Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________

Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

C

Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Mùa xuân năm 1916 ba trẻ mục đồng Bồ Đào nha – Lucia Santos và hai em họ là Jacinta và Francisco Marto được một thiên sứ hiện ra ba lần và nhận mình là “Thiên sứ Hòa bình.” Các em nói rằng thiên sứ dạy các em cầu nguyện và khuyến khích các em dành thời gian để tôn thờ. Ngày 13 tháng Năm, 1917, các trẻ được Đức Maria Đồng Trinh Diễm Phúc đến gặp lần đầu tiên tại Cova da Iria ở Fatima, Mẹ hiện ra với các em với ánh sáng chói lòa. Mẹ mặc một áo choàng trắng với các đường viền bằng vàng, và cầm một chuỗi mân côi, Mẹ nói các em hãy hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi và đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày để xin cho Đại Chiến Thế Giới Thứ I chấm dứt.

Mặc dù Lucia nói với hai anh em họ giữ kín chuyện Mẹ hiện ra, nhưng Jacinta lại kể cho thân mẫu, bà sau đó thuật lại cho nhiều người hàng xóm khác khiến cho tin về việc Đức Mẹ hiện ra với các trẻ lan truyền rộng rãi. Ngày 13 tháng Sáu năm 1917, các trẻ lại được thị kiến hiện ra lần thứ hai, lần này Mẹ Đồng Trinh Diễm Phúc tiết lộ rằng Jacinta và Francisco sẽ chết sớm, nhưng Lucia sẽ sống lâu để loan truyền thông điệp hòa bình từ Fatima. Lời tiên báo này được chứng minh là đúng. Jacinta qua đời năm 1918 và Francisco chết năm 1919 trong cơn đại dịch cúm thế giới, nhưng Lucia sống đến năm 97 tuổi, và qua đời ngày 13 tháng Hai, 2005 sau khi trải qua phần lớn cuộc đời trong Đan viện Carmelite chân đất.

Ngày 13 tháng Mười, các giới chức của chính phủ Bồ Đào nha ngăn chặn các trẻ đang trên đường trở lại Cova da Iria, và thẩm vấn các em vì có hàng trăm người tập trung đến Cova, và các giới chức cho rằng ba bí mật mà Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc tiết lộ cho các trẻ là muốn phá vỡ chính trị. Các trẻ quay trở lại Grotto ngày 19 tháng Tám và Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc hứa cho một phép lạ phi thường vào ngày 13 tháng Mười. Đức Nữ Đồng Trinh còn hiện ra với các trẻ thêm ba lần trước ngày 13 tháng Mười với cùng thông điệp về việc đọc Kinh Mân Côi để cầu cho thế giới hòa bình.

Ngày 13 tháng Mười năm 1917, một đám đông khổng lồ khoảng 50.000 người tập trung tại Cova da Iria để chứng kiến phép lạ vĩ đại mà Lucia đã báo trước sẽ xảy ra vào ngày hôm đó. Trời trước đó đã mưa nhiều và rồi bắt đầu quang đãng. Lucia la lên, “Nhìn vào mặt trời kìa.” Mặt trời dường như đang xoay quanh chính trục của nó, phát ra một loạt các tia đủ màu sắc, rồi dường như nó lao xuống trái đất khiến nhiều người tin rằng thế giới đến ngày tận cùng. Sau đó nó trở lại tình trạng bình thường. Mặc dù mặt đất sũng ướt vì những trận mưa trước khi phép lạ xảy ra, nhưng hoạt động của mặt trời khi phép lạ diễn ra đã khiến mặt đất khô ráo, làm cho nhiều kỹ sư và các nhà khoa học có mặt ở đó lúng túng khó hiểu. Phép lạ được miêu tả theo nhiều cách khác nhau bởi các phóng viên, các bác sĩ, và những khoa học gia. Tiến sĩ Domingos Pinto Coelho, tường thuật trên báo Công giáo, mô tả biến cố như sau:

Mặt trời, trong một thời điểm được phủ quanh với những ngọn lửa đỏ tươi, lúc khác lại tỏa hào quang màu vàng và tím đậm, dường như đang trong chuyển động xoay tít rất nhanh, có lúc như bị rơi khỏi bầu trời và sa xuống mặt đất, tỏa ra sức nóng rất lớn. (36)

Một phóng viên cho tờ báo của Lisbon, O Dia lại nhìn theo cách sau:

Mặt trời màu bạc, được phủ quanh bởi ánh sáng màu xám phớt nhẹ, đang xoay tít và đi vào trong quỹ đạo của những đám mây tản mác … Ánh sáng chuyển thành màu xanh dương tuyệt đẹp, giống như nó soi qua những cửa sổ kính màu của nhà thờ chính tòa, và tỏa xuống trên những người đang quỳ gối với đôi tay giang ra … người ta khóc và để đầu trần cầu nguyện trước một phép lạ mà họ đã mong chờ. Ít giây đồng hồ trôi qua nhưng giống như nhiều giờ, những giây đồng hồ quá sống động.

___________________________________________________________

36 Trích dẫn trong Gioan DeMarchi 1952 Trái tim Vô nhiễm. Câu chuyện Đức Bà Fatima (New York: Farrar, Straus and Young) t. 147.

___________________________________________________________


Tiến sĩ Almeida Garrett, Giáo sư ngành Khoa học Tự nhiên của Đại học Coimbra mô tả như sau:

Đĩa mặt trời không còn đứng im. Nó không còn là một vật thể tỏa sáng chói lòa của bầu trời, vì nó điên cuồng xoay tròn quanh trục của nó, rồi bất chợt tất cả mọi người bật lên một tiếng hét vang. Mặt trời, đang xoay tít, dường như bị bắn ra khỏi bầu trời và lao xuống trái đất một cách đầy đe dọa như muốn nghiền nát chúng tôi bằng khối lượng của đám lửa hừng hực khổng lồ của nó. Cảm giác lúc đó thật khủng khiếp. (38)

Cha Gioan DeMarchi dành bảy năm nghiên cứu các báo cáo của Fatima về những lần hiện ra và cả phép lạ mặt trời, thu thập hàng trăm chứng ngôn về hiện tượng và trình bày trong ba tác phẩm:

1. Trái Tim Vẹn Sạch, câu chuyện Đức Mẹ Fatima, (39)

2. Câu chuyện Fatima, (40) và

3. Fatima: Từ thời điểm bắt đầu. (41)

Ngoài số đông các nhân chứng tại Cova de Iria, nhiều chứng nhân khác tường thuật nhìn thấy hiện tượng mặt trời ở các vùng lân cận – cách Cova từ 18 đến 40 cây số. Cha DeMarchi không tìm được một chứng nhân nào bên ngoài chu vi 40 cây số của Cova. Tất cả những người có mặt đều làm chứng về hoạt động vô cùng lạ thường và rất đẹp của mặt trời, với nhiều cách tường thuật về những gì mắt họ nhìn thấy. Cha DeMarchi không tìm thấy người nào phủ nhận hiện tượng. (42)

Có thể giải thích biến cố này như thế nào? Nó không thể là một hiện tượng thuộc thiên văn vì không một người nào ngoài chu vi 40 km của Cova da Iria chứng kiến hiện tượng. Vì thế hiện tượng này hoặc là một hiện tượng không khí vô cùng lạ thường của địa phương hoặc là một hiện tượng siêu nhiên hoạt động như một thấu kính khổng lồ xoay tròn hoặc là lăng kính bị treo lơ lửng trong không khí. Nếu nó là nguyên nhân từ những điều kiện không khí, thì những điều kiện đó cực kỳ lạ thường trong lịch sử của nhân loại. Cho dù một số khoa học gia, chẳng hạn Steuart Campbell, gợi ý rằng hiện tượng này có thể giải thích là do một đám mây bụi khổng lồ của tầng bình lưu (tương tự như hiện tượng tạo ra hiệu ứng nhuộm đỏ mặt trời ở Trung Quốc năm 1983), nhưng cách giải thích này không lý giải được lý do tại sao hiện tượng làm cho mặt trời xoay tít quanh chính trục của nó, hiện tượng nó sa xuống trái đất, và rồi trở lại vị trí bình thường của nó. Nhưng cho dù cách giải thích này có thể chấp nhận được, thì sự thật mà các trẻ tiên báo chính xác về thời gian và địa điểm cho một biến cố không khí quá lạ thường như vậy vượt ra ngoài cách giải thích tự nhiên. (43)

___________________________________________________________

37 Ibid. p. 143.

38 Ibid. p. 146.

39 Ibid.

40 John DeMarchi 1956, The True Story of Fatima (St. Paul Minnesota: Catechetical Guild).

41 John De Marchi 1981 Fatima: From the Beginning (Fatima, Portugal: Missoes Consolata).

42 John DeMarchi 1952 The Immaculate Heart, The True Story of Our Lady of Fatima, p. 143.

43 Stanley Jaki, the well-known Benedictine professor of physics and philosopher of science notes that the children’s prediction alone shows the supernatural origin of the phenomenon. See Stanley Jaki, God and the Sun at Fatima (South Orange, NJ: Real View Books).

