Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Công vụ Tông đồ

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Công vụ Tông đồ
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: Sách Công vụ Tông đồ

‘Trong sách Công vụ Tông đồ, nhóm Mười Hai thể hiện phong cách của Chúa. Họ được chân nhận là những chứng nhân cho công cuộc của Đức Ki-tô’

12 tháng Sáu, 2019 13:23

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:10 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Sách Công vụ Tông đồ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về chủ đề: ông “được ghi tên vào với nhóm mười một” Tông đồ (trích đoạn kinh thánh: Trích Sách Công vụ Tông đồ 1:21-22.26).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT toàn văn huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức thánh Cha:


* * *

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã bắt đầu một loạt giáo lý bước theo “hành trình”: hành trình của Tin mừng, được tường thuật trong Sách Công vụ Tông đồ, vì quyển Sách này chắc chắn cho chúng ta nhìn thấy hành trình của Tin mừng, con đường Tin mừng vươn ra xa, xa hơn, xa hơn nữa … Tất cả đều bắt đầu từ sự Phục sinh của Đức Ki-tô. Quả thật, đây là không phải là một biến cố giữa nhiều biến cố, nhưng là nguồn mạch của đời sống mới. Các môn đệ biết điều đó và — tuân phục lệnh truyền của Chúa Giê-su — họ duy trì sự hiệp nhất trong sự đồng thuận và kiên trì trong việc cầu nguyện. Họ luôn ở bên Mẹ Maria, là Mẹ, và họ chuẩn bị đón nhận quyền năng của Chúa, không phải một cách thụ động nhưng để củng cố sự hợp nhất giữa họ.

Cộng đoàn đầu tiên được thành lập với khoảng hơn kém 120 anh chị em: một con số mang trong nó số 12, mang tính tượng trưng cho Israel, vì nó đại diện cho mười hai chi tộc, và nó tượng trưng cho Giáo hội, qua mười hai tông đồ được chọn bởi Chúa Giê-su. Tuy nhiên, sau những biến cố đau thương của cuộc Khổ nạn, các Tông đồ của Chúa không còn đủ 12 nữa, mà chỉ là 11. Một người trong đó, Giu-đa, không còn: anh ta đã tự tử, bị nghiền nát bởi sự hối hận.

Trước đó anh ta đã tách mình ra khỏi sự hợp nhất với Chúa và với những người khác, để đi theo con đường riêng của anh ta, tự cô lập mình, gắn chặt mình với đồng tiền đến mức biến người nghèo thành công cụ, đánh mất tầm nhìn về chân trời của tính nhưng không và món quà của chính mình, cho phép con vi-rút của lòng kiêu ngạo nhiễm vào tâm trí và con tim của anh ta và biến anh ta từ “người bạn” (Mt 26:50) thành kẻ thù và là “tên dẫn đường cho những người bắt Đức Giê-su: (Cv 1:16). Giu-đa đã nhận được ơn huệ lớn lao được là một phần trong nhóm những người thân cận nhất của Chúa Giê-su và cùng tham gia vào thừa tác vụ với Người, nhưng đến một thời điểm anh ta đòi tự mình giải thoát cho sự sống của riêng mình và dẫn đến kết quả là đánh mất nó (x. Lc 9:24). Anh ta cắt đứt tâm hồn của mình không còn thuộc về Chúa Giê-su và tự tách mình ra khỏi sự hiệp nhất với Người và những người của Ngài. Anh ta dứt bỏ không còn là một người môn đệ và đặt mình lên cao hơn Thầy. Anh ta bán Ngài và với “phần thưởng cho sự xấu xa của mình” anh ta đã mua một miếng ruộng, miếng ruộng không để sản sinh hoa trái nhưng là thấm chính máu của anh ta (x. Cv 1:18-19).

Nếu Giu-đa thích sự chết hơn sự sống (x. Đnl 30:19; Hc 15:17) và noi theo gương của những con người xấu xa đi theo con đường của bóng tối và sẽ bị phá hủy (x. Cn 4:19; Tv 1:6), thay vì vậy, nhóm Mười Một chọn sự sống và phúc lành, mang lấy trách nhiệm làm cho nó tuôn chảy trong bước ngoặt của lịch sử, từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ dân tộc Israel đến Giáo hội.

