Thứ Hai, 11 tháng 12, 2017

Tu viện cổ xưa nhất ở Iraq biến mất mãi mãi

Tu viện cổ xưa nhất ở Iraq biến mất mãi mãi

04 tháng Mười Hai, 2017
Tu viện cổ xưa nhất ở Iraq biến mất mãi mãi
© DR

Chỉ còn một vài phế tích và những bức ảnh còn lại của tu viện Thánh Elijah ở Mosul.

Ba năm trước, tu viện vẫn còn ở đó, trong vùng Ni-ni-vê thuộc miền bắc Iraq. Đầu thế kỷ 20, nó vừa mới được phục hồi lại một phần của nguyên trạng gốc của tu viện, lúc đó một số đại sảnh và phòng được phục hồi cho đến khi cuộc chiến nổ ra, nó lại bị bỏ hoang.
Tu viện được sử dụng như một trung tâm tị nạn ngay sau Đệ nhất Thế chiến. Kể từ đó tòa nhà luôn nằm trong những cuộc xung đột vũ trang. Nó thậm chí trở thành mục tiêu của cuộc tấn công trong cuộc chiếm đóng Iraq: tu viện được dùng làm trại binh cho Quân đội Hoa kỳ.
Tu viện cổ xưa nhất ở Iraq biến mất mãi mãi
© DR
Năm 2008, một nhóm binh sĩ khác của Mỹ, đồn trú trong tu viện cùng với một tiểu đoàn công binh, bắt đầu vẽ bản đồ địa hình của khu vực này. Sau đó tu viện cổ Thánh Elijah của Mosul bắt đầu một tiến trình chậm chạp quay lại với những dấu hiệu hứa hẹn sự khôi phục.
Người ta tìm được những dấu tích của màu xanh cô-ban, gợi nhớ lại những tu viện cổ của Đông Âu (chẳng hạn Voronet) và những chữ khắc về lòng sùng mộ cổ xưa, mời gọi những khách đến thăm viếng cầu nguyện cho những người sống bên trong những bức tường đó, cùng với tàn tích cổ của những chiếc bình sành được tìm thấy trên khắp diện tích của khu vực.
Tu viện được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 bởi các tu sĩ người Assyria. Một số người cho rằng người sáng lập tu viện là Mar Elia, một tu sĩ người Thổ Nhĩ kỳ đã đến đó năm 595. Sau đó, Giáo hội Công giáo Can-đê quản lý tu viện trong nhiều thế kỷ cho đến giữa thế kỷ 18, các tu sĩ nhận được một tối hậu thư từ quân xâm lược Ba-tư: hoặc là họ phải bỏ đi hoặc là họ sẽ bị chết dưới lưỡi gươm.
Các tu sĩ không bỏ đi. Một trăm năm mươi người đã bị giết.
Tu viện cổ xưa nhất ở Iraq biến mất mãi mãi
© DR
Từ đó về sau, nhiều tổ chức khác nhau quản lý khu vực, kể cả các đại học Mosul và Chicago, cùng với UNESCO và ủy ban đối thoại nghiên cứu khảo cổ của chính phủ Iraq. Nhưng không chỉ các tổ chức quan tâm đến việc đó. Tháng Mười Một hàng năm, vào ngày lễ Thánh Elias (đấng mà tu viện được cung hiến), người hành hương trong vùng vẫn đến Dair Mar Elia.
Đáng buồn, truyền thống 1400 năm này đã đến hồi kết thúc. Giống như những ngọn tháp ở Palmyra và các đền đài ở Baal Shamin và Bel, tu viện Thánh Elias bị san phẳng năm 2014 bởi các lực lượng Nhà nước Hồi giáo, nhưng cho mãi đến tháng Sáu, 2016, nó mới được công bố công khai. Sự thật về tình trạng bị phá hủy của tu viện không được báo cáo trong suốt một thời gian dài có thể hàm ý rằng một số địa điểm khác của Ki-tô giáo ở Iraq có thể cũng đã bị phá hủy một cách bí mật.

