Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Văn bản Triều yết chung: Đi qua Cửa Thánh giống như Bà góa thành Nain

Văn bản Triều yết chung: Đi qua Cửa Thánh giống như Bà góa thành Nain

“Vì vậy, đặc biệt trong Năm Thánh này, Mẹ Giáo hội đón nhận những đứa con của mình, nhận ra sức sống được ban tặng cho họ bởi ơn sủng của Thiên Chúa trong mỗi người”
10 tháng 8, 2016
pope francis
L'Osservatore Romano
Dưới đây là bản dịch của ZENIT bài giảng huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung sáng nay.
__
Anh chị em thân mến, xin chào tất cả!
Đoạn Tin mừng của Thánh Luca chúng ta vừa nghe (7:11-17) trình bày cho chúng ta một phép lạ vô cùng lớn lao của Chúa Giê-su: cho một người thanh niên sống lại. Tuy nhiên, trọng tâm của vấn đề này không phải là phép lạ nhưng là lòng nhân hậu của Chúa Giê-su dành cho người mẹ của anh thanh niên. Ở đây lòng thương xót mang tên sự thương cảm bao la dành cho người phụ nữ đã mất chồng và bây giờ đang phải đi theo đứa con trai duy nhất đến nghĩa trang. Chính nỗi đau khổ quá lớn này của một người mẹ đã làm động lòng Chúa Giê-su và khiến Người phải làm phép lạ cho sống lại.
Khi giới thiệu chương này, tác giả Tin mừng nhắc đi nhắc lại nhiều chi tiết. Gặp gỡ tại cổng thành Nain, một ngôi làng, là hai nhóm đông đến từ hai hướng ngược nhau và không có điểm nào giống nhau. Chúa Giê-su, theo sau là các tông đồ và một nhóm rất đông người, chuẩn bị đi vào thành, trong khi một đám rước đang đi ra, khiêng theo một người chết, cùng với người mẹ góa và nhiều người khác. Gần cổng thành, hai nhóm đi ngang qua nhau, mỗi đoàn đi theo hướng riêng của mình, nhưng ngay lúc đó Thánh Luca lưu ý đến lòng thương cảm của chúa Giê-su: nhìn thấy người phụ nữ, Chúa đã bị chế ngự bởi lòng thương xót vô biên, và Người nói với người phụ nữ, ‘Đừng khóc.’ Và Người đến gần và chạm vào quan tài “và bảo những người khiêng dừng lại” (cc. 13-14). Lòng thương xót bao la đã dẫn lối cho những hành động của Chúa Giê-su: Người dừng đám đưa ma lại và chạm vào quan tài, và đã động lòng thương xót với người phụ nữ này. Người quyết định đối mặt với cái chết, theo một cách nói gọi là mặt đối mặt. Người quyết định đối mặt với nó một cách dứt khoát, mặt đối mặt, trên Thập giá.
Trong suốt Năm thánh này, thật là một điều tốt lành nếu, khi đi qua Cửa Thánh, Cửa Lòng thương xót, người hành hương nhớ lại chương này trong Tin mừng, câu chuyện xảy ra tại cổng thành Nain. Khi Chúa Giê-su nhìn thấy người mẹ đó đang khóc, bà đã chạm vào được trái tim của Người! Mỗi người đi đến Cửa Thánh mang theo cuộc sống riêng của mình, với niềm vui và những đau khổ của nó, những dự định  và những thất bại, những nghi nan và sợ hãi, để trình bày trước lòng thương xót của Chúa. Chúng ta chắc chắn rằng, tại Cửa Thánh, Thiên Chúa đến gần và gặp gỡ mỗi người chúng ta, để mang