Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Đại dịch Đen đã thay đổi Kinh “Kính Mừng” như thế nào

Đại dịch Đen đã thay đổi Kinh “Kính Mừng” như thế nào

Đại dịch Đen đã thay đổi Kinh “Kính Mừng” như thế nào

17 tháng Ba, 2020

Các Ki-tô hữu đã thêm “cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử” giữa Đại dịch Đen.

Kinh “Kính Mừng” mà người Ki-tô hữu đã đọc qua nhiều thế kỷ bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất được trích ra từ lời Truyền tin, khi sứ thần Gabriel chào Mẹ Maria rằng, “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” (Lc 1:28) Phần thứ hai của lời kinh được lấy trong cuộc đi viếng thăm của Đức Mẹ, khi bà Ê-li-sa-bét chào Mẹ Maria bằng những lời sau, “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc!” (Lc 1:42)

Ban đầu lời kinh được gọi là “Lời chào của Đức Nữ trinh đầy Ân phúc,” và chỉ có hai câu đó ghép lại với nhau. Tuy nhiên, trong thời kỳ Đại dịch Đen (cũng còn gọi là “Cái chết Đen”) lời kinh được mở rộng thêm và phần thứ hai được thêm vào.

Nhiều người tin rằng phần thứ hai này (“Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”) được thêm vào trong thời gian đại dịch để cầu xin sự bảo vệ của Mẹ đầy Ơn phúc cứu thoát khỏi dịch bệnh chết người.

Đấng Đáng kính Fulton J. Sheen giải thích nguồn gốc này trong quyển sách The World’s First Love (tạm dịch: Tình yêu ban đầu của Thế giới).

Vì nó nắm lấy hai thời khắc quyết định của cuộc sống: “khi nay” và “trong giờ lâm tử,” nó thể hiện tiếng kêu thống thiết tự phát của những người trong cơn tai ương nguy khốn. Cái Chết Đen đã tàn phá toàn bộ Châu Âu và quét sạch một phần ba dân số của nó, thúc giục các tín hữu kêu cầu thống thiết lên Mẹ Thiên Chúa để bảo vệ họ tại thời điểm khi mà hiện tại và cái chết hầu như là một.

Một chuyên gia về lòng sùng kính Mẹ Maria, Cha Donald H. Calloway, khẳng định điều này trong quyển sách của ngài Champions of the Rosary (tạm dịch: những nhà vô địch của Kinh Mân Côi) và giải thích, “Sau Cái Chết Đen, phần thứ hai của Kinh Kính Mừng bắt đầu xuất hiện trong kinh nhật tụng của những cộng đoàn dòng tu, đặc biệt các dòng tu Mercedarians, Camaldolese, và Phan Sinh … con người của thế kỷ 14 rất cần có chiều kích ‘đầy hy vọng của phần thứ hai của Kinh Kính Mừng.”

Lời kinh mang nhiều hình thức khác nhau trong suốt thời gian ảm đạm ở Châu Âu, nhưng chính thức được công nhận sau khi công bố Giáo lý của Công đồng Trent và bản kinh trọn vẹn sau đó được thêm vào trong Kinh Nhật tụng Roma năm 1568.

Trong những thời gian đau khổ nặng nề, người Ki-tô hữu luôn hướng về Thiên Chúa và những vị thánh gần gũi với Người nhất, trong niềm hy vọng rằng Người sẽ đến trợ giúp cho dân Người.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/3/2020]


Đức Thánh Cha dâng Lễ tại Santa Marta: Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các ông bà nội ngoại và tất cả ông bà cao tuổi (toàn văn)

Đức Thánh Cha dâng Lễ tại Santa Marta: Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các ông bà nội ngoại và tất cả ông bà cao tuổi (toàn văn)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha dâng Lễ tại Santa Marta: Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các ông bà nội ngoại và tất cả ông bà cao tuổi (toàn văn)

Tiếp tục cầu nguyện cho các gia đình tái khám phá lòng cảm mến thật sự trong thời gian khó khăn này


17 tháng Ba, 2020 13:44

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ông bà nội ngoại, và tất cả các ông bà cao tuổi … 

Đức Thánh Cha Phanxico động viên tín hữu toàn thế giới noi theo lời mời gọi của ngài, trong Thánh Lễ riêng hàng ngày của ngài tại khu ngài ở Casa Santa Marta, tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi Coronavirus, cầu nguyện đặc biệt hôm nay cho người già cô đơn và đang sợ hãi.

Các Thánh Lễ trong nhà nguyện của Đức Phanxico thường có một nhóm nhỏ các tín hữu, nhưng do những biện pháp gần đây Vatican thực hiện nên hiện nay là Thánh Lễ riêng, không có người tham dự.

Thông báo gần đây cho biết rằng Đức Thánh Cha sẽ dâng những Thánh Lễ này, trong thời điểm hiện nay, cho tất cả tín hữu trên toàn thế giới, qua truyền hình trực tiếp trên Vatican Media, vào các ngày trong tuần, lúc 7 giờ sáng giờ Roma.

