Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021


Buổi Tiếp Kiến chung hôm nay diễn ra trong Khán phòng Phaolô VI, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu đến từ Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trước giờ Tiếp Kiến chung, Đức Thánh Cha Phanxicô đến Vương cung Thánh đường để chào những người tham gia cuộc hành hương Madonna della Medaglia Miracolosa, do gia đình Thánh Vinh Sơn của Ý tổ chức, những người hành hương của Hiệp hội Bisceglie Gioan Phaolô II, và đại diện Hiệp hội Nạn nhân Bạo lực của Ý.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thánh Giuse, tập trung vào chủ đề: “Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ” (Bài đọc Kinh Thánh: Mt 1:12-16).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

______________________________________

Tiếp Kiến chung của Đức Thánh Cha Phanxicô, 24.11.2021

Đức Thánh Cha chào các nhóm tín hữu trong Vương cung Thánh đường

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cha rất vui được chào mừng anh chị em trong Vương cung Thánh đường này, và gửi đến từng người trong anh chị em lời chào mừng nồng ấm.

Cha chào Gia đình Thánh Vinh Sơn từ khắp nước Ý đã cổ vũ cuộc hành hương Madonna della Medaglia Miracolosa đến tất cả các vùng của nước Ý, cùng với các giáo phận và giáo xứ. Trong những tháng đại dịch này, sứ mệnh của anh chị em đã mang lại niềm hy vọng, giúp cho nhiều người cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha đặc biệt nghĩ đến những người cô đơn, bệnh nhân trong các bệnh viện, những người trong tù, trong các trung tâm tiếp nhận và các vùng ngoại vi cuộc sống. Cảm ơn anh chị em, vì anh chị em đã làm chứng cho phong cách của “Giáo hội lên đường” đến với tất cả mọi người, bắt đầu từ những người bị loại trừ và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Hãy tiếp tục con đường này và mở rộng lòng hơn nữa trước hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho anh chị em sức mạnh để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng cách táo bạo.

Cha chào anh chị em hành hương của Hiệp hội Bisceglie Gioan Phaolô II. Anh chị em thân mến, hãy noi gương Thánh Giáo Hoàng, và cố gắng hiểu thấu và chào đón tình yêu của Thiên Chúa, là nguồn cội và lý do cho niềm vui đích thực của chúng ta. Hiệp thông với các cha xứ của anh chị em, hãy loan báo Chúa Kitô bằng cuộc sống của mình, trong gia đình và trong mọi môi trường.

Cuối cùng cha gửi lời chào tới Hiệp hội các Nạn nhân Bạo lực của Ý. Anh chị em thân mến, cha cảm ơn anh chị em đã giúp đỡ và hỗ trợ những người bị ngược đãi và những người đang sống trong cảnh đau khổ và thiếu thốn. Bạo lực thật là xấu xa; thái độ bạo lực là vô cùng xấu xa. Với công việc quan trọng của mình, anh chị em đã góp phần xây dựng một xã hội công bằng và cảm thông hơn. Ước mong rằng tấm gương của anh chị em sẽ truyền cảm hứng cho nỗ lực đổi mới của tất cả mọi người, để các nạn nhân của bạo lực được bảo vệ và những đau khổ của họ được lưu tâm và lắng nghe.

Và cảm ơn tất cả anh chị em vì chuyến viếng thăm này! Ngay tại Vương cung Thánh đường ở đây, thật là đẹp… Cha ban phép lành cho tất cả anh chị em, và gia đình và cộng đoàn của anh chị em. Giờ đây cha mời anh chị em cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng đang hiện diện ở đây. Kính mừng Maria ...

__________________________________________

BÀI GIÁO LÝ

Bài giáo lý về Thánh Giuse - 2. Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Tư tuần trước, chúng ta đã bắt đầu chủ đề giáo lý về Thánh Giuse – năm dành riêng cho ngài sắp kết thúc. Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục hành trình này, tập trung vào vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ.