Tác giả Tin mừng Luca cho chúng ta thấy khuôn mặt ruồng bỏ của một người trong nhóm Mười Hai, nó tạo ra một vết thương trong thân thể của cộng đoàn, việc cần thiết là phải chuyển vị trí của anh ta sang cho một người khác. Và ai có thể gánh vác việc đó? Phê-rô chỉ định điều kiện cần thiết: thành viên mới buộc phải từng là một môn đệ của Chúa Giê-su từ thuở đầu, cụ thể là từ khi chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan, cho đến cuối cùng, tức là tới khi Chúa về Trời (x. Cv 1:21-22). Rất cần thiết phải tái lập lại nhóm Mười Hai. Đến lúc này, việc thi hành sự phân định trong cộng đoàn bắt đầu, nó bao gồm trong cách nhìn thực tại bằng đôi mắt của Chúa, từ quan điểm của sự hiệp nhất và cộng đoàn.

Có hai ứng viên: Giô-sép Ba-sa-ba và Mát-thi-a. Rồi toàn thể cộng đoàn cầu nguyện: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ đi” (Cv 24-25). Và qua việc rút thăm, Chúa chọn Mát-thi-a, người được ghi tên vào với Nhóm Mười Một. Như vậy, nhóm Mười Hai được tái lập cho thấy rằng sự hợp nhất chiến thắng chia rẽ, chiến thắng sự cô lập, chiến thắng trạng thái tâm lý muốn tuyệt đối hóa không gian riêng, cho thấy rằng sự hợp nhất là chứng tá đầu tiên mà các Tông đồ đưa ra. Chúa Giê-su nói với các ông: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35).

Trong Công vụ Tông đồ, nhóm Mười Hai thể hiện phong cách của Chúa. Các ông được trao phó làm chứng nhân cho công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô và các ông không thể hiện cho thế giới thấy điều được cho là sự hoàn hảo, nhưng qua ơn hiệp nhất, các ông làm cho Người khác trổi lên, người đó bây giờ sống một cách sống mới giữa dân tộc của Ngài. Và người đó là ai? Đó chính là Chúa Giê-su. Các Tông đồ chọn cách sống dưới quyền uy của Đấng Sống lại trong sự hiệp nhất với anh em, điều đó trở thành bầu khí duy nhất để có thể đạt được ơn cho đi bản thân đích thực.

Chúng ta cũng cần phải tái khám phá vẻ đẹp của việc làm chứng cho Đấng Phục sinh, thoát ra khỏi những thái độ tự tham khảo, từ bỏ việc ngăn lại những ơn của Chúa và không chiều theo tính tầm thường. Việc tái thành lập Tông đồ Đoàn cho thấy trong DNA của cộng đoàn Ki-tô hữu thì sự hiệp nhất và sự tự do, là những điều làm cho con người không e sợ tính đa dạng, không gắn chặt bản thân vào những của cải và những món quà mà trở thành những người tử đạo, những chứng nhân tỏa sáng của Thiên Chúa hằng sống và hoạt động trong lịch sử.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/6/2019]


Sứ điệp hòa bình và tỏ lòng kính trọng của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 75 năm những cuộc đổ bộ vào Normandy (Toàn văn)

Sứ điệp hòa bình và tỏ lòng kính trọng của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm 75 năm những cuộc đổ bộ vào Normandy (Toàn văn)

Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục đọc sứ điệp trong lễ Kỷ niệm tại Pháp

07 tháng Sáu, 2019 13:04

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm cuộc đổ bộ Normandy (6 tháng Sáu năm 1944), Đức Thánh Cha tỏ lòng kính trọng đối với “tất cả những binh sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Pháp, đã dũng cảm cam kết hy sinh mạng sống vì nền tự do và hòa bình.”

