Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Nhà Thần Học và Đại Kết Thụy Điển nói về Chuyến Thăm của Đức Giáo Hoàng

Nhà Thần Học và Đại Kết Thụy Điển nói về Chuyến Thăm của Đức Giáo Hoàng

“Người Công giáo quy cho Tin Lành Cải Cách là ‘Thảm kịch lớn.’ Có một lý do tại sao chúng tôi lại gọi như vậy. Thân thể của Đức Ki-tô không được phân chia ra thành từng mảnh.”

ANGELO STAGNARO

05/11/2016
Nhà Thần Học và Đại Kết Thụy Điển nói về Chuyến Thăm của Đức Giáo Hoàng
Nhân dịp chuyến thăm lịch sử vừa qua của Đức Thánh Cha Phanxico đến Thụy Điển, Cha Dòng Tên Magnus Nyman, một linh mục Công giáo thuộc Giáo phận Stockholm, Thụy Điển và là Hiệu phó của Học viện Newman, Uppsala nói chuyện với Register về những ý nghĩa của Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha.
Cha Nyman là giáo sư ngành Lịch sử Khoa học và Ý tưởng tại Đại học Uppsala trước khi hợp tác với Học viện Newman, trường Đại học Công giáo duy nhất ở Scandinavia. Học viện Newman được thành lập bởi cộng đoàn Dòng Tên ở Thụy Điển năm 2001. Hiện tại cha đang giảng dạy môn Lịch sử Giáo hội ở đó.
Cha đã viết một số sách và nhiều chuyên mục về Tin lành Cải cách ở Scandinavia và sự chậm chạp trong việc tái giới thiệu Giáo hội Công giáo ở Thụy Điển. Do những ý tưởng về lòng khoan dung và tự do của Trào lưu Minh sáng, năm 1783  một khu Tông Tòa được thành lập ở Stockholm. Gần đây cha biên tập một quyển sách cùng với Cha Fredrik Heiding Dòng Tên có tựa đề Doften av rykande vekar, nói về Tin lành Cải cách ở Thụy Điển và những phản ứng khá bạo lực giữa những người bình thường đối với giáo lý mới về đức tin. Một trong những người góp sức cho quyển sách là Giáo sư John W. O´Malley, SJ (với hai chương nói về nền tảng của Châu Âu và chương trình nghị sự Cải cách Công giáo). Cha Nyman cũng là linh mục coi xứ của giáo xứ Thánh Giles, ở Enköping.
1. Cha hy vọng sẽ có những kết quả gì sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha?
Hy vọng rằng sẽ có nhiều người hơn nhận ra sự chia cách ở Scandinavia khỏi Giáo hội Công giáo là một điều không tốt và chống lại ý định của Đức Ki-tô ― do Cải cách “chính trị” của những vua muốn mở rộng quyền lực của họ và sử dụng giáo huấn của Tin lành Luther để đạt được những mục tiêu của họ trong tất cả các quốc gia vùng Nordic.
Từ năm 1617 trở đi, một người Thụy Điển tuyên xưng đức tin Công giáo bị kết án tử. Cho mãi đến năm 1860 thì các công dân Thụy Điển được cho phép theo Giáo hội Công giáo, với rất nhiều giới hạn.
Cộng đoàn Công giáo đầy sức sống ngày nay ở Thụy Điển, khoảng 2% dân số, vừa là những người di cư và người Thụy Điển gốc, đang cố gắng thể hiện đức tin sống động trong một xã hội thế tục hóa rất mạnh. Rất nhiều các giáo xứ của chúng tôi gồm những người từ cả trăm quốc gia khác nhau. Chúng tôi là “Công giáo” theo đúng nghĩa.
2. Cha nghĩ sao về những lễ kỷ niệm Tin lành Luther năm nay?
Chúng tôi những người Công giáo, cùng với Tin lành Luther, không mừng sự ly khai này. Nhưng chúng tôi kỷ niệm một thảm kịch lịch sử. Người Công giáo quy cho Tin Lành Cải Cách là “Thảm kịch lớn.” Có một lý do tại sao chúng tôi lại gọi như vậy. Thân thể của Đức Ki-tô không được phân chia ra thành từng mảnh. Chúng tôi phải chữa lành sự chia cách tồn tại giữa chúng tôi chứ không phải là mừng.
3. Cha có thấy một cảm nhận thực sự do lòng khao khát của người Tin lành Luther được hiệp nhất trọn vẹn với Giáo hội?
Chỉ nằm trong một vài nhóm thiểu số, nhưng rất ít và hầu hết những người đó đã được đón nhận vào Giáo hội. Với phần đông người Tin lành Luther, tôi không nghĩ điều này là sự thật, nhưng ngày nay rất nhiều người là bạn tốt của chúng tôi và cũng là bạn tốt của Giáo hội Công giáo.
4. Vai trò tham gia của cha trong đối thoại đại kết ở Thụy Điển là gì? Ở những nơi khác trên Châu Âu/toàn cầu?
Tôi là một thành viên của một nhóm nhỏ các nhà chuyên môn Công giáo và Luther thường xuyên gặp gỡ để tìm hiểu chắc chắn liệu có cần thêm đối thoại chính thức giữa các cộng đoàn. Rất buồn, nhiều năm nay đã không có thêm đối thoại sau khi phía Luther chính thức công nhận hôn nhân đồng tính. Kết quả của những cuộc nói chuyện của chúng tôi vẫn chưa thành hiện thực.
5. Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng có ấn tượng gì đối với giới truyền thông?
Đức Thánh Cha Phanxico được đón tiếp nồng hậu và kính trọng giữa đa số người Thụy Điển. Tôi có thể nói rằng, người Thụy Điển hiểu ngài là một người yêu thương và khiêm nhường và là một nhà lãnh đạo rất quan trọng của thế giới và người Thụy Điển có tư tưởng rất cởi mở. Người Thụy Điển cùng hợp tác với Đức Thánh Cha với những nỗ lực của ngài gìn giữ hòa bình, cổ vũ các xã hội và các dân tộc giúp tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, bảo vệ những nguồn tài nguyên thiên nhiên, chọn lựa ưu tiên cho người nghèo và nhiều đặc điểm khác trong tính cách của ngài và trách vụ của ngài là một Giáo hoàng. Vì thế, ngài được vẽ nên bằng những màu sắc tươi sáng nhất từ trước tới nay.

