Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Phụ nữ là sự hài hòa và nét đẹp của thế giới’

Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Phụ nữ là sự hài hòa và nét đẹp của thế giới’

Video của Đức Thánh Cha Phanxico nói về giá trị của người phụ nữ đối với Giáo hội và Thế giới

9 tháng Ba, 2018
Đức Thánh Cha Phanxico: ‘Phụ nữ là sự hài hòa và nét đẹp của thế giới’
Vatican Media Screenshot
Ngày 8 tháng Ba, 2018, Vatican phát hành một video ngắn những lời của Đức Thánh Cha Phanxico nói về người phụ nữ và tầm quan trọng của họ đối với Giáo hội và thế giới.

Dưới đây là văn bản của video:



Phụ nữ là sự hài hòa, phụ nữ là vẻ đẹp.

Không có phụ nữ, thế giới không thể quá đẹp như vậy; nó không có được sự hài hòa.

Một thế giới nơi người phụ nữ bị gạt ra bên lề là một thế giới khô cằn vì người phụ nữ không những trao tặng sự sống nhưng họ còn truyền lại khả năng nhìn xa hơn, cảm nhận mọi điều bằng một trái tim sáng tạo hơn, kiên nhẫn hơn, dịu dàng hơn.

Tôi cũng thích nghĩ về Giáo hội với chủ ngữ “she” (ND: chủ ngữ chỉ người phụ nữ) hơn là với chủ ngữ “it” (ND: chủ ngữ chỉ sự vật, sự việc, tổ chức).

Giáo hội là một người nữ, Giáo hội là mẹ, và điều này rất đẹp.

Phụ nữ can đảm ơn đàn ông.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/3/2018]


Tiếp Kiến Chung 07.03.2018: Kinh Tạ ơn

Tiếp Kiến Chung 07.03.2018: Kinh Tạ ơn

Tiếp Kiến Chung 07.03.2018: Kinh Tạ ơn




Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay diễn ra lúc 9.30 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tiếp tục loạt giáo lý của ngài về Thánh Lễ tập trung vào chủ đề “Phụng vụ Thánh Thể: II. Kinh Tạ ơn.”

Sau khi tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu có mặt.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.



Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về Thánh Lễ, và với bài giáo lý này chúng ta sẽ tập trung vào Kinh Tạ ơn. Sau khi kết thúc nghi thức dâng Bánh và Rượu là bắt đầu Kinh Tạ ơn, để làm cho việc dâng Lễ trở nên giá trị và tạo nên giây phút trung tâm, chuẩn bị cho việc Rước Thánh Thể. Nghi thức phù hợp với những gì Chúa Giê-su đã làm, tại bàn ăn với các Tông đồ trong Bữa Tiệc Ly, khi Người dâng lời tạ ơn với bánh và sau đó là chén rượu (x. Mt 26, 27; Mc 14: 23; Lc 22: 17-19; I Cr 11: 24): Lời Tạ ơn của Người được hồi tưởng lại trong mỗi Thánh Lễ, kết hiệp chúng ta với hy tế cứu độ của Người.

Và trong Kinh Tạ ơn trọng thể này – Kinh Tạ ơn là rất trọng thể – Giáo hội thể hiện những gì mình đã hoàn tất khi cử hành Thánh Lễ, và lý do để cử hành Thánh Lễ, hay đúng hơn là sự kết hiệp được thực hiện với Đức Ki-tô hiện hữu thật trong bánh và rượu đã được truyền phép. Sau khi mời gọi dân Chúa nâng tâm hồn lên với Chúa và dâng lời tạ ơn Người, linh mục đọc Kinh Tạ ơn thật lớn, thay mặt cho toàn thể những người tham dự, dâng lên Chúa Cha nhờ Chúa Giê-su Ki-tô và Chúa Thánh Thần. “Ý nghĩa của lời kinh là toàn thể cộng đoàn tín hữu thông phần với Đức Ki-tô trong việc tuyên xưng những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa và việc dâng lên Hy tế” (Hướng dẫn chung Sách Lễ Roma, 78). Và để thông phần, Thánh Lễ phải được hiểu trọn vẹn. Vì thế, Giáo hội mong muốn cử hành Thánh Lễ bằng ngôn ngữ của cộng đoàn dân Chúa, để mọi người có thể cùng hòa chung lời ca khen này trong lời Kinh trọng thể với linh mục. Quả thật, “hy tế của Đức Ki-tô và hy tế của Thánh Thể là một hy tế duy nhất” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1367).

