Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Chúng con nguyện danh Cha cả sáng’

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha về ‘Chúng con nguyện danh Cha cả sáng’
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha: ‘Chúng con nguyện danh Cha cả sáng’

‘Cầu nguyện quét sạch mọi sự sợ hãi’

27 tháng Hai, 2019 12:05

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:20 sáng trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha gặp gỡ các nhóm khách hành hương và tín hữu từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về “Kinh Lạy Cha,” Đức Thánh Cha tập trung suy tư về lời nguyện “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng” (Trích đoạn Kinh Thánh: trích Sách Ngôn sứ Ê-dê-ki-en 36:22.23).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.


* * *


Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!

Có vẻ như mùa đông đã qua và chúng ta trở lại với Quảng trường. Chào mừng Quảng trường! Theo dòng suy tư tái khám phá “Kinh Lạy Cha”, hôm nay chúng ta suy tư thêm về lời nguyện đầu tiên trong bảy lời khẩn nguyện, đó chính là “chúng con nguyện danh Cha cả sáng.”

Có bảy lời nguyện xin trong “Kinh Lạy Cha,” mà có thể dễ dàng chia thành hai nhóm nhỏ. Ba lời nguyện đầu tập trung vào “Cha” chỉ Thiên Chúa là Cha; bốn lời nguyện sau có từ “chúng con” tập trung vào những nhu cầu của con người chúng ta. Trong phần thứ nhất Chúa Giê-su giúp chúng ta đi vào những khát khao của Ngài, tất cả đều hướng về Chúa Cha: “nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện”; trong phần thứ hai chính Ngài là người đi vào cuộc sống của chúng ta và trở thành người trình bày rõ những nhu cầu của chúng ta: lương thực hàng ngày, xin tha tội, trợ giúp trong cơn cám dỗ và giải thoát khỏi tội lỗi.

Đây là trọng tâm của mọi lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu — cha muốn nói là lời cầu nguyện của mọi con người –, về một mặt, lời cầu nguyện đó luôn hướng đến việc chiêm ngắm Thiên Chúa, đến mầu nhiệm của Người, vẻ tuyệt mỹ và tốt lành của Người, và về mặt khác đó là những lời nguyện xin chân thành và can đảm cho những thức cần thiết cho cuộc sống, và sống tốt. Do đó, trong sự đơn sơ và hướng trọng tâm của nó, “Kinh Lạy Cha” dạy cho người đọc kinh không cần phải sử dụng nhiều từ ngữ sáo rỗng — vì như Chúa Giê-su nói — “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6:8).

Khi chúng ta thưa chuyện với Chúa, chúng ta không làm theo cách thể hiện cho Ngài thấy những gì chúng ta có trong tâm hồn; Ngài biết điều đó còn rõ hơn chính bản thân chúng ta! Nếu Thiên Chúa là một mầu nhiệm cho chúng ta, thì chúng ta chẳng bao giờ là một bài toán đố trước mắt Người (x. Tv 139:1-4). Thiên Chúa cũng giống như những người mẹ chỉ cần nhìn qua một cái là hiểu được mọi điều về những đứa con của họ: chúng có hạnh phúc hay không, chúng có chân thành hay đang giấu giếm điều gì đó … 

Vì thế, bước đầu tiên của việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu là phó thác trọn vẹn cho Chúa, cho sự Quan phòng của Người, như muốn thưa rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, chẳng cần phải nói với Chúa nỗi đau đớn của con. Con chỉ xin Người ở bên cạnh con: Người là niềm hy vọng của con.” Chúng ta lưu ý thấy một điểm rất thú vị là, trong bài giảng trên núi, ngay sau khi chuyển tải lại lời “Kinh Lạy Cha,” Chúa Giê-su nhắn nhủ chúng ta đừng lo lắng hay phiền muộn về điều gì. Dường như đây là một nghịch lý: ban đầu Người dạy chúng ta xin cho có lương thực hàng ngày và rồi Ngài lại nói với chúng ta: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ‘Ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?’ hoặc ‘Ta sẽ uống thứ gì đây?’ hay ‘Ta sẽ mặc gì đây?’” (Mt 6:31). Tuy nhiên, nghịch lý đó cho thấy một điều rõ ràng rằng: những lời cầu xin của người Ki-tô hữu thể hiện sự tin tưởng vào Chúa Cha, và chính vì lòng tin đó khiến chúng ta cầu xin những gì chúng ta cần mà không phải lo lắng hay bồn chồn.

Chính vì điều này mà chúng ta thưa lên rằng: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng!” Sự cảm nhận trong lời nguyện — lời đầu tiên! “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng!” là sự tôn phục trọn vẹn của Chúa Giê-su trước vẻ tuyệt mỹ và sự vĩ đại của Chúa Cha, và khát khao rằng tất cả mọi người đều nhận biết Người và yêu mến Người. Đồng thời có ý khẩn xin cho Danh Người được thánh hóa trong chúng ta, trong gia đình chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta, trong toàn thế giới. Chính Chúa là Đấng thánh hóa, Đấng biến đổi chúng ta bằng tình yêu của Người, nhưng đồng thời chính chúng ta là những người thể hiện sự thánh thiện của Chúa trên trần gian qua chứng tá của mình, làm cho Danh Người tỏa sáng. Thiên Chúa là thánh thiện, nhưng nếu chúng ta, nếu đời sống của chúng ta không thánh thiện, tức là có sự thiếu mạch lạc rất lớn! Sự thánh thiện của Chúa phải được phản chiếu trong những hành động của chúng ta, trong đời sống của chúng ta. “Tôi là một người Ki-tô hữu, Thiên Chúa là thánh thiện, nhưng tôi lại làm nhiều điều kinh khủng.” Không, như vậy là không đúng. Nó thậm chí còn gây hại; nó gây tiếng xấu và chẳng giúp được gì.

