Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Thánh Lễ Truyền Dầu: “Khi bị thương tích và thống hối, chúng ta được chữa lành nếu cho phép bản thân được Chúa Giêsu tha thứ”

“Khi bị thương tích và thống hối, chúng ta được chữa lành nếu cho phép bản thân được Chúa Giêsu tha thứ”

Thánh Lễ Truyền Dầu

Thánh Lễ Truyền Dầu: “Khi bị thương tích và thống hối, chúng ta được chữa lành nếu cho phép bản thân được Chúa Giêsu tha thứ”

Vatican Media


*******

Lúc 9:30 sáng nay, Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tế Thánh lễ Truyền Dầu tại Vương cung thánh đường Vatican, một Phụng vụ được cử hành vào ngày này trong tất cả các Nhà thờ Chính tòa.

Trong khi cử hành Thánh Thể, các linh mục lặp lại những lời hứa khi chịu chức thánh; Sau đó diễn ra nghi thức làm phép dầu bệnh nhân, dầu dự tòng và dầu thánh. Đức Thánh Cha nói, “Các anh em linh mục thân mến, cảm ơn anh em vì tấm lòng rộng mở và vâng phục của anh em; cảm ơn vì những mệt mỏi và những giọt nước mắt của anh em, vì anh em đã mang phép lạ của lòng thương xót của Chúa đến với những anh chị em của thời đại chúng ta.”

Dưới đây là Bài giảng của Đức Thánh Cha sau phần công bố Tin Mừng:

_______________________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người” (Lc 4:20). Đoạn Tin Mừng này thật ấn tượng. Nó giúp chúng ta hình dung ra khoảnh khắc im lặng đó khi mọi ánh mắt đổ dồn về Chúa Giêsu, trong sự ngạc nhiên xen lẫn do dự. Tuy nhiên, chúng ta biết điều gì xảy ra tiếp theo. Sau khi Chúa Giêsu vạch trần những mong đợi sai lệch của người dân thành, họ “đầy phẫn nộ” (Lc 4:28), đứng dậy và đuổi Người ra khỏi thành. Quả thật họ đã trông chờ Chúa Giêsu, nhưng lòng họ không sẵn sàng thay đổi trước lời của Người. Họ đã đánh mất cơ hội của cuộc đời.

Tối nay, Thứ Năm Tuần Thánh, sẽ mang đến cho chúng ta một cái nhìn rất khác. Nó liên quan đến Thánh Phêrô, vị Mục Tử đầu tiên của Giáo Hội chúng ta. Phêrô ban đầu cũng không chấp nhận những lời “vạch trần” mà Chúa đã nói với ông: “Anh sẽ chối Thầy ba lần” (Mc 14:30). Kết quả là ông “mất dấu” Chúa Giêsu và chối Người lúc gà gáy. Tuy nhiên, sau đó “Chúa quay lại nhìn Phêrô” và ông “nhớ lời Chúa… và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22:61-62). Đôi mắt ông đẫm lệ, trỗi dậy từ một tâm hồn bị thương tích, đã giải thoát ông khỏi những quan niệm sai lệch và sự tự tin của ông. Những giọt nước mắt cay đắng đó đã thay đổi cuộc đời ông.

Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong suốt các năm đó đã không làm thay đổi những mong đợi của Phêrô, giống như những mong đợi của người dân làng Nadarét. Ông cũng đang chờ đợi một Đấng Mêsia thuộc về chính trị đầy quyền lực, mạnh mẽ và quyết đoán. Bị nhục nhã khi nhìn thấy Chúa Giêsu bất lực và thụ động khi bị bắt, ông nói: “Tôi có biết ông ấy đâu!” (Lc 22:57). Điều đó rất đúng: Phêrô không biết Chúa Giêsu. Ông chỉ bắt đầu biết Người, tại thời khắc đen tối khi ông chối Người, khi ông bị khuất phục trước những giọt nước mắt xấu hổ và những giọt nước mắt ăn năn. Và ông thực sự biết Chúa Giêsu khi “bị tổn thương vì Chúa Giêsu hỏi ông lần thứ ba: ‘Anh có yêu mến Thầy không?’”, ông để cho cái nhìn của Chúa xuyên thấu toàn bộ con người ông. Rồi, từ chỗ nói: “Tôi có biết ông ấy đâu”, ông đã có thể nói: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự” (Ga 21:17).

