Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô

‘Để mừng kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta ngay ngày đầu năm mới này có nghĩa là nhắc lại sự xác tín sẽ theo suốt những ngày tháng cuộc đời của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có một người Mẹ; chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.’
1 tháng 1, 2017
Bài giảng ngày đầu năm của Đức Thánh Cha trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô
CTV Screenshot
Dưới đây là văn bản bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico do Vatican cung cấp trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phê-rô sáng ngày Lễ Trọng Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong ngày đầu năm, và cũng đánh dấu Ngày Hòa Bình Thế Giới:
***
“Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi chuyện ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng!” (Lc 2:19). Bằng những lời này, Thánh Lu-ca miêu tả thái độ Mẹ Maria trước mọi việc mà Mẹ trải qua trong những ngày đó. Vượt trên thái độ hiểu biết và nắm được tình hình, Mẹ Maria là người phụ nữ có thể ghi nhớ, nghĩa là, bảo vệ và giữ gìn trong lòng, sự hạ thế của Thiên Chúa trong cuộc sống của dân Người. Sâu thẳm bên trong, Mẹ đã học cách lắng nghe từng nhịp tim của Con của Mẹ, và từ đó ngược lại đã dạy cho Mẹ, trong suốt cuộc đời của Mẹ, khám phá ra nhịp đập trái tim của Thiên Chúa trong lịch sử. Mẹ học để trở thành một người mẹ, và trong quá trình học đó Mẹ đã cho Chúa Giê-su kinh nghiệm tuyệt mỹ hiểu được việc trở thành một người Con là như thế nào. Trong Mẹ Maria, Lời Hằng Sống không chỉ trở nên nhục thể, nhưng cũng học để nhận ra được sự dịu hiền của tình mẫu tử của Thiên Chúa. Với Mẹ Maria, Hài Nhi Thiên Chúa học cách lắng nghe những khao khát, những khó khăn, những sự vui mừng và cậy trông của dân được hứa. Cùng Mẹ Maria, Ngài khám phá ra dân tộc trung thành của Con của Thiên Chúa.
Trong các sách Tin mừng, Mẹ Maria xuất hiện là một phụ nữ rất ít nói, chẳng có những diễn từ hùng hồn hay công việc vĩ đại, nhưng là một cái nhìn chăm chú có khả năng bảo vệ được cuộc sống và sứ mạng của Con của Mẹ, và vì lý do này, bảo vệ được mọi điều Ngài yêu thương. Mẹ đã có thể trông coi những khởi đầu của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, và theo cách này Mẹ đã biết cách để trở thành mẹ của nhiều người. Mẹ đến gần với những hoàn cảnh đa dạng nhất để gieo mầm hy vọng. Mẹ đã đồng hành cùng với những thập giá đè nặng trong sự im lặng của trái tim của những đứa con của Mẹ. Có không biết bao nhiêu cách sùng kính, đền thờ và nhà nguyện ở những nơi xa xôi nhất, không biết bao nhiêu ảnh tượng trong gia đình của chúng ta, nhắc chúng ta nhớ về chân lý vĩ đại này. Mẹ Maria cho chúng ta hơi ấm của người mẹ hiền, hơi ấm làm nơi cư ngụ cho chúng ta giữa những khó khăn, hơi ấm tình mẫu tử giữ cho mọi điều và mọi người không làm phai mờ đi cuộc cách mạng của lòng từ bi của Con của Mẹ trong giữa trái tim của Hội Thánh.
Ở nơi đâu có một người mẹ, ở đó có sự dịu hiền. Với thiên chức làm  mẹ của Mẹ, Mẹ Maria cho chúng ta thấy rằng sự khiêm hạ và lòng từ bi không phải là nhân đức của những người yếu đuối nhưng là của những người mạnh mẽ. Mẹ dạy chúng ta rằng chúng ta không được ngược đãi người khác để có cảm giác mình là người quan trọng (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 288). Những người công chính của Chúa luôn chân nhận và tôn vinh Mẹ là Thánh Mẫu của Thiên Chúa.
Để mừng kính Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta ngay ngày đầu năm mới có nghĩa là nhắc lại sự xác tín sẽ theo suốt những ngày tháng cuộc đời của chúng ta: chúng ta là một dân tộc có một người Mẹ; chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.