___________________________________________________________

Lối giải thích về không khí đòi hỏi một phải hội tụ rất nhiều những yếu tố vô cùng lạ thường, mà diễn tiến tự nhiên của chúng sẽ vô cùng khó có thể giải thích theo nguyên lý tự nhiên, sự hội tụ của quá nhiều những điều kiện không khí vô cùng lạ thường, tạo ra một đĩa xoay tít tiến gần đến trái đất rồi lại xa dần xảy ra đúng vào ngày được các trẻ tiên báo trước khẳng định mạnh mẽ rằng hiện tượng này mang một chiều kích siêu nhiên. Nhắc lại định nghĩa của C.S. Lewis về một phép lạ: “Nghệ thuật thực hiện phép lạ của Thiên Chúa không phải là nghệ thuật phá bỏ quy luật vận hành của các sự việc, nhưng là lồng ghép thêm sự việc vào trong quy luật đó." (44)

Về mặt khác, có thể giải thích hiện tượng này trên nền tảng hoàn toàn siêu nhiên – như là một loại thấu kính tròn hoặc hình lăng kính treo lơ lửng trong không khí và quay xung quanh trục của nó, lao xuống trái đất rồi sau đó lại trở về vị trí nguyên thủy của nó. Trong cả hai trường hợp thì nếu 50.000 nhân chứng không bị đánh lừa bởi ảo giác, thì chắc chắn một hiện tượng siêu nhiên đã xảy ra tại Cova da Iria ngày 13 tháng Mười, 1917.

Lối giải thích ảo giác tập thể được một số người chỉ trích đưa ra, vì biến cố này mang màu sắc tôn giáo, và các nhân chứng lúc đó đang chờ đợi một phép lạ xảy ra. Tuy nhiên, cách giải thích này là rất mơ hồ vì con số nhân chứng quá lớn (50.000), từ người tín hữu đến những người không tin hoài nghi, trong đó có các nhà vật lý, các nhà khoa học, các phóng viên, các giáo sĩ, các luật sư, và những người trí thức và có tiếng tăm trong xã hội. Ngoài ra, những người chứng kiến biến cố cách xa đó từ 18 đến 40 cây số, đã không có được “sự cảm nhận” như những người tại Cova da Iria. Cuối cùng, sự thật về hiện tượng mặt đất ướt sũng (do cơn mưa rất dài trước đó) trở nên khô ráo trong thời gian cực kỳ nhanh cho thấy rằng biến cố không chỉ có trong trong tâm trí của những người chứng kiến. Theo De Marchi, "Các kỹ sư đã nghiên cứu trường hợp này cho biết rằng phải có một khối năng lượng khổng lồ cần thiết để sưởi khô những vũng nước lớn đã tạo thành trên cánh đồng trong một vài phút như vậy.” (45) De Marchi kết luận về tính phi thực tế cao của lối giải thích về ảo giác tập thể như sau:

“Sự tiên báo trước về một “phép lạ” không xác định, sự bắt đầu và kết thúc đột ngột của điều được cho là phép lạ mặt trời, sự đa dạng về nền tảng tôn giáo của những người chứng kiến, số tuyệt đối những người có mặt, và việc thiếu yếu tố có thể giải thích của khoa học thì không thể là hiện tượng ảo giác tập thể.” (46)

Trước sự tổng hợp của nhiều yếu tố – sự báo trước chính xác của các trẻ, hiện tượng mặt đất khô ráo rất nhanh, tính chất vô cùng lạ thường của hiện tượng (đặc biệt đối với hiện tượng xoay tít, lao xuống, và trở về vị trí ban đầu của mặt trời), số đông nhân chứng với nhiều nền tảng tôn giáo và học thức khác nhau, và các nhân chứng cách xa nơi đó từ 18 đến 40 cây số, thì việc kết luận về sự hiện hữu của một năng lực siêu nhiên tại Cova da Iria ngày 13 tháng Mười năm 1917 là hoàn toàn hợp lý và xứng đáng – cho dù biến cố đó là do một sự hội tụ nhiều yếu tố về khí hậu lạ thường hoặc từ một nguyên nhân hoàn toàn siêu nhiên (chẳng hạn như thấu kính tròn hoặc hình lăng kính).

Đã có nhiều phép lạ chữa lành liên quan đến Cova da Iria và sự chuyển cầu của Đức Mẹ Fatima. Đáng tiếc rằng những phép lạ này không được ghi chép cẩn thận thành tài liệu và được khẳng định về y khoa như những phép lạ tại Lộ Đức; vì vậy tôi không đề cập đến những phép lạ đó ở đây. Phép lạ mặt trời đã đủ để nói lên tính xác thực của những lần hiện ra.

___________________________________________________________

44 C.S. Lewis Những phép lạ 1947: một nghiên cứu sơ bộ (New York: Harper One) t.95

45 Xem trên. t. 150.

46 Nt. t. 278-82.

___________________________________________________________



[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 10-20/11, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 10-20/11, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico trên Twitter từ 10-20/11, 2018


10 tháng Mười Một: Cộng đồng khoa học ngày nay có trách nhiệm phải xây dựng được năng lực lãnh đạo đưa ra được những giải pháp cho sự phát triển bền vững và toàn diện cho mọi dân tộc, đó là điều kiện không thể thiếu để xây dựng hòa bình. #WorldScienceDay

11 tháng Mười Một: Chúa nhật là một ngày thánh cho chúng ta, được thánh hóa bởi việc cử hành Thánh Lễ, đó là sự hiện diện sống động của Chúa ở giữa chúng ta và cho chúng ta. #sundaymass

12 tháng Mười Một: Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho các giám mục để các ngài có thể mặc lấy những phẩm giá mà Thánh Phaolô kêu gọi: khiêm nhường, hiền từ, phục vụ. #SantaMarta

13 tháng Mười Một: Bước đầu tiên để hiểu biết Chúa Giê-su Ki-tô là nhận biết sự nghèo nàn của chúng ta và cần đến ơn cứu độ.

14 tháng Mười Một: Chúa Giê-su không hài lòng với một kiểu “tình yêu theo phần trăm”: chúng ta không thể yêu ngài với mức độ hai mươi, năm mươi, hay sáu mươi phần trăm. Hoặc là tất cả hoặc không gì cả.

15 tháng Mười Một: “Nước Chúa đang ở giữa các ông.” Nó không phải là sự hùng mạnh. Nước Chúa phát triển trong âm thầm, qua chứng tá, sự cầu nguyện, và sự cuốn hút của Thần Khí. #SantaMarta

16 tháng Mười Một: Đừng chỉ theo Chúa Giê-su khi nào bạn cảm thấy thích, ngược lại, hãy tìm kiếm Người mỗi ngày. Tìm nơi Người một Thiên Chúa luôn yêu thương bạn, ý nghĩa của cuộc sống và sức mạnh để cho đi bản thân.

17 tháng Mười Một: Không ai có thể tự lừa dối mình bằng suy nghĩ: “Tôi như vầy là tốt rồi vì tôi chẳng làm gì sai trái.” Để làm người môn đệ của Chúa Giê-su, nếu không làm điều sai trái vẫn chưa đủ, vì còn có những điều tốt lành chúng ta phải làm.

18 tháng Mười Một: Chúng ta hãy xin ơn biết mở đôi mắt và mở tâm hồn ra với người nghèo để có thể nghe thấy tiếng kêu của họ và nhận ra được những thiếu thốn của họ. #WorldDayofthePoor

19 tháng Mười Một: Bạn không thể yêu khi nào “thấy thuận tiện.” Tình yêu tự nảy sinh khi nó vượt ra ngoài phạm vi tư lợi của con người, và khi nó được cho đi mà không tính toán.

20 tháng Mười Một: Sự trung tín là đặc tính của những mối quan hệ tự do, trưởng thành và có trách nhiệm của con người.




[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 21/11/2018]


Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Đức Phanxico ủng hộ bé tự kỷ trên lễ đài: ‘Bé hoàn toàn tự do’

Đức Phanxico ủng hộ bé tự kỷ trên lễ đài: ‘Bé hoàn toàn tự do’
© Vatican Media

Đức Phanxico ủng hộ bé tự kỷ trên lễ đài: ‘Bé hoàn toàn tự do’

‘Nó bắt cha phải nghĩ: Tôi có được tự do như vậy trước mặt Chúa không?’

28 tháng Mười Một, 2018 16:40
Đức Phanxico ủng hộ bé tự kỷ trên lễ đài: ‘Bé hoàn toàn tự do’

Vencel, một bé tự kỷ người Argentina khoảng 6 hay 7 tuổi, đi lên sân khấu nơi Đức Thánh Cha Phanxico đang ngồi — trong buổi Tiếp Kiến Chung ngày 28 tháng Mười Một, 2018 trong Đại sảnh Phaolô VI — để sờ vào tay của một Vệ binh Thụy sĩ và chạy chung quanh Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám mục Georg Gaenswein.

Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám mục Gaenswein mỉm cười với cậu bé, dù người chị và sau đó là mẹ cố gắng giữ lại nhưng cậu bé vẫn không chịu rời sân.

Bước lên lễ đài, người mẹ giải thích với Đức Thánh Cha rằng cậu bé có “chút vấn đề, cháu bị tự kỷ,” và cho biết thêm “chúng con từ Argentina đến,” khi bà nhìn lên người đồng hương của mình là Đức Thánh Cha Phanxico. Đức Thánh Cha nói bà cứ yên tâm để cậu bé chơi ở đó nếu nó muốn. Đức Thánh Cha nói hài hước với Đức Tổng Giám mục Gaenwein rằng: “Cậu bé đó người Argentina; nó rất thiếu kỷ luật!”

“Tôi có được tự do trước mặt Chúa?”

