Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Từ cảnh sát trở thành linh mục và ẩn sĩ nhờ chầu Thánh Thể

Từ cảnh sát trở thành linh mục và ẩn sĩ nhờ chầu Thánh Thể

Từ cảnh sát trở thành linh mục và ẩn sĩ nhờ chầu Thánh Thể

Tv2000it | Youtube

Silvia Lucchetti

08/03/22


“Tôi từng là một cảnh sát cứng rắn, rồi Lòng Thương xót đã đến …”

Cha Ernesto Piraino là một cựu cảnh sát đến từ Calabria, Ý; bây giờ cha là một linh mục và là ẩn sĩ ở thị trấn Belvedere Marittimo, gần đầu mũi “chiếc ủng” của bán đảo Ý. Nơi ẩn tu của cha là một ngôi nhà nhỏ với vườn rau ở độ cao 2.300 feet (hơn 701 mét), một ngôi nhà biệt lập trong khu rừng Pollino, từ đó bạn có thể nhìn thấy vùng biển trong vắt xô đập vào bờ biển Tyrrhenian.

Tháng Mười năm ngoái, một phỏng vấn với cha đã được đăng trên tạp chí Công giáo định kỳ Avvenire.it bằng tiếng Ý, giúp chúng ta hiểu được hành trình cuộc sống của cha.


Một ẩn sĩ và linh mục

Cha Ernesto Piraino gia nhập cảnh sát năm 19 tuổi và khoác áo thầy tu 9 năm sau đó, vào năm 2017.

Cha có bộ râu đen rậm và trong cái nhìn thoáng qua của cha vẫn còn đó sự nhanh nhẹn của một người khi còn là một “cảnh sát cứng rắn với ý thức sâu sắc về công lý và khát khao thành công trong sự nghiệp,” như cách cha mô tả về bản thân với Avvenire.


Lịch sử ơn gọi

Bước ngoặt của ơn gọi lạ thường đã xảy ra như thế nào?

Cha nói với Avvenire, “Lúc đó, tôi đang làm việc tại trụ sở cảnh sát ở Messina và tôi sống ở Scilla. Lớn lên trong một gia đình Công giáo, tôi có một chút niềm tin nhưng tôi không sống chu toàn. Khi giáo xứ của tôi bắt đầu chầu lượt, lúc đầu tôi đến đó chỉ là do tò mò.”


Chầu Thánh thể

Thật vậy, vào ngày 1 tháng Mười Một năm 2006, hình thức chầu Thánh Thể này được khai mạc tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trên mũi đất Scilla. Cha nói với Avvenire về trải nghiệm của cha ở đó:

“Trước đó vài tháng, tôi đã chia tay vị hôn thê của tôi sau mối tình 6 năm, và chỉ còn một bước nữa là tiến tới hôn nhân. Tôi trải qua một hoàn cảnh khó khăn, và ngày hôm đó Chúa Giêsu bắt đầu thay đổi cuộc đời tôi. Ngay lúc đó tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng kể từ thời điểm đó, tiếng gọi của Thánh Thể ngày càng mạnh mẽ hơn.”


Chàng thanh niên đã thấy hạnh phúc, nhưng vẫn còn thiếu một điều gì đó

Khi Ernesto tiếp tục cuộc sống bình thường, càng ngày Chúa Giêsu càng trở nên không thể thiếu đối với anh, và thật khó tin, “bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều tìm thấy Chầu Thánh Thể,” cha nói với ấn phẩm tiếng Ý.

Chúa Giêsu khi chạm đến tâm hồn người thanh niên, đã thiết lập lại trật tự tối thiểu trong sự bấp bênh của cuộc sống theo sau việc chia tay cuộc đính hôn, đòi hỏi cha tin cậy nơi Ngài và cho Ngài một không gian.


Bạn gái của cha: Nếu anh muốn trở thành một linh mục, cứ nói cho em biết.

