “độc hại” và những mối quan hệ dẫn đến kiệt sức và thất vọng. Từ những trách nhiệm đơn giản mỗi ngày đến những công việc đè nặng lặp đi lặp lại hàng ngày của những người không còn tìm được sự thư giãn, không tìm được nguồn động viên hoặc hỗ trợ cần thiết để tiếp tục công việc từ ngày này sang ngày khác. Từ những vấn đề nhỏ thông thường và có thể dự đoán được cho đến những khoảng thời gian áp lực kéo dài và căng thẳng. Cả một chuỗi những gánh nặng phải chịu.

Cố gắng đương đầu với tất cả những tình huống dồn dập tấn công vào đời sống của người sống đời tận hiến là điều không thể, nhưng từ tất cả những vấn đề đó, chúng ta cảm nhận một sự thúc bách đi tìm một cái giếng để làm thỏa cơn khát và dịu bớt sự mệt nhọc của chúng ta sau một hành trình. Như một lời khẩn xin thầm lặng, tất cả những tình huống này đều đòi hỏi tìm đến một cái giếng để từ đó chúng ta có thể tiếp tục lên đường.

Lâu nay, dường như thấp thoáng trong các cộng đoàn của chúng ta là một tình trạng mệt mỏi phảng phất, một sự mệt mỏi không liên quan gì với sự mệt mỏi của Chúa. Đó là một sự cám dỗ mà chúng ta có thể gọi nó là sự mệt mỏi trong hy vọng. Như trong Tin Mừng, sự mệt mỏi này được cảm nhận khi mặt trời đổ những tia nắng gay gắt và chói chang xuống với cường độ mạnh đến mức không thể tiếp tục những bước chân hay thậm chí là hướng trông về phía trước. Mọi thứ đều trở nên lẫn lộn. Cha không nói đến “những gánh nặng đặc biệt của tâm hồn” (x. Redemptoris Mater, 17; Evangelii Gaudium, 287) nơi những người cảm thấy “kiệt sức” vào cuối ngày, nhưng vẫn tìm được một nụ cười bình an và tri ân. Cha đang nói đến một loại mệt mỏi khác, xuất phát từ việc hướng trông về phía trước khi thực tại “ập đến” và đặt ra vấn đề về năng lượng, những tài nguyên và khả năng thực hiện sứ mạng của chúng ta trong thế giới đầy thách thức và thay đổi này.

Nó là một sự mệt mỏi làm tê liệt. Nó xuất phát từ việc hướng trông về phía trước nhưng không biết cách phải phản ứng như thế nào trước những thay đổi lớn và rắc rối mà xã hội chúng ta đang trải qua. Những thay đổi này dường như đặt vấn đề không chỉ với những cách thức trình bày và cam kết, hay những thái độ và thói quen của chúng ta khi đối mặt với thực tế, mà trong nhiều trường hợp, chúng đặt vấn đề hoài nghi về khả năng tồn tại của đời sống tu trì trong thế giới ngày nay. Và tốc độ của những thay đổi này có thể làm tê liệt những lựa chọn và ý kiến của chúng ta, trong khi những điều có ý nghĩa và là quan trọng trong quá khứ giờ đây dường như không còn giá trị.

Sự mệt mỏi trong hy vọng đến từ việc nhìn thấy một Giáo hội bị tổn thương bởi tội lỗi, và thường xuyên không nghe thấy được những tiếng kêu là âm vang tiếng kêu của Thầy: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46).

Chúng ta có thể quen sống với sự mệt mỏi trong hy vọng khi đứng trước một tương lai không chắc chắn và vô định, và điều này có thể mở đường cho một chủ nghĩa thực dụng ảm đạm len lỏi vào tâm hồn của những cộng đoàn chúng ta. Mọi việc bên ngoài diễn ra dường như bình thường, nhưng trong thực tế, đức tin đang sụp đổ và thất bại. Thất vọng trước một thực tại mà chúng ta không hiểu hoặc nghĩ rằng không có chỗ cho thông điệp của chúng ta, có thể chúng ta lại mở cửa đón nhận một trong những lạc giáo tồi tệ nhất có thể có trong thời đại chúng ta: một ý niệm cho rằng Thiên Chúa và các cộng đoàn của chúng ta không có điều gì để nói hay đóng góp trong thế giới mới đang được sinh ra (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 83). Những gì đã từng là muối và là ánh sáng cho thế giới cuối cùng đã trở nên nhạt và hao mòn.