Đức Phanxico ủng hộ bé tự kỷ trên lễ đài: ‘Bé hoàn toàn tự do’

Hôm nay, khi Đức Thánh Cha sử dụng tiếng Tây Ban nha để nói với những người hành hương nói tiếng Tây Ban nha, như ngài vẫn thường làm trong các buổi Tiếp Kiến Chung, ngài nói: “Anh chị em thân mến, em bé này không thể nói được, em bé bị câm, nhưng em lại biết cách giao tiếp, nó biết cách bày tỏ bản thân. Và em bé có đặc điểm khiến cha phải suy nghĩ, em rất tự do, nó tự do hoàn toàn.”

Rồi Đức Thánh Cha suy tư: “Em bé rất tự do và khiến cha phải suy nghĩ: Tôi có được tự do như vậy trước mặt Chúa không? Khi Chúa Giê-su nói rằng chúng ta phải trở nên như con trẻ, là Người nói với chúng ta rằng chúng ta phải có được sự tự do của một đứa con trước mặt cha của nó. Cha không biết nữa, cha nghĩ rằng đứa bé này đã giảng cho tất cả chúng ta một bài, và chúng ta hãy xin ơn để cậu bé có thể nói được.”




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2018]


Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn
© Vatican Media

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

‘Lề Luật ở nơi Đức Ki-tô và những ước muốn thuộc về Thần Khí’

28 tháng Mười Một, 2018 14:37

Buổi Tiếp Kiến Chung ngày 28 tháng Mười Một, 2018, của Đức Thánh Cha diễn ra trong Đại sảnh Phaolô VI, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Đúc kết loạt giáo lý về Mười Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích chủ đề: “Lề Luật ở nơi Đức Ki-tô và những ước muốn thuộc về Thần Khí” (trích sách Thánh: Thư Thánh Tông đồ Phaolô gửi tín hữu Galát, 5:16-18. 22-23).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay đúc kết loạt phân tích về Mười Điều Răn, những điều răn chúng ta có thể lấy làm chủ đề chính cho những mong ước khát khao, là những điều giúp chúng ta có thể tiến bước trên hành trình và rà soát lại những chặng đường đã qua bằng cách đọc lại văn bản của Mười Điều Răn, dưới ánh sáng của sự mạc khải trọn vẹn nơi Đức Ki-tô.

Chúng ta bắt đầu với lòng tri ân như là nền tảng của mối quan hệ tín thác và vâng phục: chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không yêu cầu bất cứ điều gì trước khi Người ban tặng quá nhiều. Người mời gọi chúng ta biết vâng nghe để cứu chúng ta thoát khỏi sự lừa gạt của các ngẫu thần mà chúng có quá nhiều quyền lực trên chúng ta. Thật vậy, tìm kiếm sự đầy đủ của con người nơi các ngẫu thần của thế gian sẽ làm cho chúng ta trở nên trống rỗng và biến chúng ta thành nô lệ, ngược lại thì những điều giúp chúng ta phát triển và kiên vững chính là mối quan hệ với Người, Đấng làm cho chúng ta trở thành con cái trong Đức Ki-tô từ cương vị làm cha của Người (x. Eph 3: 14-16). Điều này hàm ý là một sự chúc phúc và giải phóng, đó là sự nghỉ ngơi thật sự và đúng nghĩa. Như Thánh vịnh nói: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến” (Tv 62:2).

Đời sống được giải phóng này dẫn đến sự chấp nhận lịch sử riêng của chúng ta và hòa giải chúng ta với những điều chúng ta đã sống từ khi còn tấm bé đến hôm nay, để chúng ta trở thành những người trưởng thành và đủ khả năng cân nhắc đánh giá đúng những thực tại và con người trong cuộc sống của chúng ta. Bằng con đường này, chúng ta đi vào mối quan hệ với anh em chúng ta, và đó là một tiếng gọi đến với cái đẹp của sự trung tín, của lòng quảng đại và của tính xác thực, khởi đi từ tình yêu mà Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô.

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Tuy nhiên, để sống những nét đẹp đó — tức là nét đẹp của sự trung tín, của lòng quảng đại và của tính xác thực — chúng ta cần có một trái tim đổi mới, cư ngụ trong Thánh Thần (x. Ed 11: 19; 36:26). Cha tự hỏi mình rằng: không biết “sự cấy ghép” tim này diễn ra như thế nào, từ một trái tim cũ thành trái tim mới? Nó diễn ra nhờ ơn sủng của những ước muốn mới (x. Rm 8:6); được gieo rắc trong chúng ta bởi ơn sủng của Thiên Chúa, đặc biệt qua Mười Điều Răn, đưa đến sự kiện toàn bởi Đức Giê-su, như Người giảng dạy trong “bài giảng trên núi” (x. Mt 5:17-48). 

Thật vậy, chúng ta, hầu như không nhận ra, tìm thấy mình đứng trước Đức Ki-tô khi suy ngẫm về đời sống được mô tả trong Mười Điều Răn, đó là những điều về sự biết ơn, sự tự do, sự chân thật, phúc lành, cách sống, bảo vệ và yêu thương sự sống, sự trung tín, sự quảng đại và chân thành. Mười Điều Răn là bản chụp “X-quang” của Người, Người mô tả nó như một phim âm bản để cho dung nhan của Người hiện lên — như trong tấm khăn liệm Holy Shroud. Và Thần Khí làm cho tâm hồn của chúng trở nên phong phú, Người đặt vào trong đó những ước muốn như là món quà của Người, những ước muốn của Thần Khí. Ước muốn theo Thần Khí, ước muốn đồng điệu với Thần Khí, ước muốn với cung bậc của Thần Khí. Nhìn đến Đức Ki-tô chúng ta nhìn thấy được chân, thiện, mỹ. Và Thần Khí tạo sinh một đời sống làm đâm chồi trong chúng ta niềm hy vọng, niềm tin và sự yêu thương, hỗ trợ cho những ước mong này của Người.

Như vậy chúng ta khám phá rõ hơn ý nghĩa của việc Chúa Giê-su không đến để phá bỏ Lề Luật nhưng đến để kiện toàn, để làm nó phát triển, trong khi Lề luật theo xác thịt là một loạt những quy định và những điều cấm đoán, thì Lề Luật theo Thần Khí trở nên sự sống (x. Ga 6:63; Eph 2:15), vì nó không còn là một quy phạm nữa nhưng là thân thể của Đức Ki-tô, Đấng yêu thương chúng ta, tìm kiếm chúng ta, tha thứ cho chúng ta, an ủi chúng ta, và tái lập lại sự hiệp nhất đã bị mất do sự bất phục tùng của tội, với Chúa Cha qua Nhiệm Thể của Người. Và như vậy, tính tiêu cực xét theo ngữ nghĩa qua cách diễn tả của Mười Điều Răn — “chớ lấy của người,” “chớ lăng nhục,” “chớ giết người” — chữ “chớ” đó được diễn đạt lại theo thái độ tích cực là: hãy yêu thương, hãy mở lòng ra với người khác, mọi ước muốn gieo rắc chân lý. Và đây là sự kiện toàn của Lề Luật mà Chúa Giê-su mang đến cho chúng ta.

Trong Đức Ki-tô, và chỉ riêng trong Người, thì Mười Điều Răn không còn là sự kết án (x. Rm 8:1) và trở nên chân lý của sự sống con người, đó chính là khát khao yêu thương — từ đây sinh ra khát khao điều thiện hảo, làm điều thiện hảo — khát khao niềm vui, khát khao hòa bình, khoan dung, nhân từ, thiện hảo, trung tín, hiền từ, tự chủ. Từ chữ “chớ” đó chúng ta chuyển thành chữ “có”: tức là thái độ tích cực của một tâm hồn rộng mở ra với sức mạnh của Thần Khí.

Tiếp Kiến Chung: Đức Thánh Cha đúc kết về Mười Điều Răn

Chúng ta đã thấy tại sao tìm kiếm Đức Ki-tô trong Mười Điều Răn là rất thiết thực: làm cho tâm hồn chúng ta trở nên tươi tốt để nó tràn đầy tình thương, và rộng mở trước công trình của Thiên Chúa. Khi con người bám lấy khát khao sống thuận theo Đức Ki-tô, là họ đang mở được cánh cửa cứu độ, và điều đó chắc chắn sẽ đến, vì Thiên Chúa Cha vô cùng quảng đại, và như Giáo lý dạy chúng ta rằng, “Thiên Chúa vô cùng khát khao rằng chúng ta khao khát Người.” (s. 2560).