Việc này diễn ra cũng tại thời điểm khi hội đồng giám mục Ý đã hủy bỏ các Thánh Lễ cộng đoàn chung trên toàn quốc, ít nhất cho đến ngày 3 tháng Tư, theo sau những hướng dẫn do các nhà chức trách Ý đưa ra. Toàn quốc đang trong lệnh phong tỏa. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang gia tăng những biện pháp đề phòng chống lại virus.

Một lần nữa trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của ngài với những người đau khổ, người già, và tất cả những người đang làm việc để ngăn chặn và chữa trị virus.

Hôm nay Đức Thánh Cha cầu nguyện, tương tự như ý cầu nguyện của ngài hôm qua, “Xin Chúa giúp các gia đình tái khám phá lòng cảm mến thật sự trong thời gian khó khăn này.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích về các bài đọc trong ngày nói về sự tha thứ, theo bản tin của Vatican News.

Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh rằng chúng ta phải luôn luôn tha thứ, ngay cả trong những thời điểm dường như là thử thách nhất.

Đức Phanxico nhắc lại, Thánh Phê-rô đã đặt câu hỏi: “Nếu người anh em của con phạm tội chống lại con, xúc phạm con, con phải tha cho người đó mấy lần? Bảy lần ư?” Và Chúa Giê-su trả lời với cụm từ mà trong ngôn ngữ của các ngài có nghĩa là “luôn luôn”: “Bảy mươi lần bảy.”

Chúng ta phải luôn luôn tha thứ, Đức Giáo hoàng nói, và thừa nhận rằng “nó không dễ dàng,” vì tâm hồn ích kỷ của chúng ta luôn luôn gắn chặt với sự hận thù, với sự trả thù, với sự phẫn uất.

Đức Phanxico cảm thán, “Tất cả chúng đều đã chứng kiến những gia đình bị tàn phá bởi sự hận thù gia đình đi từ thế hệ này sang thế hệ khác; có những người anh em khi đứng trước quan tài của cha hoặc mẹ, không chào nhau vì còn mang trong lòng những sự uất hận ngày xưa.”

Ma quỷ, Đức Thánh Cha người Argentina cảnh báo, luôn núp sau những phẫn uất của chúng ta, sau những oán ghét của chúng ta và làm cho chúng lớn lên. Đức Phanxico nói rằng hắn giữ chúng ở đó “để tàn phá, để tàn phá mọi thứ. Và rất nhiều lần, hắn tàn phá vì những chuyện rất nhỏ nhặt …”

Đức Phanxico nhấn mạnh rằng dụ ngôn hôm nay của Chúa Giê-su rất rõ ràng: tha thứ.

Ngài nói, “Tha thứ là điều kiện để đi vào Thiên Đàng.” Lòng quảng đại của Chúa, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta, dạy cho chúng ta điều này.

“Quả thật, Ngài nói với chúng ta: “Con có đi Lễ không?” — “Dạ có” — nhưng nếu khi con đi Lễ mà nhớ rằng người anh em của con có điều gì đó chống lại con, trước hết hãy hòa giải đã.”

Ngài tiếp tục, “Đừng đến với Ta bằng tình yêu dành cho ta ở một bên, và bên kia là sự oán ghét người anh em” — sự gắn kết của tình yêu, sự tha thứ, hết lòng tha thứ.”

Đức Thánh Cha cầu xin Chúa dạy cho chúng ta sự khôn ngoan của tha thứ.

Thêm nữa, ngài mời gọi tín hữu đang theo dõi Thánh Lễ truyền trực tiếp hãy thực hiện điều sau: “khi chúng ta đi xưng tội, để lãnh nhận Bí tích Hòa giải, trước hết hãy tự hỏi mình: “Tôi có tha thứ không?”

Ngài nói, “Nếu tôi cảm thấy rằng tôi không tha thứ được, thì tôi cũng không được xin sự tha thứ, vì tôi sẽ không được tha thứ; xin tha thứ có nghĩa là hãy tha thứ, cả hai đi với nhau. Không thể tách rời chúng …”

Đức Thánh Cha kết luận, kêu gọi tất cả các tín hữu hãy cởi bỏ tất cả những oán hận và tiến bước.

Ngoài Santa Marta, Vatican đang thực hiện các bước để ngăn cản các đám đ6ong và giữ cho mọi người an toàn. Họ truyền hình trực tiếp Đức Thánh Cha trao các huấn từ Kinh Truyền tin và Tiếp Kiến chung từ thư viện giáo hoàng.

Ngoài ra, các viện bảo tàng Vatican hiện đang đóng cửa, cùng với các bảo tàng khác. Cũng đã có nhiều hướng dẫn được áp dụng trên khắp Vatican, để tránh lây lan virus.

Cho đến nay, chỉ có một người, một du khách, đã được xét nghiệm dương tính với Coronavirus tại Vatican. Năm người có tiếp xúc với bệnh nhân đang được cách ly.

