Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

Cha tuyên úy sân bay chuẩn bị chuyến bay thiêng liêng cho các hành khách

Cha tuyên úy sân bay chuẩn bị chuyến bay thiêng liêng cho các hành khách

Cha tuyên úy sân bay chuẩn bị sự cất cánh thiêng liêng cho các hành khách


11 tháng Sáu, 2019


Hầu hết mọi người không để ý thấy nhà nguyện nhỏ Đức Bà của các Bầu Trời khi họ hối hả đi từ cổng này sang cổng khác để đón chuyến bay chuyển tiếp, nhưng đối với những người có đức tin với chặng dừng chân khá lâu thì Nhà nguyện Công giáo ở Cổng 4 của sân bay JFK là một nơi vô giá để nghỉ ngơi trước một chuyến bay quốc tế dài.

Ở đó trong căn phòng nhỏ kích thước 22 x 24 bộ (khoảng 6,7 x 7,3 m), người ta có thể tìm thấy Cha Chris Piasta, tuyên úy của JFK, đang chào đón cộng đoàn bay của ngài, trong đó gồm có 40.000 nhân viên của sân bay cộng thêm 60 triệu hành khách bay đi qua phi trường chính của New York mỗi năm. Bạn có là người Công giáo hay không chẳng phải là vấn đề, Cha Piasta nói với NY1:

“Chúng tôi chẳng hỏi, ‘Bạn theo tôn giáo nào?’ Chúng tôi chỉ hỏi chúng tôi có thể giúp được gì,” Cha Piasta nói.

Dù chỉ là một nhà nguyện, trong một thành phố thu nhỏ như phi trường JFK — nơi có đủ các nhà hàng, trụ sở cảnh sát, bưu điện, và các khu dịch vụ nhà ở — nhà nguyện Đức Bà của các Bầu Trời hoạt động như một nhà thờ. Cha Piasta dâng năm thánh lễ một tuần. Trong khi số người tham dự chỉ có ba hoặc bốn người, những ngày lễ nghỉ như Thứ Tư Lễ Tro có thể thu hút số người lên đến hơn 100. Cha Piasta tiếp tục giải thích rằng họ thực hiện tất cả các bí tích tại JFK:

“Rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, nghi thức khai tâm Ki-tô giáo cho người lớn, lễ cưới. Các bí tích như các bạn biết, chúng tôi đều có thực hiện ở đây,” Cha Piasta cho biết.

Trách vụ của vị linh mục người Ba Lan, người được đào tạo tại Đại học Công giáo Gioan Phaolo II ở Lublin, không chỉ riêng trong nhà nguyện. Trong một phỏng vấn với The Tablet, Cha Piasta nói rằng thừa tác vụ của cha đưa ngài có mặt khắp sân bay:

“Chúng tôi gọi đó là Thừa tác vụ Hiện diện. Không chỉ những gì tôi thực hiện trong nhà nguyện hay trong văn phòng mới là cần thiết, nhưng cả những gì tôi làm được khi tôi ra ngoài đi lại trong khuôn viên diện tích 5.000 mẫu Anh (khoảng hơn 2023 héc-ta) của Sân bay JFK,” Cha Piasta nói với The Tablet.

Cha nói rằng cha loanh quanh khu check-in với các nhân viên sân bay, những người mà cha xem là “cộng đoàn chính” của mình. Cha giải thích rằng cha đã tạo được những mối quan hệ thân tình với nhiều nhân viên và họ biết cha còn rõ hơn cả biết linh mục xứ của họ.

Cha nói với The Tablet, “Vị trí tuyên úy này cho phép những người ở đây có kinh nghiệm về Giáo hội trong một thời điểm thuận tiện cho họ, trong giờ ăn trưa, giờ giải lao uống cà-phê, và cho phép tôi đáp ứng được những nhu cầu của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả, ngay tại nơi của họ mà không cần phải hẹn trước.”

Cha Piasta nói rằng cha thích trách vụ này vì không có ngày nào giống ngày nào. Các cha tuyên úy phi trường được huấn luyện để cung cấp sự hỗ trong những cuộc khủng hoảng lớn, chẳng hạn như rơi máy bay hoặc thảm họa tự nhiên, nhưng với quá nhiều người đi qua cổng quốc tế mỗi ngày, không thể nói được rằng mọi vấn đề riêng tư đều lọt vào sự chú ý của cha.

