Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa như cha và mẹ

Đức Thánh Cha giảng Lễ: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa như cha và mẹ

Pope Francis at Mass in the Casa Santa Marta
Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong nhà nguyện Thánh Marta
14/12/2017 13:53
(Vatican Radio) Lòng nhân hậu của Thiên Chúa, là đặc điểm riêng của Người, là trọng tâm bài giảng của Đức Thánh Cha sáng nay trong Thánh Lễ tại nhà nguyện Thánh Marta. Chủ điểm được lấy trong bài đọc một trích sách Ngôn sứ I-sai-a và thánh vịnh qua đó Chúa tỏ lộ về chính Người: "... lòng nhân hậu của Người trải rộng trên mọi tạo vật.”
Hình ảnh được ngôn sứ I-sai-a trình bày là hình ảnh của Thiên Chúa; Đấng nói với chúng ta như một người cha nói chuyện với đứa con của mình, bắt chước cách nói để trở nên càng giống càng tốt. Và trước hết lại đoan chắc với ngôn sứ bằng sự vỗ về: "Đừng sợ, ta sẽ đến để giúp con.”
“Dường như Chúa muốn hát cho chúng ta nghe bài hát ru con. Chúa của chúng ta rất giỏi việc này. Lòng nhân hậu của Người như vầy: Người vừa là người cha vừa là người mẹ. Người nói với chúng ta rất nhiều lần: “Cho dù người mẹ có quên đứa con của mình đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” Người ôm chúng ta vào lòng. Người là Thiên Chúa Đấng biến mình trở nên nhỏ bé để làm cho chúng ta hiểu được qua cách đối thoại như vậy, Người làm cho chúng ta tin tưởng nơi Người và chúng ta có thể can đảm nói chuyện với Người như cách nói của Thánh Phao-lô rằng: “Abba Cha ơi.” Cha ơi … đó là lòng nhân hậu của Thiên Chúa.”
Sự vĩ đại trở nên nhỏ bé và sự nhỏ bé trở nên vĩ đại
Đức Thánh Cha Phanxico nói quả thật đôi khi Thiên Chúa cũng quở trách chúng ta, Người là Đấng vĩ đại, nhưng với lòng nhân hậu Người đến với chúng ta và giải thoát chúng ta. Và đây là một mầu nhiệm và là một trong những điều tuyệt mỹ nhất:
“Người là Thiên Chúa vĩ đại Đấng đã biến mình trở nên nhỏ bé và trong sự nhỏ bé đó Người làm những điều vĩ đại. Và trong nghịch lý tuyệt vời này Người trở nên nhỏ bé: lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Sự vĩ đại làm cho Người trở nên nhỏ bé và sự nhỏ bé lại trở thành vĩ đại. Giáng sinh giúp chúng ta hiểu được điều này: trong máng cỏ đó … Hài nhi bé nhỏ. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của Thánh Tô-ma trong phần đầu của Tổng luận Thần học. Để giải thích câu hỏi: “Điều gì là thánh thiêng? Điều gì là thánh thiêng nhất??” Ngài nói: “to the maximum tamen continents at the minimum divinum est", nghĩa là, đừng sợ những điều vĩ đại, nhưng hãy ghi nhớ những điều bé nhỏ. Đây là sự thánh thiêng, luôn luôn đi cùng với nhau.”
Nhưng đặc biệt lòng nhân hậu của Chúa được thể hiện ở đâu?
Chúa không chỉ trợ giúp chúng ta, nhưng Người còn hứa ban cho chúng ta niềm vui, một mùa gặt bội thu, giúp chúng ta tiến tới. Đức Thánh Cha Phanxico lặp lại, Thiên Chúa là một người cha gần gũi yêu thương:
“Tôi có thể tâm tình với Chúa như vầy không hay tôi e sợ? Mọi người hãy trả lời xem. Nhưng có thể có người nói rằng, người ấy hỏi rằng: “Nhưng theo thần học thì lòng nhân hậu của Chúa ở đâu? Có thể tìm thấy lòng nhân hậu của Chúa ở chỗ nào? Lòng nhân hậu của Chúa được thể hiện rõ nhất ở đâu?" - " Nơi những vết thương.” Vết thương của tôi, sự đau khổ của anh chị em, khi anh chị em kết hiệp vết thương của mình vào với vết thương của Người. Chúng ta được chữa lành trong những vết thương đó.
Và Đức Thánh Cha nhắc lại dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành: ở đó, một người cúi xuống trước một nạn nhân bị cướp và giúp đỡ nạn nhân bằng cách lau sạch các vết thương và chi trả cho việc chăm sóc nạn nhân cho đến khi phục hồi. Đây là “nơi thể hiện lòng nhân hậu của Thiên Chúa theo thần học: những vết thương của chúng ta.” Và Đức Thánh Cha kết luận bằng lời kêu gọi chúng ta hãy suy nghĩ về lời mời gọi của Chúa: “Hãy lại đây, hãy lại đây: hãy cho Ta xem những vết thương của con. Ta muốn chữa lành chúng.”

[Nguồn: radiovaticana]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2017]



Một cô bé 10 tuổi vẫn dám ước mơ

Một cô bé 10 tuổi vẫn dám ước mơ

Niềm hy vọng trên Đồng bằng Ni-ni-vê
12 tháng Mười Hai, 2017
Một cô bé 10 tuổi vẫn dám ước mơ
Helda Khalid Jacob Hindi ACN Photo
Mùa hè năm trước, trong một sứ điệp video gửi giới trẻ Israel và Palestine nhóm họp ở Giê-ru-sa-lem, Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Không một ai trong chúng ta là ‘không.’ Tất cả chúng ta đều là ‘có’,” ngài nói thêm rằng người lớn phải chú ý đặc biệt đến những hy vọng và ước mơ của thiếu nhi và tuổi trẻ; họ phải “lắng nghe tuổi trẻ và tạo ra một bối cảnh hy vọng để những ước mơ đó có thể lớn lên và được chia sẻ.” Trong bài phỏng vấn này với Tổ chức Bác ái Giáo hoàng Quốc tế Cứu trợ Giáo hội Thiếu thốn, một cô bé từ Đồng bằng Ni-ni-vê, Iraq, tiết lộ một chút ước mơ của em.

