Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Đức Thánh Cha ở Mauritius: Bất kể cảm giác bị nhiều áp lực, hãy làm mới lại niềm tin vững trong vinh quang của Thiên Chúa

Đức Thánh Cha ở Mauritius: Bất kể cảm giác bị nhiều áp lực, hãy làm mới lại niềm tin vững trong vinh quang của Thiên Chúa
© Vatican Media

Đức Thánh Cha ở Mauritius: Bất kể cảm giác bị nhiều áp lực, hãy làm mới lại lòng tin vững trong vinh quang của Thiên Chúa

Dâng Thánh Lễ kết thúc chuyến đi, ngài động viên tín hữu cầu nguyện với Mẹ Maria để có niềm vui luôn mãi là niềm vui không làm ngã lòng hoặc phai mờ (Toàn văn)

09 tháng Chín, 2019 11:12

“Cho dù chúng ta có thể cảm thấy bị quá áp lực và bị trói buộc, niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến với một niềm tin vững được đổi mới trong vinh quang của Thiên Chúa …”

Đức Thánh Cha Phanxico nói ý này trong Thánh Lễ hôm nay ngài dâng trên đảo quốc Mauritius, trong ngày duy nhất ngài đến thăm quốc gia nhỏ bé này, trong chuyến Tông du thứ 31 của ngài. Đức Phanxico đi đến các quốc gia Châu Phi gồm Mozambique, Madagascar và đảo quốc Mauritius, từ ngày 4 đến 10 tháng Chín, 2019.

Ngài cũng nhắc nhở các tín hữu của đảo quốc hãy hướng về Mẹ Maria để tìm “niềm vui luôn mãi không làm ngã lòng hoặc phai mờ.”

Tối nay, Đức Thánh Cha sẽ rời Mauritius để nghỉ qua đêm ở Madagascar, và ngày mai, ngài sẽ bay về Roma.

Cha Laval & niềm tín thác của ngài và quyền năng của Chúa

Hôm nay, ngày 9 tháng Chín là ngày Lễ nhớ Chân phước Jacques Désiré Laval, thường được gọi là người Tông đồ của Mauritius.

Trong bài giảng của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Cha Laval, thông qua công cuộc thừa sai vươn xa và tình yêu của ngài, đã trao cho Giáo hội Mauritius một sự trẻ trung mới, một sự sống mới, để hôm nay chúng ta phải có trách nhiệm thúc đẩy nó.

Đức Phanxico cũng thừa nhận rằng Chân phước Linh mục Laval cũng có những lúc rơi vào sự thất vọng và khó khăn với cộng đoàn Ki-tô hữu, “nhưng cuối cùng, Chúa tạo niềm hoan hỷ trong tâm hồn ngài, vì ngài đã đặt trọn niềm tín thác và quyền năng của Chúa,” Đức Phanxico nhấn mạnh.

Thừa nhận những thách đố đối với đảo quốc và đặc biệt đối với người trẻ ở đây, Đức Phanxico nhấn mạnh trong bài giảng: “Cùng hợp lòng với nhau, chúng ta có thể thưa lên với Chúa: Chúng con tin tưởng nơi Người, và với ánh sáng đức tin và mọi nhịp đập con tim, chúng con biết được chân lý trong lời của ngôn sứ I-sai-a: Công bố bình an, loan tin hạnh phúc ... rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.”

Làm sao để trở thành một người Ki-tô hữu tốt

Một lần nữa Đức Phanxico nhắc lại các Mối Phúc “giống như thẻ chứng minh của một người Ki-tô hữu.”

“Vì vậy nếu có ai hỏi: ‘Phải làm gì để trở thành một người Ki-tô hữu tốt?’” ngài nói, “câu trả lời rất rõ ràng: chúng ta phải thực hiện những điều Chúa Giê-su nói với chúng ta trong Bài giảng Trên Núi, mỗi người theo cách riêng của mình.”

