Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số


Sáng kiến ‘Truyền thông Niềm tin trong Thế giới Kỹ thuật số’ được Bộ Truyền thông của Vatican tài trợ


Junno Arocho Esteves, Catholic News Service

12 tháng Sáu, 2021 05:09 AM GMT

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho những người tham dự buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng Sáu trong sân San Damaso tại Vatican. (Photo: AFP)

Những người tham gia trong một sáng kiến truyền thông của Vatican cho biết Giáo hội Công giáo có thể tạo ra nền tảng mới trong việc thúc đẩy đối thoại trong không gian rất thường bị phân cực của mạng kỹ thuật số.

Sáng kiến “Truyền thông Niềm tin trong Thế giới Kỹ thuật số,” được Bộ Truyền thông Vatican tài trợ và quy tụ 16 chuyên gia truyền thông trẻ từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết “cách thức giáo hội có thể và nên hiện diện trên mạng internet.”

Những tham dự viên từ Hoa Kỳ được Vatican chọn bao gồm: John Grosso, giám đốc truyền thông kỹ thuật số của Giáo phận Bridgeport, tiểu bang Connecticut; Alexandra Carroll, giám đốc truyền thông về sứ mệnh xã hội của Phòng Công lý, Hòa bình và Phát triển Con người của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ; và John Lilly, chuyên gia truyền thông của Văn phòng Các vấn đề công của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Chương trình kéo dài 12 tháng, bao gồm những cuộc họp tại Rôma và trực tuyến, được thiết kế để triển khai các đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề chính và những vấn đề mà người dùng hiện đang gặp phải trên Internet.

Bộ Truyền thông cho biết, “Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giúp nhiều người trong giáo hội cảm nhận tính cấp bách hơn trong việc tìm hiểu cách tiếp cận truyền thông hiệu quả và bảo đảm sự hiện diện trên mạng xã hội để làm chứng cho ‘phong cách’ rao giảng phúc âm.

Phát biểu với Catholic News Service ngày 11 tháng Sáu, Grosso nói rằng mặc dù không có một giải pháp “tất-cả-trong-một” để giải quyết sự phân cực trên web, nhưng Giáo hội Công giáo có thể giúp giảm bớt những căng thẳng bằng cách “gặp gỡ và đồng hành cùng một người trong một thời gian trên hành trình đức tin của họ trên phương tiện truyền thông kỹ thuật số.”

Carroll nói với CNS rằng cô cũng như các đồng nghiệp của cô cảm thấy gánh nặng đối với “trách nhiệm to lớn” của vai trò của họ trong việc truyền đạt tình liên đới của giáo hội với tất cả mọi người, đặc biệt là những người ở bên lề.

Cô nói, “Đó là một sự nhắc nhở tuyệt vời rằng công việc của tôi quan trọng như thế nào. Đôi khi tôi quên mất điều đó khi tôi liên tục lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội và muốn hoàn thành việc lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội”, nhưng cuộc họp đó nhắc nhở cô “rằng nó còn nhiều hơn thế nữa.”

Với Lilly, những bài đăng lên mạng xã hội trên các trang phổ biến, chẳng hạn như Twitter, thường có thể làm cho “mọi thứ dường như chỉ là đen và trắng, nhưng điều đó không thật, nó không phải là cách mọi điều diễn ra” trong cuộc sống.

Anh nói thêm rằng đến Rôma và gặp gỡ trực tiếp với những người làm truyền thông đã giúp “phá bỏ những bức tường đó” cũng như “định hình góc nhìn của bạn rộng hơn một chút, trong khi tôi không cho rằng bạn hiểu được điều đó trên mạng xã hội.”

Một điểm nổi bật cho ba tham dự viên người Mỹ là được gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 9 tháng Sáu sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Trong khi ngỏ mấy lời ngắn gọn với nhóm, đức giáo hoàng - người thường xin mọi người cầu nguyện cho ngài - đã có cách nói khiến họ vô cùng xúc động.

Nói bằng tiếng Tây Ban Nha, Carroll nhớ lại, đức giáo hoàng đã “dừng lại - và tôi nhớ rất rõ vì ngài nhìn thẳng vào mắt tôi - và ngài chuyển sang tiếng Anh và nói, ‘Hãy cầu nguyện cho cha vì cha cần điều đó.’ Nhưng sau đó ngài nhìn vào chúng tôi và bước đi, ‘Xin đừng chống lại (cha) nhưng ủng hộ cha nhé.’”

