Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

Thánh Camillus De Lellis, kẻ nghiện cờ bạc trở thành một vị thánh

Thánh Camillus De Lellis, kẻ nghiện cờ bạc trở thành một thánh nhân

Thánh Camillus đã từ bỏ cờ bạc khi cân nhắc đến những gì quan trọng (và không quan trọng) trong cuộc sống.

Thánh Camillus De Lellis, kẻ nghiện cờ bạc trở thành một vị thánh

Retablo, “St. Camillus de Lellis” (photo: Public Domain)

John Grondelski

18 tháng Bảy, 2022


Người ta nói rằng tội nhân có quá khứ, nhưng các thánh có tương lai. Thánh Camillus de Lellis (1550-1614) đã có một quá khứ. Trong gần cả cuộc đời, ngài mắc chứng nghiện cờ bạc, và nó thậm chí đưa ngài đến cảnh túng quẫn. Hết lần này đến lần khác ngài sa vào thói xấu này. Nhưng nhờ ơn Chúa, đó cũng là một thói xấu ngài đã vượt qua.

Là con của một người lính, Camillus cuối cùng đã tìm thấy con đường đến với binh nghiệp cho riêng mình. Anh vướng vào tật nghiện cờ bạc trong quân đội. Một tu sĩ dòng Phanxicô đã cố gắng sửa chữa con đường của anh và Camillus đã tìm cách gia nhập dòng, nhưng bị từ chối. Anh tìm đường đến Roma, và tại đây anh tìm việc làm trong một nhà thương dành cho những người bệnh nan y. Căn bệnh không có lòng nhân từ — anh hy vọng sẽ chữa khỏi chứng áp-xe ở chân. Không giống như thói nghiện cờ bạc, căn bệnh áp-xe vẫn hành hạ anh cho đến chết. Quả thật, thói cờ bạc và tính hay cãi vã đã khiến anh bị đuổi khỏi bệnh viện, vì thế anh quay trở lại với binh nghiệp. Khi hết thời gian phục vụ, anh đi làm tại một dự án xây dựng cho một số tu sĩ Dòng Capuchins. Lần này, người giám hộ tìm cách xoay chuyển thói nghiện cờ bạc của anh, và mặc dù anh tìm cách gia nhập cộng đoàn, họ từ chối vì vấn đề ở chân của anh.

Camillus trở lại Roma và nhà thương nơi anh đã làm việc trước đây. Các vấn đề ở chân của anh tạm thời dịu xuống, và với một cuộc đời đã thay đổi, anh trở thành một y sĩ và cuối cùng là giám đốc của nhà thương đó.

Các bệnh viện của thế kỷ 17, đặc biệt dành cho những bệnh nhân nan y, với ban nhân viên không phải là những người có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe mà thường là những người lính đánh thuê và phạm nhân thực hiện những công việc mà về sau gọi là “đền tội” — và điều mà ngày nay chúng ta có thể gọi là “phục vụ cộng đồng”. Do đó, cam kết của họ đối với bệnh nhân thường bị nghi ngờ. Camillus de Lellis — người hiểu rõ quân đội và bệnh tật — đã xoay chuyển tình thế. Tuy nhiên, khi công bố kế hoạch thành lập một dòng tu dành cho những người phục vụ trong bệnh viện, anh đã vấp phải sự phản đối và đã phải rời bỏ bệnh viện đó để chuyển đến “Bệnh viện Chúa Thánh Thần” ở Roma, nơi tầm nhìn của anh cuối cùng được bén rễ.

Ở tuổi 32 — khá trễ, và đã ở nửa cuộc đời (ngài qua đời năm 64 tuổi) — Cha mới bắt đầu con đường đến với chức tư tế. Cha cũng thành lập một dòng tu mới, “Những Linh mục của ơn Chết lành”, các thành viên của dòng tận hiến để phục vụ những người bị dịch bệnh và trợ giúp những người hấp hối. “Dòng Thừa tác viên Bệnh nhân”, như tên gọi của nó, đã bầu Cha Camillus là bề trên đầu tiên của dòng, nhưng cuối cùng cha từ chức để cống hiến trực tiếp cho thừa tác vụ của cộng đoàn. Dòng Camillian tiếp tục cho tới ngày nay, với các nhánh nam, nữ và giáo dân.

