Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 3 (số 21-31)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức) - Bài 1
Thượng Hội đồng - Vatican Media

Tài liệu gồm nhiều phần và TRI KHOAN trích đăng từng phần nhỏ. Bải đăng cuối cùng sẽ kèm theo bản PDF toàn bộ tài liệu. Nếu quý vị cần toàn bộ tài liệu có thể download trong bài đăng cuối. Cảm ơn quý vị)

Tài liệu đúc kết của Thượng Hội đồng về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định ơn gọi (Bản dịch tiếng Anh chính thức)

‘Mọi ơn gọi khác nhau đều quy về một tiếng gọi chung duy nhất là nên thánh, đó là sự viên mãn của tiếng gọi đến với niềm vui yêu thương vang lên trong tâm hồn của mỗi người trẻ’

15 tháng Một, 2019 12:47

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican tài liệu đúc kết của thượng hội đồng giám mục về giới trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi, diễn ra vào tháng Mười, 2018.


* * *

Tài liệu Đúc kết của Thượng Hội đồng Giám mục


về Giới trẻ, Đức tin và Sự Phân định Ơn gọi



Bài 3 (Số 21 - 31):




Chương II

Ba yếu tố quan trọng

Sự mới mẻ của môi trường kỹ thuật số


Một thực tại lan rộng khắp nơi

21. Môi trường kỹ thuật số là nét đặc trưng của thế giới đương đại. Phần lớn nhân loại bị đắm chìm trong môi trường đó một cách tự nhiên và liên tục. Nó không còn đơn thuần là việc “sử dụng” những công cụ giao tiếp, nhưng sống trong một văn hóa được số hóa rất cao đã có tác động sâu sắc đến các ý tưởng về thời gian và không gian, về sự hiểu biết bản thân, về sự hiểu biết người khác và thế giới, về cách giao tiếp, cách học hỏi, tìm hiểu, đi vào mối quan hệ với người khác. Cách tiếp cận với thực tế chú trọng đến hình ảnh hơn là việc lắng nghe và đọc làm ảnh hưởng đến cách học của mọi người và sự phát triển khả năng phê phán. Rõ ràng là “Môi trường kỹ thuật số không phải là một thế giới ảo thuần túy hoặc song song, nhưng nó là một phần trải nghiệm hàng ngày của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ” (Benedict XVI, Sứ điệp Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới lần thứ XLVII).

Mạng lưới (network) những cơ hội

22. Internet và mạng xã hội là một quảng trường công cộng, nơi giới trẻ dành phần lớn thời gian của họ và gặp gỡ nhau một cách dễ dàng, dù không phải tất cả đều có quyền truy cập như nhau, đặc biệt ở một số khu vực trên thế giới. Chúng tạo ra cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi giữa mọi người, cũng như truy cập thông tin và kiến thức. Ngoài ra, thế giới kỹ thuật số là một trong những trách nhiệm chính trị xã hội và quyền công dân và nó có thể tạo điều kiện cho việc truyền thông thông tin độc lập bảo vệ một cách hiệu quả cho những người dễ bị xúc phạm nhất, thông báo công khai những vi phạm đối với các quyền của họ. Ở nhiều quốc gia, internet và mạng xã hội đã đại diện cho một diễn đàn vững chắc để tiếp cận và giúp người trẻ tham gia vào, đặc biệt là trong các sáng kiến và hoạt động mục vụ.



Mặt tối của internet


23. Môi trường kỹ thuật số cũng là một trong những môi trường của sự cô đơn, thao túng, bóc lột và bạo lực, đến mức độ cực đoan là “web đen.” Phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể đưa con người vào nguy cơ bị lệ thuộc, cô lập và mất dần liên lạc với thực tại cụ thể, ngăn chặn sự phát triển của các mối quan hệ tương hỗ đích thực. Các hình thức bạo lực mới đang được lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn cyberbullying (bắt nạt trên mạng); Internet cũng là một kênh để truyền bá nội dung khiêu dâm và bóc lột người với mục đích tình dục hoặc thông qua cờ bạc.

