Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Lễ Phong chức Hồng y

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong Lễ Phong chức Hồng y

Pope Francis arrives at St Peter's Basilica for the Consistory for the Creation of New Cardinals. - ANSA
Đức Thánh Cha Phanxico tiến vào Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô trong lễ Tấn phong các Hồng y mới. - ANSA
19/11/2016 11:20
(Vatican Radio) Đức Thánh Cha Phanxico, trong bài giảng lễ Tấn phong trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô hôm thứ Bảy, suy tư về “Bài giảng trên núi” của Chúa, trong Tin mừng theo Thánh Lu-ca.
Đức Thánh Cha nói rằng qua việc đưa các Tông đồ từ đỉnh núi đi xuống và để các ông ngồi giữa đám đông trên cánh đồng, Thiên Chúa “cho các Tông đồ, và cho chính chúng ta, thấy những đỉnh cao thực sự phải tiến tới ở trên cánh đồng, và cánh đồng nhắc chúng ta nhớ rằng các đỉnh cao được tìm thấy là từ một cái nhìn và trên tất cả là một tiếng gọi: ‘Hãy thương xót như Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.”
Trước những tân Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Hôm nay mỗi người trong anh em, thưa anh em, được kêu gọi để yêu thương trong chính con tim của anh em, và ghi nhớ trong tâm hồn, bài giảng hãy nên thương xót như Chúa Cha.”

Toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico
Lễ Tấn phong các Tân Hồng y
19 tháng 11, 2016
Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe (Lc 6:27-36) thường được gọi là “Bài Giảng Trên Núi”. Sau khi chọn 12 Tông đồ, Chúa Giê-su cùng các ông đi xuống với đám rất đông người đang chờ để được lắng nghe Ngài và được chữa lành. Tiếng gọi cho các Tông đồ có sự kết nối từ “bước khởi đầu” này, đi xuống cánh đồng để gặp gỡ đông đảo người, theo Tin mừng mô tả là “bị quấy nhiễu (c. 18). Thay vì giữ các Tông đồ ở trên đỉnh núi, vị trí được chọn của các ông dẫn các ông đi vào giữa đám đông; nó đặt các ông vào giữa những người đang bị quấy nhiễu, trên “cánh đồng” của cuộc sống thường ngày của họ. Vì vậy Thiên Chúa cho các Tông đồ, và cho chính chúng ta, thấy những đỉnh cao thực sự phải tiến tới ở trên cánh đồng, và cánh đồng nhắc chúng ta nhớ rằng các đỉnh cao được tìm thấy là từ một cái nhìn và trên tất cả là một tiếng gọi: ‘Hãy thương xót như Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. (c. 36).
Tiếng gọi này được kèm theo với bốn mệnh lệnh mà Thiên Chúa đặt ra như một con đường để rèn đúc ơn gọi của các Tông đồ qua những hoàn cảnh thực sự mỗi ngày. Đó là bốn hành động tạo khuôn mẫu, tạo nét điển hình và làm cụ thể hóa đường đi của người môn đệ. Chúng ta có thể nói rằng chúng biểu trưng cho bốn giai đoạn của sự khai tâm lòng thương xót: yêu thương, làm ơn, chúc lành cầu nguyện. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý về những điều này, và xem là những điều hợp lý. Chúng là bốn điều chúng ta có thể dễ dàng làm cho bạn bè và cho những người nhiều hay ít gần gũi với chúng ta hơn, những người chúng ta thích, những người có cùng quan điểm và sở thích như chúng ta.
Khi Chúa Giê-su nói với chúng ta về những người mà chúng ta phải thực hiện các điều này thì vấn đề mới xảy ra. Ở đây Ngài rất rõ ràng. Ngài không dùng từ ngữ ám chỉ, Ngài không dùng từ ngữ thay thế. Ngài nói với chúng ta: hãy yêu kẻ thù của anh em; hãy làm ơn cho những người ghét anh em; hãy chúc lành cho những người nguyền rủa anh em; hãy cầu nguyện cho những người vu khống anh em (cc. 27-28).
