Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Sứ điệp Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 27

Sứ điệp Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 27
Đức Hồng y Parolin ở Lộ Đức, Ngày Bệnh nhân © Sanctuaire ND De Lourd

Sứ điệp Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 27

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8)

08 tháng Một, 2019 17:39

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu, là tựa đề của Sứ điệp Ngày Bệnh nhân Thế giới lần thứ 27 của Đức Thánh Cha, sẽ được kỷ niệm ngày 11 tháng Hai, nhân ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

Dưới đây là toàn văn của Sứ điệp, ký ngày 25 tháng Mười Một, Lễ Chúa Ki-tô Vua.


“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8)

Anh chị em thân mến,

“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Đây là những lời của Chúa Giê-su nói với các tông đồ khi sai các ông đi rao giảng Tin mừng, để Nước của Người phát triển qua những hành động yêu thương một cách nhưng không.

Ngày Bệnh nhân Thế giới XXVII, sẽ được long trọng kỷ niệm vào ngày 11 tháng Hai năm 2019 ở Calcutta, Ấn Độ, Giáo hội – là Mẹ của tất cả mọi người con, đặc biệt là những người ốm yếu – nhắc chúng ta nhớ rằng những hành động quảng đại như người Sa-ma-ri tốt lành là những cách thức rao truyền phúc âm khả tín nhất. Chăm sóc cho người bệnh đòi hỏi sự chuyên môn, sự nhẹ nhàng, những hành động trung thực và đơn sơ được cho đi một cách nhưng không, giống như sự chăm sóc trìu mến để làm người khác cảm nhận họ được yêu.

Sự sống là một quà tặng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đặt câu hỏi: “Bạn có gì mà bạn đã không lãnh nhận?” (1 Cor 4:7). Chính bởi vì nó là một món quà, nên đời sống con người không được thu hẹp vào việc sở hữu cá nhân hay tài sản riêng, đặc biệt với những tiến bộ y khoa và công nghệ sinh học có thể cám dỗ chúng ta muốn điều khiển “cây trường sinh” (x. St 3:24).

Giữa văn hóa lãng phí và thờ ơ hôm nay, cha xin phân tích rằng “quà tặng” là phạm trù thích hợp nhất thách đố cá nhân chủ nghĩa và sự phân mảnh xã hội ngày nay, đồng thời thúc đẩy những mối quan hệ mới và những phương tiện cho sự hợp tác giữa các dân tộc và nền văn hóa. Sự đối thoại – tiền đề của quà tặng – tạo nên những cơ hội cho sự phát triển con người và một sự phát triển đủ khả năng phá vỡ những con đường đã được thiết lập để thi hành quyền lực trong xã hội. “Quà tặng” mang ý nghĩa vượt xa hơn sự trao tặng một món quà nào đó: nó còn có nghĩa là cho đi bản thân, và không chỉ đơn thuần là một sự trao tay những tài sản hay đồ vật. “Quà tặng” khác với tặng quà vì nó đòi hỏi phải cho đi bản thân một cách nhưng không và khao khát xây dựng một mối quan hệ. Nó là sự chân nhận người khác, và đó là nền tảng của xã hội. “Quà tặng” là một sự phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu lên đến cực điểm qua sự nhập thế của Chúa Con và sự tuôn đổ ơn của Chúa Thánh Thần.

Mỗi chúng ta đều rất nghèo nàn, thiếu thốn và cơ cực. Khi sinh ra, chúng ta cần có sự chăm sóc của cha mẹ để có thể sống, và ở mỗi chặng đường của cuộc sống một cách nào đó chúng ta đều phải lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Chúng ta phải luôn ý thức được những giới hạn của mình, là “những thụ tạo”, trước những người khác và những hoàn cảnh khác. Một sự chân nhận sự thật này giúp chúng ta biết khiêm nhường và khuyến khích chúng ta thực hành tình đoàn kết như là một giá trị quan trọng của cuộc sống.