Trong sứ điệp được đọc bởi Đức Hồng Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục, trong buổi lễ kỷ niệm ở Pháp, Đức Thánh Cha động viên người Ki-tô hữu, “cùng với tín đồ của các tôn giáo khác và những người thiện chí, để thúc đẩy một tình huynh đệ đại kết thật sự, thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ và đối thoại, chú ý đến những người bé mọn và người nghèo.”

Nhắc đến trong sứ điệp của ngài với những người “ở phía Đức, đã chiến đấu trong sự phục tùng một chính thể bị điều khiển bởi một hệ tư tưởng chết chóc,” Đức Thánh Cha bày tỏ “mong ước rằng buổi lễ tưởng niệm này sẽ làm cho tất cả các thế hệ, ở Châu Âu và trên toàn thế giới, tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng hòa bình được xây dựng trên sự tôn trọng mỗi con người, bất kể lịch sử người đó là gì, trên sự tôn trọng luật pháp và ích chung, và tạo vật đã được trao phó cho chúng ta và gia tài đạo đức được truyền lại bởi những thế hệ đã qua.”

Đức Hồng y người Canada chủ sự một lễ kỷ niệm đại kết ngày 6 tháng Sáu, 2019, trước sự hiện diện của Thủ tướng Anh Theresa May, trong Nhà thờ Chính tòa Bayeux, là thành phố đầu tiên được giải phóng của Pháp.


* * *

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico

Thưa Đức ông Jean-Claude Boulanger

Giám mục của Bayeux-Lisieux

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày đổ bộ Normandy, tôi xin bày tỏ tình gần gũi tinh thần và lời cầu nguyện của tôi, xin gửi đến đức ông lời chào nồng ấm của tôi, cũng như các Đức Giám mục, đại diện của các nền tảng Tuyên xưng Ki-tô giáo khác nhau và các tôn giáo khác, và tất cả những người tham dự.

Chúng ta biết rằng cuộc đổ bộ ngày 6 tháng Sáu năm 1944, ngay tại Normandy này, là yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống lại Đức Quốc xã tàn ác và đã tạo ra cơ hội để mở ra con đường một cách sâu sắc, vào giai đoạn cuối của cuộc Đại Chiến, cho Châu Âu bị thương tổn và cho thế giới. Vì vậy, tôi tưởng nhớ với lòng tri ân tất cả những binh sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Pháp, đã dũng cảm cam kết hy sinh mạng sống vì nền tự do và hòa bình. Tôi xin phó thác họ cho tình yêu thương xót vô bờ bến của Chúa, cũng như hàng triệu nạn nhân của cuộc Đại Chiến này, không quên những người ở phía Đức, đã chiến đấu trong sự phục tùng một chính thể bị điều khiển bởi một hệ tư tưởng chết chóc.

Tôi bày tỏ lòng mong ước rằng buổi lễ tưởng niệm này sẽ làm cho tất cả các thế hệ, ở Châu Âu và trên toàn thế giới, tái khẳng định một cách mạnh mẽ rằng “nền hòa bình được xây dựng trên sự tôn trọng mỗi con người, bất kể lịch sử người đó là gì, trên sự tôn trọng luật pháp và ích chung, và tạo vật đã được trao phó cho chúng ta và gia tài đạo đức được truyền lại bởi những thế hệ đã qua.” Và tôi xin Chúa giúp người Ki-tô hữu thuộc mọi nền tảng Tuyên xưng, cùng với tín đồ của các tôn giáo khác và những người thiện chí, để thúc đẩy một tình huynh đệ đại kết thật sự, thúc đẩy một văn hóa gặp gỡ và đối thoại, chú ý đến những người bé mọn và người nghèo.

Với hy vọng này, tôi ban Phép Lành Tòa Thánh đến đức ông, cũng như các Đức Giám mục hiện diện và tới toàn thể tín hữu thuộc giáo phận của ngài, và tôi khẩn xin ơn lành của Chúa xuống trên tất cả những người tham dự trong các buổi lễ này.

Franciscus PP.

Từ Vatican, 31 tháng Năm, 2019



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/6/2019]