Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ tư Phục sinh Chúa Chiên Lành

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ tư Phục sinh Chúa Chiên Lành
© Vatican Media

Huấn từ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: Chúa nhật thứ tư Phục sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành

‘Chúa gọi chúng ta bằng tên của chúng ta; Người kêu gọi chúng ta vì Người yêu thương chúng ta’

03 tháng Năm, 2020 16:54

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxico hôm nay trước và sau giờ đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trong Thư viện Điện Tông tòa Vatican.


* * *

Trước giờ Kinh Lạy Nữ vương:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúa nhật thứ Tư Phục sinh mà chúng ta cử hành hôm nay, mừng kính Chúa Giêsu Đấng Chăn Chiên Lành. Tin mừng kể: “Chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra” (Ga 10:3). Chúa gọi chúng ta bằng chính tên của chúng ta; Người kêu gọi chúng ta vì Người yêu thương chúng ta. Tuy nhiên, Tin mừng cũng nói rằng có những tiếng gọi khác đừng đi theo: là tiếng gọi của những kẻ lạ mặt, của kẻ trộm và cướp sẽ mang đến sự dữ cho đàn chiên.

Những tiếng nói khác nhau này vang lên trong chúng ta. Có tiếng nói của Chúa là tiếng nói dịu dàng với lương tâm, và có tiếng nói cám dỗ xúi giục đến với sự dữ. Làm sao để chúng ta phân biệt được tiếng nói của Đấng Chăn Chiên lành với tiếng nói của kẻ cướp; làm sao để chúng ta phân biệt được sự thôi thúc của Chúa với những gợi ý của Thần Dữ? Chúng ta có thể học để phân định những tiếng nói này: thật vậy, những tiếng gọi này nói các ngôn ngữ khác nhau, tức là chúng có những cách gõ cửa tâm hồn chúng ta đối nghịch nhau. Chúng nói những ngôn ngữ khác nhau. Như chúng ta biết cách để phân biệt giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác, chúng ta cũng có thể phân biệt tiếng nói của Chúa và tiếng nói của Ác thần. Tiếng nói của Chúa không bao giờ ép buộc: Chúa đề nghị, Ngài không áp đặt. Ngược lại, tiếng nói của sự dữ cám dỗ, tấn công, thúc ép: nó khuấy động lên những ảo ảnh sáng chói, những cảm xúc đầy mê hoặc nhưng chóng qua. Ban đầu nó tâng bốc, nó làm cho chúng ta tin rằng chúng ta có quyền vô biên, nhưng rồi nó để lại cho chúng ta sự trống rỗng trong lòng và kết tội chúng ta: “Ngươi thật vô dụng.” Ngược lại, tiếng nói của Chúa sửa chữa cho chúng ta, với rất nhiều sự kiên nhẫn, nhưng luôn luôn động viên chúng ta, an ủi chúng ta: luôn nuôi dưỡng hy vọng. Tiếng nói của Chúa là một tiếng nói có chân trời; ngược lại tiếng nói của Ác thần dẫn chúng ta đến một bức tường, dẫn chúng ta đến một góc cụt.

Một sự khác biệt khác nữa: tiếng nói của kẻ thù kéo chúng ta ra khỏi hiện tại và muốn chúng ta tập trung vào những nỗi sợ hãi về tương lai hoặc về nỗi buồn trong quá khứ — kẻ thù không muốn hiện tại –; hắn đánh thức lại những sự cay đắng, ký ức về những sai trái đã gánh chịu, về những ký ức làm chúng ta tổn thương …, rất nhiều ký ức xấu. Ngược lại, tiếng nói của Chúa nói với chúng ta về hiện tại: “Bây giờ, con có thể làm điều tốt, bây giờ con có thể thực hành sự sáng tạo của tình yêu, bây giờ con có thể bỏ đi những tiếc nuối và những điều hối hận cầm giữ tâm hồn con.” Người động viên chúng ta, dẫn đưa chúng ta tiến bước, nhưng nói về hiện tại: lúc này.

Thêm nữa: hai tiếng nói gợi lên trong chúng ta những câu hỏi khác nhau. Câu hỏi đến từ Chúa sẽ là: “Điều gì làm cho tôi nên tốt?” Ngược lại, kẻ cám dỗ sẽ bám chặt vào một câu hỏi khác: “Tôi phải làm gì?” Điều gì phù hợp với tôi: tiếng nói của sự giữ xoay quanh chữ “Tôi” — những thôi thúc của nó, những nhu cầu của nó, mọi thứ và phải ngay lập tức. Nó giống như những ý muốn của trẻ con: muốn mọi thứ và ngay bây giờ. Ngược lại, tiếng nói của Chúa không bao giờ hứa hẹn niềm vui với một cái giá thấp: nó mời gọi chúng ta phải vượt qua cái “Tôi” của chúng ta để tìm được sự bình an, điều tốt lành thật sự của mình. Chúng ta hãy nhớ: sự dữ không trao bình an; nó tạo nên sự điên cuồng trước, và rồi sau đó để lại sự cay đắng. Đây là cách thức của sự dữ.