Bất kể cảm giác bị nhiều áp lực, mời gọi hãy làm mới lại niềm vui trong vinh quang của Thiên Chúa

Đức Giáo hoàng người Argentina nhắc nhở họ rằng Cha Laval đã nói với những người trẻ, và tất cả những ai cảm thấy không có tiếng nói và đang sống lay lắt qua ngày, hãy đón nhận lấy lời công bố của ngôn sứ I-sai-a, đó chính là hãy vang lên lời ca vì Chúa đã an ủi dân Người.

“Cho dù chúng ta có thể cảm thấy bị quá áp lực và bị trói buộc, niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến với một sự chắc chắn được đổi mới trong vinh quang của Thiên Chúa,” ngài nói, “không chỉ thông qua lịch sử nhưng ngay cả trong những mạch chỉ ẩn giấu của tất cả những ‘lịch sử’ nhỏ bé đó đan quyện và làm cho chúng ta thấy được vinh quang của Đấng đã ban tặng cho chúng ta vương quốc.”

Ngài nhấn mạnh rằng sống tinh thần Tin mừng cũng đòi hỏi sự chân nhận rằng không phải tất cả mọi điều chung quanh chúng ta đều hoàn hảo.

Niềm vui luôn mãi không bao giờ phai mờ

Hướng mọi người về tượng đài Mẹ Maria, “Mẹ là người bảo vệ và đồng hành với chúng ta,” Đức Phanxico nói các tín hữu hãy cầu nguyện với Mẹ xin ơn biết mở rộng lòng trước Thánh Thần.

“Nguyện Mẹ xin cho chúng ta niềm vui luôn mãi đó là niềm vui không bao giờ làm ngã lòng hay phai nhạt,” Đức thánh Cha nói, tức là “niềm vui luôn dẫn đưa chúng ta đến sự trải nghiệm và công bố rằng ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn.’”

Dưới đây là toàn văn bài giảng do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


* * *

Tại đây, trước bàn thờ dâng lên Mẹ Maria Nữ vương Hòa bình, từ ngọn núi này chúng ta có thể nhìn thấy toàn thành phố và biển ngoài xa xa, chúng ta là một phần trong nhóm đông đảo, một biển người đến từ Mauritius và những hòn đảo khác trong vùng Ấn độ dương để lắng nghe Chúa Giê-su rao giảng các Mối Phúc. Chúng ta đến đây để lắng nghe cùng những lời, mà cách đây hai ngàn năm, đã có sức mạnh và ngọn lửa bừng lên sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá nhất. Cùng hợp lòng với nhau, chúng ta có thể thưa lên với Chúa: Chúng con tin tưởng nơi Người, và với ánh sáng đức tin và mọi nhịp đập con tim, chúng con biết được chân lý trong lời của ngôn sứ I-sai-a: Công bố bình an, loan tin hạnh phúc ... rằng: Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị.

Các Mối Phúc “giống như thẻ chứng minh của một người Ki-tô hữu.” Vì vậy nếu có ai hỏi: ‘Phải làm gì để trở thành một người Ki-tô hữu tốt?’, câu trả lời rất rõ ràng. Chúng ta phải thực hiện những điều Chúa Giê-su nói với chúng ta trong Bài giảng Trên Núi, mỗi người theo cách riêng của mình. Trong các Mối Phúc, chúng ta tìm thấy chân dung của Chúa, là hình ảnh mà chúng ta được kêu gọi phải phản ánh trong đời sống hàng ngày” (Tông huấn Gaudete et Exsultate, 63). Vì vậy cùng với “vị tông đồ của sự hiệp nhất người Mauritius,” Chân phước Jacques-Désiré Laval, rất được tôn kính trong những vùng đất này. Lòng yêu mến Đức Ki-tô và yêu thương người nghèo in dấu quá sâu đậm trong đời sống của ngài đến mức ngài không thể nghĩ đến cách rao giảng Tin mừng “xa rời và không lấm bẩn.” Ngài biết rằng rao giảng Phúc âm buộc phải trở nên mọi sự cho mọi người (x. 1 Cr 9:19-22), và thế là ngài học ngôn ngữ của những nô lệ vừa mới được tự do và dạy họ Tin Vui của ơn cứu độ bằng ngôn ngữ đơn sơ. Ngài đã có khả năng tập hợp các tín hữu để huấn luyện cho họ thực hiện sứ mạng và thành lập những cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ trong các khu xóm, thị trấn và làng mạc lân cận: những cộng đoàn nhỏ, rất nhiều cộng đoàn đó đã phát triển trở thành giáo xứ ngày nay. Khao khát mục vụ của ngài đã dành được niềm tin nơi người nghèo và người bị gạt ra bên lề, và khiến họ trở thành những người đầu tiên hợp lại với nhau và tìm ra câu trả lời cho những đau khổ của họ. Cha Laval, thông qua công cuộc thừa sai vươn xa và tình yêu của ngài, đã trao cho Giáo hội Mauritius một sự trẻ trung mới, một sự sống mới, để hôm nay chúng ta phải có trách nhiệm thúc đẩy nó.