Xin cho tôi chút nước uống

Sự mệt mỏi từ hành trình có thể xảy ra; chính hành trình đã tạo nên sự mệt mỏi. Dù muốn hay không, chúng ta hãy có lòng can đảm giống như Thầy, và nói rằng, “Xin cho tôi chút nước uống”. Như trường hợp của người phụ nữ Samari, và có lẽ với chính mỗi người chúng ta, chúng ta muốn thỏa cơn khát của mình không phải với bất kỳ loại nước nào, nhưng là với “mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:14). Giống như người phụ nữ Samari trong nhiều năm đã mang theo chiếc bình trống rỗng của những cuộc tình thất bại, chúng ta biết rằng không phải bất kỳ từ ngữ nào cũng có thể giúp chúng ta tìm lại được nguồn sức mạnh và sứ ngôn trong sứ mạng của mình; không phải bất kỳ sự mới lạ nào, dù có vẻ rất hấp dẫn, có thể làm dịu cơn khát của chúng ta. Cũng như người phụ nữ đó, chúng ta biết rằng không phải những kiến thức về tôn giáo hoặc những lựa chọn và những truyền thống của quá khứ hay hiện tại, luôn khiến chúng ta trổ sinh hoa trái và trở thành “những người thờ phượng đích thực trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4:23).

Chúa nói “Xin cho tôi chút nước uống” là Người yêu cầu chúng ta cũng phải nói lên những lời đó. Để nói được những lời đó, chúng ta phải mở rộng lòng và để cho niềm hy vọng bị rã rời của chúng ta mạnh dạn quay trở lại với giếng sâu của tình yêu ban đầu của chúng ta, khi Chúa Giê-su đi ngang qua, hướng mắt nhìn đến chúng ta với lòng thương xót và gọi chúng ta theo Ngài. Để nói được những lời đó, chúng ta phải làm sống lại ký ức khi ánh mắt của Người bắt gặp ánh mắt của chúng ta, khi Ngài làm cho chúng ta nhận biết rằng Ngài yêu thương chúng ta, không chỉ với tính cách cá nhân nhưng với cả cộng đoàn (x. Bài giảng Canh thức Phục sinh, 19 tháng Tư, 2014). Nó có nghĩa là vạch lại những bước đi của chúng ta, và trong sự trung tín sáng tạo, lắng nghe những cách thức Thần Khí truyền cảm hứng không phải là những công trình vĩ đại, những chương trình hoặc cơ cấu mục vụ, nhưng là qua con số của “những thánh nhân hàng xóm” – trong đó có những vị sáng lập các tổ chức của anh chị em cùng các giám mục và linh mục là những người đặt nền tảng cho các cộng đoàn của anh chị em – Người đã mang đến sức sống và hơi thở tươi mới cho một giây phút đặc biệt của lịch sử khi tất cả mọi hy vọng và phẩm giá dường như bị bóp nghẹt và tan nát.

“Xin cho tôi chút nước uống” có nghĩa là tìm lấy sự can đảm để được thanh tẩy và hồi phục lại phần chân thực nhất cho những đặc sủng ban đầu của chúng ta – trong đó không chỉ dành riêng cho đời sống tu trì nhưng dành cho đời sống của toàn Giáo hội nói chung – và nhìn thấy cách chúng được thể hiện ngày nay. Điều này có nghĩa là không những nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, mà còn tìm kiếm những căn nguyên cho nguồn cảm hứng của họ và để một lần nữa chúng lại cất tiếng vang rền giữa chúng ta (x. Đức Thánh Cha Phanxico - Fernando Prado, Sức mạnh của ơn gọi, 42).

“Xin cho tôi chút nước uống” có nghĩa là nhận biết rằng chúng ta cần có Thần Khí để khiến chúng ta trở thành những người nam và nữ luôn lưu tâm đến con đường, con đường cứu độ của Thiên Chúa. Và vững tin rằng Người sẽ thực hiện điều đó ngày mai, cũng như Người đã thực hiện nó hôm qua: “Trở về với cội nguồn giúp chúng ta sống hiện tại mà không hề sợ hãi, không nghi nan. Chúng ta sống mà không sợ hãi, để trả lời cho cuộc sống bằng niềm say mê của sự gắn kết với lịch sử, hòa mình vào tất cả mọi việc; bằng sự say mê của những tình nhân” (x. nt., 44).

Một niềm hy vọng rã rời sẽ được chữa lành và sẽ chào đón “sự mệt mỏi của tâm hồn” khi nó không hề e sợ quay trở lại nơi của tình yêu đầu tiên và tìm thấy cùng một bài ca, cùng một ánh mắt đã truyền cảm hứng cho bài ca và ánh mắt của những người đi trước chúng ta trong các vùng ngoại vi và những thách đố trước mặt chúng ta hôm nay. Theo cách này, chúng ta sẽ tránh được nguy cơ khởi đầu bằng chính bản thân con người chúng ta; chúng ta sẽ bỏ đi sự tự thán để gặp gỡ được ánh mắt nhìn của Đức Ki-tô khi Người vẫn tiếp tục đi tìm chúng ta hôm nay, để kêu gọi chúng ta và mời gọi chúng ta thực hiện sứ vụ.

[Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha] [Bản dịch (tiếng Anh) diễn từ của Đức Thánh Cha của Vatican]

© Libreria Editrice Vaticana



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2019]