Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bế mạc đại hội đặc biệt Thượng Hội đồng Giám mục Vùng Pan-Amazon

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bế mạc đại hội đặc biệt Thượng Hội đồng Giám mục Vùng Pan-Amazon
Vatican Media Screenshot

Huấn từ Kinh Truyền Tin: Bế mạc hội nghị đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục Vùng Pan-Amazon

‘Tiếng kêu của người nghèo, cùng với tiếng kêu của trái đất, đã thấu đến chúng ta từ Amazon . . . Chúng ta không thể làm như chúng ta không nghe thấy’

27 tháng Mười, 2019 15:14

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT huấn từ của Đức Phanxico hôm nay trước và sau giờ Kinh Truyền Tin với những người tập trung trong Quảng trường Thánh Phê-rô.


* * *

Trước Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thánh Lễ được cử hành sáng nay trong Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô đã khép lại Hội nghị Đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về Vùng Pan-Amazon. Bài đọc một, trích sách Huấn ca, nhắc nhở chúng ta về điểm khởi đầu của hành trình này: lời kêu cầu của người nghèo đã “vọng tới các tầng mây,” vì “Đức Chúa lắng nghe tiếng kêu cầu của người bị áp bức” (Hc 35:21.16). Tiếng kêu của người nghèo, cùng với tiếng kêu của trái đất, đã thấu đến chúng ta từ vùng Amazon. Sau ba tuần vừa qua, chúng ta không thể làm như chúng ta chưa nghe thấy. Những tiếng kêu của người nghèo, cùng với tiếng kêu của rất nhiều người khác trong và ngoài Hội nghị của Thượng Hội đồng — các mục tử, những người trẻ, các nhà khoa học — thúc bách chúng ta không được giữ thái độ thờ ơ. Chúng ta thường nghe thấy câu nói “Muộn vẫn chưa phải là quá trễ”: không thể giữ nó là câu khẩu hiệu.

Thượng Hội đồng vừa qua là gì? Như từ ngữ nói lên, nó là về một sự đồng hành với nhau, được nâng niu bởi tính can đảm và những an ủi đến từ Thiên Chúa. Chúng tôi cùng đồng hành và nhìn vào nhau trong đôi mắt và lắng nghe nhau trong sự chân thành, không giấu giếm những khó khăn, trải nghiệm việc tiến bước ra bên ngoài, hiệp nhất để phục vụ. Trong bài đọc hai hôm nay, Thánh Tông đồ Phaolo khuyến khích chúng ta điều này: trong thời khắc đau khổ, khi ngài biết rằng ngài “sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi” (x. 2 Tm 4:6), ngài viết: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (c. 17). Chúng ta thấy khát khao cuối cùng của Phaolo: không phải một điều gì đó cho bản thân hay cho một trong những người thân cận của mình, nhưng cho Tin mừng, để Tin mừng được công bố cho mọi dân tộc. Đây là điều phải được đặt trên hết mọi việc và quan trọng hơn tất cả. Mỗi người chúng ta sẽ được hỏi nhiều lần rằng điều tốt đẹp để làm trong đời một người là gì. Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi bản thân: “Tôi có thể làm điều gì cho Tin mừng?” Chúng tôi được hỏi điều này trong Thượng Hội đồng, khao khát mở ra những con đường mới cho việc loan báo Tin mừng. Và trước hết, chúng ta cảm nhận sự cần thiết, giống như người thu thuế trong Tin mừng hôm nay (x. Lc 18:13-14), đứng trước mặt Chúa, đặt Người vào trung tâm, ở phạm vi cá nhân, và Giáo hội, vì chúng ta chỉ rao truyền những gì chúng ta sống. Và để sống theo Chúa Giê-su, để sống theo Tin mừng, điều cần thiết là phải thoát ra khỏi con người của mình. Để chúng ta cảm nhận thấy sự thôi thúc ra khơi, bỏ lại những bờ biển tiện nghi của những bến cảng an toàn, để đi vào những vùng biển sâu: không phải là những vũng đầm lầy của hệ tư tưởng, nhưng là biển khơi rộng mở trong đó Thần Khí mời gọi chúng ta quăng lưới. Đi ra biển sâu là để cho bản thân mình được thách thức bởi tính mới mẻ của nó; đó chính là đáp lời lại cho tiếng gọi hãy thoát ra khỏi con người của mình và những kế hoạch của mình để Tin mừng tỏa rạng vào trung tâm theo phong cách của nó: nghèo trong chủ nghĩa cấp tiến, rao giảng trong mục vụ, công đồng tính trong sự hiệp nhất.