Cha Camillus từ bỏ cờ bạc khi cân nhắc đến gì là quan trọng — và không quan trọng — trong cuộc sống. Điều gì tồn tại và điều gì qua đi trong cuộc sống.

Cha Camillus đã chứng kiến đủ những cái chết trong cuộc đời: khi là một người lính, giữa những người nghèo khổ cùng cực, giữa những người bệnh. Trong một giai đoạn lịch sử khi các bệnh dịch tả và dịch bệnh là rất phổ biến, “bệnh viện dã chiến” của Cha Camillus đã mở ra để tiếp xúc gần gũi và riêng tư với những người bị ảnh hưởng, những người mắc bệnh nan y và những người sắp chết. Cùng với Thánh Giuse, Thánh Camillus de Lellis cũng được biết đến là đấng bảo trợ ơn chết lành. Thừa tác vụ linh mục của ngài trao ban các Bí tích Cuối cùng — Giải tội lần cuối, Bí tích Bệnh nhân và Của ăn đàng là lần Rước lễ cuối cùng để lãnh nhận “của ăn đi đường” cho một người — đã đưa không biết bao linh hồn đến với phần thưởng thiên đàng của họ.

Thừa tác vụ đối với người hấp hối là trọng tâm của Saint in Art hôm nay. Tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ một bức tranh gian cung thánh (retablo) thế kỷ 19 của Mexico. “Retablo” là nghệ thuật dân gian thể hiện lòng sùng kính trong các nhà thờ làng ở Mexico và Tây Nam Mỹ ngày nay, ban đầu được sử dụng để hướng dẫn cho những người trở lại đức tin Công giáo và sau đó để nhấn mạnh những điểm chính của đức tin. Thời gian đầu tranh được vẽ trên gỗ, sau đó chúng được gọi là “lamina” vì chúng thường được sơn trên thiếc — như trong ví dụ này.

Bức retablo này mô tả Thánh Camillus de Lellis đang giải Tội lần cuối cho một người hấp hối, như tiêu đề viết: “Thánh Camillus de Lellis, Đấng bảo trợ cho những người trong cơn khốn khổ cuối cùng của họ.” Các linh mục mặc áo chùng thâm và thánh giá đỏ là các cha dòng Camillia. Họ cầm theo sách kinh, ngọn nến thánh truyền thống được thắp sáng trên giường hấp hối và nước thánh để xua đuổi ma quỷ.

Các dải băng chữ cạnh mỗi nhân vật có chức năng giống như bong bóng ghi lời thoại trong các phim hoạt hình, truyền đạt những điều mỗi người đang nói. Thánh Camillus khuyên nhủ người hấp hối hãy xác quyết “Con tin Chúa, con mến yêu Chúa, con trông đợi Chúa, con tín thác vào Chúa.” Người hấp hối hướng ánh mắt nhìn vào thánh giá phía trên giường bệnh, thừa nhận tội lỗi của mình — “Nó đè trong tâm hồn của kẻ vấp phạm là con.”

Câu chuyện tâm linh về việc con người bước ra khỏi thế gian này được miêu tả với cảnh các thiên thần và ác quỷ đều có mặt trong phòng bệnh. Những con quỷ, nửa người nửa vật, đang rút lui, nhận thấy rằng chúng đã bị mất linh hồn này. Sáu người đã ở trong lửa địa ngục, người ở dưới cùng đang cầm một con rắn, và hai người sắp chìm mình trong những ngọn lửa đời đời. Bốn người tháo chạy khỏi người đang giải tội, một người bịt tai trước những lời tha tội. Hai con quỷ hướng ra phía cửa sổ, có lẽ đi tìm một linh hồn khác để ăn tươi nuốt sống (1 Pr 5:8).