Theo tính tự nhiên đây không phải là những thái độ chúng ta làm để đối lại với những người chúng ta xem là đối thủ hay kẻ thù. Phản ứng đầu tiên theo bản năng của chúng ta trong những trường hợp này là vu khống lại, làm mất thể diện hoặc nguyền rủa. Thường thường chúng ta cố gắng “biến họ thành như quỷ”, để có một lý lẽ biện minh “thánh thiện” cho những phản ứng lại với họ. Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy làm hoàn toàn ngược lại cho kẻ thù của chúng ta, cho những người ghét chúng ta, những người nguyền rủa chúng ta hoặc vu khống chúng ta. Chúng ta phải yêu thương họ, làm ơn cho họ, chúc lành cho họ và cầu nguyện cho họ.
Ở đây chúng ta lại thấy mình đối diện với một trong những dấu ấn giá trị của thông điệp của Chúa Giê-su, nơi ẩn chứa sức mạnh và sự huyền nhiệm. Nơi đây là nguồn mạch của niềm vui, sức mạnh của sứ mạng của chúng ta và việc loan truyền Tin Vui của chúng ta. Kẻ thù của tôi là người tôi phải yêu thương. Trong trái tim của Thiên Chúa không có một kẻ thù nào. Thiên Chúa chỉ có những đứa con. Chúng ta là người dựng nên các bức tường, xây nên các rào cản và phân loại con người. Thiên Chúa chỉ có những đứa con, để không ai bị Người ngoảnh mặt đi. Tình yêu của Thiên Chúa mang hương vị tín trung dành cho tất cả mọi người, vì đó là một tình yêu không dựa trên lý trí, một tình yêu của cha mẹ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, ngay cả khi chúng ta trở nên sai quấy. Cha của chúng ta không đợi chúng ta nên tốt lành rồi Người mới yêu thế gian, Người không đợi chúng ta trở nên tốt hơn một chút hay hoàn hảo hơn một tí rồi mới yêu chúng ta; Người yêu chúng ta vì Người chọn chúng ta để yêu, Người yêu chúng ta vì Người đã cho chúng ta trở nên con cái của Người. Người yêu chúng ta ngay cả khi chúng ta còn thù địch với Người (Rm 5:10). Tình yêu vô điều kiện của Cha cho tất cả đã là, và mãi mãi là, điều kiện tiên quyết cho sự hối cải của những tâm hồn đáng thương của chúng ta, những tâm hồn lúc nào cũng muốn xét đoán, chia cách, chống đối và kết án. Biết rằng Thiên Chúa vẫn yêu thương cả những người từ bỏ Ngài là một nguồn xác tín vô hạn và là một động lực cho sứ mạng của chúng ta. Bất kể đôi tay chúng ta có thể vấy bẩn như thế nào, Thiên Chúa vẫn không thể ngưng đặt vào đôi tay chúng ta Sự sống Người mong muốn ban tặng cho chúng ta.
Chúng ta đang ở trong một thời đại với những vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Chúng ta đang sống trong một thời gian trong đó tình trạng phân cực và loại trừ đang phát triển và lại được xem như là con đường duy nhất để giải quyết những xung đột. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy tình trạng những người xung quanh chúng ta nhanh chóng trở thành người xa lạ, một người nhập cư, hoặc một người tị nạn, trở thành một mối đe dọa, mang lấy trên mình tình trạng của một kẻ thù. Là một kẻ thù vì họ từ một quốc gia xa xôi đến hoặc từ những phong tục tập quán khác. Là một kẻ thù vì màu da của họ, vì ngôn ngữ hoặc bậc xã hội của họ. Là một kẻ thù vì họ có suy nghĩ khác hay thậm chí vì có đức tin khác. Là một kẻ thù vì … Và, cách suy nghĩ này đã trở thành lối sống và hành động của chúng ta mà chúng ta không hề nhận thức được. Từ đó mọi thứ và mọi người bắt đầu trở thành hơi hướng của sự thù địch. Dần dần, những sự khác biệt của chúng ta biến thành những triệu chứng của thái độ thù địch, những đe dọa và bạo lực. Đã có bao nhiêu vết thương mọc lên sâu hơn chỉ vì sự lây lan của lòng thù địch và bạo lực này, nó đã để lại dấu ấn trên da thịt của những người không có khả năng bảo vệ, vì tiếng nói của họ yếu ớt và câm lặng do căn bệnh thờ ơ này! Có bao nhiêu hoàn cảnh bấp bênh và đau khổ đã bị gieo rắc vì lòng thù địch đang lớn lên giữa các dân tộc, giữa chúng ta!. Vâng, ở giữa chúng ta, trong các cộng đoàn của chúng ta, các linh mục của chúng ta, các cuộc họp của chúng ta. Con vi-rút của tính phân cực và thù địch đã xâm nhập vào lối suy nghĩ, tình cảm và hành động của chúng ta. Chúng ta không miễn dịch với con vi-rút này và chúng ta cần phải chú ý vì e rằng những hành vi như vậy sẽ tìm được một nơi cư ngụ trong tâm hồn chúng ta, vì điều này là nghịch lại với tính phong phú và phổ quát của Giáo hội là điều được thể hiện rõ trong Hồng y đoàn. Chúng ta đến từ những vùng đất xa xôi; chúng ta có những truyền thống khác nhau, màu da, ngôn ngữ và nền tảng xã hội khác nhau; chúng ta có cách suy nghĩ khác nhau và chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta theo nhiều nghi lễ khác nhau. Không có điểm nào trong những vấn đề trên biến chúng ta thành kẻ thù của nhau; thay vào đó, nó là một trong những điểm phong phú lớn nhất của chúng ta.