Anh em linh mục thân mến, việc chữa lành tâm hồn của Phêrô, việc chữa lành vị tông đồ, việc chữa lành người mục tử, đã xảy ra khi ông đau buồn và ăn năn thống hối, cho phép mình được Chúa Giêsu tha thứ. Sự chữa lành đó diễn ra giữa những giọt nước mắt, tiếng khóc cay đắng và nỗi đau khổ dẫn đến tình yêu đổi mới. Vì lý do này, tôi cảm thấy cần phải chia sẻ với các anh em vài suy tư về một khía cạnh của đời sống thiêng liêng đã bị quên lãng nhưng vẫn rất cần thiết. Ngay cả từ ngữ tôi sắp sử dụng hôm nay đây cũng có phần đã lỗi thời nhưng rất đáng để suy ngẫm. Lời đó là sự thống hối.

Nguồn gốc của thuật ngữ này có liên hệ với từ đâm thấu. Sự thống hối là “một vết đâm thấu vào trái tim” gây đau đớn và dẫn đến những giọt nước mắt ăn năn. Ở đây, một tình tiết khác về cuộc đời của Thánh Phêrô có thể giúp chúng ta. Trái tim ông đã bị đâm thấu bởi cái nhìn và lời nói của Chúa Giêsu, Phêrô, bây giờ được thanh luyện và đốt cháy bởi Chúa Thánh Thần, vào ngày Lễ Ngũ Tuần đã công bố cho cư dân thành Giêrusalem rằng: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (x. Cv 2:36). Những người nghe ông, khi nhận ra sự dữ họ đã làm và ơn cứu độ mà Chúa ban cho họ, họ đều “đau đớn trong lòng” (Cv 2:37).

Sự thống hối là như thế: nó không phải là cảm giác tội lỗi khiến chúng ta chán nản hay bị ám ảnh bởi sự bất xứng của mình, mà là một “sự đâm thấu” ích lợi giúp thanh tẩy và chữa lành tâm hồn. Khi chúng ta nhận biết tội của mình, tâm hồn chúng ta có thể được mở rộng để đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, nguồn nước hằng sống tuôn trào trong chúng ta và khiến chúng ta rơi những giọt lệ. Những ai sẵn sàng “lột mặt nạ” và để cái nhìn của Thiên Chúa xuyên thấu tâm hồn họ sẽ nhận được ơn là những giọt nước mắt đó, dòng nước thánh khiết nhất sau những giọt nước của bí tích rửa tội. [1] Đây là mong muốn của tôi dành cho anh em, thưa các anh em linh mục thân yêu.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của việc khóc cho chính mình. Nó không có nghĩa là khóc lóc tủi thân, như chúng ta thường bị cám dỗ làm. Chẳng hạn khi chúng ta thất vọng hay buồn bã vì những hy vọng của chúng ta bị tan vỡ, khi chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm, thậm chí có thể bởi chính các linh mục bạn và bề trên của chúng ta hiểu lầm. Hoặc khi chúng ta có niềm vui kỳ lạ và thiếu lành mạnh khi nghiền ngẫm về những điều sai trái đã mắc phải, cảm thấy tiếc cho bản thân, tin rằng chúng ta không được đối xử như chúng ta đáng được nhận hoặc lo sợ rằng tương lai sẽ có thêm những bất ngờ khó chịu. Như Thánh Phaolô dạy chúng ta, đây là “nỗi buồn sầu của thế gian”, trái ngược với “nỗi buồn sầu của Chúa”. [2]

Ngược lại, khóc cho chính mình có nghĩa là thật sự ăn năn vì tội lỗi của chúng ta đã làm Chúa buồn lòng; thừa nhận rằng chúng ta luôn mắc nợ Thiên Chúa, thừa nhận rằng chúng ta đã xa rời con đường nên thánh và lòng trung thành với tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta. [3]

Nó có nghĩa là nhìn vào trong lòng và thống hối về sự vô ơn và thiếu trung thành của chúng ta, đồng thời đau buồn thừa nhận tính hai lòng, không trung thực và đạo đức giả của chúng ta. Thưa anh em, đạo đức giả của giáo sĩ là điều mà chúng ta thường xuyên rơi vào. Chúng ta cần phải chú ý đến thực tế này. Và một lần nữa hãy hướng ánh mắt của chúng ta về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và để cho tình yêu của Người chạm đến chúng ta, tình yêu luôn tha thứ và nâng đỡ, không bao giờ làm thất vọng niềm tin tưởng của những ai trông cậy nơi Người. Vì thế, nước mắt trào dâng và lăn xuống trên má chúng ta, chảy xuống để thanh lọc tâm hồn chúng ta.