24. Cuối cùng, có những lợi ích kinh tế khổng lồ hoạt động trong thế giới kỹ thuật số, có khả năng thực hiện các hình thức điều khiển xâm nhập vô cùng tinh vi, như tạo ra các cơ chế thao túng lương tâm và tiến trình dân chủ. Cách thức hoạt động của nhiều nền tảng thường dẫn đến việc ưu ái cho sự gặp gỡ giữa những con người có suy nghĩ giống nhau, che chắn để họ thoát khỏi những tranh cãi. Những nhóm kín này tạo điều kiện cho sự lan truyền tin tức giả và thông tin sai lệch, kích động những định kiến và thù ghét. Sự phổ biến tin giả là cho thấy một nền văn hóa đã mất ý thức về sự thật và bẻ cong sự thật cho phù hợp với lợi ích cụ thể. Danh dự của các cá nhân bị đe dọa thông qua những kết án chủ quan được dẫn dắt trên mạng. Giáo hội và các mục tử của mình cũng không thoát khỏi hiện tượng này.


Người di cư như một mô hình của thời đại chúng ta

Một hiện tượng đa diện

25. Di cư trên toàn cầu được xem là một hiện tượng thuộc cấu trúc, không phải là một tình huống khẩn cấp sẽ trôi qua. Di cư có thể xảy ra trong phạm vi một quốc gia hoặc giữa các quốc gia khác nhau. Sự quan tâm của Giáo hội tập trung đặc biệt vào những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp chính trị hoặc tôn giáo, tránh các thảm họa tự nhiên trong đó có những nguyên nhân do biến đổi khí hậu, và thoát khỏi sự nghèo đói cùng cực: nhiều người trong số đó là người trẻ. Nói chung họ đang tìm kiếm những cơ hội cho bản thân và gia đình. Họ mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn và họ muốn tạo những điều kiện để đạt được ước mơ đó.

Nhiều Nghị phụ Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng người di cư là một “mô hình” có thể chiếu tỏa ánh sáng cho thời đại chúng ta và đặc biệt là về điều kiện của tuổi trẻ, và họ nhắc nhở chúng ta về tình trạng ban đầu của đức tin, đó là “người ngoại kiều và là lữ khách trên mặt đất” (Dt 11:13).

Bạo lực và tình trạng dễ bị xúc phạm

26. Những người di cư khác bị thu hút bởi văn hóa phương Tây, và đôi khi họ hình thành những kỳ vọng phi thực tế có nguy cơ khiến họ thất vọng nặng nề. Những kẻ buôn người vô đạo đức, thường liên kết với các băng đảng ma túy hoặc các băng đảng vũ trang, khai thác điểm yếu của người di cư là những người thường xuyên chịu cảnh bạo lực, buôn bán người, lạm dụng tâm lý và thể xác và những đau khổ không kể xiết trên hành trình của họ. Chúng ta cũng không được bỏ qua tình trạng rất dễ bị xúc phạm của những người di cư là trẻ vị thành niên không có người thân đi kèm, hoặc tình trạng của những người bị buộc phải sống nhiều năm trong các trại tị nạn, hoặc những người bị mắc kẹt tại các quốc gia quá cảnh trong suốt thời gian dài, mà không thể theo đuổi một khóa học hoặc thể hiện tài năng của họ. Ở một số nước chủ nhà, tình trạng di cư gây ra nỗi sợ hãi và cảnh báo, thường bị kích động và bị khai thác cho mục đích chính trị. Điều này có thể dẫn đến một tâm lý bài ngoại, khi con người trở nên khép kín, và điều này cần được giải quyết một cách dứt khoát.