Với hành trình trước mắt, chúng ta khẩn xin Mẹ Maria Đồng trinh, được tôn kính và yêu mến như là Nữ vương của Amazonia. Mẹ được tôn kính như vậy không bởi sự chế ngự nhưng bởi “sự hội nhập”: với lòng can đảm khiêm nhường của một người mẹ, Mẹ đã trở thành người bảo vệ cho những người nhỏ bé, người bảo vệ cho những người bị áp bức. Chúng ta dâng lên Mẹ, là Đấng đã chăm sóc Chúa Giê-su trong căn nhà nghèo khó làng Na-da-rét, những đứa con nghèo khó nhất và Ngôi nhà chung của chúng ta. Nguyện xin Mẹ, người phụ nữ của hy vọng, can thiệp để Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta, Đấng làm cho mọi điều trở nên mới bằng sự sáng tạo ngọt ngào của Người.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2019]


Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ quyền của trẻ em

Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ quyền của trẻ em
Archbishop Auza - Holy See Mission Photo

Tòa Thánh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ quyền của trẻ em

Bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Auza tại LHQ

15 tháng Mười, 2019 00:41

Ngày 10 tháng Mười, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, có bài phát biểu trước Ủy ban thứ ba của Phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc về Chương trình hành động Mục 68 (a,b), là mục nói riêng về việc Thăng tiến và Bảo vệ Quyền của Trẻ em. Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông Fredrik Hansen.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza trình bày rằng việc kỷ niệm năm thứ ba mươi Công ước về Quyền Trẻ em là một cơ hội để phản ánh về sự đóng góp quan trọng của Công ước trong việc thăng tiến và bảo vệ quyền và phẩm giá của trẻ em trên toàn thế giới. Ngài nói Công ước chân nhận gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và trẻ em ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức, với nhiều em vẫn bị từ chối các quyền do nạn nghèo khổ, xung đột, bất bình đẳng, và những cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ngài khen ngợi bài báo cáo của ông Tổng Thư ký vì nó tập trung vào những trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tôn trọng những quyền của cha mẹ liên quan đến việc giáo dục con cái của họ và bày tỏ sự lo ngại đối với những chương trình “giáo dục giới tính toàn diện” hiện đang được quảng bá, lưu ý rằng việc giáo dục giới tính là quyền, bổn phận trách nhiệm của cha mẹ.


Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa ông chủ tịch,

Ba mươi năm trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã thực hiện một cam kết lịch sử dành cho trẻ em trên thế giới qua việc phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em, “tài liệu rất phù hợp và đáng tán dương” này [1] đã trở thành hiệp ước nhân quyền được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử và giúp bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và những sự quan tâm đối với trẻ em trên toàn thế giới.

Tòa Thánh xem kỷ niệm năm thứ ba mươi việc thông qua Công ước như là “một cơ hội tuyệt vời để phản ánh nghiêm túc về những bước đi đã được thực hiện để bảo vệ hạnh phúc cho những thành viên nhỏ bé và sự phát triển về xã hội và trí tuệ, cũng như sự phát triển thể chất, tâm lý và tinh thần của các bé.”[2] Sự phản ánh này rất quan trọng vì dù đã có những tiến bộ đạt được, nhưng nhiều trẻ em vẫn bị từ chối các quyền do nạn nghèo khó, xung đột, bất bình đẳng, và những cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Thưa ông Chủ tịch,

Phái đoàn của tôi xin cảm ơn ông Tổng Thư ký vì ông hướng sự tập trung đặc biệt vào “những trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ” trong bài báo cáo của ông về Tình trạng của Công ước về Quyền Trẻ em.[3] Chủ đề này rất hợp với ngày nay, vì trẻ em và các xã hội tiếp tục chịu đựng những hậu quả nặng nề theo sau sự đổ vỡ của gia đình và việc chăm sóc của cha mẹ sau đó. Bản báo cáo cho thấy rõ rằng trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ có thể dễ dàng gặp phải sự loại trừ, bạo lực, lạm dụng, thờ ơ, và bóc lột. Nó cũng cho thấy rằng một số Chính phủ đang đầu tư vào những chương trình cải cách được soạn thảo và bổ sung kỹ lưỡng dành riêng cho việc hỗ trợ đời sống gia đình, giúp ngăn chặn sự chia ly gia đình hoặc ly dị và giảm bớt nhu cầu của sự chăm sóc thay thế.