[Nguồn:  aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/12/2017]


Đức Thánh Cha khẳng định sự cần thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

Đức Thánh Cha khẳng định sự cần thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxico gửi Hội nghị Quốc tế Chuyên đề về Tông huấn Laudato si’ (Chúc tụng Chúa)
30 tháng Mười Một, 2017
Đức Thánh Cha khẳng định sự cần thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta
CTV Screenshot
Đức Thánh Cha nói trong video phát hành ngày 30 tháng Mười Một, 2017, “Những vấn đề tàn phá môi trường tự nhiên đang ngày càng xấu hơn và những hậu quả trên đời sống của người dân thật tồi tệ.”
Thông điệp video được gửi tới các tham dự viên của Hội nghị Quốc tế Chuyên đề về Tông huấn “Laudato si’, chăm sóc ngôi nhà chung, một sự chuyển biến cần thiết cho sinh thái học nhân văn,” được tổ chức bởi Đại học Công giáo Costa Rica cùng với Quỹ Joseph Ratzinger-Benedict XVI Vatican Foundation. Hội nghị diễn ra từ 29 tháng Mười Một đến 1 tháng Mười Hai, 2017, tại San José, Costa Rica.

Thông điệp video của Đức Thánh Cha
Tôi xin chào tất cả quý vị đang tham dự Hội nghị Chuyên đề được tổ chức bởi Đại học Công giáo Costa Rica với sự hợp tác của Quỹ Ratzinger Foundation. Tôi xin cảm ơn Tổng thống của nước Cộng hòa vì sự ủng hộ cho sáng kiến này nhằm thúc đẩy một vấn đề rất tâm huyết của tôi.
Với Tông huấn Laudato si’ (Chúc tụng Chúa), tôi hướng sự chú ý của nhân loại và Giáo hội đến những vấn đề khẩn thiết nhất liên quan đến sự chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta trong hiện tại và tương lai của các dân tộc cư ngụ trên nó. Những vấn đề tàn phá môi trường tự nhiên đang ngày càng xấu hơn và những hậu quả trên đời sống của người dân thật tồi tệ.
Để đối mặt với những vấn đề này, chúng ta cần phải có tầm nhìn rộng hơn đến những nguyên nhân, bản chất của sự khủng hoảng và những khía cạnh khác nhau của nó. Không, một thái độ phủ nhận trước vấn đề đối với toàn thế giới này là không chính đáng. Điều cần thiết bắt buộc phải có là sự hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà xã hội học, các nhà kinh tế và các nhà chính trị, cũng như những nhà giáo dục và những nhà rèn luyện lương tâm. Không có sự chuyển biến thật sự đối với những thái độ của chúng ta và cách đối xử của chúng ta mỗi ngày, thì những giải pháp kỹ thuật sẽ không cứu được ngôi nhà của chúng ta.
Như Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã nói, một “sinh thái học nhân văn” là rất cần thiết, đưa sự phát triển con người toàn diện vào trung tâm và thúc đẩy tính trách nhiệm của người đó đối với thiện ích chung, vì lòng tôn trọng và sự quản lý tốt lành đối với các loài tạo vật mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.
Tôi thiết tha hy vọng rằng Hội nghị Chuyên đề này sẽ đưa ra được một sự thúc đẩy mạnh mẽ cho sự hợp tác giữa các Đại học Công giáo – đặc biệt ở Mỹ La-tinh và vùng Caribbe – để nghiên cứu các vấn đề này, sự phát triển của tình hình và những giải pháp khả thi; và cũng đưa ra được những đề nghị cụ thể, để khơi gợi tính trách nhiệm lớn hơn đối với việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, không chỉ đối với các cá nhân, nhưng của cả các cộng đồng chính trị, xã hội và giáo hội, và cuối cùng là trong gia đình.
Cần phải có sự đoàn kết và nỗ lực của tất cả mọi người. Tông huấn Laudato si’ là một lời thỉnh cầu đến mỗi người chúng ta. Cần phải có sự hợp tác của mọi người, để đón nhận thông điệp của Laudato si’ và đem nó ra thực hành trong đời sống, vì lợi ích và tương lai của gia đình nhân loại.
© Libreria Editrice Vatican
JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/12/2017]