Sự chân nhận như vậy khiến chúng ta biết ý thức trách nhiệm hành động để thúc đẩy ích lợi vừa cho cá nhân và cho mọi người. Chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy bản thân mình không phải là một thế giới tách biệt, nhưng trong một mối quan hệ huynh đệ với tha nhân, thì chúng ta mới phát triển được việc thực thi tình đoàn kết nhắm đến ích chung. Chúng ta đừng sợ phải nhận biết mình thiếu thốn hoặc phải cậy dựa vào người khác, vì trong phạm vi cá nhân và bằng những cố gắng riêng của bản thân thì chúng ta không thể nào vượt qua được những giới hạn của mình. Vì vậy chúng ta đừng e sợ, nhưng hãy chân nhận những giới hạn của mình, vì với chính Thiên Chúa, thể hiện nơi Chúa Giê-su, đã khiêm nhường hạ mình xuống với chúng ta (x. Phl 2:8) và vẫn tiếp tục làm như vậy; trước sự nghèo nàn của chúng ta, Người đến để cứu giúp và ban cho những món quà vượt ra ngoài mong chờ của chúng ta.

Trước ngày kỷ niệm trọng thể ở Ấn Độ, trong niềm vui và sự cảm phục, cha muốn gợi lại hình ảnh của Mẹ Thánh Teresa Calcutta – một mẫu gương bác ái đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa một cách hữu hình dành cho người nghèo và bệnh nhân. Như cha đã trình bày tại Lễ tuyên phong Thánh của Mẹ, “Mẹ Teresa, trong tất cả mọi khía cạnh cuộc đời của Mẹ, là một người phân phát quảng đại lòng thương xót của Thiên Chúa, chính Mẹ luôn sẵn sàng phục vụ tất cả mọi người bằng sự chào đón và bảo vệ sự sống của Mẹ, những em bé chưa ra đời, những người bị bỏ rơi và những người bị gạt ra bên lề … Mẹ đã cúi mình xuống trước những người bị loại bỏ, hay bị bỏ đói bên vệ đường, tìm thấy nơi họ phẩm giá được Thiên Chúa ban tặng; Mẹ đã làm cho tiếng nói của Mẹ được nghe thấy trước những giới quyền lực của thế giới này, để họ có thể nhận ra được tội lỗi của họ trong tội ác – những tội ác! – của sự nghèo đói họ tạo ra. Đối với Mẹ Teresa, lòng thương xót là “muối” ướp hương vị cho công việc của Mẹ, nó là “ánh sáng” để chiếu tỏa vào bóng đêm đen của nhiều người không còn nước mắt để rơi trong sự cùng quẫn và đau khổ của họ. Sứ mệnh của Mẹ ở những khu vực ngoại vi đô thị để lại cho chúng ta ngày nay một chứng tá hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa với người nghèo nhất của những người nghèo” (Bài giảng, 4 tháng Chín, 2016).

Mẹ Thánh Teresa giúp chúng ta hiểu rằng tiêu chuẩn hành động duy nhất của chúng ta chỉ là sự yêu thương vị tha dành cho tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc hay tôn giáo. Mẫu gương của mẹ tiếp tục hướng dẫn chúng ta bằng cách mở ra những chân trời của niềm vui và hy vọng cho tất cả những người thiếu thốn sự cảm thông và tình yêu dịu dàng, và đặc biệt dành cho những người đau khổ.