Những câu chuyện của sự chia ly và gặp gỡ

27. Những người di cư trẻ trải nghiệm sự chia y khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của họ và thường biến thành một cuộc nhổ rễ văn hóa và tôn giáo. Những cộng đồng nơi họ ra đi cảm nhận sự phân mảnh, và nó làm mất đi những yếu tố mạnh mẽ và táo bạo nhất của họ. Cảm nhận này cũng xảy ra với các gia đình, đặc biệt là khi một hoặc cả hai cha mẹ di cư, để lại những đứa trẻ ở quê nhà. Giáo hội có vai trò quan trọng như là một điểm tham chiếu cho các thành viên trẻ của những gia đình bị chia ly này. Nhưng những câu chuyện của người di cư cũng là các câu chuyện về sự gặp gỡ giữa những con người và giữa các nền văn hóa: đối với cộng đồng và xã hội nơi họ đến, họ mang đến một cơ hội làm phong phú và phát triển con người toàn diện cho tất cả. Theo quan điểm này, các sáng kiến chào đón, trong đó có Giáo hội, đóng một vai trò quan trọng và họ có thể mang đến cuộc sống mới cho các cộng đồng có khả năng chấp nhận họ.

Vai trò ngôn sứ của Giáo hội

28. Với nhiều nền tảng khác nhau của các Giáo phụ, chủ đề của người di cư nhìn thấy sự tập hợp nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt là giữa các quốc gia nơi ra đi và các quốc gia điểm đến. Hơn nữa, tiếng chuông cảnh báo đã gióng lên từ các Giáo hội với các thành viên của mình buộc phải ra đi lánh nạn chiến tranh và đàn áp, và những người nhìn những cuộc di cư bắt buộc này là mối đe dọa cho sự sống còn của họ. Chính việc Giáo hội chấp nhận tất cả những quan điểm khác nhau này đã mang đến cho mình một vai trò ngôn sứ trong xã hội về vấn đề di cư.

Nhận biết và phản ứng với tất cả các hình thức lạm dụng

Xây dựng sự thật và xin tha thứ

29. Những hình thức lạm dụng khác nhau được thực hiện bởi một số giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã làm gia tăng những đau khổ có thể kéo dài suốt đời và không có sự thống hối nào có thể cứu vãn nơi các nạn nhân, nhiều người trong số họ còn trẻ. Hiện tượng này lan rộng trong xã hội và nó cũng ảnh hưởng đến Giáo hội và cho thấy một trở ngại nghiêm trọng đối với sứ vụ của mình. Thượng hội đồng nhấn mạnh cam kết vững chắc trong việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhằm tránh mọi sự tái diễn, bắt đầu từ việc lựa chọn và đào tạo những người sẽ được trao phó trách nhiệm và sự giáo dục.

Tìm về căn nguyên

30. Sự lạm dụng tồn tại dưới nhiều hình thức: lạm dụng quyền lực, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục hoặc tài chính. Rõ ràng, những đường lối thi hành thẩm quyền tạo cơ hội cho những điều này xảy ra phải bị xóa bỏ và sự thiếu trách nhiệm và thiếu minh bạch của rất nhiều trường hợp đã qua xử lý phải được xem xét lại. Khao khát thống trị, thiếu đối thoại và minh bạch, những hình thức của lối sống lưỡng diện, sự trống rỗng về tinh thần, cũng như các điểm yếu về tâm lý là mảnh đất để sự hủ hóa phát triển mạnh. Cụ thể, “chủ nghĩa giáo sĩ trị” nổi lên từ một cách nhìn cao sang và riêng biệt về ơn gọi, nó giải thích thừa tác vụ được trao phó như là một quyền lực để thực thi thay vì là một sự phục vụ nhưng không và quảng đại cho đi. Điều này khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một nhóm người có mọi câu trả lời và không cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì, hoặc chỉ làm ra vẻ lắng nghe” (Phanxico, Francis, Huấn từ tại Tổng Công nghị thứ nhất của Đại Hội đồng chung lần thứ XV thuộc Thượng Hội đồng Giám mục, 3 Tháng Mười 2018).



