Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

Chuyên gia Bệnh Truyền nhiễm (và là Phó tế) cung cấp những lời khuyên về Coronavirus



10 tháng Ba, 2020

Chuyên gia Bệnh Truyền nhiễm (và là Phó tế) cung cấp những lời khuyên về Coronavirus

Tiến sĩ Timothy Flanigan nói rằng chúng ta đang trong giai đoạn tăng mạnh và sẽ có nhiều ca nhiễm virus chết chóc này, nhưng có nhiều việc chúng ta có thể làm trong cộng đoàn, là người Ki-tô hữu, để giúp ngăn chặn sự lây lan đại dịch này.


Với loại coronavirus chủng mới COVID-19 hiện nay có mặt trong 80 quốc gia với hơn 100.000 ca nhiễm được xác định — và đã có 3900 ca tử vong do nhiễm bệnh, nhiều người đang hoảng loạn vì sự lây lan của virus và nó ảnh hưởng ra sao đến gia đình của chúng ta — và chính bản thân chúng ta. Trên 600 ca đã phát hiện ở Hoa Kỳ và riêng New York đã có 142 trường hợp với tỷ lệ tăng 35% chỉ trong một ngày. Chưa nói đến những gì chúng ta nhìn thấy ở những nơi như nước Ý và bây giờ là Tây Ban nha.

Tiến sĩ Timothy Flanigan, một phó tế Công giáo và là giáo sư y khoa trong phân khoa bệnh truyền nhiễm tại trường Y khoa Alpert thuộc Đại học Brown, nói rằng tính nghiêm trọng của coronavirus phải được đánh giá nghiêm túc, và mặc dù nỗi sợ hãi là có lý, nó cũng dễ hiểu.

“Những gì các bạn đang nhìn thấy là hoàn toàn mới và vô cùng bất ngờ. Nó làm bùng lên mức độ sợ hãi nhưng nó cũng đòi hỏi sự thích ứng của hệ thống y tế. Vì vậy bất kỳ bệnh nhân nào nhập viện với dấu hiệu của coronavirus chủng mới phải được cách ly hoàn toàn. Và đó là một điều khó khăn và các xét nghiệm phải được thực hiện.”

Tiến sĩ Flanigan nói chính việc có sẵn hệ thống xét nghiệm là lý do của những con số ca nhiễm bệnh gây choáng váng. Vài tháng trước, việc xét nghiệm virus còn bị giới hạn, nhưng bây giờ những bộ xét nghiệm đã có sẵn, con số sẽ tiếp tục gia tăng.

“Trong hai tuần tới khi chúng ta tăng khả năng xét nghiệm lên gấp 10 lần, chúng ta sẽ chắc chắn có con số tăng 10 lần những ca nhiễm. Nhưng tôi không thể cho bạn biết hệ thống y tế của chúng ta tốt như thế nào khi chăm sóc những người thật sự cần đến nó.”

Nói với Teresa Tomeo, dẫn chương trình của Catholic Connection trên đài phát thanh EWTN ngày 9 tháng Ba, Tiến sĩ Flanigan cho thấy những ca nhiễm ở Trung Quốc nơi virus được phát hiện đầu tiên vào cuối năm ngoái hiện đang giảm xuống. Bác sĩ nói rằng chúng ta đang trong một giai đoạn hoàn toàn khác.

“Chúng ta đang trong giai đoạn tăng ở Hoa Kỳ, nếu bạn nhìn đến con số tăng những ca nhiễm ở các quốc gia khác khi bệnh này xâm nhập vào và lây lan. Vì vậy mỗi ngày, chúng ta đều nghe những ca nhiễm mới, các tiểu bang mới, và nó cứ tăng, vì thế nó là mối lo ngại thật sự, không có câu hỏi nào về nó cả.”

Bản thân Coronavirus thì không có gì là mới. Đã từng có những đợt bùng phát của nó, nhưng Tiến sĩ Flanigan nói COVID-19 là trường hợp duy nhất và đang lo ngại về sự đột biến này đang gây ra.

“Hiện nay hầu hết các loại coronavirus cũ đều gây ra bệnh cảm lạnh. Bạn cảm thấy uể oải nhuốm bệnh nhưng nó không gây viêm phổi. Loại virus này đã biến thể nên nó bám vào các thụ quan sâu trong phổi. Vì vậy nó có thể gây ra viêm phổi, giống như cách thức bệnh cúm có thể gây viêm phổi.”

Khi các loại coronavirus cũ gây viêm hô hấp trên, Tiến sĩ Flanigan nói rằng loại biến thể mới này, COVID-19, “bây giờ có thể gây viêm hô hấp dưới tức là bệnh viêm phổi. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có bệnh phổi tiềm ẩn, và bạn bị viêm phổi do virus thì đó có thể là một thách thức lớn cho bạn.”