Sự thống hối đòi hỏi nỗ lực nhưng mang đến bình an. Nó không phải là nguồn dẫn đến lo âu nhưng là chữa lành cho linh hồn, vì nó hoạt động như một loại dầu thơm xức trên những vết thương tội lỗi, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận sự âu yếm của Chúa, Đấng biến đổi “tấm lòng tan nát dày vò” (Tv 51:19), khi đã được làm mềm lại bởi nước mắt. Do đó, sự thống hối là liều thuốc giải cho bệnh “xơ cứng tim”, chứng cứng lòng mà Chúa Giêsu thường lên án (x. Mc 3:5; 10:5). Vì nếu không ăn năn và đau buồn, tâm hồn sẽ ra chai đá: ban đầu, nó trở nên cứng nhắc, thiếu kiên nhẫn trước các vấn đề và thờ ơ với mọi người, rồi sau đó trở nên lạnh lùng, dửng dưng và không thể xuyên thấu được, rồi cuối cùng biến thành đá. Tuy nhiên, giống như giọt nước có thể làm mòn đá, nước mắt cũng có thể dần dần làm mềm lại những tâm hồn chai đá. Bằng cách này, một “sự buồn sầu tốt lành” sẽ dẫn đến sự ngọt ngào một cách kỳ diệu.

Đến đây chúng ta có thể bắt đầu hiểu được tại sao các bậc thầy về đời sống thiêng liêng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống hối. Thánh Benedicto nói rằng, “trong nước mắt và than van hàng ngày, chúng ta phải thú nhận những tội lỗi trong quá khứ của chúng ta trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa”, [4] và nhận xét rằng trong cầu nguyện, “không phải bằng nhiều lời mà chúng ta được khoan dung lắng nghe, mà bằng chính tâm hồn thanh sạch và những giọt nước mắt ăn năn của chúng ta”. [5] Thánh Gioan Chrysostom nhấn mạnh rằng một giọt nước mắt có thể dập tắt ngọn lửa của tội, [6] trong khi Gương Chúa Kitô nói với chúng ta: “Hãy giục lòng thống hối ăn năn”, bởi vì “do tâm hồn khinh suất và bỏ bê những thiếu sót, chúng ta không cảm nhận được nỗi đau buồn của lòng mình”. [7] Sự thống hối là phương thuốc cho vấn đề này, vì nó đưa chúng ta trở lại với sự thật về chính bản thân, để những hố sâu tâm hồn tội nhân của chúng ta có thể bộc lộ một thực tế vô cùng lớn lao hơn đó là chúng ta được tha thứ bởi ân sủng – niềm vui được tha thứ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Thánh Isaac Nineveh nói: “Ai quên đi sự to lớn của tội lỗi mình là quên đi sự vĩ đại của lòng thương xót Chúa dành cho người đó”. [8]

Anh chị em thân mến, chắc chắn mọi sự đổi mới tâm hồn đều sinh ra từ cuộc gặp gỡ giữa nỗi đau đớn của con người chúng ta và lòng thương xót của Thiên Chúa, và nó phát triển qua sự nghèo khó về tinh thần cho phép Chúa Thánh Thần làm phong phú chúng ta. Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể nghĩ đến lời dạy rất rõ ràng của nhiều bậc thầy thiêng liêng, trong đó có Thánh Isaac: “Những ai thừa nhận tội của mình… thì cao trọng hơn những người nhờ lời cầu nguyện mà khiến kẻ chết sống lại. Những người khóc lóc một giờ vì tội của mình thì vĩ đại hơn những người phục vụ cả thế giới bằng cách chiêm niệm… Những người được ban phúc với sự hiểu biết về bản thân thì lớn lao hơn những người được ban phúc nhìn thấy các thiên thần”. [9]

