Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Đức Tổng Giám Mục Auza tại Hội Đồng Bảo An LHQ: kết thúc xung đột, chấm dứt buôn người

Đức Tổng Giám Mục Auza tại Hội Đồng Bảo An LHQ: kết thúc xung đột, chấm dứt buôn người

Đức Tổng Giám Mục Auza tại Hội Đồng Bảo An LHQ: kết thúc xung đột, chấm dứt buôn người
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza đọc diễn văn tại Hội Đồng Bảo An LHQ (undated file photo) - RV
16/03/2017 09:34
(Vatican Radio) Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, đang tham dự Phiên Tranh Luận Mở của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về Buôn Bán Người trong những tình hình xung đột: lao động cưỡng bức, nô lệ và những hình thức khác tương tự, đang diễn ra trong tuần này tại Trụ Sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Trong tham luận chuẩn bị cho phiên họp này ngày 15 tháng Ba, Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi Hội Đồng Bảo An phải giữ một vai trò dẫn đầu trong việc ngăn chặn buôn người, đặc biệt qua việc thừa nhận sự liên hệ giữa buôn người và những xung đột vũ trang liên miên.
“Tòa Thánh thúc giục Hội Đồng Bảo An giữ lấy một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn buôn bán con người,” Đức Tổng Giám mục Auza nói, “trước hết qua trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt những xung đột vũ trang và giúp củng cố hòa bình và phát triển.”

Dưới đây, xin đọc toàn văn tham luận của Đức Tổng Giám Mục Auza
************************************************
Tham luận của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza
Khâm Sứ và Quan Sát Viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Tranh luận mở của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về
Buôn người trong những tình hình xung đột: lao động cưỡng bức, nô lệ và những hình thức tương tự khác
New York, 15 tháng Ba 2017

Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh cảm ơn Đoàn Vương Quốc Anh đưa ra chủ đề này lên tầm mức Tranh Luận Mở trong Hội Đồng.
Bằng lời nói và bằng những hành động, Đức Thánh Cha Phanxico đã thể hiện rất rõ từ những ngày đầu tiên lên ngôi Giáo hoàng rằng cuộc chiến chống lại nạn buôn người sẽ là một trong những ưu tiên dứt khoát cho triều đại của ngài. Ngài không lưỡng lự khi định nghĩa nó là một hình thức của nô lệ, một tội ác chống lại nhân loại, một sự vi phạm đáng hổ thẹn và nguy hại cho quyền con người, một tai họa tàn bạo đang hiện hữu trên toàn thế giới trên mức độ rộng lớn, thậm chí dưới hình thức du lịch.
Cơn lũ những nạn nhân buôn người có nhiều nhánh sông. Trong đó có sự nghèo đói cùng cực, chậm phát triển và sự loại trừ, đặc biệt khi được kết hợp với sự thiếu tiếp cận được với giáo dục hoặc khan hiếm, thậm chí không có, cơ hội việc làm. Những kẻ buôn người không hề cảm thấy băn khoăn về việc bóc lột những người không một chút khả năng bảo vệ đang trốn chạy khỏi cảnh thiếu thốn về kinh tế và những thiên tai.
Tuy nhiên, hiện nay chiến tranh và những cuộc xung đột đã trở thành đầu mối chính của nạn buôn người. Chúng cung cấp một môi trường thuận lợi cho những kẻ buôn người hoạt động, vì những người đang chạy trốn bách hại và xung đột đặc biệt rất dễ bị buôn bán. Những cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho các kẻ khủng bố, những nhóm vũ trang và các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phát triển mạnh qua việc bóc lột những cá nhân và các nhóm dân tộc bị đẩy xuống tình trạng mất hoàn toàn sự bảo vệ do bách hại và nhiều hình thức của bạo lực.
Trong bối cảnh này, phái đoàn của chúng tôi một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc cho những cộng đồng Ki-tô hữu cổ xưa, Yezidis và những nhóm tôn giáo và sắc tộc thiểu số khác ở Vùng Lưỡng Hà, họ đã bị buộc làm nô lệ, bị bán, bị giết và là đối tượng cho những hình thức bị làm nhục tận cùng. Sự thiếu những nỗ lực thật sự để mang đến công lý, các thủ phạm của những hành động diệt chủng và vi phạm nặng nề nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế như vậy đặt ra quá nhiều sự khó hiểu và thắc mắc không biết còn phải chịu bao nhiêu sự hung tàn nữa trước khi các nạn nhân có được sự giải cứu, bảo vệ và công lý.
Thưa ông Chủ tịch,
Tòa Thánh một lần nữa muốn nhấn mạnh sự kết án liên tục và chắc chắn của mình trước sự khá dễ dàng mà qua đó các loại vũ khí, thậm chí những vũ khí hủy diệt hàng loạt, rơi vào tay của những kẻ khủng bố và những nhóm vũ trang, cho họ có phương tiện để tiếp tục khá dễ dàng buôn bán và bắt nô lệ những cá nhân và thậm chí toàn thể cộng đồng. Sự gia tăng vũ trang, bất kể chúng là những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt hay “hợp quy ước,” tạo điều kiện thuận tiện và kéo dài những cuộc xung đột bạo lực làm con người trở nên quá yếu ớt trước những kẻ buôn người và buôn lậu. Cho đến khi nào chiến tranh và xung đột còn nổ ra, nạn buôn người để bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức và những tội ác tương tự sẽ vẫn tiếp tục phát đạt. Vì thế Tòa Thánh mạnh mẽ thỉnh cầu các Chính  phủ không cung cấp vũ trang cho các nhóm hay các chính thể có nhiều khả năng sử dụng chúng để chống lại chính những người dân của họ, thi hành dứt khoát những hiệp ước liên quan đến vũ trang, và sử dụng toàn bộ sức mạnh của luật pháp để chiến đấu chống lại buôn bán vũ khí.
Ngoài ra, sự phân biệt đối xử đối với những người di cư không có hồ sơ và bất thường làm trầm trọng thêm tình trạng không được bảo vệ của họ, đuổi họ đến gần hơn tới vòng tay của những kẻ buôn người và tới những hình thức bóc lột thậm tệ hơn, và làm cho họ ít có thể hợp tác được với những giới chức hành pháp để bắt giữ và trừng phạt những kẻ buôn người.
Thưa ông Chủ tịch,
Thách thức mà nạn buôn người đưa ra là vô cùng lớn và đòi hỏi một sự đáp trả tương xứng. Ngày nay, sự đáp trả đó còn xa mới tương xứng được với thách thức. Như Đức Giáo hoàng Phanxico đã nhiều lần lưu ý, cho dù cộng đồng quốc tế đã thông qua nhiều hiệp định và các quốc gia đã thông qua những luật nhắm chấm dứt tình trạng nô lệ và tất cả những hình thức của nó, thậm chí có nhiều chiến dịch khác nhau để chiến đấu với hiện tượng này đã được đưa ra ở cả tầm mức quốc gia và quốc tế, vẫn còn thêm nhiều điều cần phải làm trong phạm vi nâng cao ý thức chung của người dân và tạo hiệu quả hợp tác tốt hơn trong nỗ lực của các chính phủ, pháp lý, các nhân viên hành pháp và những nhân viên xã hội để cứu hàng triệu trẻ em, phụ nữ và đàn ông vẫn đang bị cướp mất tự do và bị bắt buộc sống trong những điều kiện như nô lệ.
Bằng một cách đặc biệt, Tòa Thánh thúc giục Hội Đồng Bảo An giữ lấy một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống lại tai họa của nạn buôn bán con người, trước hết qua trách nhiệm ngăn chặn và chấm dứt những xung đột vũ trang và giúp củng cố hòa bình và phát triển.
Xin cảm ơn ông Chủ tịch.