Chúa Giêsu trong các Tin Mừng được xác định là “con ông Giuse” (Lc 3:23; 4:22; Ga 1:45; 6:42) và “con bác thợ mộc” (Mt 13:55; Mc 6:3). Tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các Thánh sử Matthêu và Luca dành không gian cho vai trò của Thánh Giuse. Cả hai Thánh sử đều biên soạn một “gia phả” để làm nổi bật tính lịch sử của Chúa Giêsu. Thánh Matthêu bắt đầu từ tổ phụ Abraham và kết thúc ở Thánh Giuse, được gọi là “chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (1:16). Ngược lại, Thánh Luca quay ngược trở lại tới ông Ađam, bắt đầu từ chính Chúa Giêsu trở về trước, Người “là con ông Giuse”, nhưng nói rõ là: “thiên hạ vẫn coi Người là” (3:23). Do đó, cả hai Thánh sử đều trình bày Thánh Giuse không phải là cha ruột, nhưng trong mọi trường hợp, hoàn toàn là cha của Chúa Giêsu. Qua ngài, Chúa Giêsu hoàn thành lịch sử của giao ước và ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và loài người. Với Thánh Matthêu, lịch sử này bắt đầu từ tổ phụ Abraham; với Thánh Luca, bắt đầu từ nguồn gốc của loài người, tức là với ông Ađam.

Thánh sử Matthêu giúp chúng ta hiểu rằng con người của Thánh Giuse, tuy có vẻ như ở ngoài lề, kín đáo, và ở phía sau, nhưng thật ra là một nhân tố trung tâm trong lịch sử cứu độ. Thánh Giuse sống với vai trò của mình mà không bao giờ tìm cách phô mình ra phía trước. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, “cuộc sống của chúng ta được đan dệt với nhau và được nâng đỡ nhờ những con người bình thường - những người thường bị quên lãng, họ không xuất hiện trên báo chí, hay trong những chương trình truyền hình mới nhất … Có biết bao người cha, người mẹ, ông bà, thầy cô, chỉ cho con cái chúng ta – qua những cách thức nhỏ bé hằng ngày – cách thức đón nhận và đương đầu với khủng hoảng, bằng cách điều chỉnh các thói quen, ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Có biết bao người cầu nguyện, dâng những hy sinh và chuyển cầu cho thiện ích của tất cả mọi người” (Tông thư Patris corde, 1). Như vậy, ai cũng có thể tìm thấy nơi Thánh Giuse, người không được chú ý, người hiện diện hằng ngày, hiện diện kín đáo và âm thầm, một Đấng chuyển cầu, một sự nâng đỡ và hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người dường như bị che khuất hoặc ở “hàng thứ hai” đều là những nhân vật chính tuyệt vời trong lịch sử cứu độ. Thế giới cần những con người này: những người nam và nữ ở hàng thứ hai, nhưng là những người hỗ trợ sự phát triển cuộc sống của chúng ta, cho từng người trong chúng ta, và những người bằng lời cầu nguyện và bằng gương sáng của họ, bằng sự dạy bảo của họ, nâng đỡ chúng ta trên con đường của cuộc sống.