Thưa các anh em linh mục, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi lòng thống hối và nước mắt đóng vai trò gì trong việc duyệt xét lương tâm và cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy hỏi liệu năm tháng trôi qua, nước mắt của chúng ta có tăng thêm hay không. Theo lẽ tự nhiên, càng lớn chúng ta càng ít khóc. Tuy nhiên, trong đời sống thiêng liêng, chúng ta được yêu cầu trở nên giống như trẻ thơ (x. Mt 18:3): nếu không biết khóc, chúng ta đi thoái lui và trở nên già nua trong lòng, trong khi những người với lời cầu nguyện trở nên đơn sơ và sâu sắc hơn, đặt nền tảng trong sự tôn thờ, và kinh ngạc trước sự hiện diện của Chúa, lớn lên và trưởng thành. Họ trở nên ít gắn bó với bản thân và gắn bó hơn với Đức Kitô. Trở nên nghèo khó trong tinh thần, họ đến gần những người nghèo, những người được Thiên Chúa yêu quý nhất. Như Thánh Phanxicô Assisi đã viết trong chúc thư của ngài, những người mà chúng ta từng giữ khoảng cách giờ đây trở thành những người bạn đồng hành thân yêu của chúng ta. [10] Vì vậy, những ai có lòng thống hối ăn năn thì ngày càng cảm thấy mình là anh chị em với tất cả các tội nhân trên thế giới, gạt bỏ vẻ bề trên và những phán xét khắc nghiệt, và đầy ước muốn cháy bỏng thể hiện tình yêu và đền bù.

Anh em thân mến, một khía cạnh khác của lòng thống hối là tình liên đới. Một tâm hồn vâng phục, được giải phóng bởi tinh thần của các Mối Phúc Thật, sẽ tự nhiên có xu hướng thực hành lòng sám hối đối với người khác. Thay vì cảm thấy tức giận và chướng mắt trước những vấp ngã của anh chị em chúng ta, tâm hồn đó khóc vì tội lỗi của họ. Một sự đảo ngược xảy ra, trong đó xu hướng khoan dung với bản thân và cứng nhắc với người khác bị đảo ngược và, nhờ ơn Chúa, chúng ta trở nên nghiêm khắc với chính mình và có lòng thương xót đối với người khác. Trên hết, Chúa tìm kiếm nơi những người thánh hiến cho Người những người nam nữ than khóc tội của Giáo Hội và của thế giới, và trở thành những người chuyển cầu cho mọi người. Biết bao chứng nhân anh dũng trong Giáo Hội đã chỉ cho chúng ta con đường này! Chúng ta nghĩ đến các vị ẩn tu sa mạc, ở phương Đông và phương Tây; liên tục chuyển cầu trong tiếng than van và nước mắt của Thánh Gregory Narek; lễ dâng của Thánh Phanxicô cho Tình yêu không được đền đáp; và rất nhiều linh mục, như Cha xứ Ars, đã sống cuộc đời sám hối vì ơn cứu độ cho người khác. Anh em thân mến, đây không phải là thi ca, mà là chức tư tế!

Anh em linh mục thân mến, từ chúng ta là những mục tử của Người, Chúa không mong muốn sự hà khắc, nhưng là tình yêu và nước mắt dành cho những ai lầm đường lạc lối. Nếu tâm hồn chúng ta cảm thấy thống hối, thì những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ và thiếu đức tin mà chúng ta gặp hàng ngày sẽ khiến chúng ta đáp lại không phải bằng sự lên án, mà bằng sự kiên trì và lòng thương xót. Chúng ta rất cần được giải thoát khỏi sự hà khắc và buộc tội, tính ích kỷ và tham vọng, cứng nhắc và thất vọng, để phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, và tìm thấy nơi Ngài sự bình tĩnh che chở chúng ta khỏi những cơn bão đang hoành hành xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy cầu nguyện, chuyển cầu và rơi nước mắt cho người khác; bằng cách này, chúng ta sẽ cho phép Chúa thực hiện những phép lạ của Người. Và chúng ta đừng sợ hãi, vì chắc chắn Người sẽ làm chúng ta ngạc nhiên!

Thừa tác của chúng ta sẽ trợ giúp trong việc này. Ngày nay, trong các xã hội thế tục của chúng ta, chúng ta có nguy cơ trở nên quá khích và đồng thời cảm thấy thiếu thốn, kết quả là chúng ta mất đi sự nhiệt tình và bị cám dỗ “rút mái chèo”, trú ẩn trong sự phàn nàn và chúng ta quên rằng Thiên Chúa lớn hơn nhiều so với mọi vấn đề của chúng ta. Khi điều đó xảy ra, chúng ta trở nên cay đắng và cáu kỉnh, luôn nói xấu và phàn nàn về mọi việc. Ngược lại, nếu sự cay đắng và thống hối không hướng về thế gian mà hướng tới tâm hồn chúng ta, thì Chúa sẽ đến thăm chúng ta và nâng chúng ta dậy. Đó chính là điều mà Gương Chúa Kitô khuyên chúng ta làm: “Đừng bận tâm đến việc của người khác, và đừng vướng vào việc của bề trên. Hãy chú ý chủ yếu đến chính mình và khiển trách bản thân thay vì khiển trách bạn bè. Nếu anh em không được lòng người ta, đừng để điều đó làm anh em buồn; tuy nhiên nếu bạn không cư xử tốt hoặc cẩn thận thì hãy coi đó là một vấn đề nghiêm trọng”. [11]