Cô giải thích, những lời nói này đã làm cô xúc động vì chúng khiến cô nhớ đến những người thường đưa lên mạng xã hội và cáo buộc giáo hoàng gây chia rẽ.

Carroll nói với CNS: “Tôi có một người người thầy nói rằng các nhà tiên tri hoặc là được tin tưởng hoặc là bị giết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang mở rộng tầm nhìn của chúng ta và tập trung lại định hướng của chúng ta, không thay đổi bất cứ điều gì. Ngài đang kêu gọi chúng ta trở lại với tiếng gọi của Tin Mừng”, đặc biệt trong việc phục vụ nhu cầu của người nghèo và những người dễ bị tổn thương.

Grosso nói với CNS rằng ở gần đức giáo hoàng khiến anh cảm thấy như được gần gũi với một người “tỏa ra sự thánh thiện qua nụ cười và tình cảm của ngài” nhưng cũng là một người đang “mang một gánh nặng rất lớn, gánh nặng của giáo hội và của thế giới.”

Anh nói, “Bạn có thể thấy điều đó ở nơi ngài, và ngài thi hành điều đó với niềm vui và tình yêu. Vì vậy, khi ngài nhìn bạn một cách rất chân thành và nói, ‘Hãy cầu nguyện cho cha, xin đừng chống lại cha,’ tôi suy nghĩ một chút về những gì tôi đã nhìn thấy trong ít tháng qua - nhưng cũng là toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài - trên mạng xã hội, đó là một lời kêu gọi mà tôi đón nhận cho chính cá nhân tôi và rất nghiêm túc.”

Anh nói: “Đã có quá nhiều khó khăn và thử thách đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, và đây là một người đang làm hết sức mình cho giáo hội, và tôi tin tưởng điều đó bằng trọn con tim mình.”


[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2021]


Thông điệp của Đức Thánh Cha trong buổi phát động Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp quốc

Thông điệp của Đức Thánh Cha trong buổi phát động Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp quốc

Thông điệp của Đức Thánh Cha trong buổi phát động Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp quốc

ore 15:45


Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hành động khẩn cấp trong phản ứng chung của chúng ta trước cuộc khủng hoảng môi trường, trong thông điệp tại buổi phát động Thập kỷ của Liên Hợp quốc về Phục hồi Hệ sinh thái, do Đức Hồng y Pietro Parolin đọc.



*****

Kính thưa Bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành UNEP

Kính thưa ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc FAO


Thưa quý vị,

Ngày mai chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Lễ kỷ niệm hàng năm này khuyến khích chúng ta nhớ rằng mọi thứ đều được kết nối với nhau. Một “sự quan tâm thật sự đối với môi trường […] cần phải được kết hợp với một tình yêu chân thành dành cho đồng loại của chúng ta và một cam kết kiên định để giải quyết các vấn đề của xã hội”.[1]

Tuy nhiên, lễ kỷ niệm vào ngày mai sẽ có một ý nghĩa đặc biệt, vì nó diễn ra vào năm bắt đầu Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp quốc. Thập kỷ này mời gọi chúng ta thực hiện những cam kết trong 10 năm nhằm chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta bằng cách “hỗ trợ và mở rộng các nỗ lực nhằm ngăn chặn, chặn đứng và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên toàn thế giới và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khôi phục thành công hệ sinh thái”.[2]

Chúng ta đọc được trong Kinh Thánh nói rằng: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh”.[3]

Tất cả chúng ta đều là một phần của món quà tạo hóa đó. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, không tách rời khỏi nó. Đây là những gì Kinh thánh nói với chúng ta.

Tình hình môi trường hiện nay kêu gọi chúng ta phải hành động ngay bây giờ với sự hối hả để trở thành những người quản lý tạo vật có trách nhiệm hơn bao giờ hết, và để khôi phục lại thiên nhiên mà chúng ta đã tàn phá và bóc lột quá lâu. Nếu không, chúng ta có nguy cơ phá hủy chính nền tảng mà chúng ta phụ thuộc vào. Chúng ta có nguy cơ bị lũ lụt, đói kém và những hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho các thế hệ tương lai. Đây là điều mà nhiều nhà khoa học đã nói với chúng ta.

Chúng ta cần chăm sóc lẫn nhau, và chăm sóc những người yếu đuối nhất trong chúng ta. Nếu tiếp tục con đường bóc lột và hủy diệt này – con người và thiên nhiên – là bất công và không khôn ngoan. Đây là điều mà lương tâm có trách nhiệm sẽ nói với chúng ta.