Trong Thánh Lễ có nhiều mẫu Kinh Tạ ơn khác nhau, tất cả đều được soạn tùy theo mùa, điều mà cha muốn nhắc lại bây giờ (x. Hướng dẫn chung Sách Lễ Roma, 79, Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1352-1354). Tất cả đều rất đẹp. Trước hết có Kinh Tiền Tụng, đó là một hành động tạ ơn những hồng ân của Thiên Chúa, đặc biệt là việc sai Con của Người là Đấng Cứu Độ xuống. Kinh Tiền Tụng kết thúc với lời tung hô “Thánh”, thường là hát. Thật đẹp khi hát “Thánh”: “Thánh, Thánh, Thánh.” Thật đẹp nếu hát bài ca này. Toàn thể cộng đoàn cùng hòa chung giọng với các Thiên Thần và các Thánh để ca khen Thiên Chúa vinh quang.

Sau đó là lời khẩn cầu Thánh Thần, để bằng quyền phép của Thánh Thần bánh và rượu được truyền phép. Chúng ta khẩn cầu Thánh Thần để Người đến, và trong bánh và rượu có Chúa Giê-su. Hoạt động của Chúa Thánh Thần và hiệu lực của chính lời của Đức Ki-tô được đọc lên bởi linh mục thực sự biến thành Thân Mình và Máu của Người trong hình bánh và rượu, hy tế của Người được dâng trên Thập giá một lần và cho tất cả. (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1375). Chúa Giê-su nói rất rõ về điều này. Chúng ta đã nghe Thánh Phaolo nói như thế này, ngay từ đầu, thuật lại từng chữ: “Đây là mình thầy, đây là máu thầy.” “Đây là máu thầy, đây là mình thầy.” Chính Chúa Giê-su nói điều này. Chúng ta không được có ý nghĩ thắc mắc: “Nhưng, làm sao mà một việc như thế …”. Đó chính là mình của Chúa Giê-su; được hoàn tất ở đó! Đức tin: đức tin trợ giúp chúng ta; với một hành động tuyên tín chúng ta tin rằng đó chính là mình và máu của Chúa Ki-tô. Đó là “mầu nhiệm của đức tin,” và chúng ta đáp lại với một lời tung hô. Cử hành cuộc tưởng niệm cái chết và sự Phục sinh của Chúa, mong chờ sự trở lại trong vinh quang của Người, Giáo hội dâng lên Chúa Cha hy tế hòa giải trời và đất: Giáo hội là hy tế Vượt qua của Đức Ki-tô bằng cách dâng mình cùng với Người và cầu xin, nhờ Chúa Thánh Thần, để trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Ki-tô” (Kinh Tạ ơn III, x. Sacrosanctum Concilium, 48, Hướng dẫn chung Sách Lễ Roma, 79f). Đây là ơn sủng và là hoa trái của việc Rước Lễ thật; chúng ta bổ dưỡng bản thân bằng Mình của Đức Ki-tô, chúng ta rước Lễ, để trở nên Thân thể sống động của Người trên thế giới hôm nay.

Mầu nhiệm của Chịu Lễ là như vầy, Giáo hội hiệp nhất mình với lễ phẩm của Đức Ki-tô và với sự can thiệp của người, và dưới ánh sáng này, “trong các hang toại đạo Giáo hội thường được trình bày như một người phụ nữ đang cầu nguyện, đôi tay giang rộng trong tư thế cầu nguyện, Giáo hội cầu nguyện. Nghĩ rằng Giáo hội cầu nguyện là rất tốt. Có một đoạn trong Sách Tông đồ Công vụ; khi Thánh Phê-rô đang trong ngục, cộng đoàn Ki-tô hữu “cùng chung lời cầu nguyện liên lỷ.” Giáo hội cầu nguyện, một Giáo hội cầu nguyện. Và khi chúng ta đi Lễ là để làm việc này: trở thành Giáo hội cầu nguyện. “Như Chúa Giê-su Đấng giang tay trên cây thập giá, qua Người, cùng với Người, và trong Người, Giáo hội dâng mình và cầu thay nguyện giúp cho mọi người” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1368).

Kinh Tạ ơn xin Thiên Chúa tập họp tất cả mọi đứa con của Người lại trong tình yêu, trong sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng và với đức giám mục, được nhắc đến tên, một dấu chỉ mà chúng ta cử hành trong sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ và với Giáo hội địa phương. Lời khẩn xin, giống như phần dâng lễ, được dâng lên Thiên Chúa cho mọi thành viên của Giáo hội, người đang sống cũng như đã qua đời, mong chờ hy vọng được phúc lành chia sẻ gia tài vĩnh cửu là nước trời, cùng với Mẹ Maria Đồng Trinh (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1369-1371). Không một ai và không một điều gì bị quên trong Kinh Tạ ơn, như trong Kinh Tán Tụng kết thúc nhắc lại. Không một ai bị bỏ quên. Và nếu tôi có một ai đó, người thân, bạn bè, người đang cần giúp đỡ hay người đã qua đời, tôi có thể nhắc đến tên họ trong giây phút này, trong tâm hồn và trong thinh lặng, hoặc tôi có thể ghi tên họ để được đọc lên. “Thưa cha, vậy con phải trả bao nhiêu để tên con được đọc ở chỗ đó?” “Không có đồng nào cả.” Anh chị em hiểu điều này chứ? Không có đồng nào hết! Anh chị em không trả tiền cho Thánh Lễ. Thánh Lễ là hy tế của Đức Ki-tô, đó là ơn nhưng không. Ơn cứu chuộc là nhưng không. Nếu anh chị em muốn dâng cúng, hãy làm, nhưng anh chị em không trả tiền. Điều quan trọng là phải hiểu được điều này.

