Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Từ một ngôi sao bóng rổ trở thành nữ tu Dòng kín: ESPN kể câu chuyện đầy cảm xúc của một người nữ từ bỏ tất cả vì Chúa Giê-su

Từ một ngôi sao bóng rổ trở thành nữ tu Dòng kín: ESPN kể câu chuyện đầy cảm xúc của một cô gái từ bỏ tất cả vì Chúa Giê-su

6 tháng Tám, 2019
Từ một ngôi sao bóng rổ trở thành nữ tu Dòng kín: ESPN kể câu chuyện đầy cảm xúc của một người nữ từ bỏ tất cả vì Chúa Giê-suESPN, YouTube / ChurchPOP

Thật là một câu chuyện phi thường!

Shelly Pennefather, một cựu ngôi sao bóng rổ nữ của Đại học Villanova, đã từ bỏ cuộc sống và tài sản để trở thành một nữ tu dòng kín năm 1994.

ESPN gần đây tường thuật câu chuyện của Pennefather, giải thích rằng Pennefather đã đặc biệt chọn Đại học Villanova sau khi lọt vào tốp 5 vận động viên bóng rổ được tuyển từ trung học.

Cho đến gần đây chị đã “giữ kỷ lục ghi bàn đối với cả nam và nữ tại Đại học Villanova,” và tiếp tục sự nghiệp nhà nghề tại Nhật sau khi tốt nghiệp đại học.

Khi đang chơi chuyên nghiệp ở Nhật, “chị thỏa thuận với Chúa rằng nếu chị có thể đưa đội của mình ra khỏi vị trí cuối bảng để vào các trận đấu quyết định, chị hứa sẽ dành thời gian và khoản tiền thưởng cuối mùa giải cho dòng của Mẹ Teresa ở Pennsylvania,” người tường thuật Robin Roberts giải thích.

“Bốn năm sau, năm 1991, với mức lương hàng năm $200.000, chị đã nghe theo tiếng gọi và từ bỏ đời sống thế tục.” Ở tuổi 25, chị từ chối một hợp đồng sẽ làm cho chị trở thành “một trong những vận động viên bóng rổ nữ giàu nhất trên thế giới.”

Pennefather hiện đang là một nữ tu dòng kín trong Tu viện Thánh Clares Nghèo khó ở Alexandria, Va. Chị chỉ có thể trực tiếp trao cái ôm cho gia đình và bạn bè 25 năm một lần.

Chị gái của Pennefather, Therese, nói rằng khi em gái của cô kể cho cô nghe quyết định trở thành một nữ tu dòng kín của mình, Therese “đã khóc suốt đêm,” vì cô biết rằng cô sẽ không còn nhiều dịp được gặp em gái nữa. Cô nói, “thật là khó khăn.”

“Khi chúng tôi chở Sơ Rose đến nhà dòng, và chúng tôi về nhà, Sơ Rose đã để lại một tờ ghi chú cho Mẹ, và tôi thấy Mẹ ngồi đó và đang khóc,” Therese Pennefather nói.

“Tôi nghĩ, Mẹ được yêu cầu phải hy sinh nhiều hơn. Mẹ phải từ bỏ quyền được hiện diện mỗi ngày trong đời sống của con gái của bà.”

Năm 1994, Pennefather trở thành Sơ Rose Marie của Dòng Nữ vương các Thiên Thần. Chị trao cái ôm cho gia đình lần cuối dùng cho đến lần gần đây khi gia đình và bạn bè cùng đến thăm ngày 9 tháng Sáu, 2019.

Kể từ ngày đó, câu chuyện kể rằng mẹ của chị, Mary Jane Pennefather, “luôn giữ một ngọn nến thắp sáng trong nhà để cầu nguyện cho ngày này mau đến.”

Mời quý vị theo dõi cảm xúc của gia đình và bạn bè của Sơ dưới đây:


Câu chuyện thật đẹp!