[Nguồn:  ncregister]

[Chuyển ngữ:  TRI KHOAN 07/11/2016]


Đức Giám mục Long: 'Tôi thúc đẩy người Úc chối bỏ những biện pháp tàn nhẫn này'

Đức Giám mục Long: 'Tôi thúc đẩy người Úc chối bỏ những biện pháp tàn nhẫn này'

08 tháng 11, 2016
Bishop Vincent Long
Bishop Vincent Long
Đức Giám mục Long, OFM, Phái đoàn Giám mục Công giáo Úc về Người Tị nạn, đã lên án quyết định của chính quyền Liên bang cấm tất cả những người đến bằng thuyền không được nộp đơn xin visa.
Trong một phát biểu hôm qua, Đức Cha Long nói: “Thông báo của Thủ tướng Malcolm Turnbull và Bộ trưởng Di trú Peter Dutton rằng chính phủ sẽ giới thiệu một dự luật cấm tất cả những người đến Úc bằng thuyền từ tháng 7 năm 2013 trở lại đây không được phép nộp đơn xin visa vào Úc là vô cùng thất vọng. Chưa hài lòng với việc làm mất phẩm giá của họ, chính phủ Úc bây giờ muốn đưa ra những luật ngăn cấm họ không được đến đây.
“Những động cơ cho các biện pháp này, như tình hình hiện tại trên đảo Manus và Nauru, và do những thách thức lớn hơn mà Úc đang phải đối mặt, là rất đáng ngờ và có dự báo xấu. Những luật sư trong nước và các cơ quan quốc tế đã kinh hãi khi chứng kiến những điều kiện sống của những người đi tìm nơi sinh kế đang phải chịu đựng và những hậu quả đối với sức khỏe, tinh thần, và lòng tự trọng của họ.
“Lọc lựa và có hình phạt một số những người đến bằng thuyền, thậm chí họ được chứng minh có đủ điều kiện tị nạn là hoàn toàn tàn nhẫn và không đúng tinh thần của người Úc. Nó phản bội lại truyền thống, tình trạng và đặc tính của đất nước mà chúng ta rất tự hào – một quốc gia giàu có về tài nguyên với một trái tim rộng mở đón những người di cư và tị nạn.
“Tôi thúc đẩy người Úc chối bỏ những biện pháp tàn nhẫn và không cần thiết này. Chúng ta phải tìm ra một con đường công bằng hơn, nhân đạo hơn và hiệu quả hơn, để đối phó với những vấn đề phức tạp của những người đi tìm nơi sinh kế và bảo vệ người tị nạn. Bắt một nhóm nhỏ người phải chịu thêm đau khổ và nguy hại trong khi họ chẳng làm gì nguy hại đến chúng ta thật không xứng đáng đối với mọi công dân Úc đích thực.
“Tôi thỉnh cầu tất cả các nhà lãnh đạo chính trị chống lại tác động do tính ích kỷ gần đây nhắm vào những người đi tìm nơi sinh kế và để giành lại danh tiếng của một đất nước tốt bụng, nhân đạo và quảng đại; đó là một quốc gia mà những người tị nạn như chính tôi mang ơn và tự hào được gọi là quê hương.”