Kinh Truyền Tin: Chủ đề Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng

Kinh Truyền Tin: Chủ đề Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng

“Đã đến thời gian để nhận ra được những hố sâu phải lấp đầy trong cuộc sống của chúng ta, làm phẳng những gồ ghề của tính kiêu ngạo và dành chỗ cho Chúa Giê-su Đấng đang đến”
10 tháng Mười Hai, 2017
Kinh Truyền Tin: Chủ đề Chúa nhật thứ hai Mùa Vọng
CTV Screenshot
THÀNH VATICAN, 10 THÁNG MƯỜI HAI, 2017 (Zenit.org). - Dưới đây là bản dịch của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau khi đọc Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.
* * *
Trước Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Chúa nhật trước chúng ta bắt đầu Mùa Vọng với lời mời gọi hãy cảnh giác. Hôm nay, Chúa nhật thứ hai trong sự chuẩn bị chào đón Giáng sinh, Phụng vụ cho thấy nội dung rất phù hợp: Đã đến thời gian để nhận ra được những hố sâu phải lấp đầy trong cuộc sống của chúng ta, làm phẳng những gồ ghề của tính kiêu ngạo và dành chỗ cho Chúa Giê-su Đấng đang đến.
Ngôn sứ I-sai-a loan báo cho dân chúng đã đến hồi kết thúc của cuộc lưu đày Babylon và trở về Giê-ru-sa-lem. Ngôn sứ loan tin: “Có tiếng hô: ‘Trong sa mạc hãy mở một con đường cho Chúa [ … ] Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy’” (40:3). Những thung lũng phải được lấp đầy tượng trưng cho những sự gồ ghề trong cuộc sống của chúng ta trước mặt Chúa, tất cả tội lỗi và thiếu sót của chúng ta. Một sự gồ ghề trong cuộc sống chúng ta có thể là chúng ta không cầu nguyện hoặc cầu nguyện quá ít. Do đó, Mùa Vọng là một thời gian thích hợp để cầu nguyện nhiều hơn, để đưa đời sống tinh thần vào đúng vị trí quan trọng xứng đáng của nó. Một sự gồ ghề khác có thể là thiếu lòng bác ái với anh em, đặc biệt đối với những người đang cần sự giúp đỡ nhất, không chỉ về vật chất nhưng cả tinh thần. Chúng ta được kêu gọi phải ý thức nhiều hơn trước những thiếu thốn của tha nhân, gần gũi với họ hơn. Từ đó, giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta có thể mở ra những con đường của hy vọng trong sa mạc của những trái tim khô cằn của rất nhiều người.
Ngôn sứ I-sai-a lại thúc giục, “Mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống” (c. 4). Những núi đồi phải bạt xuống đó là sự kiêu hãnh, tính tự cao tự đại và kiêu căng. Nơi nào có sự kiêu hãnh, nơi đâu có lòng kiêu căng, nơi nào có lòng tự cao tự đại thì Thiên Chúa không thể đi vào vì con tim đã đầy tràn lòng kiêu hãnh, tự cao tự đại, kiêu căng. Vì vậy, chúng ta phải san phẳng lòng tự kiêu này đi. Chúng ta phải mang lấy thái độ hiền từ và khiêm nhường, và không trách cứ, hãy lắng nghe, chuyện trò một cách hiền từ và như vậy chúng ta đang chuẩn bị đón Đấng Cứu Thế đến, Đấng hiền hậu và khiêm nhường trong lòng (x. Mt 11:29). Và chúng ta được kêu gọi hãy tống khứ tất cả những trở ngại chúng ta đặt ra trong sự kết hiệp với Thiên Chúa. Ngôn sứ I-sai-a nói: “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy” (Is 40:4-5). Tuy nhiên, những hành động này phải được làm với niềm vui, vì đó là những hành động nhằm chuẩn bị cho việc Chúa đến. Khi chúng ta ở nhà mong chờ sự viếng thăm của một người thân yêu, chúng ta chuẩn bị mọi thứ hết sức cẩn thận và vui mừng. Chúng ta cũng phải làm giống như vậy để chuẩn bị cho việc Chúa đến: khát khao mong đợi từng ngày Chúa đến, để được đầy tràn ân sủng của Người khi Người đến.
Đấng Cứu Thế chúng ta mong đợi có thể biến đổi cuộc sống chúng ta bằng sức mạnh của Thánh Thần, bằng sức mạnh của tình yêu. Quả thật, Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta tình yêu của Thiên Chúa, nguồn thanh tẩy, nguồn sự sống và nguồn tự do không bao giờ cạn. Mẹ Maria Đồng Trinh đã sống trọn vẹn thực tại này, để cho Mẹ được “thanh tẩy” bởi Chúa Thánh Thần Đấng đổ tràn đầy sức mạnh của Người trong Mẹ. Nguyện xin Mẹ, Mẹ đã chuẩn bị đón Đức Ki-tô đến bằng tất cả cuộc sống, giúp chúng con biết noi gương Mẹ và hướng dẫn những bước đi của chúng con đến gặp gỡ với Thiên Chúa Đấng đang đến.
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của  Virginia M. Forrester của ZENIT]
 