Những người mẹ là liều thuốc giải mạnh mẽ nhất cho các khuynh hướng theo chủ nghĩa cá nhân và tự cao tự đại, cho sự thiếu vắng tính bao dung và cho sự thờ ơ của chúng ta. Một xã hội không có những người mẹ không chỉ là một xã hội lạnh lùng, mà là một xã hội mất đi con tim, mất đi “cảm giác trong gia đình.” Một xã hội không có những người mẹ sẽ là một xã hội không có lòng thương xót, trở thành một xã hội chỉ có sự tính toán và đầu cơ trục lợi. Vì những người mẹ, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, vẫn có khả năng thể hiện lòng từ bi, sự hy sinh quên mình vô điều kiện và sức mạnh của lòng cậy trông. Tôi đã học được rất nhiều từ những người mẹ có những đứa con đang bị tù tội, hoặc đang nằm trên giường bệnh trong bệnh viện, đang bị nô lệ cho ma túy, tuy nhiên, dù trời nóng hay lạnh, mưa bão hay khô hạn, họ không bao giờ dừng chiến đấu vì những điều tốt đẹp nhất cho các đứa con của họ. Hay những người mẹ trong các trại tị nạn, hay thậm chí đang ở giữa vùng chiến tranh, luôn luôn ôm chặt lấy và hỗ trợ những nỗi đau của các con. Có những người mẹ hy sinh mạng sống của mình để không đứa con nào của họ phải thiệt mạng. Nơi nào có một người mẹ, nơi đó có sự hiệp nhất, có cảm nhận tính thuộc về, sự thuộc về như những đứa con.
Bắt đầu một năm mới bằng cách nhớ lại lòng nhân từ tốt lành của Thiên Chúa trong dung nhan tình mẫu tử của Mẹ Maria, trong dung nhan của tình mẫu tử của Giáo hội, trong dung nhan của những người mẹ của chúng ta, bảo vệ chúng ta khỏi căn bệnh của “những đứa con mồ côi tinh thần” đang gặm nhấm tâm hồn. Đó là cảm giác trở thành mồ côi khi tâm hồn cảm thấy không còn bóng dáng người mẹ và thiếu vắng lòng nhân hậu của Thiên Chúa, khi ý thức của sự thuộc về một gia đình, một dân tộc, một đất nước, thuộc về Thiên Chúa của chúng ta trở nên lu mờ. Cảm giác bị mồ côi cư ngụ trong một tâm hồn chỉ biết yêu chính mình, chỉ có khả năng nhìn vào bản thân và những ích lợi cho riêng mình. Nó lớn lên khi chúng ta quên rằng cuộc sống là một ân ban mà chúng ta đã đón nhận – và mang nợ tha nhân – một ân ban mà chúng ta được kêu gọi để chia sẻ trong ngôi nhà chung này.
Chính tình trạng mồ côi quá yêu bản thân này đã làm cho Ca-in tự hỏi: “Con là người giữ em con hay sao?” (St 4:9). Câu đó hàm ý là: người đó không thuộc về tôi; tôi không nhận ra anh ta. Thái độ mồ côi tinh thần này là một căn bệnh ung thư âm thầm bào mòn và hủy hoại tâm hồn. Chúng ta thậm chí còn bị hủy hoại hơn nữa, vì chẳng ai thuộc về chúng ta và chúng ta chẳng thuộc về ai. Tôi tàn phá trái đất vì nó không thuộc về tôi; tôi ngược đãi người khác vì họ không thuộc về tôi; tôi hạ bệ Thiên Chúa vì tôi không thuộc về Ngài, và cuối cùng chúng ta tự hủy hoại chính chúng ta, vì chúng ta quên chúng ta là ai và “tên thánh” mà chúng ta mang trên mình. Sự đánh mất những sợi dây ràng buộc chúng ta, trở nên quá phổ biến trong văn hóa phân mảnh và chia rẽ, làm gia tăng cảm giác của tình trạng mồ côi và do đó, dẫn đến tình trạng cô đơn và trống rỗng quá lớn. Sự thiếu vắng những mối quan hệ gặp gỡ thật (không phải ảo) đang làm tâm hồn chúng xơ cứng dần (Tông sắc Laudato Si’, 49) và làm chúng ta đánh mất khả năng của lòng từ bi và kinh ngạc, mất khả năng lòng thương xót và trắc ẩn. Tình trạng mồ côi tinh thần làm chúng ta quên đi ý nghĩa của đạo làm con, làm cháu, làm cha mẹ, làm ông bà, là bạn bè và là người môn đệ. Nó làm chúng ta quên đi tính quan trọng của sự vui chơi, ca hát, của nụ cười, của sự nghỉ ngơi, và của lòng biết ơn.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa làm chúng ta phải mở nụ cười thêm một lần nữa vì chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc, rằng chúng ta thuộc về, rằng chỉ trong một cộng đoàn, trong một gia đình, chúng ta mới có thể trở thành những con người tìm được “không khí”, “hơi ấm” giúp chúng ta có thể lớn lên trong tình nhân ái, chứ không phải là những đồ vật chỉ với mục đích “tiêu thụ và được tiêu thụ.” Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không phải là những món hàng để buôn bán có thể trao đổi được hay những bộ máy xử lý thông tin. Chúng ta là những đứa con, chúng ta là gia đình, chúng ta là Dân tộc của Thiên Chúa.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta biết tạo dựng và chăm sóc cho những nơi công cộng để nó có thể tạo cho chúng ta một ý thức thuộc về, ý thức về nguồn cội, ý thức cảm nhận thành phố chúng ta như là nhà của chúng ta, trong các cộng đồng để hiệp nhất và hỗ trợ chúng ta (Tông sắc Laudato Si’, 151).