Chúng ta cần phải thúc đẩy động lực thừa sai này, vì chuyện có thể xảy ra, là Hội thánh của Đức Ki-tô, chúng ta có thể đầu hàng trước cám dỗ đánh mất nhiệt huyết rao giảng phúc âm của mình bằng cách tìm chỗ ẩn náu nơi những sự an toàn của thế gian, là điều dần dần nhưng chắc chắn ảnh hưởng đến sứ mạng của chúng ta và làm cản trở nó và ngăn cản mọi người đến với nhau (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 26). Động lực thừa sai luôn có một khuôn mặt trẻ trung và đầy sức sống. Vì chính những người trẻ, với sinh lực và lòng quảng đại, có thể trao cho nó vẻ đẹp và sự tươi mới của tuổi trẻ, khi họ thách đố cộng đoàn Ki-tô hữu thực hiện sự canh tân và thúc giục chúng ta vạch ra những hướng đi mới (x. Tông huấn Christus Vivit, 37).

Điều này không phải luôn luôn dễ dàng. Nó có nghĩa là phải học cách chân nhận sự hiện hữu của người trẻ và dành không gian cho họ trong các cộng đoàn và xã hội của chúng ta.

Đây là điều khó nói, nhưng cho dù có sự phát triển kinh tế ở đất nước của anh chị em trong những thập niên gần đây, nhưng chính người trẻ là những người gánh chịu đau khổ nhiều nhất. Họ chịu cảnh thất nghiệp, điều này không chỉ tạo ra sự bấp bênh về tương lai nhưng còn cản trở họ tin rằng họ đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử chung của anh chị em. Sự bấp bênh về tương lai khiến họ cảm thấy rằng họ bị gạt ra bên lề của xã hội; nó khiến họ trở nên dễ bị xúc phạm và không được bảo vệ trước những hình thức nô lệ mới trong thế kỷ 21 này. Người trẻ là sứ mạng trước hết của chúng ta! Chúng ta phải mời gọi họ tìm kiếm niềm hạnh phúc trong Đức Giê-su; không phải là nói với họ theo một cách xa vời hoặc cách biệt, nhưng bằng việc học cách tạo không gian cho họ, “học lấy ngôn ngữ của họ,” lắng nghe những câu chuyện của họ, dành thời gian với họ và làm cho họ cảm thấy được Chúa chúc phúc quá nhiều.

Chúng ta đừng tước mất khuôn mặt trẻ trung của Giáo hội và của xã hội chúng ta. Chúng ta không cho phép những kẻ buôn bán sự chết cướp mất những hoa trái đầu mùa của vùng đất này!

Cha Laval đã nói với những người trẻ, và tất cả những ai giống như họ cảm thấy không có tiếng nói và đang sống lay lắt qua ngày, hãy đón nhận lấy lời công bố của ngôn sứ I-sai-a, “Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem!” (Is 52:9). Cho dù chúng ta có thể cảm thấy bị quá áp lực và bị trói buộc, niềm hy vọng của chúng ta nơi Đức Giê-su mời gọi chúng ta đến với một niềm tin vững được đổi mới trong vinh quang của Thiên Chúa, không chỉ thông qua lịch sử nhưng ngay cả trong những mạch chỉ ẩn giấu của tất cả những “lịch sử” nhỏ bé đó đan quyện và làm cho chúng ta thấy được vinh quang của Đấng đã ban tặng cho chúng ta vương quốc.