Một báo cáo nghiên cứu toàn cầu về trẻ em bị tước đoạt mất quyền tự do đã cho thấy rõ rằng “không nên đưa trẻ em vào các cơ sở từ thiện để nhận được sự chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phục hồi hay điều trị, vì nó không thể thay thế cho những ích lợi của sự phát triển trong một gia đình”.[4] Những nguyên tắc hướng dẫn của Công ước về Quyền Trẻ em chân nhận gia đình như là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội. Mọi việc phải được thực hiện để bảo đảm rằng trẻ em được phát triển trong một môi trường gia đình nơi mà các em nhận được sự yêu thương, bảo vệ, và an toàn. Đức giáo hoàng Phanxico nói: “một xã hội phát triển mạnh hơn và tốt hơn, phát triển trong cái đẹp và trong sự thật khi nó triển nở dựa trên nền tảng của gia đình”[5]. Nếu trẻ em, vì bất cứ lý do gì, không thể lớn lên trong một gia đình, các Chính phủ phải hết sức thận trọng và đưa ra những nguồn tài nguyên sẵn có tốt nhất để bảo đảm rằng các em được chăm sóc trong môi trường phù hợp nhất cho việc học hành, sự phát triển toàn diện, và sự hạnh phúc nói chung.

Do vậy, Công ước công nhận nguyên tắc rằng “cả cha mẹ đều có những trách nhiệm chung trong việc giáo dục và phát triển của đứa trẻ.”[6] Họ có quyền ưu tiên “chọn loại hình giáo dục cho con cái của họ”[7] và nền giáo dục phải bao gồm “sự phát triển lòng tôn trọng dành cho cha mẹ của đứa trẻ.”[8] Liên quan đến vấn đề này, Phái đoàn của tôi vô cùng lo lắng về những chương trình được gọi là “giáo dục giới tính toàn diện” không tôn trọng quyền của cha mẹ và thường thúc đẩy những chương trình hành động không phù hợp với những nhu cầu giáo dục của một đứa trẻ. Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxico đã cảm thán rằng “những mối quan hệ học đường giữa cha mẹ và thầy cô đã bị hao mòn. Có những lúc nổi lên sự căng thẳng và mất lòng tin với nhau; và theo tự nhiên hậu quả rơi vào trẻ em.”[9] Điều này phải thay đổi. “Trách nhiệm và quyền của cha mẹ giáo dục con cái của họ bao gồm sự tự do lựa chọn trường học hoặc những phương tiện cần thiết (chẳng hạn, việc dạy con tại nhà [hoặc chọn cho con không theo học một khóa học hay chương trình nào đó]), phù hợp với niềm tin tôn giáo hoặc đạo đức của cha mẹ.”[10] Việc giáo dục trẻ em, nam và nữ, bao gồm tình yêu thương con người đích thực, giới tính con người, tình yêu hôn nhân, và những vấn đề liên quan phải là quyền, trách nhiệm và bổn phận căn bản và nền tảng của cha mẹ.

Thưa ông Chủ tịch,

Tòa Thánh khẳng định trong Tuyên ngôn thông qua Công ước về Quyền Trẻ em của mình rằng “Công ước thể hiện những nguyên tắc trước đây đã được Liên Hợp quốc phê chuẩn, và một lần nữa lại có hiệu lực như một văn kiện được phê duyệt, sẽ bản đảm quyền của trẻ em trước cũng như sau khi chào đời.” Đây vẫn là cam kết và hy vọng mãi mãi của Tòa Thánh.

Cảm ơn ông Chủ tịch.

_________________

[1] Tuyên ngôn của Tòa Thánh về việc thông qua Công ước về quyền Trẻ em, trích dẫn lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II ngày 26 tháng Tư năm 1984.

[2] Đức Thánh Cha Phanxico, Diễn từ trước Ngoại giao đoàn chính thức tại Tòa Thánh ngày 7 tháng Một năm 2019.

[3] A/74/231.

[4] Báo cáo của Chuyên viên Độc lập dẫn đầu nghiên cứu toàn cầu về trẻ em bị tước đoạt mất quyền tự do: Ghi chú bởi ông Tổng Thư ký.

[5] Đức Phanxico, Huấn từ trong đại hội các gia đình, Philadelphia, 26 tháng Chín năm 2015.

[6] Mục 18 của Công ước về Quyền Trẻ em.

[7] Lời nói đầu của Công ước về Quyền Trẻ em.

[8] Mục 29 (1) (c) của Công ước về Quyền Trẻ em.

[9] Đức Thánh Cha Phanxico, Tiếp Kiến chung Thứ Tư, 20 tháng Năm, 2015.

[10] Báo cáo Thường kỳ của Tòa Thánh cho Ủy ban về Quyền Trẻ em, CRC/C/VAT/2, 22 tháng Mười, 2012, đoạn 23.k; X. Chương nói về Quyền của Gia đình (1983), mục 5.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2019]