Nếu có những ước mong xấu xa làm hại con người (x. Mt 15:18-20), Thần Khí ký thác những khát khao trong tâm hồn chúng ta (x. 1 Ga 3:9). Quả thật, sự sống mới không phải là một nỗ lực phi thường tuân thủ chặt chẽ theo một quy phạm, nhưng sự sống mới là Thần Khí của chính Thiên Chúa Đấng bắt đầu hướng dẫn để chúng ta trổ sinh hoa trái, trong sự hòa trộn hạnh phúc giữa niềm vui vì chúng ta được yêu thương và niềm vui của Người yêu thương chúng ta. Hai niềm vui gặp gỡ nhau: niềm vui của Thiên Chúa yêu thương chúng ta và niềm vui của chúng ta được yêu thương. Anh chị em đã thấy ý nghĩa của Mười Điều Răn cho người Ki-tô hữu chúng ta là như thế nào: chiêm ngưỡng Đức Ki-tô và mở lòng mình để đón nhận tâm hồn của Người, đón nhận những mong ước của Người, đón nhận Thần Khí của Người.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2018]


Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Kết luận

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành

B

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

___________________________________________


B.5

Kết luận



Như đã trình bày ở trên, còn nhiều trường hợp phép lạ chữa lành khác có liên quan đến Lộ Đức ngoài ba phép lạ ở trên – 69 trường hợp đã chính thức được công nhận là phép lạ bởi Phòng Y khoa Lộ Đức, và còn hàng ngàn trường hợp khác rất lạ thường, nhưng chưa vượt quá mức độ khoa học hoàn toàn không giải thích được. Trên quan điểm này, hoàn toàn có thể có một sức mạnh ngoại thường – thật ra là sức mạnh siêu nhiên – liên tục hiện hữu và hoạt động tại hang Grotto của Lộ Đức. Những bằng chứng quá rõ ràng cho nên chỉ cần mở lòng một chút ra trước sự hiện hữu của Thiên Chúa và hoạt động của Người trên thế giới, sẽ dẫn chúng ta đến với kết luận này.

Nếu chúng ta kết luận về sự hiện hữu của quyền năng Thiên Chúa và sự chữa lành tại Lộ Đức, vậy còn ý nghĩa gì khác ngoài kết luận hiển nhiên về sự hiện hữu và hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới? Và kết luận đó phải là Thiên Chúa là tình yêu, vì đây không những là bằng chứng quá rõ ràng trong những sự chữa lành xảy ra rất nhiều lần hàng năm tại hang Grotto, nhưng còn là sự phục vụ yêu thương của quá nhiều người đã cống hiến thời gian của họ, và thậm chí cả cuộc sống của họ, để giúp đỡ những bệnh nhân hành hương đến tắm trong những mạch nước hy vọng này. Nhưng còn những người không nhận được ơn chữa lành thì sao? Chuyện gì đã xảy ra với họ? Đại đa số – cho dù có thể ban đầu cảm thấy thất vọng – đã tìm được sự đổi mới tinh thần bởi lời cầu nguyện, chứng tá tinh thần, và sự phục vụ yêu thương tại hang Grotto. Kinh nghiệm làm cho họ định hướng lại – không phải là đón nhận được ơn chữa lành trên trần gian này, nhưng là ơn cứu độ đời đời của họ với Thiên Chúa yêu thương Đấng hiện diện một cách lạ thường tại thánh địa và hang Grotto. Rất ít người hành hương rời hang Grotto với tâm trạng cay đắng. Hầu như là ngược lại – họ được khai trí, được canh tân tâm tâm hồn, và tập trung vào một đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, điều mà giờ đây họ biết rằng phải bao gồm yếu tố thập giá để giúp họ trên hành trình. Chấp nhận thập giá như một phương cách không thể thiếu được cho sự thanh tẩy của tình yêu, và sự thanh tẩy sau cùng trên thiên đàng, có thể là chiều kích khó khăn nhất cho cuộc sống con người. Tuy nhiên Lộ Đức, ngay cả khi ơn chữa lành không xảy ra, vẫn có tác động rất mạnh khiến chúng ta dễ tiến đến với sự chấp nhận này. Lộ Đức rõ ràng là nơi tình yêu của Thiên Chúa tỏ lộ qua sự chữa lành, sự phục vụ, và phúc lành biết đón nhận thập giá của Chúa Giê-su Ki-tô.

Câu chuyện phi thường này và hang Grotto còn có tác động nào khác đến chúng ta? Có một điểm rõ ràng nhất – đó không chỉ là sự hiện hữu của Thiên Chúa Cha và Chúa Giê-su Phục sinh, nhưng còn có cả Mẹ Maria. Kỷ nguyên hiện đại bây giờ dường như quá khó chấp nhận sự đồng công của Đức Trinh nữ Diễm phúc trong công cuộc quan phòng và cứu độ của Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta đã chứng kiến tại Guadalupe và bây giờ là tại Lộ Đức, Mẹ Maria Diễm phúc có cách thức hiện đến với con người giống như khi Mẹ còn là một người cô gái của làng Nadarét. Như đã nói ở trên, các ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh không thích giữ độc quyền trong chương trình quan phòng – các ngài khao khát được chia sẻ nó trước hết với Mẹ Diễm Phúc, sau đến các Thánh như Bernadette Soubirous, và ngay cả với những con người trong ngành y khoa như Alexis Carrel.

Sự hiện diện rất quan trọng của Đức Trinh nữ Diễm phúc tại Lộ Đức cho thấy vai trò trung tâm của Mẹ trong chương trình cứu độ theo thánh ý của Thiên Chúa. Có thể chúng ta sẽ thắc mắc tại sao Người lại muốn Mẹ có một vai trò quan trọng như vậy trong chương trình quan phòng và cứu độ. Câu trả lời có thể là, như đã được minh chứng tại Guadalupe và Lộ Đức, rằng Ngài tìm một người nữ và tiếng nói của người mẹ để thể hiện sự chăm sóc và ý định cứu độ của Ngài. Tình hiền mẫu của Mẹ Maria dành cho Juan Diego và Bernadette cho thấy chiều kích quan trọng này – cũng như chiều kích gia đình – trong chương trình quan phòng và tình yêu của Chúa. Chiều kích hiền mẫu này thật sự rất quan trọng cho những người đang chịu đau khổ và cần một sự động viên và an ủi mà chỉ một người mẹ mới có thể trao tặng. Sự chăm sóc và an ủi của mẹ hiền bổ sung tuyệt vời cho tình yêu vô điều kiện của người cha của Người con Hoang đàng (Abba) và tình yêu thương huynh đệ vô điều kiện của chính Chúa Giê-su.

Một số người có thể phản đối rằng việc này tạo nên hiện tượng “Mariolatry” (tôn thờ Đức Maria) – một sự thần thánh hóa và thờ phượng Mẹ Maria. Trái ngược lại! Người Công giáo không quan tâm đến sự thần thánh hóa hay tôn thờ Mẹ Maria, nhưng chỉ chân nhận vai trò trọng yếu của Mẹ trong trật tự cứu độ – không chỉ trong thế kỷ đầu tại Nadarét, nhưng xuyên suốt lịch sử. Khi Chúa Cha làm cho chúng ta trở thành dưỡng tử qua Chúa Giê-su Con của Người, thì Người cũng làm cho chúng ta trở thành dưỡng tử của Đức Maria Thân Mẫu Chúa Giê-su. Mẹ đón chúng ta vào trong gia đình nhân loại trên nước trời mà Mẹ đã đi tiên phong qua việc Mẹ đồng ý làm Mẹ của Chúa Con. Chúng ta là con cái của Mẹ – không phải chỉ trong thế kỷ đầu – nhưng là mãi mãi – và các phép lạ tại Guadalupe và Lộ Đức khẳng định luận lý về tinh yêu gia đình này.

Một nhận xét cuối cùng — khi Đức Nữ Đồng Trinh Diễm Phúc hiện ra với Bernadette Soubirous, Mẹ tuyên bố rằng Mẹ là “Vô nhiễm nguyên tội.” Đây là một tín điều khác mà người ngoài Công giáo tin rằng điều đó nằm ngoài Kinh Thánh và có phần nào đó khó tin. Mặc dù Kinh Thánh không đề cập một cách trực tiếp rằng Mẹ Maria không mắc tội nguyên tổ khi thụ thai, nhưng Giáo hội tin rằng điều này đến từ sự tinh tuyền của Mẹ - gần như được chứng thực chung bởi các Giáo phụ. Trên nền tảng này, tín điều được công bố bởi Đức Giáo hoàng Piô IX năm 1854 trong sắc chỉ giáo hoàng Ineffabilis Deus. Căn cứ vào tính xác thực của nhiều phép lạ xảy ra tại Lộ Đức, thật hợp lý khi đưa ra cùng một tính xác thực cho trình thuật của Bernadette về những lần hiện ra mà rõ ràng chúng đã khẳng định cho sự Vô nhiễm Nguyên tội từ chính lời của Mẹ nói ra. Tín điều này khẳng định chương trình quan phòng đầy tình thương của Chúa chọn Maria làm Mẹ cho Con của Người, và giữ cho Mẹ được tinh tuyền không nhiễm tội — một trong những hậu quả của sự sa ngã. Điều này bảo vệ cho khả năng nuôi dưỡng Chúa Giê-su của Mẹ bằng một tình yêu nguyên tuyền. Tín điều này tạo nên ý nghĩa trọn vẹn. Nếu Con Thiên Chúa xuống trần nhập thế như một trẻ thơ (vì Người hoàn toàn nên như một con người), thì việc Thân Mẫu của Người nuôi dưỡng Người đúng theo khả năng yêu thương trọn vẹn của loài người là vô cùng phù hợp. Cho dù Bernadette không nhận ra được tầm quan trọng của lời công bố của Mẹ Maria (ở tuổi 14 và không được học hành nhiều), nhưng thánh nữ đã trở thành một sứ giả để khẳng định một tín điều quan trọng về sự dự liệu, tình yêu vô điều kiện, sự quan phòng, và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.


[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/11/2018]


Từ “holiday” có nguồn gốc từ đâu

Từ “holiday” có nguồn gốc từ đâu?

18 tháng Mười Một, 2018
Từ “holiday” có nguồn gốc từ đâu


Từ này rõ ràng có nguồn gốc từ Ki-tô giáo.