Chúa Giê-su, trong giây phút cuối cùng tự hiến thân mình trên thập giá, chẳng tìm kiếm gì để giữ lại cho riêng mình, và khi cho đi mạng sống của mình, Người cũng trao chúng ta lại cho Mẹ của Người. Người nói với Mẹ Maria: Đây là con của Mẹ; đây là những đứa con của Mẹ. Cả chúng ta nữa cũng muốn đón nhận Mẹ vào trong nhà của chúng ta, vào trong gia đình, trong cộng đoàn, trong đất nước của chúng ta. Chúng ta muốn tìm được cái nhìn của tình mẫu tử của Mẹ. Cái nhìn giải thoát chúng ta khỏi tình trạng là những đứa con mồ côi; cái nhìn nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta là anh chị em của nhau, rằng tôi thuộc về bạn, và bạn thuộc về tôi, rằng chúng ta là từ cùng một xương thịt. Cái nhìn dạy chúng ta rằng chúng ta phải học cách chăm sóc cho sự sống theo cùng cách thức và cùng với lòng dịu hiền của Mẹ: bằng cách gieo những hạt mầm hy vọng, gieo ý thức thuộc về và ý thức tình huynh đệ.
Mừng Lễ Thánh Mẫu Thiên Chúa nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có một Mẹ. Chúng ta không phải là những đứa con mồ côi.
Chúng ta có một người Mẹ. Chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý này. Tôi mời gọi anh chị em hãy cùng lớn tiếng tung hô ba lần, như các tín hữu của giáo đoàn Ê-phê-sô: Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

[Văn bản gốc: tiếng Ý] [bản dịch (tiếng Anh) do Vatican cung cấp]

[Nguồn: zenit]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 02/01/2017]



QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI

QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI

Ảnh của Ismail Ferdous cho CRS

QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI

Share On

“Một bức ảnh đáng giá hàng ngàn lời nói.”
Những bức ảnh hoàn hảo tạo ra một cảm xúc và sự gần gũi và thường vượt ra ngoài mọi lời nói. Các tấm ảnh xây dựng cầu nối và những mối tương quan. Chúng đưa ra được những cảm xúc và đưa người ta vào những hoàn cảnh có thể xa lạ với họ. Hình ảnh là một cách diễn đạt cho chính mình và cho những người khác.
Nhóm các nhiếp ảnh gia của chúng tôi chụp hàng ngàn tấm ảnh mỗi năm ở mọi miền của trái đất. Nhưng sau mỗi tấm ảnh đều có một câu chuyện. Trong bộ sưu tập này, chúng tôi quyết định đưa các bạn bước về phía sau ống kính, và yêu cầu các nhiếp ảnh gia chia sẻ những câu chuyện của họ.
Michael Stulman
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Đây thực sự là một bức ảnh tình cờ. Cuối một ngày dài đi vòng quanh khu đông bắc Nigeria. Ở một quãng nào đó trên chuyến đi, tôi ăn trúng một món gì đó làm bụng dạ không yên, các thành viên nhóm CRS lo lắng là tôi bị ngộ độc thức ăn. Trong suốt hai năm rưỡi, tôi đã làm gần 30 chuyến đi quốc tế với CRS. Bạn có thể cho là tôi đã tạo được ‘sự miễn nhiễm’ trong lần này, nhưng thực sự tôi thường xuyên bị bệnh.