Bạn nghĩ sao về câu chuyện của Sơ Rose Marie?



[Nguồn: churchpop]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/8/2019]


Tòa Thánh tại LHQ lên tiếng về những ảnh hưởng của chiến tranh đối với trẻ em

Tòa Thánh tại LHQ lên tiếng về những ảnh hưởng của chiến tranh đối với trẻ em

Copyright © 2019 Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, All Rights Reserved.

Tòa Thánh tại LHQ lên tiếng về những ảnh hưởng của chiến tranh đối với trẻ em

‘Không được đề cập đến trẻ em và xung đột vũ trang trong cùng một câu’

06 tháng Tám, 2019 01:35

Ngày 2 tháng Tám, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, có bài phát biểu tại Phiên Tranh luận Mở của Hội đồng Bảo an về trẻ em và xung đột vũ trang. Bài phát biểu được đọc thay mặt bởi Đức ông David Charters.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng không được đề cập đến trẻ em và xung đột vũ trang trong cùng một câu, nhưng lại là một thực tại đáng buồn đối với quá nhiều thiếu nhi nam nữ trên thế giới, và nó mang đến sự tàn phá lâu dài về thể lý, cảm xúc, tâm lý và xã hội. Ngài nói, cần phải tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của tình hình, bao gồm những thực tại kinh tế xã hội và nỗ lực của những người cực đoan biến chúng thành quá khích. Ngài nói rằng ngay cả khi trẻ em không bị tuyển mộ làm binh sĩ trẻ em đi nữa thì các bé vẫn gánh chịu những ảnh hưởng của chiến tranh và thường xuất phát từ sự tàn phá trường học, các trung tâm sức khỏe và nơi ở và mất bạn bè và gia đình. Ngài bày tỏ sự ủng hộ những sáng kiến hoạt động hướng đến sự thông qua việc áp dụng Optional Protocol to the Convention on the Rights of the Child (Nghị định thư đối với Công ước về Quyền Trẻ em) toàn cầu về sự liên lụy của trẻ em trong xung đột vũ trang. Ngài nói rằng sự ủng hộ cho trẻ em phải bao gồm những bé trong hoàn cảnh vô cùng mong manh từ sự thụ thai và được sinh ra do hậu quả của bạo lực tình dục liên quan đến xung đột.


Dưới đây là toàn văn phát biểu:

Tôi xin cảm ơn đoàn Chủ tịch Ba Lan vì đã triệu tập Phiên Tranh luận mở hôm nay về Trẻ em và Xung đột Vũ trang.

Thưa ông Chủ tịch,

Chủ đề của buổi thảo luận hôm nay bắt chúng ta phải dừng lại và suy tư: việc đặt song song trẻ em và xung đột vũ trang là vô cùng phi lý, như chúng ta một lần nữa đang nghe thấy trong Nghị trường này, nó là một thực tại đáng buồn cho quá nhiều thiếu nhi nam nữ trên thế giới với đời sống tuổi thơ bị cắt ngang bởi xung đột bạo lực. Trẻ em phải được tự do học hành và chơi đùa, khi chúng phát triển với kiến thức hiểu biết về bản thân và thế giới chung quanh, nhưng thay vì vậy chúng lại trở thành những nạn nhân của sự vi phạm trắng trợn cướp mất của các em không chỉ những niềm vui rất riêng và không thể thay thế của tuổi thơ, nhưng cũng có nguy cơ chịu những tàn phá lâu dài về thể lý, cảm xúc, tâm lý và xã hội, cùng với những ảnh hưởng rõ rệt đối với gia đình và cộng đồng xã hội.

