Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Đức Thánh Cha nói với các nhà giáo dục: Đừng đánh mất hy vọng!

Đức Thánh Cha nói với các nhà giáo dục: Đừng đánh mất hy vọng!
© Vatican Media

Đức Thánh Cha nói với các nhà giáo dục: Đừng đánh mất hy vọng!

‘Chỉ bằng cách thay đổi giáo dục thì chúng ta mới có thể thay đổi thế giới.’

25 tháng Sáu, 2018 17:31
Ngày 25 tháng Sáu, 2018, Đức Thánh Cha Phanxico có những lời khuyên cho các nhà giáo dục, lời khuyên quan trọng nhất là không đánh mất niềm hy vọng.

Diễn từ của ngài trong Đại sảnh Mật nghị của Điện Tông tòa, trong một buổi nói chuyện với các thành viên của Gravissimum Educationis Foundation. Đức Thánh Cha Phanxico đã thành lập Tổ chức này năm 2015 đễ hỗ trợ những dự án đổi mới và tạo sức ảnh hưởng, đầu tư vào chất lượng, thúc đẩy những môn khoa học, và nâng cao mạng kết nối giữa các học viện giáo dục.

Đức Thánh Cha đưa ra ba đề nghị để nâng cao giáo dục:
  1. Liên kết, kết nối những học viện giáo dục và các ngành học hàn lâm.
  2. Giữ vững niềm hy vọng: “Chúng ta được kêu gọi không đánh mất niềm hy vọng vì chúng ta phải trao tặng niềm hy vọng cho toàn thế giới hôm nay.”
  3. Thực hiện những dự án đồng nhất với sứ mạng của Giáo hội, là những dự án chất lượng cao, và phục vụ thiện ích chung.
“Vì thế, để hoàn thành sứ mạng của anh chị em, anh chị em phải đặt những nền tảng của nó luôn phù hợp với bản sắc Ki-tô giáo của chúng ta; xây dựng những con đường xứng đáng cho chất lượng học hành và nghiên cứu, và theo đuổi những mục tiêu đi đôi với việc phục vụ thiện ích chung,” Đức Thánh Cha kết luận. “Một chương trình suy nghĩ và hành động đặt nền tảng trên những rường cột vững chắc này sẽ có thể đóng góp, thông qua giáo dục, vào việc xây dựng một tương lai trong đó phẩm giá của con người và một tình huynh đệ phổ quát trở thành những nguồn gia tài toàn cầu mà mỗi công dân của thế giới đề có thể tiếp cận.”


Diễn từ của Đức Thánh Cha

Tôi xin chào thân ái tất cả quý vị tham dự Hội nghị “Giáo dục để biến đổi” được thúc đẩy bởi Tổ chức Gravissimum Educationis. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng y Versaldi vì những lời giới thiệu của ngài và tôi xin cảm ơn từng quý vị vì đã mang đến sự phong phú của những kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến những hoạt động cá nhân và chuyên môn.

Như quý vị đã biết, tôi thành lập Tổ chức này ngày 28 tháng Mười năm 2015, nhân kỷ niệm lần thứ năm mươi Tuyên ngôn Gravissimum Educationis của Công đồng Vatican II, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục Công giáo. Qua tổ chức này, Giáo hội làm mới lại cam kết của mình đối với nền giáo dục Công giáo để phù hợp với những thay đổi về lịch sử của thời đại chúng ta. Thật ra, Tổ chức này là một sự đáp lời cho thỉnh cầu của Tuyên ngôn Công đồng, trong đó đề nghị rằng các trường học và các đại học hợp tác tốt hơn để đối mặt với những thách đố của hôm nay (x. no. 12). Lời đề nghị này của Công đồng luôn lớn lên theo thời gian, và cũng có thể tìm thấy trong Tông hiến Veritatis Gaudium gần đây về các Đại học và Học viện thuộc Hội thánh, trong đó nói về “nhu cầu cấp bách” phải ‘có sự kết nối’ giữa các học viện trên toàn thế giới để đặt nền móng và thúc đẩy các môn học của giáo hội” (Lời nói đầu, 4d), và phạm vi rộng hơn là giữa các học viện giáo dục Công giáo.

