Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha và việc “Bẻ Bánh”

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha và việc “Bẻ Bánh”

‘Chúng ta đừng quên lời kinh trọng đại: lời kinh của chính Chúa Giê-su dạy’

14 tháng Ba, 2018
TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha và “Bẻ Bánh”
Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Thánh Lễ, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung suy tư của ngài về Phụng vụ Thánh Thể: III “Kinh Lạy Cha” và Bẻ Bánh.

Sau phần tóm lược bài giáo lý của ngài bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch của Zenit huấn từ của Đức Thánh Cha:

* * *

TIẾP KIẾN CHUNG: Kinh Lạy Cha và “Bẻ Bánh”
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về Thánh Lễ. Trong bữa Tiệc Ly, sau khi Chúa Giê-su cầm lấy bánh và chén rượu, và dâng lời tạ ơn lên Thiên Chúa, chúng ta biết rằng Người đã “bẻ bánh.” Trong Phụng vụ Thánh Thể của Thánh Lễ, việc bẻ Bánh phù hợp với hành động này, trước đó là lời kinh mà Chúa đã dạy chúng ta, đó là “Kinh Lạy Cha.”

Và thế là chúng ta bắt đầu phần Hiệp Lễ, nối dài lời ngợi khen và khẩn xin của Kinh Tạ Ơn bằng việc việc cộng đoàn cùng đọc “Kinh Lạy Cha.” Đây không phải là một trong nhiều kinh của Ki-tô giáo, nhưng là lời cầu nguyện của những đứa con của Thiên Chúa; đó chính là lời kinh cao cả mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta. Quả thật, được ký thác cho chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, “Kinh Lạy Cha” tạo nên âm vang trong chúng ta những cảm thức của Chúa Ki-tô Giê-su. Khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha”, chúng ta cầu nguyện như Chúa Giê-su đã làm. Đó là lời cầu nguyện vĩ đại mà Chúa Giê-su đã dâng lên, và Người dạy nó cho chúng ta, khi các môn đệ nói với Người: “Thưa thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như thầy.” Và Chúa Giê-su đã cầu nguyện như vậy. Thật tốt lành khi cầu nguyện như Chúa Giê-su! Được nghe lời giáo huấn của Người, chúng ta dám xưng hô với Thiên Chúa gọi Người là “Cha,” vì chúng ta được tái sinh làm con cái của Người qua nước và Thánh Thần (x. Eph 1:5). Quả thật, không ai có thể gọi Người một cách thân mật là “Abba”—“Cha” — nếu không được tái sinh bởi Thiên Chúa, nếu không có sự linh ứng của Thần Khí, như Thánh Phaolo dạy (x. Rm 8:15). Chúng ta suy nghĩ: không ai có thể gọi Người là “Cha” mà không có sự linh ứng của Thần Khí. Không biết bao nhiêu lần có những người đọc “Kinh Lạy Cha,” nhưng không biết họ đang đọc gì. Vì đúng vậy, Người là Cha, nhưng khi anh chị em gọi tiếng “Thưa Cha” thì anh chị em có cảm nhận Người là Cha không, Cha của anh chị em, Cha của nhân loại, Cha của Đức Giê-su Ki-tô? Anh chị em có một mối quan hệ thân tình với người Cha này không? Khi chúng ta đọc “Kinh Lạy Cha,” là chúng ta kết nói với Cha là Đấng yêu thương chúng ta, nhưng chính Thần Khi ban cho chúng ta mối quan hệ này, tình cảm được làm con cái của Thiên Chúa.

Còn lời kinh nào có thể chuẩn bị cho chúng ta tiến đến sự Hiệp nhất Thánh Thể với Người tốt hơn lời kinh được Chúa Giê-su dạy? Không chỉ đọc trong Thánh Lễ, “Kinh Lạy Cha” được đọc mỗi sáng và mỗi tối, trong giờ Kinh Ban Mai và Kinh Chiều; bằng cách này, thái độ làm con cái đối với Thiên Chúa và huynh đệ với tha nhân góp phần cho sự huấn luyện Ki-tô hữu trong thời đại của chúng ta.