Với những người quan tâm có thể theo dõi trực tiếp các Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Santa Marta và có thể xem lại trên kênh YouTube của Vatican. Dưới đây là đường dẫn Thánh Lễ hôm nay. Và bên dưới là bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

***


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Chúa Giê-su vừa dạy một bài giáo lý về sự hiệp nhất anh em và Ngài kết thúc bài giảng bằng một câu rất đẹp: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (x. Mt 18:19). Sự hiệp nhất, tình bạn, hòa bình giữa anh em cuốn hút lòng nhân từ của Chúa. Và Thánh Phê-rô đặt câu hỏi: “Nếu người anh em của con phạm tội chống lại con, xúc phạm con, con phải tha cho người đó mấy lần? Bảy lần ư?” Và Chúa Giê-su trả lời với cụm từ mà trong ngôn ngữ của các ngài có nghĩa là “luôn luôn”: “Bảy mươi lần bảy.” Chúng ta phải luôn luôn tha thứ, và nó không dễ dàng, vì tâm hồn ích kỷ của chúng ta luôn luôn gắn chặt với sự hận thù, với sự trả thù, với sự phẫn uất. Tất cả chúng đều đã chứng kiến những gia đình bị tàn phá bởi sự hận thù gia đình đi từ thế hệ này sang thế hệ khác; có những người anh em khi đứng trước quan tài của cha hoặc mẹ, không chào nhau vì còn mang trong lòng những sự uất hận ngày xưa. Dường như là để bản thân gắn kết với sự thù oán còn mạnh mẽ hơn cả yêu thương, và điều này, quả thật — chúng ta nói rằng – là gia tài của quỷ. Hắn luôn núp sau những phẫn uất của chúng ta, sau những oán ghét của chúng ta và làm cho chúng lớn lên, hắn giữ chúng ở đó để tàn phá, để tàn phá mọi thứ. Và rất nhiều lần, hắn tàn phá vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Và tàn phá cả Thiên Chúa là Đấng đến không để kết án nhưng để tha thứ. Thiên Chúa Đấng mừng vui vì một tội nhân trở về với Ngài và Ngài quên tất cả.

Khi Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta, Người quên tất cả mọi sự dữ chúng ta đã làm. Có người nói: “Đó là cái bệnh của Chúa,” Người không có bộ nhớ; Người có thể bị mất bộ nhớ trong những trường hợp như vậy. Thiên Chúa đánh mất sự ghi nhớ về những câu chuyện kinh khủng của nhiều tội nhân, của tội chúng ta. Người tha thứ cho chúng ta và tiến bước. Người chỉ yêu cầu chúng ta hãy “làm tương tự như vậy: hãy học cách tha thứ,” đừng mang theo thập giá vô ích của sự thù oán, của lòng phẫn uất, của câu “hắn sẽ phải trả giá cho điều đó.” Câu này không mang tính Ki-tô giáo cũng chẳng mang tính nhân văn. Lòng quảng đại của Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng để đi vào Nước Trời chúng ta phải tha thứ. Quả thật, Ngài nói với chúng ta: “Con có đi Lễ không?” — “Dạ có” — nhưng nếu khi con đi Lễ mà nhớ rằng người anh em của con có điều gì đó chống lại con, trước hết hãy hòa giải đã. Đừng đến với Ta bằng tình yêu dành cho ta ở một bên, và bên kia là sự oán ghét người anh em” — sự gắn kết của tình yêu, sự tha thứ, hết lòng tha thứ.

Có những người luôn kết án người khác, nói xấu về mọi người, luôn làm mất thanh danh đồng nghiệp, làm mất thanh danh của hàng xóm, của cha mẹ, vì họ không tha thứ cho những người kia vì một điều gì đó người kia đã làm cho họ, hoặc họ không tha thứ cho một điều gì đó không làm họ vui lòng. Dường như gia tài phù hợp với ma quỷ là như vầy: gieo tình yêu không tha thứ, sống bám chặt với sự không tha thứ. Nhưng tha thứ là điều kiện để tiến vào Thiên Đàng.

Dụ ngôn Chúa kể cho chúng ta rất rõ ràng: hãy tha thứ. Xin Chúa dạy cho chúng ta sự khôn ngoan của việc tha thứ, là một điều không dễ dàng; và chúng ta hãy thực hiện điều này: khi chúng ta đi xưng tội, để lãnh nhận Bí tích Hòa giải, trước hết hãy tự hỏi mình: “Tôi có tha thứ không?” Nếu tôi cảm thấy rằng tôi không tha thứ được, thì tôi cũng không được xin sự tha thứ, vì tôi sẽ không được tha thứ; xin tha thứ có nghĩa là hãy tha thứ, cả hai đi với nhau. Không thể tách rời chúng. Và những ai cầu xin sự tha thứ cho mình — như người đàn ông này được ông chủ tha cho mọi thứ —, nhưng lại không tha cho người khác, thì cuối cùng sẽ kết cục như người này. “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được điều này và biết cúi đầu, không kiêu ngạo nhưng trở nên rộng rãi trong việc tha thứ; hãy tha thứ, chí ít “không vì ích lợi cá nhân.” Tại sao? Tôi phải tha thứ, vì nếu tôi không tha thứ, tôi sẽ không được thứ tha — hãy luôn tha thứ.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico của ZENIT tại Santa Marta]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/3/2020]