Đức Giám mục Vinh-sơn Long thuộc Giám mục đoàn Công giáo về Người Di cư và Tị nạn và chính ngài là một cựu thuyền nhân.
Để biết thêm thông tin, xin liên hệ Aoife Connors số điện thoại 0450 348 597 hoặc media@catholic.org.au


[Nguồn:  cathnews]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 08/11/2016]


Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúa Giê-su đảo ngược những giá trị của trần gian

Bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha: Chúa Giê-su đảo ngược những giá trị của trần gian

Tại nhà nguyện Thánh Marta, ngài cảnh báo chống lại thái độ “Tôi có quyền ở đây”
8 tháng 11, 2016
Santa Marta
© PHOTO.VA - Osservatore Romano
(Vatican Radio)
Đức Thánh Cha Phanxico bắt đầu bài giảng bằng câu nói rằng nếu chúng ta muốn trở thành những người phục vụ tốt lành và trung tín của Thiên Chúa, chúng ta phải cảnh giác chống lại tính bất lương và theo đuổi quyền lực. Ngài nói, chúng ta có thường xuyên nghe thấy hay nhìn thấy chính chúng ta nói, thậm chí ngay cả trong gia đình của mình, rằng “Tôi là người có quyền ở đây?”
Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng người lãnh đạo phải là người phục vụ anh em, và nếu chúng ta muốn trở thành người đứng đầu, chúng ta phải trở thành người phục vụ tất cả mọi người. Đức Thánh Cha nhấn mạnh Chúa Giê-su đã đảo ngược những giá trị của trần gian chúng ta, ngài cho thấy việc đi tìm quyền lực là một sự cản trở cho việc trở thành người phục vụ cho Thiên Chúa.
Ngài tiếp tục, một trở ngại thứ hai là sự bất lương và điều này cũng được tìm thấy trong đời sống Giáo hội. Chúa Giê-su nói rằng chúng ta không thể thờ hai chủ – Thiên Chúa và đồng tiền, Đức Thánh Cha cảnh báo, vì thế chúng ta phải chọn hoặc phục vụ người này hoặc phục vụ người kia. Ngài tiếp tục, người bất lương không chỉ là một tội nhân, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân và có thể ăn năn hối lỗi vì những tội đó. Nhưng người bất lương, ngài nói, là lừa lọc và một tay thuận một tay chống, vừa đi quân cờ ‘Thiên Chúa’ vừa đi quân cờ ‘trần gian’ cùng một lúc.
Những cản trở do sự bất lương và chạy theo quyền lực này, Đức Thánh Cha nói, lấy mất đi sự bình an của tâm hồn và để cho chúng ta trong tình trạng lo âu, với một sự “nhột nhạt” trong con tim của chúng ta. Ngài nói, cứ như vầy chúng ta sẽ luôn sống trong căng thẳng, chỉ quan tâm đến những hình thức bên ngoài và những khát khao trần thế như danh vọng và tài sản. Chúng ta không thể phục vụ Thiên Chúa như vậy, ngài khẳng định, vì thế chúng ta hãy xin để được thoát khỏi những sự cản trở này để chúng ta có thể tìm được sự thanh thản của thể xác và tâm hồn.
Chúng ta không phải là những nô lệ, nhưng là con cái của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxico nói, và khi chúng ta phục vụ ngài một cách tự do, chúng ta cảm thấy sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn của chúng ta. Chúng ta nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi “Đến đây, đến đây, đến đây người phục vụ tốt lành và trung tín.” Tất cả chúng ta đều muốn là những người phục vụ trung tín của Thiên Chúa, ngài nói, nhưng chúng ta không thể tự mình làm việc đó, chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho ân sủng để vượt qua được những trở ngại này và để phục vụ ngài một cách tự do với sự bình an trong tâm hồn.
Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng câu nói rằng chúng ta phải liên tục nhắc chính chúng ta nhớ chúng ta là những người phục vụ bất xứng, không thể tự làm được điều gì. Thay vì vậy, ngài nói, chúng ta hãy xin Thiên Chúa mở cửa tâm hồn chúng ta và để cho Thánh Thần ngự vào, để tống khứ những trở ngại này ra khỏi chúng ta và biến chúng ta thành những người con với tâm hồn tự do phục vụ Thiên Chúa.
Thứ Ba của Tuần thứ 32 Mùa Thường Niên
Tin mừng
Chúa Giê-su nói với các tông đồ:
"Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."

[Nguồn:  zenit]

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 09/11/2016]