Chúng ta có trách nhiệm phải để lại một ngôi nhà chung đáng sống cho con cái chúng ta và cho các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, khi quan sát xung quanh, chúng ta nhìn thấy gì? Chúng ta chứng kiến khủng hoảng dẫn đến khủng hoảng. Chúng ta chứng kiến sự tàn phá thiên nhiên, cũng như đại dịch toàn cầu dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Chúng ta thấy những hậu quả bất công của một số khía cạnh thuộc hệ thống kinh tế hiện tại của chúng ta, và rất nhiều cuộc khủng hoảng khí hậu thảm khốc tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội loài người và thậm chí là sự tuyệt chủng hàng loạt của các chủng loài.

Tuy nhiên vẫn có hy vọng. “Chúng ta có sự tự do cần thiết để giới hạn và định hướng cho công nghệ; chúng ta có thể dùng nó để phục vụ cho một hình thức tiến bộ khác, một hình thức tiến bộ lành mạnh hơn, nhân văn hơn, có xã hội tính hơn, toàn diện hơn”.[4]

Chúng ta đang chứng kiến sự tham gia và cam kết mới của một số Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ: các chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, giới trẻ … những nỗ lực nhằm thúc đẩy điều mà chúng ta có thể gọi là “sinh thái toàn diện”, nó là một khái niệm phức tạp và đa diện: nó kêu gọi một tầm nhìn lâu dài; nó làm nổi bật tính liên kết không thể tách rời của “sự quan tâm đến thiên nhiên, công bằng cho người nghèo, cam kết với xã hội và hòa bình trong lòng”; [5] nó nhằm mục đích phục hồi “các mức độ cân bằng sinh thái khác nhau, xây dựng tính hòa hợp trong con người chúng ta, hòa hợp với người khác, với thiên nhiên và các loài thụ tạo, và với Thiên Chúa”. [6] Nó làm cho mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình với vai trò là con người đối với bản thân, đối với người lân cận, đối với tạo vật và đối với Đấng sáng tạo.

Tuy nhiên, chúng ta được cảnh báo rằng chúng ta chỉ còn rất ít thời gian để khôi phục hệ sinh thái – các nhà khoa học cho biết trong 10 năm tới, khoảng thời gian của Thập kỷ Liên hợp quốc này –, đồng nghĩa với việc khôi phục toàn diện mối tương quan của chúng ta với thiên nhiên.

Nhiều “cảnh báo” mà chúng ta đang trải qua, trong đó chúng ta có thể thấy dịch Covid-19 và nhiệt độ nóng lên toàn cầu, đang thúc đẩy chúng ta phải hành động khẩn cấp. Tôi hy vọng rằng hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, được tổ chức tại Glasgow vào tháng Mười Một tới, sẽ giúp đưa ra câu trả lời phù hợp cho chúng ta để khôi phục các hệ sinh thái thông qua hành động khí hậu được củng cố và sự lan rộng nhận thức và ý thức.

Chúng ta cũng buộc phải suy nghĩ lại về các nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần phải “suy tư xa hơn và sâu hơn về ý nghĩa của kinh tế cùng với các mục tiêu của nó, cũng như một sự sửa đổi sâu sắc và có tầm nhìn xa hơn đối với mô hình phát triển hiện tại, để sửa chữa những hoạt động bất thường và sự lệch hướng của nó”. [7] Sự suy thoái hệ sinh thái là một kết quả rõ ràng từ hoạt động bất thường của kinh tế.

Phục hồi lại thiên nhiên mà chúng ta đã tàn phá trước hết có nghĩa là phục hồi lại chính bản thân chúng ta. Khi chúng ta chào đón Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc này, chúng ta hãy trở nên nhân ái, sáng tạo và can đảm. Ước mong rằng chúng ta đảm nhận vị trí thích hợp của mình là một “Thế hệ phục hồi”.

Vatican, 27 tháng Năm, 2021

PHANXICÔ

_____________________________________________


[1] Tông huấn Laudato si’ (24 tháng Năm, 2015), 91.

[2] Nghị quyết UNGA 73/284 thông qua ngày 1 tháng Ba năm 2019: “Thập kỷ Phục hồi Hệ Sinh thái của Liên Hợp quốc (2021-2030), op. 1.

[3] Thánh vịnh 19:1-3.

[4] Tông huấn Laudato si’ (24 tháng Năm, 2015), 112.

[5] Sđd., 10.

[6] Sđd., 210.

[7] Benedict XVI, Tông huấn, Caritas in veritate (29 tháng Sáu, 2009), 32.

_____________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/6/2021]