Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2016

Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi

Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi
Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm Sứ và Quan sát viên thường trực Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi

Trình bày của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza

Sứ thần, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc

Tại Phiên họp thứ bảy của Nhóm Hoạt động mở về Tuổi già,

Mục (5): Những biện pháp nâng cao sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền và phẩm giá của người cao tuổi

12 tháng 12, 2016

Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh hân hạnh được tham dự trong Phiên họp của Nhóm Hoạt động Mở về Tuổi già (OEWG) và gửi lời cảm ơn ông vì vai trò tiếp tục là lãnh đạo Chủ tịch của Nhóm từ phiên họp đầu tiên.
Phái đoàn của tôi duy trì cam kết bảo vệ, thăng tiến và có hoạt động thiết thực về nhân quyền cho người già, cũng như tôn trọng nhân phẩm vốn có của họ. Chúng tôi ủng hộ công việc của OEWG từ năm 2010 dùng con đường cụ thể để giải quyết nhiều bất công đối với người già và kêu gọi sự chú ý đến tình trạng bị gạt ra bên lề ngày càng nhiều của họ.
Tầm quan trọng của công việc của OEWG sẽ tăng lên nhiều trong những năm tới. Vào năm 2030,con số người trên 60 tuổi của thế giới được ước tính sẽ tăng 56%, từ 901 triệu lên 1,4 tỷ người. Vào năm 2050, khu vực dân số đó được ước tính sẽ tăng gấp đôi, đạt gần 2,1 tỷ.(1) Sự gia tăng mạnh về dân số già, cùng với tuổi thọ trung bình gia tăng, sẽ đặt một sức nặng lớn cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và các mạng lưới an toàn xã hội. Chúng ta phải giải quyết những điều đáng quan tâm này và phải làm sao để không đối xử với người già xem họ đơn thuần là gánh nặng đe dọa của kinh tế và xã hội.
Để tránh được sự suy giảm này, chúng ta phải thừa nhận rằng phẩm giá không biến mất vì tuổi tác hay giảm sụt trong sức sản xuất thị trường. Hơn nữa, khi một con người càng lớn tuổi, người đó càng phát triển tính chín chắn, và cho dù bản chất của sự đóng góp xã hội của một người có thể thay đổi, người đó vẫn có thể đóng góp nhiều cho xã hội. Liên quan đến điều này, Đức Thánh Cha Phanxico gần đây khẳng định rằng mỗi người chúng ta được kêu gọi để cam kết xây dựng một xã hội biết chào đón hơn và bao dung hơn, nhưng “để làm được việc này chúng ta phải đối mặt với văn hóa loại bỏ rất có hại, đó là văn hóa gạt người cao tuổi ra bên lề, xem họ không còn hữu ích.” Đức Thánh Cha cổ vũ tất cả “các đoàn thể và tổ chức xã hội giúp đỡ người cao tuổi sử dụng được những khả năng của họ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia tích cực của họ, và đặc biệt bảo đảm nhân phẩm của họ luôn được tôn trọng và trân trọng.”.(2)
Thưa ông Chủ tịch,