Năm 2010, hầu hết các không phận Châu Âu đều bị đóng do sự phun trào núi lửa. Với nhiều ngàn hành khách bị mắc kẹt tại sân bay gần một tuần lễ, Cha Piasta tổ chức một nhóm những người thiện nguyện cung cấp thức ăn, quần áo sạch, máy laptop để kiểm tra emails, và thậm chí giúp mua thuốc.

Cha Piasta nói với Tablet, “Những loại công việc như vầy không thường được nhìn thấy nơi các linh mục xứ khác. Mỗi ngày tôi đi đến sân bay, tôi chẳng biết là mình sẽ gặp những ai hoặc sẽ nhìn thấy những gì, và điều này rất phấn khích. Nó làm tôi hạnh phúc vì tôi có thể đưa ra sự trợ giúp cho những người này. Nó làm cho tôi biết khiêm nhường vì những gì Chúa ban cho và cách Chúa dùng mỗi người chúng ta để loan truyền Tin mừng và sống sứ mạng của Đức Ki-tô.”

Cha Piasta làm tuyên úy của nhà nguyện Đức Bà của các Bầu Trời từ năm 2010, nhưng cha cũng là mục tử tại Nhà thờ Công giáo Roma Thánh Giu-se ở South Jamaica, tại đây cha ở trong nhà xứ. Cha nói với NY1 rằng hai trách vụ hoàn toàn khác nhau:

Cha Piasta nói, “Về căn bản, nó giống như hai đời sống. Ở đó tôi có cộng đoàn. Nhưng ở đây, tôi thích những người không quen biết vì mỗi ngày đều mang đến một điều gì đó hoàn toàn mới.”

Nhà nguyện Đức Bà của các Bầu Trời luôn luôn tìm người thiện nguyện. Nếu các bạn quan tâm muốn tham gia trong công tác thừa tác vụ, hãy liên lạc điện thoại qua số 718-656-5348 hoặc email chaplain@jfkchapel.org.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2019]


Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại hội các Tuyên úy Hàng không Dân sự

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại hội các Tuyên úy Hàng không Dân sự
© Vatican Media

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Đại hội các Tuyên úy Hàng không Dân sự

‘Anh chị em đại diện cho tình yêu luôn mãi hiện hữu của Thiên Chúa trong một môi trường đông đảo người làm việc hoặc đi lại với rất nhiều lý do khác nhau.'

10 tháng Sáu, 2019 15:47

Ngày 10 tháng Sáu năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico khen ngợi công việc của các tuyên úy hàng không dân sự trong bài diễn từ của ngài trước các tham dự viên trong Đại hội các Tuyên úy Hàng không Dân sự Thế Giới nhân ngày khai mạc Hội thảo Thế giới lần thứ XVII.

Đức Thánh Cha nói, “Sự có mặt của anh chị em trước hết thể hiện sự sẵn sàng. Anh chị em đại diện cho tình yêu luôn mãi hiện hữu của Thiên Chúa trong một môi trường đông đảo người làm việc hoặc đi lại với rất nhiều lý do khác nhau. Anh chị em hiện diện giữa họ để đưa ra, một cách đầy tôn trọng và thận trọng, một cơ hội cho họ được gặp gỡ sự “hiện hữu” của Thiên Chúa. Vì một ngày đó, một giờ quá cảnh đó là duy nhất và không thể lặp lại. Anh chị em rất sáng tạo trong việc liên tục tìm ra những cách thức mới để thể hiện đức ái mục vụ cho tất cả mọi người, bất kể đó là quản lý, là nhân viên hay hành khách. Chứng tá và thông điệp anh chị em truyền tải trong thời khắc đặc biệt đó có thể để lại một ấn tượng suốt đời. Sự sẵn sàng tự bản thân nó là một hình thức chứng nhân đầy sức mạnh.”

Hội thảo được tổ chức bởi Phòng Phục vụ sự Phát triển Con người Toàn diện về chủ đề: “Các Tuyên úy Công giáo và nhân viên mục vụ của Hàng không Dân sự phục vụ sự phát triển con người toàn diện” (Roma, 10-13 tháng Sáu, 2019).

Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người tham dự hội nghị:


******

Thưa Đức Hồng y,

Anh chị em thân mến,

Tôi xin gửi lời chào mừng thân ái đến anh chị em nhân buổi khai mạc Hội thảo Quốc tế về chủ đề: “Các Tuyên úy Công giáo và nhân viên mục vụ của Hàng không Dân sự phục vụ sự phát triển con người toàn diện”. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Turkson về lời giới thiệu của ngài.

Thưa các tuyên úy và nhân viên mục vụ thân mến, theo dòng những chuyến Tông du của tôi, tôi đã đi qua nhiều sân bay, nơi mà anh chị em cung cấp sự chăm sóc mục vụ trong những hoàn cảnh phức tạp và rất đặc biệt. Những tiến bộ của công nghệ, một tốc độ hoạt động quay cuồng và một dòng người hối hả tất cả tạo ra một không khí dửng dưng và không quan tâm trong các sân bay, biến chúng thành những tiền đồn con người khổng lồ. Hàng triệu người thuộc các quốc tịch, các nền văn hóa, tôn giáo, và ngôn ngữ khác nhau hàng ngày đan chéo những lối đi với nhau. Mỗi người đều có câu chuyện riêng của mình với những niềm vui và sự lo buồn, những hy vọng và khó khăn, và chỉ có Chúa mới biết được. Trong bối cảnh này, anh chị em được kêu gọi để mang đến thông điệp và sự hiện diện của Đức Ki-tô, Đấng duy nhất biết được điều gì ẩn chứa trong tâm hồn của mỗi con người, và mang đến cho mọi người Tin Vui của tình yêu dịu dàng, sự hy vọng, và sự bình an của Chúa, bất kể là người Ki-tô hữu hay không.

Trong các phi trường, sự có mặt của anh chị em trước hết thể hiện sự sẵn sàng. Anh chị em đại diện cho tình yêu luôn mãi hiện hữu của Thiên Chúa trong một môi trường đông đảo người làm việc hoặc đi lại với rất nhiều lý do khác nhau. Anh chị em hiện diện giữa họ để đưa ra, một cách đầy tôn trọng và thận trọng, một cơ hội cho họ được gặp gỡ sự “hiện hữu” của Thiên Chúa. Vì một ngày đó, một giờ quá cảnh đó là duy nhất và không thể lặp lại. Anh chị em rất sáng tạo trong việc liên tục tìm ra những cách thức mới để thể hiện đức ái mục vụ cho tất cả mọi người, bất kể đó là quản lý, là nhân viên hay hành khách. Chứng tá và thông điệp anh chị em truyền tải trong thời khắc đặc biệt đó có thể để lại một ấn tượng suốt đời. Sự sẵn sàng tự bản thân nó là một hình thức chứng nhân đầy sức mạnh.

Tôi vui mừng khi nhìn thấy được lòng quan tâm đến sự phát triển con người toàn diện đó được đặt vào trung tâm của những cuộc thảo luận của anh chị em trong những ngày này. Tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩ với anh chị em về chủ điểm quan trọng này.

Trong bối cảnh mở rộng mục vụ của anh chị em, sự phát triển con người toàn diện ôm trọn lấy một loạt những vấn đề đặc biệt đáng quan tâm: quan tâm đến ngôi vị trọn vẹn; quan tâm đến công việc, văn hóa và đời sống gia đình; quan tâm đến tôn giáo, nền kinh tế, và chính trị. Tôi thúc giục anh chị em hãy thực hiện thừa tác vụ của mình bằng sự cam kết và lòng nhiệt thành, ngắm nhìn hàng ngàn khuôn mặt qua lại bằng tâm hồn của Đức Ki-tô, để mọi người có thể cảm nhận được sự hiện hữu của Chúa. Bằng cách này, các sân bay có thể trở thành “những cửa ngõ” và “những cầu nối” cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa, nhưng cũng là gặp gỡ nhau, như là những người con của một Cha. Sân bay thậm chí có thể trở thành một nơi đặc biệt, nơi mà những con chiên lạc có thể tái khám phá và một lần nữa đi theo người Mục tử đích thực của họ. Thật vậy, trong những nơi khởi hành và điểm đến này, một hình thức của “vùng tự do” thường được mở ra, một không gian không ai biết ai nơi mà người ta có thể cảm thấy thoải mái mở lòng, bước vào một tiến trình chữa lành và lấy lại con đường trở về nhà Cha, con đường mà vì nhiều lý do khác nhau có thể họ đã rời bỏ từ lâu.