Trong nhiều quốc gia nói tiếng Anh, vài tháng cuối năm của niên lịch được biết đến như là “mùa nghỉ ngơi.” Nói chung có thể chúc người khác bằng câu “Happy Holiday” (chúc ngày lễ hạnh phúc), bất kể quan điểm tôn giáo của người đó.

Điều khá thú vị nữa, trong khi từ này đã được văn hóa thế tục chấp nhận, nhưng nguồn gốc của nó hiển nhiên xuất phát từ Ki-tô giáo.

Theo từ điển Merriam-Webster, từ này có gốc từ tiếng Anh cổ “hāligdæg”, từ hālig (holy: thánh) + dæg (day: ngày).” Nói theo nghĩa đen thì “holiday” là một “ngày thánh).

Theo lịch sử thì từ này luôn nói đến những ngày lễ đặc biệt trong lịch phụng vụ của Ki-tô giáo, Giáng sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của năm.

Theo thời gian, ý nghĩa ban đầu của nó bị phai dần khi những ngày lễ chỉ về những ngày nghỉ ngơi và là khoảng thời gian không làm việc. Người Ki-tô giáo không làm việc trong những ngày này, vì vậy nghỉ ngơi và thư giãn là một phần đương nhiên của mỗi ngày lễ.

Đây là một trong những lý do tại sao “nghỉ lễ” (holiday) ở Anh cũng đồng nghĩa với câu “nghỉ hè” (vacation). Trong quá khứ việc này luôn liên quan đến một ngày lễ nào đó của Ki-tô giáo, mừng kính cuộc sống của một thánh nhân hay chính cuộc sống của Đức Ki-tô. Cho đến gần đây ý nghĩa liên quan này không còn tồn tại và “ngày lễ” ở Anh cũng tương tự như “ngày nghỉ” ở Hoa kỳ.

Lần tới khi bạn chúc một ai đó câu “Chúc ngày lễ hạnh phúc,” (“Happy Holiday”) thì hãy nhớ đến nguồn gốc Ki-tô giáo của từ này và cố gắng thánh hóa những ngày đó, dâng lên Thiên Chúa sự nghỉ ngơi và thư giãn của bạn.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/11/2018]


Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ trọng Chúa Ki-tô Vua

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ trọng Chúa Ki-tô Vua
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ trọng Chúa Ki-tô Vua

Chúa Giê-su ‘muốn thiết lập Vương quốc Tình yêu, Công bằng, và Hòa bình của Người’ trên trần gian

25 tháng Mười Một, 2018 14:32

Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico ngày 25 tháng Mười Một, 2018, trước và sau Kinh Truyền Tin buổi trưa với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *


Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lễ trọng Chúa Giê-su Ki-tô Vua Vũ trụ mà chúng ta kính trọng thể hôm nay, được xếp vào cuối năm phụng vụ là muốn nhắc nhớ rằng sự sống của tạo vật không trôi qua theo tính ngẫu nhiên nhưng tiến đến một đích cuối cùng: sự khải hiện sau cùng của Đức Ki-tô, Thiên Chúa của lịch sử và của toàn thể tạo vật. Sự kết thúc của lịch sử sẽ là triều đại vĩnh hằng của Người. Trích đoạn Tin mừng hôm nay (x. Ga 18:33b-37) kể cho chúng ta về Vương quốc này, về vương quyền của Đức Ki-tô, tường thuật lại hoàn cảnh nhục nhã mà Chúa Giê-su gánh chịu sau khi bị bắt ở Vườn Cây Dầu: bị trói, bị sỉ nhục, bị tố cáo và bị dẫn đến trước những người lãnh đạo của Giê-ru-sa-lem. Rồi Người bị đưa đến trình diện trước quan Tổng trấn của Roma, với cáo buộc là người âm mưu chống lại quyền lực chính trị để trở thành Vua dân Do thái. Philatô thực hiện cuộc điều tra và trong một cuộc thẩm vấn đầy kịch tính, ông ta hỏi Chúa Giê-su hai lần rằng Ngài có phải là vua không (x. cc. 33b.37). Ban đầu, Chúa Giê-su trả lời rằng Nước của Người “không thuộc thế gian này” (c. 36). Rồi Người khẳng định: “Chính ngài nói rằng tôi là vua” (c. 37). Bằng chứng cho thấy trong suốt cuộc đời Chúa Giê-su không hề có những tham vọng chính trị. Chúng ta có thể nhắc lại điều đó sau biến cố phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng đầy sự phấn khích sau phép lạ, đã muốn tôn Ngài lên làm vua, để lật đổ quyền lực của Roma và tái lập vương quốc Israel. Tuy nhiên với Chúa Giê-su, Vương quốc là một điều khác, và chắc chắn không được thiết lập bằng sự nổi loạn, bằng bạo lực và quân đội. Vì vậy, Ngài lặng lẽ lên trên núi để cầu nguyện (x. Ga 6:5-15). Bây giờ, để trả lời cho Philatô, Ngài lưu ý cho ông ta biết rằng các môn đệ của Ngài đã không chiến đấu để bảo vệ cho Ngài. Ngài nói: “Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái” (c. 36).

Chúa Giê-su muốn cho mọi người hiểu rằng vượt trên cả quyền lực chính trị là một sức mạnh khác còn lớn hơn, và không thể đạt được nó bằng những phương tiện của loài người. Người xuống trần gian để thi hành sức mạnh này, đó chính là tình yêu, “làm chứng cho sự thật” (c. 37). Đó chính là sự thật của nước trời với thông điệp tối hậu của Tin mừng sẽ là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8), và Người muốn thiết lập Vương quốc Tình yêu, Công bằng, và Hòa bình của Người trên trần gian. Đây chính là Vương quốc mà Chúa Giê-su sẽ làm Vua cai trị, và vương quốc đó sẽ tồn tại mãi mãi. Lịch sử dạy cho chúng ta biết rằng các vương quốc được thành lập dựa trên sức mạnh của vũ trang và sự giả dối là rất mong manh, và chẳng sớm thì muộn cũng sẽ sụp đổ; nhưng Vương quốc của Thiên Chúa được thiết lập trên tình yêu và ngự trị trong tâm hồn — Vương quốc của Chúa ngự trị trong tâm hồn –, trao tặng sự bình an, sự tự do, và sự viên mãn của cuộc sống cho những ai đón nhận nó. Tất cả chúng ta đều mong muốn sự bình an. Tất cả chúng ta đều muốn có tự do và tất cả chúng ta đều mong muốn sự viên mãn. Và bằng cách nào để đạt được những điều này? Hãy để cho tình yêu của Chúa, Vương quốc của Chúa, tình yêu của Chúa Giê-su ngự trị trong tâm hồn của anh chị em và anh chị em sẽ có được sự bình an, anh chị em sẽ có được sự tự do và anh chị em sẽ có được sự viên mãn.

Hôm nay Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta hãy để Người làm Vua chúng ta. Một vị Vua đã giải thoát chúng ta khỏi sự chết bằng Lời của Người, bằng tấm gương và sự hy sinh mạng sống của Người trên thập giá, và vị Vua này đã vạch lại con đường cho nhân loại đã bị lầm đường lạc lối; Người trao tặng ánh sáng mới cho cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống lầm lũi trong sự hoài nghi, trong sự sợ hãi, và trong những thử thách mỗi ngày. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng Vương quốc của Chúa Giê-su không thuộc thế gian này. Người trao tặng ý nghĩa mới cho sự sống của chúng ta với điều kiện duy nhất là chúng ta không đi theo luận lý của thế gian và những “ông vua” của nó, đôi khi phải trải qua những thử thách lớn cũng vì lỗi lầm và tội của chúng ta.

Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta biết chào đón Chúa Giê-su làm Vua cuộc sống của chúng ta và biết loan truyền Vương quốc của Người, làm chứng cho sự thật đó là tình yêu.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Lễ trọng Chúa Ki-tô Vua

Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua Ukraine tưởng niệm nạn đói Holodomor, nạn đói kinh hoàng do chính quyền Xô-viết gây ra cho hàng triệu nạn nhân. Bức tranh thật kinh hoàng. Ước mong vết thương của quá khứ trở thành một lời thỉnh cầu đối với tất cả mọi người, để những thảm kịch như vậy sẽ không bao giờ tái diễn. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đất nước thân yêu đó và cho nền hòa bình đang được mọi người khát khao.

Cha xin chào tất cả anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác: các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn. Đặc biệt, cha gửi lời chào đến rất nhiều ca đoàn đã đến đây tham dự Đại hội Quốc tế lần thứ Ba tại Vatican, và cha cảm ơn rất nhiều vì sự có mặt của anh chị em và sự phục vụ quý báu của anh chị em cho phụng vụ và việc rao giảng phúc âm. Cảm ơn anh chị em rất nhiều!

Cha xin chào các tham dự viên của Đại hội Fertility, do Đại học Công giáo Thánh tâm tổ chức, nhân kỷ niệm 50 năm Tông huấn Humanae Vitae của Thánh Phaolô VI, và các sinh viên Đại học Jurisprudence của Đại học Roma Tre. Và xin chúc mừng vì anh chị em rất dũng cảm! Đến đây trong thời tiết mưa gió như vầy! Anh chị em rất can đảm! Rất tốt!