Cuối cùng, tiếng nói của Chúa và tiếng nói của kẻ cám dỗ nói trong “những môi trường” khác nhau: kẻ thù thích bóng tối hơn, sự lừa dối, tin đồn: Chúa yêu thích ánh sáng của mặt trời, sự thật, tính minh bạch chân thành. Kẻ thù sẽ nói với bạn: “Hãy khóa chặt lòng mình lại để không ai hiểu được ngươi và lắng nghe ngươi, đừng tin tưởng ai!” Ngược lại, sự tốt lành mời gọi bạn mở lòng mình, trở nên minh bạch, và tin tưởng vào Thiên Chúa và tha nhân. Anh chị em thân mến, trong thời gian này nhiều ý nghĩ và lo lắng dẫn đưa chúng ta bước vào trong tâm hồn của mình. Chúng ta hãy chú ý đến những tiếng nói chạm đến trái tim của chúng ta. Chúng ta tự hỏi tiếng nói đó từ đâu đến. Chúng ta hãy xin ơn nhận biết và bước theo tiếng nói của Đấng Chăn Chiên Lành, Đấng làm cho chúng ta thoát ra khỏi những chiếc lồng của sự ích kỷ và dẫn đưa chúng ta đến những đồng cỏ tự do thật sự. Xin Đức Mẹ là Mẹ chỉ bảo Đàng Lành, hướng dẫn và đồng hành với chúng ta trong sự phân định.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



Sau Kinh Lạy Nữ vương

Anh chị em thân mến,

Hôm nay là Ngày Quốc tế Ơn gọi. Đời sống của người Kitô hữu luôn luôn và trọn vẹn là một sự đáp lời cho tiếng gọi của Thiên Chúa, trong bất kỳ tình trạng nào của cuộc sống. Ngày hôm nay nhắc chúng ta về những điều Chúa Giêsu đã nói, đó là cánh đồng của Nước Thiên Chúa cần nhiều công việc, và cần phải cầu nguyện với Chúa Cha để sai các thợ đến làm việc trong cánh đồng của Người (x. Mt 9:37-38). Thiên chức linh mục và đời sống thánh hiến kêu gọi lòng can đảm và sự kiên trì, và nếu không có cầu nguyện thì con người không tiến bước trên con đường này được. Cha kêu gọi tất cả anh chị em khẩn xin Thiên Chúa ơn có nhiều thợ giỏi cho Nước của Người, với tâm hồn và bàn tay sẵn sàng cho tình yêu của Người.

Một lần nữa cha xin bày tỏ tình gần gũi với các bệnh nhân COVID-19, với tất cả những người cống hiến trong việc chăm sóc tất cả những người đang chịu đau khổ theo bất kỳ con đường nào bởi đại dịch. Đồng thời, tôi ủng hộ và động viên sự hợp tác quốc tế đang được khởi động với nhiều sáng kiến, để trả lời theo cách thỏa đáng và hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nặng nề chúng ta đang trải qua. Thật vậy, điều vô cùng quan trọng là phải liên kết những năng lực khoa học, theo con đường minh bạch và vị tha, để tìm ra được vaccine và phương thuốc điều trị, và bảo đảm được sự tiếp cận phổ quát đối với những công nghệ quan trọng để giúp cho tất cả những người nhiễm bệnh, ở mọi miền trên thế giới, nhận được sự chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Xin gửi suy nghĩ đặc biệt đến Hiệp hội “Meter”, là tổ chức thúc đẩy Ngày Quốc gia Trẻ em Nạn nhân của Bạo lực, Bóc lột và Thờ ơ. Tôi động viên những người có trách nhiệm và các nhân viên tiếp tục hoạt động ngăn chặn và nhạy cảm lương tâm cùng với các cơ quan giáo dục. Và cha cảm ơn thiếu nhi của Hiệp hội đã gửi tặng cha một bức ảnh ghép với hàng trăm cây bồ công anh được tô màu bởi các bé. Cảm ơn các con!