Điểm dừng tiếp theo là khách sạn của tôi, nhưng khi chúng tôi đi ngang một nông trang – nó rất đẹp – và có một bảng hiệu CRS ngay phía trước. Các nhân viên nói với tôi rằng chúng tôi giúp sửa lại máy bơm nước, và cộng đồng ở đó sử dụng nó là nước uống và tưới hoa màu.  
Chúng tôi quyết định dừng ít phút. Tôi xuống xe, cố trèo lên tháp nước để có cái nhìn toàn cảnh khu vực, nhưng mới tới khoảng giữa chừng, mắt tôi hoa lên và nhận thấy đó là một ý tưởng khủng khiếp. Trong khi những người khác đang thảo luận dự án với các nhà lãnh đạo cộng đồng, tôi ngồi bên cạnh máy bơm nước để nghỉ ngơi.
Đó là thời điểm và lý do tôi gặp được cậu bé trong ảnh. Khi cậu bé rửa tay, tôi ngửa người ra sau và chụp được tấm ảnh.”
Oscar Leiva
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Chúng tôi đi bằng thuyền trong khoảng một giờ trên sông Madre de Dios ở Peru để đi đến một tô giới khai thác vàng, tại đó chúng tôi có thể chụp ảnh và nói chuyện với các công nhân hầm mỏ tại chỗ làm việc. Có một số khu hầm mỏ ở Tambopata Reserve bạn không thể mơ chuyện thâm nhập được vì có những thợ mỏ vũ trang bất hợp pháp ở đó.
Chúng tôi gặp Milo, anh có thể làm được $25 một ngày làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt dưới ánh nắng gay gắt. Anh nói với tôi anh bắt đầu đi đào vàng vì chẳng còn công việc nào có thể đem lại cho anh được số tiền  như vậy. Nhưng Milo đặt sức khỏe của mình vào sự nguy hiểm. Trong ảnh này, anh đang đứng trong thủy ngân khi anh đang cố tách vàng ra khỏi những vật liệu khác.”
Karen Kasmauski
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Ejido Hidalgo, một ngôi làng Mexico nhỏ với cư dân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và một số ít đàn ông, nằm trong giữa một vùng sa mạc mênh mông. Vùng đất thật khắc nghiệt và nước là một nguồn sống còn. Việc làm rất ít; rất nhiều người trẻ đã vượt biên giới sang Mỹ tìm việc. Tôi đã chụp được tấm ảnh một hợp tác xã của một người phụ nữ nhỏ bé và họ đang hy vọng phát triển một doanh nghiệp cây xương rồng.
Bà Basilica Lugo Martinez, 75 tuổi, là một nhà lãnh đạo xã hội của hợp tác xã xương rồng. Khuôn mặt của bà mang những nét hằn sâu của đau khổ và ánh nắng gay gắt. Bà đã mất 5 đứa con trong số 12 người con của bà. Đứa con trai giữa bị giết chết ở tuổi 30 ở Houston, Texas. Bà nói không có điều tra vì cảnh sát nói con trai của bà sống bất hợp pháp và họ chỉ giả định việc đó liên quan đến ma túy; thực ra nó không phải vậy. Bà Basilica nói người Mỹ đã giết con bà. Người chủ của anh ta, một nhà thầu xây dựng, đã trả tiền để đưa xác anh ta về nhà.
Khuôn mặt của bà Basilica chỉ sáng lên một lần — khi bà nói về những mục tiêu mà các phụ nữ trong hợp tác xã muốn đạt được. Bà nói, với một nụ cười, tất cả họ sẽ trở thành thương gia và dự án cây xương rồng là dự án đầu tiên trong số nhiều việc họ muốn làm.”
Ismail Ferdous
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Tôi đi theo thuyền của một nhóm ngư phủ để quay phim cách họ đánh bắt cá. Hầu hết họ trẻ tuổi. Họ thường ra cửa sông nơi nó tiếp giáp với biển vì có nhiều cơ hội bắt cá hơn. Nhưng những nơi đó là nguy hiểm nhất. Hầu hết các con thuyền đều bị đắm vì thủy triều.