Sự thánh thiện của Chúa là một sức mạnh lan tỏa, và chúng ta khẩn xin rằng những rào chắn của trần gian chúng ta nhanh chóng bị phá vỡ. Khi Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng, điều đầu tiên phải trả giá cho những hậu quả thật ra là sự ác làm khổ con người. Những ác thần thề rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Sự thánh thiện đó chưa bao giờ được nhìn thấy trước đây: không màng quan tâm đến bản thân nhưng luôn hướng ra ngoài. Một sự thánh thiện — sự thánh thiện của Chúa Giê-su — lan rộng như những vòng tròn đồng tâm, giống như khi một viên đá được ném xuống ao nước. Cái ác được đếm từng ngày — điều ác không bất tử –, và điều ác không còn khả năng làm tổn thương chúng ta: một người mạnh đã đến để giữ gìn cho ngôi nhà của Người (x. Mc 3:23-27). Và người mạnh này là Chúa Giê-su, Đấng cũng ban cho chúng ta sức mạnh để giữ gìn cho ngôi nhà tâm hồn của chúng ta.

Cầu nguyện quét sạch mọi sự sợ hãi. Chúa Cha yêu thương chúng ta, Chúa Con đưa tay Người ra để nâng đỡ chúng ta và Thánh Thần hoạt động trong âm thầm để cứu độ thế gian. Và còn chúng ta? Chúng ta đừng lưỡng lự ở những điều không chắc chắn, nhưng chúng ta có một sự chắc chắn lớn: Chúa yêu thương tôi, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống Người cho tôi! Chúa Thánh Thần ngự trong tôi. Đây là điều vô cùng chắc chắn. Vậy còn cái ác thì sao? Nó sẽ sợ hãi, và đó là điều tốt.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/2/2019]


Cuộc họp Liên Bộ là hành động đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh về sự Lạm dụng

Cuộc họp Liên Bộ là hành động đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh về sự Lạm dụng
Photo Of Director Ad Interim Of The Holy See Press Office, Alessandro Gisotti

Cuộc họp Liên Bộ là hành động đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh về sự Lạm dụng

Thông cáo của ‘Quyền’ Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti

25 tháng Hai, 2019 17:18

“Quyền” Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, Alessandro Gisotti, đã công bố thông cáo dưới đây ngày 25 tháng Hai, 2019, về Cuộc Họp Liên Bộ được tổ chức hôm nay tại Vatican, gọi đó là “kết quả thực tế đầu tiên của Cuộc Họp về việc Bảo vệ Trẻ Vị thành niên trong Giáo hội, đã diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng Hai,, 2019.


******


Từ 9:00 sáng đến 1:00 chiều hôm nay, một cuộc Họp Liên Bộ được tổ chức trong Điện Bologna của Điện Tông Tòa Vatican, về chủ điểm của cuộc chiến chống lại sự lạm dụng đối với trẻ em. Cuộc họp này là kết quả thực tế đầu tiên của Cuộc Họp về “Bảo vệ Trẻ Vị Thành niên trong Giáo hội,” đã kết thúc hôm qua. Tham dự trong cuộc họp, cùng với các nhân viên của Phủ Quốc Vụ khanh và các vị Đứng đầu các Bộ quan tâm đặc biệt đến chủ đề, còn có Ủy ban Tổ chức và ngài Điều phối viên là Cha Federico Lombardi, S.J., ngài phản ánh về những phản ứng đối với Cuộc họp và về những sự kiện sau đó.

Trước hết, trọng tâm được tất cả nhất trí về mức độ quan trọng của một Cuộc họp như vậy, là khát khao của Đức Thánh Cha Phanxico. Hơn nữa, rõ ràng một sự kiện như vậy phải được tiếp nối bằng các biện pháp cụ thể theo yêu cầu mạnh mẽ của Dân Chúa. Minh họa trong bối cảnh này là các nguyên tắc nền tảng truyền cảm hứng cho các Tài liệu và những trách vụ, được công bố trong cuộc họp báo kết luận của Hội nghị. Nó được khẳng định rằng những sáng kiến như vậy, phải được truyền đạt theo cách rõ ràng nhất, kịp thời và chi tiết nhất theo khả năng.

Trong các bài phát biểu của những Vị Đứng đầu các Bộ, các ngài khẳng định cam kết tuân theo tấm gương của Đức thánh Cha Phanxico trong cuộc chiến chống lại sự lạm dụng, trọng tâm được đưa ra là sự cần thiết phải lắng nghe các nạn nhân là bước khởi đầu cho cam kết này. Những điểm khác được nhấn mạnh bao gồm: sự tham gia nhiều hơn của giáo dân trong cuộc chiến này và sự cần thiết phải đầu tư vào việc đào tạo và phòng ngừa, tận dụng thực tế với kinh nghiệm vững chắc trong lĩnh vực này. Cuối cùng, trong tinh thần công đồng và hiệp lực, điều được nhấn mạnh rằng đó là cơ hội để thẩm định với các cuộc họp, ở cấp độ liên tỉnh, tiến trình tiếp nối của Cuộc Họp ở cấp độ liên bộ.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/2/2019]