Và cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/11/2018]


Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành 4

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành

B
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

B.1
Những phép lạ chữa lành

__________________________________________________________

B.4
John Traynor – 1923

Trường hợp thứ ba của John Traynor xảy ra năm 1923. Traynor lớn lên là người Công giáo và là một anh hùng trong Đại chiến Thế giới I và bị thương nặng trong chiến tranh. Năm 1915, trong một trận đánh lần thứ ba ông bị thương rất nặng, ông bị súng máy quét. Một viên đạn găm ngay dưới xương đòn, ông bị thương ở ngực, và một viên đạn khác trượt ngang đầu (tạo ra một lỗ hở vĩnh viễn để lộ cả não mà sau đó phải đậy lại bằng một thẻ bạc). Vì hậu quả của những vết thương này, cánh tay phải của Traynor bị liệt (và các cơ bị teo), đôi chân của ông bị liệt một phần, và ông bị động kinh (do vết thương trên đầu). Ông không thể làm bất cứ việc gì, và phải có người đưa ông từ giường xuống xe lăn, có lúc lên 4 cơn động kinh một ngày. (31)

Năm 1923, giáo phận Liverpool của ông Traynor tổ chức một cuộc hành hương đến Lộ Đức. Traynor với lòng rất sùng kính Mẹ Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc, cũng rất muốn đi, mặc dù các bác sĩ, vợ ông, bộ phúc lợi xã hội của chính phủ, và thậm chí cả linh mục tổ chức chuyến hành hương năn nỉ ông ở nhà. Họ nghĩ rằng thực hiện chuyến đi là tự tử, và hầu như là họ có lý. Traynor được di chuyển bằng xe lăn lên xe lửa ở Liverpool, và vô cùng đau đớn trong suốt chuyến đi đến Lộ Đức. Khi tới nơi, ông gần như hấp hối, và một người phụ nữ viết thư gửi cho vợ ông nói rằng ông có thể sẽ được chôn tại Lộ Đức. Trong suốt thời gian ở đó, ông được đem đến tắm ở mạch nước chín lần, và đúng vào lần thứ mười (25 tháng Bảy, 1923), đôi chân ông có cảm giác căng lên. Sau khi tắm, ông được đặt lên xe lăn để được Đức Giám mục của Rheims ban phép lành Thánh Thể, ngài vừa đi qua trong một cuộc rước Thánh Thể. Sau khi được ban phép lành Thánh Thể, cánh tay của ông (đã bị liệt suốt 8 năm) trở nên đầy sức mạnh đến mức ông có thể bứt tung các băng gạc. Sau đó ông lấy lại được sức mạnh của đôi chân (chúng đã bị liệt một phần trong suốt 8 năm, khiến ông không thể đứng và đi). Ông bước ra khỏi xe lăn và bước đi nhiều bước, nhưng những người chăm sóc ông bắt ông lên giường buổi tối hôm đó vì sợ rằng ông có thể tự gây ra thương tích. Suốt đêm hôm đó, ông nhảy xuống khỏi giường, quỳ đọc hết một chuỗi mân côi, và mở bung cửa đi đến hang Grotto – khiến mọi người nhìn thấy đều vô cùng kinh ngạc. Ông quỳ trong hang Grotto để đọc xong các kinh, nhưng dường như ông vẫn còn bị chứng quên tạm thời như tình trạng trước đây của ông trước khi đến suối tắm mười lần. Sự chữa lành không chỉ xảy ra với chứng liệt và động kinh của ông, nó tác động đến cả bộ nhớ của ông. Hai ngày sau, khi trên xe lửa trở về Liverpool, Đức Tổng Giám mục Keating của Liverpool đến toa của ông, và nhắc ông về chứng bệnh cũ – chỉ đến khi đó thì bộ nhớ của ông hoàn toàn phục hồi, cả ông và Đức Tổng Giám mục bật khóc vì sung sướng. (32)

Sự chữa lành xảy ra cho ông quá trọn vẹn đến mức ông xin làm việc tại doanh nghiệp than và chuyên chở (nâng những bao than nặng 200 pound - khoảng 90 kg), cam kết phục vụ tại hang Grotto ở Lộ Đức vào dịp hè hàng năm, và qua đời đêm vọng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm năm 1943 (20 sau khi được chữa lành). Rất nhiều người ở Liverpool đã trở lại nhờ phép lạ hiển nhiên này. (33)

Năm 1926, Phòng Y khoa Lộ Đức chứng thực rằng ông Traynor được chữa lành ngay lập tức và vĩnh viễn mà y khoa không thể giải thích được. Không những chứng liệt cánh tay và chân được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng ông còn lấy lại được sức mạnh của cơ và các dây chằng của cánh tay. Ngoài ra, lỗ hở trên thái dương của ông cũng được chữa lành hoàn toàn, không để lại dấu vết gì ngoài một chút lõm vào. Ông nhận được giấy chứng nhận từ Bác sĩ McConnell của Liverpool chứng nhận rằng ông không còn bị chứng động kinh từ năm 1923. Tất cả những sự chữa lành này xảy ra cùng lúc và ngay lập tức. (34) Gần đây một bộ phim về phép lạ này được người chắt của ông thực hiện, và sẽ được chiếu trong năm 2017. (35)

_____________________________________________________________

31 Xem “Những phép lạ của Lộ Đức” trong Thư viện Đức Bà Mân Côi. https://olrl.org/stories/lourdes.shtml.
32 Nt.
33 Nt.
34 Nt.
35 Xem Eleanor Barlow 2016 “Câu chuyện phép lạ của người lính Liverpool được kể trong bộ phim tài liệu do chính người chắt của ông đạo diễn” trong Echo News (Liverpool), tháng Sáu, 2016. http://www.liverpoolecho.co.uk/news/liverpool-news/liverpool-miracle-soldiers-story-told-11455815.
______________________________________________________________


[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/11/2018]


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Ít nhất 42 người chết trong Nhà thờ Chính tòa ở Cộng hòa Trung Phi

Ít nhất 42 người chết trong Nhà thờ Chính tòa ở Cộng hòa Trung Phi

Đội tuần tra gìn giữ hòa bình MINUSCA ở Bangui, Cộng hòa Trung phi, 22 tháng Mười, 2017. (U.N. photo/Eskinder Debebe via CNA)


19 tháng Mười Một, 2018


Ít nhất 42 người chết trong Nhà thờ Chính tòa ở Cộng hòa Trung Phi

Nhiều người trong số người chết là người tị nạn đang tá túc tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm ở Alindao.

CNA/EWTN News

ALINDAO, Cộng hòa Trung Phi — Theo các bản tin địa phương, ít nhất 42 người chết trong một vụ tấn công hôm thứ Năm vào Nhà thờ Chính tòa Thánh Tâm ở Alindao, thuộc Cộng hòa Trung Phi.

Ít nhất có một linh mục trong số những người bị giết trong vụ tấn công ngày 15 tháng Mười Một. Một vài ước tính không chính thức nói rằng số người chết có thể lên đến 100. Nhiều người trong số nạn nhân là những người tị nạn đang tá túc tại nhà thờ.

Cộng hòa Trung Phi đã hứng chịu nhiều bạo lực từ tháng Mười Hai năm 2012, khi có nhiều băng nhóm chủ yếu thuộc các nhóm phiến quân Hồi giáo thành lập một liên minh, lấy tên là Seleka, và nắm chiếm quyền lực.

Để trả đũa lại những vụ tấn công của Seleka, một số người Trung Phi thành lập các nhóm tự vệ gọi là anti-balaka. Một số nhóm này, gồm chủ yếu là người Ki-tô hữu, bắt đầu tấn công người Hồi giáo để trả thù, và cuộc xung đột mang màu sắc tôn giáo.

Theo các báo cáo từ tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, các lực lượng cựu Seleka tấn công vào nhà thờ chính tòa, được cho là để trả đũa vì một người Hồi giáo bị giết một ngày trước đó bởi nhóm anti-balaka.

Cha Abbe Blaise Mada, vị linh mục bị giết trong vụ tấn công, là cha tổng đại diện của giáo phận. Tổ chức Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn cho biết thêm rằng một vài báo cáo cho biết một vị linh mục thứ hai, Cha Celestine Ngoumbango, cũng bị giết, nhưng tin này chưa được xác nhận.

Các căn nhà trong khu vực lân cận cũng bị cướp phá và đốt cháy.

Nhiều nhà thờ Công giáo trong quốc gia cung cấp chỗ tạm trú cho cả người Hồi giáo và Ki-tô giáo chạy trốn bạo lực, trong đó có các nhà thờ trong Giáo phận Bangassou, cách Alindao khoảng 140 dặm về phía đông, tại đây nhiều đoàn thể Công giáo đón nhận những người Hồi giáo di tản đang phải đối mặt với bạo lực từ tay các nhóm anti-balaka.

Anti-balaka đã giết trên 100 người Hồi giáo ở Bangassou vào tháng Năm 2017 trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc can thiệp, và từ đó, Tiểu chủng viện Thánh Louis của thành phố trở thành nhà ở cho khoảng 1600 người Hồi giáo di tản. Khoảng 2000 người Hồi giáo khác tá túc tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Phê-rô ở Bangassou.

Cộng hòa Trung Phi đã tổ chức tổng tuyển cử năm 2015-16 và thành lập chính phủ mới, nhưng các nhóm chiến binh tiếp tục khủng bố cư dân địa phương. Hàng ngàn người đã bị giết trong các vụ bạo lực, và ít nhất một triệu người đã phải di tản. Ít nhất một nửa dân số Trung Phi phải sống nhờ vào cứu trợ nhân đạo, theo những báo cáo của LHQ.