Một thiên thần — thiên thần bản mệnh của ngài? — đứng ở phía đầu người lâm tử. Một thiên thần khác từ trên cao giáng xuống với vòng hoa màu xanh lá cây, “triều thiên vinh thắng” biểu thị sự cứu độ. Người lâm tử đã “đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2 Tm 4:7-8).

Bức retablo nằm trong Bảo tàng Nghệ thuật Lowe, Đại học Miami.

Trong thời đại vô trùng, một vị thánh như Thánh Camillus de Lellis có thể được coi là di tích nào đó từ một thời xa xưa. Thời gian hai năm rưỡi vừa qua đã đưa trở lại thực tại của những bệnh tật, những trận dịch bệnh mà thế giới và người Kitô giáo đã từng phải chiến đấu chỉ là một loại virus. Thánh Camillus de Lellis thách đố con người thế kỷ 21 hãy đo lường lòng nhân ái của họ so với lòng nhân ái của thế kỷ 17: các quy định được đưa ra khi COVID-19 bắt đầu — những quy định đã khiến nhiều người phải chết cô đơn — có thực sự nhân đạo không? Ngài cũng thách đố Giáo hội của thế kỷ 21 kiểm tra tính sẵn sàng thừa tác vụ của mình đối với bệnh nhân và người hấp hối so với sự sẵn sàng và lòng quảng đại của vị thánh từng nghiện cờ bạc.


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2022]


Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Luật sư dân quyền của Congo, ông Hervé Diakiese Kyungu, làm chứng vào ngày 14 tháng Bảy năm 2022, tại một phiên điều trần quốc hội ở Washington, D.C. về việc sử dụng lao động trẻ em trong các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Zelda Caldwell


Washington D.C., 16 tháng Bảy, 2022 / 04:00 am

Trung Quốc đang bóc lột trẻ em ở Cộng hòa Dân chủ Congo, buộc các em phải làm việc trong những điều kiện nguy hiểm để khai thác coban cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử và ô tô điện, các nhân chứng tại một phiên điều trần của Quốc hội về vi phạm nhân quyền đã làm chứng trong tuần này.

Dân biểu Christopher Smith, R-New Jersey, người chủ trì phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos ngày 14 tháng Bảy cho biết: “Trên lưng những người công nhân bị buôn bán và lao động trẻ em, Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên coban mênh mông của DRC để thúc đẩy nền kinh tế và chương trình hành động toàn cầu của họ.”

Phiên điều trần có chủ đề “Lao động trẻ em và những vi phạm nhân quyền trong ngành khai thác mỏ của Cộng hòa Dân chủ Congo.”

Ông Smith cho biết: “Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc tìm kiếm coban cho pin và lithium cho tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho điều được gọi là kinh tế xanh kích thích lòng tham của con người khi ước tính có khoảng 40.000 trẻ em ở Congo phải lao động nhọc nhằn trong các mỏ thủ công không được quản lý trong những điều kiện nguy hiểm”.

Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) sản xuất hơn 70% lượng coban trên thế giới, 15% đến 30% trong số đó được sản xuất tại các mỏ thủ công. Trong nhiều năm, những hoạt động quy mô nhỏ này đã nổi tiếng với những vi phạm nhân quyền. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại quy kết những điều kiện làm việc vô nhân đạo một phần là do sự bất ổn của DRC, “một quốc gia suy yếu do xung đột bạo lực về sắc tộc, dịch Ebola và tỷ lệ tham nhũng cao”.

Luật sư về dân quyền của Congo là ông Hervé Diakiese Kyungu đã làm chứng tại phiên điều trần rằng trẻ em bị buôn bán và bóc lột vì thân hình nhỏ bé của các em.