Trong Tin mừng theo Thánh Luca, Thánh Giuse xuất hiện như người bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Và vì lý do này, ngài cũng là “Người bảo vệ của Giáo hội”: nếu ngài là người bảo vệ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì bây giờ ngài đang ở trên Thiên đàng, và tiếp tục là người bảo vệ, bây giờ là Giáo hội, vì Giáo hội là sự tiếp nối của Nhiệm thể Chúa Kitô trong lịch sử, và đồng thời tình mẫu tử của Đức Maria được phản ánh trong tình mẫu tử của Giáo hội. Khi ngài tiếp tục bảo vệ Giáo hội – đừng quên điều này: ngày nay, Thánh Giuse tiếp tục bảo vệ Giáo hội – và qua việc tiếp tục bảo vệ Giáo hội, ngài tiếp tục bảo vệ “Hài nhi và Mẹ của Người” (sđd, 5). Khía cạnh này trong vai trò bảo vệ của Thánh Giuse là câu trả lời tuyệt vời cho câu chuyện trong sách Sáng thế. Khi Đức Chúa hỏi Cain giải trình về mạng sống của Aben, anh ta trả lời: “Con là người giữ em con hay sao?” (4:9). Bằng cuộc đời của mình, Thánh Giuse dường như muốn nói với chúng ta rằng chúng ta luôn được kêu gọi để cảm nhận rằng chúng ta là những người gìn giữ anh chị em của chúng ta, là người bảo vệ cho những người thân cận của chúng ta, những người Chúa trao phó cho chúng ta qua nhiều hoàn cảnh của cuộc sống.

Một xã hội như xã hội của chúng ta, đã được định nghĩa như là “thể lỏng”, vì dường như nó không có tính nhất quán… Cha sửa lại lời định nghĩa của nhà triết học rằng: còn hơn cả thể lỏng, nó như là không khí, một xã hội ở thể khí đúng nghĩa. Xã hội lỏng lẻo và như không khí này tìm thấy trong câu chuyện của Thánh Giuse một tín hiệu rất rõ ràng về tầm quan trọng của mối dây liên kết giữa con người với nhau. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta biết về gia phả của Chúa Giêsu, không chỉ vì lý do thần học, mà còn để nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được tạo nên bởi những mối dây ràng buộc đi trước và đồng hành với chúng ta. Con Thiên Chúa đã đến thế gian theo con đường của những mối dây liên kết như vậy, con đường của lịch sử: Ngài không xuống thế gian bằng phép thần thông, không. Ngài đã đi theo con đường lịch sử mà tất cả chúng ta đều đi.

Anh chị em thân mến, cha nghĩ đến rất nhiều người khó tìm thấy những mối dây ràng buộc có ý nghĩa trong cuộc sống của họ, và vì điều này mà họ gặp khó khăn, họ cảm thấy đơn độc, họ thiếu sức mạnh và sự can đảm để tiếp tục. Cha muốn kết thúc bằng lời cầu nguyện để giúp họ, và tất cả chúng ta, tìm thấy nơi Thánh Giuse một người đồng minh, một người bạn và một sự hỗ trợ.

Lạy Thánh Giuse,

Ngài là Đấng gìn giữ mối dây liên kết với Mẹ Maria và Chúa Giêsu,

xin giúp chúng con biết chăm sóc cho những mối tương quan trong cuộc sống chúng con,

Ước chi không ai cảm thấy bị bỏ rơi

vì sự cô đơn đem đến.

Xin cho mỗi người chúng con được hòa giải với lịch sử của mình,

với những người đã đi trước,

và nhận ra ngay trong những lỗi lầm đã phạm

cách thức mà qua đó Đấng Quan phòng đã mở lối,

và sự dữ không phải là lời nói cuối cùng.

Xin hãy Ngài hãy là bạn với những người đang gặp khốn khó nhất,

và như Ngài đã gìn giữ Mẹ Maria và Chúa Giêsu trong những lúc khó khăn,

xin cũng trợ giúp chúng con trên hành trình. Amen.

_______________________________________

Lời chào bằng tiếng Anh

Cha xin chào anh chị em hành hương và du khách nói tiếng Anh đang tham dự buổi Tiếp kiến chung hôm nay, đặc biệt là các nhóm đến từ nước Anh và Hoa Kỳ. Cha xin gửi lời chào cách đặc biệt đến các linh mục từ nhiều giáo phận của nước Anh và Wales đang kỷ niệm 60 năm thụ phong của các ngài. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa tuôn đổ xuống trên tất cả anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/11/2021]


Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Người kỹ sư trở lại đạo trong thời gian xây dựng Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio

Shutterstock

Magnús Sannleikur

24/11/21


Người xây dựng chính của bức tượng không phải là người Công giáo, nhưng toàn bộ cuộc đời của ông đã thay đổi sau một sự cố trong quá trình xây dựng.