Lòng quảng đại là động lực giúp duy trì công việc của nhiều người thiện nguyện là những người vô cùng quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe, là hiện thân sống động của tinh thần người Sa-ma-ri Nhân lành. Cha bày tỏ lòng tri ân và gửi những lời động viên đến tất cả các hiệp hội thiện nguyện gắn kết trong việc di chuyển và hỗ trợ các bệnh nhân, và tất cả những người tổ chức việc hiến máu, mô và tạng. Một lĩnh vực đặc biệt mà sự hiện diện của anh chị em thể hiện việc chăm sóc và quan tâm của Giáo hội đó là bảo vệ cho quyền của người bệnh, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý cần có sự hỗ trợ đặc biệt. Cha cũng nói đến nhiều nỗ lực được thực hiện để nâng cao ý thức và khuyến khích sự phòng ngừa. Công tác thiện nguyện của anh chị em trong các cơ sở y tế và tại nhà, bao gồm những công việc từ chăm sóc sức khỏe đến hỗ trợ tinh thần, là vô cùng quan trọng. Không biết bao nhiêu người bệnh, cô đơn, già cả hoặc quá yếu về trí óc và thân xác được hưởng lợi ích từ những sự phục vụ này. Cha động viên anh chị em hãy tiếp tục là dấu chỉ cho sự hiện diện của Giáo hội trong một thế giới bị tục hóa. Một người thiện nguyện là một người bạn tốt lành mà người khác có thể chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm riêng; qua sự kiên nhẫn lắng nghe của họ, người thiện nguyện có thể làm cho bệnh nhân chuyển thái độ từ những người thụ động đón nhận sự chăm sóc trở thành những người tham gia tích cực trong mối quan hệ có thể giúp phục hồi lại niềm hy vọng và tạo động lực để mở ra những cách điều trị mới. Công cuộc thiện nguyện truyền các giá trị, các thái độ và cách sống được sinh ra từ khát khao muốn thể hiện lòng quảng đại. Nó cũng là một cách thức để làm cho việc chăm sóc sức khỏe trở nên nhân văn hơn.

Tinh thần quảng đại đặc biệt truyền cảm hứng cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Công giáo, bất kể trong những khu vực phát triển hay những vùng nghèo hơn trên thế giới, vì họ thực hiện công việc của mình dưới ánh sáng của Tin mừng. Những cơ sở Công giáo được kêu gọi hãy đưa ra mẫu gương hy sinh, quảng đại và liên đới để trả lời lại cho tâm lý tìm kiếm lợi nhuận bằng bất cứ giá nào, của thái độ thu vén cá nhân, và của sự bóc lột bất kể đến con người.

Cha thúc giục tất cả mọi người, ở mọi cấp độ, hãy thúc đẩy văn hóa quảng đại và trao tặng món quà, đó là điều không thể thiếu để chiến thắng văn hóa tìm kiếm lợi nhuận và lãng phí. Các cơ sở chăm sóc sức khỏe Công giáo không được rơi vào cái bẫy hoặc chỉ hoạt động đơn thuần như một doanh nghiệp; họ phải chú ý đến việc chăm sóc con người hơn là lợi nhuận. Chúng ta biết rằng chăm sóc sức khỏe là có sự tương quan, phụ thuộc vào sự tương tác với tha nhân, và đòi hỏi lòng tin, tình bạn và tình liên đới. Nó là một gia tài chỉ có thể được tận hưởng trọn vẹn khi nó được chia sẻ. Niềm vui quảng đại cho đi là một phong vũ biểu đo sức khỏe của một người Ki-tô hữu.

Cha phó thác tất cả anh chị em cho Mẹ Maria, Salus Infirmorum. Xin Mẹ giúp chúng ta biết chia sẻ những món quà chúng ta đã đón nhận trong tinh thần đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, để sống như những anh chị em biết quan tâm đến nhu cầu của nhau, để trao tặng bằng một trái tim quảng đại, và biết được niềm vui của việc phục vụ tha nhân một cách vị tha. Với lòng cảm mến, cha cầu nguyện cho tất cả anh chị em, và cha xin gửi đến tất cả anh chị em Phép lành Tòa Thánh.