Đồng bằng Ni-ni-vê của Iraq, một em gái 10 tuổi vẫn dám ước mơ
Ragheb Elias Karash
Helda Khalid Jacob Hindi, 10 tuổi, một học sinh lớp năm, vẫn không đánh mất sự liến thoắng. Em vẫn rất yêu đời, hăng hái về tương lai của em và của những người thân. Helda và gia đình của em — mẹ, cha và một em trai — gần đây đã quay lại Qaraqosh trên Đồng bằng Ni-ni-vê, sau ba năm phải sống tha hương ở Kurdistan. Hình ảnh sống động về đêm 6 tháng Tám của em, 2014, khi ISIS tàn phá thị trấn nơi em sống và những gia đình Ki-tô hữu phải chạy trốn trong đêm.
Em nói: “Chuông báo động vang lên trong các đường phố — chúng cháu phải thoát khỏi địa ngục sống của bạo lực và khủng bố. Cháu trốn theo, cháu khóc, không hy vọng được trở về thị trấn, trở về trường học; không có hy vọng được gặp lại bạn bè. Chúng cháu không hình dung chúng cháu sẽ phải di tản khỏi thành phố thân yêu trong bao lâu. Nhiều ngày đi qua và chúng cháu sống trong sự đau khổ và thảm kịch cho đến khi chúng cháu quen với cảnh đó.”
Cuối cùng, một trường học mới được xây dựng cho trẻ em di tản và Helda và gia đình của em bắt đầu một cuộc sống mới. Em nhớ lại: “Cháu rất buồn, bấu víu vào hy vọng được trở lại trường cũ của cháu; nhưng cháu có những người bạn mới. Và hôm nay, nhờ ơn Chúa, chúng cháu đã trở lại thị trấn của chúng cháu và cháu lại quay về trường cũ giữa những bạn bè cũ của cháu.”
Cuộc sống tha hương rất cực khổ, có thể là vô cùng khổ cho cô bé kiêu hãnh như Helda, em nói: “Chúng cháu cảm thấy nhục khi chúng cháu đón nhận cứu trợ nhân đạo, vì chúng cháu không hề nghĩ rằng đến một ngày chúng cháu trở thành như những người ăn xin, những người bị áp bức, không có quyền hay sức mạnh.
“Chúng cháu chỉ có Chúa và chúng cháu không bao giờ từ bỏ tin tưởng vào sức mạnh và lòng thương xót của Người dành cho tất cả những người bị tổn thương ở Iraq và trên khắp thế giới. Bất cứ khi nào chúng cháu đến với Người trong lời cầu nguyện và niềm tin, chúng cháu cảm nhận niềm vui và lòng vững tin không dứt. Gia đình của cháu, bạn bè, và bà con thân thuộc không bao giờ cảm thấy rằng Chúa đã rời xa chúng cháu. Chỉ cần cháu nhìn lại những ngày đã qua, Chúa luôn ở với cháu. Chúa ở với cháu khắp mọi nơi và cháu luôn luôn giữ vài tấm ảnh Chúa Giê-su Ki-tô và một quyển Kinh Thánh bên mình.”
Helda tuyên bố rằng em có những ý tưởng riêng về đất nước của mình. Em giải thích: “Có lúc, cháu muốn ở lại trong Iraq vì đó là nhà của cháu, là quê hương thân yêu của cháu. Có lúc, cháu muốn bỏ đi, đặc biệt khi cháu nhìn thấy những hình ảnh và video về bạo lực tấn công và những người vô tội. Lòng cháu không thể chịu nổi những cảnh tượng khủng khiếp đó, nhưng khi cháu cảm thấy sợ hãi, cháu xin Chúa cứu cháu.
“Thật tình cháu không có gì chắc về tương lai của cháu ở đây trong Iraq này. Cháu có thể muốn ra nước ngoài với gia đình nếu chúng cháu tiếp tục phải chịu cảnh chiến tranh và bách hại; còn phải bao lâu nữa thì chúng cháu mới được an toàn và được bảo đảm? Thông điệp của cháu cho phương Tây là hãy làm càng nhiều càng tốt để hỗ trợ cho người Ki-tô hữu ở Iraq vì họ gần như bị tuyệt chủng. Xin giúp chúng cháu. Xin có lòng thương xót, và các bạn sẽ được thưởng công bởi Đấng ngự trên trời.
“Hãy dừng đàn áp người nghèo. Chúng cháu muốn sự ổn định và hòa bình. Chúng ta hãy cùng nhau làm việc và cầu nguyện cho hòa bình và yêu thương — cho tất cả chúng ta.”
Helda khăng khăng: “Cháu có một ước mơ đẹp trong đời. Sở thích của cháu là hội họa, âm nhạc, ca hát, và cháu rất thích diễn kịch, nhưng tham vọng của cháu là — với sự giúp đỡ của Chúa — trở thành một nha sĩ, để phục vụ cộng đồng và đất nước của cháu, bất kỳ nơi nào cháu đến sống.” Tuy nhiên, em nói thêm: “Cháu chẳng biết bắt đầu từ đâu vì mọi việc vẫn còn rất bất ổn. Tiếp theo cho chúng cháu là gì? Còn quá khó để nói điều đó lúc này …”

JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/12/2017]