Đức Thánh Cha Phanxico đã đến thăm Cộng hòa Trung Phi trong chuyến đến Châu Phi năm 2015 và thúc giục các nhà lãnh đạo quốc gia hoạt động cho hòa bình và hòa giải.

Ba linh mục đã bị giết ở Cộng hòa Trung Phi trong năm nay trước vụ tấn công vào nhà thờ chính tòa.



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/11/2018]


Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành 3

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành

B
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

B.1
Những phép lạ chữa lành

__________________________________________________________

B.3
Gabriel Gargam - 1901


Trường hợp thứ hai của Gabriel Gargam xảy ra năm 1901. Ông sinh trong gia đình với cha mẹ là người Công giáo tốt lành, nhưng đã bị mất đức tin khi lên 15 tuổi, và không còn theo đạo. Về sau ông làm người phân loại thư tín, và năm 1899 trong khi đang làm việc, chuyến xe lửa mà ông đang làm việc trên đó đụng đối đầu một xe lửa khác với tốc độ 50 mph (khoảng 80,5 km/h). Ông bị quăng khỏi xe lửa 52 bộ (gần 16 mét) và bị thương rất nặng. Sau tám tháng, ông bước gần đến ngưỡng cửa tử - một thân xác chỉ còn 78 pound (hơn 35 kg) với đôi bàn chân hoại tử, không thể ăn thức ăn cứng. Chỉ có thể tiếp thức ăn cho ông 24 giờ một lần qua một đường ống và cần phải có hai y tá chăm sóc. Tình trạng của ông được chứng nhận không những bởi các bác sĩ, nhưng cả những người tham gia trong vụ kiện mà ông gửi đơn kiện công ty hỏa xa – các hồ sơ tòa án và bằng chứng của các bác sĩ vẫn còn giữ đến ngày nay. (28)

Gargam nằm suốt hai năm trên giường – không ai có thể chuyển ông ra khỏi phòng. Mặc dù người dì của ông (là một nữ tu) và mẹ ông năn nỉ ông đến Lộ Đức, nhưng ông từ chối và chấp nhận cam chịu số phận giam mình trong phòng. Cuối cùng ông cũng xiêu lòng và đồng ý đi, nhưng việc chuyển ông trên băng ca trên xe lửa làm ông vô cùng đau đớn. Khi đến Lộ Đức ông ở trong tình trạng thật kinh khủng, và ông đồng ý xưng tội và lãnh nhận một phần Thánh Thể, rồi người ta chuyển ông đến suối nước trong hang Grotto. Sự đau đớn lên đến cực độ, đến mức ông ngất đi, và những người hỗ trợ ông tin rằng ông sẽ chết, vì thế họ đặt ông trên một xe ngựa và phủ một miếng vải lên mặt, và đưa ông trở lại khách sạn. Trên đường trở về, có một đám Rước Thánh Thể ngang qua. Vị linh mục đi đầu đoàn rước nhìn thấy sự đau buồn của những người đi chung quanh Gargam, và linh mục ban phép lành cho họ với Thánh Thể, và ngay khi đó đôi chân của Gargam bắt đầu nhúc nhích dưới tấm chăn. Sau đó ông tự ngồi thẳng dậy bằng chính sức lực của mình (điều mà ông đã không làm được trong suốt hai năm), và lại tiếp tục bước xuống khỏi xe ngựa và tự mình bước đi vòng quanh. Đám đông kinh ngạc hộ tống ông quay về khách sạn và tại đó ông ăn một bữa ăn như người khỏe mạnh (cho dù ông đã không thể ăn thức ăn cứng trong suốt hai năm). (29)

Ngày 20 tháng Tám, năm 1901, Gargam được 60 nhà y khoa kiểm tra, tất cả đều tuyên bố ông được chữa khỏi hoàn toàn. Họ không thể giải thích được sự lành bệnh của ông theo bất kỳ một nguyên lý khoa học – một phán quyết vẫn giữ nguyên sự thật đến hôm nay. Ông Gargam cũng trải qua sự biến đổi tâm linh, thánh hiến bản thân cho Mẹ Maria Đồng Trinh và phục vụ bệnh nhân tại Lộ Đức. Ông sống cuộc sống với sức khỏe bình thường đến khi qua đời năm 83 tuổi. (30)

___________________________________________________________


28 Elaine Jordan “Phép lạ Lộ Đức cho Gabriel Gargam” trong Tradition in Action, http://www.traditioninaction.org/religious/h106_Lourdes.htm.
29 Nt.
30 Nt.

___________________________________________________________


[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2018]


Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ trước Ngày Giới trẻ Thế giới 2019

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ trước Ngày Giới trẻ Thế giới 2019
Vatican Media Screenshot

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ trước Ngày Giới trẻ Thế giới 2019

‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói’ (Lc 1:38).

21 tháng Mười Một, 2018 15:35

Ngày 21 tháng Mười Một, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico gửi một sứ điệp video đến các bạn trẻ trước Ngày Giới trẻ Thế giới, 22-27 tháng Một, 2019, tại Panama.

Văn bản của sứ điệp Video

Các bạn trẻ thân mến,

Ngày Giới trẻ Thế giới đang đến rất gần. Nó sẽ được tổ chức tại Panama vào tháng Một với chủ đề lấy chính câu trả lời của Mẹ Maria đáp lại tiếng gọi của Chúa, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38).

Câu đáp của Mẹ là lời “xin vâng” thật can đảm và quảng đại. Đó là câu đáp quả quyết của một người hiểu được bí mật của ơn gọi ‒ vượt ra khỏi chính con người mình và đặt bản thân vào vị trí phục vụ tha nhân. Cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ có ý nghĩa trong sự phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Có rất nhiều bạn trẻ, có tín ngưỡng và không có tín ngưỡng, những bạn sau khi kết thúc giai đoạn học hành, đã cảm thấy khao khát muốn làm việc gì đó cho những người đau khổ. Đây là một sức mạnh trong những người trẻ, một sức mạnh mà tất cả chúng con đều có. Nó là một sức mạnh có thể biến đổi thế giới. Nó là một cuộc cách mạng có thể lật đổ những thế lực hùng mạnh đang thao túng trong thế giới của chúng ta. Nó là “cuộc cách mạng” phục vụ.

Phục vụ tha nhân không chỉ có nghĩa là sẵn sàng hành động. Nó còn có nghĩa là bước vào cuộc đối thoại với Chúa bằng thái độ lắng nghe, như Mẹ Maria. Mẹ lắng nghe những điều thiên sứ nói với Mẹ và Mẹ đáp lời. Chính trong mối quan hệ với Thiên Chúa qua sự thinh lặng của tâm hồn mà chúng ta khám phá ra bản sắc và ơn gọi của Thiên Chúa gửi đến chúng ta. Nó được thể hiện qua nhiều con đường khác nhau: trong hôn nhân, trong đời sống thánh hiến, trong chức vụ linh mục … Tất cả đều là những con đường theo Chúa Giê-su. Điều quan trọng là khám phá được những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta và có đủ can đảm để nói tiếng “xin vâng.”

Mẹ Maria là một người phụ nữ hạnh phúc, bởi vì Mẹ đã quảng đại đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa và rộng mở tâm hồn cho chương trình của Chúa dành cho Mẹ. Khi Chúa có một chương trình cho chúng ta, giống như chương trình Người dành cho Mẹ Maria, thì điều đó không phải là dập tắt những giấc mơ của chúng ta, nhưng là làm bùng lên những khao khát. Những chương trình như vậy nhằm làm cho đời sống của chúng ta trổ sinh nhiều hoa trái và tạo nên những nụ cười và những tâm hồn hạnh phúc. Mạnh dạn đáp lời cho tiếng gọi của Chúa là bước đầu tiên đến với sự hạnh phúc và làm cho nhiều người khác hạnh phúc.

Các bạn trẻ thân mến, hãy can đảm, hãy đi vào trong con người mình và nói với Chúa: “Chúa muốn điều gì nơi con?” Hãy cho phép Chúa trả lời chúng con. Rồi chúng con sẽ nhìn thấy cuộc sống chúng con được biến đổi và tràn đầy niềm vui.

Đứng trước Ngày Giới trẻ Thế giới đang đến gần, cha mời gọi tất cả chúng con hãy chuẩn bị cho ngày đó bằng cách tham gia vào những sáng kiến đang diễn ra. Chúng sẽ giúp chúng con trên con đường tiến đến với mục tiêu này. Nguyện xin Mẹ Maria luôn ở bên chúng con trên cuộc lữ hành này, và ước mong rằng mẫu gương của Mẹ động viên chúng con biết can đảm và quảng đại trong câu trả lời.

Chúc chúng con một hành trình tốt đẹp về Panama! Và, đừng quên cầu nguyện cho cha nhé. Hẹn sớm gặp chúng con.