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh một điểm quan trọng khác: thống hối không hẳn là công việc của chúng ta mà là một ân sủng, và như vậy, nó phải được kiếm tìm trong cầu nguyện. Sự ăn năn là món quà của Thiên Chúa và công việc của Chúa Thánh Thần. Để giúp nuôi dưỡng tinh thần sám hối, tôi xin chia sẻ hai lời khuyên. Trước hết, chúng ta hãy ngừng nhìn cuộc sống và ơn gọi của chúng ta theo phương diện hiệu quả và kết quả tức thời, cũng như không bị cuốn vào những nhu cầu và mong đợi hiện tại; thay vào đó chúng ta hãy nhìn mọi thứ theo chân trời rộng lớn hơn của quá khứ và tương lai. Nhìn lại quá khứ, bằng cách nhớ lại sự trung tín của Thiên Chúa – Thiên Chúa rất trung tín –, nhớ đến sự tha thứ của Ngài và bám chặt vào tình yêu của Ngài. Nhìn về tương lai, bằng cách nhớ tới mục tiêu vĩnh cửu mà chúng ta được kêu gọi hướng tới, mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Anh em thân mến, việc mở rộng tầm nhìn sẽ giúp mở rộng tâm hồn chúng ta, dành thời gian cho Chúa và trải nghiệm lòng thống hối. Lời khuyên thứ hai của tôi tiếp nối từ lời khuyên thứ nhất.

Chúng ta hãy khám phá lại sự cần thiết phải vun trồng việc cầu nguyện, không như điều bắt buộc và mang tính chức năng, nhưng là sự tự do lựa chọn, thanh thản và kéo dài. Thưa anh em, đời sống cầu nguyện của anh em thế nào? Chúng ta hãy trở lại với việc tôn thờ. Anh em có quên tôn thờ Chúa không? Chúng ta hãy trở lại với việc cầu nguyện bằng trái tim. Chúng ta hãy lặp lại: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội. Chúng ta hãy cảm nhận sự cao cả của Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta nghĩ đến tội lỗi của chính mình và mở rộng tâm hồn để đón nhận sức mạnh chữa lành từ cái nhìn của Người. Khi đó chúng ta sẽ tái khám phá sự khôn ngoan của Mẹ Giáo Hội khi lời cầu nguyện của chúng ta luôn bắt đầu bằng lời của một người nghèo kêu lên: Lạy Chúa, xin đến giúp con!

Anh em thân mến, cho phép tôi kết thúc bằng việc trở lại với Thánh Phêrô và những giọt nước mắt của ngài. Bàn thờ mà chúng ta nhìn thấy phía trên mộ của ngài khiến chúng ta nghĩ đến chúng ta là các linh mục hằng ngày đọc: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” – thường làm thất vọng và làm buồn phiền Đấng yêu thương chúng ta đến độ biến đôi bàn tay chúng ta thành công cụ cho sự hiện diện của Người. Vì vậy, chúng ta nên lặp lại những lời cầu nguyện mà chúng ta thưa trong thinh lặng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con đang hết lòng khiêm nhường thống hối, và xin cho hy lễ chúng con dâng trước Tôn Nhan hôm nay được đẹp lòng Chúa”, và “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”. Tuy nhiên, thưa anh em, về mọi mặt, chúng ta được an ủi bởi sự chắc chắn được nói đến trong phụng vụ hôm nay: Chúa đã xức dầu tấn phong tôi (x. Lc 4:18), đã đến “để băng bó những tấm lòng tan nát” (Is 61:1). Nếu những tấm lòng bị tan nát, chắc chắn chúng có thể được Chúa Giêsu băng bó và chữa lành. Anh em linh mục thân mến, cảm ơn vì tấm lòng rộng mở và vâng phục của anh em. Cảm ơn vì tất cả công việc khó khăn và những giọt nước mắt của anh em. Cảm ơn anh em vì anh em đã mang đến phép lạ của lòng thương xót của Chúa. Hãy luôn tha thứ. Hãy thương xót. Hãy mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với anh chị em chúng ta trong thế giới ngày nay. Anh em linh mục thân yêu, xin Chúa an ủi anh em, củng cố và ban thưởng cho anh em. Cảm ơn anh em!