Trong 4 năm tiếp theo, Ernesto đã gặp những người phụ nữ xinh đẹp khác, mặc dù anh rất hòa hợp với họ, nhưng luôn có một sự không thỏa mãn xâm chiếm lòng anh. Đến một thời điểm, cô gái mà anh đã xây dựng mối quan hệ nghiêm túc, cảm nhận được điều gì đó đang thao thức trong tâm hồn anh, nói với anh rằng nếu con đường của anh là trở thành một linh mục, anh chỉ cần nói ra điều đó.

Nhờ sự nhạy cảm là điểm đặc trưng của nhiều phụ nữ, cô đã hiểu điều đó trước anh.


Chủng sinh và cảnh sát

Năm 2010, anh thực hiện một bước đi lớn. Anh nói chuyện với vị linh hướng về “ước muốn dâng mình cho Thiên Chúa ngày càng mạnh.” Anh bỏ học ngành luật và bắt đầu học thần học. Anh vào chủng viện năm 2011, ở tuổi 32. Cha nói với Avvenire, “Tôi vẫn tiếp tục làm cảnh sát trong một khoảng thời gian. Là chủng sinh và là cảnh sát. Khi tôi được thụ phong, tất cả các đồng nghiệp của tôi từ Phòng Cảnh sát đều có mặt ở đó, và đó là một kỷ niệm mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng được”.


Hôm qua là cảnh sát, hôm nay là linh mục ẩn tu

Liệu chúng ta có thể tìm thấy một sợi dây chung nào đó liên kết người cảnh sát của ngày hôm qua với người linh mục ẩn tu của ngày hôm nay không? Cha Ernesto giải thích điều đó cho tạp chí Công giáo định kỳ:

“Trong tôi luôn có một ý thức sâu sắc về công lý, theo thời gian đã biến thành một quan điểm về tính toàn diện của con người. Tôi đã là một cảnh sát cứng rắn, rồi Lòng Thương xót đến và tôi bắt đầu thực thi trách nhiệm của mình bằng cách nhìn người có tội bằng con mắt khác, như một người anh em giúp họ, để chuộc lỗi cho họ. (…) Đó là con đường mà tôi tiếp tục tin tưởng và cho phép bản thân được dẫn dắt. Tôi học cách ngắm nhìn dung nhan của Người trong Thánh Thể, rồi trên khuôn mặt của người anh em. Một ẩn sĩ học cách nhìn thấy Ngài trong mọi sự. Dung nhan của Ngài theo tôi trong những giờ suy niệm, trong thừa tác vụ giải tội, trong thời gian dành cho việc tiếp khách và linh hướng… Tuy nhiên, sau đó, tôi lấy lại năng lượng bằng cách đắm mình trong sự tĩnh lặng và đơn độc của núi Tabor nhỏ bé của mình.

Câu chuyện của cha gần đây đã được xuất bản trong một cuốn sách tự truyện, From Uniform to Cassock: The Story of a Policeman Who Became A Priest (“Dalla divisa alla tonaca – La storia del poliziotto diventato prete,” (ND: Từ bộ đồng phục đến áo thầy tu: câu truyện của người cảnh sát trở thành linh mục), của Ernsto Piraino, Herkules Books, hiện chỉ có trên kệ ở Ý).


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2022]


5 sự khác biệt giữa Mùa Chay của Chính thống giáo và Công giáo Roma

5 sự khác biệt giữa Mùa Chay của Chính thống giáo và Công giáo Roma

5 sự khác biệt giữa Mùa Chay của Chính thống giáo và Công giáo Roma

VladKK | Shutterstock

Philip Kosloski

05/03/22


Có nhiều điểm khác biệt giữa việc tuân giữ Mùa Chay của Chính thống giáo và Công giáo Roma.

Khi đức tin Kitô giáo lan rộng khắp thế giới, các nhóm Kitô giáo địa phương cử hành năm phụng vụ theo cách hơi khác nhau. Đó là trường hợp của người Kitô hữu Chính thống giáo (cũng như nhiều người Công giáo Byzantine) và người Công giáo Roma trong việc giữ Mùa Chay.