Theo báo cáo mới nhất của ông Tổng Thư ký cho thấy, “Trên toàn thế giới, trong những thời gian xảy ra xung đột vũ trang, hàng triệu người, trước hết là trẻ em, không thể tiếp cận đầy đủ hoặc bị từ chối những hỗ trợ quan trọng cho sự sống và sự đầy đủ cho các em”1. Chúng ta chỉ cần nhìn đến việc tranh cướp những nguồn khoáng sản và tài nguyên quý ở các khu vực thuộc Châu Phi, nơi có quá nhiều trẻ em và thanh thiếu niên phải bỏ việc học hành để đi làm trong các hầm mỏ. Nó còn tệ hơn nữa khi trẻ em bị buộc phải chiến đấu trong các cuộc chiến tranh, hoặc được tuyển mộ dưới những chiêu bài là để có khả năng chu cấp cho gia đình bần cùng của các em. Cần phải tìm ra những nguyên nhân gốc rễ của tình hình; đặc biệt những sự thua thiệt về kinh tế xã hội và thiếu những viễn cảnh thường biến sự xung đột trở thành một lựa chọn thay thế cho người trẻ. Thật đáng lo ngại là trong một số trường hợp những hệ tư tưởng cấp tiến và cực đoan đã và đang là động lực cho quyết định của người trẻ để chạy theo các sự nghiệp đáng ghê tởm và từ đó tự biến bản thân trở thành nguyên nhân gây ra sự tàn phá và tuyệt vọng cho cuộc sống của quá nhiều người khác. Nền giáo dục hòa bình trong gia đình và trong các trường học, và vai trò then chốt của phụ nữ như “những nhà giáo dục hòa bình” là không thể thiếu để đương đầu với những nguyên nhân gốc rễ này.

Thưa ông Chủ tịch,

Những cuộc xung đột kéo dài, thường xảy ra chiến tranh trong các khu vực đô thị, có nghĩa là trường học, trung tâm y tế và nơi ở thường nằm dưới những làn mưa đạn, gây ra sự tàn phá từng phần hoặc toàn bộ các tòa nhà quan trọng đối với sức khỏe, việc xây dựng và hạnh phúc của trẻ em. Những cuộc tấn công không phân biệt và không cân đối này vi phạm luật quốc tế và luật nhân đạo quốc tế và phải dừng lại. Liên quan đến việc này, Đức Giáo hoàng Phanxico gần đây đã bày tỏ sự lo lắng sâu sắc cho đời sống của trẻ em dưới làn bom đạn trong tỉnh Idlib ở Syria.

Thưa ông Chủ tịch,

Tòa Thánh ghi nhận sự phát triển của các Chiến dịch gìn giữ Hòa bình của LHQ nhằm cung cấp sự bảo vệ cho trẻ em và tiếp cận với các nhóm vũ trang, để thông tin và giáo dục rộng rãi cho dân chúng và tạo ra một văn hóa hòa bình. Cũng có những sáng kiến mới cho thấy ý chí của các Chính phủ Thành viên nhằm chấm dứt và ngăn chặn những vi phạm nghiêm trọng nhắm vào trẻ em do xung đột vũ trang gây ra. Điều đặc biệt đáng khích lệ là các sáng kiến như vậy bao gồm hoạt động hướng tới việc thông qua và thực thi Nghị định thư đối với Công ước về quyền trẻ em về sự liên lụy của trẻ em trong xung đột vũ trang.

Thưa ông Chủ tịch,

Cuộc tranh luận mở này phải góp phần thức tỉnh lương tâm tập thể của cộng đồng quốc tế để đảm bảo rằng “những đứa trẻ thường là vô hình” này không bị lãng quên, gia tăng những nỗ lực để giải phóng binh lính trẻ em và những nạn nhân trẻ tuổi của các vi phạm nghiêm trọng khác được cung cấp sự hỗ trợ cần có để tái hòa nhập. Sự hỗ trợ như vậy phải bao gồm những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, gồm cả những trẻ được thụ thai và được sinh ra do hậu quả của bạo lực tình dục liên quan đến xung đột. Những trẻ em trong các hoàn cảnh đó cũng có phẩm giá và phải được bảo vệ thoát khỏi bạo lực và cái chết.

Cảm ơn quý vị.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/8/2019]