Lễ khánh thành tượng Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro diễn ra vào ngày 12 tháng Mười năm 1931. Tượng đài — một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Brazil — là tượng Chúa Kitô lớn thứ ba trên thế giới. Tượng cao 125 bộ Anh (hơn 38m) và nặng hơn 1.100 tấn.

Bức tượng được mệnh danh là một trong Bảy tân Kỳ quan của Thế giới và mất 5 năm để hoàn thành. Dự án được bắt đầu bởi nhà điêu khắc người Pháp gốc Ba Lan Paul Landowski, và được xây dựng bởi kỹ sư người Brazil Heitor da Silva Costa, cùng phối hợp với kỹ sư người Pháp Albert Caquot.

Người xây dựng và giám sát chính cho dự án kiến trúc là Heitor Levy. Ông sống trên đỉnh núi Corcovado (đỉnh núi mà tác phẩm điêu khắc đứng trên đó) trong suốt những năm thi công để theo sát công việc xây dựng tượng đài.


Một tai nạn suýt gây tử nạn

Mọi người nói rằng công trình tượng Chúa Cứu Thế nhận được nhiều ơn lành, vì không có tai nạn nghiêm trọng nào được ghi nhận tại công trường xây dựng.

Tuy nhiên, chính kiến trúc sư xây dựng chính, Heitor Levy, đã suýt mất mạng trong quá trình làm việc tại công trường.

Ông Levy rơi ra khỏi một giàn giáo và suýt rơi xuống vực sâu. Trang web của Tổng giáo phận Rio de Janeiro tường thuật: “Công trình không có nền móng vững chắc để dựng giàn giáo, vì đường kính mặt nền của đỉnh núi chỉ rộng 15 mét, chưa bằng một nửa diện tích cần thiết để mở rộng tới các đầu ngón tay của tượng,” và nó được bao quanh ba mặt bởi những vách đá cao hàng trăm bộ (feet).

Kỹ sư vấp ngã khỏi giàn giáo và được các công nhân cứu. Ông chia sẻ những kỷ niệm của mình về những gì đã xảy ra:

Ở khắp mọi nơi, xung quanh chúng tôi, dưới chân chúng tôi, là những vách đá thẳng đứng. Chỉ một bất cẩn nhỏ nhất, một hỏng hóc nhỏ nhất của vật liệu, một lần đặt chân sai là chắc chắn mất mạng, rơi khỏi vách đá. Tôi đã có thể nhìn thấy trước một cú ngã thảm khốc, nhưng điều đó đã không xảy ra do ý của Đấng Tối cao. Nhưng tất cả bây giờ đã trở thành quá khứ, những kỷ niệm của công việc. Trước mặt chúng ta có hình ảnh của Chúa Kitô, với đôi tay của Người giang rộng để đón lấy những đau khổ và lời cầu nguyện của chúng ta.


Sự trở lại đạo

Levy là người Do Thái, nhưng sau tai nạn, ông đã trở lại Công giáo. Levy thậm chí còn viết tên các thành viên trong gia đình mình lên một cuộn giấy và đặt nó trong phần bên trong trái tim của tượng Chúa Cứu Thế, nằm ở độ cao của tầng thứ tám.

Tình cờ, tượng đài là hình ảnh của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chính từ đỉnh núi Corcovado, nơi tượng đài tọa lạc, đã diễn ra lễ cung hiến nước Brazil cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, vào ngày 12 tháng Mười năm 1931, cùng với lễ khánh thành tượng.

Tóm lại, sự trở lại đạo của người kỹ sư là một minh họa theo nghĩa đen của một trong những lời hứa của Thánh Tâm, rằng “Những ai truyền bá lòng sùng kính này sẽ ghi tên họ mãi mãi trong trái tim Ta.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/11/2021]