Chúng ta vừa bắt đầu Tháng Năm, tháng Đức Mẹ, là thời gian các tín hữu thường đến viếng các Đền thánh Đức Bà. Năm nay, vì tình hình sức khỏe, chúng ta đi viếng thiêng liêng những địa điểm đức tin và sùng kính này, để dâng lên trái tim Mẹ Đồng trinh những nỗi lo lắng, những mong đợi, và những kế hoạch của chúng ta cho tương lai. Và vì việc cầu nguyện mang giá trị phổ quát, cha đã chấp nhận đề nghị của Ủy ban Cấp cao Tình Huynh đệ Con người chọn ngày 14 tháng Năm này tất cả tín hữu của các tôn giáo hiệp nhất tinh thần trong Ngày Cầu nguyện và Ăn Chay và làm việc Bác ái, để khẩn xin Thiên Chúa giúp nhân loại vượt qua đại dịch coronavirus. Xin hãy nhớ: 14 tháng Năm, tất cả các tín hữu, tín hữu của các truyền thống khác nhau cầu nguyện, ăn chay, và làm việc bác ái.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha.

Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt.

© Libreria Editrice Vatican

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2020]


Đại dịch COVID-19 dẫn đến đức tin mạnh mẽ hơn cho một số người Mỹ

Đại dịch COVID-19 dẫn đến đức tin mạnh mẽ hơn cho một số người Mỹ

Đại dịch COVID-19 dẫn đến đức tin mạnh mẽ hơn cho một số người Mỹ
Shutterstock

01 tháng Năm, 2020

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy một phần tư dân số cho biết cảm nhận sốt sắng đạo hơn khi coronavirus bùng phát.

Gần một phần tư người trưởng thành ở Hoa Kỳ (24%) nói rằng đức tin tôn giáo của họ đã trở nên mạnh mẽ hơn do đại dịch coronavirus.

Một khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy xu hướng đó thể hiện rõ nét nhất trong một bộ phận dân chúng vốn đã sốt sắng với đạo.

Pew cho biết, “Những người Mỹ sùng đạo nhất - những người thường xuyên cầu nguyện và tham dự thánh lễ (ít nhất là theo thời gian cụ thể), và xem tôn giáo là rất quan trọng đối với họ — có thể cao hơn nhiều so với những người nói rằng đức tin của họ đã tăng thêm mạnh mẽ do sự bùng phát của coronavirus.”

Khảo sát cho thấy mặc dù 47% người Mỹ nói rằng đức tin của họ chẳng thay đổi nhiều, chỉ có 2% người Mỹ cảm thấy đức tin của họ suy yếu do cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Một phần tư khác (26%) nói rằng câu hỏi này không liên quan vì ngay từ đầu họ đã chẳng sùng đạo.

Pew cho biết, “Trong phân tích này người Kitô hữu có nhiều khả năng hơn các nhóm tôn giáo khác để nói rằng đức tin của họ phát triển mạnh hơn do đại dịch, một cảm nhận được báo cáo cho biết 56% người Tin lành theo truyền thống gốc Phi, cũng như bốn phần mười người theo phái Phúc âm (42%) và khoảng một phần tư người Công giáo (27%) và Tin lành chính thống (22%).”

Pew nói, số người Mỹ da đen nhiều hơn so với người da trắng hoặc người gốc Tây Ban Nha nói rằng đức tin của họ trở nên mạnh mẽ hơn do sự bùng phát của coronavirus. Phụ nữ và người lớn tuổi có nhiều khả năng nói điều này hơn nam giới và người trẻ.

Pew nhấn mạnh rằng vẫn còn phải xem liệu niềm tin được làm vững mạnh hơn mà một số người Mỹ cho biết có được thể hiện qua việc tham dự thánh lễ nhiều hơn hay không, vì hầu hết các nhà thờ đều bị đóng cửa do những khuyến cáo cách ly xã hội trên toàn quốc. Nhưng hầu hết người Mỹ đều có thể theo dõi các thánh lễ thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Trong số những người Mỹ trưởng thành cho biết tham dự các thánh lễ ít nhất là hàng tháng, thì 82% nói rằng nơi thờ phượng mà họ thường xuyên tham dự nhất đang phát trực tuyến hoặc quay phim lại các thánh lễ để mọi người có thể xem trực tuyến hoặc trên TV. Khoảng một phần tám (12%) nói rằng nơi thờ phượng chính của họ vẫn chưa làm việc này, trong khi số người còn lại nói rằng họ không biết (5%).

Pew nói, hầu hết người Công giáo (79%) cũng nói rằng nhà thờ của họ đang dâng các thánh lễ từ xa.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/5/2020]