Trong những phiên họp trước, vấn đề đã được làm sáng tỏ rằng có nhiều sự đồng thuận về việc nêu ra những lỗ hổng nghiêm trọng còn tồn tại trong việc bảo vệ nhân quyền của người cao tuổi, nhưng lại không nói về những biện pháp giải quyết chúng. Một số ủng hộ cho một cơ cấu mới như hiệp định hay hiệp nghị, trong khi có những ý kiến nói về việc bảo đảm rằng các chính phủ phải hoàn thành những cam kết mà họ đã đưa ra về tôn trọng và thăng tiến quyền của người cao tuổi trong các hiệp định và hiệp nghị khác. Có những ý kiến nhấn mạnh rằng nền tảng cho việc bảo vệ người già phải dựa trên Chương trình Hành động Quốc tế Madrid về Người Cao tuổi và trong những cam kết đã được đưa ra trong quy định thi hành Chương trình Hành động 2030.
Cho dù việc bảo vệ nhân quyền của người cao tuổi được thực hiện dưới hình thức nào, điều quan trọng là phải bảo đảm những biện pháp đã được đồng thuận phải thỏa đáng để bảo vệ, tôn trọng và thực hiện nhân quyền đặc biệt của người già. Kinh nghiệm đã cho chúng ta thấy rằng những hiệp ước, những hiệp định, những hội nghị và tuyên ngôn, trong khi giúp để xây dựng sự đồng thuận và những quy phạm quốc tế, thường thiếu những ý chí chung cần thiết cho việc thi hành trọn vẹn. Và chúng ta không thể để cho những công dân lớn tuổi của chúng ta bị bỏ rơi đàng sau bằng những từ ngữ mà không có sự thực hành.
Thưa ông Chủ tịch,
Để có thể bảo đảm rằng nhân quyền của người lớn tuổi được tôn trọng và những cam kết về sự hạnh phúc cho họ được thực hiện, điều vô cùng quan trọng là những bảo đảm và cam kết đó phải được thực hiện bằng những chính sách và những chương trình cụ thể nhắm giải quyết những nguyên nhân gốc rễ căn bản của những vi phạm nhân quyền của họ và, đôi khi, sự bỏ rơi họ.
Liên quan đến vấn đề này, điều cốt yếu là phải thăng tiến những giá trị và những hệ thống giáo dục đưa ra được một giải pháp thay thế cho “văn hóa loại trừ” mà Đức Giáo hoàng Phanxico nói đến, trong đó xét đoán mỗi con người đơn thuần qua tính hữu dụng của họ. Chúng ta phải kết hợp làm việc với nhau để khám phá ra những con đường mới để tái khẳng định và đề ra vai trò quan trọng mà người lớn tuổi góp phần trong xã hội và làm cho mọi người thấy được vị trí quan trọng của người lớn tuổi trong gia đình của chúng ta, trong các nền văn hóa và các xã hội.
Người cao tuổi không những là một nguồn kiến thức nhưng còn là điểm tham khảo quan trọng trong những lúc có nhiều tranh cãi về giá trị và bấp bênh về tương lai. Vì ở một số nơi người lớn tuổi đã bị mất vị trí phù hợp của họ trong xã hội, đôi khi họ cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính vì điểm này mà chúng ta phải kiên nhẫn giáo dục cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất đàng sau sự đoàn kết và đối thoại đa thế hệ.
Cuối cùng, thưa ông Chủ tịch, điều quan trọng phải ghi nhớ rằng khi chúng ta nói về tuổi già và người lớn tuổi là chúng ta đang nói về một lớp người mà theo thời gian chính chúng ta sẽ là lớp người đó. Những quyết định mà chúng ta đưa ra và công việc chúng ta làm hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta ngày mai.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.
1. “World Population Ageing Report, 2015”, United Nations Department of Economic and Social Affairs, Population Division.
2. Pope Francis, Discourse to the Members of the National Association of Elderly Workers and of Senior Italia FederAnziani, 15 October 2016.
[Nguồn: holyseemission]
Chuyển ngữ: TRI KHOAN 14/12/2016]


Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Bệnh Nhân Thế giới thứ 25

Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Bệnh Nhân Thế giới thứ 25

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại …”
15 tháng 12, 2016
Pope with cardinal in hospital
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện – “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại …” – trích trong Tin mừng theo Thánh Luca là tiêu đề Thông điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 25, được tổ chức ngày 11 tháng 2, ngày Đức Mẹ Lộ Đức.
Dưới đây là toàn văn Thông điệp, được ký ngày 8 tháng 12, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
Anh chị em thân mến,
Ngày 11 tháng 2 sắp tới, Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 25 sẽ được tổ chức trong toàn Giáo hội một cách rất đặc biệt tại Lộ-đức. Chủ đề của ngày lễ năm nay là “Kinh ngạc trước những gì Thiên Chúa đã thực hiện – “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại …” (Lc 1:49). Được bắt đầu bởi vị tiền nhiệm của tôi là Thánh Gioan Phaolo II năm 1992, và lần đầu tiên được tổ chức tại Lộ-đức ngày 11 tháng 2 năm 1993, Ngày này là một cơ hội để suy tư đặc biệt về những nhu cầu của bệnh nhân và, nói chung, của tất cả những người đau khổ. Nó cũng là một dịp cho những người hỗ trợ một cách quảng đại cho bệnh nhân, bắt đầu từ những thành viên trong gia đình, những nhân viên y tế và những người thiện nguyện, dâng lời tạ ơn về ơn gọi Thiên Chúa ban cho họ để đồng hành với những anh chị em đau yếu của chúng ta. Cũng vậy, lễ kỷ niệm này cho Giáo hội sức mạnh tinh thần canh tân để thực hiện trọn vẹn hơn phần trách vụ quan trọng đó trong sứ vụ phục vụ người nghèo, người đau yếu, người đau khổ, người bị bỏ rơi và người bị gạt ra bên lề xã hội (Gioan Phaolo II, Motu Proprio Dolentium Hominum , 11 tháng 2, 1985, 1). Chắc chắn, những thời gian cầu nguyện, Phụng vụ Thánh thể và nghi thức Xức Dầu Bệnh nhân, chia sẻ với bệnh nhân và những hội thảo mục vụ thần học và đạo đức sinh học sẽ được tổ chức ở Lộ-đức trong những ngày đó sẽ có những đóng góp mới và quan trọng cho sự phục vụ.
Ngay cả lúc này, khi tôi đang hiện diện trong tinh thần tại hang núi Massabielle, trước tượng Mẹ Đồng Trinh Vô Nhiễm, qua Mẹ Đấng Toàn Năng đã làm những điều trọng đại để cứu chuộc nhân loại. Tôi xin thể hiện sự gần gũi với tất cả anh chị em, những anh chị em đau khổ của chúng ta, và với gia đình của anh chị em, cũng như sự cảm kích của tôi với tất cả những người trong nhiều vai trò phục vụ khác nhau và trong các tổ chức chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới là những người hoạt động chuyên môn, trách nhiệm và cống hiến cho sự chăm sóc, điều trị và sức khỏe mỗi ngày. Tôi xin động viên tất cả anh chị em bệnh nhân, những người đau khổ, các bác sĩ, y tá, thành viên gia đình và những người thiện nguyện, đến gặp Mẹ Maria, nguồn sức Mạnh của người Đau yếu, dấu chỉ vững chắc của tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người và là một mẫu gương cho người biết đầu hàng trước ý định của Người. Nguyện xin anh chị em luôn tìm được đức tin, được nuôi dưỡng bằng Lời và bằng Mình Thánh, sức mạnh cần thiết để yêu mến Thiên Chúa, ngay cả trong lúc chịu đựng những căn bệnh.
Giống như Thánh Bernadette, chúng ta đứng dưới sự quan phòng của Mẹ Maria. Người thiếu nữ khiêm nhường của Lộ-đức kể cho chúng ta rằng Mẹ Đồng Trinh, người mà thiếu nữ gọi là “Bà xinh đẹp,” nhìn vào thiếu nữ giống như một người nhìn vào người khác. Những từ ngữ đơn sơ này miêu tả sự hoàn hảo của một mối quan hệ. Thánh Bernadette, nghèo, thất học và bệnh tật, cảm nhận thấy Mẹ nhìn đến thánh nữ như một người bình thường. Bà Xinh Đẹp nói với thánh nữ với sự tôn trọng lớn mà không hề có sự cao ngạo trong đó. Điều này nhắc cho chúng ta rằng mỗi con người là, và luôn luôn là, một con người, và phải luôn được đối xử theo đúng giá trị. Các bệnh nhân và những người tàn tật, cả những người bị bệnh rất nặng, đều có phẩm giá bất biến của họ và sứ mạng riêng trong cuộc sống. Họ không bao giờ trở thành những món đồ vật. Nếu có những lúc họ trở nên thụ động, thực tế đó không bao giờ là thực trạng để đánh giá.