Sống tinh thần Tin mừng có nghĩa là chúng ta không thể mãi hy vọng rằng tất cả mọi điều chung quanh chúng ta đều hoàn hảo, vì tất cả những kẻ khao khát quyền lực và những mối lợi của thế gian đều chống lại chúng ta. Thánh Gioan Phaolo II nhấn mạnh rằng: “Một xã hội trở nên thờ ơ nếu những hình thức tổ chức xã hội, sản xuất và tiêu dùng của nó biến nó trở nên khó khăn hơn trong việc cho đi món quà bản thân và việc thiết lập tình đoàn kết giữa mọi người” (Thông điệp Centesimus Annus, 41c). Trong một xã hội như vậy, thật khó khăn để sống các Mối Phúc: mọi sự cố gắng để sống như vậy sẽ nhận được những ánh mắt thiếu thiện cảm, sẽ bị nghi ngờ, và đối mặt với những nhạo báng (x. Tông huấn Gaudete et Exsultate, 91). Điều này là thật, nhưng chúng ta không được cho phép mình đầu hàng trước sự chán nản.

Tại chân núi này, ngọn núi mà hôm nay cha muốn gọi là Núi các Mối Phúc, một lần nữa chúng ta cũng hãy khám phá tiếng gọi của Đức Ki-tô để được “phúc thay.” Chỉ những người Ki-tô hữu hân hoan mới đánh thức được nơi người khác khao khát muốn đi theo con đường này. Chữ “phúc thay” có nghĩa là “hạnh phúc.” Nó trở nên một từ đồng nghĩa của “thánh”, vì nó diễn tả ý nghĩa rằng những người trung thành với Chúa và Lời Người, bằng con đường quên mình, mới đạt được niềm hạnh phúc thật sự (x. nt., 64).

Khi chúng ta nghe thấy những dự đoán đầy đe dọa rằng “những con số đang giảm,” chúng ta không nên quan tâm quá nhiều đến sự giảm sút về hình thức này hay hình thức kia của sự tận hiến, nhưng nên quan tâm đến sự thiếu vắng những người nam và nữ ước mong được trải nghiệm niềm hạnh phúc trên những con đường lên thánh. Chúng ta nên quan tâm đến sự thiếu vắng những người nam và nữ cho phép con tim của mình bị đốt cháy bởi sự tuyệt mỹ và sự giải phóng của thông điệp.

Thật vậy, “nếu có điều gì đó cần làm cho chúng ta bất an và khuấy động lương tâm chúng ta, thì đó chính là việc có quá nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, không có ánh sáng và sự an ủi xuất phát từ tình bạn với Chúa Giê-su Ki-tô, không có cộng đoàn đức tin để hỗ trợ, không có ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc sống” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 49).

Khi người trẻ nhìn thấy dự án của một đời sống Ki-tô hữu được thực hiện với niềm vui, thì điều này làm cho họ phấn khởi và khuyến khích họ. Cả họ cũng cảm thấy khao khát muốn nói, bằng rất nhiều từ ngữ khác nhau: “Cả tôi nữa cũng muốn leo lên Núi các Mối Phúc này; cả tôi nữa cũng muốn gặp được ánh mắt nhìn của Chúa Giê-su và học nơi Người con đường đến với niềm vui đích thực.”