Khi tôi đang đến đó, tôi ngồi nói chuyện với họ. Cậu thanh niên trong ảnh khoảng 19 tuổi. Tháng Năm 2013, trong cơn bão lốc xoáy Mahasen, cậu đã bị một cơn sóng lớn quét đi và dạt đến một hòn đảo sau 14 giờ trôi dạt trên sông. Cậu nói bão lốc xoáy bây giờ thường xuyên hơn và thời tiết rất khó dự đoán. Cậu cũng nói rằng cậu chẳng còn lựa chọn nào khác, và vẫn phải tiếp tục làm chài lưới.”
Edu Naranjo
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Chỉ ba ngày sau trận động đất ngày 16 tháng Tư trên miền duyên hải của Ecuador, chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ có tên gọi 'La Chorrera.' Dọc theo bãi biển, những con thuyền chài được biến thành nơi ở. Chúng rất mong manh và chẳng ra hình thù gì của căn nhà, mặt trời của vùng cận xích đạo tấn công bằng toàn bộ sức mạnh của nó. Tôi đi qua từng con thuyền, cố tìm hiểu xem làm sao người ta có thể sống trong những phần còn lại của căn nhà bằng thuyền tạm bợ như vậy. Tôi không thể xóa khỏi đầu mình hình ảnh của cậu bé David 4 tuổi. Cậu bé đan khóc, kinh hoàng và thậm chí bị đau sau khi được cứu khỏi đống đổ nát của căn nhà của cậu. Giữa tiếng khóc và cơn đau, tôi nhìn thấy sự chắc chắn của niềm hy vọng về một sự khởi đầu mới trong đôi mắt của người mẹ 19 tuổi, Nancy, của cậu bé.”
Nancy McNally
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Người ta tập trung ở đây vì hầu như chẳng còn chỗ nào khác để lấy nước. Lựa chọn tốt nhất tiếp theo là chuyến đi một ngày thoát khỏi đây. Một người phụ nữ đang đào sâu nhiều mét xuống dưới đất để tìm nước nói với tôi, ‘Xin làm ơn nói cho mọi người biết những gì đang diễn ra ở đây.’ Ngay sau đó tôi nhìn thấy một cô bé gái bước qua đám bùn ruộng khô nứt nẻ, từ xa xa, một màu sắc làm giật mình trong một cảnh chẳng có chút sức sống, và tôi muốn cho thấy câu chuyện đó. Người ta cũng mang theo những con thú vật của họ, nhưng rất ít người còn có nước để uống. Bây giờ, một năm sau, vẫn không có mưa ở nhiều nơi ở Zimbabwe.”
Robyn Fieser
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Lần đầu tiên tôi gặp hai cô bé này khi tôi đang lái xe ngược lên bờ biển của bán đảo nam Haiti để chứng kiến sau trận bão Matthew, một cơn bão tấn công vào đảo quốc này ngày 4 tháng Mười. Hai cô bé và mẹ còn trụ lại qua cơn bão trong đống đổ nát trong căn nhà xi-măng hai phòng của họ, nhưng khi các bức tường bắt đầu bị nứt, họ phải chạy đi tìm nơi trú ẩn trong nhà của một người hàng xóm ở trên đầu đường. Khi tôi gặp họ vài ngày sau trận bão, họ vẫn còn hoảng hốt vì tốc độ cơn bão quét sạch mọi thứ quá nhanh — nhà cửa, gia súc và cây cối xung quanh họ. Hai cô bé dẫn tôi đi vòng vòng quanh khu xóm. Kéo tay tôi, hai cô bé dẫn tôi qua những gì còn lại của ngôi chợ và chỉ cho tôi thấy con lừa của người hàng xóm đang trôi trên một mương ngập nước.
Một vài ngày sau, tôi trở lại với cộng đồng của họ, chụp ảnh cho một ấn bản của CRS. Chúng tôi mang đến lương thực và những bộ dụng cụ vệ sinh (xà phòng, khăn lông và mấy thứ khác) cho các gia đình đã chờ đợi sự giúp đỡ nhiều ngày. Hai cô bé nhìn thấy tôi trước tiên. Giữ chặt những cái xô chất đầy đồ cứu trợ, hai cô bé im lặng nắm lấy tay tôi, nhìn tôi và mỉm cười. Rồi hai bé chạy đi chơi, giống như mọi bé gái. Tôi rất mừng nhìn thấy hai bé và mẹ của các bé. Tôi thậm chí còn vui hơn khi nhìn thấy các bé chơi đùa.”