[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/11/2018]


Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành 2

Bắt đầu từ hôm nay, Tri Khoan trích dịch quyển Contemporary, Scientifically Validated Miracles Associated with Blessed Mary, Saints and the Holy Eucharist (Những phép lạ đương đại của Mẹ Maria Diễm Phúc, các Thánh và Thánh Thể được khoa học công nhận) và đăng theo từng phần.
___________________________________________________________

Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức - Những phép lạ chữa lành

B
Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức

B.1

Những phép lạ chữa lành

__________________________________________________________

B.2
Marie Bailly và Alexis Carrel – 1902



Trường hợp thứ nhất liên quan đến Marie Bailly, được chứng thực bởi nhà vật lý học được trao giải Nobel – Tiến sĩ Alexis Carrell. Trường hợp này được điều tra bởi Tiến sĩ Stanley Jaki, Ph.D., người đã có hai bằng tiến sĩ về vật lý học và thần học, là một người đóng góp đáng kể cho lịch sử và triết học của khoa học, và là người được trao giải Templeton. (19) Trường hợp này liên quan đến cả Tiến sĩ Carrell và người nhận được phép lạ chữa lành – Marie Bailly. Tiến sĩ Carrell được trao giải Nobel về những kỹ thuật khâu mạch máu và tạp chí Scientific American công nhận rằng ông “đã đi tiên phong trong tất cả các tiến bộ chính trong ngành giải phẫu hiện đại, trong đó có ghép cơ quan nội tạng.” (20)

Năm 1902 một bác sĩ bạn của Tiến sĩ Carrell mời ông giúp chăm sóc cho các bệnh nhân được chuyển bằng đường hỏa xa từ Lyons đến Lộ Đức. Khi đó tiến sĩ Carrell là người theo thuyết bất khả tri, ông không tin vào các phép lạ, nhưng đồng ý giúp, không chỉ vì tình bạn, nhưng cũng vì ông quan tâm muốn tìm hiểu những nguyên nhân tự nhiên nào có thể cho phép những trường hợp chữa lành nhanh như vậy xảy ra ở Lộ Đức. Trên xe lửa, ông gặp Marie Bailly, chị bị tuberculous peritonitis cấp tính; bụng của chị căng phồng lên với những khối u lớn và rất cứng. (21) Dù Marie Bailly vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, nhưng tiến sĩ Carrell tin rằng chị chắc chắn sẽ chết ngay sau khi tới Lộ Đức – hoặc không thì trước khi tới nơi. Các bác sĩ khác trên xe lửa đều đồng ý với chẩn đoán này.

_____________________________________________________________

19 Stanley Jaki thực hiện cuộc điều tra chuyên sâu cho Dossier 54 về vụ việc tại Phòng Y khoa Lộ Đức. Ông đưa ra những bằng chứng về y khoa (từ Carrel và hai bác sĩ khác) trong Dossier, cùng với một bài phân tích về nó, trong phần giới thiệu của ông về phiên bản mới của quyển Hành trình đến Lộ Đức của Alexis Carrel. Quyền sách được xuất bản bởi công ty của riêng ông, Real View Books, và có thể đặt mua trên mạng tại địa chỉ http://www.realviewbooks.com/. Cha Jaki tóm tắt những điểm chính của trường hợp này trong một bài thuyết trình cho Hiệp hội Y khoa Công giáo. Xem Stanley Jaki 1999 “Hai phép lạ Lộ Đức và Người được trao giải Nobel: Điều gì đã xảy ra? Hiệp hội Y khoa Công giáo.
https://www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=2866.
20 Xem trên.
21 Chính Tiến sĩ Carrell viết về sự chữa lành này trong quyển sách tựa đề Hành trình đến Lộ Đức lấy nhân vật chính là Tiến sĩ Lerrac (“viết ngược của Carrel”) và thay đổi tên “Marie Bailly” thành “Marie Ferrand” trong câu truyện. Đó là bài miêu tả trọn vẹn những gì Tiến sĩ Carrel chứng kiến trên chuyến xe lửa đến Lộ Đức. Xem Tiến sĩ Alexis Carrel 1950 Hành trình đến Lộ Đức, bản dịch của Virgilia Peterson (NY: Harper Brothers). Một bản miễn phí trên mạng tại http://www.basicincome.com/bp/files/The_Voyage_to_Lourdes.pdf.
_____________________________________________________________


Khi xe lửa đến Lộ Đức, chị Marie được đưa đến Hang Đức Mẹ, tại đó ba bình nước được đổ trên bụng căng phồng của chị. Sau lần đổ nước đầu tiên, chị cảm thấy một cơn đau quặn khủng khiếp, nhưng sau lần đổ nước thứ hai, nó giảm dần, và sau lần đổ nước thứ ba, chị cảm thấy nhẹ dần. Bụng của chị bắt đầu xẹp xuống và mạch của chị trở lại bình thường. (22) Tiến sĩ Carrel đứng đằng sau chị Marie (cùng với những bác sĩ khác) ghi chú chi tiết mỗi khi nước được rót xuống bụng của chị, và ông viết: “Bụng căng phồng và rất cứng bắt đầu xẹp xuống dần và trong vòng 30 phút nó hoàn toàn biến mất. Không có bất kỳ biện pháp hút dịch nào từ cơ thể được thực hiện.” (23) Sau đó chị Marie ngồi dậy trên giường, ăn tối (không bị nôn ói), và tự đứng dậy xuống hỏi giường và mặc quần áo ngày hôm sau. Rồi chị lên xe lửa, ngồi trên toa ghế cứng, và đến Lyons hoàn toàn khỏe mạnh. Tiến sĩ Carrel vẫn chú ý đến tình trạng tâm lý và thể lý của chị, và yêu cầu chị phải được theo dõi bởi một chuyên gia tâm thần và một bác sĩ trong suốt bốn tháng. (25) Sau đó, chị Marie gia nhập Dòng Nữ tử Bác ái – để hoạt động với các bệnh nhân và người nghèo với một cuộc sống rất hăng hái – và qua đời năm 1937 ở tuổi 58. (26)
Khi tiến sĩ Carrel chứng kiến biến cố diễn ra quá nhanh và y khoa không thể giải thích được, ông tin rằng ông đã được nhìn thấy một điều như phép lạ, nhưng với ông từ bỏ thuyết bất khả tri hoài nghi trước đây của ông là rất khó – vì vậy ông vẫn chưa trở lại với đức tin Công giáo của tuổi thơ xưa kia. Ngoài ra, ông muốn tránh trở thành một nhân chứng y khoa cho một biến cố phép lạ vì ông biết rằng nếu phép lạ được mọi người biết đến rộng rãi, nó sẽ phá hủy sự nghiệp của ông tại khoa y ở Đại học Lyons.

Tuy nhiên, sự chữa lành cho Marie Bailly là một phép lạ quá hiển nhiên (quá nhanh chóng, khỏi dứt hoàn toàn, và không thể giải thích được) đến mức nó trở nên nổi tiếng trên truyền thông ở Pháp và trên khắp thế giới. Các phóng viên tỏ ý rằng tiến sĩ Carrel không cho đó là một phép lạ, và điều đó buộc Carrel phải viết một bài trả lời trên báo chí nói rằng một bên (gồm một số tín hữu) vội vàng nhảy đến kết luận nó là một phép lạ quá nhanh, và một bên (cộng đồng y khoa) lại từ chối một cách vô lý không nhìn đến sự thật diễn ra như một phép lạ. (27) Quả thật, Carrel hàm ý rằng sự khỏi bệnh của chị Bailly có thể là phép lạ.

Không như tiến sĩ Carrel đã lo ngại, sự bảo vệ của ông cho phép lạ chữa lành chị Bailly sẽ đưa đến dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông tại khoa y ở đại học Lyons, thật trớ trêu nó lại có kết quả rất tốt cho tương lai của ông – vì nó dẫn ông đến Đại học Chicago và sau đó đến Đại học Rockefeller. Năm 1912, ông được trao giải Nobel cho công trình trong các kỹ thuật khâu mạch máu. Tiến sĩ Carrel trở lại Lộ Đức nhiều lần, và trong một lần khác ông đã chứng kiến một phép lạ thứ hai – một sự chữa lành ngay lập tức một bé trai 18 tháng tuổi bị mù. Dù chứng kiến hai phép lạ này, tiến sĩ Carrel vẫn không thể tự mình dứt khoát khẳng định thực tại của các phép lạ – sự can thiệp siêu nhiên của Chúa thể hiện trên thế giới. Năm 1938, một năm sau khi Xơ Marie Bailly qua đời, Carrel kết bạn với Giám đốc Đại Chủng viện Rennes, ngài khuyên ông nên đến với Cha Alexis Presse là Tu sĩ Dòng Xi-tô cải cách – một nhà linh hướng nổi tiếng và là bạn của Thủ tướng Charles de Gaulle, và ông bắt đầu đối thoại với cha. Năm 1942, Carrel tuyên bố rằng ông tin Thiên Chúa, tin sự bất tử của linh hồn, và tin các giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Hai năm sau, năm 1944, khi ông Carrel đang hấp hối ở Paris, ông được chuyển đến với Cha Presse, cha thực hiện các Phép Cuối cùng của Giáo hội cho ông. Ông đã không thể chối bỏ các phép lạ của Lộ Đức, và chúng đã dẫn dắt ông tiếp tục tìm kiếm bản chất tâm linh của ông và sự mạc khải Ki-tô giáo. Cuối cùng ông đã tìm được chính mình kết hiệp với Thiên Chúa qua Giáo hội từ thời thơ ấu của ông.
______________________________________________________________


22 XemJaki “Hai phép lạ Lộ Đức …”
23 Nt.
24 Nt.
25 Nt.
26 Nt.
27 XemJaki “Hai phép lạ Lộ Đức …”



______________________________________________________________



[Nguồn: magiscenter]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2018]