Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Đức Thánh Cha công bố chủ đề Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 54

Đức Thánh Cha công bố chủ đề Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 54

Đức Thánh Cha công bố chủ đề Ngày Truyền thông Thế Giới lần thứ 54

‘Để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe’ (Xh 10:2). Sự sống tạo nên lịch sử.

30 tháng Chín, 2019 08:00

Dưới đây là chủ để được Đức Thánh Cha Phanxico chọn cho Ngày Truyền thông Thế giới Lần Thứ 54, được tổ chức vào ngày 24 tháng Một năm 2020:

“Để ngươi thuật lại cho con cháu ngươi nghe” (Xh 10:2). Sự sống tạo nên lịch sử.

Qua chủ đề này, trích trong Sách Xuất hành, Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh đến sự quý giá vô cùng của tài sản kế thừa của ký ức trong truyền thông. Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh nhiều lần rằng sẽ không có tương lai nếu không được lấy nguồn cội trong lịch sử đã qua. Ngài giúp chúng ta hiểu rằng ký ức không phải là điều được xem là một “thân thể tĩnh”, nhưng hơn thế là một “thực tại sống động.” Chính nhờ vào ký ức mà những câu chuyện, những hy vọng, những ước mơ và kinh nghiệm của thế hệ này được truyền sang cho thế hệ khác.

Ngoài ra, chủ đề của Ngày Truyền thông Thế giới sắp tới nhắc chúng ta nhớ rằng mọi câu chuyện đều được sinh ra từ cuộc sống, từ sự tương tác với người khác. Vì vậy, truyền thông được kêu gọi phải kết nối ký ức với đời sống qua những câu chuyện. Chúa Giê-su sử dụng các dụ ngôn để truyền đạt quyền năng lớn lao của Nước Thiên Chúa, làm cho thính giả chào đón những câu chuyện này một cách tự do và áp dụng chúng cho chính họ. Khả năng tạo ra sự thay đổi diễn tả sức mạnh của câu chuyện đó tới mức độ nào. Một câu chuyện gương mẫu có sức mạnh biến đổi. Chúng ta có kinh nghiệm về điều này khi chúng ta hướng về đời sống của các thánh, được kể qua những câu chuyện. Đức Thánh Cha gần đây đụng chạm đến điểm đó khi nói chuyện với Bộ Truyền thông của Tòa thánh, khi ngài thúc giục rằng “những gia tài vĩ đại” được tạo ra bởi chứng tá cuộc sống của các vị tử đạo được truyền tải đi.

Một lần nữa, trọng tâm thông điệp của Đức Thánh Cha, là con người và những mối quan hệ của họ và khả năng truyền đạt vốn có của họ. Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người, không loại trừ ai, hãy dùng tài năng này để làm trổ sinh hoa trái: để làm cho truyền thông trở thành một khí cụ để xây dựng những cầu nối, để hiệp nhất và để chia sẻ nét đẹp của việc là anh chị em của nhau trong một thời điểm lịch sử được đánh dấu bởi những bất hòa và chia rẽ.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/10/2019]


Đức Thánh Cha Phanxico phản ánh về những thay đổi trong đời sống thiêng liêng của ngài từ khi được bầu lên Ngai tòa Phê-rô

Đức Thánh Cha Phanxico phản ánh về những thay đổi trong đời sống thiêng liêng của ngài từ khi được bầu lên Ngai tòa Phê-rô

Đức Thánh Cha Phanxico phản ánh về những thay đổi trong đời sống thiêng liêng của ngài từ khi được bầu lên Ngai tòa Phê-rô
Tiziana Fabi / AFP

26 tháng Chín, 2019

"Chẳng có phép thuật trong việc được bầu làm giáo hoàng. Mật nghị hồng y không làm việc bằng phép thuật.”

Vatican đã chia sẻ cuộc đối thoại của Đức Thánh Cha Phanxico với anh em Dòng Tên của ngài trong chuyến đi đầu tháng này đến Trung Phi. Trong một phần của cuộc đối thoại, Đức Thánh Cha chia sẻ góc nhìn riêng tư vào đời sống thiêng liêng của ngài từ khi là giáo hoàng.

Ngài nói kinh nghiệm của mình về Thiên Chúa cũng vẫn tương tự, và kinh nghiệm của về tội cũng vậy. Nhưng bây giờ ngài cầu nguyện cho rất nhiều người hơn.