Cảm ơn và động viên


31. Thượng Hội đồng bày tỏ lời cảm ơn đến những người có can đảm tố cáo điều ác mà họ phải gánh chịu: họ giúp Giáo hội nhận ra những gì đã xảy ra và cần có câu trả lời dứt khoát. Thượng hội đồng đánh giá cao và khuyến khích sự cam kết chân thành của rất nhiều nam nữ giáo dân, linh mục, nam nữ sống đời tận hiến và các giám mục cống hiến mỗi ngày với lòng trung thực và sự tận tụy phục vụ giới trẻ. Công việc của họ giống như một khu rừng âm thầm phát triển. Nhiều bạn trẻ có mặt tại Thượng hội đồng cũng bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã đồng hành cùng họ và họ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có những hình ảnh gương mẫu.

Chúa Giê-su, Người không bao giờ từ bỏ Giáo hội của mình, ban cho Giáo hội sức mạnh và công cụ để bước đi trên một con đường mới. Khẳng định đường hướng “hành động và phạt vạ là rất cần thiết” (Phanxico, Thư gửi Dân Chúa, 20 Tháng Tám 2018, 2) và ý thức rằng lòng thương xót đòi công lý, Thượng hội đồng nhận ra rằng đối mặt với câu hỏi về sự lạm dụng ở tất cả các khía cạnh của nó thực sự có thể là một cơ hội cho một cuộc cải cách mang ý nghĩa trọng đại, cũng cần phải có sự giúp đỡ quý giá của giới trẻ.



(Còn tiếp)


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2019]


THÔNG CÁO: Đức Thánh Cha Phanxico mở văn khố về Đức Giáo hoàng Piô XII ngày 2 tháng Ba, 2020

THÔNG CÁO: Đức Thánh Cha Phanxico mở văn khố về Đức Giáo hoàng Piô XII ngày 2 tháng Ba, 2020
Copyright: Vatican Media

THÔNG CÁO: Đức Thánh Cha Phanxico mở văn khố về Đức Giáo hoàng Piô XII ngày 2 tháng Ba, 2020

‘Tôi quyết định rằng việc mở Văn khố Vatican về Triều đại của Đức Piô XII sẽ diễn ra ngày 2 tháng Ba năm 2020, đúng một năm sau kỷ niệm lần thứ 80 ngày bầu tuyển Ngai tòa Phê-rô của Đức Eugenio Pacelli’

04 tháng Ba, 2019 14:49

“Tôi quyết định rằng việc mở Văn khố Vatican về Triều đại của Đức Piô XII sẽ diễn ra ngày 2 tháng Ba năm 2020, đúng một năm sau kỷ niệm lần thứ 80 ngày bầu tuyển Ngai tòa Phê-rô của Đức Eugenio Pacelli.”

Với những lời này, Đức Thánh Cha Phanxico đưa ra một thông cáo được mong chờ từ lâu. Tuyên bố được đưa ra trong diễn từ của ngài ngày 4 tháng Ba năm 2019, trước các bề trên, các nhân viên và cộng tác viên của Văn khố Mật của Vatican, nhân kỷ niệm tám mươi năm của cuộc bầu chọn vào ngôi vị Giáo hoàng là Tôi tớ của Chúa, Piô XII.

Đức Thánh Cha Phanxico nhận xét, “Hình ảnh của vị Giáo hoàng, người đã dẫn dắt Con thuyền của Phê-rô trong những thời điểm đau buồn nhất và đen tối nhất của thế kỷ XX, vấp nhiều tranh cãi và bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh thế giới, với thời kỳ tái tổ chức của các quốc gia và sự tái thiết hậu chiến, đã được điều tra và nghiên cứu về nhiều mặt, có lúc bị tranh luận và thậm chí bị chỉ trích (người ta có thể nói với một số định kiến hoặc sự cường điệu).”

Ngài nói thêm, “Ngày nay, ngài đã được đánh giá lại một cách thích đáng và thực sự được đưa ra ánh sáng vì nhiều phẩm chất của ngài: tinh thần mục vụ, nhưng trên hết là giá trị thần học, sự khổ hạnh và tính ngoại giao.”