Philip Laubner
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Chúng tôi đã lái xe qua những khu trông như các khu đồng bằng sa mạc gần 10 phút. Chúng tôi đi theo một nhóm ngư dân địa phương chứ không thì chúng tôi lạc đường, vì địa hình ở đây trông hoàn toàn giống nhau.
Chúng tôi đến chỗ có các thuyền nằm giữa vùng sa mạc mới, trước đây là đáy hồ Poopó. Hồ nước lớn thứ hai của Bolivia đã trở thành nạn nhân của nhiệt độ nóng lên toàn cầu và đào hầm mỏ. Nơi chúng tôi đến đã từng nằm sâu nhiều mét dưới nước, chỉ cách đây vài năm trước.
Ông Benito Aima, 67 tuổi, kéo những tấm lưới từ dưới gầm thuyền của ông và giơ lên để chúng tôi có thể nhìn thấy những con cá nhỏ chết trang trí cho tấm lưới giống như đồ trang trí cho sự chết chóc. Ông rất thân thiện và trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi, nhưng ông cũng rất mệt mỏi. Ông nói rằng chúng tôi không phải là nhóm đầu tiên điều tra sự biến đổi khí hậu đến hỏi ông về tai họa của ông. Ông chỉ muốn biết tại sao ông lại bị hỏi những câu như vậy, và tại sao, với tất cả những bằng chứng như vầy, mà thế giới lại quá chậm chạp trong việc trợ giúp cho ông và hàng ngàn gia đình khác đã mất phương kế sinh nhai của họ. Thật đáng phải suy nghĩ.”
Jen Hardy
QUA ỐNG KÍNH CỦA CÁC NHIẾP ẢNH GIA 2016 CỦA CHÚNG TÔI
“Là một người mẹ thì rất hạnh phúc, nhưng đôi khi tôi cũng rất mệt. Tôi có 6 đứa con. Chúng là gia tài của tôi, điều duy nhất tôi để lại cho thế giới, nhưng có những ngày tôi mất kiên nhẫn. Tôi luôn xin lỗi, và tôi làm việc để cho chúng một tương lai tốt. Nhưng đúng, là một người mẹ – đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến trong một ngày của tôi. Tâm hồn tôi luôn ngập tràn, đôi khi với hạnh phúc, đôi khi với những lo lắng. Đấy có phải là tất cả những gì khi là một người mẹ?” – Agostinha Dionisia da Costa
“Tôi đến thăm Agostinha Dionisia da Costa ở Baguia, Timor-Leste. Chị đứng đầu một nhóm chăm sóc giúp đỡ những phụ nữ mang thai và những người đang chăm sóc con nhỏ hiểu về chế độ dinh dưỡng tốt, cũng như giúp họ trồng những loại rau củ giàu dinh dưỡng để ăn cùng với thực phẩm chính là cơm, củ mì, bắp và khoai sọ.
Chị rất năng nổ. Chị rất thẳng thắn và cười thật lớn trước khi giấu nó sau bàn tay che miệng. Chị thẳng thắn nói về những khó khăn của chị và những gì làm cho chị cảm thấy hy vọng. Chị chia sẻ kinh nghiệm của chị với những phụ nữ bị sẩy thai để trao đổi về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ trẻ. Chị rất yêu gia đình và hàng xóm. Chị đã cố gắng nấu đậu làm sao được mềm nhưng không nhão.
Tôi có hàng tá những ảnh “tiêu biểu” của chị Agostinha cho NGO (tổ chức phi chính phủ), trong đó chị đang cười và đang tích cực hướng dẫn buổi thảo luận nhóm. Đây là tấm ảnh yêu thích nhất của tôi vì nó cho thấy những sự khó khăn thường rất dễ bị che giấu trên mặt trước một người khách. Làm một người mẹ ngập tràn niềm vui và những mệt  mỏi đau đớn. Tôi rất tự hào vì Agostinha sẵn sàng chia sẻ cả hai mặt của hành trình của chị. Trải qua một ngày với chị làm cho tôi muốn trở về và tặng cho tất cả những người bạn bè của tôi có con nhỏ một cú đập tay chúc mừng thật mạnh.”
[Nguồn: crs]



[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 31/12/2016]