Sau khi đến thăm hang đá, nhờ lời cầu nguyện của thánh nữ, Bernadette biến tình trạng yếu đuối của mình thành sự hỗ trợ cho người khác. Nhờ vào tình yêu của mình, thánh nữ đã có thể làm phong phú cho những người xung quanh và, trên hết tất cả, dâng hiến cuộc sống của thánh nữ cho sự cứu rỗi nhân loại. Với sự thật khi Bà Xinh Đẹp yêu cầu thánh nữ cầu nguyện cho các tội nhân nhắc chúng ta nhớ rằng người đau bệnh và người đau khổ không chỉ mong muốn được chữa lành, nhưng cũng mong muốn sống một đời sống Ki-tô hữu trọn vẹn, thậm chí đến độ dâng hiến nó để làm các môn đệ thừa sai đích thực của Đức Ki-tô. Mẹ Maria đã ban cho Bernadette ơn gọi phục vụ bệnh nhân và kêu gọi thánh nữ trở thành một Nữ tử Bác ái, một sứ vụ mà Thánh nữ đã thực hiện thật gương mẫu để trở thành một tấm gương cho mọi nhân viên y tế. Chúng ta hãy nguyện xin Mẹ Maria Vô Nhiễm ơn sủng luôn luôn hiểu rằng bệnh nhân là những người thực sự đang cần những hỗ trợ, có những lúc chỉ cần những điều đơn giản nhất, nhưng họ là những người có ân ban riêng của họ để chia sẻ với mọi người.
Ánh mắt nhìn của Mẹ Maria, sự an ủi của những người ưu phiền, làm sáng lên khuôn mặt của Giáo hội trong những trách vụ thường nhật của mình đối với người đau khổ và người thiếu thốn. Những hoa trái quý giá của lòng khát khao này cho thế giới của những người đau khổ và của bệnh nhân là lý do để cảm tạ Chúa Giê-su, Ngài đã vâng lời Chúa Cha để trở thành một người ở giữa chúng ta, thậm chí chịu chết trên thập giá để cứu chuộc cho nhân loại. Sự hiệp nhất thể hiện nơi Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa sinh bởi Mẹ Maria, là một cách thể hiện của sự toàn năng thương xót của Thiên Chúa, được biểu lộ trong đời sống của chúng ta – và trên hết, khi cuộc sống trở nên yếu đuối, đầy đau khổ, bị hạ nhục, bị gạt ra bên lề – và lấp đầy nó bằng sức mạnh của niềm hy vọng, niềm hy vọng này có thể giữ vững chúng ta và giúp chúng ta có thể đứng dậy.
Chúng ta không được làm mất đi gia tài vĩ đại này của nhân loại và đức tin. Thay vì vậy, nó sẽ là nguồn cảm hứng cho chúng ta để có thể nói thẳng thắn về những yếu đuối của con người và để giải quyết những thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe hiện tại và công nghệ. Trong Ngày Bệnh nhân Thế giới này, nguyện xin chúng ta tìm được sự khích lệ để hoạt động cho sự phát triển một văn hóa tôn trọng sự sống, sức khỏe và môi trường. Nguyện xin cho Ngày này cũng khơi gợi cho những nỗ lực mới để bảo vệ sự toàn vẹn và phẩm giá của con người, đặc biệt qua sự tiếp cận đúng đắn với những vấn đề đạo đức sinh học, bảo vệ những người dễ bị xúc phạm nhất và bảo vệ môi trường.
Trong Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 25 này, thêm một lần nữa tôi xin đóng góp sự hỗ trợ bằng lời cầu nguyện và sự động viên cho các bác sĩ, y tá, người thiện nguyện và tất cả những anh chị em tận hiến cam kết phục vụ bệnh nhân và những người thiếu thốn. Tôi cũng xin thúc đẩy các tổ chức dân sự và hội thánh hoạt động hướng đến đích cuối cùng này, và các gia đình hãy chăm sóc người thân đau ốm trong sự yêu thương. Tôi cầu xin rằng tất cả mọi người có thể trở thành những dấu chỉ hân hoan của tình yêu của Thiên Chúa và noi gương chứng nhân sáng ngời của rất nhiều người bạn của Thiên Chúa, trong đó có Thánh Gioan Thiên Chúa và Thánh Camillus de’ Lellis, bổn mạng của các bệnh việc và nhân viên y tế, và Thánh Mẹ Teresa Calcutta, vị thừa sai của tình yêu của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến – các bệnh nhân, nhân viên chăm sóc sức khỏe, và các thiện nguyện viên – tôi mời gọi anh chị em cùng thông công với tôi trong lời cầu nguyện dâng lên Mẹ Maria. Nguyện xin sự can thiệp bằng tình mẫu tử của Mẹ giữ vững và đồng hành với đức tin của chúng ta, và giúp chúng ta tìm được từ nơi Đức Ki-tô Con Mẹ niềm hy vọng cho hành trình chữa lành và chăm sóc sức khỏe của chúng ta, một ý nghĩa của tình huynh đệ và trách nhiệm, một cam kết phát triển con người toàn diện và niềm vui của lòng tri ân bất cứ khi nào Thiên Chúa làm chúng ta sửng sốt trước sự tín trung của Người và lòng thương xót của Người.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con,
trong Đức Ki-tô Mẹ chào đón mỗi người chúng con như một người con.
Xin giữ vững sự đợi trông tín thác của tâm hồn chúng con,
xin cứu giúp chúng con trong những cơn yếu đuối và đau khổ,
và xin dẫn chúng con đến với Đức Ki-tô, Con của Mẹ và là người anh của chúng con.
Xin giúp chúng con biết tín thác bản thân nơi Chúa Cha Đấng hoàn tất mọi điều vĩ đại.
Bằng sự cầu nguyện liên lỷ của tôi, tôi thân ái ban Phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 15/12/2016]



Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu phải mở rộng con đường đến với Chúa Giê-su

Đức Thánh Cha: Ki-tô hữu phải mở rộng con đường đến với Chúa Giê-su

Pope Francis celebrates morning Mass at the Casa Santa Marta. - ANSA
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta. - ANSA
16/12/2016 13:59
(Vatican Radio) Người Ki-tô hữu hãy nhìn đến Thánh Gioan Tẩy Giả “cao trọng” như một mẫu gương chứng nhân khiêm nhường cho Chúa Giê-su, như một con người đã từ bỏ chính mình, thậm chí đến với cái chết, để loan báo về Con Thiên Chúa sắp đến. Đó là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico trong Thánh Lễ sáng nay  tại nhà nguyện Thánh Marta, cho các Giám mục và tu sĩ kỷ niệm 50 năm đời tận hiến, và các đôi hôn phối kỷ niệm 50 năm ngày cưới.

Gioan Tẩy Giả, chứng nhân giới thiệu Đức Ki-tô
Một lần nữa phụng vụ của Giáo hội lại nói, như đã nói trong hai ngày qua, về hình ảnh của Gioan Tẩy Giả, được trình bày trong Tin mừng như “chứng nhân.” Đức Thánh Cha giải thích trong bài giảng, ơn gọi của ông là “làm chứng cho Chúa Giê-su,” “giới thiệu Chúa Giê-su,” như một bóng đèn soi sáng:
Một bóng đèn cho biết ánh sáng từ đâu tới, nó mang chứng tá của ánh sáng. Ông là tiếng kêu. Ông nói về chính mình: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa.” Ông là tiếng kêu nhưng là tiếng kêu mang chứng tá của Ngôi Lời, giới thiệu Ngôi Lời, Lời của Thiên Chúa, Ngôi Lời. Ông chỉ là tiếng kêu, Ngôi Lời. Ông là người rao giảng sự sám hối, ông rửa tội, Thanh Tẩy, nhưng ông nói rất rõ: “Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.