Chỉ qua cách thay đổi giáo dục thì chúng ta mới có thể thay đổi thế giới. Để đạt được mục tiêu này, tôi xin đưa ra cho quý vị một số gợi ý:
  1. Trước hết, điều quan trọng là “sự kết nối.” Kết nối có nghĩa là liên kết các trường học và đại học với mục đích nâng cao công cuộc giáo dục và nghiên cứu, tìm ra được những điểm mạnh của mỗi người để đạt được tính hiệu quả lớn hơn trên các mức độ về trí tuệ và văn hóa.
Kết nối cũng có nghĩa là liên kết những lĩnh vực kiến thức khác nhau, các môn khoa học, và các môn học, để đối mặt với những thách đố phức tạp bằng một bước tiếp cận của nhiều ngành học thuật, như Tông hiến Veritatis Gaudium nêu lên (cf. no. 4c).

Kết nối có nghĩa là tạo ra những không gian gặp gỡ và đối thoại trong các học viện giáo dục, và khuyến khích những không gian tương tự bên ngoài các học viện, với người thuộc các nền văn hóa khác, các truyền thống khác, và các tôn giáo khác, để tính nhân văn Ki-tô giáo có thể trở thành thực tại bao trùm nhân loại ngày nay.

Kết nối cũng có nghĩa là xây dựng trường học trở thành một cộng đồng giáo dục nơi các thầy cô giáo và học sinh đến với nhau không chỉ vì chương trình giảng dạy nhưng còn vì chương trình cuộc sống và kinh nghiệm để có thể giáo dục nhiều thế hệ khác nhau biết chia sẻ cho nhau. Điều này là vô cùng hệ trọng để không đánh mất nguồn cội của chúng ta!

Ngoài ra, những thách đố đang đặt trước mặt mặt gia đình nhân loại hôm nay là tính toàn cầu, theo một ý nghĩa mở rộng hơn những gì thường được nghĩ đến. Nền giáo dục Công giáo không chỉ giới hạn vào việc đào tạo những trí tuệ có cái nhìn mở rộng hơn, đủ khả năng bao dung đối với những thực tại xa lạ. Nó cũng phải chân nhận rằng trách nhiệm đạo đức của nhân loại hôm nay không chỉ mở rộng về không gian, nhưng còn phải mở rộng về thời gian để những chọn lựa của hiện tại vẫn để lại những tiếng vang vọng cho các thế hệ tương lai.

  1. Một thách đố khác mà nền giáo dục ngày nay đang phải đối mặt là điều tôi đã nêu lên trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “chúng ta không được để cho bản thân bị cướp mất niềm hy vọng!” (s. 86). Với lời khẩn cầu này, tôi muốn khuyến khích con người của thời đại chúng ta hãy lạc quan đối mặt với những thay đổi của xã hội, để họ có thể hòa mình vào thực tại với ánh sáng chiếu tỏa từ lời hứa ơn cứu độ của Đức Ki-tô.

Chúng ta được kêu gọi đừng đánh mất niềm hy vọng vì chúng ta phải xây dựng niềm hy vọng cho thế giới hôm nay. “Toàn cầu hóa niềm hy vọng” và “ủng hộ những niềm hy vọng toàn cầu hóa” là những cam kết trong sứ mạng của giáo dục Công giáo, như đã được trình bày trong tài liệu mới của Bộ Giáo dục Công giáo Giáo dục Học thuyết Nhân văn Huynh đệ (x. nn. 18-19). Một sự toàn cầu hóa bị cướp mất niềm hy vọng hoặc tầm nhìn có thể dễ dàng bị điều khiển bởi những lợi ích kinh tế, mà điều này còn xa mới đến được với cái hiểu đúng về thiện ích chung, và nó rất dễ làm gia tăng những căng thẳng xã hội, những xung đột kinh tế và lạm dụng quyền lực. Chúng ta cần phải trao tặng một linh hồn cho thế giới toàn cầu qua sự đào tạo trí tuệ và đạo đức nhằm hỗ trợ cho những điều tốt lành mà sự toàn cầu hóa mang lại và sửa chữa những điều nguy hại.

