Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương

Sergey-73 | Shutterstock

Marinella Bandini

08/03/21

Nhà thờ Chặng đàng Ngày 20: Theo truyền thống, Thánh Máccô đã sống ở đây và viết Tin Mừng của ngài.


Aleteia mời bạn thực hiện một chuyến hành hương Mùa Chay trên internet đi qua 42 nhà thờ chặng đàng của Roma: mỗi ngày một nhà thờ, từ 17 tháng Hai đến 11 tháng Tư.

Ngày 20

Vương cung thánh đường Thánh Máccô Tác giả Tin mừng ở Roma nằm cách Piazza Venezia (quảng trường Venice) vài bước chân, mặc dù nhà thờ nằm khá khuất. Theo truyền thống, Thánh Máccô đã sống ở đây và viết Tin Mừng.

Vương cung thánh đường được xây dựng bởi Đức Giáo hoàng Mark vào năm 336, để tôn vinh thánh bổn mạng của ngài là Thánh Máccô. Việc sửa chữa do Đức Gregory IV ủy thác vào năm 833 là rất quan trọng, có lẽ sau khi di chuyển thi hài Thánh Máccô từ Alexandria đến Venice.

Bức tranh khảm trên cung thánh có từ thời kỳ này, với Chúa Kitô ở giữa và Thánh Máccô và Đức Gregory IV ở bên phải của Người, Đức Gregory IV đã thiết kế mẫu của vương cung thánh đường. Chính đức Phaolô IV, một người gốc Venice, đã cho nhà thờ có hình dạng hiện tại. Vương cung thánh đường lưu giữ một số thánh tích của Thánh Máccô và của các vị tử đạo người Ba Tư là Abdon và Semnen, bị giết trong cuộc bách hại của Decius. Điều này làm cho nhà thờ gần như trở thành một cầu nối tự nhiên với Phương Đông.

Trước đây, tượng của bà Lucrezia được đặt phía trước nhà thờ — ngày nay ở bên hông. Bà là một trong những “bức tượng biết nói” của Roma, nơi người ta dán những tờ giấy để lên tiếng chỉ trích và châm biếm những nhân vật của công chúng thời bấy giờ.

Từ vương cung thánh đường này, vào ngày 25 tháng Tư, đoàn rước “Rogations of St. Mark” xuất phát theo một lộ trình kết thúc tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, “để làm Chúa nguôi giận và Người đoái thương đến chúng ta để Người tha thứ cho tội lỗi của chúng ta, dừng lại những hình phạt của Người, và chúc phúc cho hoa trái trên mặt đất.” (Giáo lý của Thánh Piô X)

Chúng ta hãy tham gia đoàn rước này để cầu xin ơn tha thứ và phúc lành.

* Phối hợp với Văn phòng Truyền thông Xã hội của Khu Tông tòa Roma.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio, ở Roma. Theo truyền thống, nhà thờ được xây dựng trên vị trí Thánh Máccô đã sống và viết Tin Mừng.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio, ở Roma, cách Quảng trường Venice vài bước chân

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio. Chính Đức Phaolô IV, một người Venice, đã cho nhà thờ có hình dạng hiện tại.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio. Từ đây, cuộc rước "Rogations of St. Mark" khởi hành.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio. Một bức tranh khảm ở cung thánh (thế kỷ thứ 9). Đứng gần bên tay phải của Chúa Kitô là Thánh Máccô, cùng với Đức Gregory IV, người dâng lên Đức Kitô mẫu thiết kế của vương cung thánh đường.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio. Một bức tranh (của họa sĩ Jaume Huguet, 1460) trong nhà thờ Catalonia mô tả hai vị tử đạo người Ba Tư, thánh tích của hai vị có trong Vương cung Thánh đường San Marco.

Viếng Vương cung Thánh đường Thánh Máccô, một cầu nối với Đông Phương
Vương cung thánh đường San Marco Evangelista al Campidoglio. Trong quá khứ bức tượng Bà Lucrezia được đặt trước nhà thờ. Nó là một trong những “bức tượng biết nói” của Roma.

Quý vị đọc về truyền thống của các nhà thờ chặng đàng ở đây. Và xem các nhà thờ trước đây trong cuộc hành hương ở đây.

[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/4/2021]


Sứ điệp Phục Sinh 2021 Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Phục Sinh 2021 Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô
Phục Sinh 2021

Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Phục Sinh, 4 tháng Tư, 2021




Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Phục Sinh tốt lành, hạnh phúc và bình an!

Hôm nay, trên khắp thế giới, lời loan báo của Giáo hội lại vang lên: “Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại như lời Người đã nói. Alleluia!”

Thông điệp Phục sinh không cung cấp cho chúng ta một ảo ảnh hoặc cho thấy một công thức ảo thuật. Nó không chỉ ra một lối thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta đang trải qua. Đại dịch vẫn đang lan rộng, trong khi cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội vẫn còn rất xấu, đặc biệt đối với người nghèo. Tuy nhiên – và điều này thật đáng hổ thẹn – những cuộc xung đột vũ trang vẫn chưa kết thúc và các kho vũ khí quân sự đang được tăng cường. Đó là điều ô nhục của ngày nay.