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho cộng đoàn của chúng ta, để họ có thể làm chứng cho niềm vui của đời sống Ki-tô hữu và nhìn thấy được sự nở hoa của tiếng gọi lên thánh trong nhiều hình thức và sự đa dạng của cuộc sống mà Thần Khí khơi gợi cho chúng ta. Chúng ta khẩn xin Người cho giáo phận này và cho tất cả những người đã phải cố gắng để đến đây hôm nay. Chân phước Linh mục Laval, đấng mà chúng ta tôn kính thánh tích hôm nay, cũng có những lúc rơi vào sự thất vọng và khó khăn với cộng đoàn Ki-tô hữu, nhưng cuối cùng, Chúa tạo niềm hoan hỷ trong tâm hồn ngài, vì ngài đã đặt trọn niềm tín thác và quyền năng của Chúa. Chúng ta hãy cầu xin rằng sức mạnh đó cũng sẽ chạm đến tâm hồn của nhiều người nam và nữ của miền đất này, và cả tâm hồn của chúng ta, để sự mới mẻ luôn có khả năng canh tân đời sống của chúng ta và của cộng đoàn (x. nt., 11). Chúng ta đừng quên rằng Đấng rao giảng bằng quyền năng, Đấng xây dựng Giáo hội, đó chính là Chúa Thánh Thần.

Mẹ Maria, Mẹ là người bảo vệ và đồng hành với chúng ta, nhắc chúng ta nhớ rằng chính Mẹ được gọi là “đầy ân phúc.” Chúng ta hãy cầu nguyện với Mẹ xin ơn biết mở rộng lòng trước Thánh Thần. Mẹ cũng trải qua sự đau đớn như mũi gươm đâm thâu trái tim Mẹ, và bước qua ngưỡng của sự thống khổ nhất khi Mẹ chứng kiến cái chết của Con của Mẹ. Nguyện Mẹ xin cho chúng ta niềm vui luôn mãi đó là niềm vui không bao giờ làm ngã lòng hay phai nhạt. Niềm vui đó luôn dẫn đưa chúng ta đến sự trải nghiệm và công bố rằng “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn”.

[Văn bản chính: tiếng Pháp; bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/9/2019]


Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bài học của người quản lý bất lương, khen ngợi sự khôn lanh của anh ta

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bài học của người quản lý bất lương, khen ngợi sự khôn lanh của anh ta
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bài học của người quản lý bất lương, khen ngợi sự khôn khéo của anh ta

‘Trước những lỗi lầm và sa ngã của chúng ta, Chúa Giê-su bảo đảm rằng chúng ta luôn luôn có thời gian để chữa lành bằng việc thiện bù đắp cho điều ác đã làm’

22 tháng Chín, 2019 15:28

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha hôm nay, trước và sau giờ đọc Kinh Truyền Tin với những người trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Dụ ngôn trong Tin mừng Chúa nhật này (x. Lc 16:1-13) có vai chính là một người quản lý bất lương và khôn khéo, anh ta bị tố cáo là đã phung phí tài sản của ông chủ, đang sắp sửa bị đuổi việc. Trong tình hình khó khăn này, anh ta không tố cáo ngược lại, anh ta không tìm những lời bào chữa và anh ta cũng không để cho mình bị ngã lòng, nhưng anh ta nghĩ ra một lối thoát để bảo đảm cho mình một tương lai yên ả. Đầu tiên, anh ta phản ứng rất rõ ràng, thừa nhận những giới hạn của mình: “Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi” (c. 3); rồi sau đó anh ta hành động một cách khôn khéo, rút trộm của ông chủ lần cuối cùng. Thật vậy, anh ta đã gọi những con nợ đến và giảm bớt số nợ của họ đã mượn của ông chủ, để làm bạn với họ và rồi sẽ được họ báo đáp cho sau. Đây là cách kết bạn bằng sự tham nhũng và giành được lòng biết ơn bằng sự tham nhũng, và thật đáng buồn lại là điều bình thường ngày nay.

Chúa Giê-su đưa ra ví dụ này chắc chắn không để cổ súy cho sự bất lương, nhưng là sự khôn khéo. Thật vậy, Ngài nhấn mạnh: “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (c. 8), tức là kết hợp giữa sự thông minh và khôn khéo có thể làm cho con người vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn. Chìa khóa của bài đọc trong trình thuật này nằm trong lời mời gọi của Chúa Giê-su ở cuối dụ ngôn: “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (c. 9). Điều này nghe có vẻ hơi rắc rối, nhưng thật ra không phải: “tiền của bất chính” tức là tiền — cũng còn được gọi là cặn bã của quỷ — và của cải vật chất nói chung.