Anh chị em thân mến, Chúa Giê-su không bao giờ ngừng “từ núi đi xuống.” Ngài liên tục khao khát được đi vào điểm giao cắt của lịch sử để công bố Tin mừng Thương xót. Chúa Giê-su tiếp tục kêu gọi chúng ta và sai chúng ta xuống “những cánh đồng” nơi dân chúng cư ngụ. Ngài tiêp tục mời gọi chúng ta dùng đời sống của chúng ta để giữ vững niềm hy vọng cho dân, để họ có thể trở thành những dấu chỉ của sự hòa giải. Là một Giáo hội, chúng ta liên tục được kêu gọi mở mắt để nhìn thấy những vết thương của quá nhiều những anh chị em của chúng ta bị cướp đi phẩm giá của họ, bị cướp đi phẩm giá của họ.
Anh em Tân Hồng Y thân mến, hành trình tiến về thiên đàng bắt đầu từ những cánh đồng, trong đời sống mỗi ngày được phân chia và chia sẻ, được dành cho và được trao tặng, trong ân tứ thầm lặng mỗi ngày mà chúng được đón nhận. Đỉnh núi của chúng ta là chất lượng của tình yêu; mục tiêu và khát vọng của chúng ta là cố gắng phấn đấu trên cánh đồng cuộc sống cùng với Dân của Chúa, để trở thành những người có khả năng tha thứ và hòa giải.
Anh em thân mến, hôm nay mỗi người trong anh em được đòi hỏi biết yêu thương bằng con tim của riêng mình, và bằng trái tim của Giáo hội, bài giảng nên thương xót như Chúa Cha. Và nhận ra rằng “nếu có gì đó làm chúng ta lo âu và làm phiền toái lương tâm của chúng ta, điều đó cho thấy sự thật là quá nhiều anh chị em của chúng ta đang sống thiếu sức mạnh, ánh sáng và sự an ủi được sinh ra bởi tình bạn với Đức Giê-su Ki-tô, không có cộng đoàn đức tin giúp đỡ họ, không có ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc đời” (Tông huấn Evangelii Gaudium, 49).

[Nguồn:  radiovaticana]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 20/11/2016]


900 triệu đến 950 triệu người đã đi qua Cửa Thánh năm nay

900 triệu đến 950 triệu người đã đi qua Cửa Thánh năm nay

Đức Tổng Giám mục Fisichella báo cáo tổng kết năm thánh
21 tháng 11, 2016
900 triệu đến 950 triệu người đã đi qua Cửa Thánh năm nay
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc Âm hóa, hôm nay trình bày tại văn phòng báo chí Tòa Thánh những tổng kết của Năm Thánh Đặc biệt Lòng Thương xót và Tông thư  “Misericordia et misera” của Đức Thánh Cha.
Đức Tổng Giám mục nói tông thư khai mạc năm thánh và tông thư bế mạc năm thánh giúp “hiểu được giá trị của Năm thánh đã mang đến cho đời sống Giáo hội, những mục tiêu đã được đề ra, và những kết quả cần phải tiếp tục thực hiện trong những cộng đoàn Ki-tô hữu.”