đến cho chúng ta và ban cho chúng ta lời an ủi đầy sức mạnh của Người: “Đừng khóc nữa!” (c. 13). Đây là cánh cửa để gặp gỡ giữa sự đau khổ của nhân loại với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đi qua cánh cửa đó là chúng ta hoàn tất cuộc lữ hành của chúng ta trong lòng thương xót của Chúa, Người lặp đi lặp lại việc đó với từng người chúng ta, như Người đã làm với người thanh niên kia: “Tôi bảo anh, hãy trỗi dậy!” (c. 14). Hãy trỗi dậy! Thiên Chúa muốn chúng ta đứng dậy. Người tạo dựng chúng ta đứng lên” vì thế, lòng thương xót của Chúa Giê-su dẫn đến việc chữa lành, chữa lành chúng ta, câu then chốt ở đây là: “Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, như Thiên Chúa đã tạo dựng nên bạn!” – Đứng thẳng. “Nhưng thưa cha, chúng con thường xuyên bị vấp ngã” – “Bước tới, trỗi dậy!” Đây luôn là câu Chúa Giê-su lặp đi lặp lại. Khi đi qua Cửa Thánh, nguyện xin để chúng ta nghe thấy câu này trong tâm hồn chúng ta: “Hãy trỗi dậy!” Câu nói đầy sức mạnh của Chúa Giê-su có thể khiến chúng ta đứng bật dậy và bước trên con đường từ cõi chết đến sự sống. Lời Người làm chúng ta hồi sinh, lời Người ban cho chúng ta hy vọng, làm rạo rực những tâm hồn mệt mỏi, mở ra một viễn cảnh đến một thế giới và một đời sống vượt ra ngoài phạm vi đau khổ và cái chết. Khắc sâu trên Cửa Thánh cho mỗi người là gia tài không bao giờ cạn của lòng thương xót của Chúa!
Nghe lời của Chúa Giê-su, “người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Người trao anh ta cho bà mẹ” (c. 15). Cụm từ này quá đẹp: nó mô tả cho thấy lòng nhân hậu của Đức Giê-su: “Người trao anh ta cho bà mẹ.” Người mẹ tìm lại được đứa con. Nhận lấy đứa con từ tay của Đức Giê-su, bà trở thành người mẹ lần thứ hai, nhưng đứa con được trao lại cho bà lần này không chào đời từ lòng bà. Do đó người mẹ và đứa con nhận được giá trị riêng của mỗi người nhờ vào lời đầy quyền năng của Chúa Giê-su và cử chỉ yêu thương của Người. Vì vậy, đặc biệt trong Năm Thánh này, Mẹ Giáo hội đón nhận những đứa con của mình, nhận ra sức sống được ban tặng cho họ bởi ơn sủng của Thiên Chúa trong mỗi người. Và bởi dấu ấn của ơn sủng này, ơn sủng của Bí tích Rửa tội, mà Hội thánh trở nên Mẹ và mỗi chúng ta trở thành người con của Hội thánh.
Trên gương mặt của người thanh niên trở lại với cuộc sống và được về với mẹ , “mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng, ‘Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta’ và ‘Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người!” Vì vậy, những gì Chúa Giê-su làm không chỉ là một hành động cứu rỗi trực tiếp cho người quả phụ và con trai bà, hay là một cử chỉ tốt đẹp giới hạn cho thành đó. Qua việc cứu thoát dân người bằng lòng thương xót, Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Người; tất cả ơn sủng của Thiên Chúa thể hiện nơi