Chúng ta có thể cảm thấy hơi xa cách với cách thức cầu nguyện theo luật này – thật vậy, nó là một cách thức xa xưa – nhưng nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của nó, thì chắc chắn chúng ta sẽ tham dự tốt hơn. Quả thật, nó diễn tả tất cả những gì chúng ta hoàn tất trong việc cử hành Thánh Lễ, và thêm nữa nó dạy chúng ta biết mang lấy ba thái độ không bao giờ được thiếu nơi những người môn đệ của Chúa Giê-su. Ba thái độ là: trước hết, học cách “cám ơn, luôn luôn và ở mọi nơi,” và không chỉ trong những trường hợp đặc biệt khi mọi việc diễn ra tốt đẹp; thứ hai, biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà của yêu thương, cho đi nhưng không; và thứ ba, xây dựng tình hiệp nhất thật sự, trong Giáo hội và với tất cả mọi người. Vì thế, lời nguyện trung tâm trong Thánh Lễ dạy chúng ta từng bước biến tất cả cuộc sống của chúng ta thành một “Thánh Lễ,” nghĩa là, một hành động tạ ơn.



Lời kêu gọi “24 Giờ Cho Chúa”

Thứ Sáu tới, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô, cha sẽ cử hành nghi thức sám hối theo truyền thống 24 Giờ cho Chúa.

Cha hy vọng rằng các nhà thờ của chúng ta sẽ mở cửa để chào đón những người mong muốn chuẩn bị tâm hồn cho Phục Sinh Thánh, cử hành Bí tích Hòa giải, và trải nghiệm lòng thương xót của Chúa theo cách này.


Lời kêu gọi cho Thế Vận hội Mùa đông cho người Khuyết tật ở PyeongChang

Trong hai ngày nữa Thế Vận hội Mùa đông cho người Khuyết tật sẽ khai mạc tại thành phố PyeongChang, ở Nam Hàn, là nơi vừa qua tổ chức Thế Vận hội. Những điều này cho thấy rằng thể thao có thể xây dựng những cầu nối giữa các quốc gia đang xung đột và đưa ra một đóng góp rất giá trị cho những triển vọng hòa bình giữa các dân tộc. Thế vận hội cho Người Khuyết Tật thậm chí còn thể hiện nhiều hơn nữa, nó cho thấy thể thao có thể giúp con người vượt qua những khiếm khuyết của họ. Các vận động viên Thế vận hội cho Người Khuyết Tật cho tất cả chúng ta những mẫu gương về lòng can đảm, sự kiên trì, tính kiên định và không để bản thân bị đánh bại bởi những giới hạn. Bằng cách này thể thao trở thành một trường học lớn cho sự bao gồm, và cũng là nguồn cảm hứng cho đời sống con người và là sự cam kết trong việc làm biến đổi xã hội.

Tôi xin gửi lời chào đến Hội đồng Thế Vận hội Người Khuyết Tật Quốc tế, đến các vận động viên, đến các Giới chức và toàn thể người dân Hàn quốc. Tôi dâng lời cầu nguyện để sự kiện này có thể thúc đẩy những ngày hòa bình và niềm vui cho tất cả mọi người


Lời chào các tín hữu hiện diện trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Chào tất cả anh chị em! Hôm nay chúng ta cứ nghĩ rằng sẽ mưa, nhưng ai có thể hiểu được Roma? Thời tiết Roma là như vậy, và chúng ta phải họp ở đây chứ không phải trong quảng trường. Cảm ơn anh chị em vì sự kiên nhẫn và lời cầu nguyện. Vì cha biết rằng anh chị em cầu nguyện cho cha! Thật như vậy chứ, đúng không? Không ư? Không đúng à? Đúng như vậy đấy! Hãy tiếp tục cầu nguyện cho cha.

Bây giờ, trước khi chào anh chị em, cha ban phép lành cho anh chị em, cho anh chị em, cho gia đình của anh chị em, cho tất cả mọi điều anh chị em đang mang trong lòng. Nhưng trước hết, chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ.

“Kính mừng Maria …” và Phép Lành.

Và hãy cầu nguyện cho cha nhé, đừng quên đấy!


[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/3/2018]