Như tông thư trình bày, Đức Tổng Giám mục giải thích, Đức Thánh Cha muốn chúng ta “có cái nhìn tập trung hơn thật nhiều vào lòng thương xót để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ hữu hiệu hơn của hành động của Chúa Cha trong đời sống chúng ta.” Điều này vô cùng cần thiết, Đức tổng nói, vì “lòng thương xót đã trở thành cái gì đó lỗi thời, chuyển thành một lòng mộ đạo bình thường và không mang một giá trị đích thực trong cách sống của người Ki-tô hữu. Với Năm Thánh này, một sự thật đã trở thành dấu chỉ chắc chắn: lòng thương xót trở thành nhân tố chính trong đời sống thường nhật của người Ki-tô hữu, ít nhất trong một năm.”
Khoảng 21 triệu người hành hương đã tham dự Năm Thánh ở Roma. “Nhóm chiếm số đông nhất là người Ý, tiếp theo là những người nói tiếng Đức, rồi đến Hoa Kỳ, Ba lan và Tây Ban nha, nhưng cũng có những nhóm người từ Nga, Trung quốc, Nhật, Hàn Quốc, Venezuela, Chad, Rwanda, Angola, Quần đảo Cook, Nepal… tóm lại, chúng ta có thể nói rằng cả thế giới đã đến Roma,” Đức Tổng Giám mục Fisichella nói. “Như chúng ta biết, lần đầu tiên trong lịch sử các Năm Thánh, Năm Thánh năm nay mang đặc điểm toàn cầu. Những cánh cửa Thánh được mở trên khắp thế giới mang chứng tá rằng tình yêu của Thiên Chúa không biết đến biên giới. … Trong những quốc gia có cội nguồn Công giáo mạnh, tỷ lệ tín hữu đi qua Cửa Thánh vượt quá 80% tổng số người Công giáo. … Trên mức độ toàn cầu, nhờ những dữ liệu được một số các giáo phận quan trọng trên toàn thế giới cung cấp, có thể ước tính tỷ lệ người tham dự chiếm khoảng 56 đến 62% tổng số dân Công giáo; khoảng 700 đến 850 triệu tín hữu đã đi qua Cửa Thánh từ 8 tháng 12, 2015 đến tháng 11 năm 2016 trong các giáo phận. Về việc này, cần phải thêm số những tín hữu đã đi qua Cửa Thánh được mở trong các đền thờ và những nơi hành hương trên khắp thế giới. … Có thể khẳng định rằng những đền thờ lớn nhất đã ghi lại con số trung bình khoảng 3 triệu tín hữu; ví dụ, đền thờ ở Krakow đã trở thành một điểm hành hương cho 5 triệu người Công giáo; đền thờ Santiago de Compostela đã vượt qua kỷ lục số người đến viếng đền năm 2010; đền thờ Guadalupe đã đón nhận sự hiện diện của khoảng 22 triệu người hành hương. Vì vậy, cộng chung những dữ liệu này con số tổng là hơn 900 đến 950 triệu tín hữu đã đi qua Cửa Thánh trên toàn thế giới.”
“Cuối cùng, chúng ta cũng không quên rằng Năm Thánh này cũng đã lan truyền trên Internet! Một trang viết bằng bảy ngôn ngữ đón số khách thăm là 6,523,000 … và có trên 8 triệu người đăng ký vào trang này. … Một điểm khác nữa cũng phải nói đến là số tình nguyện viên Năm Thánh đến Roma. Có hơn 4000 người trong có đó 1800 người SMOM đã tận sức phục vụ chăm sóc sức khỏe trong bốn Vương Cung Thánh Đường giáo hoàng. Họ đến từ 36 quốc gia khác nhau, và người lớn tuổi nhất là 84, trong khi người trẻ nhất là 18.”
Tán dương và sống lòng thương xót
Ngài tiếp tục khẳng định rằng “để hiểu được Năm thánh đã có kết quả như mong muốn, chúng ta cần phải đọc Tông thư Misericordia et misera , trong đó có đoạn nói: ‘Lòng thương xót không thể trở thành đơn thuần là một sự kiện xen kẽ trong đời sống Giáo hội; nó phải là một phần cấu thành nên sự hiện hữu của Giáo hội, qua đó những chân lý thẳm sâu của Tin mừng được tỏ lộ và trở nên hữu hình. Mọi điều được thể hiện trong lòng thương xót; mọi việc được giải quyết bằng tình yêu thương xót của Chúa Cha.'”