Đây là những mục tiêu quan trọng có thể đạt được bởi sự phát triển của những nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các đại học và có trong sứ mạng nghiên cứu Chất lượng của Tổ chức Gravissimum Educationis, sứ mạng này hướng đến một chân trời đầy những thách đố. Một số những thách đố này có liên quan đến những tiến trình của tính tương thuộc toàn cầu như tôi đã nói trong Thông điệp Laudato Si’. Về một mặt, những thách đố sau này là một ảnh hưởng thuộc lịch sử tốt đẹp vì nó đánh dấu một sự tương thuộc lớn hơn giữa con người; về mặt khác, nó lại làm gia tăng những bất công và tạo ra mối quan hệ rất gần giữa những hình thức nghèo khổ của con người và những khủng hoảng về môi sinh của thế giới. Câu trả lời phải được tìm thấy trong công cuộc phát triển và nghiên cứu một hệ sinh thái học xã hội toàn diện. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh đến thách đố về kinh tế, đặt cơ sở trên sự nghiên cứu những mô hình phát triển tốt hơn phù hợp với ý nghĩa đích thực của sự hoàn thiện con người và đủ khả năng sửa chữa lại một số những cơ chế bảo thủ của chủ nghĩa tiêu dùng sản xuất. Và cũng có thách đố về chính trị: sức mạnh của công nghệ liên tục mở rộng. Một trong những hậu quả của nó là làm lan tràn một văn hóa loại bỏ đánh đồng giữa đồ vật và con người. Nó tạo ra hình ảnh con người như là một dã thú và thế giới chúng ta đang sống như là một nguồn lợi tài nguyên để cướp đoạt tùy ý.

Chắc chắn, sẽ không thiếu công việc cho các học giả và các nhà nghiên cứu gắn kết với Tổ chức Gravissimum Educationis!

3. Công việc trước mắt của quý vị, cùng với sự ủng hộ của quý vị dành cho những dự án giáo dục đổi mới, phải tôn trọng ba tiêu chuẩn căn bản để có thể có hiệu quả:
Trước hết là bản sắc. Những tiếng kêu gọi tính kiên định và bền chí với sứ mạng của các trường học, các đại học và các trung tâm nghiên cứu được thành lập, được tổ chức hoặc được hỗ trợ bởi Giáo hội và mở rộng ra cho tất cả mọi người. Những giá trị đó là nền tảng để đi theo con đường được ghi dấu bởi nền văn minh Ki-tô giáo và bởi sứ mạng rao giảng phúc âm của Giáo hội. Bằng cách này, quý vị có thể giúp tìm ra những con đường để đi theo, để đưa ra những câu trả lời phù hợp nhất cho các vấn đề hôm nay, với sự quan tâm đặc biệt đến những người thiếu thốn nhất.

Một điểm quan trọng khác là giá trị. Đây là đèn tín hiệu bảo đảm nhất tỏa sáng trên mọi công cuộc học hành, nghiên cứu, và giáo dục. Điều quan trọng là phải đạt được “những trung tâm đa học thuật danh tiếng” như Hiến chế Veritatis Gaudium (x. s. 5) đề nghị và điều mà Tổ chức Gravissimum Educationis mong muốn ủng hộ.

Rồi công cuộc của quý vị cũng không thể lơ là đối với mục tiêu thiện ích chung. Thiện ích chung rất khó định nghĩa trong các xã hội của chúng ta với nét đặc thù là sự chung sống của nhiều công dân, nhiều nhóm, và nhiều dân tộc thuộc các nền văn hóa, các truyền thống, và niềm tin khác nhau. Chúng ta phải mở rộng các chân trời của thiện ích chung, giáo dục mọi người hiểu được rằng chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại.

Vì thế, để hoàn thành sứ mạng của anh chị em, anh chị em phải đặt những nền tảng của nó luôn phù hợp với bản sắc Ki-tô giáo của chúng ta; xây dựng những con đường xứng đáng cho chất lượng học hành và nghiên cứu, và theo đuổi những mục tiêu đi đôi với việc phục vụ thiện ích chung.

Một chương trình suy nghĩ và hành động đặt nền tảng trên những rường cột vững chắc này sẽ có thể đóng góp, thông qua giáo dục, vào việc xây dựng một tương lai trong đó phẩm giá của con người và một tình huynh đệ phổ quát trở thành những nguồn gia tài toàn cầu mà mỗi công dân của thế giới đề có thể tiếp cận.

Tôi cảm ơn tất cả về tất cả những điều quý vị có thể làm để ủng hộ cho Tổ chức, và tôi động viên quý vị hãy tiếp tục với sứ mạng xứng đáng và tốt lành này. Tôi khẩn xin những ơn lành của Chúa đổ xuống trên quý vị, những đồng nghiệp và gia đình của quý vị. Và tôi xin quý vị nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị.

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2018]


Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican



Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican - đến căng-tin của nhân viên Tòa Thánh. Có khoảng 250 người cùng với vị Đức Hồng y Konrad Krajewski đặc trách từ thiện giáo hoàng.‬

‪(Ảnh: Adam Trojanek)‬

Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican
Đức Thánh Cha Phanxico mời người nghèo đến dùng bữa tối tại Vatican

[Nguồn: ZENIT]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/6/2018]