Tài sản có thể khiến con người dựng nên những bức tường, tạo ra những chia rẽ và phân biệt đối xử. Ngược lại, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ của Người hãy đảo ngược lại thói thường: “Hãy dùng tiền bạc mà tạo bạn bè.” Đó là một lời mời gọi để có thể biến những của cải và sự giàu có thành những mối quan hệ, vì con người quý giá hơn mọi thứ và đáng giá hơn mọi của cải sở hữu. Thật ra, trong cuộc sống những người có quá nhiều của cải thì không sinh hoa trái, nhưng chính là người tạo ra và giữ sống động nhiều mối dây ràng buộc, nhiều mối quan hệ, nhiều tình bạn qua cách đảo ngược “của cải”, cụ thể đó là những ân ban mà Chúa ban tặng cho người đó. Nhưng Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh đến cùng đích của lời kêu gọi của Người: “Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” Chúng ta sẽ được đón vào Nước Thiên Đàng, nếu chúng ta có khả năng biến những của cải thành khí cụ của tình huynh đệ và tình đoàn kết, không chỉ với Thiên Chúa, nhưng cả với những người chúng ta cùng chia sẻ, quản lý tốt những gì Thiên Chúa đặt vào bàn tay của chúng ta.

Anh chị em thân mến, trang Tin mừng này làm cho câu hỏi của người quản lý bất lương, bị ông chủ sa thải, vang lên trong lòng chúng ta: “Mình sẽ làm gì đây?” (c. 3) Trước những lỗi lầm và sa ngã của chúng ta, Chúa Giê-su bảo đảm rằng chúng ta luôn luôn có thời gian để chữa lành bằng viện thiện bù đắp cho điều ác đã làm. Ai đã làm cho một người phải khóc buộc phải làm cho một người khác được hạnh phúc, ai đã thụt két phải làm phúc cho người thiếu thốn. Bằng cách làm như vậy, Chúa sẽ khen chúng ta, “vì chúng ta hành động khôn khéo,” tức là bằng sự khôn ngoan của một người chân nhận mình là một người con của Chúa và dự phần vào Nước Thiên Đàng.

Xin Mẹ Đồng Trinh Rất Thánh giúp chúng ta biết khôn khéo trong cách bảo đảm cho bản thân, không chỉ là sự thành công của thế gian, nhưng là sự sống đời đời, để đến thời gian sau hết của Ngày Chung Thẩm, những người thiếu thốn mà chúng ta đã giúp đỡ có thể làm chứng rằng chúng ta đã nhìn thấy và phục vụ Chúa trong họ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


Sau Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến,

Cha xin chào thân ái tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương đến từ nhiều quốc gia. Đặc biệt cha gửi lời chào các tham dự viên của cuộc đua Via Pacis, cuộc chạy đua sáng nay đã đi qua các con đường của Roma, để mang đến thông điệp hòa bình, huynh đệ và đặc biệt là đối thoại giữa các tôn giáo và văn hóa khác nhau.

Cha xin chào nhóm Thừa sai Công giáo Ba lan ở Đức; ca đoàn “Thánh Leonard” của Procida; các ứng thiếu niên ứng viên Thêm sức của Settimello (Florence); và các chị Nữ tu Beautiful Love, kỷ niệm 25 năm thành lập.

Chúa nhật tới ngày 29 tháng Chín sẽ là Ngày Người Di cư và Tị nạn Thế giới. Nhân dịp này cha sẽ dâng Thánh lễ trong Quảng trường Thánh Phê-rô. Cha mời gọi anh chị em tham dự lễ này để bày tỏ sự gần gũi của chúng ta với những người di cư và tị nạn trên toàn thế giới, cùng với lời cầu nguyện.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 23/9/2019]