Đức Thánh Cha cho biết ngài đã đưa ra quyết định này sau khi nghe ý kiến của những vị cộng tác thân cận nhất của mình. Đức Phanxicô bày tỏ sự chắc chắn của ngài rằng, dưới ánh sáng đích thực và với sự phê bình phù hợp, nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và khách quan sẽ có thể đánh giá những thời gian đáng khen ngợi của Đức Giáo hoàng, và chắc chắn cả những thời gian vô cùng khó khăn, về những quyết định đau khổ, về sự thận trọng của con người và của Ki-tô giáo, mà đối với một số người dường như là quá thận trọng, và thật ra là những nỗ lực, về phần con người là vô cùng khó khăn, để giữ cho ngọn lửa của các sáng kiến nhân đạo được sáng lên trong thời kỳ tăm tối và tàn khốc, của đường lối ngoại giao âm thầm nhưng tích cực, của hy vọng khả năng mở rộng cửa những tâm hồn.”

Giáo hội không e sợ lịch sử, mà yêu lịch sử

Đức Giáo hoàng Dòng Tên tiếp tục nhấn mạnh rằng, “Giáo hội không e ngại lịch sử, ngược lại, Giáo hội yêu lịch sử, và muốn yêu thương nó hơn nữa, như Thiên Chúa yêu thương nó! Vì vậy, với cùng một lòng tin như các vị tiền nhiệm của tôi, tôi mở văn khố và trao phó cho các nhà nghiên cứu di sản tư liệu này.”

Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:


***

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào mừng anh chị em, và rất hân hạnh được tiếp đón anh chị em. Tôi cảm ơn Đức ông José Tolentino de Mendonça về những lời chào thăm của ngài đại diện tất cả anh chị em gửi đến tôi. Tôi xin chào Đức ông Sergio Pagano, Giáo sư Paolo Vian là tân phó tổng trưởng, và tất cả anh chị em là những chuyên viên lưu trữ văn khố, những tác giả, trợ lý và nhân viên của Văn khố Mật của Vatican, cùng các giáo sư của Trường Cổ tự học, Ngoại giao và Văn thư của Vatican.

Nhân dịp chuyến viếng thăm này – ngay sau cuộc họp của tôi với anh chị em và với Thư viện Tông tòa vào ngày 4 tháng Mười Hai năm trước – là ngày kỷ niệm vui mừng của tám mươi năm trôi qua kể từ ngày bầu tuyển ngôi vị Giáo hoàng, ngày 2 tháng Ba năm 1939, của Tôi tớ Chúa là Đức Piô XII.

Hình ảnh của vị Giáo hoàng, người đã dẫn dắt Con thuyền của Phê-rô trong những thời điểm đau buồn nhất và đen tối nhất của thế kỷ XX, vấp nhiều tranh cãi và bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh thế giới, với thời kỳ tái tổ chức của các quốc gia và sự tái thiết hậu chiến, đã được điều tra và nghiên cứu về nhiều mặt, có lúc bị tranh luận và thậm chí bị chỉ trích (người ta có thể nói với một số định kiến hoặc sự cường điệu). Ngày nay, ngài đã được đánh giá lại một cách thích đáng và thực sự được đưa ra ánh sáng vì nhiều phẩm chất của ngài: tinh thần mục vụ, nhưng trên hết là giá trị thần học, sự khổ hạnh và tính ngoại giao.

Theo lệnh của Đức Giáo hoàng Benedict XVI, kể từ năm 2006, anh chị em là những Bề trên và các Nhân viên của Văn khố Mật của Vatican, cũng như Văn khố Lịch sử của Tòa Thánh và của Nhà nước Thành Vatican, đã làm việc trong một dự án chung để lập danh mục và chuẩn bị về bộ tài liệu quan trọng về triều đại Đức Piô XII, một phần trong đó đã xin được sự cố vấn của các Đấng Tiền nhiệm đáng kính của tôi là Thánh Phaolô VI và Thánh Gioan Phaolô II.