Người và sẽ tiếp tục thể hiện nơi nhân loại. Mừng Năm thánh này, cha muốn tất cả mọi Giáo hội đều sống tinh thần này, cụ thể là mọi Giáo hội trên toàn thế giới, và không phải chỉ ở Roma, nó giống như toàn Giáo hội lan rộng trên khắp toàn cầu cùng tham gia vào một bài hát ca khen Thiên Chúa. Ngày nay cũng vậy, Giáo hội nhận ra mình được Thiên Chúa đến thăm. Vì thế, khi đến Cửa lòng Thương xót mỗi người phải hiểu rằng chúng ta đang tiến đến trái tim thương xót của Chúa Giê-su: quả thật, Người chính là Cửa dẫn vào sự cứu rỗi và đưa chúng ta và một đời sống mới. Lòng thương xót, ở trong Chúa Giê-su và ở trong chúng ta, là một con đường bắt đầu từ trái tim dẫn đến đôi tay. Điều này có nghĩa gì? Chúa Giê-su nhìn vào chúng con, Người chữa lành chúng con bằng lòng Thương xót của Người, Người nói với chúng con: “Hãy trỗi dậy!” — và con tim chúng con trở nên mới. Con đường từ trái tim dẫn đến đôi tay là gì? Nó có nghĩa là với một con tim mới, với một trái tim được Chúa Giê-su chữa lành có thể thực hiện những hành động thể hiện lòng thương xót bằng đôi tay, cố gắng giúp đỡ, chăm sóc tất cả những ai đang thiếu thốn. Lòng thương xót là một con đường bắt đầu từ trái tim dẫn đến đôi tay, cụ thể là để thể hiện lòng thương xót.
[Đoạn cuối, chào khách hành hương bằng tiếng Ý]
Cha nói rằng lòng thương xót là con đường đi từ trái tim đến đôi tay. Chúng ta đón nhận lòng thương xót của Chúa Giê-su trong trái tim chúng ta, Người tha thứ hết mọi tội của chúng ta, vì Thiên Chúa tha thứ tất cả chó chúng ta và nâng chúng ta dậy; Người cho chúng ta một đời sống mới và truyền cho chúng ta lòng thương xót của Người. Từ con tim được tha thứ và với lòng thương xót của Chúa Giê-su, con đường bắt đầu chuyển đến đôi tay, cụ thể là, chuyển sang những hành động của lòng thương xót. Một ngày kia có một đức giám mục nói với cha rằng ngài đã làm những cánh cửa lòng thương xót vào và ra trong nhà thờ của ngài và những nhà thờ khác. Cha hỏi ngài: “Sao cha lại làm vậy?” – “Một cửa là để đi vào, để xin sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa Giê-su; cửa kia là cửa ra của lòng thương xót, đem lòng thương xót đến với mọi người, bằng những hành động thể hiện lòng thương xót của chúng ta.” Vị giám mục này quá thông minh! Chúng ta cũng phải làm tương tự như vậy với con đường đi từ trái tim đến đôi tay: chúng ta đi vào nhà thờ qua cửa lòng thương xót, để đón nhận sự tha thứ của Chúa Giê-su, Người nói với chúng ta: “Hãy trỗi dây! Hãy bước đi, hãy bước đi!” — và với mệnh lệnh “hãy bước đi!” này – đứng lên – chúng ta ra ngoài qua cửa ra. Đó là Giáo hội tiến bước, con đường của lòng thương xót đi từ trái tim đến đôi tay. Hãy đi theo con đường này!
[Văn bản gốc: Tiếng Ý]  [Bản dịch tiếng Anh của ZENIT]
[Nguồn: zenit]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 11/08/2016]