Khi đứng trước, hoặc tốt hơn nữa là giữa thực tại phức tạp này, thông điệp Phục sinh trình bày một cách gãy gọn về biến cố mang lại cho chúng ta niềm hy vọng không làm thất vọng: “Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại”. Thông điệp nói với chúng ta không phải về thiên thần hay bóng ma, mà là về một con người, một con người bằng xương bằng thịt, có một khuôn mặt và cái tên: Giêsu. Tin Mừng làm chứng rằng Đức Giêsu, bị đóng đinh dưới thời Phongxiô Philatô vì tuyên bố Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, đã sống lại vào ngày thứ ba đúng như lời Kinh thánh, cũng như Ngài đã báo trước cho các môn đệ.

Chúa Giêsu bị đóng đinh, không phải ai khác, đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa Cha đã làm cho Chúa Giêsu, Con của Người, trỗi dậy, vì Ngài đã kiện toàn ý muốn cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta, sự mỏng giòn của chúng ta, thậm chí là cái chết của chúng ta. Ngài đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta và gánh nặng tội lỗi của chúng ta. Vì điều này, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài và bây giờ Chúa Giêsu Kitô sống đời đời; Ngài là Chúa.

Các nhân chứng thuật lại một chi tiết quan trọng: Chúa Giêsu Phục sinh mang những dấu thương ở trên tay, chân và cạnh sườn của Ngài. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh cửu cho tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua cơn thử thách đau đớn về thể xác hoặc tinh thần đều có thể tìm thấy nơi nương tựa trong những vết thương này, và nhờ đó nhận được ân sủng của niềm hy vọng không làm thất vọng.

Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng cho tất cả những ai đang tiếp tục phải chịu đau khổ vì đại dịch, cả những người bệnh và người đã mất đi những người thân yêu của họ. Xin Chúa ban cho họ sự an ủi và nâng đỡ những nỗ lực anh dũng của các bác sĩ và y tá. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, cần được hỗ trợ và có quyền được tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong các thời gian này khi tất cả chúng ta được kêu gọi để chống lại đại dịch. Vaccine là một công cụ cần thiết trong cuộc chiến đó. Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, với tinh thần trách nhiệm toàn cầu, cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phân phối vaccine và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vaccine, đặc biệt trong các quốc gia nghèo nhất.

Chúa bị đóng đinh và phục sinh là niềm an ủi cho những người bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn nặng nề về kinh tế và thiếu sự bảo trợ xã hội đầy đủ. Xin Ngài thôi thúc các cơ quan công quyền hành động để tất cả mọi người, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, sẽ được cung cấp sự trợ giúp cần thiết để có một mức sống tốt. Thật đáng buồn, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể số người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn con người.

“Người nghèo dưới mọi hình thức phải bắt đầu hy vọng một lần nữa”. Thánh Gioan Phaolô II đã nói những lời này trong chuyến thăm Haiti của ngài. Đó cũng chính là người dân Haiti thân yêu mà tôi hướng suy nghĩ của tôi về họ trong những ngày này. Tôi thúc giục họ đừng để bị áp đảo trước các khó khăn, nhưng hãy vững tin và hy vọng nhìn về tương lai. Và suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến anh chị em, thưa anh chị em Haiti thân yêu. Tôi gần gũi với anh chị em và tôi muốn có giải pháp dứt điểm cho các vấn đề của anh chị em. Tôi đang cầu nguyện cho điều này, thưa anh chị em Haiti thân mến.

Chúa Giêsu Phục Sinh cũng là niềm hy vọng cho tất cả những thanh thiếu niên bị buộc phải rời đi trong một thời gian dài mà không được đến trường hoặc đại học, hoặc có thời gian dành cho bạn bè. Trải nghiệm những mối tương quan thật sự giữa con người với nhau, không phải là những mối tương quan ảo, là điều mà ai cũng cần, đặc biệt là ở lứa tuổi khi đặc điểm và tính cách của một người đang được hình thành. Chúng tôi đã nhận thấy rõ điều này hôm thứ Sáu vừa qua, trong lời nguyện các Chặng Đàng Thánh Giá do các em viết. Cha bày tỏ sự gần gũi của cha với tất cả các bạn trẻ trên toàn thế giới, và đặc biệt trong những ngày này là các bạn trẻ của Myanmar cam kết ủng hộ nền dân chủ và làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe một cách hòa bình, biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể xua tan hận thù.

Xin ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh là nguồn tái sinh cho những người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói cùng cực. Chúng ta hãy nhận ra trên khuôn mặt của họ là khuôn mặt đau khổ và sây sát của Chúa khi Ngài đi trên con đường dẫn lên đồi Canvê. Cầu mong họ không bao giờ thiếu những dấu hiệu cụ thể của tình liên đới và tình huynh đệ nhân loại, một lời cam kết chiến thắng của sự sống trên cái chết mà chúng ta cử hành ngày hôm nay. Tôi cảm ơn các quốc gia đã quảng đại tiếp nhận những người đau khổ và đang tìm kiếm nơi nương tựa. Đặc biệt là Li Băng và Jordan đang tiếp nhận nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria.