[Nguồn: radiovaticana]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 17/03/2017]



TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng

TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng

‘Chúng ta có thể sống và làm cho anh em chúng ta không gì khác hơn là sự đền đáp lại những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và tiếp tục làm cho chúng ta.’
15 tháng Ba, 2017
TIẾP KIẾN CHUNG: Vui mừng trong Hy vọng
PHOTO.VA - OSSERVATORE ROMANO
Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức lúc 9:30 sáng 15 tháng Ba, 2017 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ với các nhóm khách hành hương và tín hữu từ Ý và mọi nơi trên thế giới.
Tiếp tục loạt giáo lý về niềm hy vọng của người Ki-tô hữu, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung suy tư vào chủ đề: “Hân hoan trong hy vọng” (x. Rm 12:9-13).
Sau khi tóm lược phần giáo lý bằng nhiều ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi những lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.
Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.
* * *
Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúng ta biết rằng lệnh truyền vĩ đại mà Chúa Giê-su để lại cho chúng ta là yêu thương: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn của chúng ta, và yêu thương anh em như chính mình (x. M 22:37-39), nghĩa là, chúng ta được kêu gọi để yêu thương, để sống bác ái. Và đây là ơn gọi cao cả nhất của chúng ta, ơn gọi của chúng ta là vô cùng cao cả, và liên kết với ơn gọi đó là niềm vui của hy vọng của người Ki-tô hữu, của việc đến gặp gỡ với tình yêu cao vời là Thiên Chúa.
Trong trích đoạn Thư gửi tín hữu Roma mà chúng ta vừa nghe, Thánh Tông đồ Phao-lô đưa ra cho chúng ta cảnh báo: có nguy cơ là lòng bác ái của chúng ta trở thành giả nhân nghĩa, sự yêu thương của chúng ta là đạo đức giả. Vì thế, chúng ta phải tự hỏi mình: khi nào điều đó xảy ra? Và làm sao để chúng ta chắc chắn được rằng sự yêu thương của chúng ta là chân thành, lòng bác ái của chúng ta là sự thật? Để chúng ta không giả vờ làm bác ái hay sự yêu thương của chúng ta trở nên một vở kịch, nhưng là sự chân thành, một tình yêu mạnh mẽ …
Tính đạo đức giả có thể ngấm ngầm đi vào khắp nơi, ngay cả trong cách yêu thương của chúng ta. Điều này được nhận ra khi tình yêu của chúng ta là tình yêu có tính tư lợi, được thúc đẩy bởi những mục đích cá nhân, và có không biết bao nhiêu tình yêu tư lợi như vậy … khi những sự phục vụ bác ái, qua đó dường như chúng ta cho đi bản thân, lại được thực hiện để làm cho bản thân chúng ta cảm thấy được hài lòng: “Nhưng xem này mình quá giỏi!” Không, đây là đạo đức giả! – hoặc chúng ta tìm đến những việc có “tính thể hiện rõ ràng” để phô diễn sự thông minh hay những khả năng của chúng ta. Đàng sau tất cả những điều này là một tư tưởng sai lệch, dối trá, đến mức có thể nói rằng, nếu chúng ta yêu, đó là bởi vì chúng ta quá tốt, dường như sự bác ái là một sáng tạo của con người, một sản phẩm của tâm hồn của chúng ta. Ngược lại, bác ái trước hết là một ân sủng, một món quà; có khả năng yêu thương là một món quà của Thiên Chúa, và chúng ta phải xin ơn đó. Và Người sẵn sàng cho đi, nếu chúng ta xin. Bác ái là một ơn sủng: nó không gồm có trong những gì chúng ta được vang danh, nhưng là những gì Thiên Chúa cho chúng ta mà chúng ta được đón nhận một cách nhưng không. Và nó không thể được thể hiện qua việc chúng ta gặp gỡ với tha nhân, nếu ngay từ đầu nó không được tạo ra từ sự gặp gỡ với dung nhan nhân từ và thương xót của Chúa Giê-su.