Thành Vatican, 25 tháng Mười Một, 2018

Đại lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua Vũ trụ

PHANXICO

[Văn bản chính: tiếng Ý]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/1/2019]


Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh
Cris Foto | Shutterstock


11 tháng Một, 2019

Một gia tài những thánh tích tìm thấy được lưu giữ cẩn thận trong Vương cung Thánh đường Thánh giá Giê-ru-sa-lem của Roma từ khi thân mẫu của Hoàng đế Constantine trở về sau chuyến hành hương của bà thế kỷ 4.

Chúng ta đều biết nhiều nhà thờ ở Châu Âu sở hữu gia tài những thánh tích cổ xưa. Nhưng ít nhà thờ có thể sánh được với bộ sưu tập lớn của Vương cung Thánh đường Thánh Giá cổ đại Giê-ru-sa-lem, được xây dựng thế kỷ thứ 4 ở Roma.

Tọa lạc tại khu Equilino, là quê nhà của nhiều cộng đồng sắc tộc Roma, Vương cung Thánh đường Thánh giá Giê-ru-sa-lem (Santa Croce in Gerusalemme) được đặt tên theo thánh tích quý báu nhất của Vương cung Thánh đường: những mảnh vỡ của Thánh Giá được tìm thấy tại đúng địa điểm Chúa Giê-su chịu đóng đinh. Người ta tin rằng Thánh Helena, thân mẫu của Hoàng đế Constantine của Roma (người công nhận Ki-tô giáo năm 312), đã tìm thấy những mảnh vỡ của Thánh Giá và những thánh tích quý báu khác trong một chuyến viếng thăm Đất Thánh. Sau đó bà đưa chúng về Roma và lưu giữ trong “Vương cung Thánh đường Heleniana” mới xây, tòa nhà cao vút lên trong một khu phức hợp hoàng gia được gọi là Sessorium, trong đó gồm có một cung điện, các nhà tắm kiểu Roma (cũng đặt theo tên Helena), một hý trường và một đài vòng cung.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh
Thánh Helena: Tượng Thánh Helena, thân mẫu của Hoàng đế Constantine Đại đế.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Những thánh tích được trưng bày trong Nhà nguyện trong Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem. Thánh Helena mang những thánh tích này về gồm Thánh Giá, Mão gai, và một cây đinh của Khổ hình Thập giá trong chuyến hành hương của bà về Đất Thánh.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Vương cung Thánh Đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem của Roma: Vương cung Thánh đường sở hữu những mảnh vỡ của Thánh Giá và các thánh tích quý báu khác được Thánh Helena mang về từ Đất Thánh.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Chính điện kiểu Baroque của Vương cung Thánh đường: Chính điện được thiết kế vào thế kỷ 17 bởi những kiến trúc sư người Roma Pietro Passalacqua và Domenico Gregorini.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Vương cung Thánh đường Thánh Giá Giê-ru-sa-lem ban đêm. Một nhà nguyện ở mé trái của chính điện sở hữu một bộ sưu tập ấn tượng các thánh tích.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Bên trong Vương cung Thánh đường Thánh Giá: Được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 4, Vương cung Thánh đường sau đó được sửa đổi nhiều lần qua nhiều thế kỷ.

Đây là nhà thờ sở hữu những thánh tích Thánh Helena mang về từ Đất Thánh

Khu vườn tu viện: Vương cung Thánh đường và các công trình phụ tu viện có một khu vườn tuyệt đẹp được xây dựng năm 2004 phỏng theo khu vườn tu viện ban đầu do các tu sĩ Dòng Xitô chăm sóc.