Sau Kinh Truyền Tin
Anh chị em thân mến,
Hôm nay giải Nobel Hòa bình sẽ được trao cho Chiến dịch Quốc tế Loại bỏ Vũ khí Nguyên tử. Sự kiện này diễn ra trùng khớp với Ngày Nhân quyền Liên Hợp quốc, và điều này nhấn mạnh mối liên hệ giữa nhân quyền và sự giải trừ nguyên tử. Quả thật, cam kết trong việc bảo vệ phẩm giá con người, đặc biệt với những người nhỏ bé nhất và hèn kém nhất cũng có nghĩa là phải làm việc với sự quyết tâm để xây dựng một thế giới không có vũ khí nguyên tử. Thiên Chúa ban cho chúng ta khả năng hợp tác để xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta: chúng ta có sự tự do, sự thông minh và khả năng dẫn dắt công nghệ, để giới hạn sức mạnh của chúng ta nhằm phục vụ hòa bình và tiến bộ đích thật (x. Tông huấn Laudato Si’, 78, 112, 202.
“Hội nghị Thượng đỉnh Hành tinh của Chúng ta” sẽ được tổ chức trong hai ngày sắp tới ở Paris. Hai năm sau khi thông qua Hiệp ước Paris về khí hậu, mục đích của hội nghị là làm mới lại cam kết áp dụng và củng cố một chiến lược chung nhằm chống lại hiện tượng rất đáng lo ngại đó là sự biến đổi khí hậu. Tôi tha thiết mong rằng Hội nghị Thượng đỉnh này, cũng như những sáng kiến khác cùng đi chung hướng, sẽ thúc đẩy một ý thức rõ ràng về tính cần thiết phải thông qua những quyết định hiệu quả để đối phó với sự biến đổi khí hậu, đồng thời chống lại sự nghèo khổ và thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện.
Trong bối cảnh này, tôi mong muốn được bày tỏ tình hiệp thông với dân tộc Ấn độ bị ảnh hưởng bởi cơn bão lốc Okhi, đặc biệt những gia đình của nhiều ngư dân bị ly tán, và với người dân Albania, đang trong cơn thử thách của những trận lũ lụt nặng nề.
Tôi xin gửi lời chào đến toàn thể anh chị em, người Roma và khách hành hương, đặc biệt các tín hữu từ Valladolid và Huelva, ở Tây Ban nha. Cha xin chào các nhóm giới trẻ của Ý và các nhóm thiếu niên từ Florence, Carugate, Brembate, Alme, Petosino và Pian Camuno: cha động viên tất cả chúng con hãy là những chứng nhân hân hoan của Tin mừng.
Tôi xin chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc và một hành trình Mùa Vọng tốt lành, chuẩn bị dọn đường đón Chúa đến.
Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin chúc anh chị em một bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý]  [Bản dịch (tiếng Anh) của  Virginia M. Forrester của ZENIT]

JF

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/12/2017]