__________________________________________________


[1] “The Church possesses water and tears: the waters of Baptism and the tears of Penance (SAINT AMBROSE, Epistula extra collectionem, I, 12).

[2] “For godly grief produces a repentance that leads to salvation and brings now regret, but worldly grief produces death” ( 2 Cor 7:10).

[3] Cf. SAINT JOHN CHRYSOSTOM, De compunctione, I, 10.

[4] Rule, IV, 57.

[5] Ibid., XX, 3.

[6] Cf. De poenitentia, VII, 5.

[7] Ch. XXI.

[8] Ascetical Homilies (III Coll.), XII.

[9] Ascetical Homilies (I coll.), XXXIV (Greek).

[10] Cf. FF 110.

[11] Ch. XXI.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/3/2024]


Đức Thánh Cha Phanxicô nuôi dưỡng các nhân đức Công giáo trong bức tranh nghệ thuật đường phố Mùa Chay

Đức Thánh Cha Phanxicô nuôi dưỡng các nhân đức Công giáo trong bức tranh nghệ thuật đường phố Mùa Chay

Đức Thánh Cha Phanxicô nuôi dưỡng các nhân đức Công giáo trong bức tranh nghệ thuật đường phố Mùa Chay

© Maupal via Dicastery for Promoting Integral Human Development

J-P Mauro

26/03/24


Vatican đánh dấu khởi đầu của Tuần Thánh bằng bức tranh vẽ thứ bảy của anh Maupal và cũng là bức vẽ cuối cùng, kết thúc chiến dịch nghệ thuật Mùa Chay độc đáo.

Khi Mùa Chay bước vào phần cuối của Tuần Thánh, Vatican đã công bố bức tranh vẽ minh họa cuối cùng về sứ điệp Mùa Chay 2024 của Đức Thánh Cha: “Vượt qua sa mạc, Thiên Chúa dẫn chúng ta đến tự do”.

Tất cả tác phẩm nghệ thuật này đều đến từ bàn tay của nghệ sĩ đường phố người Ý Maupal, được đăng trên trang web của Bộ Phát triển Con người Toàn diện, cơ quan tổ chức sự hợp tác.

Trong bức vẽ thứ bảy và cũng là cuối cùng của anh Maupal, Đức Giáo hoàng Phanxicô đứng vị trí trung tâm, tưới nước cho những cây non mới bắt đầu phát triển. Những chậu cây được dán nhãn “Đức tin”, “Hy vọng” và “Bác ái”, những nhân đức đối thần của Giáo hội. Ánh mắt Đức Thánh Cha nhìn thẳng vào mắt người xem khi ngài tưới cây, với nụ cười mời gọi mỗi người chúng ta tham gia vào việc nuôi dưỡng các nhân đức trong cuộc sống của mình, và từ đó, chúc lành cho ngôi nhà chung của chúng ta, như chúng ta đã được hướng dẫn trong thông điệp Laudato Si năm 2015 của ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô nuôi dưỡng các nhân đức Công giáo trong bức tranh nghệ thuật đường phố Mùa Chay


Trong số tất cả các bức vẽ mà anh Maupal đã sáng tác cho Mùa Chay, cho đến nay bức vẽ này có nhiều người nhất. Xung quanh Đức Giáo hoàng là một đám đông lớn, với 34 nhân vật riêng biệt và một biển bóng người màu xám tạo ấn tượng về một đám đông của Ngày Giới trẻ Thế giới. Nó có thể là đa dạng nhất, cả về mặt nghệ thuật. Các nhân vật này thể hiện nhiều công việc khác nhau và đường nét thể hiện các phong cách khác nhau, cho thấy sự đa dạng phong phú của Đức tin Công giáo, đi vào các nền văn hóa khắp nơi trên thế giới.

Trên trang web của Bộ, thông báo về tác phẩm nghệ thuật mới hướng đến một đoạn trong Thông điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó ngài nhắc nhở rằng “lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận cùng là một tình yêu”. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu “dừng lại trước mặt Thiên Chúa bên cạnh người lân cận của chúng ta”.

Nếu bạn muốn xem các tác phẩm nghệ thuật của các tuần trước, hãy truy cập các liên kết sau: Tuần 1, Tuần 2, Tuần 3, Tuần 4, Tuần 5, Tuần 6.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2024]