Nhưng cấu trúc nguyên thủy trọn vẹn đó ngày nay không còn nhiều. Những công cuộc phục hồi và các thay đổi cấu trúc đã bắt đầu ngay từ thế kỷ thứ 8, khi đó các Đức Giáo hoàng Gregory II và Hadrian I ra lệnh sửa chữa lần đầu. Sau đó Đức Giáo hoàng Lucius II (1114-1145) lại ra lệnh sửa đổi thêm, ngài chọn theo phong cách kiến trúc Rô-măng với nét đặc trưng là nhà thờ ba gian chính điện có thể tìm thấy trong các nhà thờ được xây dựng trong thế kỷ 12 ở Châu Âu. Tuy nhiên, cho mãi đến thế kỷ 18 thì Vương cung Thánh đường mới khoác lên mình diện mạo như hôm nay. Khi đó Đức Giáo hoàng Benedict XIV cho gọi các kiến trúc sư Roma Pietro Passalacqua và Domenico Gregorini biến Vương cung Thánh đường sang kiến trúc Baroque mới nhất, với nét đặc trưng là lối vào hình e-líp và một mặt chính diện được trang trí rất tỷ mỷ công phu với các đầu cột kiểu Corinth.

Suốt nhiều thế kỷ, Vương cung Thánh đường và công trình phụ tu viện được thành lập vào thế kỷ thứ 10 bởi Đức Thánh Cha Benedict VII, dưới sự chăm sóc của nhiều dòng tu khác nhau: dòng Biển đức trong thế kỷ 11, dòng Canonic vào thế kỷ 12, và dòng Xi-tô thế kỷ 15.

Năm 1910, “giáo xứ Thánh Giá Giê-ru-sa-lem” được thành lập bởi Thánh Giáo hoàng Pius X và khu phức hợp dưới sự quản lý của các giáo sĩ giáo phận kể từ đó. Năm 1930 Đức Giáo hoàng Pius V ra lệnh xây một nhà nguyện mới để lưu giữ những thánh tích của Vương cung Thánh đường. “Nhà nguyện Thánh tích” là tên đặt được xây dựng bởi kiến trúc sư người Roma Florestano di Fausto, ông muốn nó trở thành một không gian thờ phượng mở cho các tín hữu và họ có thể dễ dàng tiến vào từ gian bên trái của Vương cung Thánh đường.

Nhà nguyện trưng bày một bộ sưu tập rất tuyệt vời những thánh tích bao gồm:


  • Một cây đinh được sử dụng trong Khổ hình Thập giá
  • Hai cây gai từ Mão Gai của Đức Ki-tô
  • Một ngón tay được cho là của Thánh Tô-ma, người ban đầu đã nghi ngờ sự Phục sinh của Chúa, và sau đó đã chạm ngón tay vào các dấu thương của Đức Ki-tô
  • Một mảnh vỡ của thập giá của “Kẻ trộm lành” cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê-su
  • Ba mảnh vỡ của Thập Giá thật
  • Một hòm đựng thánh tích trong đó có những miếng vỡ của: Cột đá (Đức Ki-tô bị trói vào và bị đánh); Mộ Thánh (ngôi mộ của Chúa Ki-tô); và máng cỏ của Chúa Giê-su
  • Titulus Crucis là Bảng hiệu của Thập giá: câu khắc trên Thánh Giá thể hiện chữ “Nazarene” viết bằng tiếng Hê-brơ, Latinh, và Hy lạp. Mảnh vỡ này được tìm thấy năm 1492 nằm sau một phiến gạch có khắc dòng chữ TITULUS CRUCIS. Phương pháp xác định tuổi cổ vật trên cơ sở carbon cho thấy có thể đây là bản sao thời trung cổ của thánh tích nguyên thủy.

Vương cung Thánh đường cũng có một vườn tu viện, được xây dựng năm 2004 mô phỏng theo khu vườn được các thầy dòng Xi-tô chăm sóc từ năm 1561 đến thập niên 1900. Khu vườn toát lên một không khí thanh bình, tĩnh lặng và bình an nhờ vào sự hài hòa của các luống hoa và một cổng vào được làm bằng kính màu do nghệ sĩ người Ý Jannis Kounellis.

Du khách có thể đến thăm nhà thờ bằng cách đăng ký những chuyến du lịch có hướng dẫn hoặc bằng cách liên lạc với giáo xứ qua số điện thoại +393892780343 và +393392769646.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/1/2019]