“Hai rường cột mà bố cục của Tông thư đặt nền tảng trên đó chính là lòng thương xót đòi hỏi phải được tán dương và sống thực hành. Bắt đầu từ điểm này, những hướng dẫn mục vụ được đưa ra sẽ rất hữu ích để trù liệu cho đời sống của các cộng đoàn Ki-tô hữu trên khắp thế giới. Đầu tiên và trên hết, sự tán dương lòng thương xót. Điểm đáng lưu ý là Đức Thánh Cha Phanxico qua những trang này cung cấp những hướng dẫn cụ thể đã được suy tư trong dịp mừng Năm Thánh. Một điểm mới lạ đầu tiên đó là những Thừa sai Thương xót cam kết trong sự phục vụ của họ, để nó có thể ‘tiếp tục được chú ý nhiều hơn và trở thành một dấu chỉ cụ thể cho thấy ân sủng của Năm Thánh vẫn duy trì sống động và hiệu quả khắp thế giới vượt thời gian.’ Quả thật, hoạt động của các Thừa sai đã rất có hiệu quả; họ đã xưng tội trong suốt nhiều ngày liên tục, và họ đã đi từ nơi này đến nơi khác trong các quốc gia để tận tay đụng chạm đến để thể hiện rằng lòng thương xót không biết đến biên giới.”
“Cũng như vậy, Đức Thánh Cha Phanxico viết, ‘đừng để cho bất kỳ một chướng ngại nào ngăn cách giữa nhu cầu cần hòa giải và sự tha thứ của Thiên Chúa, từ nay về sau, tôi đồng ý cho phép tất cả các linh mục, vì lý do thừa tác vụ của các cha, được quyền tha tội những người đã phạm tội phá thai do bị cưỡng bức bán dâm. Như luật định rõ, quyền tha tội này chỉ thuộc các đức giám mục, có thể tùy thời gian và tùy hoàn cảnh, quyền tha tội này được ban các linh mục trong giáo phận của ngài. Từ nay trở đi, ‘vì lý do thừa tác vụ,’ nghĩa là, trở thành thừa tác viên của sự hòa giải, tội phá thai có thể được tha bởi bất kỳ một linh mục nào, không cần phải có sự ủy quyền đặc biệt. Với cùng tinh thần có được sự hồi đáp lại với những nhu cầu của các tín hữu, Đức Thánh Cha ‘tin tưởng vào thiện chí của các linh mục đã cố gắng, cùng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tìm lại sự hiệp nhất trọn vẹn vào Giáo hội Công giáo,’ xác minh rằng những người tham dự tại các nhà thờ được cử hành lễ bởi các linh mục thuộc Hội Huynh đệ Linh mục Thánh Giáo hoàng Pi-ô X có thể lãnh nhận hợp lệ sự miễn thứ những tội của họ thuộc bí tích.”
Cũng có một sáng kiến khác, tiến xa hơn nữa trong các công tác mục vụ của giáo phận, trong đó có “trao tặng không gian rộng hơn cho Lời của Chúa” qua việc dành trọn Chúa nhật cho Lời Chúa, “để trân trọng đúng những giá trị của sự phong phú vô tận thông qua việc đối thoại liên tục giữa Thiên Chúa và Dân của Người.”
Về rường cột thứ hai của Tông Thư, ngài đánh giá rằng nó tập trung chính vào cách sống thương xót theo đặc điểm xã hội. “Theo bối cảnh này, ngài đã đề nghị lập Ngày Người Nghèo Thế Giới, như là một cam kết cho toàn Giáo hội ‘để phản ánh được cái nghèo là trung tâm của Tin mừng và rằng, khi nào La-za-rô còn nằm ở cửa nhà của chúng ta, có thể không có công bằng và hòa bình xã hội.”
“Trong Tông thư này, Đức Thánh Cha Phanxico không làm gì khác ngoài việc đào sâu chủ đề lòng thương xót như là một chiều kích quan trọng của đức tin và chứng nhân Ki-tô,” Đức Tổng Giám mục Fisichella kết luận. “Sự khơi gợi việc đọc lại những mối phúc thương hồn và thương xác của lòng thương xót trong bối cảnh của những hình thức nghèo mới của thế giới hôm nay, nó là một lời mời gọi thiết thực cho các cộng đoàn Ki-tô hữu và mọi tín hữu hãy dành không gian cho sự sáng tạo của lòng thương xót, để vực dậy một ‘văn hóa thương xót đặt nền tảng trên việc tái khám phá sự gặp gỡ anh em, một văn hóa trong đó không ai nhìn người khác bằng sự thờ ơ hoặc quay mặt đi trước sự đau khổ của những anh chị em của chúng ta.’”

[Nguồn: zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 22/11/2016]