Những tân linh mục người Iraq mang niềm vui đến giữa những năm buồn bã, di tản

Những tân linh mục người Iraq mang niềm vui đến giữa những năm buồn bã, di tản

Roni Salim Momika is ordained a priest in Erbil's Aishty camp for the displaced Aug. 5, 2016. Courtesy of Fr. Roni Momika.
Roni Salim Momika được tiến chức linh mục ở trại Aishty của Erbil cho những người di tản ngày 5 tháng 8, 2016. Ảnh của cha Roni Momika.

Erbil, Iraq, 8 tháng 8, 2016 / 03:02 chiều (CNA/EWTN News).- Cha Roni Salim Momika, một trong ba linh mục được tiến chức trong một trại tị nạn ở Erbil hôm thứ Sáu, nói rằng sự kiện này đã chuyển tâm trạng u ám của những Ki-tô hữu phải di tản thành niềm vui mừng, từ đó cha hy vọng sẽ cho họ sức mạnh để ở lại trên mảnh đất quê hương.
“Cảm giác của tôi là hạnh phúc, hạnh phúc!” Cha Momika nói với CNA sau ngày tiến chức 5 tháng 8, và thêm rằng cha cảm thấy “một điều gì đó bên trong” làm cho cha rất vui.
Cha được tiến chức linh mục của Giáo hội Công giáo Syria cùng với các bạn bè và các thầy phó tế Emad và Petros trong ngôi nhà thờ tiền chế lớn trong trại Aishty 2 của Erbil cho người di tản, nơi đây là nhà của khoảng 5.500 người bị buộc phải bỏ nhà cửa vì ISIS.
Sự tiến chức, cha nói, “sẽ đem lại niềm hy vọng cho những người” ở trong trại, hầu hết là người Công giáo Syria từ Qaraqosh, những người này trong 2 năm qua đã bị buộc phải sống như là người tị nạn sau khi tản cư khỏi nhà cửa của họ do bạo lực từ ISIS.
Cha Momika nói rằng ngày 6 tháng 8 đánh dấu đúng 2 năm kỷ niệm từ khi ISIS tấn công thành phố quê của cha ở Qaraqosh, tống cổ tất cả những cư dân không chịu đáp ứng đòi hỏi cải đạo Hồi, phải trả thuế cắt cổ hoặc đối mặt cái chết.
“Chúng tôi đã rời khỏi Qaraqosh trong khoảng thời gian này đúng 2 năm trước,” cha nói, và giải thích rằng nó là “một thời gian thử thách” và “một thời gian u buồn” cho người Ki-tô hữu.
Tuy nhiên, trong khi lễ kỷ niệm có thể xem như một sự nhắc nhớ về thực tế u ám và không chắc chắn cho người Ki-tô hữu ở Iraq, thì hình ảnh ba người trẻ tuổi được tiến chức linh mục đã tạo nên “một thời gian hạnh phúc, một thời gian hy vọng, một thời gian tốt đẹp,” cha Momica nói.
“Trước đây nó là một ngày đen tối vì chúng tôi trở thành người tị nạn và ISIS xâm chiếm Qaraqosh, nhưng hôm nay trở nên một ngày tốt lành vì là ngày tiến chức của chúng tôi và chúng tôi đem lại hy vọng cho dân tộc chúng tôi,” kể cả hy vọng “được ở lại đây,” cha  nói.
Cha Momika, Emad, Petros và một chủng sinh khác tên Phê-rô tất cả đều buộc phải thoát khỏi Qaraqosh khi ISIS tấn công.
Trước khi bị buộc phải rời khỏi Qaraqosh, cha Momica và em gái của cha nằm trong số những nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom xe buýt năm 2010, lúc đó xe đang chở hầu hết là sinh viên đại học người Ki-tô hữu từ Bình nguyên Nineve đến đại học Mosul, nơi họ đã ghi tên theo các khóa học.
Vì chủng viện Qaraqosh đã bị đóng cửa sau vụ tấn công năm 2014, những chủng sinh sau đó được gửi đến để hoàn tất các môn học tại chủng viện Al-Sharfa ở Harissa, Li-băng. Sau khi kết thúc các môn học ở Li-băng, các thầy trở về Iraq để được phong chức phó tế diễn ra ngày 19 tháng 3.
Từ đó Phê-rô quyết định phục vụ ở Baghdad, và được tiến chức khoảng 20 ngày trước, trong khi cha Momika và những cha khác được tiến chức ở Erbil.
Đức Tổng Giám mục Petros Moshe, Tổng Giám mục Công giáo Syria giáo phận Mosul, Kirkuk và Kurdistan, giám mục của các linh mục, là người dâng Thánh lễ tiến chức trong trại Aishty.
Cha Momika, gia đình của cha đã di tản khỏi Erbil sau khi bỏ Qaraqosh, nói rằng nhà thờ chỉ có sức chứa khoảng 800 người, nhưng có khoảng 1.500 người đã đến tham dự lễ phong chức.
Nhiều thành viên trong gia đình đã đến lễ phong chức, ông thân sinh của cha, em gái và nhiều người khác từ Baghdad đến, từ Aqrah và các thành phố khác đều có mặt ở đó.
Cho đến nay cha Momika hoạt động với giới trẻ và linh hướng cho các nhóm phụ nữ trong các trại tị nạn. Linh mục nói rằng hiện tại cha vẫn ở lại Erbil và tiếp tục phục vụ trong trách vụ đó, nhưng tùy thuộc vào quyết định của Đức Tổng giám mục Moshe “cho tôi được ở đây hay không” trong một thời gian dài.
Là một tân linh mục bị vây quanh bở những bách hại bạo lực, cha Momika nói rằng cha muốn “đứng bên cạnh những người tị nạn” bất kể “những nguy hiểm trong cuộc sống của họ.”
Cha nói cha muốn cho người Ki-tô hữu “sức mạnh, niềm hy vọng, và sự can đảm tiếp tục cuộc sống của họ và  ở lại với những người nghèo” và tất cả những ai đang đau khổ, cha thêm rằng đối với cha, điều cốt yếu của vai trò và sự tận hiến của cha là “đưa Đức Ki-tô đến với mọi người.”

[Nguồn: catholicnewsagency]


[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/08/2016]