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Người lao động đang đi lên từ cửa lỗ của một mỏ coban, nơi có khoảng 4.000 thợ mỏ thủ công đào vào ngày 13 tháng 12 năm 2005 ở khu mỏ Ruashi khoảng 20km cách bên ngoài Lubumbashi, Congo, DRC. Một số trẻ em chỉ khoảng tám tuổi làm việc trong mỏ trong những điều kiện nguy hiểm.

Ông nói các mỏ thủ công “thường chỉ là những đường hầm chật hẹp được đào trong lòng đất, đó là lý do tại sao trẻ em được tuyển dụng — và trong nhiều trường hợp bị ép buộc — để đi xuống những đường hầm đó, chỉ sử dụng tay hoặc các công cụ thô sơ và không có bất kỳ thiết bị bảo vệ nào, để khai thác coban và các khoáng chất khác.”

Ông nói, một trong những mỏ như vậy nằm ở Kasulo thuộc sở hữu của công ty Dongfang Congo Mining của Trung Quốc. Trẻ em thường chịu tiếp xúc với các chất phóng xạ, bị thương tích, và các căn bệnh chết người và đau đớn khi các em phải lao động để khai thác quặng có giá trị.

Ông Kyungu làm chứng, “Các em không được trả lương và bị bóc lột, và công việc thường gây chết người vì các em phải bò chui vào những cái hố nhỏ đào dưới lòng đất.”

Ông giải thích rằng các chủ mỏ thủ công của Congo thường chỉ sở hữu mỏ trên danh nghĩa. Những công ty Trung Quốc là chủ sở hữu và điều hành thực tế các mỏ này, chịu trách nhiệm về những điều kiện vô nhân đạo.

Ông Kyungu nói: “Các mỏ khai thác chính thức được cho là thuộc sở hữu của công dân Congo làm việc trong các ‘hợp tác xã’. Trên thực tế, họ đang bán sản phẩm khai thác từ những mỏ này cho người Trung Quốc, và những người nước ngoài khác như Pakistan hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn quặng này được buôn bán qua các trung gian người Trung Quốc.”

Lời chứng: Các mỏ coban do Trung Quốc hậu thuẫn ở Congo bóc lột 40.000 lao động trẻ em

Một trẻ em và một phụ nữ phá đá khai thác từ mỏ coban tại mỏ đồng và hố coban ở Lubumbashi vào ngày 23 tháng 5 năm 2016. Junior Kannah / AFP qua Getty Images


Ông nói, các đại diện người Trung Quốc không phải là những nhà đầu tư thụ động, mà có mặt tại chỗ, giám sát các hoạt động.

Ông mô tả một sự cố trong đó “hai người được xác định là công dân Trung Quốc… đã chỉ thị cho hai sĩ quan quân đội Congo quất roi đánh hai người Congo tại địa bàn của họ.” Ông cho biết vụ đánh đòn này bị quay video và chia sẻ trên internet, chứng minh sự hợp tác giữa các công ty Trung Quốc và các quan chức chính phủ DCR.

Cha Rigobert Minani Bihuzo, một linh mục Công giáo, người đã làm việc để vạch trần tình trạng lao động trẻ em và những vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực khai thác mỏ của DRC, đã làm chứng về tình trạng làm việc nguy hiểm tại các khu mỏ.

Cha nói: “Họ làm việc bảy ngày một tuần và hơn 12 giờ một ngày”. Cha cho biết điều kiện làm việc của họ giống như thời nô lệ với các công cụ như búa, đục và thuổng. Chấn thương là chuyện thường xuyên, và đối với những người bị thương hoặc bị bệnh, việc thiếu chăm sóc y tế có nghĩa là “phần lớn sẽ chết do các bệnh khác nhau không được điều trị,” cha nói.

Theo một báo cáo trên Globe and Mail, Trung Quốc là chủ thể nước ngoài chính trong ngành khai thác mỏ của DCR. Tính đến năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 83% lượng coban và 9% đồng và hợp kim đồng tinh chế từ DRC, và các công ty Trung Quốc được cho là kiểm soát phần lớn các dự án và sản lượng khai thác đồng và coban của DRC.



[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/7/2022]