Dưới đây là năm điểm khác biệt cơ bản giữa Mùa Chay của Chính thống giáo và Công giáo. Xin lưu ý, đây là những quy tắc “chung”, vì có nhiều nhà thờ Chính thống giáo và Byzantine khác nhau và mỗi nhà thờ có truyền thống địa phương riêng của họ.


Không có Thứ Tư Lễ Tro

Người Công giáo Roma bắt đầu Mùa Chay với việc cử hành Thứ Tư Lễ Tro và xức tro lên trán.

Người Kitô giáo Đông phương thường bắt đầu việc tuân giữ “Mùa Đại Chay Thánh” với “Chúa nhật tha thứ”.

Tờ Catholic Telegraph đưa ra một bản tóm tắt ngắn gọn về những nghi thức diễn ra trong cử hành phụng vụ, “Trong giờ Kinh chiều Tha thứ, các giáo sĩ và cộng đoàn, từng người một, xin tha thứ cho nhau về những tội họ đã phạm, dù cố ý hay không, và trao nhau một nụ hôn hòa bình.”

Ngày này cũng còn được gọi là “Chủ nhật phô mai” vì đó là ngày cuối cùng trước Mùa giữ chay, bao gồm cả việc kiêng ăn các sản phẩm từ sữa.


Không có Thánh lễ hàng ngày

Trong khi người Công giáo Roma tiếp tục cử hành Thánh Lễ mọi ngày trong tuần, thì hầu hết người Kitô hữu phương Đông không cử hành Phụng vụ Thánh trong tuần.

Thay cho Phụng vụ Thánh, vào các ngày Thứ Tư và Thứ Sáu cử hành Nghi thức Truyền phép trước Mình và Máu Thánh. Về cơ bản, đó là Giờ Kinh Phụng vụ với nghi thức rước lễ.

Người Công giáo Roma có nghi thức rước lễ tương tự vào Thứ Sáu Tuần Thánh.


Giữ Chay nhiệm nhặt

Các Kitô hữu phương Đông có những quy định nhiệm nhặt hơn nhiều về việc giữ chay trong Mùa Chay, kiêng thịt, trứng và sữa và các sản phẩm từ sữa, và không uống bất kỳ loại rượu nào.

Việc giữ chay như vậy nhiều hơn người Công giáo Roma. Họ chỉ buộc phải kiêng bớt (hạn chế khẩu phần ăn của các bữa ăn không có thịt) vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, và kiêng ăn thịt vào các Thứ Sáu trong Mùa Chay.


Alleluia được sử dụng thường xuyên hơn trong Mùa Chay

Người Công giáo Roma quen với việc “an táng” câu Alleluia trong Mùa Chay, không đọc lời đó cho đến Canh thức Phục sinh.

Đối với nhiều người Kitô giáo Chính thống và Byzantine, Alleluia được sử dụng thường xuyên hơn trong Mùa Chay, vì nó được xem như một lời ngợi khen ít khi bị bỏ đi.


Chỉ sử dụng màu tím vào các ngày trong tuần

Màu tím thường được sử dụng nhiều nhất trong các nhà thờ Chính thống giáo vào những ngày trong tuần của Mùa Chay, trong khi những màu sáng (thường là vàng) được sử dụng vào các ngày Chủ nhật trong Mùa Chay.

Màu sắc tươi sáng và vui tươi luôn đánh dấu những cử hành Phụng vụ Thánh, đó là lý do tại sao các ngày Chúa Nhật vẫn giữ màu sắc đó ngay cả trong Mùa Chay.

Đối với người Công giáo Roma, màu tím được sử dụng hàng ngày trong Mùa Chay, trừ những ngày lễ lớn và Chủ nhật thứ 4 Mùa Chay, là ngày sử dụng màu hồng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ:TRI KHOAN 9/3/2022]