Sự khiêm nhường của Gioan, sự quên mình của ông là một mẫu gương cho người Ki-tô hữu
Vậy, Gioan là “một người có nhiệm vụ giới thiệu một đấng quyền thế”; và đấng quyền thế đó là Chúa Giê-su. Đức Thánh Cha nói, đây là “sự cao trọng của ông,” điều này được thể hiện rõ mỗi khi người dân hoặc các luật sĩ hỏi ông rằng ông có phải là Đấng Mê-xi-a không, và ông trả lời rõ ràng, “tôi không phải là Đấng đó”:
Và chứng ngôn này tạm thời nhưng vững chắc, mạnh mẽ; ngọn đuốc đó không bị dập tắt bởi ngọn gió của tính kiêu căng; tiếng kêu đó không bị nhỏ đi vì sức ép của lòng kiêu ngạo; luôn luôn là một tiếng kêu giới thiệu hướng đến một người khác và mở cánh cổng ra cho chứng ngôn khác, đó là Chúa Cha, mà Chúa Giê-su nói đến hôm nay: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là Chúa Cha.” Và một tiếng nói của Chúa Cha được nghe thấy: “Đây là Con của Ta.” Chính ông Gioan mở ra cánh cổng này. Và đây là Gioan cao trọng, nhưng luôn bị quên lãng.
Gioan rất khiêm nhường, ông “tự giấu mình đi,” Đức thánh Cha nhấn mạnh một lần nữa, ông cũng đi theo con đường mà chính Chúa Giê-su đi sau đó, đó là “tự từ bỏ chính mình.” Và cứ như vậy cho đến cuối cuộc đời: “trong bóng tối của ngục thất, trong lao tù, bị chặt đầu vì ý thích của một đứa con gái vũ công, vì sự đố kỵ của một kẻ ngoại tình, sự yếu đuối của một kẻ tửu sắc.” Nếu chúng ta phải vẽ một bức tranh, Đức Phanxico nói rằng “đây là một nét chúng ta phải vẽ nên.” Đây là hình ảnh sau đó Đức Thánh Cha đưa ra cho các tín hữu có mặt, trong đó có các tu sĩ và các giám mục kỷ niệm ngân khánh, những đôi hôn phối kỷ niệm 50 năm thành hôn.

Ki-tô hữu phải mở ra con đường đến với Chúa Giê-su bằng đời sống của mình
Thật là một ngày rất đẹp để tự hỏi chúng ta về đời sống Ki-tô hữu của riêng mỗi người, đời sống Ki-tô hữu của chúng ta có luôn mở đường ra đến với Chúa Giê-su không, đời sống của chúng ta có đầy những hoạt động này không: giới thiệu Chúa Giê-su. Hãy cảm ơn vì nhiều lần họ đã làm như vậy, cảm ơn và bắt đầu một lần nữa, sau kỷ niệm 50 năm, cùng với những người lớn tuổi vẫn còn đầy sức trẻ – giống như rượu ngon! – hãy bước thêm một bước tới để tiếp tục  là những chứng nhân cho Chúa Giê-su. Nguyện xin Thánh Gioan, chứng nhân cao trọng, trợ giúp anh chị em trong hành trình mới này mà anh chị em đang bắt đầu hôm nay, sau lễ mừng 50 năm, của đời sống linh mục, của đời sống tận hiến, và của đời sống hôn nhân.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/12/2016]