Dưới đây là những gì ngài nói:

Rồi cha Dòng Tên hỏi ngài về kinh nghiệm của ngài về Thiên Chúa có thay đổi hay không và thay đổi như thế nào từ khi ngài được bầu lên ngôi giáo hoàng. Đức Phanxico suy tư một lát rồi trả lời … 

Tôi không thể nói cho anh em, thật vậy. Ý tôi là, tôi nghĩ kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa chẳng có gì thay đổi về bản chất. Tôi thấy vẫn như xưa. Vâng, tôi thấy có ý thức trách nhiệm lớn hơn, rõ ràng như vậy rồi. Lời cầu thay nguyện giúp của tôi đã mở rộng hơn trước đây nhiều. Nhưng ngay cả trước đó tôi đã sống tinh thần cầu thay nguyện giúp và cảm nhận trách nhiệm mục vụ. Tôi tiếp tục tiến bước, nhưng chẳng có gì thay đổi hoàn toàn. Tôi thưa chuyện với Chúa cũng như trước đây. Và tôi vẫn phạm những tội như trước. Việc được bầu chọn lên ngôi giáo hoàng không biến đổi tôi một cách đột ngột, để biến tôi trở nên người ít tội hơn trước. Tôi là tôi và tôi vẫn là một tội nhân. Đó là lý do tại sao tôi xưng tội hai tuần một lần.

Tôi chưa bao giờ được hỏi câu hỏi này, và tôi cảm ơn anh em đã hỏi tôi vì nó làm tôi phải suy nghĩ về đời sống thiêng liêng của mình. Như tôi đã nói với anh em, tôi hiểu rằng mối quan hệ của tôi với Chúa chẳng có gì thay đổi, ngoài việc có ý thức lớn hơn về trách nhiệm và lời cầu thay nguyện giúp mở rộng ra cho toàn thế giới và toàn thể Giáo hội. Nhưng các cám dỗ thì vẫn vậy và vẫn là những tội đó. Việc tôi bây giờ mặc toàn màu trắng chẳng làm cho tôi bớt tội hơn hay thánh thiện hơn trước.

Thật an ủi cho tôi rất nhiều khi biết rằng Phê-rô, lần cuối cùng ông xuất hiện trong các Tin mừng, vẫn còn mỏng giòn như ông trước đó. Tại Biển hồ Ga-li-lê, Chúa Giê-su hỏi ông có yêu mến Ngài hơn những người khác không và bảo ông chăm sóc đoàn chiên của Ngài, và rồi chọn ông. Nhưng Phê-rô vẫn là con người như trước đó: vẫn cứng cỏi, xốc vác. Phaolo đã phải đối mặt với ông và đấu tranh với sự cứng cỏi của ông về người Ki-tô hữu có nguồn gốc từ ngoại giáo chứ không phải Do Thái giáo. Ban đầu Phê-rô ở Antiôkia sống tinh thần tự do Chúa ban cho ông và ngồi chung bàn với những người ngoại giáo và ăn uống với họ, và gạt sang một bên những quy định về ăn uống của người Do Thái. Nhưng rồi có một số người từ Giê-su-sa-lem tới, và vì e sợ, Phê-rô đã rút lui khỏi bàn ăn với những người ngoại giáo và chỉ ngồi ăn chung với những người đã chịu phép cắt bì.

Tóm lại: từ sự tự do ông lại quay về với tình trạng nô lệ vì sợ hãi. Như vậy đó, Phê-rô giả hình, con người của sự thỏa hiệp! Đọc biết về sự giả hình của Phê-rô an ủi tôi rất nhiều và cũng cảnh báo tôi. Trên hết, điều này giúp tôi hiểu rằng chẳng có phép thuật nào trong việc được bầu chọn làm giáo hoàng. Mật nghị hồng y không làm việc bằng phép thuật.

Đoạn sau trong cuộc đối thoại này, Đức Thánh Cha nói thêm về việc cầu nguyện cho người khác:

Cha Afonso Mucane, linh mục xứ coi xứ Sant’Ignazio, thuộc giáo phận Tete, hỏi về một số ý tưởng trong hội Tông đồ Cầu nguyện, bây giờ được gọi là Pope’s Worldwide Prayer Network (Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng) và vừa kỷ niệm 175 ngày khai sinh.

Tôi nghĩ chúng ta phải dạy cho mọi người cách cầu thay nguyện giúp, đó là sự cầu nguyện của lòng can đảm, của parrhesia. Hãy nghĩ đến sự cầu khẩn của Abraham cho thành Sodom và Gomorrah. Hãy nghĩ đến sự can thiệp của Môi-sê cho dân tộc Người. Chúng ta phải giúp mọi người biết thực hành cách cầu thay nguyện giúp thường xuyên hơn. Và bản thân chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn. Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Giáo hoàng, do Cha Fornos hướng dẫn, đang làm rất tốt. Điều quan trọng là mọi người hãy cầu nguyện cho đức giáo hoàng và theo những ý chỉ của ngài. Đức Giáo hoàng cũng bị cám dỗ, ngài bị tấn công rất nhiều: chỉ lời cầu nguyện của giáo dân của ngài mới giải thoát được cho ngài, như chúng ta đọc thấy trong Tông đồ Công vụ. Khi Phê-rô bị tống giam, Giáo hội cầu nguyện liên lỷ cho ông. Nếu Giáo hội cầu nguyện cho giáo hoàng thì đây là một ơn sủng. Tôi thật sự cảm thấy cần phải xin lời cầu nguyện mọi lúc. Lời cầu nguyện của giáo dân là sự nâng đỡ.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/9/2019]