Thánh Phao-lô mời gọi chúng ta thừa nhận rằng chúng ta là những tội nhân, và thậm chí là cách yêu thương của chúng ta vẫn được đánh dấu bởi tội. Tuy nhiên, ngài vẫn nhận mình là người mang đến một công bố mới, một công bố sự hy vọng: Thiên Chúa mở ra trước chúng ta một con đường giải phóng, một con đường cứu độ. Đó là một cơ hội cho chúng ta được sống theo điều răn vĩ đại của tình yêu, trở thành những khí cụ của lòng nhân ái của Thiên Chúa. Và điều này xảy ra khi chúng ta để cho tâm hồn chúng ta được chữa lành và được canh tân bởi Đức Ki-tô Phục Sinh. Thiên Chúa sống lại ở giữa chúng ta, Người sống giữa chúng ta có thể chữa lành tâm hồn chúng ta: Người sẽ thực hiện điều đó nếu chúng ta cầu xin. Chính người làm cho chúng ta có thể trải nghiệm, cho dù tính hèn mọn và sự nghèo nàn của chúng ta, lòng thương xót của Chúa Cha và mừng vui trước những kỳ công của tình yêu của Người. Rồi chúng ta hiểu rằng tất cả những gì chúng ta có thể sống và làm cho anh em chúng ta không gì khác hơn là sự đền đáp lại những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và tiếp tục làm cho chúng ta. Vì thế, chính Thiên Chúa là Đấng, cư ngụ trong tâm hồn và trong đời sống của chúng ta, tiếp tục ở cạnh bên và phục vụ tất cả những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên hành trình của chúng ta, bắt đầu từ những người sau hết và thiếu thốn nhất mà Người đã đặt chính Người vào trong họ.
Vì vậy với những lời này Thánh Tông đồ Phao-lô không phải muốn quở trách chúng ta, nhưng thực ra, động viên và làm hồi sinh lại niềm hy vọng trong chúng ta. Quả thật, tất cả chúng ta, đều trải nghiệm cuộc sống không chu toàn như đáng lẽ chúng ta phải sống theo lệnh truyền của tình yêu. Tuy nhiên, đây  cũng là một ơn sủng, vì nó làm cho chúng ta hiểu rằng dựa vào chính bản thân chúng ta không thể yêu thương trọn vẹn: chúng ta cần có Thiên Chúa liên tục canh tân ân sủng này trong tâm hồn chúng ta, qua trải nghiệm của lòng thương xót vô biên của Người. Và rồi, chúng ta sẽ biết trân trọng những điều nhỏ bé, đơn sơ và bình thường; chúng ta sẽ biết trân trọng những điều nhỏ bé mỗi ngày này và sẽ có thể yêu thương tha nhân như Thiên Chúa yêu thương họ, mong ước cho họ được tốt lành, cụ thể là, mong họ được nên thánh, là bạn của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ hạnh phúc có cơ hội được gần gũi với người nghèo và thấp kém, như Chúa Giê-su làm với mỗi người chúng ta khi chúng ta xa lánh Người, quỳ xuống dưới chân của người anh em, như Ngài, người Sa-ma-ri Tốt Lành, làm cho mỗi người chúng ta, với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài.
Anh chị em thân mến, những gì Thánh Tông đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta là một mầu nhiệm – tôi sử dụng lời của ngài – đó là mầu nhiệm được “vui mừng trong hy vọng” (Rm 12:12): vui mừng trong hy vọng. Sự vui mừng trong hy vọng vì chúng ta biết rằng trong mọi tình huống, cho dù có bất lợi nhất, và cũng qua những vấp ngã của chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi. Và rồi, với tâm hồn chúng ta được viếng thăm và được cư ngụ bởi ân sủng của Người và sự tín trung của Người, chúng ta sống trong niềm hy vọng hân hoan để đền đáp lại qua anh em của chúng ta, với một chút xíu chúng ta có được, chúng ta nhận lại được quá nhiều mỗi ngày từ Ngài. Xin cảm ơn anh chị em.
[Văn bản gốc: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 16/03/2017]