Chúng ta cũng biết rằng chẳng dễ dàng cho các phi công và phi hành đoàn cân bằng được công việc của họ với đời sống cá nhân và gia đình. Sự có mặt và chú ý lắng nghe của anh chị em cũng vô cùng quan trọng với họ. Tình bạn, sự gần gũi, và thời gian mà anh chị em dành cho họ và gia đình họ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đều có thể là một sự trợ giúp lớn cho họ.

Tôi cũng hiểu mối quan tâm của anh chị em rằng sân bay cũng cung cấp một cơ hội cho con người gặp gỡ Chúa trong lời cầu nguyện và trong các bí tích. Tôi chia sẻ khát khao của anh chị em, “giấc mơ” mục vụ của anh chị em, rằng thậm chí trong một sân bay thì một cộng đoàn tín hữu có thể định hình và trở thành men, muối, và ánh sáng trong bối cảnh con người đặc thù đó.

Đến đây tôi không thể không đề cập đến những người di cư và tị nạn, họ đến các sân bay lớn với hy vọng tìm kiếm được nơi nương náu hoặc tìm được nơi ở, hoặc bị chặn lại tại những điểm quá cảnh. Tôi tiếp tục thúc đẩy các Giáo hội địa phương thể hiện cho họ thấy sự chào đón và quan tâm xứng đáng, dù rằng đây là trách nhiệm trực tiếp của các giới chức dân sự. Nó cũng là một phần của việc chăm sóc mục vụ của anh chị em là bảo đảm rằng nhân phẩm của họ luôn luôn được bảo vệ và các quyền của họ được bảo đảm, liên quan đến phẩm giá và niềm tin của mỗi người. Những công cuộc bác ái được thực hiện với họ là một bằng chứng cho sự gần gũi của Chúa với tất cả những đứa con của Người.

Một số anh chị em, có lẽ là tất cả anh chị em, đều được kêu gọi để phục vụ thêm trong các giáo xứ và cộng đoàn của mình. Nó cho thấy sự mệt mỏi về thể lý và tinh thần, và thậm chí có thể dẫn đến sự nản lòng, sự không hài lòng hay sự chán nản. Do vậy, thật là tốt nếu được sự đồng ý của các đức giám mục của anh chị em, chọn thêm người vào sứ vụ của anh chị em, hoặc là thành viên của nhân viên sân bay hoặc của các cộng đoàn giáo hội địa phương, và bảo đảm rằng họ được đào tạo phù hợp. Tôi rất hạnh phúc nhìn thấy ở đây có nhiều giáo dân và tu sĩ là những người anh chị em đang làm việc cùng. Tôi động viên tất cả anh chị em hãy cùng chung sức để tìm ra những con đường mở rộng mục vụ mới, chia sẻ những gánh nặng của nhau và trên hết là niềm vui của việc rao giảng. Chất lượng của sự phục vụ mục vụ của anh chị em – và của tôi! – là tương ứng với chất lượng của đời sống tinh thần và sự cầu nguyện của anh chị em, nhưng cả ý thức thuộc về một phần của sứ mạng của Giáo hội hoàn vũ.

Tinh thần thừa sai phải trở thành nguồn động lực và sự hướng dẫn cho tất cả các hoạt động của anh chị em. Xin Thiên Chúa Phục sinh giúp anh chị em luôn giữ nó sống động và đổi mới, nhờ quyền năng của Thánh Thần của Người.

Anh chị em thân mến, chúng ta vừa mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Xin Chúa Thánh Thần ban cho anh chị em ánh sáng của Người và đổ tràn đầy ân sủng của Người trên anh chị em, để anh chị em có thể thực hiện thừa tác vụ của mình bằng năng lượng và sức sống tươi mới. Tôi xin dâng tất cả anh chị em lên Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội, Đấng chúng ta mừng lễ hôm nay. Chúng ta hãy khẩn xin Mẹ dưới tước hiệu Đức Bà Loreto theo một cách đặc biệt, là Bổn mạng của ngành Hàng không Dân sự. Xin Mẹ giúp anh chị em giữ vững ngọn lửa đức tin với tất cả những người anh chị em gặp gỡ trong công việc hàng ngày để ơn cứu độ có thể vươn đến tận cùng trái đất.

[01032-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/6/2019]