Xin cho người dân Li Băng, những người đang trải qua thời kỳ khó khăn và bất ổn, cảm nhận được sự an ủi của Chúa Phục Sinh và tìm được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế trong ơn gọi trở thành một miền đất của sự gặp gỡ, chung sống và đa nguyên.

Xin Chúa Kitô là sự bình an của chúng ta chấm dứt cuộc đụng độ vũ trang ở đất nước Syria thân yêu và bị chiến tranh tàn phá, nơi hàng triệu người hiện đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo; ở Yemen, nơi tình hình đã vấp phải sự im lặng đáng hổ thẹn; và ở Libya, là đất nước có thể hy vọng rằng một thập kỷ xung đột và đụng độ đẫm máu có thể kết thúc. Ước mong tất cả các bên liên quan thực sự cam kết chấm dứt xung đột và cho phép các dân tộc bị chiến tranh tàn phá được sống trong hòa bình và bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước của họ.

Sự Phục Sinh theo tự nhiên đưa chúng ta đến Giêrusalem. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho hòa bình và an ninh cho Giêrusalem (xem Tv 122), để nó có thể duy trì tiếng gọi của nó là một nơi gặp gỡ, nơi tất cả mọi người có thể coi nhau như anh chị em, và là nơi người Israel và người Palestine sẽ tái khám phá sức mạnh của đối thoại để đạt được một giải pháp ổn định sẽ cho phép hai nhà nước tồn tại song song trong hòa bình và thịnh vượng.

Trong ngày lễ này, suy nghĩ của tôi cũng hướng về Iraq, nơi tôi đã rất vui mừng được đến thăm vào tháng trước. Tôi cầu nguyện rằng đất nước có thể tiếp tục đi theo con đường hòa bình và từ đó thực hiện ước mơ của Thiên Chúa về một gia đình nhân loại hiếu khách và chào đón tất cả con cái của Người.[1]

Nguyện xin sức mạnh của Chúa Phục sinh nâng đỡ các dân tộc ở Châu Phi đang nhìn thấy tương lai của họ bị tổn hại bởi bạo lực trong nước và khủng bố quốc tế, đặc biệt là ở Sahel và Nigeria, cũng như ở Tigray và vùng Cabo Delgado. Cầu mong các nỗ lực giải quyết xung đột một cách hòa bình được tiếp tục, tôn trọng quyền con người và tính thiêng liêng của sự sống, thông qua đối thoại huynh đệ và mang tính xây dựng trong tinh thần hòa giải và đoàn kết thực sự.

Vẫn còn quá nhiều chiến tranh và quá nhiều bạo lực trên thế giới! Xin Chúa, Đấng là sự bình an của chúng ta, giúp chúng ta vượt qua não trạng chiến tranh. Xin Người ban cho tù nhân của các cuộc xung đột, đặc biệt là ở miền đông Ukraine và Nagorno-Karabakh, có thể an toàn trở về gia đình, và Người có thể thúc đẩy để các nhà lãnh đạo thế giới kiềm chế cuộc chạy đua tìm kiếm vũ khí mới. Hôm nay, ngày 4 tháng Tư, đánh dấu Ngày quốc tế nâng cao nhận thức chống lại mìn sát thương, những thiết bị âm thầm và khủng khiếp giết chết hoặc làm tàn phế nhiều người vô tội mỗi năm, và ngăn cản nhân loại không được “cùng nhau bước trên con đường của sự sống mà không sợ mối đe dọa hủy diệt và chết chóc!”[2] Thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn biết bao nếu không có những công cụ chết chóc này!

Anh chị em thân mến, năm nay một lần nữa, tại nhiều nơi khác nhau nhiều Kitô hữu đã cử hành Lễ Phục sinh với những hạn chế nghiêm ngặt, và có lúc không thể tham dự các cử hành phụng vụ. Chúng ta hãy cầu nguyện rằng những hạn chế đó, cũng như tất cả những hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tự do tôn giáo trên toàn thế giới, có thể được dỡ bỏ và mọi người được phép tự do cầu nguyện và ca khen Thiên Chúa.

Giữa bao gian khó mà chúng ta đang chịu đựng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã được chữa lành bởi những vết thương của Đức Kitô (xem 1 Pr 2:24). Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi trước đây có sự chết, bây giờ có sự sống. Nơi trước đây có sự than khóc, bây giờ có ủi an. Khi ôm lấy thập giá, Chúa Giêsu ban tặng ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện rằng lợi ích của sự chữa lành đó sẽ tỏa lan khắp thế giới. Chúc tất cả anh chị em Lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và bình an!

____________________________________________

[2] Gioan Phaolô II, Kinh Truyền tin, 28 tháng Hai, 1999.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/4/2021]