Trong Lời cầu nguyện của Chúa – trong “Kinh Lạy Cha” — chúng ta xin được ban cho “lương thực hàng ngày,” trong đó chúng ta muốn nói đặc biệt đến Bánh Thánh Thể, là lương thực chúng ta rất cần để được sống như con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cũng khẩn xin “tha cho những kẻ có nợ chúng con,” để xứng đáng đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta cam kết tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng ta. Và việc đó không hề dễ dàng; đó là một ơn sủng chúng ta phải cầu xin: “Lạy Chúa, xin dạy con biết tha thứ như Người đã tha thứ cho con.” Nó là một ơn sủng. Chúng ta không thể tha thứ bằng sức mạnh của riêng chúng ta; biết tha thứ là một ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, khi chúng ta mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa, “Kinh Lạy Cha” cũng mở ra cho chúng ta tình yêu thương huynh đệ. Cuối cùng, chúng ta xin Chúa “chớ để chúng con sa chước cám dỗ,” là điều chia cách chúng ta ra khỏi Người và chia rẽ chúng ta ra khỏi anh em. Chúng ta hiểu rõ rằng đây là những lời khẩn xin rất tốt để chuẩn bị cho chúng ta tiến đến với việc Rước Thánh Thể [x. Ordinamento Generale del Messale Romano, (OGMR), 81].

Quả thật, những gì chúng ta xin trong “Kinh Lạy Cha,” được mở rộng bởi lời nguyện của linh mục, người thay mặt toàn thể cộng đoàn, dâng lời cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho chúng con thoát khỏi mọi tội lỗi và ban cho những ngày của chúng con được bình an.” Và rồi tiếp đến là một dấu ấn trong nghi thức chúc bình an: trước hết khẩn xin Đức Ki-tô ơn sủng sự bình an của Người (x. Ga 14:27)) – rất khác với sự bình an của trần gian – nó làm cho Giáo hội phát triển trong sự hiệp nhất và trong bình an, theo ý định của Người; sau đó, với cử chỉ cụ thể trao cho nhau giữa chúng ta, chúng ta bày tỏ “sự hiệp thông của hội thánh và tình yêu thương lẫn nhau trước khi lãnh nhận Thánh Thể” (OGMR, 82). Theo Nghi Lễ Roma sự trao cho nhau dấu hiệu bình an, được đưa vào từ thời xa xưa trước khi Rước Mình Thánh, là thích đáng với sự Hiệp thông Thánh Thể. Theo lời dạy của Thánh Phaolo, không thể rước Thánh Thể mà không nhận biết chúng ta được bình an bởi tình yêu thương huynh đệ, làm cho chúng ta trở nên một Thân thể trong Đức Ki-tô (x. 1 Cor 10:16-17; 11:29). Sự bình an của Đức Ki-tô không thể đâm chồi trong một tâm hồn không có khả năng sống tình huynh đệ và hòa giải sau khi đã làm tổn thương nó. Chúa ban sự bình an; Người ban cho chúng ta ơn sủng biết tha thứ những ai đã xúc phạm chúng ta.

Cử chỉ chúc bình an được tiếp nối bởi việc bẻ Bánh, mà ngay từ thời các thánh Tông đồ đã đặt tên cho toàn bộ buổi cử hành Thánh Thể (x. OGMR, 83; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1329). Được thực hiện trong Bữa Tiệc Ly, việc Bẻ Bánh là cử chỉ mạc khải làm cho các môn đệ nhận biết Người sau biến cố Phục sinh của Người. Chúng ta nhớ lại chuyện các môn đệ đi làng Ê-mau, khi nói về sự gặp gỡ với Đấng Đã Trỗi Dậy các ông kể “về cách họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh” (x. Lc 24:30-31.35).

Việc Bẻ Bánh Thánh Thể cùng với lời khẩn cầu “Chiên Thiên Chúa,” hình ảnh mà Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu về Chúa Giê-su “Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29). Hình ảnh trong sách thánh về con chiên nói đến Ơn Cứu Độ (x. Xh 12:1-14; Is 53:7; 1 Pr 1:19; Kh 7:14). Trong Bánh Thánh Thể, được bẻ ra cho sự sống của trần gian, cộng đoàn cầu nguyện nhận ra Chiên Thiên Chúa thật, đó chính là Đức Ki-tô Cứu Thế, và khẩn xin Người: “Xin thương xót chúng con … ban cho chúng con sự bình an.” “Xin thương xót chúng con,” “Ban cho chúng con sự bình an” là những lời khẩn xin, từ “Kinh Lạy Cha” đến khi Bẻ Bánh, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để tham dự vào tiệc Thánh Thể, nguồn của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em.