Do đó, tôi xin cảm ơn anh chị em, và thông qua anh chị em gửi lời cảm ơn đến các chuyên viên lưu trữ khác của Vatican, vì công việc đầy kiên nhẫn và cẩn thận mà anh chị em đã thực hiện trong mười hai năm qua, và anh chị em vẫn còn đang thực hiện một phần, để hoàn thành việc chuẩn bị đã nói ở trên.

Công việc của anh chị em là một công việc diễn ra trong thầm lặng và xa cách mọi sự ồn ào; nó nuôi dưỡng trí nhớ và theo một nghĩa nào đó đối với tôi nó có thể được so sánh với việc trồng một cây khổng lồ, có nhánh vươn lên tới bầu trời nhưng rễ của nó bám chặt vào lòng đất. Nếu chúng ta so sánh cây này với Giáo hội, chúng ta sẽ thấy rằng nó đang vươn tới Thiên đàng, là quê hương và chân trời cuối cùng của chúng ta, nhưng rễ cây của nó chìm vào đất của cùng một Ngôi Lời, trong lịch sử, theo thời gian. Anh chị em là các chuyên viên lưu trữ văn khố, với nỗ lực kiên trì của mình, làm việc với những cội rễ này và giúp giữ cho chúng sống động, để ngay cả những nhánh cây xanh tươi nhất và non nhất cũng có thể nhận được nhựa sung mãn cho sự phát triển tương lai của chúng.

Nỗ lực không ngừng và lớn lao này của anh chị em, và của các đồng nghiệp, để tưởng nhớ ngày kỷ niệm quan trọng đó, cho phép tôi hôm nay công bố quyết định của tôi mở văn khố cho các nhà nghiên cứu tài liệu lưu trữ liên quan đến triều đại của Đức Giáo Hoàng Piô XII, cho đến khi ngài qua đời tại Lâu đài Castel Gandolfo vào ngày 9 tháng 10 năm 1958.

Tôi quyết định rằng việc mở Văn khố Vatican về Triều đại của Đức Piô XII sẽ diễn ra ngày 2 tháng Ba năm 2020, đúng một năm sau ngày kỷ niệm lần thứ 80 ngày bầu tuyển Ngai tòa Phê-rô của Đức Eugenio Pacelli.

Tôi đã đưa ra quyết định này sau khi nghe ý kiến của những vị cộng tác thân cận nhất của tôi, với một sự bình an và tâm trí vững vàng, tôi chắc chắn rằng nghiên cứu lịch sử nghiêm túc và khách quan sẽ có thể đánh giá những thời gian đáng khen ngợi của Đức Thánh Cha, dưới ánh sáng đích thực và với sự phê bình phù hợp, và chắc chắn cả những thời gian vô cùng khó khăn, về những quyết định đau khổ, về sự thận trọng của con người và của Ki-tô giáo, mà đối với một số người dường như là quá thận trọng, và thật ra là những nỗ lực, về phần con người là vô cùng khó khăn, để giữ cho ngọn lửa của các sáng kiến nhân đạo được sáng lên trong thời kỳ tăm tối và tàn khốc, của đường lối ngoại giao âm thầm nhưng tích cực, của hy vọng khả năng mở rộng cửa những tâm hồn.

Giáo hội không e ngại lịch sử, ngược lại, Giáo hội yêu lịch sử, và muốn yêu thương nó hơn nữa, như Thiên Chúa yêu thương nó! Vì vậy, với cùng một lòng tin như các vị tiền nhiệm của tôi, tôi mở văn khố và trao phó cho các nhà nghiên cứu di sản tư liệu này.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn anh chị em về những công việc đã được hoàn thành, và tôi mong muốn anh chị em tiếp tục những nỗ lực để có sự hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu – sự hỗ trợ về khoa học và vật chất – và trong việc xuất bản những nguồn tài liệu của Đức Pacelli sẽ được coi là quan trọng, như anh chị em đã làm trong những năm qua.

Với những tình cảm này, tôi ban Phép lành Tòa Thánh cho anh chị em và xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi.

[Văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2019]