Và đó cũng là một công tác nặng nề cho các bệnh viện của chúng tôi với sự gia tăng mạnh những ca cấp cứu.

“Nó cũng sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong hệ thống y tế, vì nó rất mới, chúng tôi đang cố gắng đánh giá và tiếp nhận bệnh nhân, nhưng nó đòi hỏi mức độ cách ly tạo căng thẳng cho hệ thống.”

Tiến sĩ Flanigan nói, tín hiệu tốt là với sự vệ sinh đúng cách và việc rửa tay có thể giúp ngăn ngừa căn bệnh này.

“Loại này cũng lây lan như những bệnh do virus về đường hô hấp khác, điều đó có nghĩa là mọi người đều có thể làm gì đó để giúp ngăn chặn sự lây lan coronavirus. Cộng đồng không phải là bất lực. Điều đó không có nghĩa là chúng ta cần phải dừng cuộc sống lại. Tất cả chúng ta đóng vai trò quan trọng trong công việc gia đình và trong cộng đồng, trong các nhà thờ của chúng ta.”

Tiến sĩ Flanigan thúc giục người Công giáo không đánh mất bản sắc Ki-tô giáo giữa những lộn xộn và hoảng loạn. Virus này tàn phá nhiều nhất đối với người lớn tuổi và những người có các vấn đề về hô hấp tiềm ẩn. Các nhà dưỡng lão ở tiểu bang Washington bị ảnh hưởng nặng nề. Thêm hai cư dân của nhà dưỡng lão đã chết sau khi bị nhiễm COVID-19, đưa tổng số người chết ở Hạt King County lên 22 người và toàn tiểu bang lên 24 cho tới ngày 10 tháng Ba.

Sự mong manh của các bệnh nhân tại nhà dưỡng lão và những người tại các cơ sở điều dưỡng chuyên môn đã đưa ra các quy tắc thăm mới, một vài nơi hoàn toàn từ chối khách thăm.

“Họ treo các bảng hiệu bên ngoài nói rằng: nếu bạn đã bị bệnh về đường hô hấp, đừng đi vào. Hãy đến thăm một lần khác. Hãy chắc chắn bạn có sử dụng nước rửa tay có cồn hoặc đã rửa tay, và không bắt tay tất cả mọi người — bạn đến đó chỉ để thăm thân nhân — và chỉ như vậy là tốt rồi.”

Nói chuyện với Tracy Sabol, người dẫn chương trình Bản tin hàng đêm của EWTN, Tiến sĩ Flanigan nói rằng chúng ta không thể không chăm sóc những người mà chúng ta yêu thương vì sợ virus.

“Hãy thể hiện sự hỗ trợ bạn cần làm — tất cả chúng ta không thể cách ly nếu tất cả đều có công việc để làm — cho gia đình, cho bạn bè, cho cộng đồng của chúng ta, cho công việc. Vì vậy, chúng ta cần phải ra ngoài, nhưng chúng ta có thể ngăn chặn sự lây lan của virus này, thường là từ người sang người, từ tay sang tay.”

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp và giữ vệ sinh hoàn hảo là điều quan trọng nhất để dập tắt đám lửa lây nhiễm tràn lan này. Rửa tay, che miệng khi ho, và ở nhà nếu cảm thấy không khỏe là rất quan trọng. Tuy nhiên, có những triệu chứng thực sự không được bỏ qua và phải tìm đến bệnh viện gần nhất.

“Khi bạn rất khó thở — khi bạn không thể đi bộ lên cầu thang — bạn gặp khó khăn khi nói những câu trọn vẹn. Khi bạn bị sốt cao, đó là một điều quan tâm đáng kể. Khi bạn cảm thấy choáng váng, hoặc mất nước. Với tất cả những hiện tượng đó, bạn phải đến phòng cấp cứu ngay lập tức.”

Trong khi đó, Tiến sĩ Flanigan nhắc nhở tất cả chúng ta trong Mùa Chay này hãy sống và giúp đỡ những người trong gia đình và cộng đồng của chúng ta trong thời gian khó khăn này, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất — người già và những người cô đơn.

“Chúng ta cũng cần chăm sóc lẫn nhau. Có rất nhiều người cô đơn, sợ hãi, những người không có ai để gọi vào lúc nửa đêm khi họ hãi sợ. Và ngay cả khi chúng ta đau khổ, chúng ta không bao giờ cô đơn … vì Đức Ki-tô luôn ở bên chúng ta.”