Chúng ta đừng quên lời kinh cao cả mà chính Chúa Giê-su dạy chúng ta, và đó cũng là lời cầu nguyện Ngài dâng lên Chúa Cha. Và lời kinh này chuẩn bị chúng ta cho việc Rước Lễ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/3/2018]


Gặp gỡ 3 người phụ nữ có sức ảnh hưởng trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxico

Gặp gỡ 3 người phụ nữ có sức ảnh hưởng trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxico

Người ta nói rằng đứng sau một người đàn ông vĩ đại, luôn có một người phụ nữ vĩ đại. Trong trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxico, có nhiều hơn một người (dĩ nhiên còn có sự hiện hữu của Mẹ Maria Diễm Phúc trong đời của ngài). Ở đây chúng tôi muốn chia sẻ một chút về những người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Nguồn thông tin của bài đăng hôm nay được lấy từ quyển “The Great Reformer” (tạm dịch: Nhà Cải Cách Vĩ Đại) của Austen Ivereigh, một hồi ký xuyên suốt của Đức Thánh Cha Phanxico, mà phải nói rằng (cũng như bất kỳ quyển sách nào) đòi hỏi phải có cách đọc phê phán (critical reading).

1. Rosa Margherita Vasallo (Người Bà)
Gặp gỡ 3 người phụ nữ có sức ảnh hưởng trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxico
cdn.playbuzz.com
Rất nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxico nói về sức ảnh hưởng lớn của người Bà trên cuộc sống của ngài. Qua việc đọc những bài đọc về đời sống của các thánh, đọc kinh mân côi, và với chứng tá riêng bà truyền đức tin cho cậu bé Bergoglio. Niềm tin của bà mở rộng và quảng đại, và bà đưa ra mẫu gương về lòng thương xót và sự vị tha đối với mọi người, ngay cả đối với những người không có cùng suy nghĩ. Bà cũng giới thiệu văn chương của Ý với cậu bé Jorge và những câu chuyện của bà gieo cấy tình yêu của cậu đối với Giáo hội. Bà yêu Jorge Mario bằng trọn con tim, và qua sự ảnh hưởng của bà, cậu học cách đáp trả lại tình yêu đó. Vào ngày bà qua đời, cậu Jorge, nắm tay bà, ở với bà cho đến khi bà trút hơi thở cuối cùng.

2. Nữ tu Dolores Tortolo (Người dạy giáo lý)
Gặp gỡ 3 người phụ nữ có sức ảnh hưởng trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxico
cdn.playbuzz.com
Xơ Dolores là nữ tu của Dòng “Đức Bà Thương Xót” và là người chuẩn bị cho cậu bé Jorge Mario rước lễ lần đầu. Nói về Xơ, Đức Thánh Cha nói: “Tôi đón nhận từ Xơ nền tảng giáo lý cân bằng, lạc quan, vui mừng và trách nhiệm.” Xơ Tortolo cũng là một nguồn năng lượng và động viên lớn khi cậu Jorge bị ốm nặng (khi là một chủng sinh trẻ, Jorge bị bệnh nặng đe dọa tính mạng). Về cuối đời, khi Xơ Tortolo bị liệt, Đức Hồng y Bergoglio một lần nữa đưa xơ về phòng của Xơ và hỏi: “Xơ à, cho con biết hồi bé con thế nào.” Xơ trả lời đùa vui: “Ngài quá quắt lắm! Rất đáng ghét và hư!” Vào đêm Xơ qua đời năm 2006, Đức Hồng y Bergoglio ở lại suốt đêm cầu nguyện bên cạnh Xơ trong nhà nguyện của dòng.

3. Esther Ballestrino de Careaga (Người bạn)
Gặp gỡ 3 người phụ nữ có sức ảnh hưởng trong cuộc đời của Đức Thánh Cha Phanxico
cdn.playbuzz.com
Người phụ nữ thứ ba mà Đức Thánh Cha Phanxico đề cập đến là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của ngài là Esther. Bà là một người cộng sản Paraguay phải di cư sang Buenos Aires năm 29 tuổi để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn chính trị ở đất nước quê nhà. Bà hoạt động chuyên môn trong ngành hóa, bà từng là cấp trên của Jorge Mario trong phòng thí nghiệm Hickethier-Backman. Trong những năm đó, hai người xây dựng một tình bạn sâu sắc, và giữa nhiều điều trao đổi, Esther đã dạy cho vị Giáo hoàng tương lai tầm quan trọng của những công cuộc khoa học được thực hiện với sự nghiêm túc và sự chính xác. “Tôi nợ người phụ nữ đó rất nhiều – có lần Đức Hồng y Bergoglio nhắc lại – tôi mang nợ bà rất nhiều.” Năm 1977, bà bị quân đội bắt cóc và nhiều năm sau hài cốt của bà được tìm thấy. Chính Hồng y Bergoglio, cùng với con gái của bà Esther, chứng kiến sự chôn cất xứng đáng dành cho bà.



[Nguồn: catholic-link]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/3/2017]