Tiếng gọi trở thành người Ki-tô hữu là một tiếng gọi sâu thẳm và giữa những lo âu và hoảng loạn về một loại virus đang làm khổ nhiều người, Tiến sĩ Flanigan nhắc nhở chúng ta về tiếng gọi cao cả này:

“Chúng ta hãy trợ giúp nhau. Hãy là người Ki-tô hữu — đó là thách đố thật sự của cuộc sống.”



[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/3/2020]


Đức Thánh Cha gửi thư đến Bắc Ý: Hy vọng ngay cả trong dịch Coronavirus

Đức Thánh Cha gửi thư đến Bắc Ý: Hy vọng ngay cả trong dịch Coronavirus

Đức Thánh Cha gửi thư đến Bắc Ý: Hy vọng ngay cả trong dịch Coronavirus

10 tháng Mười, 2020

Đức Phanxico khen ngợi sự thiện chí và hợp tác

Đức Thánh Cha Phanxico viết một thư ngỏ, đăng trên tờ nhật báo Padua, thể hiện lời cầu nguyện và sự gần gũi của ngài với tất cả những người đang gánh chịu hậu quả của Coronavirus.

Chính phủ Ý đã yêu cầu cả nước phải ở nhà ngoại trừ những công việc khẩn cấp, trong một nỗ lực hạn chế sự lây lan virus. Các nhà chức trách đã đóng cửa Quảng trường Thánh Phê-rô không để công chúng tham quan. Các Thánh Lễ cộng đoàn, kể cả đám tang, đã bị đình chỉ cho đến đầu tháng Tư.

Đức Thánh Cha Phanxico viết, “Sự đau khổ và cái chết mà anh chị em đang gánh chịu, cũng như trong các vùng khác của nước Ý vì Coronavirus là một lý do để cha cầu nguyện và thể hiện sự gần gũi. Nó cũng là lý do cho niềm cậy trông của người Ki-tô hữu,” ngài tiếp tục, vì “ngay cả trong những thời khắc này thì Thiên Chúa vẫn đang nói với chúng ta.”

Đức Thánh Cha thừa nhận tình hình là vô cùng nguy hiểm, nhưng nói rằng nó cũng là một “cơ hội để nhìn thấy sự thể hiện khả năng của những người nam và nữ thiện chí,” và ngài khen ngợi những nỗ lực anh hùng của các nhân viên y tế và trợ y là “quan trọng hàng đầu.”

Thiện chí, “cộng với ý thức mạnh mẽ về tính trách nhiệm và sự hợp tác với các giới chức trách, trở nên một giá trị cao mà thế giới đang rất cần,” ngài viết.

Nhấn mạnh rằng năm nay, thành phố Padua miền Bắc Ý được gọi là “Kinh đô Thiện nguyện của Châu Âu,” Đức Thánh Cha gọi đây là “một cơ hội tuyệt vời cho thành phố của anh chị em kể cho thế giới biết về DNA của mình,” trong đó bao gồm việc quảng đại sử dụng thời gian và chia sẻ những tài năng.

Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi người dân Vùng Veneto của Ý hãy tự hào về lịch sử của họ và đón lấy trách nhiệm “vì tất cả những gì tốt lành được gieo trồng bởi những người đã đi trước anh chị em.”

Trong thư, Đức Thánh Cha Phanxico nhắc lại khẩu hiệu Padua đã chọn làm mạch dẫn dắt cho năm tình nguyện: “Cùng nhau khâu nối nước Ý.” Ngài viết rằng động từ “khâu nối” nhắc đến việc may vá và sửa chữa: “là những hoạt động vô cùng cần thiết sau khi có một vết rách, một vết thương.”

Ngày nay chúng ta bị cám dỗ vứt bỏ hơn là sửa lại, Đức thánh Cha Phanxico viết: “Đó là một định mệnh chúng ta dành không riêng cho các đồ vật, mà cho cả con người, đặc biệt đối với những người yếu đuối nhất.” Không một ai, ngài nói, “đáng bị từ chối một ánh mắt nhìn chăm chú đầy yêu thương và một cử chỉ tốt lành.”

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bằng lời giải thích lý do ngài chọn đăng thông điệp của ngài trên các trang của tờ báo Il Mattino của Padua, vì ngài muốn nó là “một sự quan tâm” dành cho những người đau khổ trong thời gian này. Ngài mở rộng sự quan tâm tượng trưng đó “tới tất cả những thành phố khác cùng chia sẻ trong thời điểm này, đồng thời đang làm chứng tá của sự thiện chí cho thế giới.”

Lời cuối cùng và lời chúc lành của ngài gửi đến tất cả những ai đã bị mất người thân yêu, người già, bệnh nhân và những người đang trong tù: bất kể ai, vì tình trạng khẩn cấp của Covid-19, đã không thể nhận được ngay cả một sự an ủi đơn giản của một cuộc viếng thăm.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/3/2020]